I
Sau những năm tháng đi biền biệt chiều hôm đó chàng trở về, với trên tay cái điện tín của người chị đánh đi cách đấy ba hôm.
“Tâm, cậu phải về gấp. Thầy đau nặng ngất đi sống lại đã hai lần. Thế
nào cậu cũng phải về. Hãy quên chuyện cũ đi. Tôi nghĩ đến giờ phút này
cậu hãy nghe lời tôi. Người chị khốn khổ của Tâm, chị Thuyết.’’
Con tàu qua hết một cánh đồng, chạy vào một ngoại ô, tiếng còi tàu như
chật hẹp lại. Một cái gì hun hút bồn chồn thoát đi từ những âm thanh đó.
Tại sao chị Thuyết lại biết địa chỉ của chàng để gởi cái điện tín? Tại
sao sau khi nhận cái điện tín chàng quyết định trở về ngay, mặc dù trước
đó việc trở về đối với anh là một cực hình? Tại sao cha lại từ giã cõi
đời sớm như thế? Sáu mươi tuổi. Cái chết phải chăng là một chấm dứt hoàn
toàn, đánh tan những hình hài, bẻ gãy tất cả những tham vọng. Mà cha
chàng đã mang tham vọng gì trong cái tầm thước cuộc đời ngắn ngủi ấy?
Bao nhiêu câu hỏi hiện lên mờ tỏa trong trí óc chàng như những đám bọt
biển nổi trôi bơ vơ trập trùng trong ngày biển động. Con tàu qua một vài
ngã quanh, vòng bánh sắt nghiến xé trên đường để lại những tiếng động
khô khan, rồi dừng hẳn trong buổi chiều ánh vàng leo lét lười biếng đọng
trên những đỉnh cây xám xịt.
Chàng xem lại cái điện tín một lần cuối rồi nhét vào túi áo. Cúi nhặt
chiếc va li, đứng lên đi về phía cửa. Khi đến cửa chàng đứng lại nhường
lối cho một người con gái. Bước xuống cầu thang nàng hất mạnh đầu, mái
tóc nàng bồng lên. Một chút nắng vàng và một khoảng tối đọng trong tóc
gái làm chàng xao xuyến.
Chàng đi vào trong ga. Căn nhà rộng thênh những ánh đèn vàng võ. Chinh
chiến đã làm mọi sinh hoạt, đời sống trở nên khó khăn thiếu hụt. Con tàu
chạy tiếp, để lại một vùng âm thanh buồn nản. Thật là mâu thuẫn, chàng
nghĩ, khi con tàu để lại những vệt khói nhẹ nhàng thoáng bay trong không
thì những tiếng động nặng nề len lỏi trong khoảng tối u uất.
Nơi cuối ga đám người chào đón và tiễn đưa cũng đã tản mác. Chuông giáo
đường đổ những giọt tê điếng. Chàng đưa mắt theo con tàu đã khuất. Trong
một thoáng người trai trẻ cảm thấy trống vắng lạ thường, và chàng tiếc
rẻ đã bỏ lỡ một chuyến khởi hành… Đã từ lâu như thế, chàng luôn cảm
tưởng trôi giạt; bất định; đến một thành phố chàng lại vội đi, vừa rời
xa lại thoạt nhớ muốn quay về.
Nhưng nếu một ai hỏi muốn quay về đâu, chắc chắn chàng không thể trả lời
được rằng mình có một nơi nào để quay về. Từ bao năm chàng là một hành
trình tiếp nối những cô đơn, một phân vân lựa chọn mà chưa bao giờ được
lựa chọn; đời chàng một kết nối những tình ái dở dang, lang thang trong
miền đất quê hương mà luôn là một khách lạ.
<!>
**
Bây giờ chàng bước đi trên con đường dẫn vào thị trấn xưa, nơi chôn nhau
cắt rốn. Không còn sự lựa chọn nào. Chỉ con đường độc nhất dẫn chàng
trở về ô cửa từ đó nhìn thấy vì sao ban đầu, từ tuổi thơ, tuổi lớn; ở đó
những giấc mơ kỳ diệu nhất, phát khởi tầm vóc cuộc đời chói sáng, vượt
bay; và cũng từ ngưỡng cửa ấy chàng chịu nhận những bất hạnh đến từ
những người thân yêu. Lát nữa, chàng sẽ nhìn lại khuôn mặt người cha.
Chàng cầu mong những ám ảnh, bao đau buồn xưa sẽ mất dấu, trả lại cho
chàng con tim bình an hơn.
Chàng đi xuống một khoảng phố. Nơi này ngày xưa chỉ là một vùng ngoại ô
buồn tẻ, bây giờ những biệt thự, nhà nhiều tầng chen chúc. Lạ lùng,
chiến tranh đâm nát mặt mày quê hương nhưng những toà nhà thành phố ngày
ngày cao hơn. Bao năm xa cách, chàng vẫn nhớ từng con đường, bóng cây,
góc phố. Mỗi ô cửa xưa là một kỳ diệu thắp sáng trí nhớ. Rồi chàng đột
nhiên dừng lại trước một khu vườn rộng. Con tim lại trở màu bất an. Một ý
nghĩ thoạt đến, đột ngột và tàn nhẫn. Tại sao tôi trở về? Có lẽ nào tôi
phải nhìn lại ngọn đèn nở ra ma mị bên kia hàng trà tàu? Phải nhìn cái
phiên ảnh đã làm tan vỡ một đời tôi. Tôi phải đành lòng bỏ nhà ra đi.
Một từ biệt mang ý nghĩa vĩnh biệt. Cha tôi, ồ chỉ là một cái thang nối
liền từ địa ngục đi lên, hay từ trên kia trở về địa ngục.
Một phút trước lúc quay lại sân ga, từ cánh cổng lớn ngày xưa, chàng
nhìn vào bên trong. Sân vườn loáng thoáng người, những hình hài sầu
muộn, những áo tang trắng di chuyển trong đêm. Lặng lẽ đến ma quái. Một
lực vô hình đẩy chàng vào khu vườn, đẩy chàng bước lên thềm. Một bước
nữa, thật là bí ẩn. Chàng mong có một tiếng động làm chàng đổi ý, nhưng
không, thật là vắng lặng…Trong hố thẳm rỗng không của hiện thực, chàng
cảm ra một sự tủi nhục bén mùi. Chàng dừng lại. Quay lui.
Nơi sân ga khuya khoắt một khoảng trống tẻ lạnh. Chàng ngồi ở đó rất
lâu, hối hận vì một chuyến trở về. Cơn mưa khuya vung vãi. Mùa thu đến,
trời đất ủ minh. Rất khuya, phố vắng, chàng uể oải đứng lên. Chẳng biết
đi đâu, tàu chưa đến, chàng lại đi về hướng ngoại ô… Bước dưới những tàn
cây rũ rượi Tâm dẫm lên dĩ vãng, những móng nhọn hành hạ con tim trở
chứng, đau nhức.
II
Trên bàn thờ nhang đèn đã được thắp sáng từ hơn tám giờ tối. Trong hương
khói một người đàn ông được đặt trên một chiếc giường sang trọng. Ông
ta nằm ngay ngắn, được đắp bằng một tấm vải trắng kéo lên đến ngang
ngực, chiếc cổ ốm tong, râu trên cằm được tỉa gọn, sống mũi cao càng
thấy cao hơn, vì hai gò má đã lõm sâu. Đôi mắt nhắm nấp dưới hàng lông
mày đen. Chỉ đôi lông mày là không chết theo cái thể xác vàng võ ấy
thôi. Một đôi mày nguyên vẹn trên khuôn mặt trơ, như hai vệt núi xanh
trên một vùng đất nghèo gầy.
Người ta đặt ông nằm đấy, vì lòng thương yêu lẫn tôn kính muộn màng, là
để chăm sóc. Người ta đổ vào miệng ông những hớp thuốc hồi dương, mong
ông kéo dài cái sống. Nhưng tuyệt nhiên không còn gì, dù là vài thoi
thóp qua hai cánh mũi như đã hóa nhựa. Một cái xác chết. Cũng không hẳn
thế. Hình như ông ta trong tình trạng lửng lơ, như chưa hắt ra hơi cuối
cùng. Cái xác này đang trong nuối tiếc một người thân yêu chưa trở về.
Đang trong cái khe giữa Ở Lại và Ra Đi.
Bên cạnh ông, túc trực trên hai chiếc ghế màu gỗ gụ là hai người đàn bà.
Một cậu con trai ngồi bó gối trên chiếc đi văng đối diện. Những ngọn
lạp trắng ánh sáng huyền hoặc. Đã một thời, chính trong căn phòng này,
bi kịch đã xảy ra giữa người đàn ông – người đang nằm yên trên sạp lụa
chờ phút cuối cùng; và Tâm – người vừa trở lại thành phố theo tin báo
cha qua đời, đã vội vã bỏ đi.
Diễm buồn bã. Nàng đã rất gầy theo tuổi tác. Những ngón tay vuốt tóc.
Tóc pha. Một thời nàng có một bàn tay đẹp, có thể hơn cả những bàn tay
được mô tả trong vài cuốn tiểu thuyết. Diễm bâng khuâng, và nói mơ hồ:
– Chị Thuyết à, không biết trong tình cảnh này mẹ của Lạc có về được không?
Thuyết cũng chẳng vui, trả lời:
– Chị đã đánh một điện báo tin buồn rồi. Nhưng như ném một viên sỏi nhỏ
xuống một hang sâu. Không hề có hồi âm. Chị tin rằng sẽ không ai về.
Chẳng bao giờ về.
– Em tin mọi người sẽ trở về. Thế nào cũng phải trở lại. Trong tuyệt
vọng, mỗi con người vẫn luôn mong chờ một phép lạ. Cái chết của Người có
thể mang lại một phép lạ cho sự hóa giải chăng.
Cậu con trai, ngồi như chết trên chiếc đi – văng từ đầu đêm, bỗng như được đánh thức bởi cái từ Mẹ đáng yêu, cậu hỏi:
– Tại sao mẹ tôi lại bỏ đi như thế. Vì sao bao lâu nay không ai trong
cái nhà này quan tâm tới sự vắng mặt của mẹ. Vì sao điện tín lạc địa
chỉ. Vì cái gì mà đoạn tuyệt nhau? Em chưa một lần gặp mẹ.
Thuyết nhìn em trai ái ngại. Từ lâu nàng không muốn Lạc, tên cậu trai,
biết cái bi kịch gia đình. Chị mong chờ thời gian sẽ làm rêu nhạt, xóa
tan những thù hận giữa những con người gọi là máu thịt trong gia đình.
Chị chờ ngày tái hợp, ngày ấy Lạc đã trưởng thành, đủ bản lĩnh để vượt
khó. Nhiều lần chị lảng tránh khi Lạc tra vấn: “Chị Thuyết, Linh Trang
là ai? ”
Trời bên ngoài đổ mưa. Một cơn gió mạnh. Những ngọn nến chao đảo. Không
gian bỗng ma mị, nghi hoặc. Người đàn ông nằm trong trạng thái chưa hẳn
chết có thể đang mong chờ một kẻ trở về.
Thuyết đang khóc. Diễm rơi lạc vào mơ hoang. Và Lạc, cậu ấy thèm đuợc
nhìn khuôn mặt mẹ. Cậu như một biểu trưng, như là cái chuỗi ngọc người
ta đeo vào đêm lễ tân hôn, nhất thiết phải quên đi Linh Trang, người đã
làm ra chuỗi ngọc.
Đó là một câu hỏi trong thâm tâm của Diễm mỗi khi săn sóc cho Lạc. Lạc,
là em hay là cháu của nàng? Cha nàng là ông nội hay là cha của Lạc.
**
Một vài người thân đến viếng phải đứng ngay bậc cửa nhìn vào trong. Họ
không được bước vào phòng nơi người đàn ông đang chờ phút lâm chung.
Theo lời di chúc, ông ta không muốn sự thăm viếng đông đảo, không muốn
tang lễ rườm rà – mà với địa vị, sự giàu sang, mối quan hệ xã hội rộng
rãi từ giới thượng lưu như ông – thì đám tang phải đầy đủ nghi thức như
thông lệ. Thậm chí, theo lệnh ông, đèn nến chỉ là những cây lạp vừa đủ
sáng, giới hạn cực kỳ ánh sáng, đèn màu. Giới hạn hoa và lễ lạc. Cửa ra
vào phải đóng kín. “Chối từ ánh sáng và quan hệ con người.” Đó là di
chúc. Hay một tạ từ mang nội dung hối lỗi.
Đã một ngày qua, người đàn ông vẫn trong tình trạng hôn mê. Đã mấy ngày
qua, tín điện đánh đi, nhưng người con trai đã mất người yêu vì cha
mình, chưa xuất hiện. Đúng hơn là đã quay về, thoáng thấy, rồi vội bỏ
đi. Một người mẹ đi tu, đã ép mình trong cửa thiền, để tha thứ và để
trực diện với sự thật; bà cũng không muốn nhìn lại người chồng phản bội,
đang-nằm-chờ-được-vuốt-mặt của hôm nay.
Nhiều đêm mòn mỏi chờ người thân yêu thật sự trút hơi cuối cùng, hai chị
em Thuyết và Diễm, mỗi người một cõi mộng du. Những hồi ức có thật đã
trở nên những ảo tưởng huyền hoặc. Khung trời mùa thu quen thuộc đã lạ
xa. Một tiếng thầm trong rừng vàng lá, một bầy mây lang thang khung trời
nắng vụn, những ngày biển động, trời làm mưa xa, chiếc cầu trắng trong
sương mai; thành phố ấy, những khoang thuyền trôi, những đỉnh cây buồn,
đêm quán nước ánh đèn, tiếng còi tàu ngoại ô; con đường đầy lá và gió,
những phận đời bỗng nhiên lùi lại, nép vào nhau tình tự, ẩn náu vào dĩ
vãng. Mùa thu ấy đã đến, đã qua. Mùa thu ấy đã xa. Của cỏ lau đổi màu,
của những đôi mắt ưu tư hôm nay nhìn xuống những ngỡ ngàng cùng những bi
thương khác. Còn lại cây đinh ác độc đóng lên định mệnh gia đình. Khóa
chặc cánh cửa cảm thông, tìm nhau. Mùa thu, mùa ma vương, mà người cha
đã yêu, đã chiếm đoạt cô vợ tương lai của con trai mình.
III
Cánh cửa sịch mở. Người đàn ông trạc ngoài ba mươi hiện ra trên khung
cửa. Chàng, một bản sao chân dung cha mình, người nằm đợi, như tượng tạc
bởi một nhà điêu khắc tài hoa. Nó hiển hiện, tả thực một khách giang hồ
phiêu bạt, thoạt trở về trong một đêm đầy trắc ẩn. Người đàn ông đứng
yên, một khoảng cách đủ nhìn con người đang nằm đợi. Mái tóc bồng, ướt
mưa, đôi mắt mơ hoặc, ẩn chứa một niềm u ẩn, đôi môi mím chặt, chàng
biểu lộ một sức sống mãnh liệt; đăm đăm nhìn cái xác quàng trong hôn mê.
Hai người nữ trong một thoáng bất ngờ chưa kịp phản ứng gì. Nhưng cái ám
ảnh về bi kịch thức giấc. Một người quay lại ôm thi thể người nằm đợi,
và một người đứng lên nhìn sững sờ người đàn ông vừa xuất hiện.
Cánh cửa phía sau được đóng lại. Những ngọn nến đứng im trong một không
gian lung linh mềm tơ. Không gian không tràn cái tràn cảm xúc gặp gỡ mà
bỗng co nhàu. Im tiếng.
Diễm bật tiếng khóc. Nàng đã tìm lại được một người anh lưu lạc. Anh
không nói năng. Sau đó, chàng bước tới, ngồi xuống, rất nhẹ nhàng, bên
cạnh giường, đưa tay kéo tấm chăn. Chàng đưa tay vuốt lại mái tóc người
nằm chờ. Bàn tay đi lần xuống vùng trán, đôi mắt, mũi cằm, rồi dừng lại
nơi chiếc cổ trắng toát khẳng khiu.
Cha tôi đây à. Chỉ là một cái xác lạnh lẽo xa vắng thế này ư. Không
phải. Nhất định không là. Không hề một người Cha xưa kia sinh động, thét
gào, tham lam, và đam mê quyền lực. Người là một dựng chứa những mưu
toan, dự tính.
Hơn một lần người đã chửi vào mặt tôi: “Tuổi trẻ chúng bay là những
thằng lang thang vô tích sự, không tham vọng, thiếu tương lai, tuổi trẻ
thù hằn vô duyên cớ, yêu đương mù quáng, lý tưởng gì những thằng chỉ
biết phẫn nộ và đập phá.”
Người từng xỉ vả “Tao, thế hệ già chúng tao không tin tưởng nơi chúng
mày được, thật vô phúc cho những người đã ngã xuống cho một quê hương mà
không có thế hệ nối tiếp.”
Chúng mày, chúng mày, chúng mày! Bao nhiêu lời trách cứ cày xới lên những kẻ đi sau.
“Chúng mày không biết cư xử. Chúng mày không như thế hệ chúng tao ngày
trước. Vì sao chúng mày khinh miệt, muốn treo cổ quá khứ?”
Tâm nắm tay người đàn ông tím ngắt những ngón. Chàng tự nhủ, bàn tay
này, chính bàn tay này đã bóp chết một đời con, đã cướp mất những gì yêu
quý như tình yêu lý tưởng; đã cướp tương lai. Giờ đây là của một xác
chết, nó thuộc về một cõi xa. Cả thi thể này rồi cũng rã mục trong đất
lạnh. Chàng vụt đứng lên đi lại trong phòng. Diễm và Thuyết vẫn yên
lặng. Họ tôn trọng cái giờ phút thiêng liêng của người con trở về.
Chàng bật đèn sáng rỡ trong phòng. Châm thuốc hút. Cởi lớp áo ngoài vắt
lên đi văng.Vẻ trầm lặng, căm căm một cách kỳ lạ. Đồng hồ điểm tiếng thứ
tư. Chàng nói mơ hồ: “Tại sao mẹ tôi lại phải về.” Giờ đây, quanh đây,
chỉ một không gian hờ hững. Tình thế bỗng dưng trống rỗng. Một sự tái
ngộ sau bao năm ly cách lẽ ra thân thiết trong nước mắt trùng phùng, lại
trở nên cay đắng. Một khoảng cách vô hình, đến vô minh ngăn cách. Diễm
đi lại, nhìn anh. Nàng hỏi:
“Anh Tâm, anh có biết mẹ chúng ta giờ đang ở đâu và đang làm gì không?”
“Anh không biết, anh đã mất mẹ như em vậy.”
**
Chuông giáo đường đã vang lên hồi hai. Trời chuyển sáng. “Tại sao chúng
mày khinh miệt tiền nhân, muốn giết chúng tao?” Hừ. Chàng thanh niên
quay người, nhìn thi thể người đàn ông, giờ này đã thuộc về huyền thoại.
Có phải thế không. Chàng lần nữa ngồi xuống bên cạnh, nắm lấy bàn chân
trái của người đàn ông trước con mắt kinh ngạc của Thuyết và Diễm.
Chàng tự nói với mình: “Cha không hổ thẹn khi nói đến điều liêm sỉ à.
Thưa cha, chúng con không thể giống như cha được. Chúng con không thể
chịu nhục nhã để mua lấy một đời sống bằng an trên đau thương của kẻ
khác. Đến lúc con phải nhắc đến Linh Trang, một linh hồn bất tử nằm
ngoài đám bụi đen trần tục này. Tình yêu của con đã trở thành một lý
tưởng, một tuyệt đối. Bây giờ và mãi mãi con làm người đi hoang, tìm
trong đau thương và tuyệt vọng Cái Đã Mất. Tìm được gì? Hẳn cha đã biết.
Nhũng chuyến tàu đã qua bao nhiêu rừng khô, đồi hoang; những đêm trắng
đêm ưu tư, một khoảng không, một rỗng trống, không hy vọng lấp đầy;
những đêm trắng đêm soi mặt vào ý thức, con cố tìm một giải mã về Cha.
Cha nghĩa là gì? Chắc chắn không là một phản ảnh của tham lam ích kỷ;
không là biểu tượng một bất lực đánh mất; càng không thể là một lẩn trốn
vào hạnh phúc và thế lực… Cha còn nhớ một mùa thu Linh Trang? Ôi mùa
thu huyền mộng của tôi… Chàng một thoáng gục xuống, như hôn lấy bàn chân
của người đàn ông.
Thuyết đưa tay vuốt mặt cha, nói lời van vái:
“Thưa cha, Tâm đã về đây, xin cha yên ngủ.”
Người đàn ông trong hôn mê hé mở đôi mắt. Nó hiện ra giữa khuôn mặt cô đơn như một ánh lửa tàn.
“Tâm, em hãy vuốt mặt cha đi. Cha đang nhìn chúng ta kìa.”
“Anh Tâm, em van anh, hãy để cha được an giấc.”
Một cơn gió mạnh đột ngột làm tung cánh cửa. Con Mun, một con mèo đen to
lớn, con vật quen thuộc trong gia đình nhảy phóc vào trong phòng chờ
tang. Nó đưa đôi mắt như hai ngọn lửa thần bí nhìn quanh. Mun thu mình
lặng lẽ một lúc bên người sắp lâm chung. Rồi nó vụt tung, như có cánh
bay, qua cửa sổ, vào trời đêm.
Tâm đưa tay vuốt mặt cha mình. Chàng cảm thấy một hơi lạnh truyền ra từ
khuôn mặt buốt giá. Nhìn cái bóng đen bay qua cửa sổ, lúc hàng đèn nến
lung linh, Chàng nhủ thầm “Một linh hồn ra khỏi.”
Dịch Thủy 1970 – Sài gòn 1995
Cung Tích Biền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét