Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

Thương quá rau răm - Nguyễn Ngọc Tư

Nguyễn Ngọc Tư | Đặc sản miền Nam

 

 

Ông Tư Mốt chỉ cái dãi xanh mù mù trong mưa, bảo cù lao Mút Cà Tha kìa. Văn ờ, nói thấy xa quá chú ha. Ông cười, gạt ngang, xa gì, đây tới đó mấy hồi. Rồi chiếc xuồng máy nhỏ mong manh rập rờn đi trong giông gió. Người thành phố ngồi ngấm cái “mấy hồi” của ông già, mừng tủi thấy màu xanh cây cỏ cù lao đã thẫm trước mắt (mà sau mới biết mình mừng hụt). Mưa dịu lại, hạt nhỏ rức nhưng gió mạnh lên, thổi xà quần, không biết đâu là chiều hướng. Ông Tư quăng cho Văn cái can nhựa còn ít xăng, bảo, tới khúc “mứt” nghen, coi chừng lật xuồng. Mà, có kịp coi gì, Văn thấy mình ngã ập xuống nước, hành lý trôi mất, lên tới bờ anh chỉ còn trụi trơ bộ đồ đang mặc. Ông Tư kè chiếc xuồng vô sau, dậm chân dậm cẳng bứt đầu gãi tóc như thể mình vừa lỡ tay làm nên cơn giông chiều nay. Bởi ông biết rằng, mưa gió kia, sóng nước mênh mông kia và cả màu chiều đang lịm dần kia sẽ làm cho người bác sỹ trẻ này thất vọng. Bác sỹ thứ sáu về làm việc ở trạm xá cù lao. Năm người trước đã ra đi, đi vì không chịu nổi thiếu thốn. Và buồn.

 

 

<!>

 

Cù lao Mút Cà Tha nằm gần cuối sông Dài, trên nó một chút có một nhánh sông khác rẽ về phía mặt trời, rộn rịp được đoạn đó rồi thôi. Mút Cà Tha nằm hiu hắt, lâu lâu mới thấy bóng dáng một con tàu lớ ngớ chạy vào rồi lại tẻn tò quay ra vì lầm đường, vì không biết đằng sau cù lao, sông cụt. Ngó sông vắng vẻ quá trời buồn, nhìn cảnh cù lao còn buồn hơn. Buồn từ mùi ổi chín phảng phất trong vườn, từ giọng người ới lên một tiếng rồi bặt, dư âm còn thâm u trên các ngọn cây, tiếng cạo cơm cháy xa vẳng trong nắng chiều... Từ mé rừng mắm chống lở đất phía bên này, đi hết vườn cây này gặp được một căn nhà thì lại tiếp đến vườn cây trái khác. Cuối cùng là bãi bồi, dây khoai lang bò xùm xòa phủ kín đất. Bóng người ẩn hiện dọn cỏ dưới các gốc cây. Bên đường thấp thoáng nhiều nấm đất con con của những đứa trẻ kiệt sức vì bị đẹn mà chỉ được rơ miệng bằng cỏ mực, những đứa trẻ bệnh sốt xuất huyết chỉ chữa bằng cạo gió, uống nước mía lau, rễ tranh, những đứa trẻ mắc thương hàn bị thủng ruột vì tự do chạy ra vườn ăn ổi chua, ổi chát... Những gò đất ấy đã cũ mèm rồi, bây giờ người cù lao hiểu biết nhiều, nhưng vẫn còn chuyện rủi may, còn người bị rắn độc cắn, chết trên đường ra bệnh viện huyện. Hôm ấy, trưởng ấp Tư Mốt tuyệt vọng nắm chặt hơi thở cuối của ông bạn láng giềng trong tay, tuyệt vọng thấy nó tan đi, ông về nhà viết lên tường trạm xá “Cương quyết chỉ chết vì già”. 

 

Nhân viên y tế nào mới về ngó câu khẩu hiệu ấy cũng cười, cũng thương. Nhưng rồi nửa khuya ngồi ăn mì gói, nghe cú kêu lẫn tiếng radio khọt khẹt (để chút âm thanh đấy cho đỡ quạnh), vạch đi vạch lại tờ báo cũ mèm, họ sực nhớ phải về quê lấy vợ, lấy chồng, sực nhớ vợ mình mới sinh, sực nhớ tội nghiệp ba má đã già… Và họ từ giã cù lao. Ông Tư Mốt ờ ờ ra chiều thông cảm, vẻ mặt cố tỏ ra không buồn nhưng hàm râu xuôi xị. Họ ngoắc đò đi rồi chú còn đứng mãi trên bến, nghĩ giận đám trẻ cù lao đã được học hành nhưng chẳng đứa nào chịu quay về.

 

Nên chú bảo với bốn mươi ba nóc gia sống trên Mút Cà Tha, “Bất cứ người xứ lạ nào đến làm việc ở đất cù lao đều quý, mình phải đối xử cho tử tế, thiệt tử tế”. Gặp Văn lần đầu tiên, ông nghĩ ngay, phải giữ thằng nhỏ này ở lại cù lao, thấy cái mặt buồn buồn, ngó bộ đàng hoàng. Ông nghĩ là mình có cách, không có gì sâu nặng bằng tình cảm người với người. Thì ông đã rịt chân mấy thầy cô giáo cho đám trẻ cù lao đấy thôi. Hôm Văn đến, bà con ôm lại cho một đống áo quần, góp gạo đổ vô thùng, câu cá đem rọng. Rồi mấy con cá ốm nhom, trắng dờ con mắt, lội vật vờ tới lui chờ hoá kiếp mà Văn vẫn còn ngợp trong mớ lời mời, hết nhà này đến nhà khác, bữa thì cháo vịt, cháo rắn, bữa khác tôm nướng, lươn um... 

 

Mà, trông Văn vẫn buồn, buồn chen giữa hai cái cười, nó tranh thủ cả khi Văn đưa ly rượu lên môi và để ly không xuống (còn lúc uống thì mặt Văn nhăn nhúm lại, vẻ buồn không rõ ràng). Hỏi làm sao buồn thì Văn cười, ủa, cháu có buồn gì đâu. Hỏi nhớ thành phố à, Văn cũng cười, không, thành phố có gì mà nhớ. Hỏi nghĩ sao mà tình nguyện về đất cù lao này, nghe tên Mút Cà Tha bộ không ớn sao, Văn (lại) cười, không, có nghĩ gì đâu, cháu chọn nơi nào hẻo lánh ít người... Nghe cái giọng như đời ta là lục bình, trôi đâu cũng được, càng xa càng tốt.

 

Nhưng trưởng ấp Tư Mốt phải làm cho anh chàng hiểu đời anh có ý nghĩa với đất này như thế nào, thiếu anh người cù lao sống không nổi chớ chơi à. Buổi sáng có người chạy lại than nhức đầu, sổ mũi, buổi chiều thêm chứng chóng mặt, đau mình. Vài ba chị phụ nữ đỏ mặt thập thò ngoài cửa, trong bụng rủa thầm ông già Tư Mốt, đau bụng kinh cũng bắt đi trạm xá, mắc cỡ gần chết. Trưởng ấp tà tà dài theo xóm, thấy ai rảnh rỗi là kêu, đứng đó làm gì, sao hỏng lại trạm xá cho bác sỹ người ta khám. Trời đất, bệnh gì mà khám chú Tư. Ông nói tỉnh bơ, khều khều bộ râu, “Có chứ sao không, hễ mầy nhậu xỉn là ói, để vậy không tốt, lại kiếm thằng Văn đi”. Mới đầu thì Văn không biết, nên thấy có bà cụ chống gậy lại bảo bác sỹ coi bệnh dùm, Văn hỏi bà bị gì, bà cười, tui suy nghĩ chưa ra. Thuốc hết, huyện chưa kịp gởi, Văn áy náy, tần ngần đưa mấy thứ B1, B6 cho con bệnh đau bao tử, uống xong, ông này phởn phơ đứng dậy, tươi rói bảo, trời đất ơi, thuốc chú mầy quá chừng hay. Văn đâm ra lạ. Cho tới bữa đám con nít khiêng một thằng bé ở truồng lại, nhao nhác nói chim của thằng Út Chót bị còng kẹp rồi, nó sưng chù vù nè chú bác sỹ ơi. Văn mắc cười quá, hỏi sao tới nông nổi vầy, thằng Út Chót khọm rọm lấy tay bụm chỗ đau, phều phào nói trong nước mắt, “Tại bác Tư biểu ai cũng phải đi khám cho chú bác sỹ vui, chú không bỏ về thành phố. Con đâu có bịnh, tính bắt còng kẹp chơi...”. Văn chỉ kêu được hai tiếng trời ơi.

 

Và anh hiểu tại sao ông già ấy lại quan tâm tới mình. Chiều nào ông cũng lại chỗ Văn, rủ rỉ rù rì. Ông biết giờ đó, bà mụ Năm, nhân viên thứ hai của trạm xá đã về nhà, có thể Văn thấy cô đơn. Ông kêu đám thanh niên lại chỗ Văn đàn hát tẳng tằng tăng, dẫn Văn đi câu cá hay soi ếch trong “mà”. Văn tham gia nhiệt tình nhưng không tha thiết như người đi đường thấy vật lạ thì cầm lên, rồi lại bỏ xuống, đi tiếp. Có lần ông Tư hỏi nhà Văn ở khúc nào, Văn bảo ở chỗ ấy chổ ấy mà trong bụng buồn cười, nghĩ nói cho có chứ chắc gì ông biết, nghe cái giọng như thể thành phố nhỏ bằng cù lao. Không ngờ ông biết thật, nói hồi giải phóng, trung đội ông đánh vô đường đó. Ban quân quản còn cấp cho ông căn nhà đằng trước có khoảng sân ngập tràn bông giấy rụng. Văn hỏi, rồi sao bác lại ra sống ở đây. Ông cười, vì cái đất này cần mình. Nói xong câu này, ông lén dò xét coi thằng nhỏ có bắt được cái ý nghĩa ngầm mà ông gởi gắm không, chỉ thấy Văn ngó lên trời, ngó xa xôi, hỏi nhìn gì, Văn ù ờ, bảo nhìn chim bay, không biết tụi nó bay tới đâu, về tận đâu. Trưởng ấp Tư Mốt thấy bất an, về nhà biểu con gái sớt nửa nồi bí hầm dừa bưng qua trạm xá. Con Nga dạ rồi tong tả đi. 

 

Nó thường được ông Tư sai bưng thức ăn đến trạm xá cho Văn. Nhiều nhất, thường nhất là món khoai luộc nóng hổi, thơm bừng. Bưng rổ khoai từ nhà đến chỗ Văn, khói mềm cả ống tay áo Nga. Trời trở chướng, gió ráo hanh nhưng nước lên, sân trước trạm xá ngập lênh láng, con Nga xoắn quần quá gối lội qua, thấy Văn, nó thưa thẻ thọt “Ba em gởi anh ít khoai” rồi về. Lần sau, nó xoắn quần thấp một chút, bảo ăn khoai đi anh. Sau nữa nó cứ để ống quần bết nước, lọng cọng đứng ngoài cửa, hai gò má rựng lên, gọi “Ăn khoai nè”. Lúc đấy thì nói ít, thẹn thò nhưng ở lại lâu, dọn dẹp lăng xăng, quét trên quét dưới, bắc nồi cơm lên bếp, làm cá nấu canh chua trái giác, sung sướng thấy mình bận rộn giống hệt mấy nhỏ bạn mới lấy chồng (tụi con gái thường hay điên vậy, tới khi xà quần chồng con thật, lại than số mình cực như trâu) . Rồi sực nhớ bếp ở nhà lạnh tanh, nó chạy về. Ông Tư ngồi trước cửa, giấu sự thắc thỏm (Và một chút lưỡng lự, mình tạo điều kiện cho hai đứa gần gủi vầy có sao không ta). Cố tươi tỉnh, ông hỏi ngay, “Con Nga lo cho anh bây xong chưa ? Mắc gì mà mầy cười suốt từ ngoài đường vào đây ?”. Dạ, con Nga chối bay, con đâu có cười, tại ba má sanh cái miệng con vậy mà. Nói rồi nó chạy vô bếp, bâng khuâng cười thêm một hồi nữa…

 

Chủ nhật, Văn mượn xe đạp chở con Nga đi chơi lòng vòng cù lao. Nga ngồi đằng sau, khép nép, sượng trân, sợ ai đó thấy hai đứa vầy, một hồi lại sợ không ai thấy, nó tiếc nuối chép miệng:

- Bữa nay người ta đi đâu hết trơn rồi cà, vắng dễ sợ.

Quẹo qua quẹo lại, nói đất nói trời (chỉ thiếu nói lời thương yêu), cuối cùng hai đứa ra bãi đào khoai. Văn hỏi má Nga đâu, nó cười, chết rồi, chết hồi sanh em, chết trên xuồng. Văn về ngó cái khẩu hiệu ông Tư vẻ trên tường. Thấy nó đỏ như một lời thề.

