Thứ Tư, 9 tháng 3, 2022

TRUNG CẨU - Đỗ Trường

GIỚI THIỆU SÁCH CỦA NHÀ VĂN ĐỖ TRƯỜNG | Lua Moi

 

Trung Cẩu được ra tù đúng ngày Putin xua quân xâm lược Ukraine. Có lẽ, chưa biết về đâu, nên từ nhà tù gã đến thẳng nơi tôi làm việc. Gặp lại gã, tôi không ngạc nhiên cho lắm. Bởi, những năm gần mãn hạn tù, thỉnh thoảng gã vẫn có một ngày phép được ra ngoài thăm thú, hoặc gặp gỡ người nào mà gã muốn. Tất nhiên, phải có người của tư pháp đi cùng gã. Ở cái tuổi lục tuần, với hơn chục năm tù tội như vậy, song nhìn Trung Cẩu còn nhanh nhẹn, và rắn rỏi lắm. Tay bắt mặt mừng, và ngồi chưa nóng đít, gã đã giục tôi: Công việc của ông biết chó bao giờ mới xong. Bỏ mẹ nó đấy, gọi Đăng Liên, Nam Võ cùng đi làm vài choác ăn mừng ngày tôi ra tù, hay gọi là giải hạn cũng được. Thấy tôi ngần ngừ, gã vỗ vỗ vào túi quần: Một tập tiền công lao động, nhà tù vừa trả đây, tôi mời, vô tư đi. Tôi bảo, không phải vấn đề đó, mà đang theo dõi hành động điên rồ của gã Putin này. Hơn nữa ông đã impfung, im phiếc gì chưa, bằng không họ không cho vào quán đâu. Gã cười: Chích ba phát rồi, giấy chứng nhận có đây. Còn thằng Putin khác đếch gì cái rồ dại của tôi mấy chục năm trước. Nó sẽ phải trả giá không trước thì sau…Đi thôi, đêm về xem tiếp, Trung Cẩu kéo tay tôi.

<!>

Không thể từ chối, tôi đưa điện thoại để Trung Cẩu gọi cho Đăng Liên và Nam Võ. Đang phải làm việc, chắc không đến được, nếu có đến được thì rất muộn. Đăng Liên và Nam Võ cùng trả lời như vậy, làm cho Trung Cẩu hơi buồn, và trả lại điện thoại cho tôi.

Cuối tháng hai không có tuyết rơi, song những cơn mưa rong bão, cùng cái rét cuối mùa như quất vào mặt người. Tôi đưa Trung Cẩu đến Tankbar, một quán bia dành cho cổ động viên của đội bóng RB Leipzig rất dân dã và ấm cúng. Tuy dịch bệnh, nhưng quán khá đông khách, Tôi và Trung Cẩu phải chờ một lúc mới có bàn trống. Vừa ngồi xuống Trung Cẩu đã tu liền tù tì mấy vại, rồi với cái giọng nhát gừng như một lời tự sự, thanh minh vậy:

- Cũng còn một chút may mắn ông ạ. Vừa xong quốc tịch, thì vào nghỉ ở Hilton. Bằng không, có lẽ hôm nay từ nhà tù tôi về thẳng Việt Nam rồi. Làm chó gì còn được ngồi bia rượu với ông…

---

Tôi gặp Trung Cẩu lần đầu cách nay có lẽ đến gần ba chục năm, khi đến nhờ hắn vẽ cho cái bảng hiệu của quán ăn. Lúc đó, hắn đang hành nghề sao chép, làm giả các loại băng nhạc ở thành phố Chemnitz. Đường làm ăn có vẻ phát lộc, tiền nhiều, đâm ra Trung Cẩu mắc chứng bệnh khệnh khạng, vòng kiềng. Tuy nhiên, với cái dáng đi chó đái, cùng khuôn mặt lưỡi cày 51 của hắn làm tôi ngỡ cái spitzname Trung Cẩu từ đấy mà ra. Nhưng có lần Nam Võ bảo, không phải vậy. Cái spitzname này bắt nguồn từ những giai thoại khác, do người bạn thời trẻ trâu của Trung Cẩu kể lại cho Nam Võ:

Làng Hạ bên bờ bắc sông Thiên Đức. Một làng cổ thuần nông. Năm nào cũng vậy, mấy cơn bão qua đi, làng trở lại an bình. Nhưng không hiểu sao có một năm mưa bão rất lớn, tàu thuyền của mấy gã râu dài, mũi lõ, mắt xanh bị gió đánh tạt vào bến sông. Ruộng vườn hoa màu bị tàn phá, dân làng năm ấy đói lắm. Đói đến độ có nhà phải mang cả lư đồng, đồ thờ bát sứ ra đổi thực phẩm của mấy gã râu dài, mắt xanh. Thấy người dân ngơ ngác, tả tơi, có lẽ mấy gã râu dài, mắt xanh bị cảm động chăng, nên ở lại một thời gian truyền cho dân làng cái nghề phối giống và nuôi chó sinh sản. Các gã còn vẽ ra tương lai xán lạn của cái nghề chó đẻ này. Dân làng nghe khoái lắm, cứ như nhập đồng vào người vậy. Dần dà nghề này phát triển, kiếm ăn được, nhất là những khi mùa màng thất bát. Hầu như nhà nào trong làng cũng đua nhau làm. Từ đó dẫn đến sự cạnh tranh, bè phái, dòng họ ngày càng khốc liệt. Nghề này kể cũng lắm công phu. Muốn có chó khỏe đẹp phải cẩn thận chăm sóc ngay từ lúc phối giống cho đến khi tập đi, tập đứng, ngực nở, bụng thon, săn đùi, dài chân, cứ như mấy cô người mẫu, hoa hậu thời nay vậy.

Ở đời có tiền, thì sẽ đẻ ra quyền. Do vậy, có người say cả hai thứ trên, buộc phải tập luyện chó nhiều, sau này dáng đi giống hệt chó. Lạ lắm, dáng đi ấy đôi khi còn di truyền nữa. Mà cái sự di truyền này chẳng dính dáng quái gì đến cái tính đặc trưng sinh học cả. Nhiều người sợ, bỏ nghề, bỏ làng ra đi. Số người trẻ đi ra khỏi làng rồi, cố gắng tập luyện, sửa lại cái dáng đi ấy, nhưng dường như không mấy ai thành công. Ấy là chó chơi, chó cảnh. Có kỳ công như vậy, xuất đi mới được giá. Dân Thăng Long, Saigon họ tinh lắm. Đồng tiền bát gạo cả.

Còn chó thịt, cân bán cho mấy gã đồ tể bên phố thì rất đơn giản, cứ vỗ béo, tập thật lực, săn ngực, nở mông là ăn tiền.

Sinh ra ở cái làng ấy, nhưng Nguyễn Phú Trung tự răn mình, không dính vào cái nghề này. Tuy nhiên, cái kiểu đi kiễng chân chó đái (di truyền) vận vào hắn, sửa mãi mà chẳng được. Bị bọn trẻ trâu làng bên chọc ngoáy, hắn ức lắm. Nhiều lúc Nguyễn Phú Trung oán trách tuốt tuồn tuột, từ ông cho đến bố hắn đã bị mờ mắt bởi lời ngon ngọt của mấy thằng râu dài mắt xanh kia, lao vào cái nghề chó đẻ này. Cũng may, nửa chừng bố hắn ngoặt sang con đường chánh trị, và binh nghiệp.

Nguyễn Phú Trung ghét chó lắm. Mà làng hắn chỗ nào cũng chó. Chó nuôi trong nhà, chó thả rông, chó hoang. Ôi, cơn man là chó. Hắn nghĩ ra đủ trò để triệt đường sinh đẻ của chó. Hắn lập hẳn ra một đội choai choai chuyên rình mò chó giao phối. Tiếng chuyên môn của hắn gọi là: chó giăng dây. Ở nhà thì thôi, cứ ra đường lúc nào hắn cũng thủ trong túi ba, bốn gói tro bếp. Bắt gặp chó giăng dây, hắn ngồi rình. Khi sự phấn kích của loài chó lên đến đỉnh điểm, cùng những tiếng rên bật ra, hắn mới nhẹ nhàng rắc tro bếp vào cái nơi đang sung sướng nhất ấy. Vậy là hắn đã tước quyền được rên của loài chó. Hai giống đực, cái này bị sót nhảy cẫng lên, song không thể tách rời, dính nhau bằng chết. Gớm, cái món tro bếp này có chất quái quỷ gì mà công hiệu một cách dã man đến vậy. Miệng hắn cứ càm ràm, lẩm bẩm về đến tận nhà mới thôi... Và cái Spitzname (biệt danh) Trung Cẩu vận vào hắn từ đó.

Trại chăn nuôi lợn của hợp tác xã ở cuối làng Hạ giữa những gò đồng, và vườn dong rất um tùm, vắng vẻ. Mẹ là trại trưởng, nên hằng đêm Trung Cẩu thường ra đó học bài và gác thay mẹ. Tuy mặt lưỡi cày, dáng hình chó đái, nhưng ông giời lại bù cho Trung Cẩu cái khiếu hội họa. Tất cả pano khẩu hiệu, cái này muôn năm, cái kia vĩ đại, hay tranh ảnh cổ động, không chỉ ở làng, ở huyện, mà ngay cả trên thành cũng phải nhờ đến Trung Cẩu kẻ vẽ trang trí. Dù hắn chỉ là học sinh trung học. Nghe nói, sắp có đoàn (cấp cao) trung ương về thăm, Trung Cẩu được hợp tác xã thuê trang trí, kẻ vẽ trên bức tường của trại lợn. Được trả công điểm cao, hắn nghỉ cả học, hì hục mấy ngày mới xong.

Hôm đoàn về đủ các thành phần, song chẳng thấy đồng chí nào chui vào chuồng. Và chẳng cần biết lợn trong đó gầy, béo thế nào, nhưng nhìn đàn lợn mũm mĩm, sinh động, con nào ra con nấy trên tường do Trung Cẩu vẽ, các đồng chí trung ương hài lòng lắm. Phóng viên báo chí vây quanh những tấm hình này. Ảnh chụp lia lịa. Vậy là điển hình tiên tiến, phong trào, thành tích chăn nuôi giỏi từ đây mà ra, chứ còn ở đâu nữa...

Chị Khảnh là thanh niên xung phong, từ chiến trường trở về, được ưu tiên vào trại lợn từ mấy năm trước. Nhìn chị lòng khòng, mặt xanh, da bủng như bịch nước, nên khó đoán tuổi. Cha mẹ mất sớm, Khảnh sống lầm lũi một mình. Sau ngày làm việc, chị thường ở lại trại dù không phải ca gác đêm. Thấy Trung Cẩu học bài xong, thỉnh thoảng Khảnh lân la hỏi chuyện. Thời gian đầu, Trung Cẩu không mặn mà chuyện trò lắm, nhưng dần dần đâm cảm phục và thương hoàn cảnh của chị. Có lần, Trung Cẩu buột miệng hỏi:

-Sao chị Khảnh không lấy chồng?

Có lẽ, vô tình hắn đã chạm vào nỗi đau tận cùng của người phụ nữ, làm Khảnh bật khóc:

- Thân hình “chiến tranh“ của tao thế này, và quá băm rồi, ai thèm lấy hả mày!

Một đêm mưa rả rích, trời đen như mực. Khảnh đội mưa ra ngoài. Lúc sau, chị quay về với mấy chiếc bánh đa nướng, và chai rượu gạo. Khảnh ngồi ngất ngưởng một mình. Có lẽ, chị chia sẻ nỗi cô đơn, buồn đau với rượu chăng. Nghĩ vậy, Trung Cẩu bật dậy:

-Em uống cùng chị!

Khảnh không trả lời, đẩy chai rượu về phía hắn. Cả hai cùng im lặng. Khi chai rượu đã vơi quá nửa, Khảnh vỗ vai Trung Cẩu:

-Tao không cần chồng. Tao chỉ cần một đứa con. Cái khao khát làm mẹ nó mãnh liệt lắm, mày hiểu không?

Trung Cẩu ngước nhìn Khảnh:

-Không có chồng, mà sinh con, vậy ra chửa hoang à, mang tiếng chết.

Khảnh phẩy tay:

-Ngay từ cái tuổi mười tám, hai mươi nơi bom đạn, tao chết đi sống lại mấy lần rồi cũng chẳng sợ, thì còn sợ đếch gì cái tiếng tăm đểu ấy hả mày.

Trung Cẩu gật gù:  

-Thế thì, chị phải tự đi tìm một người đàn ông giúp mình có con chứ!

Khảnh san hết cốc rượu dở của mình sang cho Trung Cẩu, rồi úp cốc:

-Ai là người giúp tao đây? Khó lắm mày ơi!

Không gian chùng xuống, cả hai cùng im lặng. Có những giọt nước rớt xuống từ khóe mắt Khảnh. Trung Cẩu bẻ miếng bánh đa nhai ngấu nghiến, rồi ực nốt cốc rượu lấy can đảm:

-Cùng bất đắc dĩ, em sẽ giúp chị.

Khảnh trợn tròn mắt nhìn hắn, tưởng nghe nhầm:

-Mày giúp tao. Không phải rượu nói đấy chứ?

-Vâng, em có thể giúp chị. Thành niên rồi. Tuy nhiên, chỉ giúp chị có con. Và chuyện này chỉ em và chị biết.

Khảnh đổ gục xuống vai Trung Cẩu: Tất nhiên rồi… được vậy cảm ơn mày lắm, Trung ạ.

Chỉ mới vài lần gần gũi Khảnh, thế mà Trung Cẩu đâm nghiện cái món này. Trưa tháng 5, trời nắng như đổ lửa. Hơi phân từ chuồng lợn bốc lên như làn khói thuốc mỏng. Ngột ngạt, khó thở, Khảnh và Trung Cẩu chuồn ra vườn dong sau khu trại nằm. Gió đồng quyện vào hương lúa luồn qua những kẽ lá, làm cả hai cảm thấy thật dễ chịu. Lúc này, bản năng làm mẹ của Khảnh thật mạnh mẽ. Vẫn như những lần trước, Khảnh chủ động kéo Trung Cẩu về phía mình. Lần này, Trung Cẩu không còn ngập ngừng nữa, mà tụt quần, vần một phát nằm úp lên Khảnh… Gió nổi lên cùng những áng mây vảy rồng, như báo hiệu sẽ có một cơn giông đến gần. Bất chợt, có tiếng vạch lá sột soạt, Trung Cẩu giật mình định kéo quần lên, và bò dậy. Song khẩu súng bị dính chặt vào Khảnh, không thể nào rút ra được. Lạ thật, lẽ nào mình cũng bị rắc tro[TD1]  bếp? Trung Cẩu lẩm bẩm như vậy. Và hình ảnh loài chó đang giăng dây bị rắc tro bếp chợt thoáng qua, làm cho hắn toát hết cả mồ hôi hột. Khảnh ghì chặt Trung Cẩu xuống và bảo, bình tĩnh, im lặng. Cả hai cùng nín thở, mắt nhắm nghiền.

-Thằng Trung, và con Khảnh phải không? To gan thật, dám làm cái chuyện mèo mả gà đồng ở đây. Tao móc cua ngoài bờ ruộng, nhìn thấy chúng mày vào đây đã lâu rồi.

