Bà mẹ khai:
“Tôi luôn luôn là người kiểm soát tất cả các cửa giả trong nhà, kể cả cửa sổ trong bếp và trong nhà tắm vào mỗi tối khi cả nhà còn coi ti-vi trong phòng khách, và gần như gia đình tôi ai về phòng nấy trước chín giờ tối”.
“Ông bà vẫn chung phòng?”, viên thám tử đột ngột hỏi.
“Nhà tôi sau này ngáy dữ lắm, tôi kêu ca và nhiều khi ông ấy ngủ luôn ở phòng sách”.
Viên thám tử lại hỏi:
“Anh con trai có hay đem bạn về ngủ ở nhà?”.
Ông bố chen vào đáp:
“Gia đình tôi khá nghiêm khắc chuyện này. Ngay mấy đứa anh họ các cháu tối qua chơi, trước khi ngủ tôi cũng đuổi về hết”.
<!>
Thám tử quay sang bà mẹ, lại hỏi:
“Con gái bà có hay đi chơi khuya không? Tôi muốn nói tối đến có đi đâu đó một mình?”.
“Ấy, ngay thằng anh nó sau bảy tám giờ tối cũng chẳng ra khỏi nhà. Hai anh em nó như gián ngày cả ông ạ”.
Viên thám tử ghi ghi chép chép trong sổ tay một lát rồi đứng lên, cám ơn hai vợ chồng giữa khi bà mẹ ôm mặt bật khóc.
***
Anh con trai tên Thuận, nói:
“Dạ, Tết vừa rồi cháu mười chin… Dạ, chú nói sao?”.
Viên thám tử hỏi lại. Anh con trai đáp:
“Dạ, cháu học trường trung học trong khu học chánh này. Cháu học ở đây từ hồi mới lên trung học”.
“Thế à?”.
“Em gái cháu là Thảo, cũng thế”.
“Và năm nay tốt nghiệp cả hai?”.
“Cháu không biết em cháu thế nào, còn cháu thì hồ sơ nộp đại học đã xong”.
“À, Thảo có nhiều bạn không?”.
“Chú muốn nói bạn gái hay bạn trai?”.
“Cả hai”.
“Thế thì ít lắm. Nó chỉ có một hai con bạn thân và lâu lâu có ghé chơi nhưng toàn chuyện bài vở thôi”.
“À, cháu có hay dẫn bạn về nhà chơi không? Chú muốn nói bạn trai”.
“Không, ở đây cháu chỉ có mấy người anh họ nhưng họ cũng chỉ thỉnh thoảng ghé thôi”.
Điện thoại rung trong túi. Viên thám tử đứng lên, bảo:
“Mình tạm dứt ở đây nhá. Cháu có thể đi được”. Và ông cầm điện thoại để lên tai, bước ra ngoài.
***
Bắt đầu vào tháng Năm, nhiều ngày Houston nóng như đổ lửa, lâu lâu có tí gió thều thào trên những ngọn cây càng khiến người ta cảm thấy ngột hơn. May là xứ dầu hỏa, lớn nhỏ nhà nào cũng máy lạnh 24/24. Chứ ở các tiểu bang khác, như Cali, New Mexico hay Arizona chẳng hạn, nhà nghèo có mà lè lưỡi.
Ấy thế mà đùng một cái, mưa kéo dài đến mấy ngày. Đường ngập nước. Và bão nữa chứ. Nhiều khi bão gãy cây gãy cối la liệt. Thành thử thời khí Houston, nhất là bước vào tháng Sáu như thế này, như một cô gái bước vào tuổi chướng, rất khó đoán và khó nói.
Thảo không đến nỗi chướng như thế, nhưng cũng có hơi khác thường. Những điều Thuận khai với viên thám tử có điểm sai về Thảo, nhưng hấp thụ từ nhỏ nền văn hóa “bất can thiệp” của Mỹ, Thuận chẳng bao giờ dính đến chuyện riêng và đời tư của cô em. Nhất là có bao giờ bố mẹ anh hỏi những câu chẳng hạn “Con Thảo ở trường lúc này nó như thế nào? Bạn bè nó giao du ra sao?”. Không, không bao giờ bố mẹ hỏi những câu như thế. Đời sống gia đình ở Mỹ mỗi người như một bộ phận trong cái đồng hồ, cứ êm thắm mà chạy cho đến khi có một điều gì xảy ra, một cây kim bị long ra chẳng hạn, hệ thống tắc nghẽn, và đó là lúc chiếc đồng hồ được thay thế, còn gia đình thì sụp đổ, phân tán!
Thảo hay đi chơi đêm! Lối hay đi là trèo qua cửa sổ, leo theo những khung sắt đính vào tường làm giàn cho các dây hoa leo để xuống đường. Sẽ có một thanh niên đậu sẵn xe trong bóng tối, và họ biến mất.
Một thanh niên gần đây thường đón Thảo là Đức, bạn học một dạo của Thuận. Đức đã bỏ học đi làm cả năm nay. Nơi làm của Đức là một văn phòng lớn bán bảo hiểm nhân thọ và cả xe cộ cùng nhiều thứ khác nữa. Nghe nói chủ nhân có mở cả dịch vụ cầm đồ nhưng không có license, tức cầm đồ lậu, thường cho những bà lăn lộn trong đám cờ bạc.
Đức vui tính, hoạt bát, giao du rộng và quen biết nhiều trong giới có máu mặt của cộng đồng. Anh biết khá rõ nhiều hoàn cảnh gia đình. Thậm chí biết cả thói quen sinh hoạt của họ. Anh biết năm nay ông X đem gia đình đi nghỉ hè ở đâu, ông Y Tết sẽ kéo hết cả nhà đi thăm ông bà cụ ở tiểu bang nào, bà Z mùa Noel sẽ đem các con sang Thụy Sĩ chia cái tuyết lạnh với các chị gái đang định cư bên đó…
Những ngày đó, các tư gia, tư thất của những người này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền sử dụng của Đức. Và anh muốn cho ai vào ở cũng được, với một số luật lệ phải tuân giữ. Và khoản thu của anh trong dịch vụ này thực sự không nhỏ.
Tất nhiên, một trong những căn lý tưởng nhất anh chọn để sử dụng riêng luôn luôn có sẵn. Và hai tuần qua Đức đã liên tiếp đem Thảo vào một cái biệt thự hết sức ấm cúng, nằm trên đường Memorial Drive.
Lần đầu Thảo hỏi:
“Nhà ai sang vậy anh?”.
“Của ông chú anh ấy mà. Năm nào ông ấy đi ngoại quốc đều giao cho anh trông coi”.
“Thế thì anh như ông vua rồi còn gì”.
“Hơn ấy chứ”. Anh cười và rót ly nước cam đưa cho Thảo. “Như ông vua Trump chẳng hạn. Để có một thiên đường nho nhỏ xinh xinh thế này ông ấy phải lo bao chuyện, kể cả chuyện… đóng thuế. Anh chẳng phải lo gì sốt cả. Chỉ đến ở và mọi thứ đều chùa”.
Đến lần thứ hai thì chính Thảo cũng thoải mái và tự nhiên, sử dụng mọi thứ như đây là nhà mình. Họ vui vẻ với nhau một hai tiếng rồi Đức nhanh gọn thu vén mọi thứ trước khi đem trả Thảo về nhà trước nửa đêm. Và anh không quên đeo vào cổ sợi dây chuyền bằng vàng 14, có đính một cái vợt tennis cũng bằng vàng 14 – thành quả duy nhất anh đạt được lúc còn ở trung học.
***
Đức có người em tên Đạt, Đạt học cùng lớp với Thuận và cùng tốt nghiệp trung học năm nay. Cả hai đều có mộng Y khoa và rủ nhau ghi danh ở môt đại học bên miền đông bắc. Họ sẽ sang đó vào tháng 9 tới nhưng đại dịch thế này chưa biết tính sao.
Biết được việc dan díu của Đức với Thảo, Đạt như nuốt phải một lưỡi dao lam vào bụng. Làm sao cản Đức tiếp tục việc này, và làm sao để cản được sự liều lĩnh của Thảo. Há anh không biết câu “Gái phải hơi trai như thài lài phải cứt chó” đấy sao?
Cuối cùng Đạt đi đến quyết định nói thật với Đức dù cũng cảm thấy đó là hạ sách.
Một lần hết sức lựa lời, Đạt bảo Đức:
“Em nghĩ việc anh đang làm với Thảo phải ngừng ngay. Có người biết rồi”.
Ngược với dự đoán của Đạt, Đức sẵng giọng:
“Biết thì làm gì tao?”.
“Chứ anh không sợ thằng Thuận nó giết anh à? Và bố mẹ Thảo sẽ lôi anh ra tòa?”.
“Mày nghĩ ai cũng sợ như mày thì thế gian này đã thành thiên đường mất rồi”.
“Nhưng…”.
“Nhưng nhị gì? Tui yêu cầu chú đừng xía vào chuyện của tui. Được không?”.
“Nhưng, em… yêu Thảo”.
“Trời! Có chuyện đó nữa sao?”.
“Và em cũng đã nói với Thuận điều này”.
“Thiệt hay chơi đó?”.
“Thiệt”.
“Vậy chứ mày nghĩ cứ có thằng Thuận len vào chuyện này là giải quyết được mọi việc sao?”.
“Anh…”.
“Thôi đi. Trên danh nghĩa con Thảo giờ là chị mày rồi. Tao muốn nó thành chị dâu thiệt của mày thì chỉ nhấp nháy ba mươi giây. Thôi, bỏ đi, Tám!”
***
Viên thám tử nhìn xác cô gái lần cuối nằm trên giường. Ông kéo tấm chăn phủ lên đùi cô rồi nghĩ sao lục lại ngăn kéo chiếc tủ nhỏ đầu giường. Vẫn chỉ mấy món trang sức phụ nữ, mấy tấm thiệp Giáng Sinh cũ. Hộp kẹo ho Ice Breakers, một cái mũ lưỡi trai. Mấy cây bút bi. Và một sợi dây chuyền có cái vợt tennis. Ông cầm sợi dây lên coi, nghĩ sao bỏ vào cặp. Ông đi xuống nhà dưới.
Phòng khách ngoài ông bà chủ nhà, Thuận, người con trai, mấy viên cảnh sát, giờ có thêm một thanh niên nữa đang to nhỏ với Thuận. Thấy viên thám tử rọi ánh mắt về phía mình, Thuận vội nói:
“Thưa chú đây là Đạt, bạn học cháu. Nghe gia đình có chuyện nên ghé hỏi thăm”.
Viên thám tử bước ra cửa trước. Một lát ông quay lại và bảo Thuận đi theo. Ông chợt hỏi:
“Cháu cũng chơi quần vợt ở trường chứ?”.
“Dạ không”.
“Thảo có chơi không?”.
“Dạ không”.
“Thôi được, cháu vào nói chuyện với bạn đi”.
***
Đại dịch hoành hành ngang dọc vùng đông bắc Mỹ. Mỗi ngày người ta thấy trên truyền hình bộ mặt bạc nhược của ông thống đốc Cuomo tiểu bang New York xuất hiện, báo cáo về các con số lây nhiễm và qua đời mà ớn lạnh!
Khắp nơi trên đất Mỹ người ta bị xâu xé giữa hai ý niệm tự do và sự chết, giữa khóa cửa và mở cửa. Riêng tiểu bang New York đã mở ra các chiến dịch cổ động, khích lệ, tôn vinh anh hùng giới bác sĩ, y tá là những người cũng đang nối nhau thiệt mạng trong các bệnh viện. Chính quyền kêu gọi giới bác sĩ, y tá đã về hưu quay lại phục vụ quần chúng với “tinh thần tham dự chiến tranh”. Họ cũng kêu gọi sự tình nguyện phục vụ của giới y tế khắp nơi còn rảnh rang, các sinh viên y khoa năm cuối, và thậm chí những sinh viên năm đầu có chí hướng đi vào lãnh vực y tế với những ưu đãi về sau.
Đạt lên đường qua New York giữa khi gia đình bạn tang gia còn rất bối rối.
Tất nhiên sở cảnh sát Houston không để yên cho Đức. Sau khi cảnh sát tìm ra mối liên hệ giữa Đức và Thảo, biết cả việc anh từng là vô địch quần vợt thời trung học, và anh bị triệu tập tới lui nhiều lần. Nhưng dưới ánh sáng pháp luật Mỹ, tất cả những cái ấy không đủ yếu tố để cấu thành tội phạm. Và do đó, Đức vẫn hoàn toàn tự do sinh hoạt bình thường. Nhưng với anh và gia đình, Đạt đã trở thành một cái bóng đen ám ảnh đáng sợ. Bóng ấy chẳng khác mấy bóng những viên thám tử có vẻ như vẫn lởn vởn quanh gia đình anh.
Chỉ thời gian ngắn sau, anh nhận được cú điện thoại từ viên thám tử. Ông thông báo cho anh biết, vụ án, một phần vì đại dịch, đã bị treo lại, phần khác vì một nghi can quan trọng trong vụ án đã qua đời do dịch bệnh. Nhưng đây là một án mạng, do đó nó sẽ được mở lại khi có điều kiện, và nó chỉ có thể chấm dứt hoàn toàn khi pháp luật đã tìm được câu trả lời thích đáng.
***
Buổi tối, Đức báo tin cho bố mẹ biết về cú điện thoại.
Mẹ anh ngồi bơ thờ như người mất hồn, còn bố bỏ quyển Kinh thánh đang cầm trên tay xuống, nói khẽ:
“Có tình thì có tội. Và sự chết là kết quả của tội lỗi. Cả thế gian này là đối tượng của sự chết, vì tất cả đều tội lỗi!”.
Giữa lúc ấy, sâu trong ngõ vọng tiếng chó sủa khuya, nghe xa vắng và buồn rười rượi.
Hà Thúc Sinh
*
Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:
Xin click vào link sau:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét