Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2022

Người Đàn Bà Hai Con - Truyện Trần Thị NgH

Cổ Ngư Trò Chuyện Với Trần Thị NgH. - Phê Bình. Biên Khảo. Phỏng Vấn - Du  Tử Lê

 

1. hạnh ngộ

So với bốn người – Paul, John, George và Ringo – thì Kiệt giống George nhất vì khuôn mặt xương xương. Có điều lưỡng quyền hơi cao, cằm nhọn, hai mắt nhỏ, tóc phía sau chưa đủ dài mặc dù phần úp trước trán bầu tròn và dày. Mới nhìn, thấy cũng ngộ ngộ. Vào thời điểm đó thì John đã bị bắn chết rồi, còn ban nhạc Tứ Quái gần như hoàn toàn xa lạ với giới trẻ Việt Nam thập niên 80; do vậy, Kiệt trông hơi khác trong đám thanh niên trang lứa. Nó hay mặc áo thun xanh dương viền trắng có chữ Adidas trước ngực, ngồi đầu bàn cuối, dãy giữa. Những học viên cỡ tuổi Kiệt hoặc già hơn nhiều đều đặn đến các lớp đêm của Trung Tâm Bồi Dưỡng Bách Khoa theo thời dụng biểu hai tư sáu hoặc ba năm bảy chuyên cần thu thập chút Anh ngữ làm vốn trong khi chờ đi nước ngoài kiểu này hoặc kiểu khác. 

<!>

Ðó là những khuôn mặt mỏi mệt sau một ngày làm việc, nặng chịch những toan tính hoặc những chọn lựa có tính cách quyết định. Giữa những khuôn mặt đó, Kiệt có vẻ ổn nhất. Nó trầm tĩnh nghe bài giảng, ghi chú cẩn thận và chịu khó phát biểu trong giờ đàm thoại, thỉnh thoảng ngửa cổ tay lên xem đồng hồ như một thói quen. Hơi khiếm nhã nhưng vô hại. Trong vài tuần lễ đầu nhận dạy khóa học có Kiệt, cô Doãn hơi khó chịu bởi cử chỉ đó. Cô nghĩ người dạy nào ở hoàn cảnh của cô cũng sẽ cảm thấy xúc phạm. Cô có cảm tưởng như bài giảng của mình không đủ thu hút, không khí lớp học không đủ sinh động nên luôn luôn có ít nhất một học viên sốt ruột muốn giờ học kết thúc cho rồi. Khi thấy Kiệt lúc nào cũng có mặt đúng giờ, học hành tỉnh táo, phát âm chuẩn, có nhiều ý tưởng khá chín chắn so với tuổi tác và cách phục sức, cô Doãn xua dần cảm giác ban đầu, quái, cô còn thấy hơi hẫng hôm nào bước vào lớp mà chưa thấy Kiệt. Y như rằng ngày hôm ấy cô sẽ thiếu mất một kẻ đồng tình nếu cô có đưa ra một đề tài gì đó để cả lớp cùng tranh luận.

2. chân dung nàng thơ

Cô Doãn mới 37 tuổi nhưng trông quắt queo. Không phải già, nhưng dáng vẻ khô khô. Giọng cô to, rõ, hơi dữ. Một nhan sắc cực kỳ trung bình ngoại trừ nụ cười trên điểm 5 một chút nhờ hàm răng sạch, mà nghĩ cho cùng nét cười đó chưa bao giờ kéo lên đến đuôi mắt. Cô ăn mặc giản dị áo sơ mi bỏ trong quần tây ống thẳng, không đeo nữ trang, thoa son môi thật nhạt, đi xe đạp. Cách cô giảng bài – một tay cầm quyển sách mở đúng trang đang dạy, tay kia đút túi quần đi đi lại lại trong lớp, giọng sang sảng không cân xứng với dáng người gầy gò nhỏ thó – khiến các học viên hơi ngán. Nam học viên thích cô vì kiểu làm việc dứt khoát, nhanh gọn, rõ. Học viên nữ chê cô giống đàn ông, lạnh lùng và thậm chí hơi ác; có trò tuổi xấp xỉ cô giáo, hai tay lạnh ngắt môi giật giật nước mắt trào ra trước khi tìm được từ để dựng thành câu.  Những lúc ấy cô Doãn tỉnh bơ quay sang học viên khác làm việc tiếp không thèm dỗ dành hay tỏ vẻ ân hận vì đã làm người khác bấn, hoặc ít ra ái ngại cho kẻ yếu bóng vía. Kiệt quan sát cô mọi góc cạnh, theo dõi từng động tác, giờ tan học kín đáo đạp xe theo phía sau giữ khoảng cách đủ xa để vẫn còn thấy cô bóng nhỏ đường khuya lẩn trong dòng xe cộ lúc nào cũng thức của Sài Gòn. Những lúc ấy nó thấy cô Doãn chìm, nhòa, tầm thường và lẻ loi đến tội nghiệp. Tới ngã tư đèn đỏ thì nó cua về.


3.
ngày xưa hoàng thị

Nhà Kiệt chỉ cách Trung Tâm Bồi Dưỡng Bách Khoa có 10 phút đi bộ nhưng sau khi học được nửa khóa 3 tháng, mỗi tối ba năm bảy nó đạp xe luôn qua ngã tư để theo cô Doãn đến tận ngõ hẽm Chợ Ga. Nó bắt đầu bị hút, có lẽ chẳng phải từ cái hôm cô Doãn đang giảng bài bỗng đi thẳng xuống cuối lớp đứng ngay chỗ nó ngồi hỏi công khai đồng hồ em đâu? Trước đó một ngày nó đã quyết định tập thêm vài thói quen mới với cô Doãn. Cả lớp quay lại ngó làm như cùng chờ câu trả lời. Nó líu lưỡi. Bà ngồi cạnh nhân tiện nửa đùa nửa thật vậy cho bỏ cái tật coi đồng hồ.


4. động hoa vàng

Cô Doãn sống với bé Bobo 10 tuổi trong một căn phố bề ngang 4m bề dài 12m như hầu hết các căn phố của cả nước. Vô hẻm Chợ Ga quẹo hai lần mới đến nhà vì số nhà có hai gạch xổ mà hầu như mọi người Việt Nam đều đọc là xẹt. Hai trăm năm mươi ba xẹt mười một xẹt sáu. Xóm nhỏ chen chúc nhưng không huyên náo ô hợp do đa số các gia đình đều là công chức. Bé Bobo ốm nhom ốm nhách tay chân lỏng khỏng tóc dài hay đứng trong nhà câu cửa sổ chờ mẹ đi dạy về từ các lớp đêm. Kiệt thường khựng ở cua quẹo thứ nhất chờ cho cô Doãn dẫn xe vào nhà mới đạp trờ tới nhìn vô. Phòng khách bày trí đơn giản, sâu phía trong vọng ra tiếng bát đĩa khua lanh canh và tiếng Bobo hỏi chuyện tía lia. Kiệt đoán hai mẹ con đang lục đục làm bếp. Nó hình dung bàn tay phải của cô giáo móng còn đóng trắng phấn viết bảng đang bằm xắt xào nấu cho bữa cơm chiều lúc 9 giờ đêm.


5. mê lộ

Kiệt bị hút không phải vì cô Doãn quan tâm đặc biệt đến nó trong giờ học hay vì cô tỉ mỉ để ý nó không đeo đồng hồ ngày hôm ấy. Ðó chỉ là một cái cớ. Nó thấy tung tích cô thật bí mật, cách hành xử không giống các giáo viên khác. Mạnh mẽ như đàn ông trong lúc giảng dạy, cười nói thân tình với các đồng nghiệp trong phòng giải lao nhưng rồi thu lại nhỏ xíu lạnh ngắt khi chỉ còn lại một mình. Kiệt tò mò muốn biết cô là ai. Khóa đàm thoại trung cao chỉ kéo dài 3 tháng đủ số tiết rồi giải tán vì không đủ học viên để mở khóa tiếp nối. Thông thường lớp sơ cấp bao giờ cũng đông nghẹt học viên ghi danh vì trình độ làng nhàng hơi nhiều. Số này rụng dần khi lên trung cấp và càng co lại ở trình độ cao hơn. Ða số bỏ học vì không theo kịp, vì chuyện đi đứng kéo dài làm nản, vì có thay đổi trong dự định tương lai hoặc quá mỏi mệt do phải vừa kiếm sống hàng ngày vừa chuẩn bị cho một kiểu sống khác. Biết cô Doãn có dạy nhóm ở nhà, Kiệt mừng rỡ xin thời dụng biểu, rủ thêm vài bạn khác đến nhập nhóm cho ra vẻ tự nhiên.


6.
thiên đường mù

Trong căn nhà đó Kiệt biết thêm vài khuôn mặt nữa của cô Doãn. Cô dễ tính và gần gũi hơn với học viên các nhóm. Có những buổi tụ tập không phải để học, chỉ để vui chơi tất niên hoặc lễ lộc, cô Doãn bày nấu món này món nọ đãi các học viên, trò nào cũng có gia đình hoặc địa vị xã hội, có trò râu tóc bạc phơ vẫn cô cô em em, nghịch như giặc. Những lúc ấy trông cô trẻ lắm. Ngực cô lép xẹp, cô lại hay mặc quần din xắn hai gấu lên khỏi mắt cá; nhìn cái đám nhốn nháo không thể nhận ra ai là nhà mô phạm. Bé Bobo được tất cả mọi người cưng chiều, con cô giáo mà. Mỗi lần có ăn uống tụ tập, bé đánh dương cầm giúp vui. Kiệt thắc mắc không hiểu sao trong những năm ăn bo bo thay gạo, cô Doãn còn giữ được cái đàn và đầu tư cho con gái cái món phải gọi là xa xỉ trong thời buổi ấy. Vào những lần xé lẻ đến thăm riêng cô giáo, Kiệt thấy cô Doãn còn nhiều ngóc ngách khác, im ỉm, đen tối và gây tò mò. Những cái đó làm nó ngộp. Một cái gì đó vượt quá sức chịu đựng. Nó lân la đến chơi thường xuyên với Bobo, ở lại lâu, làm bộ sửa cái này chỉnh cái kia trong nhà, dần dần được mời ăn cơm gia đình, chở Bobo đi học khi cô Doãn bận công việc, tình nguyện đưa đón cô Doãn đi dạy khi cô ốm hoặc trời mưa. Có hôm Kiệt không muốn về. Bobo mét:

– Mẹ, con buồn ngủ quá mà anh Kiệt không chịu về.

Cô Doãn nói :

– Kiệt về đi cho em ngủ.

– Nhà anh đi Vũng Tàu chơi hết rồi, bé Bo nói mẹ cho anh ngủ lại đây cho vui.

Cô nói :

– Thôi về đi.

Cô lại thu nhỏ, nguội ngắt, vô phương thâm nhập. Nhưng nhân những buổi đó Kiệt thỉnh thoảng lúc nói chuyện làm bộ vô ý gọi cô Doãn bằng mẹ. Mẹ ơi Bobo không chịu uống thuốc ho. Xin phép mẹ đi rồi anh chở Bo đi ăn kem dừa. Lâu ngày cô Doãn có hôm buột miệng hai đứa ồn quá để mẹ đọc báo chút. Hai người dần dần đổi cách xưng hô. Hồi học ở Trung Tâm Kiệt xưng em với cô Doãn, còn cô xưng tôi với tất cả các học viên.


7.
vòng tay học trò

Cô Doãn nghĩ, chà, giống vòng tay học trò quá. Thằng nhỏ mới 20 tuổi, ra tòa thì chắc là không nhưng ngó coi dị òm. Ba người thường đi chơi chung cuối tuần, Kiệt chở bé Bo còn cô Doãn đạp xe một mình. Mấy bà bán hàng khen hai anh em trắng trẻo trông giống nhau như đúc. Cô có con trai lớn há, sắp cưới dâu bây giờ, lớ quớ làm bà nội trẻ. Nói chung gia đình hạnh phúc. Nếu cô Doãn đẻ được Kiệt, cô phải hư thân mất nết lúc 17 tuổi. Ðại khái một cô gái non lòng nhẹ dạ ham vui lấy chồng sớm rồi dang dở sớm cũng là chuyện thường. Hàng xóm cô Doãn không đàm tiếu gì, chỉ thấy cô giáo có thằng đệ tử ruột theo phò.


8. vũng lầy của chúng ta

Kiệt có 2 anh trai, 5 chị gái, bố mẹ già 70 tuổi. Năm 54 cả gia đình di cư vô Sài Gòn lập nghiệp tậu được căn phố trong hẻm Vườn Chuối nơi Kiệt ra đời. Căn nhà ngắn ngủn vậy mà quây quần 13 người kể cả hai chàng rể và 3 đứa cháu ngoại còn chạy rần rần. Cũng đỡ, năm nọ hai người anh vượt biên được tàu vớt cho định cư ở Úc, không thôi thì 15 người, và có thể hơn, chen chúc trong cái ổ gần như vuông vức. Không thấy phòng ốc gì cả; bước vô gặp ngay 6 ghế xoay quanh một bàn chữ nhật mặt kính lộng hình tài tử Hồng Kông xé từ trong lịch tháng, hai cái giường loại 1m60, một tủ lạnh lớn, TV kê trên tủ lạnh; vô chút xíu đụng liền nhà tắm cầu tiêu rồi cầu thang gỗ dẫn lên gác lửng, chỗ ngủ của hai cụ. Nấu ăn ngoài hàng hiên. Kiệt ngủ ở ban công trên gác chỗ phơi đồ, trời mưa thì giăng mùng nhích vô vài tấc. Khi Kiệt ngủ lại nhà cô Doãn hai đêm thì cô đạp xe qua Vườn Chuối thưa chuyện với ông bà cụ :

– Thưa hai bác, thằng Kiệt nó ở nhà cháu…

– Vâng, cháu nó có xin phép. Ban ngày cháu học may bên ông cậu gần nhà cô rồi tối về đấy học Anh Văn luôn. Bảo đi như thế cho tiện, chỉ sợ cháu nó làm phiền cô thôi.

– Dạ có nó ở chơi cũng vui. Cháu sợ hai bác lo nó đi đâu bậy bạ, thanh niên tuổi đó…

– Ở bên cô thì chúng tôi lo gì nữa. Gớm cháu nó về cứ kể chuyện cô với con bé Bo mãi, giờ chúng tôi mới được biết mặt. Thế nó học hành có được không cô? Hôm nào mời cô với bé về ăn cơm gia đình cho vui.

Cô Doãn lí nhí một lát rồi xin chào ra về. Cô không ngờ mọi chuyện quá sáng sủa dễ dàng tự nhiên trong khi cô thấy ám khói. Cô cũng tự hỏi có thật cô cần một thằng nhỏ như vậy quanh quẩn trong nhà cho vui chăng.


9. bài luận làm tại nhà

Kể ra nó cũng được việc. Sáng xách nước lên gác tưới mấy cây kiểng của bé Bo rồi đi học may, ăn cơm tối xong biết phụ rửa chén bát, thỉnh thoảng lau nhà, lâu lâu ủi đồ, thậm chí còn cắt may cho cô Doãn một áo sơ-mi ca-rô kiểu đàn ông. Trông nó như thằng ở đợ, hơi hèn hèn. Có điều nó hát hay, giọng sang, thuộc nhiều bài tiền chiến vốn gần như bị quên lãng vào thời điểm đó để nhường chỗ cho Con Kênh Ta, Tiếng Chày Trên Sóc, Cô Gái Sài Gòn Ði Tải… Nó cũng chịu khó đọc sách các loại, huýt sáo có ngân rung và đam mê khốc liệt trong tình cảm. Cái này cô Doãn chưa biết cho tới một hôm nó đòi ba mẹ con ngủ chung. Bé Bo rất thích vì đang phải viết một bài văn tả không khí gia đình buổi tối. Cô Doãn đanh người lại, vừa để vậy vừa soi bói chờ xem trò quái quỷ. Cô mở mắt thao láo quan sát Kiệt, quan sát mình. Ðến gần sáng thì cô mềm người đi.


10. ngọn nến bên kia gương

 

Kiệt biết thêm một phía khác của cô Doãn. Ðó là một người đàn bà cô đơn nhưng làm mặt ngầu. Người đàn ông mà cô không hề nhắc tới vẫn còn nằm đâu đó trong hốc kẹt của quá khứ cô. Kiệt khều khều cho bật dậy rồi thằng cắc ké cùng gã trung niên khuất mặt toa rập nhau quần cho cô Doãn một trận nên thân, khiến những ngày sau đó cô thuần thục dịu dàng thấy rõ, nét cười sém chút nữa là chập vào khóe mắt vui. Còn vướng một chút xíu thôi, soi gương, cô Doãn cũng thấy thế.


11.
cuộc bể dâu

Ðến tháng thứ sáu thì Kiệt từ giã lên đường đi Úc cùng với gia đình.  Hai người anh vượt biên năm nào nay đã ăn nên làm ra, đủ điều kiện kinh tế và tư cách pháp nhân để bảo lãnh cả nhà trừ hai người chị đã có chồng. Chuyến đi này cô Doãn không hề nghe Kiệt nhắc tới cho đến ngày cuối. Cô thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng nhưng cũng thấy cái phần đời bấy lâu nay trĩu trĩu bỗng tênh tênh chao sang một phía như bị mất thăng bằng. Thôi cũng ổn. Thẳng khỉ sang bên đó chắc đi làm thợ may, vừa cắt đồ vừa huýt sáo nhạc tiền chiến cho nó thoát kiếp đời trai hẻm nhỏ. Gốc gác bình dân được vậy là ngon rồi. Giống nhiều người Việt Nam khác trước khi định cư ở nước ngoài, Kiệt đã cố học lấy một nghề. Các Trung Tâm, Câu Lạc Bộ náo nhiệt lớp cắt may, cắm hoa, bắt bông kem, nấu ăn, chụp ảnh, vi tính, sửa chữa máy móc điện tử… Tưởng tượng Mỹ, Úc, Gia Nã Ðại rồi sẽ tràn ngập hàng ngàn người Việt Nam làm việc vặt, mộng bình thường vậy đi làm gì? Nhưng Kiệt có vẻ mặt tự tại của kẻ đắc thắng. Vậy thì ai bại đây?


12.
lệ đá xanh

Xóm nhỏ chợ Vườn Chuối tò mò tọc mạch ngó chăm chăm vào cái gia đình đang chuẩn bị lên đường. Bà cụ mẹ Kiệt đã thay quần áo mới, giờ chót còn ngồi cầm cái gương con nóng nảy cạo lớp răng đen nhuộm từ hồi còn ở ngoài Bắc. Cô Doãn đạp xe chở bé Bo sang chào cả nhà. Tình thầy trò, tình mẫu tử, tình huynh đệ, tỉnh tỉ muội, tình bằng hữu và tất cả những thứ tình thiêng liêng khác trộn lộn lại, nhân danh, biện hộ, lộng kiếng treo tường, giương biểu ngữ hoan hô hoan hô.


13. bên cầu biên giới

Tiếng vỗ tay lắng xuống 6 năm hay ít ra bề ngoài có vẻ vậy. Hai bên thư từ như chơi bạn bốn phương. Kiệt viết thư kể chuyện đi học, tâm tình xa quê hương nhớ mẹ hiền, lời lẽ dè dặt từ tốn, đôi lúc hoa mỹ hơi sến, giống cây bút trẻ tập tành vào thi văn đoàn. Phảng phất, tình còn cháy. Cô Doãn tự nhiên thấy mệt muốn ứ hơi. Cô chịu hết nổi cái kiểu ne né, che che làm như ân hận chuyện đã qua, làm như tiếc cái đã không còn nữa, làm như ngầm hứa hẹn điều sắp tới. Ðối với cô trang điểm chỉ là để soi gương mà thôi, cô cũng sợ ảnh ảo. Giao lưu dần dần có thưa đi nhưng nhùng nhằng nhờ có bé Bo tham gia. Cô bé bây giờ nhôm nhổm thành thiếu nữ, viết thư nhõng nhẽo anh Kiệt gửi cho em sách truyện tiếng Anh, hình dán – vì em đang sưu tầm, băng nhạc hải ngoại, với áo pun quần din nữa nghe. Tay chân đã hết lỏng khỏng, mắt sáng môi tươi, học giỏi. Vài cậu thanh niên trong số học viên của cô Doãn ngó ngó nháy nháy, nhưng con cô giáo mà, ai dám, bả giủa chết. Sinh nhật 16 của bé Bo Kiệt làm việt kiều về thăm nhà nhưng không báo trước. Bữa đó bé Bo có xin phép mẹ cho đãi một đám bạn cùng lớp.


14.
giấc mơ hồi hương.

Nó xuất hiện ngay cửa và cô Doãn kêu lên trong lòng trời đất hỡi. Cái kiểu anh Cu xóm nhỏ ngày xưa mặc quần xà lỏn đá cầu được “tút” vội một cách thiếu căn bản để thành Việt Kiều, thứ này dạo đó chạy đầy đường như xe gắn máy nghĩa địa. Tóc nó thưa đi rồi, hơi hói, không cắt úp úp trước trán như George của Tứ Quái. Có xức nước hoa nữa nhưng hình như hơi lỡ tay. Bé Bo trề môi chê: Thấy ghê! Còn Kiệt thì chưng hửng trước cô thiếu nữ đôi tám hai mắt nheo nheo rất nghịch với cách nói chuyện chỏi chỏi. Cô Doãn 43 tuổi, da dẻ khô queo, tóc cắt ngắn, các cơ mặt đã dãn ra. Thay vì kêu lên ngạc nhiên hay mừng rỡ như Kiệt tưởng, cô có nét mặt hỡi ôi. Các bạn bé Bo rù rì ông nào vậy? Anh tao. Anh tâm thần.


15.
gót giày ngoại bang

Kiệt sượng trân những ngày sau đó, mặc dù, coi như chỗ thân tình cũ nó vẫn lui tới ngang nhiên nhà cô Doãn, lên phòng ngủ trên gác, vào nhà bếp ăn cơm chung, đi chơi khuya về gọi cửa, hát ồm ồm trong phòng tắm baby baby I can’t live without you, quấn khăn lông mình mẩy nhễ nhại nước đi ra đi vô tồng ngồng. Bé Bo cười hỉnh mũi Cha! Tây tà dữ. Cô Doãn nói: Loạn.


16. mục tiêu di động

Kiệt thấy lại dáng co cụm của cô giáo ngày xưa. Bây giờ nó là một chàng trai 26 tuổi, có bằng kỹ sư điện tử trở về từ nước ngoài, một người đàn ông đúng tiêu chuẩn mơ ước của các cô gái Việt Nam. Mọi cánh cửa phải mở ra, khước từ nào cũng sẽ làm nó nhục nhã. Từ khi còn là thằng cắc ké nó đã có thể đánh thức người đàn bà ngủ đông, lột mặt nạ đạo đức giả của nhà mô phạm làm vẻ chuyên chính. Sáu năm sau nó thấy cô Doãn xấu, lỗi thời, so le. Vẫn những giáo trình Streamline, On Speaking Terms mà nó đã dùi mài trước đây; các nhóm học có nhiều khuôn mặt mới với mục đích học đã khác, dù cung cách làm việc vẫn nhiệt tình hào hứng, nó thấy lạc điệu sao sao. Có cái gì giả giả nơi người đàn bà đó với cái mu rùa an toàn bà ta ngoan cố chui ra chui vô mỗi ngày, cái tung tích bí ẩn mà hồi đó đã hút nó vào mê hồn trận. Nó cũng cảm nhận trong nó một thôi thúc kỳ quặc phải chiếm hữu Bobo bởi lòng tự ái bị xúc phạm. Phần nữa, Bobo đẹp và trẻ.


17.
ru em từng ngón

Căn nhà này xóm này đất nước ngày, Kiệt nghĩ, ngàn đời nó sẽ vẫn như thế với những con người chưa nhìn thấy thế giới, chỉ biết rầu rầu an phận. Ba tuần lễ về Việt Nam làm nó mệt. Trong khi bà con xóm Vườn Chuối chào đón nó như quan Trạng về làng, các cô nhí đã lớn ẹo qua ẹo lại hỏi thăm anh Cu thế này anh Cu thế kia, lòng nó vẫn nguội tanh. Nó nghe anh ách như bị no hơi. Nhỏ hơn cô Doãn 17 tuổi thì kỳ nhưng lớn hơn Bobo 10 tuổi thì ổn, nó tính nhẩm.


18.
cát bụi

Sau kỳ về nước lần đó, Kiệt còn quay tới quay lui 5 lần nữa trong 5 năm liền rồi xin làm việc luôn trong nước. Mỗi năm Bobo lớn thêm một tuổi, điềm đạm, hay lý sự cùi, ngón đàn mướt đầy nữ tính. Kiệt bị hút cạn. Ham hố chinh phục ban đầu ngờ đâu về sau trở thành đam mê dằn vật chịu không thấu. Người đàn ông lý tưởng nay đã 34 tuổi, đầu sói sọi thắt cà-vạt ở villa đi xe Mercedes Benz có tài xế lái tay xách cặp Samsonite đeo đồng hồ Rado mang kính mát Rayban mới đây đã đứng ngay trước cửa lớp đêm của Trung Tâm Bồi Dưỡng Bách Khoa nhìn vô dãy bàn cuối. Cô Doãn 51 tuổi mang kính lão, một tay cầm quyền sách đang dạy tay kia đút túi quần, mắt nhướng nhướng đầu gật gật, giọng chùng.

 

Strasbourg

Trần thị NgH

*

Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:


Xin click vào link sau:


https://issuu.com/dreamteam1005/stacks/fd347a6e1e9f428ebf88885eb4d6b2b

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...