Nhà văn Ngô Thế Vinh
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi không xa lạ trên văn đàn miền Nam từ những năm 1960. Khởi viết từ năm 22 tuổi với tiểu thuyết Mây Bão (Sông Mã, Saigon 1963) khi đang là sinh viên Y khoa Đại học đường Saigon. Rồi tiếp tục với những tiểu thuyết Bóng Đêm (Khai Trí, Saigon 1964) và Gió Mùa (Sông Mã, Saigon 1965) khi vẫn đang là sinh viên Y khoa. Ông cũng là một thành viên trong Ban biên tập, nguyên Tổng thư ký rồi Chủ bút báo sinh viên Tình Thương của trường Y Sài Gòn từ số đầu tiên ra mắt vào tháng 1-1964 cho đến khi báo đình bản năm 1967. Tiểu thuyết Vòng Đai Xanh (Thái Ðộ, Saigon 1970) được ấp ủ từ những ngày làm báo Tình Thương và viết xong 1969, một năm sau khi tốt nghiệp trường Y (1968) và đang là Y sĩ trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, đã được trao giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1971 bộ môn Văn. Sau biến cố tháng Tư Đen, như tất cả những sĩ quan quân đội và viên chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông đã trải qua các trại cải tạo Suối Máu, Trảng Lớn, Phước Long, Bù Gia Mập… hơn ba năm trước khi định cư tại Hoa Kỳ (1983). Tại vùng đất mới, ông tiếp tục hoàn tất tập truyện ngắn Mặt Trận Ở Sài Gòn (Văn Nghệ, California 1996] “với khí thế hừng hực của ngòi bút, với chất lửa cháy bừng bừng trong mỗi câu văn, làm người đọc vừa say mê vừa choáng váng...” [1] như Lời Bạt mà họa sĩ / nhà văn / nhà thơ Tạ Tỵ đã nhận xét.
<!>
Sau tập truyện này, trong hơn hai mươi năm nay, ông hướng ngòi bút tới những vấn đề môi sinh, “với hai tác phẩm quan trọng gây tiếng vang không ít, Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, cộng thêm hàng chục tiểu luận biên khảo, nghiên cứu giá trị về những biến đổi nguy hại của hệ sinh thái sông Mekong” (sđd, tr. 12). Gần đây nhất là tường trình về đại công trình Sông Cờ Đỏ của Trung Quốc, dài trên 6.180 km với kế hoạch hàng năm chuyển dòng lấy 60 tỉ mét khối nước ngay từ nguồn không cho xuống hạ lưu các sông Mekong, Salween và Brahmaputra, bất kể nguy hại đến nguồn sống của bao nhiêu triệu cư dân nơi đây. “Ông mặc nhiên được xem như một chuyên gia trong lĩnh vực này, một con chim “báo bão” về mối đe dọa thường xuyên và ghê rợn từ phương Bắc đối với sự sinh tồn của đất nước và dân tộc” (sđd, tr. 12) như nhà thơ / nhà văn Trịnh Y Thư đã ghi lại trong Thay Lời Tựa của tập sách này.
Bên cạnh đó, Ngô Thế Vinh cũng chọn thể hiện những chân dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa như một sự “tình cờ” khởi đi từ bài viết ‘Nhớ về người bạn Tấm Cám Nghiêu Đề’, một cố tri từ tuổi rất thanh xuân. Ông đã nhận được rất nhiều khích lệ của bạn bè, đặc biệt là “họa sĩ Đinh Cường tỏ ra rất tâm đắc với bài viết và đã đưa ra nhận định: không thể viết về Nghiêu Đề hay hơn Ngô Thế Vinh nên có đề nghị sẽ đưa vào cuốn sách Đi Vào Cõi Tạo Hình II sắp xuất bản viết về những họa sĩ cùng thời từ 1957 đến 1966, năm thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam.” [2]
Tuyển tập I đã ra đời năm 2017 được độc giả tiếp đón nồng hậu với cả thảy 18 chân dung gồm 16 nhân vật thuộc Văn học Nghệ thuật (Mặc Đỗ, Như Phong, Võ Phiến, Linh Bảo, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyên Khai, Cao Xuân Huy, Phùng Nguyễn) và 2 chân dung Văn hóa (GS Phạm Biểu Tâm, GS Phạm Hoàng Hộ).
Tuyển tập II ra mắt vào tháng 2 năm nay, gồm chân dung của 15 văn nghệ sĩ và nhà văn hóa: Nguyễn Tường Bách và Hứa Bảo Liên, Hoàng Tiến Bảo, Tạ Tỵ, Trần Ngọc Ninh, Lê Ngộ Châu, Nguyễn Văn Trung, Dohamide, Lê Ngọc Huệ, Nghiêm Sỹ Tuấn, Đoàn Văn Bá, Mai Chửng, Trần Hoài Thư và Ngọc Yến, Phan Nhật Nam, John Steinbeck cộng thêm phần phụ lục Con đường sách Sài Gòn và Câu chuyện đốt sách.
Xin được điểm qua từng chân dung:
1 & 2. Bác sĩ Nguyễn Tường Bách và bà Hứa Bảo Liên.
Nguyễn Tường Bách là người em út trong gia đình Nguyễn Tường của phong trào Tự Lực Văn Đoàn. Tuy “tốt nghiệp y khoa, nhưng đã chọn bước sang con đường khác – cầm bút để chiến đấu! ... là một trong số bác sĩ thế hệ tiên phong của thập niên 1940 đã đi vào lãnh vực báo chí và văn nghệ sớm như vậy” (sđd, tr. 34).
Ông từng làm giám đốc báo Ngày Nay bộ mới và hoạt động chính trị rất sớm (1939), tham gia đảng Đại Việt Dân Chính [về sau kết hợp với Việt Nam Quốc Dân Đảng rồi Đại Việt Quốc Dân Đảng để thành Quốc Dân Đảng]. Nguyên ủy viên trung ương Việt Nam Quốc Dân Đảng, phụ trách công tác tổ chức đảng và tuyên truyền. “Tháng 5/1946, tình hình biến chuyển bất lợi cho phe quốc gia, trước nguy cơ khủng bố của Việt Minh, Nguyễn Tường Bách cùng với các đồng chí ... phải rút lên Việt Trì, rồi Yên Báy, Lào Cai. Cuối cùng, theo quyết định của Trung ương Đảng bộ VNQDĐ, Vũ Hồng Khanh ở lại Đệ Tam Khu, còn Nguyễn Tường Bách đi Côn Minh để cùng với Nguyễn Tường Tam phụ trách hải ngoại vận” (sđd tr. 35).
Không thể ngờ được đó là chuyến đi định mệnh để từ đó ông gặp lại và thành hôn với bà Hứa Bảo Liên, người bạn gái thân thiết trước đây khi còn ở Hà Nội, vào cuối năm 1946, mắc kẹt với “giấc đông miên” của một “Y sĩ đồng quê” sống trên đất Trung Quốc 42 năm. Rồi cũng do một ngẫu nhiên của lịch sử, từ làn sóng nạn kiều, Lý Trung Nhân (tốt nghiệp Bách Khoa Hà Nội) là con trai của Bác sĩ Lý Hồng Chương, một bạn đồng môn Y khoa Hà Nội, sang Trung Quốc và được gia đình ông cưu mang. Rồi Lý Trung Nhân trở thành rể của gia đình và sau đó được người mẹ sống ở Hoa Kỳ bảo lãnh. Nhân mang theo vợ Hứa Anh, để từ đó, đến năm 1988, ông bà Nguyễn Tường Bách được sang Mỹ định cư đoàn tụ với các con cũng như gặp lại các cháu thuộc dòng họ Nguyễn Tường. Nơi đây, “ở tuổi 72, như cá gặp nước, Nguyễn Tường Bách hăng say đi tiếp ngay một cuộc hành trình không ngưng nghỉ thêm hơn 20 năm nữa với bao nhiêu là dự án: Thành lập “Ủy Ban Điều Hợp Các Tổ Chức Tranh Đấu cho Việt Nam Tự Do”, rồi “Mặt Trận Dân Tộc Dân Chủ Việt Nam”, và bền bỉ nhất là “Hoạt Động Nhân Quyền và Dân Chủ cho Việt Nam” kết hợp với “Mạng Lưới Nhân Quyền”” (sđd, tr. 64).
Trong hồi ký “Nguyễn Tường Bách và tôi”, bà Hứa Bảo Liên cho hay, “Anh Bách thường nói, bác sĩ là chức nghiệp, cách mạng là sự nghiệp, nhưng văn nghệ mới là ước nguyện chính. Sau khi về hưu, còn ở Phật Sơn, anh cầm bút tranh thủ thời gian viết. Anh viết rất hăng say, chẳng khác gì khi còn trẻ...” (sđd, tr. 64).
3. Giáo sư Hoàng Tiến Bảo là một nhân cách lớn. Nguyên Giáo sư Đại học Y Khoa Sài Gòn, Trưởng khu Chỉnh Trực bệnh viện Bình Dân, ông có công phát triển ngành học mới Bướu Xương / Bone Tumor và Phẫu thuật Cột sống / Spine Surgery tại Việt Nam, đã giúp nhiều bệnh nhân bị lao cột sống và chấn thương cột sống có khả năng trở lại sinh hoạt bình thường (sđd, tr. 76-77). “Thấy được sự cách biệt về trình độ và phẩm chất đào tạo giữa nhóm nội trú và một đa số ngoại trú hành lang / externes des couloirs, Thầy Bảo đã mạnh dạn chủ trương là phải mở rộng chương trình nội trú, gia tăng sĩ số sinh viên nội trú trúng tuyển để mọi sinh viên ưu tú có khả năng có cơ hội đồng đều để trở thành những bác sĩ giỏi. Một mô hình tiến rất gần tới chế độ nội trú - thường trú [Internship and Residency] của giáo dục Y khoa của Mỹ” (sđd, tr. 79).
Với lòng nhiệt thành và thân ái, Thầy Bảo “giảng dạy những điều rất thực tế để sinh viên có thể lãnh hội và áp dụng được ngay khi bước vào đời... Ông đã để lại những dấu ấn trong suốt học trình Y khoa trên đám môn sinh được học Thầy” (sđd, tr. 77-78).
Sau 1975, bị kẹt lại nơi quê nhà, Thầy Bảo “vẫn hàng ngày đứng mổ, tận tụy phục vụ người bệnh, giảng dạy học trò cho đến ngày về hưu, đi định cư ở Hoa Kỳ năm 1983” (sđd, tr. 82).
4. Họa sĩ / Nhà văn / Nhà thơ Tạ Tỵ tốt nghiệp khoa Sơn Mài tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1943. Ông thành danh khá sớm, và đoạt được nhiều giải thưởng tranh. “Nhưng dấu ấn Hội họa của ông không phải là những tác phẩm Sơn Mài. Tạ Tỵ luôn luôn đi tìm cái mới, và được xem là người đi tiên phong vào lãnh vực Lập Thể / Cubisme và Trừu Tượng / Abstrait của hội họa Việt Nam” (sđd, tr. 106).
“Vào đầu thập niên 1960, Tạ Tỵ vẽ một loạt chân dung các văn nghệ sĩ Việt Nam với một phong cách rất độc đáo, anh nhạy bén bắt được cái thần ở từng khuôn mặt, và đây là một lãnh vực tài hoa khác của Tạ Tỵ mà chưa ai sánh được. Tác phẩm của Tạ Tỵ còn được trưng bày tại các bảo tàng viện nghệ thuật quốc tế ở Tokyo, San Francisco, New York và Paris” (sđd, tr. 110).
Về văn học, ông “đã cộng tác với các tạp chí văn học tại miền Bắc và miền Nam từ năm 1950 đến 30-4-1975: Thế Kỷ, Đời Mới, Nguồn Sống Mới, Sáng Tạo, Văn, Văn Học, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Bách Khoa và Tin Văn, và sau 1975: Thế Kỷ 21 tại Hoa Kỳ” và đã có tổng cộng 14 tác phẩm đã xuất bản tại Việt Nam và Hoa Kỳ (sđd, tr. 114-115).
Sau tháng 4/1975, tuy là một Trung Tá Tổng Cục Chiến tranh Chính trị đã giải ngũ vào tháng 6/1974, nhưng họa sĩ Tạ Tỵ vẫn phải “trải qua 8 trại Tập Trung Cải Tạo từ Nam ra Bắc... đã sống và đã chứng kiến bao nhiêu trạng thái bi thương…” [3]. Ra tù vào đầu năm 1981 với tấm thân tàn ma dại, ông tìm đường vượt biên. Hồi ký Đáy Địa Ngục được viết và hoàn tất tại trại tỵ nạn Mã Lai năm 1982, tố cáo cùng toàn thế giới: “Người tù chính trị Việt Nam sau ngày 30-4-1975, quả thực, một vết nhơ trên ‘tấm thảm lương tri nhân loại’. Họ được đối xử như những con vật, đôi khi không bằng con vật. Họ luôn luôn sống trong lo âu, hồi hộp, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy đến với họ... Họ ‘ăn không đủ no, đói không đủ chết’... Nếu ai đã trải qua một lần trong bất cứ Trại Tập Trung Cải Tạo nào của Cộng sản Việt Nam, người đó có quyền coi thường mọi nhà tù trên Thế Giới.” [3]
Dù vậy, đến cuối đời Tạ Tỵ đã chọn lựa trở về sống tại quê hương dù không biết trước được những bất trắc gì sẽ xảy đến cho mình, với lòng tin tưởng “nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn!” (sđd, tr. 136-137). Ngô Thế Vinh đã ví Tạ Tỵ như “con cá Hồi dũng mãnh sau những tháng năm vẫy vùng ngoài đại dương, đến cuối đời sức cùng lực kiệt, vẫn với một bộ nhớ không suy suyển, để từ biển rộng trở lại con sông dài, bất chấp những ghềnh thác, chỉ để được trở về nguồn – nơi mảnh đất có tên gọi rất thiêng liêng là Việt Nam” (sđd, tr. 138). Thật đẹp và chính xác.
5. Giáo sư Trần Ngọc Ninh, tốt nghiệp Thạc Sĩ Y khoa Pháp (1961), nguyên Giáo sư và Trưởng khoa phẫu khoa chỉnh trực và phẫu nhi khoa tại Đại học Y khoa Sài Gòn, Tổng trưởng Văn hóa Xã hội đặc trách Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, Giáo sư Văn minh Đại cương và Văn hóa Việt Nam tại Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, Thành viên sáng lập Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO), Hội viên Hội đồng Quốc Gia Giáo dục, Sài Gòn Việt Nam.
Ông đã xuất bản các tác phẩm về văn hóa, y học và tôn giáo. Bên cạnh đó, ông có hơn 200 bài khảo cứu chuyên khoa được in trong các Tạp chí Y khoa xuất bản tại Việt Nam, Pháp và Mỹ. Ngoài ra ông còn viết nhiều bài báo liên quan tới các đề tài văn hóa trên các tạp chí Tình Thương, Bách Khoa, Thế Kỷ 21 và Khởi Hành (sđd, tr. 146).
6. Nhà báo Lê Ngộ Châu là linh hồn của tạp chí Bách Khoa - “Diễn đàn chung của tất cả những người tha thiết đến các vấn đề Chính trị, Kinh tế, Văn hóa, Xã hội” (sđd, tr. 178). Tác giả đã kể rõ ngọn nguồn của tạp chí Bách Khoa, những thay đổi về tên gọi, địa chỉ tòa soạn cũng như nhà in, những khó khăn mà Bách Khoa gặp phải trong suốt 18 năm hiện diện...
“Lê Ngộ Châu đã khéo léo dung hòa được mọi khuynh hướng chính trị, tôn giáo khác biệt để Bách Khoa càng ngày càng quy tụ được nhiều cây bút có uy tín thuộc cả ba miền Nam, Trung, Bắc, thuộc các thế hệ già trẻ tiếp nối... Đáng kể hơn nữa, Lê Ngộ Châu còn phát hiện thêm những cây viết trẻ và đa số đều thành danh những năm về sau này. Với các cây bút nam như Lê Tất Điều, Trần Hoài Thư, Hoàng Ngọc Tuấn, Thế Uyên, Nguyễn Mộng Giác... và các cây bút nữ như Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ…” (sđd, tr. 185).
Bên cạnh đó, tác giả cũng nhắc đến “Nhà báo tài năng Nguiễn Ngu Í, người đã bền bỉ đi suốt cuộc hành trình 18 năm của Tạp chí Bách Khoa... là người có công lao rất lớn tạo nên được một nhân dáng sinh động và phong phú của mục Sinh hoạt báo Bách Khoa” (sđd, tr. 199).
Đọc chương này, độc giả không khỏi nuối tiếc cho “thư viện phong phú của Bách Khoa một đời ông (Lê Ngộ Châu) dày công sưu tập cũng không giữ được và cuối cùng cũng phải nộp cho Hai Khuynh tức Nguyễn Huy Khánh, là một trong “ngũ hổ tướng” của Thành ủy Sài Gòn lúc bấy giờ... Sau này, cũng những cuốn sách có gốc gác từ thư viện Bách Khoa ấy, với cả thủ bút các tác giả ký tặng Lê Ngộ Châu, đã được thấy bày bán nơi mấy tiệm sách cũ, mà khách tìm mua có cả những học giả từ miền Bắc vào... Ai cũng hiểu rằng đó là niềm đau xót sâu thẳm của Lê Ngộ Châu mà không bao giờ anh nói ra (sđd, tr. 202).
7. Giáo sư Nguyễn Văn Trung, một trí thức lận đận, người bị nhiều tai tiếng nhất từ khi còn trong nước cho đến khi ra hải ngoại vẫn chưa dứt. Nguyên Giáo sư Triết và Văn ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn và Đại học Huế. Tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ông là Trưởng ban Triết Tây phương, có thời gian được bầu làm Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sài Gòn (1969). Sau 1975, không được trở lại giảng dạy, ông chỉ có thể làm công việc nghiên cứu văn học và triết học tại Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP. HCM (sđd, tr. 216).
Nguyễn Văn Trung đã có công sáng lập và điều hành tạp chí Đại Học ở Huế, và sau này là các tạp chí Hành Trình, Đất Nước, Trình Bầy và cộng tác với nhiều tờ báo như Bách Khoa, Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Văn, Văn Học, Nghiên Cứu Văn Học, Thái Độ, Đối Diện, Tin Sáng, Sống Đạo, Dân Chủ Mới, Tân Văn... (sđd, tr. 221), cổ võ “một chủ nghĩa xã hội không cộng sản mang tính cách ảo tưởng về một con đường thứ ba... (sđd, tr. 227), thiên tả, phản chiến giữa giông bão của cuộc chiến tranh quốc cộng” (sđd, tr. 228).
Sau này, Nguyễn Văn Trung viết: “… Trong ý định nhìn lại những chặng đường đã đi qua, nghĩa là những gì tôi viết liên quan đến các giới Việt Nam, tôi không phiền trách tố cáo lại ai, để phân trần tự biện minh, mà chỉ cố gắng tìm hiểu phần trách nhiệm của tôi đã gây ra mọi sự do chính những lựa chọn căn bản có ý thức của tôi và nhất là do những lệch lạc hay thiếu sót đã không thực hiện đúng, đầy đủ của những lựa chọn đó…” (sđd, tr. 235).
Tác giả Ngô Thế Vinh cũng chia sẻ: “Nguyễn Văn Trung luôn luôn đã phải trả giá cho những điều anh phát biểu – giữa hỗn mang của thời cuộc, không có trắng và đen mà chỉ là trong một vùng xám giữa đúng và sai – nhưng có điều chắc chắn đó là tiếng nói lương tâm trong chọn lựa dấn thân của Nguyễn Văn Trung. Anh cất lên tiếng nói cho những điều mà lúc đó anh thực tâm tin tưởng, và anh đã phải chịu nhiều ngộ nhận và oan khiên đến cả vùi dập” (sđd, tr. 247).
Ở chương này có nhắc đến, “Tình hình miền Nam sau 1963, vô cùng rối ren với những vụ khủng bố, Việt Cộng thảm sát Bác sĩ Lê Minh Trí, Giáo sư Y khoa Trần Anh, Giáo sư Quốc Gia Hành Chánh Nguyễn Văn Bông, nhà báo Từ Chung và ám sát hụt nhà báo Chu Tử, sinh viên Bùi Hồng Sĩ...” (sđd, tr. 232). Trong thời kỳ nhiễu nhương đó, năm 1969, Gs Nguyễn Văn Trung đã can đảm nhận chức vụ Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sài Gòn và muốn tổ chức một ban ấn loát riêng của nhà trường để in bán cours cho sinh viên với một giá phải chăng (sđd, tr. 233). Cũng vì đó ông bị những sinh viên với nguồn lợi liên quan kéo thêm báo Con Ong bên ngoài hỗ trợ, dùng những từ ngữ xấu xa nhất để mạt sát, mạ lỵ ông. Có thể ví đó như một vết chàm nhỏ trên khuôn mặt đẹp của thời VNCH.
8. Dohamide / Đỗ Hải Minh là một trí thức người Chăm, đã tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (1962), Cao học M.A. về Chánh trị học tại Đại học Kansas, Hoa Kỳ (1967), biết nói và viết nhiều thứ tiếng: Chàm, Việt, Pháp, Anh, Á Rập, Mã Lai, Cam Bốt. Ông cũng là tác giả của loạt bài chuyên khảo về lịch sử và văn minh Champa trên tạp chí Bách Khoa từ những năm 1960, và đồng tác giả với người em Dorohiêm của cuốn sách Dân tộc Chàm lược sử (1965). Sau cuộc đổi đời tháng 4/1975, “Dohamide lần lượt chuyển qua các trại lao động khổ sai ngoài miền Bắc ngót 10 năm (sđd, tr. 267). Chín năm sau khi ra tù, phải đến tháng 3/1993, qua bao nhiêu thủ tục giấy tờ phức tạp, qua chương trình H.O., Dohamide cùng gia đình được xuất cảnh sang Mỹ” (sđd, tr. 269).
Dohamide với suốt một đời đau đáu đi tìm về cội nguồn đã cùng người em Dorohiêm viết Bangsa Champa: tìm về một cội nguồn cách xa xuất bản tại California, Hoa Kỳ 2004. Ông “có cách nhìn ôn hòa, rộng mở và tin tưởng vào con đường văn hóa, mong mỏi hai tập sách Dân tộc Chàm Lược sử và Bangsa Champa được phổ biến rộng rãi trong các thế hệ thanh niên Chăm không chỉ ở hải ngoại mà cả ở trong nước, để họ không bị lôi cuốn vào phong trào “hận thù mất nước”, đang được nhóm đồng tộc Chăm cực đoan Champaka khích động theo chủ thuyết “dân tộc bản địa” – như một khuynh hướng phục quốc và ly khai... Họ phủ nhận hướng đi theo con đường hòa bình của Dohamide, và cho rằng Dohamide đã thỏa hiệp nếu không muốn nói là đầu hàng. Điều ấy khiến Dohamide vô cùng nặng lòng vào những năm cuối đời” (sđd, tr. 287).
9. Giáo sư Lê Ngọc Huệ tốt nghiệp điêu khắc từ trường Mỹ thuật Montpellier (Pháp) mới từ Paris về đã cùng với mấy sinh viên khoa điêu khắc trường Mỹ Thuật Huế: Mai Chửng, Lê Tài Điển, Trần Văn Danh… chung sức thực hiện trong khoảng thời gian hơn hai năm từ 1961 tới 1963 thì gần như hoàn tất quần thể tượng mười lăm sự mầu nhiệm mân côi ở nhà thờ Đức Mẹ La Vang, Quảng Trị. Qua đó cho thấy “trong lãnh vực điêu khắc, Lê Ngọc Huệ là một tài năng lớn với thủ pháp tinh tế, đường nét tinh giản nhưng mạnh mẽ, đầy tính tượng trưng và sáng tạo... Ông đã để lại một công trình nghệ thuật tôn giáo quan trọng và lớn lao, ghi những dấu ấn sâu đậm trong ngành điêu khắc Việt Nam, tạo được sự kết hợp thăng hoa giữa nghệ thuật và tôn giáo” (sđd, tr. 319).
10. Bác sĩ Nghiêm Sỹ Tuấn, nguyên thư ký báo Tình Thương của sinh viên Y khoa Saigon, tốt nghiệp Y khoa ở tuổi 28, gia nhập binh chủng Nhảy Dù và đã hy sinh trên chiến trường Khe Sanh tháng 4/1968 ở tuổi 31, người đã để lại dấu ấn đậm sâu trong lòng tất cả những ai có dịp tiếp xúc với anh. Phạm Liêu trong một bài viết trên tập san Mũ Đỏ, sau đó được đăng lại trên báo Tiền Phong số 38 (18/12/1968) đã ghi lại: “Những người bạn anh kể rằng anh tôn trọng kỷ luật đến độ làm cho những người khác khó chịu. Dưới một bề ngoài trầm lặng, tiềm tàng một nếp sống nội tâm cuồng nhiệt. Anh thật nhiều tham vọng. Anh muốn nhiệm vụ của một quân nhân Dù đi kèm một Y sĩ tiền tuyến của anh phải kiện toàn. Không bao giờ ta thán bất cứ một sự gì. Không bao giờ tìm tòi sơ hở của kẻ khác để chỉ trích, phê bình, chê bai. Người khác có cảm tưởng anh im lặng để hành động nhiều hơn, hữu hiệu hơn, thật đúng là một triết lý của hành động” (sđd, tr. 328). “Anh chấp nhận tất cả: Ngay những điều bất hạnh có thể xảy ra trong mai hậu khi anh dấn thân. Nhiều người cho những sự hy sinh của anh vô nghĩa, nếu không nói phi lý, anh hiền hòa đáp lại: “Làm gì có xương nào phơi vô nghĩa, càng vô nghĩa bao nhiêu càng ý nghĩa bấy nhiêu. Vả chăng xương nào thay được xương mình. Trái đậu thì hoa tàn. Hạt giống có chết cây mới nẩy mầm xanh, sao nói là vô nghĩa được.” Anh chấp nhận ngay cả sự chết một mai của mình nếu không nói những áng văn của anh như bản di chúc cuối cùng của một người sắp ra đi. Chấp nhận sự chết để tự dọn mình là một triết lý khổ hạnh, mà ít người bằng tuổi anh đã dám nhận làm chỉ nam cho đời mình” (sđd, tr. 329).
11. Bác sĩ Đoàn Văn Bá, là người bạn đồng môn với Bác sĩ Nghiêm Sỹ Tuấn và cũng thuộc Quân y Nhảy Dù, “đã biểu lộ lòng can đảm phi thường, bất chấp nguy hiểm cho sinh mạng mình và chỉ quan tâm tới những người bệnh, với kết quả là ông đã cứu được nhiều mạng sống” (sđd, tr. 353) của lính Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ khi cộng quân tấn công vào thành phố Huế dịp Tết Mậu Thân 1968, nên được tưởng thưởng Huy chương Anh dũng Bội tinh với Ngôi Sao Đồng của Bộ Tư Lệnh Chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam vào tháng 5/1968. Ông là một mẫu người can đảm dám nói dám làm, không hãi sợ bất cứ một trở lực nào nên từng được bạn bè gọi là “Bá điên” hoặc “l‘homme des situations difficiles”. “Sau khi miền Nam Việt Nam bị rơi vào tay cộng sản Bắc Việt, Y sĩ Thiếu Tá Đoàn Văn Bá bị bắt vào các trại tù cộng sản cùng toàn thể sĩ quan và viên chức cao cấp của chính quyền miền Nam, bị đày ải qua các trại tù Hóc Môn, Suối Máu, Bù Gia Mập, Bù Đăng trong hoàn cảnh bị lao động cưỡng bức, thiếu ăn, và bệnh tật không thuốc men” (sđd, tr. 358). “Ra tù sau 4 năm, gia đình bị ly tán... Anh đã dẫn theo một đứa con gái vượt thoát ra khỏi nước như một “thuyền nhân” và sau đó được đi định cư tại Hoa Kỳ. Trên vùng đất mới Bá lại trải qua một thời gian phấn đấu khó khăn nữa. Là bác sĩ ngoại quốc ở tuổi đã cao, Bá vẫn say mê học tập và vượt qua được các kỳ thi... để trở thành một bác sĩ nội khoa và chuyên khoa về Thận (Internist / Nephrologist) ở tuổi đã 51 -- Ngũ Thập Nhi Tri Thiên Mệnh” (sđd, tr. 358).
12. Điêu khắc gia Mai Chửng, là một trong những học trò của Giáo sư Lê Ngọc Huệ đã góp phần thực hiện quần thể tượng mười lăm sự mầu nhiệm mân côi ở nhà thờ Đức Mẹ La Vang, Quảng Trị. Ông là tác giả của “Tượng đài Bông Lúa bằng đồng lá biểu tượng nền văn minh nông nghiệp dựng tại thị xã Long Xuyên (1970)” bị CS phá sập sau 1975 và “bức tượng Mầm (1973) cao 1,50m, làm bằng cả ngàn vỏ đạn súng trường được hàn lại, biểu tượng cho sự sống vẫn vươn lên giữa tàn phá của chiến tranh” cũng bị biến mất sau 1975 (sđd, tr. 378-379).
Mai Chửng tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1961, Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1963. Nguyên thành viên và Chủ tịch Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam (1966-1975). Từ 1968, dạy ở trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật và năm 1974 tại Đại học Kiến trúc Sài Gòn. Ông có thời gian nhập ngũ khóa Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, làm việc tại Tổng cục Chiến tranh Chính trị với cấp bậc cuối cùng là Đại úy. Sau đó được biệt phái về dạy Đại học Kiến trúc. Năm 1975 ông bị bắt học tập cải tạo gần 3 năm, được thả vào cuối năm 1978 (sđd, tr. 385). Là một điêu khắc gia rất tài năng, sau 1975, hai lần đoạt giải nhất mẫu Tượng Đài Chiến Thắng của Hội Mỹ Thuật Thành Phố Sài Gòn để dựng tại Công Trường Quốc Tế nhưng sau đó đã không được thực hiện “chỉ vì Mai Chửng là một người lính của chế độ cũ” (sđd, tr. 389). Tài năng không được sử dụng trong nước buộc Mai Chửng phải tìm đường vượt biên năm 1981. Sang Mỹ năm 41 tuổi bận rộn với sinh kế cùng gánh nặng gia đình, “đã qua nhiều nghề để kiếm sống, bằng xe fast food ở San Jose, rồi sau đó bằng nghề lái taxi trong nhiều năm ở Hawaii... Tới thời điểm vượt qua được nợ cơm áo, thì Mai Chửng không còn trẻ nữa và sức khỏe cũng đã suy yếu, giấc mộng lớn điêu khắc của Mai Chửng vẫn có đó nhưng khó thành” (sđd, tr. 391). Cuối đời dù “sức khỏe sút kém sau phẫu thuật cắt bướu ung thư bao tử, nhưng ông vẫn không ngừng làm việc và rất hào hứng hoàn tất một số tác phẩm để tham gia cuộc triển lãm lớn vào tháng 7 năm 2001 cùng với các họa sĩ, điêu khắc gia Việt Nam trong và ngoài nước, tổ chức tại Gallery Vĩnh Lợi Sài Gòn” (sđd, tr. 393).
13. Vợ chồng Nhà văn Trần Hoài Thư - Nguyễn Ngọc Yến là những người tiên phong trong “nỗ lực phục hồi Di Sản Văn Học Miền Nam 1954-1975” (sđd, tr. 402). Trần Hoài Thư nguyên là giáo sư Toán đệ nhị cấp trường trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín, bị động viên năm 1967 nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức. Phục vụ tại đại đội 405 Thám kích sư đoàn 22 Bộ binh, bị thương ba lần (sđd, tr. 402), rồi phóng viên chiến trường vùng IV. Đã cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn, Văn Học, Đời, Bộ Binh, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức... Nhờ văn chương ông đã có một mối tình thật đẹp với cô gái Cần Thơ Nguyễn Ngọc Yến và hai người đã nên duyên chồng vợ năm 1971. Sau cuộc đổi đời tại miền Nam với hơn 4 năm tù khổ sai, “vượn người” [4] Trần Hoài Thư với tấm thân xác nặng chưa tới 35 ký lô trở thành người bán cà rem dạo ở Cần Thơ trong thời gian bị quản chế. Ngày “xả chế” (cuối năm 1979) cũng là ngày ông lên ghe vượt biển bắt đầu cuộc sống tỵ nạn xa quê hương. Ở lại cũng không yên thân, bà Nguyễn Ngọc Yến cũng ôm đứa con trai duy nhất vượt biển đoàn tụ cùng chồng sau đó. Hai vợ chồng đã cố gắng làm việc, học hành, tạo dựng một mái ấm gia đình. Trần Hoài Thư tốt nghiệp cử nhân điện toán với thứ hạng cao được nhận làm việc tại hãng AT &T, được hãng “trả tiền cho học thêm bán thời gian. Sau hai năm, đậu thêm văn bằng Cao học Toán Ứng dụng / Master of Applied Mathematics... Khi chi nhánh của Thư được chuyển nhượng cho hãng điện toán IBM, Thư lên tới chức vụ Project Leader. Và khi nó outsourcing chuyển qua Ấn Độ, THT quyết định nghỉ hưu để có toàn thời gian thực hiện điều mơ ước: thực hiện tủ sách DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM” (sđd, tr. 416-417).
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, “Có thể nói một cách tự tin rằng so với những bài viết về Trần Hoài Thư trước đây, bài viết về Trần Hoài Thư trong Tuyển tập II là đầy đủ nhứt” (sđd, tr. 517).
14. Nhà văn Phan Nhật Nam, “kẻ sống sót sau một cuộc chiến tranh dài hơn trí nhớ”, với những chấn thương không chảy máu. Tốt nghiệp Khóa 18 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, gia nhập binh chủng Nhảy Dù, từng là thành viên của Ban Liên Hợp Quân Sự Trung Ương 4 và 2 Bên. Sau 1975, ông bị tù cải tạo 14 năm qua các trại giam miền Bắc với 2 đợt kiên giam (2/1979 đến 8/1980; 9/1981 đến 5/1988). Khi ra tù ông bị quản chế và chỉ định cư trú tại Lái Thiêu cho đến khi đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện ODP vào năm 1993. Theo tác giả, những tác phẩm “viết về Chiến Tranh Việt Nam trước 1975 của Phan Nhật Nam là hay nhất đối với cả hai miền Nam Bắc” (sđd, tr. 451). Bút ký chiến tranh Phan Nhật Nam được tái bản nhiều lần ở miền Nam trước 1975 và cả ở hải ngoại sau này. Riêng cuốn Mùa Hè Đỏ Lửa được tái bản tới lần thứ 30 do nhiều nhà xuất bản khác nhau (sđd, tr. 440). Sau này ở Hoa Kỳ ông còn viết và xuất bản thêm 6 tác phẩm mới. Ngoài ra, tác phẩm của ông cũng được dịch sang tiếng Pháp (Dấu Binh Lửa, Mùa Hè Đỏ Lửa) và tiếng Anh (Những Chuyện Cần Được Kể Lại, Tù Binh và Hòa Bình...)
15. Nhà văn John Steinbeck, tiếp theo sau Ernest Hemingway 1954, là nhà văn Mỹ thứ 6 được giải Nobel Văn chương 1962 cho toàn sự nghiệp “do những trang sách viết trộn lẫn hiện thực và tưởng tượng, kết hợp sự u mặc tinh tế và ý thức xã hội sắc bén ... Các nhân vật của ông đều là nạn nhân của lịch sử, của thời kỳ suy thoái” (sđd, tr. 473). Steinbeck được xem như phe “diều hâu” công khai ủng hộ sự tham chiến của quân đội Mỹ ở Việt Nam mà ông coi đó một cuộc dấn thân anh hùng (sđd, tr. 477). Ông “đã đi khắp miền Nam Việt Nam, trong vòng sáu tuần lễ [từ tháng 12.1966 tới đầu năm 1967] ... được bảo vệ an toàn, làm sao John Steinbeck hiểu được rằng: quân cộng sản Bắc Việt lúc ấy cũng đã được trang bị với những vũ khí tối tân nhất của Liên Xô và Trung Quốc, và ngay ở lãnh thổ miền Bắc lúc đó đã có hàng sư đoàn quân chí nguyện Trung Quốc giả dạng quân Bắc Việt với những dàn hỏa tiễn phòng không tối tân sẵn sàng nghênh chiến với hàng đoàn phản lực cơ Thần Sấm từ Hạm đội 7 bay vào oanh tạc miền Bắc” (sđd, tr. 476) được tiết lộ từ hai cuốn sách do chính Lý Tiểu Bình viết, The Dragon in the Jungle: The Chinese Army in the Vietnam War (xuất bản 2020) và History of the Modern Chinese Army (xuất bản 2007).
Phần phụ lục tác giả giới thiệu Con Đường Sách Saigon, “hình ảnh một mini-đường sách Lê Lợi của hơn 40 năm trước” (sđd, tr. 493), một địa điểm sinh hoạt văn hóa lý tưởng hiện nay, nên được các tác giả sống ở trong lẫn ngoài nước chọn làm nơi ra mắt sách. Cũng là nơi độc giả có thể tìm mua những cuốn sách cũ “tàn dư Mỹ Ngụy” rất quý hiếm còn sót lại.
Trong từng chương, tác giả đã giới thiệu, trình bày rất cặn kẽ để độc giả có thể nắm bắt và hiểu thêm hơn sự kiện. Chẳng hạn ở chương Bác sĩ Nguyễn Tường Bách, khi nói đến cái chết rất đột ngột của Hoàng Đạo, bà Hứa Bảo Liên, khi đó là em dâu, đã phải chạy vạy sang Quảng Châu vay bạn 500 đồng HK để có tiền chôn cất cho anh chồng. Ngô Thế Vinh đã soi sáng trường hợp Nhất Linh bị Việt Minh bôi nhọ: “Cũng để thấy rằng, cả Hải ngoại vụ Việt Nam Quốc Dân Đảng nghèo và đời sống khắc khổ thiếu thốn như thế nào, trong khi đó thì Việt Minh vẫn rêu rao tung tin bôi nhọ Nguyễn Tường Tam đã biển thủ công quỹ, mang theo hai triệu đồng của Bộ Ngoại Giao khi chạy sang Trung Hoa” (sđd, tr. 50). Trong chương cuối, John Steinbeck, nhân nói đến việc Hồng quân Trung Cộng đã hiện diện tại miền Bắc từ thời Chiến tranh Việt Nam, tác giả lên tiếng: “Sự kiện lớn lao và quan trọng như vậy mà trong bộ chính sử mới nhất của Hà Nội cho đến nay vẫn còn giấu giếm. Đó là trong cuộc chiến tranh để đối phó với Mỹ và miền Nam, giữa giai đoạn 1965 và 1970, thể theo yêu cầu của Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông đã đưa sang miền Bắc VN 320.000 Hồng quân Trung Cộng. Tới 1968, Mao đưa thêm sang Lào 110.000 quân nữa (tổng cộng: 430.000 quân) (sđd, tr. 476). Việc này cũng từng được nhà văn Vũ Thư Hiên, con trai của cụ Vũ Đình Huỳnh nguyên Bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau làm Vụ trưởng Vụ Lễ Tân Bộ Ngoại Giao Hà Nội, tiết lộ trong hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày” “… Chính Lê Duẩn là người chủ trương mời quân đội Trung Quốc vào miền Bắc Việt Nam để trấn giữ hộ miền Bắc trong khi toàn bộ quân đội miền Bắc được đưa vào chiến trường miền Nam... Trong công tác phóng viên tôi đến Khu tự trị Việt Bắc và khu mỏ Hồng Quảng nhiều lần. Trở về tôi kể lại cho cha tôi những gì tôi thấy. Nghe chuyện dân vùng núi Việt Bắc không được phép kiếm củi ngay trong những khu rừng quê hương họ nay đã trở thành khu vực đóng quân của Trung Quốc, chuyện những thợ mỏ muốn đi tắt đến nơi làm việc qua phần đất đã được giao cho Trung Quốc cũng không được, họ bị bộ đội Trung Quốc xua đuổi, ông rơm rớm nước mắt...” [5]
Chương Giáo sư Hoàng Tiến Bảo thể hiện rất rõ tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo của môn sinh Y khoa Đại học đường Saigon. Về phần Thầy Bảo thì lúc nào cũng hết lòng, rất thương và lo cho học trò. “Có lần đã sắp tới ngày thi FLEX của Thầy, nhưng Thầy không quá quan tâm, vẫn dẫn một phái đoàn lên gặp Medical Board trên Sacramento, tranh đấu cho đám sinh viên ra trường sau 1975 được công nhận là tương đương và được quyền thi cử để trở lại y nghiệp. Một lần khác, Thầy xin nghỉ hẳn một ngày ở USC, và tôi được biết Thầy đã đi bus lên Pomona, để gặp và khuyên một môn sinh đừng bỏ học” (sđd, tr. 84). Thầy cũng tổ chức nhóm học thi để giúp các môn sinh chậm đến Mỹ lấy được bằng hành nghề. “Với uy tín sẵn có, Thầy dễ dàng mời các bác sĩ đã thành đạt trong dòng chính/ mainstream, đang hành nghề và cả giảng dạy, ... đến từ các chuyên khoa khác nhau, chia sẻ những kinh nghiệm lâm sàng và thi cử: như GS Vũ Quí Đài, Phùng Mạnh Lành, Bạch Thế Thức, Quỳnh Kiều, Phạm Văn Hạnh, Phùng Gia Thanh, Trà Mi... (sđd, tr. 86-87). Khi Thầy bị bệnh phải mổ thì học trò lo cho Thầy từ đầu đến cuối. “Bạch Thế Thức thu xếp cho Thầy được gặp bác sĩ Minh Lu Huang, là một trong 8 bác sĩ giải phẫu cardiothoracic giỏi nhất trong vùng... Thầy không phải nhập viện sớm, do mọi chuyện Pre-op Thức đều lo cho Thầy. Thầy còn một mối lo khác, khi mổ cần truyền máu nếu lấy từ blood bank, thì cái risk AIDS và Hepatitis tuy ít nhưng vẫn có. Rất may, Bạch Thế Thức thuộc nhóm máu O – universal donor, Thức đã tình nguyện hiến máu trước cho Thầy khi cần” (sđd, tr. 92). Thật cảm động biết bao!
Ở chương Giáo sư Trần Ngọc Ninh, Ngô Thế Vinh nhắc lại những chuyện bên lề về ‘Bài giảng cuối cùng” của thầy Ninh (sđd, tr. 151) hoặc chuyện “Gs Phạm Biểu Tâm, từng là Khoa Trưởng Đại học Y khoa Saigon, phải lau chùi cầu tiêu bị té ngã bầm dập ở bệnh viện Bình Dân” ... Hay trong “những buổi hội chẩn hay giao ban cùng với các ông y sĩ cách mạng phần đông chưa qua hết bậc trung học “chỉ có hồng mà không chuyên” nhưng rất huênh hoang từ ngoài Bắc vào hay từ trong rừng ra. Điển hình là trong một buổi sáng giao ban tại bệnh viện Bình Dân sau 1975, bác sĩ Lê Quang Dũng báo cáo về một trường hợp mổ áp xe vú, thì bị một bác sĩ quân quản Việt cộng vặn hỏi: “Tại sao anh lại cho mổ áp xe vú?” Bs Dũng đáp: “Tại vì áp xe vú có mủ nên phải mổ dẫn lưu.” Dũng đã bị họ mắng: “Anh dốt quá, ở chiến khu tôi nhai lá sống đời xong rồi đắp lên vú thì 5 phút sau áp xe biến mất, không phải mổ gì cả.”” (sđd, tr. 166-167). Những chuyện đau lòng và ngán ngẩm đó đã là nguyên nhân chính khiến những nhân sĩ trí thức cũ phải lưu vong mặc dù họ đã ở lại quê hương vào thời điểm cuối cùng của chế độ VNCH.
Độc giả cũng sẽ xót thương, phẫn nộ trong chương Tạ Tỵ, khi tác giả đã nhắc đến: “Cùng với bao nhiêu đồng đội và thế hệ văn nghệ sĩ miền Nam, anh đã bị đày ải trong những nhà tù từ Nam ra Bắc... nhưng may mắn sống sót, trong khi đó nhiều đồng đội cùng với các nhà văn nhà báo miền Nam bạn anh thì đã chết rũ trong tù như Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Mạnh Côn, Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Trần Việt Sơn, Vũ Ngọc Các, Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát, Dương Hùng Cường… hay vừa ra khỏi nhà tù thì chết như Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường” (sđd, tr. 117). Bởi vậy, “Nói tới Văn Học Miền Nam, không thể không có một “cuốn sách trắng / livre blanc” về thời kỳ đó, một Wikipedia mở, như một “bộ nhớ” cho các thế hệ Việt Nam tương lai” (sđd, tr. 419). Hay khi nói về hai cuốn sách của Trần Hoài Thư, tác giả đã đặt câu hỏi: “Cả hai cuốn sách trên đã được quảng cáo trên báo chí nhưng không bao giờ được ra mắt. Đó là những tác phẩm bị thất lạc, thêm vào những tổn thất trong chiến tranh, vĩnh viễn đi vào sự quên lãng. Những tổn thất nhân mạng trong chiến tranh đã được thống kê và nói tới. Thế còn những tổn thất trong văn học, liệu đây có phải là phần trách nhiệm của các sử gia?” (sđd, tr. 422). Và có nên thêm ở đây những tác phẩm đã bị phần thư tuyệt bản, những tranh tượng nghệ thuật sáng tác trước 1975 bị phá bỏ hoặc mất tích? Chưa kể đến khả năng sáng tạo ở thời kỳ sung mãn nhất của văn nghệ sĩ bị mai một, tàn lụi sau thời gian dài trong trại cải tạo của CS. Khi ra ngoài, tài năng đó cũng không được sử dụng. Như trường hợp Điêu khắc gia Mai Chửng, sau 1975, đã hai lần đoạt giải mẫu Tượng Đài Chiến Thắng của Hội Mỹ Thuật Thành Phố Sài Gòn đánh bạt cả những điêu khắc gia tăm tiếng miền Bắc cùng tham dự, nhưng cuối cùng mẫu này vẫn không được thực hiện vì anh đã từng là một người “Lính Ngụy”! Nhà phê bình nghệ thuật Huỳnh Hữu Ủy kể lại: “Tôi còn nhớ chính Mai Chửng quay bàn xoay để tôi nhìn mẫu hình pho tượng. Pho tượng rất đơn giản mà cực kỳ quyến rũ... Dù mới chỉ là một mô hình phác thảo, cũng đã cho thấy một không khí rất vĩ đại và tráng lệ... Một người phụ nữ với chiếc khăn quàng cổ tung bay, mái tóc tung bay, khẩu súng trường nắm trong tay phải được giương cao, người phụ nữ ấy đứng thẳng trên mình con chim vươn mình sải cánh trải dài. Hình tượng con chim, rõ ràng là Mai Chửng đã dựa vào nét cách điệu trừu tượng con chim Lạc trên các trống đồng cổ của nền văn minh Đông Sơn, điển hình nhất là những con chim Lạc bay ngược chiều kim đồng hồ trên trống đồng Ngọc Lũ. Dựa vào hình ảnh con chim Lạc ấy, nhưng Mai Chửng đã biến đổi đi, nên con chim sải cánh rất thực, chứ không phải chỉ là một đường lượn gợi ý, và người phụ nữ đứng trên mình con chim thì chỉ là một thành phần nhỏ của pho tượng, với tỉ lệ có lẽ chỉ khoảng chừng 1/10 của pho tượng. Mới chỉ là một đồ án phác thảo, đặt trên một mặt bàn với đường kính chừng hai thước, đã làm cho người xem ngây ngất vì một hấp lực thơ mộng, hoành tráng, và rất hiện đại”. Vẫn với những dòng chữ đanh thép, trong sự tiếc nuối, Huỳnh Hữu Ủy tiếp: “Định kiến chính trị và sự thù hằn giới tuyến đã làm đất nước mất đi một công trình nghệ thuật lớn. Nếu tượng đài này được dựng lên thì Việt Nam đã có một tượng đài chiến thắng có thể đủ lời lẽ để nói chuyện với thế giới, có thể đặt ngang với những tượng đài chiến thắng khắp nơi trên hành tinh, hòa nhập vào đời sống hiện đại mà vẫn là độc sáng của một nền văn hóa riêng biệt, với một ngôn ngữ và tâm hồn riêng bắt nguồn từ một quá khứ xa thẳm” (sđd, tr. 387-388).
Và còn nhiều nữa. Ở mỗi chương, Ngô Thế Vinh như vắt cạn tâm tư mình chia sẻ để mọi người nhìn thấy cảnh quan rồi tùy công tâm mà nhận xét hay tìm ra hướng đi cho chính mình. Cuốn sách có thể dùng làm tài liệu tham khảo, vì như ông đã có lần chia sẻ “bài viết có thể thiếu nhưng phần tư liệu thì cần chính xác và không thể sai”. [2]
Nhớ xưa Vua Tự Đức (1829-1883) trong bài thơ chữ Hán “Quan Châm” (Khuyên kẻ làm quan) đã viết: Di tử hoàng kim mãn doanh bất như nhất kinh [Để lại cho con vàng đầy rương không bằng (để lại cho con) một quyển sách] [6]. Riêng nhà văn Ngô Thế Vinh, từ hơn hai năm nay ông liên tiếp cho ra ba tác phẩm song ngữ, Mặt Trận Ở Sài Gòn (Văn Học Press & Việt Ecology Press 2020), Vòng Đai Xanh (Văn Học Press & Việt Ecology Press 2020) và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (Việt Ecology Press 2021), hướng tới những thế hệ tương lai, chia sẻ những mối quan tâm, những trải nghiệm, cùng những thông điệp dấn thân, hy sinh, quên mình vì lợi ích của dân tộc như những thế hệ cha ông mà không nghĩ đến lợi ích riêng tư cho cá nhân hoặc gia đình của chính mình. Vì với ông, “Lớp Người Trẻ, như lực lượng tiên phong sẽ nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ các hệ thống giá trị vĩnh hằng, những chuẩn mực về quyền của con người – mà bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền vẫn mãi là một thông điệp sống động khẳng định quyền người dân được sống trong tự do với đầy đủ phẩm giá và nhân cách” (sđd, tr. 350).
Điều này cũng được ông tiếp tục thể hiện trong Tuyển Tập Chân Dung II VHNT & VH. Ông đã giới thiệu nhân vật chính cùng hoàn cảnh xã hội, văn hóa, chính trị, đan xen những dật sự, nếu có, trong thời đại của họ, nhờ đó bài viết thêm sinh động và những độc giả trẻ thích thú hiểu được thêm về nhân vật cùng lúc mở rộng tầm nhìn hơn. Ngoài đời, nhà văn Ngô Thế Vinh có mối quan hệ khá thân thiết với những nhân vật được ông giới thiệu, cộng thêm thân nhân và bạn bè, nên phần tư liệu rất phong phú với những hình ảnh, thủ bút quý hiếm.
Cuộc đời con người theo quy luật sinh, trụ, dị, diệt. “Với đời người như một cơn gió thoảng, với lịch sử chỉ là một chớp mắt, nhưng lại là một chặng đường rất dài trải nghiệm những tang thương. Thêm một chớp mắt nữa, thế hệ những người cầm bút 1954-1975 đều trở về với cát bụi” (sđd, tr. 419). Nơi đây xin được cảm tạ Nhà văn Ngô Thế Vinh đã giữ lại cho thế hệ sau những chân dung văn học nghệ thuật và văn hóa của miền Nam một thời vàng son lừng lẫy. Một cuốn sách rất nên được lưu giữ trong tủ sách của mỗi gia đình Việt Nam.
Trần Thị Nguyệt Mai
Tháng 3/2022
(từ: hocxa.com)-----
Tham khảo:
[1] Tạ Tỵ – Ngô Thế Vinh: Mặt Trận Ở Sài Gòn (Sách song ngữ – Văn Học Press & Việt Ecology Press – 2020), Lời Bạt – tr. 156
[2] Ngô Thế Vinh – Trả lời ba câu hỏi của Phùng Nguyễn:
https://www.diendantheky.net/2017/04/ngo-vinh-tra-loi-ba-cau-hoi-cua-phung.html
[3] Tạ Tỵ - Đáy Địa Ngục.
[4] “Tôi muốn ngồi trên cây tràm như một con vượn người.” – Trần Hoài Thư – Cảm tạ văn chương.
[5] Vũ Thư Hiên – Đêm Giữa Ban Ngày
[6] Bài thơ này được ban tặng cho ông Trần Hưng Nhượng, nguyên Lang trung tại bộ Hộ, đảm nhận nhiệm vụ Thanh sứ tại Ty Thanh Lại Nam Kỳ (sứ thần thừa lệnh nhà vua đi thanh tra để giữ sự thanh liêm cho quan lại các tỉnh phía nam Kinh thành). Theo Phú Bình – Hai bài ngự chế của vua Tự Đức, báo Quảng Nam online:
https://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/hai-bai-ngu-che-cua-vua-tu-duc-261.html
*
Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:
Xin click vào link sau:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét