"Rừng Núi Bạt Ngàn" là truyện dài đầu tiên sau một loạt tám tập truyện được độc giả đón nhận với nhiều ưu ái dành cho ngòi bút Hoàng Nga. Không gian truyện là một huyện lỵ miền Đông Nam phần. Thời gian là những tháng năm thời bao cấp sau chính biến 1975. Và, đáng lẽ, cũng là chuỗi ngày mười tám thơ mộng, rực rỡ nhất của thời thiếu nữ gắn bó với gia đình, bạn bè, trường lớp và ngôi nhà:
"Căn nhà nằm mặt lộ, trên con đường bé xíu nhưng mang cái tên của một trong những con đường lớn của Sài Gòn. Ngày chúng tôi về huyện lỵ đó, điều gì cũng làm tôi buồn, cũng làm tôi không thích, chỉ trừ khuôn viên căn nhà có những hàng móng tay màu hồng chạy dọc theo lối đi, dậu huỳnh anh vàng nằm trước ngõ, bụi tướng quân trắng trang trọng nằm khuất sau cây bơ, chùm trắc bách diệp bên thềm và hàng cau non trước hiên trổ hoa thơm ngát. Không biết bao nhiêu lần tôi đã mang hình ảnh thơ mộng của khuôn viên này vào truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ của mình. Và có lẽ đó cũng là những hình ảnh ít đau buồn nhất còn lại trong ký ức tôi." (Tr. 55)
Truyện có nhân vật chính xưng "tôi" và những người trong gia đình của "tôi". Không một ai được nêu danh, mà chỉ là những "ba tôi", "mẹ tôi", "ông anh", "hai thằng em", "con em kế", "ông anh nuôi", "thằng em nuôi", ngoại trừ con chó có cái tên ngộ nghĩnh là Bi Lèm và những nhân vật phụ như bà Hai cán bộ, bà Hai trung lập, bà Năm, ông Bảy Cúc, ông Hai Xồi, bác Tư Nùng, v.v…
<!>
Truyện bắt đầu bằng:
"Sau 75, nhà tôi đi làm rẫy, như nhiều người trong cả nước đi làm rẫy. Nhưng mãi hơn một năm sau khi thi đại học, cao đẳng, rồi xuống trung cấp, trung học vẫn ạch đụi, không vô được cái nào hết ráo, tôi mới bắt đầu khăn gói vào rừng vì cái rẫy nằm tuốt trong… rừng.
Nhưng trước khi vào rừng làm rẫy thì tôi làm… thơ. Những bài thơ vô cùng nức nở, vô cùng 'tâm trạng', vô cùng sầu đau nhân thế …" (Tr. 5)
Và cứ vậy, Hoàng Nga thuật chuyện đổi đời của gia đình và xã hội sau 1975, suốt 317 trang sách. Bằng ngữ điệu cà tửng, bỡn cợt, Hoàng Nga vẽ ra những hình ảnh mất mát, tan tác và có lẽ, quan trọng nhất, nhân vật xưng "tôi" đã thấy ra bộ mặt thật của đời sống, phản ảnh qua từng nhân vật gần gũi trong gia đình, học đường và ngoài xã hội.
- Của nhân vật cha: "Ba tôi hiền lành. Cười nói cũng hiền lành. Trong nhiều năm liền, cứ mỗi lần bịnh nằm dài, là tôi lại nhớ bàn tay dịu dàng lên trán tôi, nói con gái của ba ráng khỏe cho ba mừng…" (Tr. 25). Hơi lạ, vì những hành động và lời nói kiểu ấy chỉ thường thấy ở những nhân vật mẹ. Nhưng, chính vì vậy, đã khiến người đọc xúc động. Ngay cả những khi người cha vô rừng làm rẫy cùng mấy đứa con, đôi khi tự tay lo chuyện bếp núc. "Và lần này, đổi đời, cũng cái bàn tay ấy, trước mắt tôi ngày ở trong rẫy, loay hoay hoài với mớ lá khô củi mục. Có lúc tôi đã định nói ba bỏ bớt lá bớt củi để con không chảy nước mắt, nhưng rồi tôi vẫn ngồi im …" Vì "tôi" không nói, mới xảy ra cớ sự:
"… Nhưng lúc dọn ra ăn, người hùng cứ thắc mắc:
- Ủa, sao ba làm kỹ lắm mà nó lại như vậy cà?
'Nó lại như vậy' là vì người hùng không dám hạ lửa khi lò hết nghẹt, lá, củi cháy phừng phừng. Cơm réo rồi cơm sôi. Thiệt đúng như người ta vẫn hay nói, tơi bời khói lửa. Nên kết quả cuối cùng là một nửa bên trên hơi… sống, còn một nửa bên dưới thì… khét lẹt. Cháy đen." (Tr. 25-26)
- Của nhân vật mẹ thích làm thơ và hay làm bánh: "Mẹ tôi có một món bánh chỉ nghe tới tên thôi là đã thấy ớn, nói gì tới ăn! Sự xuất hiện của nó trên thế gian này, tôi nghĩ là do 'thiên thời địa lợi'! Theo lời mẹ tôi kể thì nó đã ra đời vào thời cách mạng mùa thu, khoảng thời gian kháng chiến chín năm." (Tr. 121)
Bánh "chẹp ẹp"? Có lẽ, đây là lần đầu tiên, người viết bài này nghe nói tới một món bánh vừa tượng thanh, tượng hình và tượng vị tới vậy. Thử đọc tiếp, để tìm hiểu thêm về món bánh dân dã mang cái tên ngộ nghĩnh được chế biến từ khoai mì này, qua lời diễn tả của Hoàng Nga:
"Bánh chẹp ẹp 'của' mẹ tôi có hình dáng dẹp lép y như tên gọi, còn hương vị thì… thôi rồi, bởi vì nó không có nhưn nhị gì cả, được làm từ bột khoai mì khô nhồi với nước ấm và muối, vo tròn thành cục xong đập… chẹp ẹp xuống, thả vào nước xôi nấu một hồi cho tới khi bên ngoài hơi chèn nhẹt thì vớt ra để ráo. Sở dĩ tôi phải nhấn mạnh hai chữ 'chèn nhẹt' vì phải luộc như vậy bên trong mới chín. Và cuối cùng nếu… sang trọng, sẽ có chút hành lá khử với dầu, không thì chỉ ăn như vậy với nước mắm mà thôi." (Tr. 123)
Đọc tới đây, mới… ủa, thì ra bánh "chẹp ẹp" là một món bánh mặn! Nhưng, dù mặn hay ngọt, dù chưa ăn bao giờ, hẳn là sau khi đọc xong chẳng ai muốn thử, bởi lẽ qua lời tả chân dí dỏm của tác giả, người đọc đã mường tượng ra mùi vị món bánh "chèn nhẹt" này rồi. Và hình dung thêm đôi chút về nhân vật người mẹ, là: "Mẹ tôi sinh ra và trưởng thành ở nơi không có được những món ngon so với những vùng khác. Món ăn thiệt, món ăn chơi gì cũng rất buồn và đơn điệu. Chè chỉ là đậu đen dùng chén ăn cơm làm khuôn. Bánh bèo cũng 'chơi' nguyên một chén dày cộm, không ẻo lả mỏng manh như bánh bèo xứ Huế. Bị mắng đành nghe, chứ gần như tôi chẳng thích bất cứ món quốc hồn quốc túy nào của quê ngoại." (Tr. 125) Đã vậy, còn sinh ra một cô con gái thích ăn ngon, nên kén ăn, thích mặc đẹp, nên kiêu kỳ, thích thơ văn, nên thành văn sĩ. Mẹ của "tôi", sau buổi đổi đời, từ ngày "ba tôi" và "hai thằng em" vô rừng làm rẫy theo chỉ thị, ở lại trông coi và quán xuyến việc nhà. Không ai có việc làm, có được đồng ra đồng vào mỗi tháng, tư trang, đồ đạc vì vậy phải bán đi để kiếm chút tiền lo chuyện sinh nhai và mua gà, vịt, heo về nuôi, kiếm thêm lợi tức về sau. Và bà còn phải thủ thân trong khi giao tiếp với xóm giềng là những "… bà Năm chế độ cũ, có con trai là sĩ quan đi học tập cải tạo ở đâu đó, …" (Tr. 134), bà Hai cán bộ "… có chồng đi tập kết. Mặc dù đã có vợ khác ở ngoài Bắc, nhưng trong suốt 'thời kỳ bị Mỹ Ngụy kềm kẹp', bà Hai vẫn trung kiên ủng hộ cách mạng và thủy chung chờ chồng, …" (Tr. 135), bà Hai trung lập, "… bởi vì gia đình bà không có ai đi lính cộng hòa, cũng không có người tập kết hay đặc công… đặt mìn gì ráo. Bà Hai 'trung lập' chỉ mắc tội… di cư, nếu như rộng lượng không tính thêm cái tội cô con gái út ngày ngày ru cháu ngủ, cứ hát oang oang những bài ca cách mạng với nhiều lời đã bị sửa. Như 'Vàm Cỏ Đông cứt chảy đầy sông, có anh du kích chổng 'đích' lên trời', hoặc như đang mùi mẫn 'cây lúa non chờ từng cơn mưa nhỏ. Cây lúa trổ chờ nước đổ trên nguồn. Cả quê hương rạo rực thơm đất mới', bỗng la làng lên như có ai siết cổ, 'nhà nước ơi, ăn khoai mì ngán quá' …" (Tr. 135), bà "quệt liễm", … , để tránh chuyện phiền nhiễu.
- Của nhân vật "hai thằng em": Một thằng thì bệnh hoạn rề rề, nhưng là chứng bệnh có tên gọi, còn thằng kia thì "… tướng tá ngon lành, chẳng biết bịnh gì mà cứ xỉu lên xỉu xuống. Đang chơi ngon lành, bỗng đùng một cái im hơi lặng tiếng rồi nằm lăn quay ra. Mà thằng em tôi không động kinh, không yếu tim, không áp huyết thấp cao gì ráo mới lạ nhé. Chỉ xỉu. Dài dài …
…
Sợ, hồi hộp, xỉu. Mừng, vui cũng xỉu. Thua, tức, xỉu. Thắng, cũng xỉu nốt …" (Tr. 12-13). Vì lẽ đó mà nhà có thêm một người: nhân vật "thằng em nuôi" là nạn nhân chiến cuộc trước 75, "… ba mẹ mất trong một trận đánh lớn chỉ còn lại ba anh em trơ vơ nên được đưa tới trạm xá của má lớn tôi. Sau vài tuần, ông anh lớn và cô em gái ở lại với má lớn, còn thằng em này ra thành phố sống với gia đình tôi." (Tr. 13), và có nhiệm vụ "… khi đi học chung với hai thằng, chịu khó để mắt coi chừng 'em' có… xỉu thì chạy đi báo cho thầy cô giáo và hiệu trưởng biết…" (Tr. 13-14)
"Hai thằng em" này, cùng với "thằng em nuôi", "ba tôi", "ông anh" và "tôi" là những người đã từng vô rừng làm rẫy, làm ruộng theo chính sách của nhà nước mới. "Ba tôi" và "tôi" sợ đỉa, nên ít khi "lên bờ xuống ruộng", giao phó việc gieo mạ, cấy gặt cho mấy cậu con trai. "Tôi" được giao trách nhiệm làm chị nuôi, lo chuyện giặt giũ và cơm nước, vận dụng óc sáng tạo chế biến từ rau củ quả thành những món xào, món canh, ngày ba bữa. Những khi xong việc bếp núc, giặt gịa, nhân vật "tôi" mơ mộng vẩn vơ, ghi chép những vần thơ thẩn.
Vẫn với mạch biếm văn và những dòng tả tình tả cảnh tuyệt vời, Hoàng Nga viết:
"Mùa mưa, trời thường sụp tối rất nhanh. Chung quanh rẫy tuy không ao hồ, nhưng phía dưới thấp nhiều ruộng nên cứ bắt đầu chạng vạng là ếch nhái kêu buồn đến não nuột…
Người buồn cảnh thê lương, thường hay khiến người ta chỉ muốn nghĩ tới những điều đau lòng. Mười tám tuổi, tôi ngồi viết… di chúc:
Khi tôi chết đưa về phố cũ
Chiết lên tôi một gốc thông già
Để đêm buồn giữa biển bao la
Tôi ngồi đón sóng dồn lên đá …
… Khi tôi chết xong đời bão nổi
Cám ơn người đã nhớ thương tôi
Chiều mây vàng bụi yến tung rơi
Tôi sẽ nhớ tên người miên viễn …
Cái bài thơ mà mỗi bận đọc lại, tôi vẫn không khỏi phì cười. Bởi gần đến cuối đời, nhớ hoài, nghĩ hoài vẫn không biết ai là 'ảnh tượng' để tôi đòi nhớ tên tới miên viễn ngàn đời như vậy… Có lẽ phải hãi hùng với cuộc đời dữ lắm mới rặn ra được những giòng di chúc sầu cổ độ như vậy chứ!" (Tr. 109-110)
- Của nhân vật "ông anh" hiền lành: "Tôi nhớ tới vóc dáng thư sinh của anh những ngày còn đi học. Nhớ tính cách của con người anh. Hoàn toàn khác hẳn với những tên con trai học trường Tây hay kênh kiệu, tưởng mình 'ngon', thì anh hòa nhã, mềm mỏng, và khiêm nhường." (Tr. 233) "Anh tôi" học trường Tây mà tâm hồn lại không Tây chút nào, và có bằng tú tài hai chương trình Việt, lên đại học theo ngành chăn nuôi. Sau ngày đổi đời, thỉnh thoảng cũng vô rừng phụ làm rẫy. Anh giỏi tiếng Pháp như giáo sư sinh ngữ, nên được mấy cậu em gọi là "pháp sư". Khi ở nhà, sau khi con heo nái được nhảy nọc, tới ngày khai hoa nở nhụy, anh cùng một anh bạn học được "mẹ tôi" triệu về, đỡ đẻ cho heo. Loay hoay làm sao không biết mà "tôi" nghe "con em" kể lại, mẹ giận hai ông dữ lắm, vì "… mẹ càm ràm, hai cái thằng quỷ, chút xíu nữa là làm chết ngộp hết cả đám." (Tr. 119).
"Anh tôi" đã ngoài hai mươi, nhưng vẫn chưa thấy có bạn gái. Chợt, lần nọ, tin như sét đánh ngang tai: "Tuy nhiên tới lúc mấy thằng em tôi khám phá ra ông anh quen với một chị, thì thay vì vui vẻ chúc mừng, lại hô hoán loạn cào cào châu chấu anh có người yêu như thể anh đang… phạm tội gì tày đình. Ba thằng chấu đầu vào hoạnh họe ông anh tôi trong bầu không khí vô cùng căng thẳng. Chắc có lẽ còn căng thẳng hơn cả một buổi kiểm điểm, oánh giá công tác …" (Tr. 230) Người con gái mà anh để ý là một chị "mỏng lét" cũng như anh. Chuyện tình "mỏng lét" giữa hai thanh nam thanh nữ "mỏng lét" trong thời buổi cũng "mỏng lét" miếng ăn và tình người dưới chế độ "xã nghĩa".
Ngòi bút Hoàng Nga thuật chuyện người sau ngày đổi đời cũng thú vị từng câu từng chữ như khi thuật chuyện gia cầm, gia súc. Chuyện "mẹ tôi" nuôi con heo nái, cho nhảy nọc, sản xuất ra một bầy con, bán kiếm tiền mưu sinh. Chuyện mấy "thằng em" mua trứng vịt lộn về cho con gà mái ấp, nở ra con, đem ra chợ bán. Và chuyện chó:
"Con chó nhà tôi là con Bi Lèm. Đúng ra nó chỉ được đặt tên Bi, nhưng chẳng biết sao lại thành ra Bi… Lèm. Có thể do thằng em kế út của tôi là chuyên viên sáng tác và xuyên tạc chữ nghĩa đã 'sáng tạo' ra." (Tr. 140).
Theo lời tác giả, thì Bi Lèm thuộc loại "con chó trời bắt xấu". Bi Lèm không xấu thường, mà xấu hoắc. Lần đầu thấy nó:
"Ông anh bèn rụt rè an ủi:
- Nó… ngó vậy chớ khôn lắm.
Ngó vậy, nghĩa là con Bi Lèm không bảnh trai đã đành mà còn phải kể là xấu. Mặc dầu tôi không nhớ khi còn bé nó xấu như thế nào, nhưng lớn lên, con Bi Lèm… xấu thiệt. Nó lùn tẹt. Lông vàng không ra vàng, nâu không ra nâu. Cái đuôi ngắn, ở khúc giữa lại phình ra một cách hơi kỳ quặc như thể cái ống cao su bị phơi dưới trời nắng hoặc bị đặt gần nơi nào đó có nhiệt độ quá nóng, nên trương phồng lên. Nhưng phải nói tới cái mặt nó mới là… thôi rồi! Vì dung nhan con Bi Lèm sầu đời vô kể …" (Tr. 142).
Con Bi Lèm không những vừa xấu dáng mà còn xấu nết, vì một sáng nọ nó dính phải tội hình sự: "Ăn vụng hai miếng đường tán!" Lần đầu nó được tha bổng. Sang ngày hôm sau, lại bị bắt tại trận "nằm gác mặt lên hai chân, mắt ngó chăm bẳm vào… hai cục đường ở đàng trước mặt." (Tr. 145) "Tôi" và "con em tôi" nghiến răng lên án kẻ ăn vụng và đang dự thảo bản án trị tội con Bi Lèm, chợt:
"Nhưng thình lình con em tôi bỗng la lên:
- Mà coi nè, cái cửa tủ còn đóng chặt như vầy sao nó lôi hai cục đường ra được?
…
Tôi ngớ ra, nhưng chưa kịp nghĩ ra điều gì, em tôi đã bật cười lên khanh khách:
- Thấy mồ rồi. Như vậy chắc chắn là con Bi Lèm chui qua nhà bà Hai chôm về rồi …" (Tr. 146-147)
Vụ án "Con Bi Lèm và hai cục đường tán" kết thúc ở đây. Bị cáo là con Bi Lèm được nhà nước khoan hồng, tuyên bố tha bổng và có lẽ sau đó còn được tuyên dương công trạng bằng một miếng thịt mỡ trong chén cơm trưa ấy.
*
"Rừng Núi Bạt Ngàn" của Hoàng Nga không phải là một tiểu thuyết với những nhân vật và những tình tiết hư cấu, thắt nút mở nút, kết cuộc có hậu, mà là một tự truyện về hoàn cảnh, vừa bi vừa hài, của một gia đình trung lưu miền Trung trong thời bao cấp sau biến cố 1975. Không có một thông điệp to tát nào ẩn náu giữa những dòng chữ. Không thấy ẩn dụ một "triết lý" hiện sinh hay một "nhân sinh quan" thời thượng nào. Hoàng Nga chắc hẳn không có những tham vọng ấy khi viết quyển tự truyện dài hơi này. Cô chỉ muốn kể cho độc giả nghe những chuyện thật của những nhân vật thật, bằng thứ văn phong cà rỡn, nhiều khi nghịch ngợm, thỉnh thoảng lãng mạn sa đà tựa như dòng tâm tư dạt dào cảm xúc của một thiếu nữ mười tám. Cô gái ấy yêu thơ văn, thích làm thơ, dễ cười dễ khóc, hay làm dáng, thường hay xúc động vu vơ vì một tiếng đàn, giọng hát của chàng trai hàng xóm hay những lời hỏi han ân cần của người bạn ông anh. Và nhất là, để cô viết cho chúng ta đọc về những người thân yêu trong gia đình cô.
Nói theo ngôn ngữ đại chúng, thì "Rừng Núi Bạt Ngàn" là chuỗi cười thay cho "những tiếng khóc khô không lệ".
Truyện được kết thúc như sau:
"Tôi giã từ rừng núi bạt ngàn. Không lời từ biệt. Không bao giờ thấy lại con đường đất đỏ dẫn vào nơi ấy, không hề gặp lại Hai Xồi, Bảy Cúc, 'đại úy' Kè. Đoạn đời làm dân sơn cước khép lại. Tôi nghĩ giá mà được như hai câu thơ của mẹ tôi:
Những bước thăng trầm xin trả lại,
Cho trời mây nước…, chỉ còn thơ.
…
Cuộc sống của chúng tôi chuyển sang hướng khác. Không còn vào rừng rẫy nhưng không có nghĩa đường đời rộng mở ra trước mắt. Không tương lai bừng sáng như những cái happy ending, kết thúc có hậu giống cải lương, hay phim Hàn quốc ngày nay.
Mà chúng tôi bước vào những cánh rừng khác. U ám. Bạt ngàn. Bạt ngàn những gian dối, tham lam và cạnh tranh. Nơi có những gương mặt chỉ toát ra vẻ bần tiện, những cái đầu chỉ nói ra những điều ngu si, đần độn, và trái tim chỉ hiện ra sự thù hằn, ngờ vực.
Cuộc sống ở nơi ấy vẫn tối đen và buồn thảm không khác gì cảnh rừng chúng tôi bỏ lại sau lưng …" (Tr. 313-314)
Ngô Nguyên Dũng
(11.2021)
*
Phụ lục:
Tôi xin trích đăng lại dưới dây một bài thơ của Hoàng Nga viết để tưởng nhớ nhân vật "mẹ tôi", phổ biến trong thư mục facebook cá nhân ngày 25.10.2021.
THÁNG MƯỜI RỒI, MẸ ƠI!
Cuối tháng mười mẹ ơi, hoa đã già
Vàng rực bên đường mùa thu qua
Chỗ con, lá úa buồn như thể
Rớt xuống đời thêm nỗi xót xa
Cuối tháng mười mẹ ơi, bông cải rụng
Hồn cải về trời. Con chơi vơi.
Nhớ câu thơ mẹ làm năm cũ,
Con hỏi đâu rồi. Người thơ ơi!
Cuối tháng mười mẹ ơi, mưa đang bay
Một khoảng bé thôi. Nhưng thật đầy
Con ướt mắt chiều nay ra phố
Mùa sang rồi. Mà con không hay.
Cuối tháng mười. Mẹ ơi, khuya trở giấc
Nửa đêm con mở mắt nhìn quanh
Trần nhà trắng như lòng con bạc trắng
Con hỏi đâu rồi bóng mẹ giữa nhân gian
Cuối tháng mười. Ngày mẹ đi. Sắp tới
Bao thu rồi, con vẫn tưởng hôm qua
Không thể nghĩ mẹ đã là mây trắng
Bay cuối chân trời. Con ở lại bơ vơ…
HOÀNG NGA
* "Rừng Núi Bạt Ngàn", Hoàng Nga, truyện dài, nxb Nhân Ảnh, 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét