Nhà thơ Trần Yên Hòa vừa phát hành thi tuyển “Trần Yên Hòa: Hơn Năm Mươi Lăm Năm Thơ”… Đó là một tuyển tập gói trọn một đời thơ, cũng là nơi mang rất nhiều tình tự với quê nhà, với những khung trời kỷ niệm tình ca.
Đó là một tập thơ, khi bạn mở ra đọc vài trang, sẽ thấy như bị lôi cuốn đi mãi theo dòng ngôn ngữ. Bởi vì, thơ Trần Yên Hòa có nơi không còn là chữ, mà đã là cái gì rất gần gũi với chính bạn. Tuyển tập thơ của anh không chỉ là dấu mốc sáng tạo thi ca Trần Yên Hòa, mà cũng là một tấm gương soi mặt hồn thơ cho một một thế hệ, những người sinh ra và trưởng thành trong một cuộc nội chiến, và đã đào tỵ vào thơ như một thế giới hòa bình bay bổng riêng.
Khi mở ra các trang sách Trần Yên Hòa, tôi tự thấy chính hồn mình hiện ra lơ lửng giữa những dòng thơ của anh. Sức mạnh thi ca của Trần Yên Hòa là, qua thơ, anh hòa nhập với tình tự của hồn nước, với dòng chảy ngôn ngữ của dân tộc. Hãy hình dung thơ như một dòng sông đón nhận trăm suối trôi vào. Thơ Trần Yên Hòa là một dòng sông, nơi đó tôi đứng nhìn thấy cả chân dung dân tộc, có hình tôi, hình anh, hình ảnh cả một dòng chảy dân tộc. Của những năm khốn khó, gian nan, và thơ mộng.
<!>
Hãy đọc trích đoạn bài “Tự Tình cùng Đất Nước” (trang 63-67), Trần Yên Hòa viết:
Những tháng ngày tôi còn nhỏ xíu
Ôm tập vở nhàu theo bạn bè đến lớp
Nước mắt chảy quanh sợ sệt đủ điều
Đất nước quanh tôi là cô giáo nhỏ
Dạy tôi i tờ và đọc ca dao
...
Tôi lớn lên với tình yêu của Mẹ
Tình yêu của Em
Những ngày đầu tiên rộn rã
Đâu đâu cũng nghe tiếng chim ca
Đâu đâu cũng là mật ngọt
(những mật đắng sau này
Em làm sao thấu được)
...
Đất của ta
Và Nước của ta
Không bao giờ mất được.
.
Tình yêu với Trần Yên Hòa đôi khi có vẻ như định mệnh. Có gì rất mực tiền kiếp hiện ra, khi nhà thơ gặp nàng. Như trong bài “Nguyên đán, em và tôi” (trang 168), Trần Yên Hòa làm thơ, không chỉ nói về ngày Tết Nguyên Đán, nhưng chính hình ảnh em hiện ra trước mắt mới thực là ngày khởi đầu xuân:
Tình tôi em chắc mới vừa nguyên đán
Em thắm tươi má đỏ với môi hường
Em thắm tươi nào quần là áo lượt
Ta nắm tay từ nguyên thủy thơm hương…
…
Ta đã có bài thơ chưa ráo mực
Viết về ta và em nhỏ mộng mơ
Ta đặt cho em tên là nguyên đán
Là trắng ngần, thơm phức, một trời thơ...
Cũng có một lúc, nhà thơ Trần Yên Hòa nhìn thấy giai nhân tuyệt sắc thực sự là một ni sư ẩn giữa chợ, và do vậy chàng bày tỏ ước nguyện hiện thân làm tỳ kheo để ôm bình bát khất thực tình em… Bài thơ "Ta, tì kheo, khất thực em, chút tình" (trang 274) viết như sau:
Vào chùa học Quán Thế Âm
Học kinh Bát Nhã học Thiền lãng quên
Học Kim Cang Tứ Diệu Ân
Mà không sao trọn căn phần duyên do
Ta đi tìm hủy tìm hoài
Em ni sư ẩn trong hồn thế gian.
Ta làm một kẻ hỗn mang
Đậu trên cành trúc bay sang áo người
Em ni sư ban nụ cười
Làm ta quýnh quáng rã rời tứ chi
Đành làm một kẻ tình si
Thổi cây sáo trúc độ trì ta chưa?
Rồi ta làm Phật tì kheo
Tay ôm bình bát xin theo chút tình
Dẫu em bỏ quán vô đình
Ta, tì kheo, khất thực tình của em
Ta đang sống giữa mê quên
Ta, tì kheo, khất thực em, chút tình.
Đôi khi, nhà thơ tự thấy trước mắt chỉ là hình ảnh nàng, nơi đó chính vì nàng đã hóa thân vào ánh trăng rằm, và ánh sáng của nàng làm cho đời chàng thoát kiếp bóng tối.
Như trong bài thơ "Môi Mắt Tình" (trang 289-292) Trần Yên Hòa viết, trích:
...Em như ánh trăng rằm
Soi đời anh tăm tối
Em như ánh sao xa
Cho đời anh sống lại
...
Những dấu vết trăm năm
Anh dang tay tìm kiếm
Một mùa xuân bắt đầu
Trong cuộc đời dâu biển
.
Hai chúng mình yêu nhau
Như đôi sam quấn quít
Lòng anh là trẻ nít
Lòng em là vàng thau
.
Dù có sến đến đâu
Anh cũng không cần biết
Anh mãi nói yêu em
Với một lòng tha thiết...
Nhà thơ Trần Yên Hòa tâm sự về tuyển tập thơ này, nơi trang 7-15, về cơ duyên của “hơn năm mươi lăm năm thơ” trích như sau:
“Tôi không nhớ rõ tôi yêu thơ từ khi nào. Có thể khoảng 10, 11 tuổi cũng nên. Đó là thời gian tôi học lớp nhì, lớp nhất trường tiểu học Kỳ Mỹ, Tam Kỳ, Quảng Nam.
Tuổi con nít mà, tôi thích nghe những điệu hò dân dã của quê mình, đó là môn "hát nhơn ngãi". Lối hát và lời hát này là của các nam thanh nữ tú quê tôi tự đặt ra, những chàng trai quê, những cô gái quê, đi cấy, đi gặt lúa, hay đi đập lúa trong những đêm sáng trăng, trời trong xanh vằng vặc. Những câu hát huê tình, chọc ghẹo nhau (tán) nhau giữa nam nữ. Nhiều câu đối đáp, thật hay, thường là bằng thơ lục bát hay 7 chữ, có khi là một câu dài tự do. Đối đáp để trả lời bên kia làm sao cho vừa hay, vừa thật tài tình,....để đối phương cảm động, xao xuyến tâm hồn. Nhờ thế mà có nhiều cặp sau này thành vợ thành chồng. Chữ Nhơn Ngãi này ai đặt ra nghe thấm thía quá.
Từ những câu hát đó, kèm theo, cha tôi, người cũng mê thơ. Ông có làm thơ đường, thơ thất ngôn bát cú, hay họa lại với các ông chú, ông bác trong làng xóm. Hay mẹ tôi, thường hát ru tôi bằng những câu ca dao thắm đượm mùi vị quê hương, tình yêu trai gái, nên tôi thấm sâu vào lòng những âm thanh ấy, để mà sau này tôi yêu thơ và làm thơ, cũng nên.
Lại một người nữa là chị Khiêm tôi, người chị đầu duy nhất, chị cũng mang trong lòng một "bụng" thơ. Ngày còn nhỏ, trong những buổi trưa hè, hay trong những đêm trăng sáng, chị thường nằm trên võng hay ngâm nga những bài thơ, đoạn thơ, trong tác phẩm như "Đồi Thông Hai Mộ" (không biết tác giả là ai). Tác phẩm này có từ đâu, mà chị hai tôi đã chép tay lại, thành một tập…”(ngưng trích)
Với cơ duyên như thế, tất nhiên là Trần Yên Hòa trở thành nhà thơ. Bạn đừng nên hỏi vì sao chàng mê thơ, vì hàng ngày khi còn là một cậu bé đã được nuôi lớn bằng các dòng thơ Đường của cha, bằng lời hát ru của mẹ, bằng giọng ngâm thơ bên võng của chị…
Và cũng đặc biệt và ngọt ngào, tình thơ của chàng được nuôi lớn bằng hình ảnh cô gái Tam Kỳ, cùng lớn lên theo những vồng khoai, như Trần Yên Hòa kể qua bài thơ "Gởi Cô Gái Tam Kỳ, Ðất Khổ" (trang 94-96), trích đoạn:
.
Em lớn lên theo những vồng khoai
vồng khoai lang chảy dài cồn cát
cái nóng se khô, cơn mưa dứt hạt
em le te đội nón qua cầu
.
Em đạp xe đi học trường làng
mẹ gắng cho em kiếm ba mớ chữ
cắn chữ làm đôi đọc thư tình anh gởi
cái nghĩa yêu đương mù mịt quá chừng
.
Rồi mười lăm tuổi lên trung học
khung trời thị xã, cổng trường vôi
áo dài như bướm bay phất phới
em mang theo hồn anh đi đâu?
.
Tuyệt vời là như thế. Tôi đâm ra ghen tỵ với Trần Yên Hòa: Làm sao để có cơ duyên lớn lên giữa những dòng thơ và các mối tình thuở dậy thì rất mực thi ca như thế? Phải chi thời đi học của tôi cũng vướng một tà áo dài để tự mình ngẩn ngơ hỏi em mang theo hồn anh đi đâu…
Trần Yên Hòa sinh năm 1947 tại làng Kỳ Mỹ, Tam Kỳ, Quảng Nam. Học trườngTrần Cao Vân, và sau đó gia nhập khóa 2 trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Sau 1975, anh đi cải tạo, sau đi làm rẫy. Sau khi định cư tại California từ 1995, Trần Yên Hòa sáng tác nhiều hơn. Rất nhiều tác phẩm thơ và truyện ngắn đã xuất bản và được độc giả đón nhận.
Thi tập “Hơn Năm Mươi Lăm Năm Thơ” dày 350 trang. giấy vàng tốt. bìa láng.
Trân trọng cảm ơn Trần Yên Hòa, một hồn thơ rất mực ngọt ngào của dân tộc…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét