Thịnh gặp lại Ngà một buổi sáng dạo trong một khu chợ Việt Nam. Thịnh không nhớ ra Ngà nỗi vì cũng đã trên bốn mươi năm anh quen biết Ngà ở nơi chốn ấy, một làng quê xa miền trung trung bộ. Thịnh đứng phía sau một người đàn bà đang chất những mớ thức ăn lên quày tính tiền, Thịnh định nói, chị cho tôi tính tiền trước vì tôi chỉ có mua một bịch cà phê, thì người đàn bà quay lại. “Thầy”. <!> Thịnh ngẩn người. Ai mà biết mình vậy cà? Trong suốt cuộc đời Thịnh trải qua nhiều nghề để kiếm miếng ăn, nhưng nghề “thầy” là nghề vinh quang nhất, tuy thời gian có ngắn ngủi, khoảng đâu hơn hai năm. Vì lúc đó đi ra đường ai cũng gọi anh bằng “thầy”. Gặp học trò thì được tụi nó ngã nón chào, “thưa thầy ạ”. Còn sau này, ai cũng kêu Thịnh bằng tên hay bằng ông, có khi bằng “thằng”, kèm theo công việc Thịnh đang làm, như là “ông sửa xe”, “thằng cha xích lô”, hay “thằng bán bánh tiêu, bánh giò”. Đó là những nghề cùng đinh mạt hạng. Qua Mỹ cũng vậy, những nghề của Thịnh làm đều là “cu ly”, gọi cho xôm trò là công nhân phổ thông, assembly, chứ thật ra là cu ly chính hiệu. Nên người đàn bà này gọi Thịnh là “thầy” chắc là biết anh từ dạo đó, thuở Thịnh mới hai mươi mốt tuổi, đi dạy học ở ngôi trường có tên là An Thổ, chứ chẳng có ai biết anh rành rẻ như vậy đâu. Thịnh nhìn người đàn bà một chặp, cố nhớ ra mà không nhớ ra nổi, trông lạ thật sự. Dù sao anh cũng sung sướng và hạnh phúc khi có người biết được anh đã làm cái nghề “thầy” đầu đời này. Thịnh cười xã giao cho thân mật với người đàn bà. - Chào chị, sao chị biết tôi mà kêu tôi bằng thầy. Tôi có lúc nào làm thầy mô. Giọng nói Thịnh là giọng Quảng rặc, dù bôn ba nhiều năm xa xứ, có lúc Thịnh phải sửa giọng cho hợp với trào lưu, cho khỏi “quê độ”, nhưng rồi đâu cũng hoàn đó. Giọng Quảng của Thịnh vẫn đặc sệt, nên “ông Quảng Nam, thằng Quảng Nam” nơi Thịnh không chạy đâu cho khỏi nắng, dù nhiều lúc Thịnh cũng muốn “giũ sổ” cái quê danh của Thịnh mà không được. Giọng Quảng đã bám vào trong miệng Thịnh còn chắc hơn cả keo dán sắt.
- Nhìn thầy từ xa là em nhớ ra liền, em là con Ngà học đệ ngũ 1 lớp Việt văn của thầy dạy đây này. Thịnh lại ngẫn người ra một lần nữa, nếu không cầm kỷ gói cà phê trong tay, chắc nó đã rơi xuống đất đổ tung toé ra rồi. Con Ngà, con Ngà. Ồ lạ quá, anh lại đưa trí nhớ đến hình ảnh của các học sinh lớp đệ ngũ 1 thuở nọ, những bóng dáng thật mập mờ, ẩn ẩn, hiện hiện. Con Thước, con Lũy, con Tâm, con Minh Thu. À, nhớ ra rồi, con Ngà nầy ngồi mé bàn trên cùng. Cô bé có khuôn mặt tròn tròn, nước da trắng hồng, đôi môi mọng đỏ. Nét đặc biệt nhất là em có mái tóc thật dày và rậm, đen tuyền. Em sẽ rất nổi bật nếu em cao thêm một tí. Nhưng kẹt nỗi em hơi thấp người, nên tuy khuôn mặt và mái tóc có làm hớp hồn các thầy hay các bạn nam sinh, nhưng khi kêu em lên bảng dò bài hoặc trong giờ ra chơi, em tung tăng chạy nhảy ngoài sân trường, thì em “lùn thấy rõ”. Cái lùn đã đánh bạt đi cái xinh tươi của khuôn mặt và mái tóc, cho nên em thuộc loại nữ sinh dễ quên. Khi trí nhớ Thịnh nhớ đến đó thì Thịnh buộc phải nhoẻn nụ cười thật tươi và thay đổi danh xưng: - A, nhớ ra rồi, có phải cô là cô bé Ngà, học sinh đệ ngũ 1, trường An Thổ, cô bé ngồi bàn bên góc trái? - Đúng em rồi đó thầy. Thấy phía sau không có người đợi tính tiền, Thịnh thôi không muốn ngỏ lời xin tính tiền trước nữa, để được nói thêm mấy lời với cô bé học trò ngày xưa này một chút. Ngà bây giờ khác xa hẳn “cô học trò ngày xưa”, trông Ngà như một bà chủ tiệm nail hay một một công nhân sở Mỹ. Đây cũng là theo trí tưởng tượng của Thịnh thôi, chứ chắc không chính xác lắm. Vì anh cứ nghĩ mấy bà chủ tiệm nail là phải mập mạp và son phấn hoặc một người công nhân cũng phục phịch không kém. Ngà quay người lại nói với Thịnh: - Từ ngày thầy xa trường, em chưa gặp lại thầy lần nào nhưng em theo dõi thầy sát lắm. Thấy đi sĩ quan, đi hành quân cũng ở vùng quê em chứ đâu. Với lại sau đó thầy lại làm rể quê em nữa. Em biết hết về thầy mà. Cô Thuyền bây giờ ra sao rồi, thầy cô được mấy con, mấy trai mấy gái? Câu hỏi tới tấp của Ngà làm anh lúng túng. Ngà nói là Ngà theo dõi sát đời sống của Thịnh mà Ngà nói sai đi một dặm đời sống thật của anh. Hay Ngà ngại anh buồn nên giả vờ hỏi thế. Bạn bè anh ai cũng biết là anh đã tan vỡ mối tình với Thuyền đã mấy chục năm. Thịnh đáp lời Ngà bằng cái lắc đầu: - Em nói như vậy là sai rồi. Em nói em theo dõi cuộc sống của thầy từ ngày thầy xa An Thổ nhưng em nói đúng chỉ có một nửa thôi. Tức là từ ngày thầy đi dạy ở đó, lấy vợ ở đó. Nhưng phần sau thì em nói sai. Phần sau là phần sau bảy lăm kia. Ngà đáp lại liền: - Ỏa, vậy hả thầy. Tại vì em chỉ biết thầy đến năm bảy lăm. Còn tới bảy lăm thì em theo tàu đánh cá của cha em ra khơi, được tàu Mỹ vớt rồi sau đó qua luôn đây, nên em có biết chi mô. Ngà cười, nụ cười trông thật hiền lành. Trí nhớ Thịnh lại luay huay quay về những ngày tháng cũ ở đó. Nhưng trước hết, anh phải tính tiền gói cà phê, vì lố hàng của Ngà mua, cô thu ngân đã tính xong và đang đứng đợi Ngà trả tiền. Ngà xây lại với anh, nói: - Thầy đợi em chút nhe thầy, em trả tiền... - Ừ, em cứ tự nhiên đi. Ngà trả tiền xong thì đến lượt Thịnh. Anh nói : - Em đẩy xe ra đứng ngoài cửa kia, thầy tính tiền xong gói cà phê là thầy ra ngay, để hỏi em vài ba chuyện, lâu quá, cũng hơn bốn chục năm, gặp lại em thầy mừng lắm. - Em cũng mong gặp thầy, để hỏi thầy một chuyện. * Hồi Thịnh đổi về dạy trường trung học An Thổ, anh mới hai mươi mốt
tuổi. Thật sự Thịnh cũng quê ở xứ Quảng mà chưa biết An Thổ là nơi nào.
Chỉ nghe người ta nói ở phía trong TK hai chục cây số. Thời trung học
anh chưa đi đâu xa ngoài khu chợ Quán quê anh, rồi xuống TK, loanh quanh
luẩn quẩn chỉ nhiêu đó. Có một lần anh với người bạn đạp xe đạp ra Hà
Lam. Tưởng Hà Lam sẽ có cái gì mới để mà nhìn, mà xem, nhưng ở đó cũng
chỉ có khu chợ bán hàng hóa, nhỏ hơn TK nữa. Bọn Thịnh đi về trong ngày
nên mệt ứ hơi. Lại cái xe đạp tình tang, trụt xích giữa đường mấy lần
nên càng mệt thêm. Từ đó Thịnh không đi xa nữa, nên An Thổ cũng là một
nơi lạ huơ lạ hoắc. Ngày Thịnh về dạy ở trung học An Thổ anh mới hăm mươi mốt tuổi. Hăm mốt tuổi mà được bàn dân thiên hạ gặp đâu cũng kêu bằng thầy thì thật là sung sướng. Cái danh thế mà quan trọng lắm chứ ít đâu, thầy giáo trung học thời đó cũng được gọi là giáo sư, điều này cũng thêm một niềm hãnh diện nữa. Để sau này đổi đời, trầm trầy trầm trật trong cuộc sống, anh mới thấy là những ngày tháng tập tễnh bước vào đời với nghề thầy giáo là những ngày «hách» nhất. An Thổ là ngôi trường trung học mới mở đến lớp đệ ngũ. Trường lợp ngói đỏ au, được xây trên một khu đất rộng. Thịnh đến An Thổ mới biết quận này mới được thành lập, lấy từ những xã nằm phía nam quận TK trước đây. Vì tình hình an ninh địa phương nên chính phủ trung ương đã phân chia quận nhỏ ra, để dễ việc điều hành, cả quân sự lẫn hành chánh. Thịnh dạy Việt Văn lớp đệ ngũ, Toán lớp đệ lục và những môn phụ như vạn vật, sử địa lớp đệ thất. Anh nhớ nhất là lớp đệ ngũ vì học sinh lớp này «lớn sộ». Thuở đó, ở An Thổ, có rất nhiều trảng cát mọc đầy cây dương liễu. Những con đường đất đỏ mùa hè bụi bốc lên mù trời khi có chiếc xe hơi chạy qua. Khu căn cứ quân sự Mỹ đóng ở Chu Lai nằm dưới mé biển, nên xe nhà binh chở lính Mỹ chạy ra vô thường xuyên. Phía trên toà hành chánh quận cũng như bộ chỉ huy chi khu khoảng 5 km có một đồn lính Mỹ đóng, nên buổi tối lính Mỹ vào khu Chu Lai ăn uống, nhậu nhẹt, la hét rầm trời. Anh thấy nhiều người dân ở đây đi làm sở Mỹ cũng «phất» lên thấy rõ. Họ xây nhà gạch, sắm xe honda, máy hát. Những buổi chiều nghỉ dạy Thịnh thường chạy xe rong rong vào An Tân, nơi đây quán xá sầm uất, nhất là các bar Mỹ, các tiệm tắm hơi. Khu vực này coi như khu vực cấm đối với Thịnh, vì nếu lãng vãng những nơi đó mà rủi gặp một phụ huynh học sinh hoặc một cô cậu học trò nào biết mình thì tiếng «dữ» đồn xa, thầy giáo đi vào «động» thì mất uy tín, mất mặt bầu cua quá. Cho nên những ngày nghỉ Thịnh thường hay nằm ở nhà trọ hay loanh quanh mấy khu dân cư có học sinh cư ngụ. Tháng ngày ngao du trong thời gian thừa thải đó, Thịnh đã gặp Thuyền. Thuyền là cô bé học sinh trường tỉnh lỵ, trong những ngày cuối tuần Thuyền thường hay về quê thăm gia đình và nghỉ ngơi. Một buổi chiều Thịnh đang đi bộ lông nhông trên đoạn đường đất đỏ, đi ngang qua một ngôi chùa quê thì thấy bóng dáng một tà áo dài trắng bay lượn trong sân chùa có trồng đầy hoa tím. Thịnh nhìn từ xa thấy dáng dấp đó, tự nhiên như có ai kéo đôi chân anh bước vào chùa. Ngôi chùa làng quê nhỏ, nhưng thanh tịnh, ấm áp. Thịnh đã cũng vài lần vào thăm ngôi chùa này và dâng hương niệm Phật, cũng như tìm một chút yên ả cho tâm hồn. Nhưng lần này Thịnh vào chùa là theo tiếng gọi của bóng sắc, là theo đuổi theo một tà áo dài trắng tinh khôi của một cô gái học trò. Cái dáng dấp «nhuyễn» không thể tả đó như có một ma lực kéo anh bước vào, không ngại ngần, không lo sợ. Thịnh bước vào khu tam bảo thì thấy cô bé đang thắp hương lạy Phật. Thịnh đành phải đứng chờ bên ngoài. Người đàn bà làm công quả thấy Thịnh đứng xớ rớ liền lên tiếng chào: - Chào thầy, thầy đi lễ chùa? Thịnh đáp lời: - Tôi đi qua đây thấy chùa có người, tưởng là có lễ nên vào thăm. Người đàn bà nói: - Hôm nay không có lễ, nhưng có cô Thuyền con gái bác Toàn, nghỉ học về thăm quê đến thắp hương cúng Phật và thắp hương cho cha. Ông già cổ mất mười mấy năm rồi, để bài vị cúng ở chùa ni đó thầy. Thịnh hỏi giọng nhỏ hơn để tìm hiểu thêm về Thuyền: - Cô Thuyền học ở đâu vậy chị? - Thì học ngoài trường tỉnh lỵ đó. Trường trong này mới có đến lớp đệ ngũ, còn cổ học lớp đệ nhị nên phải ra ngoài tỉnh học. Biết vậy nên Thịnh vào trong chắp tay khấn Phật. Đứng phía sau Thuyền, đợi Thuyền lạy Phật xong, khi cô quay người lại thấy anh, Thịnh liền bỏ tay xuống và hỏi: - Chào cô Thuyền. Thuyền trố mắt quay lại nhìn Thịnh, anh nghĩ chắc cô ngạc nhiên vì một người không quen biết sao lại biết tên cô? Thuyền trả lời: - Chào thầy Thịnh, thầy cũng đi chùa giờ này sao? Thịnh đánh liều khai thật: - Tôi ngày nghỉ nằm nhà buồn thúi ruột, đọc sách hoài cũng mõi nên đi bộ loanh quanh, đi qua chùa thấy bóng áo dài của cô Thuyền đẹp quá, nên ghé vào chùa thăm, nhân tiện ngắm người đẹp chút mà. Thật ra, không biết duyên nợ sao mà Thịnh dạn dĩ nói ra những điều chỉ suy nghĩ thôi cũng thấy ngượng, huống hồ gì mới gặp nhau hai ba phút, lại là lần gặp đầu tiên. Thế mà Thuyền không giận, cô còn cười tươi, nói với Thịnh: - Thầy khen làm Thuyền mắc cở quá đi thôi, em mà xinh đẹp gì, con gái nhà quê mà thầy. Thịnh trổ tài tán liên tiếp : - Cô Thuyền mà quê gì, học trò trên tỉnh mà, cô lại đẹp nữa, nhất là cái mũi của Thuyền đúng là mũi dọc dừa, cao và thon, như minh tinh màn ảnh vậy đó. Thịnh thật sự lỳ lợm và nói dóc hơi quá mức. Nói mũi cô cao và đẹp thì cũng đúng nhưng nói thêm thêm rằng bằng mũi minh tinh màn ảnh thì hơi xạo một tí, nhưng đàn bà con gái ai không muốn khen mình đẹp đâu, nên cô bé này chắc cái mũi càng hĩnh ra thêm vì được khen. Thuyền đổi giọng, kể lễ: - Ngôi chùa này là ngôi chùa chính trong làng em, do dân chúng góp tiền xây cất khi cha em còn làm chủ tịch xã. Sau này ông mất, gia đình em đem bài vị ông để trong chùa này, nên cứ mỗi dịp em nghỉ học về quê, hay có lễ lộc, là em đến chùa cúng Phật, thầy à. - Tôi cũng thế, mỗi khi một mình buồn buồn tôi lại muốn vào chùa. Vào chùa tôi thấy tâm hồn thư thả hơn, nhẹ nhàng hơn. Thuyền lại chuyển qua chuyện khác : - À thầy, thầy về đây dạy có vui không? Em có mấy đứa cháu cũng học với thầy, tụi nó về nhà nói thầy dạy hay lắm. Tụi học trò nói thích môn thầy dạy lắm đó nghe. - Thì tôi cũng dạy những gì đã được học trước thôi, với lại dạy Việt văn cũng dễ, nói thêm mắm dặm muối cho vui, giảng cho học trò biết thêm điều gì mình đã đọc trong sách, đã hiểu, chắc cũng tốt thôi. - Tụi nhỏ nói với em thầy dạy hay đọc thơ lắm hả thầy. Em thích thơ và nhạc lắm. - Ồ vậy hả? Để hôm nào về tỉnh tôi ghé tiệm sách mua tặng Thuyền một số sách nhe. Thế là tình đã đủ thân. Có đủ hứa hẹn để anh gặp Thuyền một lần hay nhiều lần nữa. Đó cũng hứa hẹn cho một tình yêu đầu đời đẹp đẽ và nồng cháy sau này. Khi con người quả tim bắt đầu rung động thì những chuyện động trời gì cũng làm được. Thật ra Thịnh cũng chẳng làm gì chuyện động trời cho lắm, duy chỉ khi đi về tỉnh lỵ là Thịnh đến tiệm sách Thư mua một đống sách, toàn những tập thơ tình của các nhà thơ thời danh hay những quyển truyện dài, truyện ngắn. Thịnh tán em mà lấy sách đắp lên người em nên em nghẹt thở là cái chắc. Một hôm, em thỏ thẻ bên anh: - Thôi thầy đừng mua sách cho em nữa, em còn nhiều sách quá chưa đọc hết, lại không biết để đâu cho đủ, đem ra chỗ em trọ học thì mang theo nặng lắm. Thầy mua nhạc cho em đi. Thế là Thịnh những ngày nghỉ dạy, lặn lội ra ngoài tỉnh lỵ, cũng chui vào các tiệm sách có bán những bản nhạc được xuất bản thành những tờ rời. Nhạc gì anh cũng mua, nhất là nhạc tình, nhạc lính. Không biết có phải Thịnh lụy vì mối tình này? Anh mua nhạc «lính» nhiều đến nỗi sau này khi Thịnh đến tuổi động viên, từ giả bục giảng để dấn thân vào quân ngũ, cũng vì một lần em khen một sĩ quan đi trên xe jeep, trên ve áo «mang hai hoa mai vàng trông thật đáng yêu». Thuyền nói, sĩ quan em thích nhất là cấp bậc trung úy, vừa trẻ trung, hai hoa mai thì vừa, ba hoa mai thì bắt đầu già còn một hoa mai thì còn «sữa quá». Từ đó trong thâm tâm Thịnh cứ nghĩ đến chuyện mình làm sao giống anh chàng trung úy ngồi trên xe jeep có gắn hai bông mai vàng, như mơ ước của em. Thịnh mua nhạc lính và em thì hát. Thuyền có chất giọng khá tốt cho những bài hát điệu bolero, boston, slow. Có một buổi trưa thứ bảy, Thịnh ghé lên nhà thăm em thì nghe giọng hát của em từ nơi khu nhà ngang vọng ra, bốn giờ đi rồi thêm bốn giờ về, thời gian còn lại anh em cho tất cả em ơi, ta đưa ta đến chỗ tuyệt vời, đêm lạc loài, giấc ngủ mồ côi, tự nhiên thế mà Thịnh thấy cả một bầu trời xanh mộng ước. Thịnh nghĩ anh sẽ gia nhập vào «giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu» để cho em lé mắt chơi. Tuổi trẻ nào cũng vậy, cũng hùng hổ, xốc nỗi và hào phóng. Thịnh nghĩ anh sẽ tiêu rất hào phóng tuổi thanh xuân cho quân đội. Hào phóng đóng góp công sức, mồ hôi, máu xương của mình mà không thấy tiếc. * Thịnh gia nhập vào quân đội những tháng sau đó khi trái tim anh đã có em. Nói thật ra thì lý do chính khác là Thịnh đã đến tuổi động viên và luật tổng động viên đã ban hành. Anh không thể nấp vào đâu để tiếp tục dạy học nữa. Mỗi bước chân vào đời ai cũng có những tính toán riêng cho mình, một khoảng trời để lựa chọn. Thời đại mà nếu là con của ông lớn thì họ tìm cách xin đi du học ở các quốc gia như Pháp, Mỹ, Canada, Nhật. Sự ra đi thật tiện lợi, thứ nhất là khỏi đem thân ra chiến trường làm mồi cho súng đạn. Còn nếu là con của các ông «lớn vừa vừa» thì họ cố chạy chọt thế nào để được hoãn hoặc miễn dịch, nếu không miễn dịch được thì hoãn càng lâu càng tốt. Còn con các «ông nhỏ chút nữa» thì tìm cách «chạy thuốc» sao cho được về các ngành không tác chiến như quân nhu, quân xa, quân vận, quân cảnh...hoặc chạy về làm lính văn phòng. Thêm nữa, nếu không có thần thế, có chỗ dựa lưng thì phải có tiền. Có tiền là trám miệng mấy «ông lớn, bà lớn» cũng dễ, để được đưa vào một chỗ không tác chiến là «ấm lưng». Thịnh hoàn toàn không có những thứ trên nên anh vào lính bằng tâm hồn lãng mạn của tình yêu em, như các bài hát của Trần Thiện Thanh, của Trúc Phương, của Trường Sa...(sau nầy anh mới thấy mình «sến» quá, sến đến độ dấn thân vào chỗ chết vì mấy bản nhạc rẻ tiền kia). Nhưng tuổi trẻ cũng có những điều hay của nó, là «điếc không sợ súng». Khi đi lính thì muốn chọn lựa chỗ an thân, nhưng chọn không được thì đâm ra lỳ đòn, coi cái chết bằng vung. Cho nên nhờ thế mà Thịnh lên được đại uý sau chỉ hơn ba năm ra trường bằng những chiến công «húc càng» của anh. Thịnh làm đại đội trưởng trinh sát, chỉ huy trên một trăm con người bặm trợn, lì lợm, gom từ những tay lao công đào binh, những tay «chạy làng» qua những trận đánh hồi năm bảy hai ở Ái Tử, tập họp lại dưới trướng của Thịnh, nên Thịnh trở thành người nổi tiếng, là tay đại đội trưởng lì đòn nhất trung đoàn. Khi Thịnh làm đại đội trưởng thì thằng Thiệt về trình diện đơn vị. Thịnh đang ngồi bên chiếc máy truyền tin để điều động đám lính viễn thám ngoài mé rừng. Đám lính khai quang một khoảng rừng cho máy bay trực thăng đáp xuống tiếp thế và tải thương. Đại đội đang đóng giữa đám rừng hoang trên tuốt vùng Ba Gia Đồng Ké, mỗi tháng chỉ có một lần tiếp tế bằng trực thăng. Mỗi tháng Thịnh mới có một chút đồ ăn tươi, còn thì quanh năm suốt tháng chỉ ăn gạo sấy và thịt hộp. Khi trực thăng đáp xuống xong bay lên bình yên vô sự thì tổ viễn thám cùng đám lính vận chuyển, chuyển hàng từ ngoài bãi đáp vào bộ chỉ huy, kèm theo số tân binh bổ sung chuyển từ hậu cứ tiểu đoàn về đơn vị hành quân. Đám này thường là những tay ba gai, từng đào ngũ nhiều lần, chạy làng hay những tay đâm chém, đánh lộn bị kỷ luật nên bị phạt đổi ra tác chiến. Thường thì tay trung sĩ nhất Báu, thường vụ đại đội của Thịnh nhận đám lính này rồi chia về mấy tiểu đội khinh binh. Tay Báu dẫn Thiệt về tổ viễn thám, tổ này bị mất hai «thằng con» tuần trước vì bị địch quân phục kích. Thịnh thấy thằng Thiệt, (đúng là Thiệt chứ ai?) đi ngang qua nên gọi giật lại: - Thiệt, mày đó phải không? Thiệt ngơ ngác quay lại dáo dát nhìn về phía Thịnh. Trung sĩ nhất Báu quay lại chào Thịnh, rồi hỏi : - Thưa thẩm quyền, thẩm quyền gọi thằng nào vậy? Thịnh nói: - Thằng mày đang dắt đi đó, nó là bạn học cũ của tao, để nó đó cho tao. Thằng trung sĩ thường vụ: - Dạ, tuân lệnh thẩm quyền. Thằng Thiệt lại gần, ngẩn người kêu lên: - Thịnh, thưa đại uý. Thịnh nói: - À, tau Thịnh đây. Mày đi lính rồi à?. Thiệt nói : - Cha tao bị mìn chết khi trở về quê, mẹ tau hóa điên, tao bỏ đi lính cho rồi. Thịnh thương cảm. Thằng Thiệt là thằng bạn cùng học lớp mẫu giáo với Thịnh, lên đến tiểu học, vì cha mẹ rất nghèo, có thể nói là nghèo xơ, nghèo xác, nên nghỉ. Thịnh thân với Thiệt bởi vì mẹ nó là cô mụ vườn, là người đỡ đẻ cho anh, kéo Thịnh ra đời, vỗ vào mông Thịnh cho Thịnh cất tiếng khóc oe oe đầu tiên. Mẹ Thịnh hay kể về mẹ thằng Thiệt với công lao ấy, nên Thịnh chơi thân với thằng Thiệt từ ngày còn ở truồng đi học lớp mẫu giáo. Bây giờ gặp nhau trong hoàn cảnh này nên Thịnh chỉ biết giúp cho nó ở lại bộ chỉ huy đại đội, đi theo treo mùng, treo võng cho «thẩm quyền» khi đi hành quân. Dù sao, đối với Thịnh, một đại đội trưởng một đại đội bộ binh, Thiệt làm “tà lọt” cũng đỡ khổ hơn là đi tiền tiêu ở các đại đội lẻ. Đi tác chiến đã trên năm năm, Thịnh nắm được quy luật của dân tác chiến là, không có một người lính tiền tiêu nào thọ quá một năm, nếu không biết tìm cách «binh» để tìm con đường khác. Cho nên, lính tác chiến thường là tân binh không có thân có thế. Ra mặt trận mà mắt dáo dát tìm cách chuồn là thượng sách nhất. Nhưng để giữ cho đơn vị khỏi thiếu lính thì Thịnh cũng phải dùng kỷ luật sắt, như là bắt những thằng lính trễ phép, trốn đơn vị, khi về trình diện sẽ bị ăn đòn nhừ tử, rồi đưa đi tiền tiêu. Quyền sinh sát đối với lính tác chiến là ở các tay “thẩm quyền” như Thịnh. Thật ra Thịnh biết là lính đã khổ như con chó, sống chết lúc nào cũng không hay, Thịnh thương tụi nó lắm chứ sao không, nhưng không đưa bọn nó đi tiền tiêu, trinh sát, viễn thám thì đưa ai đi đây. Đó là cái vòng lẫn quẩn. Thằng Thiệt ở với Thịnh được hai tháng, nó đi theo anh như bóng với hình. Thịnh thương nó, thương thằng bạn cùng quê, cùng học với nhau từ lớp vở lòng, thế thì không tình nghĩa với nhau sao được. Chỉ có một điều nó không được đi học lên cao như anh, nên nó chấp nhận thân phận lính quèn, còn anh là đại úy đại đội trưởng của nó, nó một điều gọi Thịnh là “ông thầy” hai điều là “ông thầy”. Thịnh thật tội nghiệp nó, nhưng trước mặt đám lính dưới quyền, phải như vậy chứ biết sao. Cái tinh thần chiến đấu là tìm cái sống trong cái chết, nên lính rất thương nhau, coi như là lính tụm lại với nhau để giữ mạng sống cho nhau, được đứa nào hay đứa nấy. Đã nói là sống trong guồng máy đó, bọn Thịnh như con ốc, con vít, không thể đi chệch ra ngoài, đi chệch ra ngoài là đi vào cửa tử. Hai tháng sau Thịnh được đi phép thường niên mười lăm ngày. Hôm Thịnh đi, thằng Thiệt rất buồn và rất lo, “ông thầy đi, tôi còn được ở Bộ Chỉ Huy không?”. Thịnh nói chắc như bắp “Mày yên chí, tau nói với trung úy đại đội phó rồi.” Thịnh lên trực thăng bày vù về hậu cứ rồi lái xe jeep về nhà. Ở hành quân, tiểu đoàn trưởng chỉ thị ngay cho đại đội phó xử lý thường vụ đổi thằng Thiệt ra tiểu đội trinh sát, năm ngày sau, đụng trận, nó chết ngay trong loạt đạn đầu tiên khi chạm súng với địch quân. Khi lên hành quân, nghe tin thằng Thiệt chết, Thịnh ứa nước mắt. Như vậy là Thịnh chẳng có quyền lực, chẳng có vai vế gì trong đám chỉ huy kia. * Thịnh đưa Ngà vào một quán cà phê gần khu chợ Việt Nam. Bốn mươi năm thầy trò mới gặp nhau, Thịnh muốn hỏi cô bé học trò này nhiều điều, nhất là từ ngày Thịnh xa Thuyền, Thịnh không trở về nơi chốn đó nữa. Ngà uống ly rau má xay, còn Thịnh uống ly cà phê sữa nóng. Ngà thua Thịnh khoảng năm tuổi, vì anh biết học trò lớp đệ ngũ thuở đó đã lớn sộ. Con gái nhà quê đi học trễ, nên có học sinh lên lớp đệ ngũ đệ tứ đã mười tám đôi mươi. Ngà trông trẻ nhất trong đám học sinh đệ ngũ nên chắc thua Thịnh khoảng bốn năm tuổi là cùng. Thịnh hỏi về gia đình Ngà, về người chồng, về những đứa con, về cuộc sống ở Mỹ. Ngà đi Mỹ từ lúc còn trẻ nên nay đã an cư, đã có nhà có cửa, con cái học đại học, ra trường có công ăn việc làm đàng hoàng. Thế là tốt. Còn hỏi gì nữa đây? Bỗng dưng Ngà đổi đề tài: - Thầy và cô Thuyền thôi nhau rồi hả, sao vậy thầy? - Thì không hợp em à, cũng bình thường thôi mà em. - Em gặp thầy em mừng lắm. Mà em có chuyện này hỏi thầy chút nghe. Lâu quá rồi, nhưng cũng xin hỏi thầy, để em yên tâm chứ mấy chục năm nay em để trong lòng hoài nên nó bức rức lắm. Mà biết gặp thầy ở đâu mà hỏi đây. Em nghĩ trong lòng là sẽ có một ngày nào đó sẽ gặp thầy, ở An Thổ, ở TK, ở Sài Gòn hay ở Mỹ, chắc chắn là phải gặp. Nhưng không biết là khi nào. Em xa quê ba mươi mấy năm, nhưng em về quê có một lần, còn ở Mỹ thì lấy chồng rồi sinh con, quần quật đi làm ở hãng suốt năm suốt tháng, nên có đi đâu xa được. Bây giờ em hơi khoẻ khoẻ một chút nên em định sẽ về thăm quê một chuyến, chắc sẽ gặp thầy, nhưng không ngờ gặp thầy ở đây. - Chuyện thế nào mà em mong gặp thầy dữ vậy? - Cũng chẳng có gì, nhưng làm em ấm ức mãi. Thầy có biết ở An Thổ có anh sáu Giúp không, anh sáu Giúp đi lính sư đoàn ấy mà. - Không biết, nhưng thầy có nghe nói. - Anh sáu Giúp là anh con ông bác em, nhà ảnh nghèo lắm, lại con một nữa. Vì ảnh là nông dân, suốt ngày chỉ biết cày cuốc thôi, đến tuổi bị kêu lính thì ảnh đi, ảnh vào lính sư đoàn, đổi về đại đội do thầy chỉ huy, ảnh đi trong toán viễn thám. - Thế à. Rồi sao nữa. - Ảnh về nhà kể lại là đổi về đại đội của thầy, bác em chỉ có ảnh là con một nên thương và lo cho ảnh quá. Nếu ảnh mà chết đi thì lấy ai nối giỏi tông đường cho bác, nên bác em quyết “chạy” cho ảnh về Bộ chỉ huy trung đoàn. Nghe nói thầy làm đại đội trưởng nên bác em đã bán con bò được sáu chục ngàn, cả gia đình chỉ có một con bò để cày ruộng, thế mà phải bán đi để “chạy”. Tiền đưa cho cô Thuyền, nhờ cô Thuyền nói với thầy có quen biết trên trung đoàn thì “chạy hộ”, cô Thuyền hứa sẽ nói với thầy. Thịnh đỏ bừng mặt lên. Thật sự anh không biết chuyện này. Suốt trong thời gian làm đại đội trưởng Thịnh chưa hề ăn của lính nào một đồng xu cắt bạc, chưa cắt xén của lính một đồng lương, một hộp ration C hoặc một bao gạo sấy. Thịnh đâu biết gì. Mà thật ra anh đâu có vây cánh nào, thế lực nào để “chạy” cho ai về bộ chỉ huy. Thịnh là lính chuyên đi “lội”, hô xung phong và “bóp cò súng” thôi. Thịnh ngắt lời Ngà: - Không, thầy không biết chuyện này. Trong suốt cuộc đời lính tráng của thầy chưa bao giờ biết chạy chọt cho ai, cũng chưa ăn của ai một đồng. - Bởi vậy cho nên em mới ấm ách mãi trong lòng, mong gặp lại thầy hỏi cho ra lẽ. Thật sự, lúc ấy bí quá thầy à, nếu để cho anh Giúp đi tác chiến thì chắc chắn là chết, nên cả nhà bàn với nhau là thôi cứ bán con bò lấy tiền chạy cho anh Giúp để về được hậu cứ, miễn sao anh Giúp được sống. - Tiền đó gia đình đưa cho ai? - Thì đưa cho cô Thuyền, cô Thuyền nói sẽ chuyển cho thầy để thầy đưa cho sĩ quan ban 1 trung đoàn. Thịnh lắc đầu: - Thầy không biết thật sự. Lúc đó là lúc nào, khoảng năm bảy mấy vậy. - Khoảng đầu năm bảy lăm. - Lúc đó trung đoàn cũng hỗn loạn quá rồi. Tháng ba là di tản vào nam. - Thì cũng nhờ vậy mà anh Giúp còn sống. Cả nhà chờ mãi không thấy anh Giúp về hậu cứ. May mà sau đó tan hàng, ảnh mò về nhà từ bãi biển Chu Lai. - Vậy là ảnh an toàn chứ. - An toàn, thầy. Vậy là thầy không biết chuyện đó thật hả? - Thật là thầy không biết, thầy không chối với em làm gì, nhất là chuyện đã bốn mươi năm qua. - Vậy là em mừng, chứ nếu thầy dính vô chuyện đó là em buồn thầy lắm. - Bây giờ em hết buồn chưa. Như vậy là hôm nay thầy cũng may, gặp được em để giải tỏa cho em hết sự ấm ức mấy mươi năm, mà lòng thầy cũng được thanh thản, nhẹ nhõm. Ngà kết luận một câu xanh rờn: - Vậy thì đúng rồi, cô Thuyền nói là sáu chục ngàn bán con bò đó, cô đưa cho ông đại úy Sách, trưởng ban 1 trung đoàn, “cúng” lên lên cho đại tá Ngàn, trung đoàn trưởng rồi. Em chưa tin nên nay em mới hỏi lại thầy đó./.
Trần Yên Hòa
* Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản: Xin click vào link sau:
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét