Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

Thi Sĩ Cao Tiêu Lên Tiên - NGUYỄN TÀ CÚC

 


      Nhà thơ Cao Tiêu
    (1929-2012
)

Thi sĩ Cao Tiêu đã lên Tiên, hưởng thọ 83 tuổi. Ông là sản phẩm của một nền văn hóa Việt Nam mà mấy mươi năm trời ở Hoa Kỳ, một nơi có thứ văn hóa hùng cường, hùng cường như các anh cao bồi ở Texas, dễ lấn áp mọi thứ văn hóa du nhập từ các nơi khác đến, Cao Tiêu vẫn là Cao Tiêu.


Thơ ông cổ kính mà vẫn tân kỳ. Ở thơ ông niêm luật vẫn chặt nhưng chữ đã thoát ra, lượn ra khỏi cái hình vuông của tám câu đế lung linh tâm hồn của một chàng nghệ sĩ. Người ta có thể nhớ nhiều thứ về Cao Tiêu như nhớ hình ảnh hai vợ chồng ông êm đềm ngồi cạnh nhau trong một bữa tiệc vui với văn hữu - là cái chứng của một hạnh phúc toàn vẹn hay giọng nói của một người quê ở Thái Bình không lẫn vào với ai và chắc chắn phải nhớ đến những lần ông hát ả đào. Có lẽ ông là người duy nhất hát được và đưa người nghe trở lại những buổi hát của một thời vang bóng, nói theo kiểu Nguyễn Tuân, nhưng những lần hát ả đào của ông không có cái hờn chết người như của anh chàng đánh đàn đáy nhất định bắt người vợ góa của mình không được hát nữa và cả chiếc đàn đáy cũng đêm đêm lại cựa mình trong cái hiu quạnh ghê rợn của tiểu thuyết Chùa Đàn. Nghệ thuật với Cao Tiêu không ích kỷ đến nỗi như thế.

Ông hát thơ ông làm, những bài thơ về số phận thống khổ của phụ nữ sau 1975. Từng là cựu Đại tá Cục trưởng Cục Tâm lý chiến, Chủ nhiệm Nguyệt san Tiền phong & Bán nguyệt san Chiến sĩ Cộng hòa (1968-1975) và thành viên trong Hội đồng Giám khảo Bộ môn Thơ - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa, Cao Tiêu vẫn chú ý đến số phần phụ nữ ở mảnh đất ông và các quân nhân khác đã cùng ông bảo vệ. Bởi thế, ông sốt sắng nhận lời mời của chúng tôi khi Khởi Hành tổ chức những buổi diễn thuyết trong các lần Diễn đàn Phụ nữ. Đây không phải là lần đầu ông giúp.

<!>


                                                            CAO TIÊU (1929-2012).
Ảnh chụp thi sĩ đang hát ca trù trong dịp Tạp chí Khởi Hành kỷ niệm 3 năm sáng lập.

Cách đây đúng 40 năm, ông đã giúp chúng tôi, những cô nữ sinh của trường Trung học áo tím Gia Long, gây quỹ cho trường. Những người nào ở Miền Nam chắc không thể quên việc hàng năm các trường Trung học lớn đều phát hành báo Xuân để gây quỹ cho trường. Mỗi trường có một Trưởng ban Báo chí và một Phó. Năm ấy (niên khóa 1972-1973), chúng tôi làm một việc khác thường là tìm tới những nhân vật tai mắt (phụ huynh của các nữ sinh khác) để xin họ mua báo. Thời may, cô con gái của Đại tá Cao Tiêu nhận dẫn chúng tôi đến gặp ông. Vì trong giờ học và vì công việc của trường nên chúng tôi được cho phép bà Hiệu trưởng và Thầy Cố vấn cho di chuyển bằng phương tiện của trường, nghĩa là xe buýt có sơn tên và biểu hiệu hình hoa mai năm cánh.

Người viết còn nhớ như in cái cảm tưởng khi gặp ông: ông ngồi sau một chiếc bàn lớn, nét mặt tươi hơn bộ quân phục và vui vẻ trao chiếc ngân phiếu (với một con số rất lớn) cho người viết sau khi cô con gái giới thiệu xong. Ông dặn thêm: “Các cô chỉ cần giao cho tôi vài số tượng trưng. Giữ lại mà gây quỹ và tặng cho các quân trường.” Thế có nghĩa là chúng tôi bán một phần số báo này đến hai lần: một cho Đại tá Cao Tiêu và một cho vô số những người khác. Niên khóa ấy, chúng tôi tạo được một số quỹ khổng lồ cũng là nhờ thêm được sự rộng rãi của Đại tá Cao Tiêu.

Sang đến đây, chúng tôi lại nhờ nữa. Lần này là nhờ tài nghệ của ông. Cách đây mấy tháng, chúng tôi còn được hầu chuyện ông cho nên sự lên Tiên của ông thực là bất ngờ. Nhưng ông đã để lại một hình ảnh và sự nghiệp đẹp: tranh đấu chống người Cộng sản với vũ khí là súng đạn nhưng cái vũ khí quan trọng hơn lại là cách sống liêm chính và rất thơ của ông, một người trong giới lãnh đạo của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Nguyễn Tà Cúc

(từ: Khởi Hành 185)

1 nhận xét:

  1. dai ta cuc truong cuc tam ly chien quy tien bao gio vay ? mot nguoi Thay trong nganh chien tranh chinh tri dang kinh trong nhat

    Trả lờiXóa