Bữa nọ Nga đem mấy cần xé ổi ra chợ huyện cân cho vựa thì gặp đám bạn Văn xốc xếch đứng trên bến. Nga cho quá giang về Mút Cà Tha (mà không hiểu sao trong bụng muốn nhận chìm xuồng cho tụi này bỏ ý định ra cù lao cho rồi). Ngồi dưới xuồng, ba thằng trai cứ khen Nga đẹp, nhìn là muốn ở lại đất cù lao này hoài, hai đứa gái bĩu môi, tủm tỉm cười, nói bữa nay dê thả tùm lum ngoài đường. Nga không để ý, những lời nói ngọt ngào càng không để ý. Xuồng cập bến, Nga xăm xăm đi trước dẫn đường, tong tả xộc vào phòng sau của trạm xá, cằn nhằn cử nhử, sao anh Văn bày tùm lum như vầy (cho tụi kia biết, ta đây đã thân thuộc với anh ấy đến mức nào).

 

Văn từ nhà tắm vào, nước trên tóc còn rỏ tong tong. Năm người họ sà vô ôm, nhảy tưng tưng, nói tui nhớ ông em nhớ anh quá chừng. Văn ngợp thở vì cái mùi thành thị quen thuộc của nước hoa, của son, của phấn, của khói thuốc lá, của những hơi thở gấp, của sự chen chúc, xô đẩy nhau… Và những kỷ niệm ùa về, nhớ quán cà phê chỗ mình ngồi không, bây giờ đổi tên khác rồi. Văn sôi nổi hỏi, vậy con nhỏ phục vụ bốc lửa còn không. Còn, mà chi, tụi con gái ở Phố Xưa còn dữ dội hơn, nhớ bar đó không ? Nhớ không, nhớ không… Đã vầy đã khác. Mà Hương của mầy có con rồi, mầy đã quên chưa. Không khí chùng xuống. Một đứa bạn cười, kín đáo liếc ra đằng sau, giọng xủng xoảng như ly chén bể, “Sao anh không chịu để em bù vô nhỏ Hương, ra đây trốn tình chi cho cực, em nhớ anh thấy mồ”. Đuôi mắt quét tận chỗ Nga, thấy con gái cù lao đứng thừ lừ. Nga nói thôi em về, luộc khoai đem qua anh Văn đãi bạn.

 

Nga qua khoảng sân đầy nước thì có ông con trai chạy theo, lăng xăng nói trời ơi mát khủng khiếp, yên tĩnh tuyệt vời quá, cảnh thiệt là thơ mộng rồi hỏi, ủa, sao không thấy em gái nói gì. Nói gì bây giờ, Nga đi lẹ lẹ đằng trước, nỗi sợ cuộn lên, mong manh, Văn dễ tin lắm, hôm trước con chồn chạy ngang Nga nói con mèo Văn cũng tin, Nga bảo cây cỏ trên cù lao này đều do chim ỉa mà mọc lên Văn tưởng thiệt, bây giờ người ta nói yêu này yêu nọ, không biết Văn của mình có tin không. Nó cố kìm để khỏi kêu lên, trời ơi, sao người ta nói chuyện yêu thương dễ ợt, giòn rụm vậy cà. 

 

Bận quay lại trạm xá, Nga còn đi nhanh hơn, đầu nó có một mớ tro lá dừa đậu hồi thổi lửa. Anh chàng nọ rớt lại dọc đường. Bước vô cửa thấy ba bốn người nằm ngủ ngiêng ngủ ngửa, Nga nói ngay, “Ủa, anh kia chưa về hả, cha, ảnh ở đâu ta ? Em hỏng có đi chung” (cho anh đừng suy diễn lung tung, rồi hiểu lầm lòng dạ em). Ngó bộ Văn không để ý, Nga nhẹ lòng, thở ra cái phù, hỏi, anh đang làm gì đó, Văn cười coi nắng cù lao. Trời, nắng có gì mà coi, anh?

 

Hôm ấy Văn không trả lời, hôm sau không kịp trả lời vì Văn đưa bạn ra về rồi không trở lại. Lặng lẽ, như trốn chạy. Trưởng ấp Tư Mốt đứng ở trạm xá, thấy sau trước trống không, trong lòng nghe đau tiếc như vừa thua một ván bài lớn. Văn không từ giã ông một lời, để nói cháu về vì má cháu đang đau, hoặc cháu ra ngoài trung tâm y tế huyện một tí, rồi lên xe đi luôn cũng được, dù nhìn vào đôi mắt đang cụp xuống kia, biết người ta nói dối, dù trong tâm ông đã vẫy tay để chào xa mãi.

Trong một thoáng, ông thấy mình chùng chình, vớ được khúc cây bình bát, ông chống vào đất. Bên ngoài cái đất Mút Cà Tha dường như đã có sự thay đổi lớn. Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buột được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao ? Tuyệt không đáng gì à?

 

Nguyễn Ngọc Tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét