Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

CON ĐƯỜNG MANG TÊN ANH - Trương Kim Báu.

Hoàn cảnh sáng tác "Con Đường Xưa Em Đi" (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) - Một  trong những bài nhạc vàng nổi tiếng nhất

 

Cô bạn tôi từ Đalat xuống Nhatrang nghĩ hè. Vòng quanh từ phòng đợi của Air Việt Nam rồi lên nhà hàng trên lầu, tôi cũng chưa thấy bạn. Mấy chiếc A1 SKYRAIDER  đang đáp xuống phi đạo giữa vòm trời thoáng đãng biếc xanh.  Tôi mê hình ảnh tuyệt vời của máy bay hạ cánh trên mảnh đất quê hương hoặc cất cánh ra đi cỡi mây bồng bềnh xuyên lục địa hay cõng gió v vù qua đại dương ngàn đời đọng sóng. Một phần nữa là trong phi đoàn 524 có những người bạn của tôi hiện diện.

Bất chợt, một người áo bay màu cam quàng khăn cổ tím nhạt, tay cầm mũ, nai nịt súng, gươm tươm tất, bước nhanh đến chỗ tôi đứng và ôm chằm lấy tôi.

-  Cứ đây.

Tôi vẫn không nhận ra ai, dù anh đã xưng tên Cứ. Nhìn kỹ lại tôi mới nhận ra Đinh Quang Cứ, người bạn chung lớp với tôi suốt một một thời trung học. Gương mặt anh rất sáng với mái tóc hơi quăn, hiền và học vô cùng chăm chỉ, anh ngồi bàn đầu bên dãy nam sinh.

 Lâu rồi chúng tôi không liên lạc, bây giờ dáng anh thật chuẩn, cao và đẹp trai, rất oai phong trong bộ đồ bay màu cam, màu chỉ dành riêng cho dân khu trục, anh là phi công khu trục A1 Skyraider.

Từ đó mỗi đêm Cứ cùng các bạn đến nhà tôi chơi, nhưng tôi và anh không có dịp để nói chuyện riêng.

<!>

Hôm nay thứ bảy, Cứ tới một mình để rủ tôi đến thăm thầy Vỏ Hồng, là thầy dạy Vạn Vật và Việt Văn lớp 7 của chúng tôi. Thầy hiền lắm! Học trò cũ đều rất thương và thường tới thăm thầy nên muốn liên lạc cùng bạn bè ngày xưa, hỏi thầy là biết hết tin tức của nhau. Khi cô mất, thầy ở vậy một mình sống cuộc đời gà trống nuôi con. Các em đều đi học nơi xa, thầy cô đơn giữa căn nhà trống trải, vắng bàn tay chăm sóc của cô, một cảm giác xót xa dâng ngập lòng khi nhìn Thầy mặc chiếc áo cũ sờn vai, tôi sẽ tặng Thầy chiếc áo len vừa mới đan xong. Cứ nói:

- Tụi mình đi ăn nha! Rồi mình đến thăm thầy và mời thầy ra biển uống nước dừa, ngắm trời biển nhắc lại chuyện xưa, thầy chắc chắn thích lắm! Vã lại, tướng Kỳ ưu tiên cho anh em bên khu trục buổi trưa được ăn cơm trong câu lạc bộ miễn phí, phần ăn đúng tiêu chuẩn để có sức khỏe đi bay. Ngày trước, tướng Kỳ cũng là dân khu trục và đã từng bay những phi vụ Bắc phạt, nên ông thông cảm cuộc sống mong manh, lối sống bạc mạng của dân khu trục, tiền hết mà lương chưa lãnh, bụng trống đi bay là chuyện rất thường.

- Nhưng đem bạn đến ăn có được không?

- Oh! Thì phải trả tiền thôi! Nhưng đừng lo! Tướng Kỳ chịu chơi lắm! Nếu mời bạn gái chỉ trả nữa giá thôi. 

- Còn người già thì sao?

- Ha ha ha ..... Dân khu trục không thấy ai mời người già vào ăn ở câu lạc bộ hết. Chắc phải trả nguyên giá. Ha ha ha .......

Thầy mừng và cảm động lắm nhưng thầy bị cảm nên không đi biển cùng chúng tôi được. Tôi nói với Cứ:

- Không có thầy, chúng mình ngồi dưới bãi cát như ngày còn nhỏ nha! Bạn còn nhớ năm đệ thất lớp mình không được điểm làm vườn mà còn bị phạt không?

- Nhớ chứ. Bị cấm túc sáng thứ bảy ở trong lớp để chép phạt từ 9 giờ đến 12 giờ trưa.

 - Chép câu: "Phải yêu thương thiên nhiên", bạn nhớ không?

 - Bên con trai bọn này kêu trồng cây phượng, cây bàng hay cây dừa, ít tưới nước hơn mà bên con gái không chịu, cứ đòi trồng đủ loại hoa để cuối cùng không đủ nước hoa chết hết. À, mà sao hoa chết bên con gái khóc dữ vậy, sợ bị phạt hở ?

- Không phải sợ bị phạt, mà vì thương hoa thôi.

Im lặng, chúng tôi thả hồn về thời thơ ấu, chợt Cứ lên tiếng:

- Đố bạn tại sao Cứ đi Không Quân ? Nhờ bạn đó.

- Nhờ mình ?

- Bạn còn nhớ dịp nghỉ hè năm lớp 9 không, Cứ về Ninh Hoà, bạn về Hòn Khói, tình cờ chúng mình cùng một tuyến đường nên ngồi gần nhau, thấy bạn say mê đọc truyện, đọc xong bạn tặng Cứ quyển sách luôn. Đó là quyển Đời Phi Công. Trong lớp chúng mình có Võ Thi ở Vạn Giả cũng vào Không Quân, nhưng Võ Thi bên quan sát, còn mấy bạn nữa mà Cứ chưa gặp, không biết bạn có cho các bạn ấy quyển Đời Phi Công như cho Cứ Không?

- Ồ ....  ồ.......

Cứ và tôi vẫn thường xuyên liên lạc, lúc ấy khoảng năm 1967 thì phải, Cứ khoe mới làm quen được cô nữ sinh trường Nữ trung học Nhatrang, hẹn chiều chủ nhật đưa bạn gái đến giới thiệu cùng tôi. Tôi chuẩn bị đón nàng của Cứ thật chu đáo hầu tạo tình thân mật đậm đà, với hoa đủ loại cùng trái cây tươi tôi trang trí phòng khách thật đẹp để mừng cho Cứ sắp bước vào quãng đời hào hoa lãng mạn.

 

Chiều đó, tôi đợi mãi nhưng chẳng thấy người, chẳng thấy được nàng của Cứ mà có tin máy bay Cứ bị bắn bốc cháy từ trên cao.  Không có một cánh dù nào bung ra trong lửa đỏ! Cứ đã thực hiện phi vụ cuối cùng chính xác để cứu được quân bạn đang bị bủa vây và một tiền đồn quan trọng thoát vòng nguy hiểm, rồi anh lặng im nghe đất thở, anh vĩnh viễn bay vào thiên thu ngủ một giấc ưu tú khôn tìm. Cứ đã dũng cảm tung cánh sắt giữ bầu trời và tấc đất quê hương được yên bình êm ấm rồi tự do phơi phới trả lại nhân gian kiếp đời kiêu hùng phiêu bạt.

 

Một buổi chiều vào phi trường, mình tôi đi trên con đường mang tên Đinh Quang Cứ, chúng mình đã cùng chia nhau thưởng, phạt vui buồn của thời thơ ấu, giờ đây chỉ còn lại dư âm, còn lại Đinh Quang Cứ của hồn thiêng sông núi. Tôi không khóc nhưng nước mắt cứ tuôn trào, có nhịp tim nào đang nức nở thương tiếc nhớ anh.  

 Anh Cứ ơi ! cuộc đời như một viên đá, anh đã quyết định biến viên đá thành viên ngọc sáng ngời, anh đã hy sinh mạng sống để bảo vệ tổ quốc quê hương. Anh đã ra đi nhưng mãi mãi anh vẫn sống trong bản tình ca Không lực oai hùng!

 

Trương Kim Báu 

(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...