Nghe tiếng quát, Trung Cẩu giật mình, đúng giọng dì Ba em của mẹ. Hắn lắp bắp, không dám ngẩng đầu lên. Khảnh ngước mắt, bảo bà Ba, lỗi này không phải của Trung, mà bởi cái lỗi khát vọng làm mẹ của bản thân mà thôi.

Bà Ba ngang tàng, nhưng tốt tính. Bà nguyên là công nhân làm đường ở Nghĩa Lộ. Không chồng, nhưng bà có đến ba đứa con. Lần nào chửa đẻ, đơn vị cũng bắt làm kiểm điểm, cắt lương, cắt thưởng. Lần cuối cùng chịu không nổi, bà tụt quần trùm đầu giám đốc đấm cho một phát, rồi dẫn con về quê. Do vậy, nghe Khảnh kể, có lẽ bà đồng cảm và hơi bị xúc động, nên bảo: Chúng mày mặc quần áo vào, còn nằm ườn ra đấy làm gì.

Trung Cẩu chống tay dướn người lên, nhưng súng vẫn bị mắc kẹt, lại phải nằm úp trở lại. Mấy lần như vậy, bà Ba chợt hiểu ra bảo: Nằm yên đấy, ngọ ngoạy nữa là đứt phim đấy. Để tao về tìm người, khiêng chúng mày đến bệnh viện. Họ phải chích vào mông con Khảnh một phát, mới tách nhau ra được…

Sau vụ kẹt súng, bị chọc ngoáy nhiều, Trung Cẩu chán nản tưởng chừng không có hy vọng vào được đại học. Ấy vậy, năm đó hắn đỗ vào Trường cao đẳng mỹ thuật Hà Nội, với môn năng khiếu điểm khá cao. Trung Cẩu về Hà Nội học được mấy tháng, có tin báo chị Khảnh đã có chửa, bị chi bộ bắt làm kiểm điểm. Chị xé thẻ đảng quẳng vào mặt đồng chí bí thư, rồi bỏ vào Bạc Liêu sinh sống. Sau này nghe người làng vào đó, về kể lại, con trai Khảnh có dáng đi, kiểu đứng chó đái giống y hệt Trung Cẩu. Gớm, cái món chó đẻ này, không chỉ dừng ở phương Bắc, mà nó còn phát tiết ra cả phương Nam. Tính di truyền không mang đặc trưng sinh học quả thực mãnh liệt.

Học xong, Trung Cẩu về làm phong trào văn nghệ ngành công nghiệp. Chiến tranh, rồi bao cấp, hắn đói lắm. Chỉ có con đường cày thuê cuốc mướn ở nước ngoài, mới giải quyết cho hắn được cái bệnh đói kinh niên đó. Năm 1987 Trung Cẩu quyết định sang Đức. Lúc khám sức khỏe, thấy dáng đi, kiểu đứng chó đái của hắn, bác sĩ đắn đo, và ái ngại: Thế này, mất thể diện quốc gia quá. Trung Cẩu nổi cáu: Kiểu dáng này, di truyền từ ông bố tôi đang là chính ủy cả một sư đoàn đấy…

-----

Thấy tôi trầm ngâm, bia tan đã hết bọt, Trung Cẩu gọi ly khác và hỏi:  

-Ông nghĩ gì mà đuột mặt ra vậy?

-Đang nghĩ về thế hệ chúng ta, cái thuở còn ở Việt Nam. Mà này, cái vụ tù tội của ông, tôi đã nghe nhiều người kể, song có một số chi tiết không đồng nhất cho lắm. Tiện đây, ông nói rõ hơn được chăng?

-Chuyện này, phải kể lại từ đầu. Lỗi lầm bắt nguồn từ tôi và ông bố tôi. Như ông đã biết, những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, tôi sao chép và buôn bán các loại băng nhạc đểu, nên có khá nhiều tiền. Tết năm 1998 tôi về thăm nhà, mẹ tôi giục lấy vợ. Tuổi đã gần bốn chục, sống độc thân kể cũng buồn, nên tôi gật đầu. Bố tôi giới thiệu Hằng người dân tộc miền núi Tuyên Quang, lính văn thư ở chỗ ông. Hằng rất trẻ và xinh đẹp, nhìn thấy tôi ngắc ngư liền. Hằng đồng ý lấy tôi có lẽ, bởi uy quyền của bố tôi, và cũng muốn giải thoát cho cuộc sống hiện tại mà thôi. Từ Đức về, tôi có mang một số rượu đắt tiền, tuần đầu uống và tặng hết. Hôm ăn hỏi và xin cưới, tôi mua rượu bình thường ngoài nhà hàng. Vẫn mang cái kiểu làm của kẻ tuyên huấn, ông bố tôi bí thư, chính ủy một quân khu đã đổ mấy chai rượu vừa mua sang vỏ chai tôi mang từ Đức về, đưa đến nhà gái. Nhưng dân miền núi không dễ bị lừa bịp mãi như ông bí thư, chính ủy quân khu đã tưởng. Cưới xong, Hằng có nhắc sơ đến chuyện, đánh tráo ruột rượu. Một sự đáng xấu hổ, và coi khinh cả dòng họ nhà gái. Tôi xin lỗi, và tưởng rằng đã quên. Song không ngờ, Hằng thù dai đến vậy…

Tôi đưa Hằng sang Đức. Khi giấy tờ của Hằng ổn định, tôi mua nhà đứng tên cả hai vợ chồng. Lúc này, Hằng mới khơi lại chuyện tráo rượu. Giở mặt, và sự trả thù ấy, còn phũ phàng, kinh khủng hơn tôi tưởng tượng ông ạ. Tôi bị mổ khối u tưởng chết, nằm viện mấy tháng trời, Hằng không hề thăm nom. Tôi về nhà dưỡng bệnh, Hằng làm đơn ly hôn. Căn nhà ngăn đôi, đêm nào nó cũng dẫn trai về, quất nhau cứ huỳnh huỵch. Ức trào cổ, không làm gì được, tôi lại vào viện, rồi đi phục hồi sức khỏe…Mấy năm sau tôi mới thực sự khỏe lại. Hằng đã có con với thằng bồ mới. Ở chung với chúng nó không thể, tôi muốn bán nhà, tiền chia đôi, nhưng Hằng vẫn không đồng ý. Có lẽ, chúng muốn chiếm cả nhà chăng? Trong lúc uất ức, không thể tự chủ, tôi vác dao sang chém cả hai đứa. May không đứa nào chết, bằng không…

Tôi đứng dậy, và cắt ngang lời Trung Cẩu: Cái chính là Hằng nó đếch khoái và yêu ông. Tráo rượu, trả thù chỉ là cái cớ thôi. Nó vào diện chai lì, và cao thủ bẩn. Ông lúc đó ở vào cái thế bất lợi, dẫn đến hành động vô lý, dại dột. Ông và Hằng đã ly dị, trên pháp lý nhà cửa cưa đôi. Nó yêu ai, ngủ với ai là quyền tự do của nó. Bán nhà hay không cũng là quyền của nó. Dù có ức, mình cũng phải cá nhịn thôi. Mang dao sang nhà nó xử lý là cướp, là sát nhân. Hành động của ông lúc đó khác chó gì Putin mang quân sang xâm chiếm Ukraine bây giờ...

Nghe tôi nói, Trung Cẩu bảo: ông cứ nói phét trong hoàn cảnh ấy, ông cũng hành động như tôi thôi. Rồi gã cười ha hả, tợp nốt cả hai vại bia còn lại mới đứng dậy theo tôi ra xe.

 

Leipzig ngày 9-3-2022

Đỗ Trường

(Tác giả gởi) 

 

*

 

Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:


Xin click vào link sau:


https://issuu.com/dreamteam1005/stacks/fd347a6e1e9f428ebf88885eb4d6b2be

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...