Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

Đọc truyện ngắn Trần Doãn Nho - Trần Yên Hòa

 

“Đi. Trong Một Buổi Sáng,” tập truyện ngắn mới xuất bản năm 2021
 của nhà văn Trần Doãn Nho. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

 

ANAHEIM, California (NV) – Trước năm 1975, tôi chưa đọc truyện của Trần Doãn Nho. Có lẽ thời đó, dù mê văn học lắm, nhưng vì là một sĩ quan Bộ Binh tác chiến, suốt ngày phải lặn lội hành quân, có về nghỉ dưỡng quân thì phải về thăm gia đình, nên không biết có một nhà văn mang tên Trần Doãn Nho.

Đến khi qua Mỹ, khi đi làm công nhân ở một tiểu bang lạnh, tôi có đặt mua tạp chí Hợp Lưu của Khánh Trường. Ở đây tôi mới chú ý đọc những truyện ngắn của Trần Doãn Nho. Tôi rất thích với văn phong gọn, đối thoại dí dỏm, truyện có nội dung một truyện, không la đà lan man dài dòng, lý luận… nên tôi đã ghi tên tác giả Trần Doãn Nho vào tâm trí…

Mãi đến năm 1998, khi trở về lại California – nơi được ví như cái nôi sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật của người Việt hải ngoại – tôi có dịp tiếp xúc được nhiều nhà văn, nhà thơ, nhiều buổi ra mắt sách của các tác giả mình yêu thích, trong đó có Trần Doãn Nho.

Khoảng năm 1999, Trần Doãn Nho từ Massachusetts sang Nam California, ra mắt bốn tác phẩm tại phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt ở thành phố Westminster, gồm tiểu luận “Viết và Đọc,” tập truyện ký “Loanh Quanh Những Nẻo Đường,” tập truyện “Vết Xước Đầu Đời” và “Căn Phòng Thao Thức.” Những nhà văn lên giới thiệu về Trần Doãn Nho và các tác phẩm hôm đó là Nguyễn Mộng Giác, Bùi Vĩnh Phúc, Phạm Xuân Đài…

Hồi đó, tôi nhớ lại, tôi tới bàn tác giả ký tặng sách, tác giả không biết tôi là ai, tôi nói tên và xin mua hai cuốn sách “Vết Xước Đầu Đời” và “Căn Phòng Thao Thức,” tác giả cười rất thân thiện và ký sách. Tác giả lúc đó còn trẻ, dáng người trung bình, thư sinh của những người con Huế lịch sự, trí thức, vui vẻ. Tôi đã tặng lại người bạn cùng đi theo tham dự buổi ra mắt sách một cuốn, và tôi nhận lấy một cuốn “Vết Xước Đầu Đời.”

<!>

Đọc mỗi truyện ngắn của Trần Doãn Nho, tôi lúc nào cũng thấy háo hức theo cùng lối hành văn của anh theo từng truyện, rất gãy gọn, đi thẳng vào tâm trí người đọc. Truyện có cốt truyện, khiến người đọc phải muốn đọc tiếp để xem kết cuộc ra sao… Và một điều nên nói là thường nhân vật có những “rung động dục tình rất đời thường,” tuy nhẹ nhàng, nhưng cũng rất hấp dẫn.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã giới thiệu tác giả Trần Doãn Nho hôm đó như sau:

“Trần Doãn Nho thực sự mang đến một luồng gió mới, theo ý tôi, nhờ tầm nhìn của anh khác với những bạn tù cải tạo H.O. sang trước anh. Anh bỏ qua cái khung chật là những trại giam với cán bộ quản giáo, vệ binh, cai tù, giám thị, tiếng kẻng quy định thời khóa biểu hằng ngày, những cơn đói cồn cào, những sỉ nhục, những cái chết, những tiếng khóc… Anh viết về những gì xảy ra trong cái nhà tù lớn bên ngoài vòng kẽm gai, nhất là những biến động xã hội, những đổ vỡ gia đình sau hai biến cố lớn của lịch sử: Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và sự thay đổi của xã hội Việt Nam mười năm gần đây. Trong cái nhà tù lớn ấy, anh lại chú ý tới những nạn nhân đau khổ nhất, can đảm nhất, những con người yếu đuối mà kiên cường một mình đột ngột gánh hết trách nhiệm gia đình: những người vợ, những trẻ thơ trong gia đình sĩ quan cải tạo.

Lời chứng của Trần Doãn Nho qua tập truyện này có vẻ đơn giản, mạch lạc, lôi cuốn, mỗi truyện đã đọc thì đọc một mạch từ đầu đến cuối, truyện dứt lúc nào không hay. Nhưng con người trong lời chứng của anh thì không đơn giản chút nào. Anh thích đặt nhân vật vào những cảnh ngộ thử thách, và cách nhân vật ứng xử với những thử thách ấy rất ‘người,’ nghĩa là chênh vênh giữa tốt và xấu, yếu đuối mâu thuẫn nhưng vẫn có đủ nghị lực để chấp nhận bất hạnh và thích nghi với đời sống.” (Bài “Tựa” tập truyện ngắn “Vết Xước Đầu Đời” của Trần Doãn Nho, Thanh Văn xuất bản năm 1995)

***

Bẵng đi một thời gian, sau nhờ quen biết với nhà thơ Thành Tôn, nhà văn Phạm Xuân Đài, nên tôi được gặp Trần Doãn Nho trong những ngày anh từ Boston, Massachusetts, hay Dallas, Texas, về Nam Cali tham dự những buổi hội thảo của nhật báo Người Việt, của báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ hay Da Màu. Trong những buổi cà phê, chúng tôi có trao đổi về văn học nghệ thuật, tôi mới biết (thêm) về kiến thức của anh rất sâu rộng. Anh còn viết khảo luận về văn học lấy tên là Trần Hữu Thục, tên thật của anh.

Gần đây, tôi cũng được nhà văn Trần Doãn Nho gởi biếu tập truyện ngắn mới nhất: “Đi. Trong Một Buổi Sáng.”

Tập truyện này do Văn Học Press xuất bản lần thứ nhất, 2021.

Phần “Mở,” tác giả viết: “Tập truyện này gồm những truyện ngắn sáng tác trong nhiều thời điểm khác nhau, từ trước năm 1975 ở trong nước và từ giữa thập niên 1990, lúc mới sang định cư tại Hoa Kỳ, cho đến thời điểm gần đây, được đăng tải trên báo giấy cũng như báo mạng trong và ngoài nước. Tác giả có nhuận sắc lại đôi chút, kể cả thay đổi một vài truyện, nhưng vẫn giữ văn phong và nội dung vào thời điểm mà chúng xuất hiện. Cũng xin thưa: hư cấu, dù có phản ảnh một phần nào hiện thực, vẫn là hư cấu. Tức là bịa.”

Trong phần “Bạt” cuối sách, nhà văn Đặng Thơ Thơ viết: “…Trần Doãn Nho dựng những nhân vật vô cùng thú vị. Họ không ngừng khiến chúng ta phải nhạc nhiên. Họ có khả năng thay đổi tình thế và cục diện câu chuyện. Trên bề mặt, nhân vật Trần Doãn Nho linh động, tròn đầy, có hình khối, có âm lượng, họ choáng ngõ ngách trong thế giới truyện, nhờ họ mà chúng ta được khí hậu truyện mở ra. Họ nói những câu làm chúng ta sững người, như tia chớp trong một thoáng rọi vào mặt khuất của nhân vật…”

***

Nhân được đọc lại những truyện ngắn của Trần Doãn Nho trong tập truyện này, tôi xin ghi, nhận xét (thêm) về phần dục tính trong các truyện ngắn. Nó không khơi dậy những dục vọng của con người, mà nó chỉ làm nên những rung động nhẹ cho người đọc. Cái hay của nó là cách viết rất nghệ thuật để hấp dẫn người đọc, thích đọc, mà thôi.

Như truyện đầu: “Đoản Khúc,” truyện kể về một cô gái khi còn ở Việt Nam có yêu một người con trai tên Ngà. Ngà có “đôi mắt to, lưỡng quyền cao, những mụn đỏ nằm quanh mũi, miệng rộng hé ra mất chiếc răng cửa chen lấn không đều, chiếc cổ cao có nốt ruồi nằm gần vai, tiếng cười giọng nói rổn rảng, hơi thuốc lá và thỉnh thoảng, mùi rượu đế.”

Với người yêu như vậy, cô gái cũng có những “pha rất tình” với Ngà như sau: “Bữa đó, sau nhiều lần suy nghĩ, cô cho Ngà hôn khi cả hai đứng khuất ở bụi chuối sau hè. Muốn thử cho biết. Ngà thở phì phò, nóng hổi bên tai, những ngón tay nham nhám sờ mó thân thể cô như rắn bò, nhột gần chết. Ngà áp mặt vào má cô hôn hít, trườn lên môi, trật ra trật vào. Gớm. Cô người như lửa đốt, muốn hôn lại, nhưng luống cuống chưa biết làm sao, hít đại vào má Ngà một cái rồi đẩy ra, bỏ chạy. Về nhà, người còn run rẩy, nóng hôi hổi như bị cảm.”

Nhưng đến khi qua Mỹ, ban đầu thì cô gái còn nhớ, nhưng từ từ hội nhập vào dòng chảy của xã hội Mỹ, cô gái đã quên đi mối tình đó. Truyện rất thật. Ngoài đời có nhiều chuyện như vậy xảy ra.

Đến truyện “Quen,” cũng kể lại một mối tình so le, một người đàn bà có tiệm bán thuốc lá lẻ, một buổi chiều gặp người đàn ông “Chợt thấy trên chiếc ghế đá hư hỏng cách chỗ nàng ngồi bán thuốc lá lẻ khá xa, một thân hình người nằm vắt vẻo. Ai thế nhỉ? Chắc là một kẻ ăn mày? Chiếc xe chạy qua. Cả khu công viên chìm vào bóng tối. Mưa nặng hột dần. Không suy nghĩ lâu lắc, Hồng dừng vội chiếc xe bên gốc cây, kéo tấm ni lông chạy lại. Một đàn ông. Nàng trùm vội tấm ni lông lên, cẩn thận nhét hai bên, sợ gió thổi bay đi mất. Mùi rượu nồng bốc lên khiến nàng lợm giọng, bước lùi lại. Người đàn ông hầu như không hay biết gì, vẫn đắm chìm trong trong cơn say.”

 

Nhà văn Trần Doãn Nho tại hội thảo “Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” 
do nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ, báo mạng Da Màu 
tổ chức vào Thứ Bảy, 6 Tháng Mười Hai, 2014, tại nhật báo Người Việt, Westminster. 
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

 

 

Thế đó, nhưng sau nhiều lần gặp, người đàn ông tên Thuận. Và Hồng, đã:

“Hồng chưa kịp phản ứng thì hai vòng tay anh ta đã ôm siết lấy nàng như hai gọng kìm, nâng lên. Con mèo nhỏ la ú ớ. Tiếng Thuận thì thào:

-Đừng sợ, con mèo nhỏ.

Hồng vùng vẫy, cấu xé dữ. Mặc! Thuận ôm xốc nàng đi vào, lần mò trong bóng tối tìm chiếc ghế. Anh để nàng xuống, hai tay mạnh mẽ bứt nút áo. Tiếng Hồng nghe đứt quãng.

-Thuận, Thuận, đừng, đừng, Thuận.

Thuận bịt miệng nàng lại. Nàng ú ớ một lát rồi im bặt. Sau đó, nàng kêu tên Thuận nhiều lần. Trong bóng tôi, tiếng kêu lúc nhỏ lúc lớn rồi tản mác trong một đêm mùa Thu lặng lẽ.”

Tóm lại, truyện ngắn của Trần Doãn Nho, truyện nào tôi đọc cũng rất thích, hấp dẫn từ đầu đến cuối. Và có những kết luận rất Người. [qd]

 

 Trần Yên Hòa

từ: nguoi-viet.com

Đọc truyện ngắn Trần Doãn Nho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...