Chiếc xe rồ máy mãi ở Ngã ba chú Ía nhưng không nhúc nhích được một tấc nào. Khói xăng nhớt bay mù cả lên. Viên tài xế cứ nhìn qua nhìn lại, dòm trước dòm sau rồi thở dài. Chẳng có một bóng ma nào có vẻ muốn đi xe. "Chạy đi thôi ông", tôi muốn hối hả như vậy, vì tôi nóng lòng quá. Nhưng trên xe chỉ mới có vỏn vẹn hai người. Hai thanh niên: tôi và một anh chàng trạc hai mươi bốn hai mươi lăm. Chúng tôi ngồi đối diện nhau không phải để giữ cân bằng cho chiếc xe Lam vốn sơ sài và mong manh. Hai thể xác chúng tôi đem cộng lại chắc chắn không quá tám mươi ký lô. Trọng lượng này không thể làm lệch chiếc xe nổi. Tôi nóng lòng muốn xe chạy mau. Từ lâu tôi chưa giải quyết một lần sự dồn nén thân xác. Bởi tôi không đủ can đảm đến những nơi nhớp nhúa, bình dân. "Nó sẽ ăn sâu vào tận linh hồn các anh. Các anh hãy ráng dành một khoảng chi phí lớn nhất của các anh để giải quyết vấn đề tối trọng đại của đời người đó. Không thể hà tiện để đi vào những hẻm lao động, những xóm lê dương tối tăm mà ở đó tâm hồn các anh sẽ chết đi vì sẽ gặp phải bao nhiêu thực tại không thể giải quyết nổi".
Tôi không thể nào quên được ý nghĩa câu nói của một vị giáo sư dạy tôi ở lớp đệ nhất, cách đây năm năm. Thế nhưng bây giờ tôi lại vác mặt đến cái xóm này. Cũng như tôi đã nhiều lần đến đây vì thất thế. Lần cuối cùng tôi đến đây đã được gần một tháng. Trong khoảng gần một tháng đó, tôi kiệt quệ, phương tiện để đến những cái xóm tương tự như vậy. Thanh niên ngồi đối diện với tôi cũng có ý không muốn nói chuyện với tôi. Mà chính tôi cũng tỏ thái độ này trước đối với hắn. Có một cái gì ngăn cách hoàn toàn những thanh niên không cùng một hoàn cảnh trí thức nào đó với nhau. Nhưng thật ra đó không phải là lý do phân biệt chúng tôi. Bởi tôi có biết hắn trước kia. Và tôi tin hắn cũng biết tôi trong dịp nào đó khi chúng tôi tình cờ cùng đến thăm một người bạn mà cả hai chúng tôi đều quen biết. Ít ra chắc chắn chúng tôi đã có dịp bắt tay nhau rồi. Thế nhưng bây giờ chúng tôi phải làm lạ nhau. Hoàn cảnh tạo ra sự xa lạ đó. Tôi học Khoa học. Hắn học Sư phạm.
<!>
Tôi biết
chắc chắn hắn học Sư phạm nhưng không biết hắn học ban gì và năm thứ
mấy. Ít ra cũng phải năm thứ hai. Nhưng ban gì thì khó mà đoán. Hắn có
thể học Sử Địa, hắn có thể sinh viên đại học Sư phạm ban Sử Địa. Cứ dòm
mặt hắn thì biết. Tôi cũng chắc chắn hắn có thể học Việt Hán, cứ nhìn
mặt hắn thì biết. Tôi cũng biết chắc chắn hắn có vẻ học Anh hay Pháp văn
hay cũng có thể học Triết, cứ dòm cái mặt hắn thì thấy rõ ngay. Đó, hắn
thuộc cái mẫu thanh niên như vậy. Như thậm tối cực đại đa số nhân loại.
Họ kiếm cho mình một cái nghề bảo đảm đến vừa tầm tay một cách trước
nhất. Hắn vào đại học Sư phạm để dạy dỗ là phải. Có điều chắc chắn hắn
cũng không có năng khiếu giáo dục gì. Hắn học Sư phạm để bảo đảm mấy
chục năm còn lại của đời hắn, mấy chục năm mà hắn hy vọng sẽ bình yên,
sống đời an cư lạc nghiệp ở một trường trung học công lập tại một tỉnh
lớn nhỏ nào đó, vậy thôi. Tôi muốn khóc cho cuộc đời của hắn, dù là khóc
một cách thật giả dối. Đôi khi hắn có giương mắt nhìn tôi rồi làm bộ
như tình cờ nhìn phía khác. Tôi cũng có thái độ như thế đối với hắn. Tôi
muốn nhìn thẳng vào ý thức hắn, để tin chắc rằng mình không nhận xét
thiếu sót hay sai lầm.
Xe vẫn chưa chuyển bánh. Trời âm u, dầu dầu. Sắp mưa, nhưng
không mưa nổi. Tôi đuối sức muốn giục viên tài xế nhưng nghĩ tội nghiệp
nên thôi. Hơn nữa tôi cũng muốn thách thức với hắn. Tôi cũng biết hắn
cũng thách thức đối với tôi để xem kẻ nào chiến bại: cả hai chúng tôi
đều hối hả đi và đều muốn thúc bác tài.
Bác tài nhìn lại đàng sau một lần cuối cùng, nhấn ga, rồi lại
nhìn lại đàng sau một lần… cuối cùng nữa, rồi một lần… cuối cùng nữa.
Bây giờ xe mới chạy. Đi được một chặng đường, bốn hành khách lại kêu xe.
Một cô nữ y tá, một chuẩn úy, một trung sĩ và một người lính thượng cô
đơn đứng một mình. Cô y tá được mọi người nhường chỗ cho leo lên trước.
Hai chúng tôi đều ngồi yên giữa băng. Không ai thụt vô hay thụt ra. Cô y
tá lưỡng lự một phút rồi đến ngồi sát bên hắn. Hắn nhìn tôi với một vẻ
đắc thắng, thách đố mơ hồ. Tôi biết tôi thua hắn về phương diện này. Thế
là tôi được dịp đối diện với cô. Đoạn đường buồn tẻ nên tôi giết thời
giờ bằng cách quan sát cô ta. Khuôn mặt trái xoan, đẹp trung bình. Hai
bàn tay hơi thô xấu. Song chắc chắn là chúng đã cứu chữa và thoa dịu
không biết bao nhiêu vết thương trên thịt và trong những tâm hồn trung
bình chiếm tối cực đại dân số trên trái đất này. Tên chuẩn úy và tên
trung sĩ không ngớt nói chuyện với cô ta. Người lính thượng cô đơn buồn
bã ngồi bên tôi. Tôi biết anh chàng thèm được nói chuyện lắm. Tôi cũng
muốn nói vài câu cho vui nhưng không biết nói gì nên thôi.
Tên chuẩn úy xuống ngay Trung tâm Tiếp huyết. Tên trung sĩ và cô
y tá đến Bệnh viện Cộng Hòa. Bây giờ tôi mới chú ý thấy cô y tá đi cẳng
chữ bát, một điều thật bất hạnh đối với đàn bà. Viên trung sĩ có vẻ ốm,
cao, hơi khòm. Tôi đoán chắc cũng là một y tá và y tá đã hành nghề kinh
niên.
"Hai vợ chồng đó!" Bất thần người lính thượng nói với tôi như vậy.
"À", tôi chỉ biết trả lời như vậy kèm theo một cái cười thiện cảm.
"Tôi biết họ lâu lắm, hồi ở Kontum".
"À, ông quen với họ, ông có ở Kontum?"
"Tôi ở Kontum mà".
Một chiếc máy bay trực thăng đột nhiên hiện ra giữa bầu trời.
Nắng lên khá cao chiếu sáng cả một khối nhôm sáng quắc. Rồi tiếp theo
hai, ba khối nhôm khác từ xa cũng hiện về đáp xuống bãi đất dành riêng
trong khu bệnh viện với những dãy nhà sơn những dấu thập trắng to trên
nguyên cả hai mái, ngừa bên kia có thể tấn công lầm bằng phi cơ.
"Đánh ở đâu lớn lắm", người lính thượng nói với tôi và với thanh niên ngồi đối diện với tôi như vậy.
"Sao ông biết?" Tôi hỏi.
"Tôi mới về mà, tôi có đánh mà!"
"À…"
Xe ngừng để kiếm thêm khách. Viên tài xế lại nhìn trước, nhìn sau, nhìn qua, nhìn lại trong thiểu não.
"Thông Tây Hội đi! Ai đi Thông Tây Hội đi!"
Vẫn không có thêm một mống hành khách nào.
"Các ông đi Xóm Mới chứ?" Viên tài xế vừa nói vừa mỉm cười, mắt
nhìn về những tên ma cô, đàn ông, đàn bà và cả con nít đang lăng xăng
vẫy tay mời khách.
"Ở đây đông lắm không tốt. Lên Xóm Mới tốt hơn".
Tôi đồng ý với viên tài xế mà không biết trả lời ra sao.
Đi được một chặng đường, qua khỏi khu vực Bệnh viện Cộng Hòa thì
người lính thượng xuống. Ông ta vào Đại đội Sửa chữa X. Trên xe lại vỏn
vẹn còn lại hai mống: tôi và hắn, một sinh viên Đại học Sư phạm ban
Việt, Anh, Pháp, Toán Lý Hóa hay Sử Địa gì đó mà tôi không biết rõ mà
cũng chẳng cần biết rõ để làm gì.
Không khí cô đơn ghẻ lạnh và nhạt nhẽo bao trùm lấy hai người.
Chúng tôi thỉnh thoảng nhìn nhau để rồi nhìn đi chỗ khác. Tôi ngồi bên
trái nên mắt hướng về những thành lũy có bọc dây kẽm gai rối chằng chịt
như tóc một me Tây hay me Mỹ già mà tôi gặp nhan nhản từ hơn hai mươi
năm nay trong những xóm làng và đô thị đang ngất ngư, thoi thóp. Trên
những bức vách cách khoảng đều nhau người ta thấy những hình sọ người vẽ
bằng sơn trắng ở dưới có bắt tréo hình hai cái xương dài. Tôi chưa bao
giờ biết hai cái xương bắt tréo trong cái biểu tượng chết chóc này là
xương quai hàm, xương quai sanh hay xương cánh tay. Thế nhưng tôi rúng
động khi thấy những hình ảnh này tại những thành lũy quân sự. Cần phải
nói thêm là gần những hình vẽ sọ người đó luôn luôn có kèm theo bên phải
hay bên trái một chữ MÌN. Chữ viết có vẻ cẩn thận, bình tĩnh, đều tay
và rất lạnh. Tôi cũng được biết những hình vẻ này có ngày tháng khá lâu.
Hình như ba bốn năm trước đây tôi cũng đã trông thấy chúng. Không biết
trong khoảng thời gian tôi không có dịp đi qua đây (khi có tiền thì tôi
phải đến những nơi thật sang trọng để ở đó, lạy trời, tôi còn thấy đàn
bà với một vài tính chất còn sót lại cuối cùng của nó), gió, mưa, nắng,
bão có xóa mờ những hình sọ người với hai que xương bắt tréo cùng chữ
MÌN đó không, để người ta phải cho sơn phết lên một lớp mới nữa không.
Nhưng không biết vì sao tôi tin là không và cũng không biết vì sao tôi
tin người lính thợ vẽ tác giả của chúng đã chết, chết một cách bình tĩnh
và rất lạnh.
Một chiếc xe nhà binh phóng mình chạy ngang qua. Chiếc xe lam
hơi nép mình bên đường. Người lính tài xế chiếc cam nhông chỉ cần lái
lệch một chút là chúng tôi tan nát xương thịt. Tôi nghĩ đến những khuôn
mặt hết sức trẻ trung như chúng tôi mang chức sĩ quan trừ bị đang ngồi
lên chiếc xe nhà binh rộng lớn đó. Không hiểu vì sao tôi đoán đó phải là
một xe chở những sĩ quan trừ bị Thủ Đức và phải là các sĩ quan thuộc
khóa sau cùng. Mà đúng vậy, một lúc sau, chiếc xe cam nhông khác cũng ồ
ạt phóng qua, trên xe cũng chở đầy nhóc những sinh viên trừ bị Thủ Đức
với loại đồng phục làm cho tôi phát tởm. Một sinh viên sĩ quan ngồi ở
sau cùng trông thấy thanh niên ngồi ở trên băng đối diện với tôi kêu
lớn:
"Tánh, Tánh ơi!"
Thanh niên ngồi đối diện với tôi giật nẩy mình – đúng hắn tên là
Tánh – vội vã chồm ra phía trước nhìn đằng sau chiếc xe cam nhông, nhận
xét rất nhanh và réo lớn:
"Lân, Lân, Lân ơi!"
Tôi không còn nghe thấy tiếng gì nữa. Tôi không còn trông thấy
chi nữa ngoài những tàng bụi mù bay tạt vào xe chúng tôi. Tên sinh viên
Sư phạm nói chỏng, buông lơi:
"Khóa 15".
Một chiếc xe quân cảnh ở đâu về từ từ đi ngược chiều chúng tôi.
"Đã bố ráp xong rồi đó, các anh đừng lo". Viên tài xế nói vọng
với chúng tôi một cách tự nhiên như vậy. Thì ra hắn biết chắc chắn một
trăm phần trăm mục đích của chúng tôi về chuyến đi từ Saigon ra ngoại ô
này.
Tự nhiên và đồng thời với nhau chúng tôi đều móc bóp ra kiểm
điểm lại những giấy tờ cần thiết và khẩn yếu. Tôi thấy hắn cũng có những
giấy tờ rất giống tôi: một giấy căn cước, một thẻ trưng binh, một giấy
hợp lệ tình trạng quân dịch, không biết giả hay thật, một thẻ sinh viên.
Tự nhiên hắn nhìn đi nơi khác. Tôi cũng nhìn đi nơi khác. Một tình cảm
hèn hạ ở đâu về xâm chiếm tâm hồn chúng tôi. Những thứ giấy tờ đó đủ bảo
đảm về mặt pháp lý khi chúng tôi bị bắt quả tang đang giải quyết sinh
lý chăng? Chắc chắn là không. Vậy chúng tôi kiểm điểm để làm gì? Một bản
năng tự vệ xui khiến, thúc đẩy chúng tôi ư?
Viên tài xế thỉnh thoảng cứ nhìn về phía chúng tôi khi xe qua những nơi có những tấm bản nhỏ đề những chữ in khá sắc sảo: Khu cấm quân nhân. Một vài người lính mệt mỏi lừ đừ từ những khu đó bước ra.
Mấy tên ma cô ma cạo vẫn đứng vẫy vẫy chúng tôi. Chợt xe dừng.
Tên tài xế đã ra mặt nói:
"Tôi biết một nơi hay lắm. Người ta mới mà!" "Mới" cái khỉ mẹ
gì! Chúng tôi đâu có dễ bị lừa vì những lời đối gạt hết sức trẻ con của
mấy tay ma cô ma cạo đó. Té ra viên tài xế chiếc xe Lam của chúng tôi
cũng là một tên ma cô hay rước mối chia tiền với những tên ma cô kia.
Tôi hỏi:
"Thế ông có biết Sáu Nhỏ ở đây không?"
"Nó vừa bị bắt hai ngày nay", tên tài xế đáp.
Tôi biết hắn chẳng biết mẹ gì Sáu Nhỏ cả. Có lẽ hắn không thuộc vào cái ổ nuôi các tay em có chứa Sáu Nhỏ ở đây. Tôi hỏi vặn:
"Ông biết Sáu Nhỏ nào?"
"Sáu Nhỏ mười bảy tuổi người Vĩnh Long có đứa em mười lăm tuổi ở nhà mụ Hạng bán xôi".
Đến đây tôi biết hắn đã biết rõ Sáu Nhỏ thật sự.
Tôi hối hả:
"Hãy tìm cho tôi đứa em đi".
"Cũng bị bắt mới vừa thả về đó. Để xem…"
Tôi thích nhất Sáu Nhỏ dù cái tên hết sức quê. Sáu Nhỏ đúng mười
bảy tuổi thật sự chứ không phải mười bảy tuổi trong lời nói của những
chị em ta lúc nào cũng "em mới mười bảy tuổi". Sáu Nhỏ có vẻ buồn và
ngây thơ. Đã nhiều lần gặp Sáu Nhỏ, "đi" với Sáu Nhỏ, tôi thường tưởng
tượng đến một đứa con gái tinh sạch mặc dù cái mùi hôi, khai của giường
chiếu và không khí xung quanh. Nếu Sáu Nhỏ mặc áo đàng hoàng đi ngoài
phố, không ai có thể ngờ Sáu Nhỏ đang sống bằng một nghề bi thương nhất
trong xã hội ngàn năm thiếu hụt và bất toàn của loài người. Tôi có những
cử chỉ âu yếm tưởng như Sáu Nhỏ là người yêu chính thức của tôi khi nó
nằm buông xuống mỉm cười. Cái cười không nhuốm vẻ bi thiết, mỉa mai,
thỏa mãn, chịu đựng. Cái cười lạ lùng. Cái cười làm cho tôi se thắt cả
tâm hồn và thấy mình thật khốn nạn. Tôi không nhớ tôi đã nói gì với Sáu
Nhỏ (hay những Sáu Nhỏ khác) trong lúc đó. Chỉ biết chắc chắn tôi có hỏi
một câu này:
"Em bị với ai lần đầu tiên?"
Tôi dùng chữ "bị" chỉ một trạng thái thụ động, cưỡng bức để thế
với danh từ chuyên môn dùng ở đây là chữ "đi". Và mỗi lần hỏi như vậy
đầu óc tôi quay cuồng, cảm thấy một thực tại đau đớn không thể cứu chữa
nỗi trong xã hội loài người. Tôi muốn la hét lên. Tôi muốn truy tầm cho
ra tên thủ phạm đầu tiên. Tôi muốn giết tên đàn ông có lẽ là thương gia
giàu sụ nào đó đã bỏ ra mấy chục ngàn để giết cả xác lẫn hồn một đứa con
gái mười bảy tuổi đó. Thế nhưng nếu tôi là người đàn ông đầu tiên gặp
Sáu Nhỏ, thú thật, tôi cũng đã là tên phạm tội trọng đại nhất trần gian
đó mà thôi.
Tôi nghĩ ngợi nhiều về Sáu Nhỏ. Tôi nghĩ ngợi về đứa em, đứa em
mười lăm tuổi cũng làm cái nghề bi thống như chị. Tôi ít khi dám "đi"
với đứa em. Nó còn quá non. Như thịt một con gà con hay một con bê quá
nhỏ. Nó cũng chưa có đủ những cử chỉ yêu đương, dù là yêu với khách. Tôi
không biết trong cái lần đầu tiên, lần thứ nhì và lần thứ ba bị một con
quỷ đàn ông như tôi hãm hiếp nó phản ứng ra sao. Và nếu nó chấp nhận,
nó có cái cảm giác đúng như cảm giác những đứa con gái khác lần đầu tiên
ngủ với đàn ông không. Mười lăm tuổi, điều kiện sinh lý đã phát triển
đầy đủ chưa? Tôi chỉ thấy nó quá mỏng, quá mềm, quá non, chắc chắn sẽ
khô héo, xanh xao, vàng vọt, yếu rũ như một tàu lá chuối non chặt vứt ra
giữa nắng hạ. Đôi lúc tôi cảm thấy khi nằm với nó như nằm với một con
sâu con tuy đôi lúc tôi vẫn thấy một khía cạnh thỏa mãn ma quỷ ngây ngất
hơn khi nằm với Sáu Nhỏ.
Những chiếc trực thăng bay đảo nhiều hướng trên vòm trời cao.
Những khối nhôm hiện ra sáng quắc khi gần hạ thấp xuống. Tôi nghĩ đến
những thương binh đã ngu ngơ bắn phá hết sức mình trên chiến địa. Tôi
nghĩ đến những thanh niên cùng lứa với tôi đã lần lượt vào Trường Sĩ
quan Trừ bị Thủ Đức trong những khóa gần đây.
Hơn nửa giờ sau tôi lại gặp Tánh – người thanh niên độc nhất đã
ngồi cùng chuyến xe lam đi với tôi hồi nãy – đang hối hả đi đến xe buýt
của Công quản đang đậu ở bến Thông Tây Hội. Chắn hắn cũng đổ xuống đây
từ một chiếc xe lam nào đó ở khoảng Xóm Mới về như tôi. Xe đã đông hành
khách mặc dù chưa đến giờ chạy. Hắn bước lên ngồi ở chiếc ghế đệm cuối
cùng còn bỏ trống. Tôi ném một cái nhìn rất nhanh nhưng kỹ càng từ đầu
xe đến cuối xe. Không thấy còn chỗ nào trống nữa, đã mệt mỏi sẵn tôi
đành ngồi xuống sát bên hắn. Chiếc xe buýt của Nha Công quản Chuyên chở
ít khi được rộng và thoải mái như hôm nay. Tôi thử xét đến nghề nghiệp
của những người ngồi trên xe. Ba nữ y tá. Một lính thủy. Độ năm bảy tên
lính nhảy dù. Tất cả mồ hôi nhễ nhại hình như mới dự trận về. Còn tất cả
đều là kẻ buôn thúng bán bưng, nét mặt đăm chiêu lo nghĩ.
Tôi nhìn hắn. Hắn nhìn tôi. Không ai nói gì với ai. Tôi châm
thuốc hút để tránh suy nghĩ. Tôi mời hắn. Hắn cũng móc thuốc ra hút,
chậm rãi và từ tốn hơn tôi. Tôi chú ý thấy đó là thuốc Cotab. Tôi thì
Ruby. Hắn loay hoay mãi nhưng không tìm thấy diêm. Có lẽ hắn đánh rơi
trên chiếc giường hôi hám hay chỗ rửa ráy tạm bợ nào rồi.
Hắn làm vẻ tự nhiên xin mồi thuốc của tôi. Tôi giữ lịch sự tối thiểu và vui vẻ.
Khi xe trở lại con đường dẫn về thủ đô Saigon, tôi thấy mắt hắn
lơ đãng nhìn về phía vách tường dài có những hình sọ người với hai xương
bắt tréo cùng chữ MÌN một bên. Hắn nhép mép, thở một hơi thuốc dài rồi
nhìn sang hướng khác. Chắc hắn cũng thấy những hình ảnh đó nhiều lần
rồi. Và không ai bảo ai chúng tôi đều mồi thêm thuốc khi xe ngừng trước
một nghĩa địa Trung Hoa cũ kỹ khá rộng. Xe mắc kẹt vì một đám tang đang
diễn hành vào đó. Tôi nhìn đến những dãy mộ vuông, cao, thẳng tắp. Hình
như đó chỉ là những mộ chôn hài cốt thôi. Nghĩa địa thì có bao giờ vui.
Chúng tôi và những người trên xe đều hướng mắt về phía đó. Một chiếc
trực thăng quay cánh tè tè hiện ra trên bầu trời nắng chói và tiến về
phía bệnh viện. Tôi hút dồn dập và thở ra từng cơn gấp. Hắn cũng hút
giống tôi. Và lần đầu tiên, khi thấy tôi vò bao thuốc Ruby quăng ra cửa
xe, hắn ân cần rút cao một điếu Cotab trong bao ra đưa cho tôi.
"Mời anh".
Rồi chúng tôi cứ ngồi yên như thế cho đến khi xe chạy về thành
phố, nơi tôi vạn bất đắc dĩ phải trốn tuổi thanh niên từ bao năm nay
bằng cách quyết định mua giấy tờ hoãn dịch giả mạo để an táng cái khoảng
thời gian chứa chan sinh lực đó trong một nghĩa địa không có mộ phần.
Nguyễn Đức Sơn
(từ: vietmessenger)
nhung thanh nien truoc nam 1975 ai cung phai cam sung chien dau giu gin mien nam nhung ,,,,,,,,
Trả lờiXóa