Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

Huyền thoại về vợ tôi - Đào Hiếu

 Blog Phạm Cao Hoàng: 2601. Tranh ĐINH TRƯỜNG CHINH Thiếu nữ trong tranh  Đinh Cường và mùa thu


Năm nay tôi bốn mươi tuổi và vợ tôi ba mươi sáu tuổi, nhưng bạn nghĩ gì nếu biết rằng mỗi ngày tôi phải ru nàng ngủ, thay tả lót cho nàng và cho nàng bú sữa bình?

Đừng tưởng là tôi muốn nói bóng gió gì đâu nhé. Vâng, ngay lúc tôi đang viết những dòng này thì nàng đang khóc oe oe kia, tôi xin phép được ngưng giây lát để đi pha cho nàng một bình sữa.

Có một sự trùng hợp kỳ lạ giữa cái tuổi ba mươi sáu của nàng và số tháng mà chúng tôi lấy nhau. Vâng, chúng tôi lấy nhau đúng ba mươi sáu tháng và sự trùng hợp đó làm tôi kinh hãi. Bởi vì như thế có nghĩa là, cứ mỗi tháng sống chung với nhau, vợ tôi trẻ ra thêm một tuổi. Và ba mươi sáu tháng đã trôi qua, bây giờ nàng biến thành đứa trẻ sơ sinh nằm khóc oe oe trong nôi, miệng lúc nào cũng có cái núm vú cao su.

Tuy vậy trong mấy tháng đầu nàng đã làm tôi ngạc nhiên sung sướng: da mặt căng ra, môi đỏ tươi, tóc đen mượt hơn, mắt long lanh sáng. Ai cũng hỏi tôi đã cho nàng uống thuốc gì, chế độ ăn uống ra sao mà trẻ ra như vậy. Chính tôi cũng rất ngạc nhiên về điều ấy. Nhìn vợ đẹp lộng lẫy, trẻ trung như cô gái hăm lăm, hăm sáu tuổi, tôi rất hạnh phúc, có ngờ đâu đó chính là sự mở màn cho thảm kịch ngày hôm nay: thức khuya dậy sớm lo chuyện bú mớm, thay tả lót, đổ bô, xi đái… người tôi gầy rạc đi, mắt lõm sâu, tóc lốm đốm bạc.

Thực ra thì trong tuần trăng mật nàng cũng là một người đàn bà bình thường, chững chạc, đằm thắm. Nhưng câu chuyện cười ra nước mắt này bắt đầu từ cái buổi sáng nàng đòi đi uốn tóc. Nàng hỏi tôi thích kiểu tóc gì, tôi đáp:

- Ở tuổi em thiếu gì kiểu tóc đẹp, tùy em lựa chọn.

<!>

Thế là nàng đi mút chỉ. Xế chiều nàng trở về với một chùm lông nhím trên đỉnh đầu và trước trán vắt vẻo một cái đuôi chồn.

- Em uốn tóc kiểu gì vậy?

Nàng mỉm cười nhún vai, vừa soi gương vừa nói:

- Môđen mới nhất hiện nay ở Châu Âu. Y hệt trong catalô.

Nhưng nào phải chỉ có kiểu tóc, nàng còn diện một bộ đầm jeans rất nhiều lỗ: phía dưới là cái jupe cực ngắn, phía trên là cái gì giống như áo thun ba lỗ cũn cỡn, cũng bằng vải jeans.

Tuy nhiên nói cho công bằng, trong bộ vó ấy, kiểu tóc ấy, trông nàng trẻ ra đến mười tuổi. Điều đó đôi lúc làm tôi rất tự hào.

Ba tháng sau, nhằm sinh nhật của nàng, tôi đề nghị tổ chức một tiệc trà nhỏ mời bạn bè đến chơi. Nàng từ chối:

- Bạn anh toàn các ông cụ non. Mời đến nói chuyện chính trị em chán lắm.

- Vậy mình tổ chức như thế nào?

- Anh với em đi nhảy đầm.

- Nhưng anh có biết nhảy đầm đâu?

- Thì anh ngồi coi em nhảy.

- Nhưng em nhảy với ai?

- Mình sẽ đi với vài người bạn nữa.

Đêm đó tôi ngồi chịu trận suốt ba tiếng đồng hồ. Nàng nhảy Lambada rất điêu luyện. Đến một giờ sáng nàng mới chịu cho tôi đưa về nhà. Tôi mệt quá, ngủ thiếp đi. Sáng ra thức dậy tôi gần như hoảng hốt khi thấy nằm bên cạnh tôi là một cô gái trẻ măng gần như chỉ đáng tuổi con tôi, nhưng căn cứ vào quần áo nàng mặc trên người tôi biết nàng là vợ tôi.

- Sao anh lại có vẻ hoảng hốt vậy? Nàng mỉm cười hỏi.

Trời ơi, tôi kêu lên và đem cho nàng cái gương soi. Trông em như một thiếu nữ mới mười bảy tuổi.

Nàng ngắm nghía mình trong gương và cười khanh khách.

- Có gì đâu, đó là do chịu khó nhảy đầm. Nhảy Disco, Lambada cũng như tập aerobic vậy. Nó làm cho người ta trẻ ra.

Nói xong nàng đứng dậy vặn nhạc, vừa giựt "xun" vừa bước vào phòng tắm.

Tôi cũng chuẩn bị thay đồ để đưa nàng đi làm.

Lúc ra xe nàng nói:

- Xe này chán quá. Bố mua cho em chiếc Honda 250 phân khối mới được.

- Không nên em ạ, tôi nói, trong thành phố đi nhanh rất nguy hiểm.

Khi đưa nàng vào cơ quan, tôi ghé sạp báo gần đó để mua mấy tờ báo xuân. Chừng mười phút sau đã thấy vợ tôi chạy ra khóc bù lu bù loa.

- Chuyện gì vậy? Tôi hỏi.

- Họ không cho em làm việc.

- Tại sao?

- Họ tưởng em là người lạ xâm nhập cơ quan. Họ gọi công an.

Tôi giận quá, dẫn vợ tôi vào gặp Giám đốc.

- Chào anh, Giám đốc tươi cười nói, anh đến có việc gì?

- Thưa đồng chí, hôm nay chẳng hiểu sao người ta không cho vợ tôi vào sở làm.

- Đứa nào thế? Sao vô lý thế?

Vợ tôi khóc thút thít:

- Chính là chị Tâm, kế toán trưởng.

Giám đốc nhìn vợ tôi, bảo:

- Vậy thì cháu ra mời mẹ cháu vô đây. Chú hỏi xem sự thể ra sao.

Tình thế trở nên phức tạp, tôi nói ấp úng:

- Thưa, đồng chí lầm rồi ạ. Đây chính là vợ tôi, thủ quỹ của cơ quan đồng chí.

Giám đốc trố mắt nhìn tôi:

- Anh không đùa đấy chứ? A, hay là anh muốn xin việc cho cháu? Thế nào cháu đã tốt nghiệp cấp ba chưa?

Tôi chỉ biết kêu trời. Khổ thay, nhìn lại vợ mình thấy mặt tròn như trăng rằm, tóc môđen quá cỡ, dáng gọn ghẽ, ngực vồng lên, săn chắc. Đúng là cô bé mười bảy tuổi. Biết giải thích thế nào đây?

Tôi đành dẫn vợ ra về. Nàng bảo tôi ghé tiệm bánh kẹo mua cho nàng một bịch ô mai rồi bảo:

- Cóc cần. Làm việc với mấy mẹ sồn sồn chán chết. Anh cho em đi học lớp diễn viên điện ảnh đi.

Tôi chiều ý nàng.

Một tháng sau, khi tôi đang ngồi làm việc ở cơ quan thì có điện thoại bảo rằng vợ tôi bị tai nạn giao thông đang được cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Tôi chạy bay tới, thấy nàng đang mê man bất tỉnh. Bác sĩ trực là bạn tôi, ông nói:

- Khổ quá, con gái anh đua xe trong thành phố.

Tôi thấy không phải lúc đính chính liền hỏi:

- Tình trạng nạn nhân ra sao?

- Có khả năng bị chấn thương sọ não. Tôi đã chụp hình để xét nghiệm.

Hôm sau tôi trở lại bệnh viện. Rất may vợ tôi không bị gì nghiêm trọng. Nàng đã tỉnh lại. Bác sĩ mời tôi điếu thuốc và hỏi:

- Cháu học lớp mấy rồi?

- A… lớp… lớp mười.

Bác sĩ chặt lưỡi:

- Anh chiều con quá. Sao lại cho nó đi xe 250 phân khối. Nó chạy tốc độ 100 cây số giờ đấy.

Tôi cười ra nước mắt.

Một tháng sau vợ tôi bình phục. Tôi đưa nàng về nhà. Nhìn đi ngắm lại, rõ ràng nàng không còn là vợ mình nữa. Nhưng chẳng lẽ lại là con mình? Tôi buồn bã nói:

- Này em, em có thấy là mình đã thay đổi quá nhiều không?

- Em thấy chứ. Nhưng điều đó có gì là xấu. Bây giờ là thời đại của tốc độ, của mốt, của vũ điệu Lambada… sao anh lạc hậu quá vậy?

- Nhưng em nên nhớ rằng em đã ba mươi sáu tuổi. Nếu chúng ta có con sớm thì em đã là bà ngoại rồi, thế mà em ăn mặc quái đản, tóc xù lông nhím, nhảy Lambada và còn đua xe trên xa lộ nữa.

Nàng chu mỏ, nhạo tôi:

- Bố ơi, cuộc đời thật là ngắn ngủi.

Hôm sau nàng gom hết quần áo của mình lại thành một đống rồi nhét vô bao bố. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Em làm trò gì vậy?

- Những thứ này bỏ hết. Anh may cho em một chục cái áo dài trắng.

- Nhưng đó là đồng phục của nữ sinh cấp hai, cấp ba. Em mặc làm gì nhiều thế?

- Tụi bạn em đều mặc như thế. Và nhớ mua xăng-đan trắng nữa nhé.

Tôi đành chiều ý nàng. Nàng còn đòi tôi sắm cho một chiếc xe đạp. Từ đó nàng mặc áo dài trắng, quần trắng, xăng-đan trắng, đạp xe đạp đi vòng vòng khắp nơi. Buổi chiều nàng đem về một lô sách báo nào là Mực Tím, Áo Trắng, Tuổi Ngọc, Tuổi Hồng… ngồi đọc ngấu nghiến, đọc xong lấy tập ra viết lưu bút.

Hôm sau nàng đưa cho tôi một bài thơ.

- Bố ơi, bố tìm cách đăng báo giúp em nhé.

Cũng may những tờ báo nàng đọc tôi đều quen thân nên mặc dù bài thơ không hay lắm cũng được cho ra mắt độc giả. Nàng có hứng, sáng tác liên tục.

Tiếc thay khi tên tuổi nàng đã khá nổi trong giới học trò thì cuộc hôn nhân của chúng tôi đã bước sang tháng thứ ba mươi mốt. Bấy giờ nàng không còn là cô thi sĩ mười lăm tuổi nữa mà chỉ là một em bé lên năm học mẫu giáo. Nàng quên ráo mọi chữ nghĩa, quên cả đánh răng mỗi sáng, rất sợ tắm rửa nên mình mẩy đầy ghét bẩn, đầu tóc thì đầy chí và tệ hại hơn nữa: nàng quên nàng là vợ tôi. Nàng gọi tôi bằng bố và xưng con một cách âu yếm. Tôi cũng không còn mặt mũi nào tự nhận là chồng nàng. Từ đó tôi lâm vào cảnh gà trống nuôi con mặc dù nàng không hề là con tôi.

Sang tháng thứ 32 của cuộc hôn nhân, nàng đòi tôi mua cho nàng một con ngựa gỗ, một con búp bê và một cái xe đạp ba bánh. Mỗi chiều đến trường mẫu giáo đón nàng về, tôi đều phải mua cho nàng một bịch xirô đá, không thì nàng khóc lóc thảm thiết.

Nhưng điều khổ tâm nhất là nàng hay đòi đến Sở Thú để đi máy bay. Tôi đứng ngoài rào nhìn nàng quay vòng trên cao, nghĩ đến những ngày thơ mộng của chúng tôi hồi mới lấy nhau mà ứa nước mắt.

Chỉ một tháng sau đó nàng bắt đầu nói ngọng. Tôi bế nàng trên tay, nàng cứ bi bô chỉ trỏ vào cái chuồng khỉ:

- Kon Kỉ. Kon Kỉ.

- Con khỉ đang làm gì? Tôi hỏi.

- Kon Kỉ kóc.

Tôi thở dài buồn bã và tuyệt vọng.

Ngày kia các cô giữ trẻ báo cho tôi biết rằng nàng bị chứng bại liệt, không thể đi đứng được nữa và đề nghị tôi đưa nàng đi bệnh viện. Tôi bế nàng trên tay, vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện vì tôi biết rằng đó không phải là chứng bại liệt mà chẳng qua đã đến giai đoạn nàng biến thành một đứa hài nhi.

Tôi ủ nàng trong chiếc khăn tắm màu đỏ chói (đó là chiếc khăn mà nàng đã tặng tôi trong tuần trăng mật) rồi ôm nàng trước ngực lủi thủi đi về nhà.

Tôi quyết định tự mình nuôi nàng trong phòng riêng vì không muốn người ta khám phá ra bi kịch của mình.

Bây giờ chúng tôi đang ở trong tháng thứ ba mươi sáu kể từ ngày cưới. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với chúng tôi trong tháng thứ 37, 38.

Chẳng lẽ lúc ấy nàng biến thành một cái bào thai?

Nếu thế thì cái bào thai ấy sẽ nằm trong bụng ai?

Tôi chợt giật mình, sờ lên bụng, xuất hãn đầm đìa.

 

Đào Hiếu 

(từ: vietmessenger)

1 nhận xét:

  1. cach viet chuyen rat la rat moi lam nguoi xem phai xem het // xin cam on tac gia Dao Hieu

    Trả lờiXóa