Sau ngày đổi đời tháng tư bảy lăm, trên khắp miền nam nói chung, và vùng quê tôi, nói riêng, có nhiều thay đổi lớn. Quê tôi ngày trước là một vùng xôi đậu, sáng quốc gia, tối cộng sản, nên chiến tranh chết chóc xảy ra rất bạo liệt. Thanh niên trai tráng trong làng, không tham gia vào các đơn vị sừng sỏ của miền nam như dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân...thì cũng vào địa phương quân hay nghĩa quân. Để được ở lại cùng quê, được sáng sáng chiều chiều ngó được cha mẹ, vợ con. Chiến tranh càng lên cao, thì chết chóc càng nhiều, dân chết, lính chết, nghĩa quân chết, du kích chết, nằm vùng chết, hay nói khác hơn, quốc gia chết, cộng sản chết, đủ hết.
Chiến tranh đã qua, nói đến nữa làm gì...Nay nói chuyện hòa bình, kể chuyện hòa bình. Nhưng chuyện hòa bình, còn bạo liệt hơn...Sự lạnh, nóng trong từng gia đình, cũng quá thảm...
<!>
Cả Phách là con ông Trần Tuyên và bà vợ trước. Ông Tuyên là một ông giáo làng ở thôn Mỹ An. Ông Tuyên dạy học từ đời tám hoánh nào, bây giờ ông không còn dạy nữa, nhưng người dân trong xã thôn vẫn quen miệng gọi là ông giáo Tuyên. "Ông giáo", tên gọi là một vinh dự. Trong cái thôn Mỹ An, cư dân toàn làm nghề nông, nghề giáo đâu được ba, bốn người...nên chữ "ông giáo" được coi là trọng vọng. Trọng vọng theo tinh thần nhà nho, kẻ sĩ. Dù có thua những "ông xã", "ông chánh"...trong làng, từ thời phong kiến rơi rớt lại...Ông xã, ông chánh làm bên chính quyền, nên thường hay đè đầu cưỡi cổ người dân. Dân sợ mà không phục...Còn các "ông giáo", tuy không giàu, nhưng được mọi người kính nễ.
Hồi kháng chiến mười năm, cả Phách theo học trường Phan Chu Trinh trên Tây Lộc. Là một thanh niên phơi phới, với cả bầu nhiệt huyết tràn đầy, vừa là học sinh cấp ba, vừa hoạt động trong đoàn thanh niên, nên cả Phách được cấp trên tin dùng. Cả Phách được lựa chọn đi tập kết ra bắc theo nghị quyết của trung ương...Theo lệnh cấp trên truyền xuống, là đi tập kết hai năm, sau đó sẽ có hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, sẽ trở về...Nên lòng cả Phách rộn lên mãnh liệt, là sẽ trở về trong vinh quang với một chức vụ quan trọng nào đó, nắm trong tay, dù cả Phách để lại đứa con trai mới sinh và người vợ trẻ, hăm mấy tuổi.
Cả Phách đi ròng rả hai mươi mốt năm, không tin tức. Nhưng ở đâu đó râm rang đồn rằng, cả Phách ra bắc được cho đi học Liên Xô, rồi về nước, làm đâu trong đài phát thanh Giải Phóng, đó là tin đồn, như là từ gia đình rỉ ra, coi như một sự khoe khoang âm thầm.
Đến sau ngày ba mươi tháng tư bảy lăm, Nhạc, em trai cùng cha khác mẹ với cả Phách (sau khi bà mẹ cả Phách mất, ông Tuyên lấy người vợ khác, sinh ra một đám con). Nhạc là con trai của bà Thúy với ông Tuyên. Nhạc thường vung vít về cái cốt lõi "cách mạng" của mình. Nhạc khoe, anh cả tui hiện giữ chức Vụ Trưởng ở Bộ Thông Tin Tuyên Truyền, ngang hàng với Thứ trưởng. Nhạc nói vậy chứ thực ra, Nhạc cũng chưa biết mặt anh ruột mình tướng tá ra làm sao, vì khi cả Phách đi tập kết, Nhạc còn quá nhỏ.
*
Sau bảy lăm, cả Phách trở về cũng quá muộn màng, bà vợ cũ đã già, cay đắng đợi chờ người về sau hai năm không thành, nhưng nhờ có giáo dục gia đình, bà ở vậy nuôi con. Thằng Thông, con trai bà với cả Phách, từng ngày càng lớn sộ, đến tuổi động viên, Thông vào quân trường Thủ Đức, đến bảy lăm, nó đã đóng lon trung úy.
Cả Phách trở về, với thân xác ông già trên năm mươi, tóc đã muối tiêu, răng cái còn cái mất, nhưng Phách hăm hở trở về như một sự vinh quang của kẻ chiến thắng. Phách cứ nghĩ, ông trở về như quan trạng ngày xưa vinh quy bái tổ. Quan trạng trở về có trống, có chiêng, có dân chúng áo mão xênh xang đón mừng. Ông cứ nghĩ như thế, nhưng ông về một mình, không có ai đưa đón, kể cả gia đình vợ, con. Gia tài của ông chỉ có cái "xắc cót" với mấy bộ đồ tây, toàn vải thô. Vải ông mua ở hợp tác xã theo tem phiếu, và được may bởi những thợ xoàng trong khu tập thể, nên quần rộng xềnh xoàng, còn áo thì như áo bộ đội.
Tuy vậy, cả Phách vẫn cứ mơ tưởng như mình sống ở tuổi hai mươi, giấc mơ thời thanh niên ra đi vì tiếng gọi của tổ quốc...Tiếng gọi đó đã lặng xuống trong những ngày ở miền bắc. Những sinh viên miền nam tập kết, đã bị những cái nhìn không thiện cảm của người dân tại đây, kể cả cấp trên, cũng nhìn đám sinh viên miền nam như những người con ghẻ. Mấy năm sau, những sinh viên đó không chống chọi nổi với sự cô đơn, sự ghẻ lạnh của đoàn thể, họ tìm cách khỏa lấp bằng cách lấy vợ, sinh con...Cả Phách không lấy vợ, ông cố gắng sống độc thân để giữ khí phách của kẻ sĩ. Nhưng trong những ngày làm ở xí nghiệp may quốc doanh, ông cũng tò tí te với mấy công nhân nữ có chồng đi nam, hoặc hy sinh trong những cuộc ném bom của máy bay Mỹ rải thảm. Cái nóng hổi sinh lý cuồn cuộn trong cả hai người như vậy rồi thôi, ai về nhà nấy. Cho nên cả Phách vẫn mang cái nhãn mác kẻ sĩ ấy, trung trinh giữ đúng lời thề ngày ra đi với vợ, sẽ trở về cùng em trong hai năm...
*
Cả Phách với chiếc xe đạp kiểu cũ sản xuất từ miền bắc, ông thấy lòng thênh thang trở lại vùng quê Mỹ An, nơi mà ông đã ra đi xa cách trong hai mươi mốt năm. Cái quần ka ki, cái áo bộ đội, cái nón cối, chiếc xắc cốt màu nâu, cái xe dàn sườn ngang, đôi giép râu...đã hình thành trong ông một mẫu mực của người cách mạng trung kiên, đã góp sức thành công cuộc "Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước..."
Ông đạp xe qua cầu lỡ, cây cầu bị quân giải phóng đánh sụp trong những ngày chiến tranh, chưa được sửa lại...Ông phải dắt xe đi vòng theo đường bờ ruộng, rồi mới lên đường tỉnh lộ theo hướng chợ mà đi. Căn nhà cũ của ông ở cuối chợ, ông lục tìm trong trí nhớ của ngày ra đi, căn nhà ngói ba gian, hai chái, có khu vườn lớn. Ông nghĩ, không biết bây giờ vợ ông ở đâu, con ông ở đâu? Thôi cứ tìm về chốn cũ, căn nhà cũ...Ông giáo Tuyên đã mất gần mười năm rồi...Chắc còn người mẹ ghẻ...cũng ở đó chứ đâu.
Trên đường tỉnh lộ, ông thấy nhiều người đàn ông chạy xe máy, cùng chiều hay ngược chiều lại với ông. Sao ở đây nhiều xe máy quá, trong lúc, chính Hà Nội, ông ở gần hai mươi năm, những chiếc xe máy trung quốc chỉ dành cho cánh cán bộ cấp cao...Ông nghe nói miền nam điêu linh lắm, chỉ được cái phồn vinh giả tạo bên ngoài thôi...Ông nhìn hai bên đường, nhà cửa san sát nhau, nhà gạch, nhà ngói...đủ cả. Thôi thì cố đợi về nhà mình coi thử ra sao?
Ông dò dẫm trong ý nghĩ. Ngôi nhà cũ, khu vườn cũ...Đi một quãng nữa. Đây rồi, cái chợ Quán vẫn còn đây, người người vẫn họp chợ đông đảo qua cơn bão chiến tranh. Nhưng phe mình đã thắng, đáng lẽ mình phải trở về bằng kiệu rước của dân chúng như rước quan về làng chứ! Sao lại chỉ với chiếc xe đạp cộc kệch này, sao mình thấy người dân vẫn thơ ơ với một cán bộ cách mạng. Ở đây cũng có cả năm, sáu người đi tập kết...cả Phách biết như vậy...Nhưng coi như thất lạc nhau từ ngày ra đất bắc, mỗi người mỗi ngã...Họ đã về chưa?
*
Cả Phách nằm trên bộ ván trong căn nhà cũ của ông giáo Tuyên. Ngôi nhà không còn gì, chỉ là một ngôi nhà tranh làm trên nền nhà cũ trông có vẻ tồi tàn. Ngôi nhà cũ, ngôi nhà ngói ba gian hai chái, đã ngã sập vì chiến tranh hai bên. Phe quốc gia trong một cuộc hành quân càn quét, đã ủi tung nhiều ngôi nhà trong làng, nơi mà nghi ngờ là có địch núp bên trong. Chiến tranh là tàn phá, là hủy diệt và chết chóc...chuyện đó cũng bình thường thôi. Trong giấc mơ của cả Phách khi còn ở ngoài bắc, là miền nam, tuy nhà nước tuyên truyền là nghèo khổ, là đói rách, nhưng tự thâm tâm, ông vẫn nghĩ đến ngày hòa bình lặp lại, ông sẽ về quê hương ông...ông sẽ có lại được gia sản của người cha để lại, vì ông là con trai trưởng, căn nhà ngói to, khu vườn rộng, cùng những thửa ruộng mà ngày trước ông giáo Tuyên cho nông dân làm rẻ. Cả Phách nghĩ cả đời ông đã cống hiến cho cách mạng, cống hiến tuổi thanh xuân...Bây giờ, ông trở về với tấm thân già, trên năm mươi mà ông thấy mình già quá, tàn tạ, khô queo. Vợ con ông thì lạc nhách như người dưng, ông biết sống ra sao đây?
*
Từ ngày giải phóng, bà Thúy vẫn giữ căn nhà ở thị xã. Căn nhà do bà tần tảo bán buôn, từ ngày trên quê loạn lạc. Phía bên kia về kêu gọi hàng đêm, kêu dân chúng ra khu chợ Quán họp metting, tuyên truyền cho mặt trận giải phóng, kêu gọi dân đi dân công, vào du kích hay "nhảy núi" theo cách mạng. Gia đình bà từ ngày ông giáo Tuyên mất, bà chỉ một việc buôn bán nuôi con. Đến ngày bên kia xuống, bà cũng theo chân dân chúng tản cư xuống thị xã, vẫn theo nghề nghiệp cũ là buôn bán. Bà bán một số vàng để dành từ trước, mua miếng đất bên đường quốc lộ, làm nhà và tiếp tục buôn. Bà còn ba, bốn đứa con đang theo học, nên bà cố gắng làm ăn, tiện tặn, dành dụm.
Cũng may, căn nhà bà là mặt tiền hướng ra đường quốc lộ, trên đường dân chúng từ quê vào thị xã, nên nếu họ bán được ang lúa, rỗ khoai thì họ sẽ ghé vào tiệm vải của bà mua vài thước vải, để may cái áo bà ba mới, cái quần lãnh mới. Đàn ông thì mua vải đạc-rông may quần tây, vải ka tê may áo sơ mi...Nhờ vậy nên tiệm bà làm ăn khấm khá. Bà xây căn nhà có thêm tầng lầu cho con cái có chỗ học bài. Các con bà cho đi học các trường trung học trong thị xã.
Nhạc là con trai đầu của bà Thúy và ông giáo Tuyên. Bà là vợ sau của ông nhưng coi như vợ chính, vì bà vợ chính đã mất từ lâu. Giòng con trước ông giáo Tuyên chỉ có cả Phách và mấy cô con gái đã lớn có chồng. Giòng con của bà với người chồng trước cũng đã trưởng thành. Chỉ có cả Phách là đi tập kết, không tin tức. Thằng Nhạc được vô Sài Gòn học đại học, là niềm hãnh diện của bà và gia đình.
Bây giờ bỗng nhiên thời cuộc xoay vần, những người trên núi xuống chiếm chính quyền trong lúc dân quận lỵ lo chạy ra Đà Nẵng, rồi hấp tấp di tản vô Nam. Bà Thúy đã già nên không biết đi đâu. Bà ở lại.
*
Cả Phách về quê, đã hết thời, nên chỉ được đề bạt làm ủy viên bên Mặt Trận Tổ Quốc quận.
Giấc mộng ngày còn thanh niên phơi phới của cả Phách bỗng dưng lụi tàn. Ông đâm ra thù hận đời, thù hận những người thân, anh em, họ hàng. Đáng lẽ mình đã lên voi, nay tự dưng xuống chó. Nhất là những đứa em cùng cha khác mẹ. Tụi nó cứ phơi phới, quần là áo lược. Đúng là mang di sản của bọn tiểu tư sản thành thị. Cả Phách tự nhiên thấy ghét cay ghét đắng bọn nó. Dù là những đứa em cật ruột cùng máu, cùng mủ với ông.
Thời gian này, có chiến dịch đánh tư sản của nhà nước đề ra. Cả Phách dựa vào lúc này, muốn chiếm lấy ngôi nhà của bà Thúy đang sống ở thị xã, vì ông nghĩ đây là gia tài của người cha để lại, đáng lý ra là của ông, bà Thúy chỉ là kẻ sang đoạt.
Ông nghĩ vậy nên đạp xe đạp đến nhà bà Thúy.
*
Bà Thúy tiếp ông rất nhiệt tình, dù biết ông đã về, nhưng vì quá bận bịu công việc gia đình nên bà Thúy chưa có dịp gặp. Nên khi mở cửa ra, và thấy một người nửa-bộ-đội, nửa-cán-bộ, tưởng là cán bộ thuế hay quản lý thị trường đến xin tiền chi đây.
Bà Thúy chào:
- Chào ông.
Cả Phách được mời vào trong ngồi trên bộ ghế xa lông êm mát, ông thấy mình đã thua những người trong nam một bực, kể cả đây là một vùng quê so với Sài Gòn chắc chỉ được một phần nhỏ. Ông nghĩ đây là tài sản do cha ông để lại, để những người này no cơm ấm cật, còn mình thì sa vào cảnh khổ.
Bà Thúy sau khi vào trong pha trà đãi khách, bà đi ra cùng ngồi trên ghế, đối diện với người khách nửa-bộ đội, nửa-cán-bộ-này.
Bà rụt rè lên tiếng:
- Thưa ông, hôm nay ông đến nhà tôi có chuyện gì không ạ!
Cả Phách chậm rãi nói:
- Chào dì, chắc dì không biết tôi chứ tôi biết rõ dì. Tôi là cả Phách, con cả ông Trần Tuyên, chồng dì. Tôi tập kết mới về, ghé thăm dì, và hỏi thăm dì một số chuyện.
Bà Thúy hơi sững người, nhưng bà cũng lấy bình tĩnh, làm ra vẻ vui mừng.
- Ô, vậy anh là cả Phách đó hả? Cũng trong gia đình cả. Anh về là mừng lắm rồi. Tui nghe anh về mấy tháng nay, nhưng nay tui cũng già rồi, đi đứng khó khăn, nên không đi thăm anh được. Hôm nay anh đến chơi thật là quí hóa quá.
Cả Phách ngồi nghe bà Thúy nói, ông nghe có vẻ đãi bôi quá, vì ông cứ nghĩ theo những lời tuyên truyền của phe giải phóng thì người trong nam rất nghèo khổ, mà nay ông lại nhìn thấy căn nhà lầu của bà Thúy thế này, còn hơn những người cho chức vụ cao ngoài bắc, đúng bà là bọn gian thương, tư sản mại bản, đã từng mua gian bán lận, bóc lột người dân lao động đến tân xương tủy, mới có cái cơ ngơi như thế này...
Nghĩ vậy, nên ông nói, theo quyết định trước khi xuống thăm bà Thúy:
- Thưa dì, tôi muốn kêu bà là dì vì bà là vợ kế của cha tôi. Tôi về lâu rồi, nhưng bận công tác nên không ghé thăm dì và mấy em được. Hôm nay tiện rảnh, tôi ghé, trước là thăm dì, sau thưa với dì một chuyện, là trước khi tôi đi tập kết, cha tôi đã có một cơ ngơi rộng lớn ở chợ Quán, cùng một số vườn, ruộng. Bây giờ trở về, tôi nghĩ là dì đã bán số tài sản ấy, để xây nên cơ ngơi này. Nên tôi đến đây, xin lại dì số tài sản đó, tức là cái cơ ngơi này, là tài sản của cha tôi, sẽ dành cho con trai cả được hưởng.
Bà Thúy lặng người đi, bà chưa rót nước mời cả Phách, chưa hỏi tin tức gia đình hai bên, mà cả Phách đã nói thẳng với bà chuyện chia gia tài...Mà thật sự ra, cái nhà này, cơ ngơi này là do bà và mấy đứa con lớn đã cặm cụi làm việc suốt gần hai mươi năm mới có, chứ cái nhà ngói, đất ruộng trên quê đã bị mất hết rồi...
Bà Thúy lặng người, bà chưa nói được câu nào thì cả Phách đứng lên:
- Tôi hôm nay đến để thông báo với dì như vậy thôi, còn chuyện chia tài sản, tôi sẽ nhờ tòa án nhân dân tỉnh sẽ có giấy mời dì ra xét xử. Tôi chắc là dì cũng biết chuyện này. Tài sản này, nếu không chia cho tôi, cũng sẽ sung vào của nhà nước thôi. Rồi đây sẽ có đợt cải tạo tư sản, đến ngày đó, dì sẽ không giữ được của cải nữa đâu.
Cả Phách nói một hơi dài với giọng hăm dọa. Rồi ông đứng lên đi thẳng ra cửa. Ông dắt chiếc xe đạp, nhảy lên yên phóng vút đi.
*
Bà Thúy lặng đi một chặp rồi bà từ từ tỉnh lại. Bà suy nghĩ, như thế này là nó đến đây chỉ mục đích hăm he chiếm nhà bà thôi. Căn nhà này, bà nghĩ sẽ chia cho thằng Nhạc, còn một số vàng, bà sẽ bán và chia cho thằng Nhạc em, và mấy con chị nó. Ít ra, tụi nó nếu cố gắng làm ăn, thì sẽ sống được, vươn lên với đời. Ai dè, cơn gió bụi vụt qua, thằng Nhạc con trai bà tấp vào Sài Gòn, đang sống lây lất trong đó.
Thôi thì, hãy nhắn cho nó về, nó là con trai, có đàn ông ở trong nhà, có lẽ dễ giải quyết chuyện gia đình hơn, với lại nó là con trai trưởng của bà, nên bà nghĩ, nó hợp pháp để hưởng tài sản của bà để lại.
Nhạc không về quê vì chàng cũng sợ về quê hay tư thù tư oán, dù trong thâm tâm, Nhạc nghĩ, sẽ có ông anh cả tập kết về chống lưng. Nhạc chỉ làm nhân viên của bộ Thông Tin thôi, nên có sống ở đâu cũng chẳng sợ, chẳng dính dấp gì với các công chức cao cấp chế độ cũ, nay được gọi là ngụy quyền, hay các sĩ quan ngụy...Nhưng Nhạc muốn yên thân, chàng không về...
Bỗng nhiên, Nhạc nghe tin nhắn từ một anh lơ xe đò quen, tìm Nhạc và nhắn tận tai anh, "Nhạc về quê mau, để giữ ngôi nhà khỏi bị anh cả Phách hăm chiếm...". Nhạc liền mua vé, nhảy xe đò về quê.
*
Cả Phách nghe tin Nhạc về, mục đích là giữ lại căn nhà, ông gầm lên trong cổ họng:
"Đừng có hòng, của cải của cha ông tau để lại, phải là của tau, con trai trưởng, không thể lọt vào tay ai được, để đó, coi thử tau có làm gì được tụi bay không?"
Ông biết Nhạc ngày chiến tranh, đã làm trong Ty Thông Tin Đà Nẵng, rồi sau đó di tản vào Sài Gòn, chưa có chức vụ mới thì đến ngày giải phóng. Nay nó chưa đi cải tạo, phải bắt nó đi cải tạo cho nó biết tay. Nó mà bị nhốt vào trại cải tạo rồi, của cải là trong tay mình. Ông nghĩ thế. Và ông lên ban quân quản tỉnh, báo cáo sự việc, Nhạc, đứa em trai cùng cha khác mẹ trong hàng ngũ ngụy quyền, trốn cải tạo đang tá túc trong nhà bà Thúy.
Hôm sau, đám du kích thị xã được lệnh của ban quân quản, tới nhà bắt Nhạc dẫn đi lên trại tù Tiên Lãnh.
Nhạc cải tạo ở đây sáu năm...
Cả Phách cứ tưởng căn nhà nơi thị xã này sẽ thuộc về ông, nhưng khi Nhạc bị bắt đi, bà Thúy biết không sống nổi với chế độ mới, nhất là những lời cả Phách hăm he, nên bà âm thầm cùng mấy đứa con còn lại, lo chạy bán nhà, thu gom của cải được chút nào hay chút đó...Cả gia đình bà hướng thẳng Sài Gòn mà đến. Bà sẽ là dân ngụ cư, không ai biết mặt, không ai biết tên. Bà sẽ sống lây lất đợi Nhạc về.
Cả Phách không ngờ mình bị vuột mất miếng mồi ngon. Giấc mộng chiếm nhà của ông sụp đổ. Ông đành mua lại một căn nhà tranh cũ, sống hẩm hiu một mình. Một thời gian sau, vì di truyền của gia đình, mắt ông yếu dần, rồi đui hẳn. Ông sống trong bóng tối ban ngày cũng như ban đêm, được mấy năm, thì mất.
*
Nhạc nhờ ông anh cùng cha khác mẹ "giúp", đưa đi cải tạo 6 năm. May vậy mà Nhạc được đi Mỹ theo diện HO.
Nhạc trở thành người chống cộng tích cực nhất. Trong mắt chàng, ai liên quan đến phe thắng cuộc, đều được coi là kẻ thù. Chàng không khoan nhượng với bất kỳ ai. Vì chàng đã kinh qua, kinh nghiệm xương và máu, tù và tội!
Bây giờ tóc chàng đã bạc trắng. Nhạc nói chàng ngồi chờ, như Khương Tử Nha ngày xưa, ngồi câu cá chờ thời. Một ngày rất gần, sẽ trở về...quang phục quê hương.
Trần Yên Hòa
(Cali)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét