Thứ Năm, 10 tháng 3, 2022

SỐNG VỚI THỜI QUÁ VÃNG - Phan Xuân Sinh

 Phan Xuân Sinh

phan xuân sinh

 

Lâu quá tôi mới trở lại quê nhà, thấy thiếu vắng một số bạn bè và người thân. Đủ biết tuổi của tụi tôi không còn nhỏ, đã bắt đầu xếp hàng để chờ nghe tên Chúa gọi. Gặp một số bạn bè cũ mà không ngờ rằng tuổi già đến nhanh thế, nhìn thấy một vài đứa như các ông cụ. Như vậy, mình mới thấy được chính mình cũng thế thôi, lẫn thẩn, già cổi, và cuối cùng cũng đi vào con đường mà không ai thoát khỏi, không ai lẩn tránh được. Tôi dự những bữa tiệc bạn bè thiết đãi, cũng như đi uống cà phê buổi sáng. Mặc dù chúng tôi gọi nhau “mi – tau”, nhưng trong tiếng gọi đó nó có vẻ như ngượng ngập. Đúng ra trong cái tuổi của tụi tôi cách xưng hô với nhau cũng khác đi cho phù hợp, lớp con cháu nghe gọi trẻ trung như vậy thì chúng cười chết.

 <!>

Đà Nẵng. Thành phố nầy là chiếc nôi ấm áp của đời tôi, sinh ra và lớn lên bằng những tình thương yêu  đùm bọc bởi những người có tấm lòng rộng lượng. “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi  đi trên con đường dài và hẹp…”. Nơi đây, tôi bắt đầu đi học. Lủi thủi một mình với tập vở trong tay, không có mẹ “nắm lấy tay tôi..” như Thanh Tịnh đã diễn tả ngày đầu tiên đến trường. Mẹ tôi đã mất khi tôi chưa đầy một tuổi. Thế nhưng tôi đã lớn lên trong vòng tay của ngoại, các dì và cậu tôi. Những ơn nghĩa mà tôi nghĩ rằng không bao giờ tôi trả hết được. Mớm cơm khi tôi chưa đủ tuổi để ăn, dành cho tôi những chén cơm trắng khi tôi biết nhai trong lúc ngoại, cậu và dì tôi phải trường kỳ ăn độn. Tôi lớn lên bằng thiếu thốn khổ cực, nhưng ngoại tôi vẫn dành cho tôi những miếng ăn ngon nhất, sắm sửa cho tôi những bộ áo quần đẹp nhất. Tôi trở lại căn nhà của ngoại tôi khi xưa, căn nhà đầy ắp những kỷ niệm tuổi ấu thơ. Bây giờ ngoại tôi không còn nữa, nhưng khi bước vào nhà tôi cảm thấy đâu đây bước chân của ngoại, tiếng ngoại gọi tôi và dưới con mắt của ngoại bao giờ tôi vẫn còn bé tí. Tôi đến bàn thờ thắp nhang cho ngoại, nhìn ảnh ngoại bỗng dưng tôi ngậm ngùi hối hận. Ngày ngoại mất tôi không về được, tôi mang trong người một trọng tội với ngoại, nhưng biết làm sao khi mà còn quá nhiều cách trở. Chắc ngoại tôi sẵn sàng tha thứ cho tôi.

Mười lăm năm sau tôi mới trở lại quê nhà, thành phố không còn vóc dáng như ngày xưa. Lớn hơn, đẹp hơn và đông đúc hơn. Liêu (người bạn thân học một lớp còn sót lại, nhưng sau hai tháng trở về Mỹ thì Liêu cũng vội vàng ra đi) hay đến chở tôi đi đây đi đó, thăm người nầy người kia. Tôi cố tìm lại những nơi chốn mà thuở học trò hay lui tới, nhưng tuyệt nhiên không còn dấu vết. Đường Cầu Vồng được san bằng không còn cái dốc như ngày xưa, để tuổi học trò của tụi tôi thuở đó còm lưng trên yên xe vượt dốc. Tôi đi ngang qua đường Trần Bình Trọng (con đường khởi đi từ ngả năm vòng qua sau lưng bệnh viện Đa Khoa), Con đường nầy đã bao lần tôi đứng chờ Sách (người yêu của tôi thuở nào) bây giờ cũng lạ hoắc, tôi không còn nhận ra con hẻm mà tôi đã vào ra nhiều lần. Buổi tối tôi ra bờ sông Hàn ngồi trên ghế đá ngắm nhìn dòng nước trong. Ngày mới lớn tôi thích ra ngồi ở hàng ghế đá đó, có bóng cây mát rượi, có những con thuyền bườm trắng trên sông. Tôi mơ mộng về những nơi khác có cuộc sống tốt hơn, không có cảnh lam lủ như bà con tôi gánh chịu trên quê hương. Thế mà bây giờ tôi đang sống trên đất Mỹ, một đất nước có những cái mà tôi đã ước mong khi còn trẻ. Tôi lại mong trở về sống trên quê hương, trong cái nghèo nàn, cái khó khăn, còn chất chứa cả một tấm lòng mà không tìm thấy bất cứ đâu.

Trong một bữa tiệc tại nhà mợ Tâm. Bất ngờ tôi gặp lại Sanh, người con gái Huế mà trước đây tôi đã quen khi Sanh đang theo học sư phạm ở Huế. Sanh, chồng mới mất. Cách đây 15 năm Sanh và chồng có đến dự bữa tiệc cũng tại nhà mợ Tâm khi tôi ở Mỹ về đợt đầu. Chồng của Sanh cũng là nhà giáo hiền lành, ít nói. Nhìn hai vợ chồng vừa xứng đôi vừa hạnh phúc. Tôi cảm thấy rất vui, hình như chồng của Sanh cũng biết tôi là người quen với Sanh trước đây, nên khi nói chuyện anh ấy có vẻ bẻn lẻn, ngượng ngập. Tội nghiệp, bây giờ cũng trong bữa tiệc tại nhà nầy, chỉ mỗi một mình Sanh đến. Trong nét mặt thoáng một chút buồn. Có lẽ trong những người bạn gái mà tôi gặp lại sau này, Sanh ít thay đổi nhất, có phong độ nhà giáo đàng hoàng và chững chạc. Sau bữa tiệc chúng tôi ngồi lại ăn mứt uống nước trà, nói chuyện đủ thứ. Trong đời sống của Sanh hiện thời rất đạm bạc, đã nghỉ hưu, nhu cầu không nhiều và sống với con gái. Nhanh thật, khi quen nhau tụi tôi còn rất trẻ, mới đó mà bây giờ người nào cũng con cháu đầy đàn.

Người thứ hai tôi gặp lại là người có nhiều kỷ niệm với tôi nhất tại Đà Nẵng, khi đó Sách còn đi học tại trường Bồ Đề. Tôi không biết ai nói với Sách là tôi về thăm quê nhà, nên một buổi tối Sách đến. Mấy chục năm sau chúng tôi mới gặp lại nhau. Ngồi trong nhà, đứa em vào báo cho biết là có một chị bạn của anh đến thăm. Tôi bước ra cửa không nhận ra được Sách. Có lẻ là lâu quá không gặp lại nhau, không ngờ là Sách đến thăm, mấy mươi năm thời gian làm thay đổi nhiều quá. Đứng trước mặt Sách mà tôi không ngờ rằng người đàn bà trước mặt tôi là Sách. Khi Sách cười tôi mới nhận ra. Trong tất cả những người tôi quen biết có lẽ Sách mang nhiều thay đổi nhất. Sách có chồng sớm, từ giả cuộc tình một cách vội vã. Sau một thời gian sống với chồng được hai con thì chồng tử trận trên Pleiku. Khi Sách mang con về Đà Nẵng thì tôi đang sinh sống tại Sài Gòn, cho nên chúng tôi không gặp nhau. Khi tôi có vợ, hai vợ chồng dẫn nhau về Đà Nẵng thì tôi có đến thăm Sách. Vài năm sau tôi nghe tin Sách tái giá, thôi như vậy cũng yên chuyện một đời người. Khi Sách đến thăm tôi cho biết đã ly dị người chồng thứ hai hơn năm năm rồi. Tôi sửng sờ, không ngờ đời sống gia đình của Sách nhiều truân chuyên như vậy. Hèn gì trong vóc dáng khuôn mặt của Sách thay đổi nhiều quá, đến nỗi khi bất chợt gặp lại tôi không nhận ra. Tội nghiệp, đời người đàn bà chỉ có một thời và một lần định đoạt, trượt chân xem như hỏng cả đời. Khi nói chuyện về gia đình, Sách có vẻ cay đắng và u uất. Nhưng trách ai đây, khi mọi chuyện đều do mình định đoạt. Tôi hỏi Sách về con cái thì Sách cho biết hai đứa con của người chồng trước đều có gia đình, có cháu nội cháu ngoại. Còn hai đứa con của người chồng sau chưa lập gia đình nhưng đã ổn định công ăn việc làm.. Một đời người dù có nhiều rắc rối, có nhiều đa đoan, rồi cũng qua đi. Nhưng dù sao cũng cho ta một bài học với đời, một người nào đó đã nói “sống với cái gì, sẽ chết với cái đó”. Sống bằng tiền sẽ chết bởi tiền.  Sống bằng danh vọng sẽ chết bởi danh vọng. Sống bằng tình cũng sẽ chết bởi tình. Nhưng trong tất cả cái “chết” đó ta phải chọn lấy cái chết nào dễ thương nhất. Trong lòng ta khi ra đi cảm thấy thanh thản nhất.

Trong thời gian ở Đà Nẵng, tôi muốn gặp lại một người bạn gái mà hơn ba mươi sáu năm tôi chưa hề gặp lại. Đó là Sâm. Tôi quen với Sâm khi tôi còn đi học mà Sâm lúc đó đã ra đời. Mỗi buổi chiều đón Sâm ở sở làm bằng chiếc xe đạp cà tàng, trong lúc Sâm đi xe vélo solex. Tình yêu thời học trò ngớ ngẩn thật, nhưng cũng dễ thương thật. Khi tôi vào lính thì nghe tin Sâm đã có chồng, trong thời gian nầy tôi cũng không bao giờ gặp được. Khi tôi bị thương vào mùa hè 1972, nằm ở Tổng Y Viện Duy Tân thì Sâm đến thăm, lúc đó Sâm đang có bầu. Sâm tới ôm tôi và khóc nức nở. Đó là hình ảnh cuối cùng tôi gặp Sâm lần chót và đó cũng là hình ảnh người đàn bà mà tôi không quên được. Khi tôi về có hỏi thăm Sâm thì người bạn của Sâm cho biết là lâu lắm rồi không gặp Sâm. Hình như Sâm đang sống với gia đình tại Tam Kỳ, và hình như Sâm bây giờ vất vả lắm. Chuyện về Sâm mơ hồ như vậy thì làm sao tôi tìm thăm được, nhất là thời gian ở lại Việt Nam của tôi quá ít ỏi.

Tôi hay tới nhà của Đức, Thê (cả hai vợ chồng đều thân với tôi) cùng ở một xóm. Căn nhà của Đức ngày xưa ở cuối xóm, nhưng bây giờ thành phố mở rộng, làm ngay con đường lớn trước nhà vì vậy căn nhà trở thành có giá. (Ở Việt Nam nhà mặt tiền đường bao giờ cũng có giá trị). Hai đứa chở nhau đi uống café như ngày xưa, thế nhưng bây giờ qua khỏi cái tuổi lê lết các quán café nhạc, ngồi ở mấy quán cốc bên đường lại thấy thích hơn. Vì ở cùng một xóm lại chơi thân với nhau khi còn nhỏ, nên Đức biết hết những người con gái mà tôi quen khi xưa ở Đà Nẵng. Đức có hỏi tôi đã đi thăm ai chưa? Tôi lắc đầu. Đức ngạc nhiên vì tại sao tính tình tôi thay đổi quá vậy. Tôi nói với Đức là mấy chục năm nay không gặp nhau, không biết gia đình họ ra sao mình tới thăm đôi khi gây trở ngại. Những ngày Tết tôi chỉ nằm nhà xem truyền hình và tiếp bà con, bạn bè.

Mồng tám Tết (2008) tôi đi Huế cùng với mấy anh em văn nghệ. Lâu quá tôi mới trở lại Huế nên cũng ngượng ngập mặc dù Huế ít thay đổi, thế nhưng lúc đầu đi trên những con đường mà tôi không thể nào nhớ ra được.  Huế đang mưa, cái mưa của Huế dai dẳng và buồn ray rứt. Nhớ lại ngày xưa đứng trước cổng trường Bồ Đề Thành Nội đón Nguyện, hai đứa che nhau mỗi một cái dù đi trong mưa (của một thời lãng mạn). Nhà Nguyện ở ngoài bờ thành đồn Mang Cá lớn. Bây giờ Nguyện đã chết trong một chuyến vượt biên cùng với chồng con trong năm 1985. Khi tôi về đến Sài Gòn thì dì của Nguyện cho biết mẹ của Nguyện cũng chết cách đây vài năm. Như vậy nhà của Nguyện người khác ở, (vì gia đình chỉ có hai mẹ con và hai người đều chết). Sáng hôm sau chúng tôi ra uống café ngoài bờ sông, chính lúc nầy tôi mới nhớ được những con đường tôi đã từng đi qua, những địa danh của Huế mà tôi đã từng đến..

Tôi muốn đi thăm người Dì (chị ruột của má tôi) trước đây tu ở chùa Vạn Phước. Tôi nhờ anh Viêm Tịnh hướng dẫn đường đi. Lần cuối cùng tôi thăm Dì vào năm 1970 (như vậy đã 38 năm rồi), tôi không chắc Dì còn sống. Nếu Dì mất tôi nhờ chùa dẫn tôi đi thăm mộ Dì, để thắp một cây nhang cho Dì. Vị sư Trụ Trì trong chùa cho tôi biết Dì tôi mất năm 2001 và hôm nay chính là ngày giỗ của Dì. Chùa đang làm mâm cơm chay cúng Dì, có những người cháu gọi Dì bằng cô năm nào cũng từ Nghệ An vào cúng Dì, (như vậy những người nầy cũng gọi má tôi bằng cô ruột) mà hồi nào tới giờ tôi chưa hề hay biết. Đây là lần đầu tiên anh em họ hàng gặp nhau trong một trường hợp hy hữu là đúng vào ngày giỗ của Dì. Nếu tôi đi trễ một giờ thì các anh ấy đã lên tàu về lại Nghệ An. Không biết đây có phải là sự linh thiên của Dì đã dẫn dắt anh em chúng tôi gặp nhau, lần đầu tiên tôi mới biết được tông tích bên ngoại của tôi. Ngày xưa mỗi khi đến thăm Dì bao giờ cũng hứa là sẽ dẫn tôi vào nhà thờ họ Ngô ở Thành Nội, để tôi thắp hương cho ông ngoại, thế nhưng không có lần nào đi được. Má tôi mất sớm, Dì chưa cho tôi biết về tông tích bên ngoại nên tôi không biết.

Hồi tôi còn nhỏ, Dì từ Huế vào Đà Nẵng thăm tôi, bao giờ Dì cũng dẫn tôi đi ăn uống rồi sắm sửa áo quần. Có lần Dì nói với tôi là má tôi thuộc con dòng thứ (nghĩa là vợ hai), có sự xích mích trong gia đình, nên bà ngoại dẫn má tôi về quê ngoại sống. Sau đó bà ngoại ra Đà Nẵng buôn bán rồi tục huyền với ông ngoại hai. Cho nên tôi là một nửa dân Huế và một nửa dân Quảng Nam trong người. Dì dặn tôi là không được bắt chước mấy ông Quảng Nam nói xấu Huế, họ nói gì mặc kệ, con mà nói theo họ tức là con chưởi bên ngoại mình, má ở dưới buồn lắm đó. Không biết má tôi có buồn hay không, chứ tôi đôi lúc cũng cà khịa mấy cô bồ gốc Huề của tôi.

Sau nầy tôi hay liên lạc với anh Ngô Hồng Khanh, anh nầy gọi má tôi bằng cô ruột, gia dình anh đang sống ở Nghệ An. Anh cho biết là ngày xưa ông Tổ chúng tôi làm quan ở triều đình nhà Nguyễn, gia phả trong nhà thờ tộc ghi rỏ điều nầy. Nhưng đến đời các cậu tôi thì gia đình chia làm hai phe, một phe tập kết ra Miền Bắc và một phe ở lại Miền Nam, đánh nhau chí chóe. Đến đời anh Khanh và tôi mới kết nối lại được. Anh Khanh bảo với tôi rằng mọi chuyện chính trị chẳng ra làm sao cả, dẹp nó đi. Bây giờ là lúc chúng ta tìm tông tích dòng họ, tìm nhau vun xới lại những đổ vỡ trước đây. Tôi nghĩ, một người lớn lên từ chế độ cộng sản, trưởng thành trong chế độ ấy thế mà còn tìm ra tông tích của dòng họ để kết nối bà con lại với nhau. Một việc làm đáng phục.

Trong chuyến đi Huế đó, cùng đi với tôi có các anh Viêm Tịnh, Phạm Ngọc Lư, Uyên Hà, Hạ Đình Thao (những nhà thơ miền Nam trước năm 75) cũng đến Chùa Vạn Phước với tôi, chứng kiến được cảnh anh em chúng tôi gặp nhau trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Người từ Nghệ An vào, người từ Mỹ về gặp nhau ở Huế ngay trong ngày giỗ đầu năm của Dì tôi mà tôi không hề biết trước, chỉ vô tình tới chùa hỏi thăm về Dì và vô tình gặp nhau như có một đấng vô hình giúp tôi tìm lại được tông tích bên ngoại, mà từ ngày ra đời đến giờ tôi chưa hề nghe ai nói. Tôi cùng anh Khanh ra sau chùa sư nữ thắp hương ông bà ngoại, các cậu dì đã mất. Tôi cũng thấy được nhà chùa đã chăm sóc các ngôi mộ của gia đình ngoại tôi một cách sạch sẽ. Các anh bạn cùng đi cũng công nhận rằng đây là một ngày thiêng liêng nhất đối với tôi, vì mọi sự gặp gỡ như có một sự sắp sếp của bề trên.

Ngày hôm sau trên đường trở về Đà Nẵng, các anh em cùng đi cũng phải công nhận rằng một chuyến đi chơi rất thành công trên mọi mặt. Gặp gỡ được những người làm văn nghệ Huế và được đón tiếp một cách ân cần. Riêng tôi được gặp lại gia đình dòng họ bên ngoại  mà tôi tưởng chừng như đã đánh mất từ lâu. Má và Dì tôi chắc vui lắm khi biết anh em chúng tôi gặp nhau sau mấy chục năm không liên lạc được. Mấy chục năm đất nước trong hoàn cảnh chia ly và thù hận. Gia đình nào cũng có những trường hợp đau thương không ít thì nhiều.

Khi trở vào Sài Gòn để chuẩn bị trở qua Mỹ, ngoài một số bạn bè gặp lại, tôi thăm người bạn gái sống ở Bàn Cờ. Mấy chục năm nơi nầy thay đổi nhiều quá, cũng may gặp được đứa em trai của Ngọc Bích cho địa chỉ, nên tôi tìm nhà dễ dàng. Ngọc Bích trước đây là cán sự y tế, hiện giờ nghĩ hưu có hai con và ly dị chồng. (Sao tôi lại gặp mãi cảnh nầy thế nhỉ? Những người bạn gái quen với tôi trước đây đều có trường hợp giống nhau, chồng không chết thì cũng ly dị). Ngọc Bích cũng không nhìn ra tôi, mà tôi cũng không nhìn ra được Ngọc Bích, như vậy đủ biết sự thay đổi khủng khiếp của chúng tôi mà thời gian đã bôi xóa hết. Đứng một hồi mới nhận ra nhau. Cũng như những người khác, kể cho tôi nghe về chuyện gia đình, buồn nhiều hơn vui, bất hạnh nhiều hơn bình an. Ngọc Bích nói với tôi là nhìn anh đủ biết anh chị rất hạnh phúc, không cần phải hỏi về gia đình. Đời sống của Ngọc Bích có vẻ khá giả, gia đình khang trang, sống với vợ chồng đứa con trai và cháu nội.

Vài hôm sau tôi đến thăm Nhơn ở Phú Nhuận. Nhơn không thay đổi mấy, trước đây Nhơn học luật năm cuối, nếu đất nước không thay đổi thì chắc bây giờ Nhơn trở thành bà Luật Sư rồi. Sau 30/4/75 Nhơn làm trưởng phòng kế toán cho một công ty điều hành tàu bè và đã hưu trí được ba năm nay. Nhơn ly dị với chồng hơn hai chục năm nay, ở vậy nuôi con. (Lại thêm một trường hợp gãy cánh giữa đường. Hình như những người quen với tôi đều ở trường hợp giống nhau – ly dị hay chồng chết). Nhà Nhơn ở mặt tiền đường Minh Mạng, Phú Nhuận. Nên Nhơn mở một quán cơm trưa cho những công nhân viên ở các công sở gần đó. Tôi đến vào buổi trưa thấy quán cơm tấp nập. Như vậy cũng mừng là đời sống của mẹ con Nhơn không giàu có nhưng cũng đã ổn định. Người chồng cũ hiện định cư ở Pháp, có về vài lần và đề nghị hai người nối lại để bảo lãnh hai mẹ con qua Pháp. Nhưng Nhơn từ chối, chỉ muốn cho con đi thôi. Hiện thời cháu đang chờ thủ tục bảo lãnh của cha. Nhơn là một người rất có hiếu, anh em đông nhưng Nhơn phải nuôi người cha già lãng trí, tận tụy chăm sóc cha, nên Nhơn rất bận bịu gia đình.

Ở Mỹ, tôi có gặp một cô bạn cũ ở Boston trước đây. Th..lấy chồng rất sớm khi tôi học đệ nhị, những mối tình học trò tưởng chừng nhớ nhớ quên quên, chóng đến chóng đi, chóng yêu chóng ghét, thế nhưng lại để những kỷ niệm khó quên trong đời. Th… khi qua tới Mỹ thì biết chồng mình đã có vợ khác, lỡ khóc, lỡ cười, đành phải chia tay. Tôi gặp Th.. trong một hoàn cảnh thật tội nghiệp. Mỗi ngày phải đi bộ ra trạm xe train để đi làm, trời mùa đông lạnh lẽo, đôi khi phải đội tuyết. Chẳng có ai giúp, các con thì đứa nào cũng có gia đình, phải lo cho gia đình của chúng. Còn mẹ phải tự lo lấy, tiếng Anh thì không biết, chẳng nhờ ai đở đần trong lúc tối lửa tắt đèn.

Tối nằm ngẫm lại những người đàn bà quen với tôi trước đây, tất cả họ đều gặp bất trắc trong cuộc sống. Nguyện đã chết trong chuyến vượt biển. Sách hay Sanh đều bị chồng chết, riêng Sách lại có thêm một lần ly dị với người chồng thứ hai. Th.., Ngọc Bích, Nhơn, ly dị với chồng, hay Sâm là người không bị trắc trở gia đình nhưng lại sống trong nghèo khổ. Tại sao lạ thế?  Tại sao họ không được hạnh phúc? Không có một đời sống êm ả ? Tôi không có một lời nguyền rủa nào để họ phải chịu nhận những hình phạt. Lúc ấy xa nhau thú thật tôi có buồn, nhưng rồi mọi chuyện đâu vào đấy. Bao giờ tôi cũng cầu xin ơn trên cho họ được hạnh phúc. Có một điều tôi được an ủi rất nhiều khi gặp lại người cũ, ai đối với tôi cũng vui vẻ chân tình, chứ tôi không nghe một lời oán trách. Ngày đó các cô đi lấy chồng, minh nằm nhà đắp chăn buồn không thể tả (..ngày nhà em pháo nổ, anh cuộn mình trong chăn, như con sâu làm tổ…), đúng thật,  tưởng rằng có thể chết đi được. Nhưng rồi qua cơn đau đó, lại vùng dậy và cũng yêu tha thiết người khác, rồi cũng bị đá lăn lóc. Cứ thế tiếp diễn đến khi có vợ. Chấm dứt một thời trăng hoa, ong bướm. Vợ cũng tế nhị không bao giờ hỏi về tình cảm trước đây. Mấy chục năm sống với nhau tôn trọng nhau  và cũng tôn trọng đời tư của nhau, mà thiệt tình thì vợ chẳng có tư riêng gì hết. Mười chín tuổi lần đầu tiên gặp được “ý trung nhân”, rồi yêu và sau cùng lấy nhau. Chỉ có tôi cái background lộn xộn, vợ thương tình không đụng tới.

Những người quen biết với tôi từ Đà Nẵng, Huế, hay Sài Gòn đều có những hoàn cảnh giống nhau. Nhìn kỷ trên khuôn mặt mỗi người tôi thấy hàm chứa một nỗi u uất, phiền muộn, thật tội nghiệp. Khi nói chuyện về gia đình họ có vẻ đay nghiến và chán chường, giống như tâm trạng họ nhai một miếng thịt gân guốc, nhai mãi vẫn không tiêu hóa được, đành phải nhả ra mặc dù họ không muốn làm vậy.  Bây giờ chúng tôi đã bước sang tuổi già, nhìn cuộc đời không bồng bột như ngày xưa, chúng tôi trân trọng nhau, quý mến nhau. Trong lòng chúng tôi không còn những trách móc, tị hiềm hay oán hận, thù hằn, mà ngược lại chúng tôi thấy xót xa thương cảm về những trường hợp bất trắc như chính mình gặp phải vậy. Và một điều quan trọng chúng tôi trong lòng bao giờ cũng cảm thấy bao dung tha thứ, không cần biết lúc chia tay thuở đó lỗi thuộc về ai. Lỗi về ai, thì cũng đã rồi, đã qua. Tuổi trẻ không tính toán được những ân nghĩa mà chỉ tính toán được những tự ái vị kỹ, vì vậy đã đưa tới những nghịch cảnh mà sau những tháng năm nhìn lại thấy nó thật vô lý.

Dù sao đi nữa khi viết về một thời quá vãng, xin tất cả các bạn một thời là nhân tình của tôi, nhận nơi đây một lời xin lỗi chân thật nói lên tận đáy lòng của mình, dù trước đây sự việc tan vỡ  cuộc tình do tôi hay không phải vì tôi. Nhưng ít nhiều trong đó cũng có tôi đã hình thành nên sự việc. Bây giờ ở vào cái tuổi của chúng ta mới nhận ra được giá trị chân thật của tình yêu, thì mọi chuyện nó cũng đã lỡ làng, đã được Thượng Đế an bài không thể thay đổi được. Dù sống thế nào  bài học về kinh nghiệm cuộc sống,  lý lẽ của trái tim bao giờ cũng dễ thương và đáng trân trọng. Nhân nhìn về những người xưa cũ, bây giờ mình lại nhìn về chính mình. Đời sống vợ chồng cũng giống như chén bát trong chạng, ba hồi cũng đụng nhau làm sao tránh khỏi, có cải vả, có sóng gió, có bão táp nhưng chỉ trong tách trà. Sau những cơn địa chấn nhẹ đó mọi chuyện đâu vào đấy. Bao giờ vợ cũng kính nể chồng, chồng cũng thương yêu vợ, tương kính nhau để sống. Chính vì lẽ đó  mà không thể tách rời nhau được. Không ai tài giỏi cả, chỉ ý thức được  trách nhiệm và chỉ có nhường nhịn nhau, đó là đinh đoạt mái ấm của gia đình.

 

Phan Xuân Sinh

(Houston, TX) 

 

*


Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:


Xin click vào link sau:


https://issuu.com/dreamteam1005/stacks/fd347a6e1e9f428ebf88885eb4d6b2be

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...