Ngày N + 41
Rốt cuộc, ông Minh Cồ cũng
giựt được cái cờ để phất. Sáng nay, ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống.
Thủ tướng Vũ Văn Mẫu trình nội các lâm thời với một danh sách vỏn vẹn có
bốn người. Ông Mẫu, ngay khi nhậm chức đã tung ra một quả bom, làm cả
miền Nam ngơ ngác. Ông chính thức gửi văn thư yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt
Nam, từ ông Đại sứ đến nhân viên các cấp, nhất là cơ quan D.A.O. Người
Mỹ đâu có cần ông Mẫu đuổi, họ bỏ miền Nam vì miền Nam hết còn giá trị
với người Mỹ. Họ đã biết chắc được mâu thuẫn giữa Trung cộng và Nga khó
có thể hàn gắn được. Trung cộng mỗi lúc mỗi ngả dần theo Mỹ để được
hưởng một chút tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Họ đã dùng Trung cộng để
ngăn chặn Nga, họ thả miền Nam bởi vì đối với dân Việt, kẻ thù nguy hiểm
nhất lúc nào cũng là Trung cộng. Nuốt được miền Nam, bọn Cộng sản ngoài
Bắc sẽ phải ôm chân con gấu Nga ở xa, để chống con chó sói Trung cộng ở
gần, nghĩa là Mỹ đã đẩy Việt Nam vào thế ngăn chặn Trung cộng ở phía
Nam.
Kampuchia là lá bài của Trung cộng với Pol Pol và đám Khmer
đỏ hiếu sát. Rồi đây, trong vài năm tới, tình hình Đông Nam Á đố có yên
được. Ông Mẫu ơi, ông khỏi cần đuổi Mỹ. Họ đang kiếm cớ để đi. Giờ thì
họ đã có cớ để ra đi sớm sủa. Ván bài miền Nam đã vật đến lá chót.
<!>
Ngày N + 41, 10 giờ sáng
Đài
Phát thanh Quân đội đọc nhật lệnh của Tân Tổng Tham Mưu Trưởng. Tôi
nghĩ tới văn phòng Đại tướng Cao Văn Viên trong Tổng tham mưu trống
trơn, sáng nay ông đã không tới văn phòng, và tập hồ sơ trình ký còn dở
dang trước bàn giấy. Trên đài phát thanh, người được bổ nhiệm chức tân
Tổng Tham Mưu Trưởng là Trung tướng Vĩnh Lộc, có một thời được mệnh danh
là "Anh Cả Trường Sơn". Ông cựu cũng như tân không ai có mặt ở văn
phòng. Ông cựu Đại tướng Viên có lẽ đã có mặt ở tầu Mỹ.
Mấy năm
sau này, khi sự tranh chấp quyền lực giữa các tướng mới nhen nhúm, ông
Kỳ phổi bò, bị ông Thiệu cho vào xiếc, ngồi chơi xơi nước, thỉnh thoảng
ngứa miệng tuyên bố vài câu vớ vẩn vô hại. Hai tướng còn lại là ông
Thiệu và Khiêm ở trên hai cái đỉnh của quyền lực. Mỗi người có một phe
nhóm riêng, vây cánh riêng. Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng đứng giữa các
tranh chấp quyền lực này. Ông được ông Thiệu tin cậy, và ông Khiêm nể
mặt.
Những anh nhà báo, nhà văn quân đội thay phiên bốc thơm ông Tướng "văn võ song toàn này". Võ thì tôi chưa biết rõ, tôi là một đại úy, nghển cao cổ, kiễng hẳn chân lên thì tôi cũng chỉ với tới ông Đại tá xếp xòng của tôi. Khi tôi là thiếu úy, ông Viên là Thiếu tướng Tư lệnh quân đoàn III, thỉnh thoảng tôi được nhìn, chỉ đứng xa nhìn thấy ông to lớn, có dáng võ biền, chỉ có dáng võ biền thôi, còn thực sự tôi cũng không biết. Còn văn thì ông Viên ra sao? Tôi biết ông học thi cao học văn chương Pháp. Trong các tướng thối thân từ quân đội Pháp, học lực trung bình thì có Trung học hồi xưa, khá thì có Tú tài, còn dốt đi từ khố xanh khố đỏ đi lên cũng không phải là ít. Giữa đám tướng lãnh như thế, có một ông có "Cao học văn chương" đâu phải bỡn.
Tôi không bao giờ dám coi thường lòng hiếu học của ông. Có điều phàm làm tướng, chỉ huy cả triệu quân dưới cờ, thì trọng trách phải giữ cho quân đội được nghiêm minh, trên dưới rõ rệt. Quân ra quân, tướng ra tướng. Những năm trước 70, quân đội còn có chút tôn ti. Từ đó trở về sau, quân đội do những thẩm thấu của chính trị, mỗi ngày mỗi nát ra. Ông làm Tổng Tư lệnh có bao giờ nghĩ đến điều này? Tệ trạng tham nhũng mỗi ngày mỗi lớn, đến độ lập ra một nha Tổng thanh tra Quân lực, rút cục cái nha này, mỗi lần đi tới đâu, là cả địa phương phục dịch, bưng bít. Những người lính chiến đấu thiếu giầy, thiếu áo, thiếu lương khô và thậm chí cả đạn dược.
Nạn lính ma, linh kiểng có mặt trên cả bốn quân khu. Có bao giờ ông nghĩ đến những điều này hay ông còn bận đi học. Giả dụ như một người khác trong địa vị của ông, có đi học cũng phải kín đáo, lén lút một chút, chứ đâu có lộ liễu đến độ cả nước biết ông thi cao học văn chương. Đám sinh viên văn khoa nhiều người đã vô cùng khó chịu, trước một ông Đại úy nào đó mỗi lần đi lấy cua cho Đại tướng, mặt vênh váo như mới dự trận về. Đó là văn của ông. Võ mãi hôm nay tôi mới thấy rõ, ông cuốn gói, không một lời từ giã ngay cả những người làm việc trực tiếp dưới quyền ông, trong văn phòng của ông. Ông bỏ cả ấn tín, phù hiệu, và cái cờ nhỏ có bốn sao của ông để lại nơi bàn giấy. Thật chẳng khác nào đám tướng cuối triều Trần.
Ông quên cả những nhật lệnh ông đọc mỗi dịp Tết về gửi toàn
quân, cả triệu người đứng nghe im phăng phắc. Mãi tới hôm nay, tôi mới
nhìn rõ cái nhân cách "văn võ song toàn" của ông Đại tướng. Giờ này đâu
đó trên tầu Mỹ, không biết họ dàn chào ông Đại tướng của miền Nam với lễ
nghi quân cách như thế nào?
*
Ngày N + 41, 12 giờ trưa
Đường Sài Gòn Vũng
Tầu bị địch chặn ngang gần cầu Cỏ May, Cộng sản pháo vào phi trường Biên
Hoà. Đại tá Tỉnh trưởng Biên Hoà Lưu Yểm cùng một số thuộc hạ bỏ đơn vị
chạy về Sài Gòn. Không hiểu ông "Quế Tướng Công" đang làm gì, còn có
mặt ở Bộ Tư lệnh Quân đoàn III, hay ông đã tháp tùng Đại tướng Tổng Tham
Mưu Trưởng "thăm viếng" Hải quân quân lực bạn? Thế là một phần đời nữa
của tôi đã trôi ra biển. Bây giờ địch không còn tiến đánh từng thành
phố, quân ta bỏ chạy trên nhiều mặt trận. Tôi nhớ những ngày tháng thụ
huấn ở trường Quân cảnh Vũng Tầu năm 1964, rồi sau đó năm năm đi đủ nơi,
trở về làm một sĩ quan huấn luyện viên bất đắc dĩ.
Tôi nhớ tới những ngày ngắn ngủi ở Biên Hoà, năm 1965, tôi bị phạt chờ Tiểu đoàn III Quân cảnh tống đi nơi khác. Dịp chờ đợi này, tôi là sĩ quan hộ tống đạn dược, mỗi ngày hộ tống hai chuyến xe bom. Một cho phi trường Biên Hoà, một cho phi trường Tân Sơn Nhất. Năm đó Bắc việt đang bị Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ oanh tạc dữ dội. Bom đạn sao mà nhiều đến thế. Nếu Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ cứ oanh tạc Bắc việt bằng gạo, có lẽ chiến tranh sẽ có những biến chuyển khác ngay từ dạo đó. Bởi Bắc việt hàng năm hạn hán mất mùa, lại dồn mọi nỗ lực cho chiến tranh, nên nạn đói luôn luôn đe dọa ngoài đó. Cứ oanh tạc bằng gạo, chắc chắn những xạ thủ phòng không ngoài Bắc sẽ bắn máy bay cách xa cả cây số, vừa đỡ tốn máu xương cả hai bên, mà có khi Bắc việt còn thua xiểng liểng. Vả lại gạo rẻ hơn bom đạn cả ngàn lần.
*
Ngày N + 41, 12 giờ 30
Nhiều phản lực cơ
Phantom của Mỹ xuất hiện trên vòm trời Sài Gòn, sau đó hàng trăm chiếc
trực thăng đủ mọi kiểu bay rợp một góc trời. Mỹ chính thức bỏ Việt Nam,
quay lưng lại với người bạn đồng minh nhỏ bé mà một thời báo Mỹ ca tụng
với những danh từ hoa mỹ: "Tiền đồn chống Cộng", "Pháo đài Tự do". Vài
chiếc trực thăng bỏ hàng ngũ, bay đến những cao ốc có người Mỹ trú ngụ,
đáp trên nóc những cao ốc này. Cả Sài Gòn nghển cổ nhìn lên trời, nhìn
những chiếc máy bay lạ, đủ kiểu như những tín hiệu cuối cùng của sự sống
*
Ngày N + 41, 2 giờ chiều
Giao tranh giữa hai
bên diễn ra khắp các nơi phụ cận Sài Gòn trong một bán kính không đầy
hai mươi cây số. Sài Gòn mỗi lúc mỗi giống Nam Vang. Bên ngoài tòa Đại
sứ Mỹ, dân chúng tụ tập hàng ngàn người. Những người có Pháp tịch cũ, đã
trở lại Việt tịch bây giờ lại hốt hoảng xin trở lại Pháp tịch.
*
Ngày N + 41, 4 giờ 30
Dân Sài Gòn đập cửa
phòng thông tin Hoa Kỳ. Dân chúng lũ lượt khuân đi những bàn ghế, máy
đánh chữ, dụng cụ văn phòng, sách vở. Sau cùng họ chất cả tấn báo chí,
tranh ảnh lại và đốt những món đồ không quý giá này.
*
Ngày N + 41, 6 giờ chiều
Yên cho tôi biết,
toàn thể đại gia đình anh đã thuê một số phòng khách sạn gần ngay bờ
sông Sài Gòn. Vợ con Yên vẫn ở tại nhà anh ở đường Chi Lăng Phú nhuận.
Anh cho tôi biết là sẽ đi rất bất ngờ, anh dặn tôi đi đâu cứ cách vài
tiếng là phải ghé bến tầu hoặc về nhà anh ở Phú nhuận, hoặc trên khách
sạn chỗ toàn thể đại gia đình anh tập trung.
*
Ngày N + 41, 8 giờ tối
Địch quân tấn công quận
Hốc Môn và Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Sài Gòn bây giờ nằm trong
tầm đại bác của Cộng sản. Chúng đã có mặt ở bốn phía. Thế mà không thấy
ông Kỳ và cái plan biến Sài Gòn thành Stalingrad đâu cả?
*
Ngày N + 41, 2 giờ đêm
Suốt từ chập tối tới
giờ, tôi nghe những tiếng nổ của súng lớn vẳng từ xa lại. Đêm nay
29-4-1975, trăng hạ tuần trông giống như một cái sừng trâu mỏng, nhọn.
Tôi leo lên mái nhà, nằm dưới cái tàn cây trứng cá, ngửa mặt nhìn trời,
thỉnh thoảng lao vụt qua màn đêm, những chiếc máy bay cô quạnh, đơn lẻ.
Xóm đêm tĩnh mịch, tiếng những con vật ăn đêm mò mẫm trong bóng tối, và
tiếng quả tim tôi đập mỗi lúc một to. Tôi chợt nghĩ tới số phận tôi qua
lời tiên đoán của "Khôi cụt", một người tài hoa ngày nào trên đất Đà
Lạt. Khôi xuất thân khóa 16 Đà Lạt, ra trường xong được một thời gian,
gửi lại cho miền Nam một bàn tay. Cách đây sáu tháng, có lần ghé nhà tôi
chơi, ngủ đêm. Khôi hỏi tôi về ngày sinh tháng đẻ của tôi, anh nổi
tiếng là một người coi tử vi giỏi. Tôi gạt đi vì chẳng bao giờ tin vào
"khoa học huyền bí".
"Tôi chỉ nhớ ngày tây, lại không rõ giờ nào làm sao ông hành nghề được."
"Bố
khỉ, tôi biết ông không tin. Cho ông hay có nhiều thằng đặt bạc thước
trước mặt tôi cũng không coi, tôi chỉ coi cho những người tôi quý thôi.
Thôi được, đưa ngày sinh của hai đứa nhỏ đây. "
Chập sau, Khôi nói với tôi bằng một giọng hết sức nghiêm trọng:
"Số
hai đứa nhỏ kỳ lắm, tụi nhỏ sẽ phải xa bố, xa mẹ. Cứ theo như lá số của
cả hai đứa, tôi thấy việc đó sắp xẩy ra. Ông có xin du học hay chạy
chọt làm Tùy viên quân sự ở đâu không?"
"Không."
"Thế
thì kỳ thật, cứ như tài nghệ của tôi về tử vi, tôi quả quyết với ông,
hai đứa bé này hễ có bố thì không có mẹ và ngược lại. Và thời gian xa
vắng này kéo dài lâu lắm, giá chót là 15 năm đổ lên. Đưa ngày sinh tháng
đẻ của ông đây."
"Đã nói với ông rằng tôi không bao giờ hỏi bà cụ tôi về vụ tôi sinh giờ nào. Có đưa cũng vô ích."
"Mẹ kiếp, nước sắp đại loạn hay sao mà tôi bấm tử vi cho mấy đám, đám nào cũng có cái vụ xa cách, chia lìa, tan tác."
Giờ
đây tôi biết Khôi đã đoán đúng. Cũng như tiếng tiêu của anh Biệt động
quân ngày nào báo hiệu trước, đã đến lúc bách điểu chia ly, trăm hoa tàn
tạ.
*
Ngày N + 42, 8 giờ sáng
Đài phát thanh Quân
đội từ mấy ngày nay không hề có bình luận, thông cáo hay tin tức, thay
thế vào đó những bản nhạc hùng. Hôm nay thế chỗ cho những bản nhạc hùng
tráng, quân hành, là những bản nhạc nặng tình quê hương, những bản nhạc
có thể đúng dưới mọi chế độ.
Đài phát thanh Sài Gòn đọc hết
thông cáo này đến thông cáo khác, kêu gọi dân chúng bình tĩnh, giới hạn
di chuyển, và kêu gọi quân đội ở yên vi trí, tiết kiệm máu xương.
Đài
phát thanh của Việt cộng loan báo tới tấp những phần đất chiếm được, và
rêu rao chính sách mười điểm về cái gọi là "chủ trương hòa hợp dân
tộc".
*
Ngày N + 42, 11 giờ trưa
Giao tranh vẫn tiếp
diễn xung quanh Sài Gòn. Quân lực miền Nam bây giờ không còn một ông
tướng nào, ngay cả những ông tá cũng khó kiếm. Sự chống trả của miền Nam
hiện nằm trong tay những sĩ quan cấp úy cỡ đại đội trưởng. Cả quân lực
tan biến hết, đọng lại còn những đơn vị nhỏ chai lì cố giữ từng tấc đất
trong phạm vi trách nhiệm của những quân nhân vô danh.
*
Ngày N + 42
Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố
đầu hàng trên làn sóng điện. Ông kêu gọi mọi quân nhân buông súng chờ
các đơn vị của Cộng sản đến tiếp thu.
*
Ngày N + 42, 3 giờ chiều
Ghé nhà Nguyễn Trường
Yên, Yên không có nhà , vợ con Yên đồ đạc sẵn sàng. Tôi có ý đinh chờ
Yên về đi luôn một thể. Tôi nóng ruột muốn chạy về nhà đón anh Tư tôi,
vừa ra khỏi ngõ nhà Yên, một trái đại bác nổ trên đường Chi lăng, trái
nổ làm tử thương ba người dân, bị thương nhiều người khác. Người chết
nằm tênh hênh trên mặt lộ. Địch pháo tới tấp vào phi trường Tân sơn
nhất. Nhiều cụm khói bốc cao tại phi trường.
*
Ngày N + 42, 4 giờ 30 chiều
Nhà đóng cửa im
lìm. Cậu mợ tôi, anh chi Tư tôi và lũ nhỏ không một ai có nhà. Vừa ra
khỏi cổng gặp Tô Thế Liệu, một anh bạn dạy võ bị. Anh đến tìm tôi kiếm
đường chạy ra ngoại quốc. Tôi và Liệu chạy thẳng ra khách sạn nơi toàn
gia đình Yên trú ngụ, dọc dường thấy dân chúng phá nhiều căn nhà trước
đây do Mỹ trú ngụ. Liệu lái xe len lỏi giữa dòng xe cộ hỗn loạn ngược
xuôi. Dường như không một ai tỉnh táo, biết mình phải làm cái gì, định
làm cái gì? Cảnh bến tầu làm tôi không còn tin ở mắt mình. Dân chúng bị
chặn lại ở cổng Bộ Tư Lệnh Hải quân, một số xe du lịch bỏ lại đậu ngổn
ngang trên bờ. Một số trẻ em bán báo, đánh giầy hôi của, đập kính xe lấy
đồ đạc bên trong. Tôi gặp Yên đứng đón người nhà ngay cổng Bộ Tư Lệnh
Hải quân.
Tôi hỏi Liệu:
"Sao ông đi hay ở?"
"Đi chứ, nhưng tao còn kẹt cái xe đi mượn của ông anh phải mang về trả"
"Giờ này còn sợ mất chiếc Honda này làm gì? Mạng còn không lo, lo gì cái xe."
"Không được, tao phải trả ông ấy cho đàng hoàng, tao sẽ quay lại."
"Tao cũng chỉ đi nhờ thôi, không một ai hứa với ai điều gì bây giờ."
"Mấy giờ tầu nhổ neo ông Yên?"
"Không
biết chắc giờ nào. Nhà tao cũng còn kẹt người, kẹt cả đống người, bây
giờ mới có 6 giờ, chắc cũng phải tối mới đi được."
"Tôi quay về đón ông anh tôi, ông cho tôi một giờ, tôi trở lại, ông đón tôi ở ngoài này được không?"
"Không được. Tao đâu có đưa gia đình tao vào bằng cổng Bộ Tư Lệnh. Tao đón bằng ca nô."
"Sao ông Liệu?"
"Tao phải về."
*
Ngày N + 43, 8 giờ sáng
Tầu đã ra tới Hải phận
Quốc tế. Từ đài chỉ huy của chiếc HQ 8, tôi dùng ống nhòm quan sát tứ
phía. Cả một hạm đội què quặt dìu nhau trên con đường vô định. Trên vùng
biển này, hạm đội Mỹ với những tầu chiến khổng lồ xuất hiện rải rác
trong tầm quan sát. Qua máy truyền tin, hạm đội Việt Nam liên lạc với
nhau, sắp xếp lại đội ngũ. Chiếc HQ 8 có bốn máy liệt hai, được chiếc
khác giòng dây kéo phụ.
*
Ngày N + 43, 10 giờ sáng
Một phi đội trực
thăng của Không quân Việt Nam bay quần trên chiến hạm Mỹ, và tuần tự đáp
xuống, cứ đổ hết người trực thăng bị hất xuống biển, lấy chỗ cho chiếc
khác đáp. Tôi thấy một máy bay quan sát thả một vật to xuống biển, mới
đầu tôi tưởng là bom, tới khi thấy ca nô Mỹ cấp cứu, tôi mới biết đó là
người phi cảng bỏ máy bay nhẩy xuống nước. Anh ta nhẩy không có dù ở một
độ cao cách mặt biển chừng hai, ba chục thước. Chiếc máy bay không
người lái tiếp tục bay về phía trước, rồi mất hút trong khoảng tiếp giáp
giữa trời và biển.
*
Ngày N + 44, 4 giờ chiều
Tầu tới hải phận Phi
Luật Tân. Tôi nghe được trên máy truyền tin một giọng chỉ huy, ra lệnh
cho hạm trưởng chiếc HQ 8 phải hạ cờ Việt Nam Cộng hòa xuống, treo cờ Mỹ
lên để tiến vào hải cảng Subic.
*
Ngày N + 44, 5 giờ chiều
Bạn tôi, Hải quân
Thiếu tá Nguyễn Trường Yên, trong vị trí chỉ huy cuối cùng của anh,
trước sự chứng kiến của hơn hai trăm người "may mắn" có mặt, xếp hàng
trên boong tầu. Phía đối diện là thủy thủ đoàn với quân phục đầy đủ.
Chúng tôi làm lễ hạ kỳ lần chót, chúng tôi hát bài quốc ca lần chót với
đúng lễ nghi quân cách. Bạn tôi co tay mặt để lên vành mũ két. Tôi thấy
những giọt nước mắt lặng lẽ chấy trên khuôn mặt rám nắng của anh. Không
phải chỉ riêng Yên khóc. Dường như bất cứ ai có mặt trên tầu, ý thức
được chuyến hải hành lần cuối này đều hát lạc giọng. Lời ca bị gió biển
át đi, và lá cờ dường như rực rỡ hơn trong nắng chiều.
Lá cờ Mỹ được kéo lên, những ngôi sao trắng nhẩy múa bay lượn dưới bầu trời xanh của miền nhiệt đới.
Tôi
thấy một vài thủy thủ liệng nón của họ xuống biển, có cả một hai cái mũ
két sĩ quan với cặp lon vàng chói. Cảnh hệt như đoạn cuối của phim:
"Tant qu’il y aura des hommes". Có khác chăng là người. Chúng tôi bỏ lại
những gì xác định vị trí của chúng tôi, vị trí của những kẻ đã làm mất
quốc gia mình, để đi vào vùng trời vô định của những kẻ lang thang vô tổ
quốc. Còn người thiếu phụ trong phim, liệng xuống biển một vòng hoa
cuối cùng cho người tình, và cũng đồng thời giã biệt vùng đất bất ổn của
chiến tranh, của bom đạn, để trở về với xứ sở thanh bình, yên vui bên
những người thân yêu của bà.
*
Ngày N + 44, 9 giờ tối
Một đám thanh thiếu
niên, gây một đống lửa nhỏ trên boong tầu. Họ tình cờ gặp nhau trong
hoàn cảnh bi đát này. Họ hát với nhau những bản nhạc nói về quê hương,
nói về chiến tranh, họ hát với nhau những bản nhạc tình. Gió biển thổi
nhẹ làm ngọn lửa nhẩy múa trên boong. Đôi lúc tôi muốn xuống ngồi với
họ, nghe những giọng hát học trò, hát bằng trái tim tinh khôi của họ.
Nhưng rồi tôi vẫn ngồi yên trên đài chỉ huy, như tôi đã ngồi suốt ba
ngày nay. Tôi thiếp đi giữa gió biển, giữa lời ca, giữa những ánh sáng
bập bùng. Tôi thiếp đi giữa những tiếng tiêu huyền diệu của anh lính
Biệt động quân ngày nào trên đập Đồng cam, trong lúc con tầu tiến dần về
bến.
-----
Hoàng Khởi Phong
(từ: Talawas)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét