Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

Văn Quang Mà Tôi Biết - Trùng Dương



Trước 1975 chúng tôi không quen nhau. Ngoài tuổi tác chênh lệch—anh Văn Quang hơn tôi trên 10 tuổi--cũng còn vì… “phe nhóm” văn chương khác nhau. Tôi cũng chẳng hề đọc anh và ngược lại, có lẽ anh chẳng bao giờ đọc tôi.

Nhưng vào giữa thập niên 1990 thì chúng tôi quen nhau và trở nên thân thiết qua điện thư. Hồi ấy tôi đang cộng tác với một tờ báo Mỹ địa phương ở Stockton, Cali. Anh Hồng Dương, nguyên ký giả báo Chính Luận xưa, đã định cư tại đây từ giữa thập niên 1980. Chúng tôi có biết nhau song cũng chỉ sơ giao ở Sài Gòn. Đồng hương gặp nhau, lại cùng đồng nghiệp xưa, mặc dù Hồng Dương đã sinh hoạt trong ngành khác, nên hai chúng tôi gặp nhau thường xuyên, và vì cùng thích chuyện kỹ thuật điện toán,nên trở nên thân.

<!>

Hồi ấy máy computer cá nhân còn tương đối mới, điện thư qua lại còn là chuyện có phần lạ, song ai đã làm quen với nó thì dễ trở nên gắn bó vì thấy bỗng dưng liên lạc được với những người ở tận đẩu tận đâu mà chỉ cần ngồi ở bàn giấy tại gia, nghe có cái gì mầu nhiệm là đàng khác. Qua Hồng Dương và điện thư tôi quen thêm với những người bạn của anh, trong đó có Văn Quang ở Sài Gòn. Chúng tôi họp thành một nhóm điện thư gồm năm người: ngoài tôi, là Hồng Dương, Văn Quang, Tạ Quang Khôi, và Hoàng Ngọc Liên—là những nguời nay đều đã bỏ cuộc chơi.

Trong những chuyện trao đổi với nhau qua điện thư trong thời gian này, hai chuyện liên quan tới Văn Quang mà tôi còn nhớ hơn cả. Thứ nhất là việc băn khoăn đi hay ở của anh sau khi bị tù cộng sản ra và được nhận đi Mỹ qua chương trình HO vào giữa thập niên 1990. Và chuyện thứ hai liên quan tới việc gây quỹ giúp mẹ con nhà văn Nguyễn Thị Thuỵ Vũ.

Nói là băn khoăn nhưng có lẽ anh Văn Quang cũng đã nhiều phần quyết định ở lại. Có lần, qua điện thư, anh kể có một bà nọ có nhiều tiền bạc của cải cất giấu ở đâu đó có đến đề nghị với anh cho bà đi cùng, bà sẽ đền bù hậu hĩ. Tất nhiên là anh không nhận. Tiền bạc đối với anh không phải là một vấn đề trong thời kỳ này khi mà những bài phóng sự về Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung trong loạt bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” đang được độc giả hải ngoại khắp nơi đón nhận. Đó là những bài viết về các thân hữu văn nghệ còn ở lại trong nước, hay điểm tin tức báo chí hàng ngày qua cái nhìn thẳng thắn của anh. Loạt bài này được nhiều báo hải ngoại đăng tải và chăm chỉ trả nhuận bút cho anh, nhờ vậy anh Văn Quang có một đời sống không phải ưu lo về vật chất. Anh bảo nhiều người anh quen biết ở vào diện như anh cần đi Mỹ phần lớn vì nhu cầu gia đình, như con cái còn vị thanh niên cần có một tương lai. Còn anh một thân một mình, các con thì đã khôn lớn có đời sống ổn thoả ở nước ngoài, anh chẳng còn gì để bận tâm.

Tôi cảm mến anh ở chỗ quyết định ở lại tiếp tục làm nhân chứng sống cho những đổi thay của Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2007, anh cũng nhìn nhận như thế.

“Tôi muốn ở lại để chứng kiến cho hết, cho đầy đủ những đổi thay,” anh nói. “Đời sống lúc đó ở đây bấp bênh, rồi chao đảo vì Liên Xô tan rã, vì Đông Âu lập lờ… Cuộc sống ‘lên voi, xuống chó’ quay quắt, nếu nhìn như một kẻ ngoài cuộc, nó sinh động hơn một sân khấu với đầy đủ bi hài kịch thú vị. Có quá nhiều đề tài mới lạ cho mình ghi nhận. Làm một nhân chứng sống có lẽ hay hơn. Và cũng vì sự ‘gậm nhấm’ của tôi về ‘người bạn đồng minh’ nên tôi quyết định ở lại.”

Dù vậy, về sau này khi có người nói anh đã chọn lựa đúng khi ở lại, thì anh nói đó là do may mắn chứ “không ai tiên đoán được những gì sẽ xẩy ra.”

Dù do chọn lựa hay may mắn, qua hàng trăm bài phóng sự “Lẩm Cẩm”, và một số tác phẩm khác, kể cả vài cuốn tiểu thuyết sáng tác sau 1975, trong đó có cuốn tiểu thuyết “Ngã Tư Hoàng Hôn”, anh Văn Quang đã đóng vai một nhân chứng của những đổi đời dâu bể quanh anh. Không có ngòi bút của anh, chúng ta đã không có những chân dung xã hội rất hiện thực đầy mầu sắc như qua loạt bài “Lẩm Cẩm” mà, theo anh,“không chỉ là những chuyện lẩm cẩm” mà thôi.

“Nó có cả những mặt trái mặt phải của xã hội, chuyện khôi hài và chuyện đau thương những bản tường trình thẳng thắn vượt qua mọi áp lực. Miễn là chuyện xảy ra có thật,” trả lời trong cuộc phỏng vấn trên, anh Văn Quang cho biết. “Cái nhìn xoáy vào phía sau những sự việc đã và đang xảy ra chứ không phải chỉ có bề mặt sự việc, tôi nghĩ đó mới thực sự cần thiết cho bạn đọc ở nước ngoài vốn không có nhiều thì giờ theo dõi.

“Tóm lại, ‘Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự’ nếu tổng kết lại nó sẽ là một bức tranh toàn cảnh của xã hội tôi đang sống," anh Văn Quang kể tiếp. “Nó phản ảnh được trung thực mọi vấn đề ở bề mặt đời sống của người dân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội. Từ một anh nông dân ‘lừa được cả nước’ đến một đại gia lương thiện và bất lương từ lớp thanh niên đến các quan chức từ cô gái tỉnh lẻ đến các cô gái chân dài thành thị. Từ nỗi đau thương cơ cực của ‘những người bị bỏ quên’ như anh em thương phế binh VNCH đến những cảnh trác táng cùng cực hoang phí vô cùng của lớp người ăn trên ngồi trước… cái khoảng cách giữa thành thị và nông thôn những điều phi lý bất công những điều cần nói mà người dân không nói được.”

Mặc dù đã vừa viết vừa lách, mà rút cục anh vẫn không thoát. Người ta vẫn cuối cùng tới tịch thu máy móc, bài vở của anh, hạch hỏi và cấm anh viết.

đầu tiên và duy nhất tôi ghé thăm anh là một buổi trưa tháng Năm cách đây ba năm, tại căn chung cư khu Bàn Cờ cũ. Trong bộ pijama mầu ngà có những chấm nhỏ mầu đậm, anh nằm vắt chân chữ ngũ xem buổi đá bóng diễn ra ồn ào trên truyền hình, thảnh thơi nhàn nhã. Như thể mất computer, bị cấm viết đã cho anh một lý cớ vững chắc để hưởng nhàn không chút vấn vương. Chị Ngân, người bạn cuối đời của anh phải gọi mấy lần là nhà có khách, anh mới nhỏm vội dậy, làm chị phải chạy tới gần phòng hờ, nói anh từ từ kẻo mất thăng bằng té. Ở tuổi 85, anh gầy và yếu lắm, chị Ngân bảo tôi.

Hôm ấy hai anh chị thay phiên nhau kể cho tôi nghe việc người ta đã tới tịch thu máy móc tài liệu sách vở của anh ra sao, và vẫn còn theo dõi anh như thế nào. Tôi xúc động, không ngờ có ngày gặp anh, nghe anh kể chuyện. Anh nói dù bị cấm viết anh cũng chẳng ân hận. Tôi cầm tay anh, nói: “Anh đã làm đủ rồi, không những thế còn làm hộ tất cả những người cầm bút chúng tôi nữa.”


Trái, Anh Văn Quang và chị Ngân tại căn chung cu Bàn Cờ. Phải, Thụy Vũ và cháu Khôi Thụy, bị tật từ trước 1975 khi mới 2 tuổi, tại nhà riêng ở Lộc Ninh. (Ảnh Trùng Dương, 2018)

Việc giúp mẹ con Thụy Vũ, anh không bao giờ nhắc tới. Nhưng Thụy Vũ thì không quên. Trong cuộc phỏng vấn nhân dịp tái bản toàn bộ tác phẩm 10 cuốn của chị vào năm 2017 tại Sài Gòn, chị tâm sự về việc cháu gái thứ hai nhờ tàn tật đã giúp nuôi gia đình chị qua những năm khó khăn.

Sau 1975, như bao người cầm bút Miền Nam khác ở lại quê hương, Thụy Vũ ngưng viết. Chị làm đủ mọi nghề có thể để nuôi ba đứa con còn nhỏ, từ bán vé xe đò đến buôn thúng bán bưng, rồi cuối cùng đem con cái về quê sống với mẹ và làm rẫy. Cha của lũ nhỏ, nhà thơ Tô Thùy Yên (1938-2019), sau khi đi tù về thì được nhận cho sang Mỹ định cư với gia đình chính thức của anh.

Trong đám con của Thụy Vũ có một cô bé bị liệt não từ khi mới hai tuổi sau khi bị té dập đầu. Vào giữa thập niên 1990, nhân một dịp theo một chị bạn của Thụy Vũ, chị Ngân, về quê thăm mẹ con chị, anh Văn Quang khám phá ra Thụy Vũ có cô con tật nguyền này. Nghe chuyện thương tâm, Văn Quang viết về chuyến viếng thăm này, mô tả hoàn cảnh của mẹ con Thụy Vũ, và không quên kêu gọi bà con ở hải ngoại giúp đỡ mẹ con chị. Việc bà con hải ngoại đáp lại lời kêu gọi này thật cảm động. Kết quả nhà văn nữ nhận được trên 20,000 Mỹ kim trợ giúp từ những tấm lòng hảo tâm hải ngoại. Chị dùng tiền đó để làm ăn buôn bán nuôi dựng các con nên người.

“Xưa tui bỏ nó ở nhà đi làm báo, nó bị té, ảnh hưởng não nên nằm một chỗ đến giờ, vậy mà giờ nó nuôi tui bằng tiền từ thiện bạn bè, các nhà hảo tâm thương tình giúp đỡ…" Thụy Vũ tâm sự với tác giả bài báo trên trang mạng BBC.

Sáng hôm nay, ngày 15 tháng Ba, 2022, nghe tin anh đã qua đời tại Sài Gòn. Viết vội vài hàng để cùng độc giả tưởng nhớ anh, như một nén hương lòng dành cho một người đã may mắn (như anh nói) vì đã được làm chứng nhân của thời đại, qua nhiều tác phẩm chắc chắn là vô giá về phương diện tài liệu đối với các thế hệ Việt sau này.

Xin anh hãy ngủ yên. Vĩnh biệt anh.

.
Trùng Dương

 

*


Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:


Xin click vào link sau:


https://issuu.com/dreamteam1005/stacks/fd347a6e1e9f428ebf88885eb4d6b2be

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...