Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

QUÁN QUẢNG NAM Ở GÒ VẤP - Truyện Trần Thế Phong

 Dân sành cafe Sài Gòn chính hiệu mách bạn 5 địa chỉ thú vị để ngồi lì cả  ngày không chán

 

Năm 1997 người cháu mua đất làm nhà ở con hẻm 76 đường Lê Văn Thọ quận Gò Vấp thì ở đầu hẻm đã có quán càfê Thùy Trang.

Tên quán Thùy Trang nhưng khách quen thường gọi quán bà Ba Quảng. Sở dỉ có tên Ba Quảng vì bà chủ quán thứ ba gốc Quảng Nam. Quán cũng khá đông khách vì càfê ngon, tiếp đãi ân cần, giá cả phải chăng. Ngoài bán càfê, còn bán sinh tố, trà sữa và bánh mì.

Không biết ai trang trí quán, trông cũng khá ấm cúng, thơ mộng, còn giữ được cái hồn Quảng Nam. Trên tường bên trái treo hai bức ảnh thật lớn: Chùa Cầu và dòng sông Thu Bồn lặng lờ trôi. Tường bên phải treo hai bức tranh Mẹ Bồng Con của họa sĩ Bé Ký và Thiếu Nữ của họa sĩ Hồ Thành Đức. Phía sau quày tính tiền một bức tường ngăn phần bếp treo một tấm thư họa với chữ Tâm và bốn câu thơ:

<!>

 

Chữ tâm độc tự thế mà hay

Thành bại nên hư ở chữ nầy

Tuổi trẻ gắng rèn, già cố giữ,

Cuộc đời gắn trọn cả vào đây

 

Chữ viết như rồng bay phượng múa.

Bàn ghế thấp, đặt gần nhau ngồi rất thoải mái và ấm cúng. Có thể ngồi bàn nầy chuyện trò qua bàn bên cạnh, mỗi bàn bốn ghế. Bốn góc tường đặt bốn chậu kiểng, hai góc trong hai chậu trúc, cắt tỉa thật công phu, xanh mướt. Hai góc ngoài hai chậu lá màu đỏ sậm và màu tím nhạt. Quày tính tiền bên phải đặt một chậu bonsai, một tượng ông thần tài bằng gỗ rất đẹp, một bát cắm hương, một tượng nữ thần La Mã bằng thạch cao màu trắng và một đèn ngủ chân thấp, có cái chụp to vẻ hình hai cô thôn nữ đội nón lá thật thơ mộng.

Nhạc trong quán âm thanh nhẹ nhẹ, toàn là những ca khúc xưa trước 1975 của những nhạc sĩ và ca sĩ nổi tiếng một thời ở miền Nam.
Khách vào uống càfê phần đông là người Quảng Nam, vì con đường Lê Văn Thọ và hẻm 76 hầu hết là người Quảng Nam cư ngụ. Một người bỏ Quảng Nam chạy vào đây mua đất làm nhà rồi lần lần giới thiệu bà con, bạn bè đến cư ngụ lập nghiệp. Không như ở khu Bảy Hiền phần đông làm nghề dệt. Ở đây làm đủ thứ nghề: chạy xe ôm, chạy mối nhà cửa, cò đất, buôn bán ở chợ, y tá, thợ may, dạy học, nhân viên văn phòng…

Theo những người khách nói bà Ba Quảng năm nay tròn sáu lăm tuổi nhưng trông còn trẻ in như dưới sáu chục. Dáng cao ráo, gọn gàng, eo co cũng còn mặn mà. Nước da trắng, tóc bới cao, miệng cười má lún đồng tiền duyên dáng. Trang điểm nhẹ nhàng. Trông bà làm việc lanh lợi, miệng bằng tay, tay bằng miệng, luôn tươi cười chào hỏi khách.  

Bà có trí nhớ cũng đáng nễ. Khách vào hai lần uống thứ gì là lần thứ ba khách chưa kêu bà đã nói trước: càfê đen đá hỉ, sữa đá ít sữa nghe…Đi vào miền Nam lâu nhưng giọng Quảng Nam vẫn còn đặc sệt. Càfê thì mình bà pha cho khách, một cô tiếp viên chỉ làm sinh tố và bánh mì. Bà có bí quyết riêng nên càfê ngon hơn những quán khác cùng con đường, cùng khu phố.

Quán bà Ba Quảng có một tình cảm thân thiện đặc biệt, cùng hoàn cảnh lưu lạc, ai cũng biết và quen nhau. Bà là mối dây liên lạc giữa mọi người, bà biết gia cảnh, quê quán từng người. Ông ba xe ôm vợ sinh bà gởi giò heo hầm về ăn cho có sữa con bú. Ông Hai Quế vợ nằm bịnh viện bà gởi sữa insure uống mau khỏe. Ông Ba Lực không đến uống càfê hơn mười ngày bà biết là về quê xây mộ cho ông bà già. Ai dựng vợ, gả chồng cho con, mời bà là có mặt không thiếu một người…

Khách về thăm quê trở vào mua gói mè xửng, phong bánh đậu xanh, gói trà Mai Hạc biếu tặng, bà chía ra mời khách uống trà nói chuyện quê nhà...

Có một điểm đặc biệt là bà không dùng tiếng của chế độ mới và cũng không dùng chữ “cách mạng” hoặc “ngày giải phong miền Nam”. Bà thường dùng chữ mấy cha nội chiếm miền Nam hoặc là ngày sụm bà chè….Thành phố Sài Gòn không gọi thành phố Hồ chí Minh…

Những hôm thưa khách, rảnh việc, thường là ngày giữa tuần, bà gợi chuyện để khách bàn cải hay góp ý rất hào hứng :

- Thằng cháu tui về Trung mới vào nói ở Tam Kỳ Quảng Tín cũ, bây giờ cái gì cũng thay đổi. Trường Trần Cao Vân dời đi và cũng đổi tên, chỉ còn cổng trước của tỉnh đường Quảng Tín là không đập phá

Ông Ba nhà đất ngồi ở góc trái quán lên tiếng:

- Hồi xây dựng tỉnh đường, Quốc Gia mình yểm bùa sức mấy mà mấy cha nội giám phá, phá là tiêu tùng.

Ông Ba Tình giữ xe ở chợ Coop Mark ngồi bàn gần cửa ra vào nói có vẻ hiểu biết:

- Cổng trước tỉnh đường Quảng Tín, Dinh Độc Lập, Chợ Đà Lạt, Trường Đại Học Nông Lâm Súc Sài Gòn, Viện Đại Học Huế, Trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn, Viện Hạt Nhân Đà Lạt… là do kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ thiết kế, xây dựng là công trình kiến trúc của quốc gia, đập phá bị dân cho là ngu, chữi chết...

Ông Ba xe ôm ngồi một mình ở góc phải nói cộc lốc:

- Úi dà, mấy cha nội ni sợ chi.

Cứ thề, những ngày giửa tuần rảnh rổi bà gợi chuyện là bàn nhau rất hào hứng. Nào là chuyện thời sự thế giới, Việt Nam, chuyện đốt lò chống tham nhũng, chuyện tàu đánh cá Quảng Ngãi bị tàu lạ bắn chìm, chuyện nghệ sĩ nổi tiếng, chuyện quê nhà...Nếu lười đọc báo, xem TV sáng sáng ghé uống càfê là biết hết hết mọi chuyện trên đời. Có nhiều người khách nói với nhau, một vài ngày không ghé cafê bà Ba Quảng thấy nhớ nhớ, thiếu thiếu cái gì, bạn bè, tình người, tình quê, xa quê hương ngộ cố tri…

Thỉnh thoảng hứng chí, đang pha càfê bà cất lên giọng hát những bài ca trước năm 1975 nghe buồn nảo nùng:

“Chiều nay có phải anh ra miền Trung, về thăm quê mẹ cho em về cùng (*)…”
“Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm. Mái tranh nghèo không người sửa sang. Căn nhà thiếu hoa vàng mừng xuân..(**)..

Có lúc bà ngâm thơ:

Quê hương tôi bên ni Đèo Ải

Nhấp nhô bóng thuyền Cửa Đại

Già nua nếp phố Hội An

Ngũ Hành Sơn năm cụm ngắm sông Hàn

Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện (***)…

 
Rồi bà xuống sáu câu vọng cổ thật mùi không thua chi Thanh Kim Huệ:

Anh xin đưa em về, miền quê hương tươi thắm, với niềm vui cho từng bước chân trên đường quê thăm thẳm, nhịp cầu tre xinh xắn kia rồi. Lần dâng cao niềm xúc cảm bồi hồi. Sau lũy tre con đường làng mở rộng dâng bước chân người xa xứ trở về quê. Hàng tre nghiêng mình che bóng mát, mùi rạ thơm nồng như mùi vị quê hương. Bầy sáo hiền lành nhảy múa tung tăng ca hát xôn xao như chào dâng đón…Quê hương, ôi quê hương tuyệt vời…

Khi bà dứt 6 câu vọng cổ, khách ngồi ngẩn ngơ, có người bảo nữa đi chị Ba, có người bảo thôi chị Ba, buồn quá chị Ba ơi, nhớ quê không chịu nổi. Bà nói giọng ngậm ngùi:

- Thôi đủ rồi, hát nữa mấy chú, mấy anh buồn bỏ về quê hết tui bán càfê với ai...

Những người xa quê, tha phương cầu thực làm sao không buồn không nhớ đến nơi chôn nhau cắt rún…Những khách ngồi quán là những người sau năm 1975, có nhiều hoàn cảnh phải lìa xa quê kiểng, ôm một nổi sầu vạn cổ. 

                                                ***
Thời gian còn đi làm, tôi về Việt Nam được vài lần, xây mộ Cha Mẹ hoặc thăm Chị Hai. Về chưa tới hai tuần phải qua lại Mỹ. Ở lại nhà thằng cháu vài ngày rồi về Trung. Buổi sáng thằng cháu mua cafê về uống, không có thì giờ ngồi quán.

Từ ngày về hưu, giấy tờ hưu trí đã xong, tiền hưu vào ngân hàng, tôi về thăm Việt Nam hai tháng. Dự trù về lần nầy ở lại Sài Gòn tìm và thăm những người bạn cũ, thăm lại Sài Gòn vì Sài Gòn là quê hương thứ hai của tôi. Chắc chi sức khỏe tốt về thăm nhiều lần. Tuổi già như lá mùa thu biết rơi rụng lúc nào…

Tôi quanh quẩn ở Sài Gòn suốt nửa tháng, tìm những con đường cũ, những bạn bè xưa. Tôi đi lang thang trên những con đường Hai Bà Trưng, Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám), Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Thoại, Trương Minh Giảng (Lê Văn Sĩ), Trần Quốc Toản, Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Phan Đình Phùng, Công Lý (Nguyễn Văn Trổi), Cao Thắng… Nhất là con đường Hòa Hưng biết bao nhiêu kỷ niệm thưở còn đi học…

Những con đường giờ thay đổi quá chừng, đường một chiều, hai chiều, loạn xà ngầu. Những cầu trượt nằm chình ình trên những con đường đẹp, những ngã ba, ngã tư thoáng rộng trở nên chật hẹp, nóng bức...Những hàng cây sao cổ thụ thẳng tắp hai bên đường tỏa bóng mát quanh năm, thật thơ mộng, bây giờ không còn nữa. Dù rộng rãi nhưng cảm thấy trơ trẽn, chói chan.

Những người bạn cũ thân thương một thời cũng vắng hết rồi. Chỉ còn một thằng bạn bây giờ mất trí nhớ. Vào thăm chẳng biết chi mô. Cứ ngồi một mình nhìn ra đường cười...Hỏi gì cũng trả lời một câu: hết rồi, mất hết rồi. Tôi cảm thấy lạc lõng và bơ vơ. Sài Gòn bây giờ thật thay đổi, thay đổi từ con người đến cảnh vật.

Tôi tìm lại những quán cafê xưa của những ngày thơ mộng, tìm một chút riêng tỉnh lặng để nhìn Sài Gòn. Nào là quán Thu Hương trên đường Hai Bà Trưng, quán Đa La trên đường Đào Duy Từ gần sân vận động Cộng Hòa, cafê Hân trên đường Đinh Tiên Hoàng Đa Kao….Nhưng cũng thay đổi hết rồi. Đâu còn nữa.

Không biết làm chi trong những ngày còn lại. Vợ chồng thằng cháu đi làm. Các con đi học. Mỗi sáng đúng bảy giờ, tôi ra ngồi quán càfê Thùy Trang để giết thì giờ.

Tôi chọn một bàn gần góc ngoài để dễ nhìn ra đường và nhìn sinh hoạt trong quán.

Lần đầu tiên tôi cảm nhận quán cafê Thùy Trang một nơi rất gần gủi, thân thiện. Một điều gần gủi và thân thiện nhất là giọng nói Quảng Nam. Giọng nói nặng, chắc nịch, khó nghe, nhưng rất thân thương, chân thật. Giọng nói của cha me, anh em, bà con, bạn bè, hàng xóm láng giềng.

Một bàn ngồi bốn người, không biết vì chuyện gì mà tranh cải lớn tiếng, không ai hơn ai. Một người nhìn đồng hồ và ngưng cải nói lớn: Thôi tới giờ tau đi làm. Chiều hôm qua thằng cháu gởi vô cho ba ký bê thui Cầu Mống, chiều nay 5 giờ đến nhà tau nhậu. Nhớ đến đúng giờ tau đợi đó. Nói xong đứng lên trả tiền và đi. Ba người bạn cũng lần lượt ra đi. Quảng Nam là vậy, cải thì cải không hơn thua, giận hờn, bạn vẫn là bạn… 

                                             ***
Một buổi trưa trời Sài Gòn quá nóng, ngủ trưa không được. Tôi ra quán uống một ly sinh tố. Vừa bước vào quán, chị Ba Quảng chào tôi như người bạn quen thân từ lâu:

- Hôm nay anh hai không đi chơi đâu sao?  

- Dạ, trời nóng quá, chị cho tôi ly sinh tố bơ.

- Anh đợi em một chút.

Chị tự tay làm ly sinh tố và đem đến tôi. Chị ngồi xuống bàn bắt chuyện:

- Anh hai ở Mỹ về chơi lâu không?   

Tôi rất ngạc nhiên hỏi lại chị:

- Ủa sao chị biết tôi ở Mỹ về?

- Cháu Vũ nói cho em biết. Mỗi sáng cháu đi làm thường ghé mua một ổ bánh mì và một ly cafê đem theo. Vợ chồng cháu Vũ rất hiền, mấy đứa con ngoan và lễ phép.

- Chị Ba vô miền Nam lâu chưa? Tôi hỏi để gợi chuyện làm quen.

- Dạ, em vô trước năm 1975. Quê em ở Đại Lộc, học trường Nguyễn Duy Hiệu đến lớp đệ nhị, thi xong tú tài phần một, em mê văn nghệ nên xin đi vào Đoàn Văn Nghệ Xây Dựng Nông Thôn tỉnh Quảng Nam. Năm 1971 gặp ông xã, em nghỉ làm. Ông xã động viên vào Thủ Đức ra trường đổi về Sư Đoàn 18 Bộ Binh ở Long Khánh em theo chồng vào Long Khánh.

- Sau năm 1975 chị ở luôn trong Nam hả?

- Tháng 5 năm 1974, chồng em tử trận, em mua đất làm một nhà nhỏ nhỏ buôn bán nuôi hai con nhỏ. Đến ngày sụm bà chè em ở lại luôn Long Khánh.

- Sao chị lên Sài Gòn bán càfé? Tôi hỏi để biết thêm hoàn cảnh của chị.

- Năm 1982 con nhỏ bạn ở ngã tư Bảy Hiền thấy em ở Long Khánh khổ quá giới thiệu mua miến đất nầy và giúp em mở quán càfê.

Tôi hỏi thêm cũng vì tò mò:

- Tên quán Thùy Trang thật hay, hợp với bà chủ, chị đặt phải không?

- Thùy Trang là tên của em. Hồi xưa đi hát em cũng lấy tên Thùy Trang. Bây giờ cũng còn nhiều người nhớ giọng ca của em.

- Chị ba thật giỏi, một mình lo buôn bán nuôi con và cũng có đầu óc mỹ thuật trang trí quán rất đẹp vá ấm cúng. Nhạc chọn hay, những bài ca hợp với tuổi của tụi mình. Tôi khen chị thật tình.

- Cũng nhờ bạn bè giúp đỡ. Hồi em mới về đây chỉ cất được cái nhà tôn lụp xụp để bán càfê và mấy mẹ con ở. Lần lần dành dụm cất lên nhà nầy và cũng nhờ thầy giáo Tư trang trí, mua tranh ảnh, máy móc, hoa kiếng, bàn ghế… mới có được như vậy đó.

Mỗi sáng tôi vào quán đã thấy một người đàn ông trên dưới bảy mươi, đạo mạo, trí thức, vầng trán cao, đeo đôi kính cận dày, ăn mặc sạch sẽ, tươm tất. Đúng bảy giờ có mặt. Ngồi cố định một bàn ở góc phải gần quày tính tiền. Uống càfê đen, ăn bánh mì trứng, hút thuốc ba số 5, đọc báo. Đúng chín giờ rời quán. Khi rời quán, đến quày trả tiền chào một mình chị ba: anh đi nghe Trang.

Tôi hỏi tiếp:

- Thầy giáo Tư là người mỗi sáng ngồi góc phải một mình, ăn mặc rất lịch sự, uống càfê và đọc báo phải không?

- Dạ đúng đấy. Anh thầy giáo Tư giỏi lắm. Trước năm 1975 là giáo sư dạy Anh Văn ở Đà Nẵng. Sau năm 1975 mấy ông nội không cho dạy, làm thầy thuốc bắc, mở trường dạy tiếng Anh. Ảnh giúp em mọi chuyện mới có cơ ngơi như ngày hôm nay.

Tôi nghe chị Ba kể về thầy giáo Tư và còn hãnh diện được thầy giúp đỡ. Tôi nghĩ thầy giáo Tư xuất thân trước năm 1975, làm nghề thầy giáo, là một người trí thức. Tôi  tò mò muốn gặp thầy để làm quen và chuyện trò cho giết thì giờ trong những ngày còn lại.

Một buổi sáng chủ nhật vì ngủ dậy trễ, đến tám giờ tôi mới ra quán uống càfê. Quán hết chỗ ngồi, bàn nào cũng hai ba người, chỉ còn một bàn của thầy giáo Tư có một mình thầy. Tôi ngồi vào thì thầy giáo Tư hỏi tôi trước:

- Sáng nay anh hai uống càfê trễ, chắc trời nóng quá đêm qua không ngủ được?

- Dạ, tối hôm qua thứ bảy, thằng cháu nổi hứng mua bia và nấu một lẩu đồ biển, vợ nó nấu mì Quảng, hai bác cháu ngồi nhậu đến khuya mới đi ngủ, nên sáng nay dậy trễ.

Thấy tôi ngồi vào bàn Thầy Tư, chị Ba Quảng đem đến tôi một ổ bánh mì thịt nướng, ly càfê sữa như thường lệ và chị giới thiệu:

- Đây là thầy Tư và đây là anh Hai bác của cháu Vũ ở Mỹ về chơi. Hai anh làm quen, em nghĩ là hai anh sẽ hợp gu và sẽ là bạn thân cùng chí hướng.

Giới thiệu xong chị lại quày tính tiền cho khách. Tôi nói với thầy Tư:

- Chị Ba Quảng đúng là con gái Quảng Nam, lanh lợi, giỏi dang, khôn khéo, tình cảm. Chị ba cũng khen thầy Tư hết lời đó nghe.

Thầy Tư cười thật vui và nói:

- Thì cùng là người Quảng Nam tha phương cầu thực, và cùng hoàn cảnh bỏ làng bỏ xóm ra đi, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, Thùy Trang tính nết dể thương, thẳng thắn, biết sống hòa đồng, biết phải biết trái, giúp đỡ bà con làng xóm.

 Nghe thầy Tư khen và mắt nhìn về chị Ba Quảng rất trìu mến và tươi vui. Tôi hỏi tiếp để gợi chuyện:

- Nghe chị Ba nói thầy Tư trước năm 1975 giáo sư Anh Văn dạy ở Đà Nẵng và sau năm 1975 làm thấy thuốc bắc cũng nổi tiếng, mà sao lưu lạc vô miền Nam sinh sống?

- Đời tôi cũng ba chìm bảy nổi lắm anh hai ơi. Sau năm 1975 đâu có cần tiếng Anh, tiếng u gì nữa. Thầy dạy triết, dạy Anh Văn đều thất nghiệp. Ở Đà Nẵng chẳng biết làm chi tôi vào Thăng Bình mua mấy công đất dẫn vợ và hai đứa con nhỏ vào trồng rau, nuôi gà sống qua ngày. Nhà ở Đà Nẵng để đứa con gái lớn và mẹ vợ trông coi.

Tôi cảm nhận thầy Tư cởi mở, vui vẻ, có nhiều tâm sự. Tôi hỏi tiếp:

- Thầy làm thuốc bắc khi nào?

- Tụi mình là dân có chút ít học thức, Cộng Sản ghép vô tiểu tư sản, không cầm cuốc, cầm cày được nên tôi nghĩ ra làm thầy thuốc bắc. Hồi sinh tiền ông già có làm thuốc bắc, tôi biết một ít thuốc bổ. Người nhà quê thường hay đau đầu, đau bụng, sốt rét, thiếu ăn nên thiếu dinh dưỡng, mệt mỏi, xanh xao…Tôi lấy thuốc tây cà nhuyển gói lại, ai sốt rét tôi cho ký ninh, ai đau bụng đi tiêu chảy tôi cho uống dirrer, nhức đầu cho uống aspirin và kèm theo một thang thuốc bổ là hết bịnh. Thế là tôi thành ông thầy thuốc bắc nên bà con gọi tôi là ông thầy Tư.

- Thời đó bịnh hoạn gần chết cũng uống xuyên tâm liên, thầy phối hợp giữa thuốc bắc và thuốc tây là có hiệu quả. Nghề thuốc như vậy cũng sống được tại sao thầy bỏ vô Nam? Tôi hỏi để biết thêm cuộc đời một thầy giáo mô phạm sau 1975 bỏ dạy phải làm đủ nghề sinh sống.

-  Tôi có tay phục dược, ai bịnh tôi cho thuốc cũng đều khỏi. Dân Quảng Nam mình vốn trọng thầy trọng nghĩa. Cứu họ hết bịnh và họ biết tôi trước là thầy giáo họ càng nễ trọng. Tết nhứt bà con đến nhà mừng tuổi, biếu quà, thu hoạch được củ khoai, củ đậu, bầu, bí họ đem cho. Đi ra đường bà con gặp chào hỏi rất cung kính.

- Như vậy tụi cán bộ xã ấp ganh tỵ làm khó, chèn ép thầy phải không?

- Tụi cán bộ xã ấp thấy tôi không đi lao động, ở nhà mà có đồng ra đồng vô và được bà con nễ trọng, tụi nó đến nhà hỏi giấy phép hành nghề, bắt đóng góp tiền xây trường học, thương bịnh xã hội… Tôi thấy không ổn, sống không nổi ở vùng quê nầy, bàn với vợ là bán hết cơ ngơi về Đà Nẵng bán luôn nhà cửa đưa gia đình vào Nam. Nhờ người bạn chạy vào Sài Gòn năm 1975 giúp đỡ giới thiệu tôi mua đất gần chùa Pháp Bảo làm nhà và tìm cách sinh sống.

-  Thầy tính như vậy hay quá. Ở miền Trung mình có dính đến chế độ cũ khó sống lắm. Tôi ở tù ra tôi cũng không giám về Trung. Ở miền Nam cũng dể thở hơn. Rồi thầy mở lớp dạy Anh Văn hả. Tôi hỏi tiếp.

-  Tôi nghĩ tiếng Anh thời nào cũng cần, nên tôi mở lớp dạy tiếng Anh và tìm mấy quyển tiểu thuyết tình cảm ướt át, lâm ly của Anh, Mỹ dịch lại tiếng Việt và bán cho mấy nhà xuất bản.

- Người mình có cái đầu cũng hơn mấy thằng dốt. Ở Sài Gòn mà thầy nghĩ ra những công việc như vậy là sống khỏe. Tôi khen và phục thầy Tư thật sự.

- Tôi không ngờ nghề nầy rất khá. Học trò đến học không có chỗ ngồi. Các nhà xuất bản còn đặt tiền trước để tôi dịch sách cho họ. Bởi thế tôi nuôi được vợ con và cho con ăn học đàng hoàng khôn lớn, có nghề nghiệp và lập gia đình ổn định. Nhưng tôi gặp cái xui xẻo ập đến không ngờ.

Tự nhiên ông đang kể chuyện vui vẻ gặp may trong công ăn việc làm, gia đình hạnh phúc mà lại gặp xui xẻo tôi rất ngạc nhiên. Ông kể tiếp:

- Cách đây hơn năm năm tôi chở vợ đi thăm thằng cháu nội ở Bình Dương. Trên đường về bị một chiếc xe tải tông từ phía sau, bà xã ngã đập đầu xuống đường chết tại chỗ, tôi bị thương nằm viện gần một tháng. Tội nghiệp bà xã một đời khổ cực lo cho con cháu. Thật không ai nghĩ được chữ ngờ.

Nghe thầy Tư kể chuyện tại nạn xảy ra, vợ bị tử nạn bất ngờ tôi cũng điếng hồn. Ở đời những người có nhân hậu lại gặp những chuyện xui. Tự nhiên tôi cảm thấy thương ông, muốn gần gủi để trao đổi chuyện đời thường. Tôi cảm nhận thầy Tư là người hiểu biết, một kho tàn sách vở.

Gặp được một người bạn vong niên cùng quê ý hợp tâm đầu. Những ngày thường thầy Tư ngồi được từ bảy giờ đến chín giờ rồi về dạy học. Thứ bảy, chủ nhật tôi với thầy nói chuyện được lâu.

Học trò của thầy Tư đủ lứa tuổi và thành phần. Có nhiều học trò chín, mười tuổi, con cán bộ, đại gia. Những sinh viên nghèo ham học, nhiều học trò lớn tuổi đang giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng, làm lớn trong chính quyền. Mỗi người học Anh Văn có những mục đích riêng.

Thầy Tư tiếp xúc nhiều thành phần như vậy nên thầy nhìn thấy được mặt trái một xã hội đầy nhiễu nhương, tham ô, quyền thế, con ông cháu cha…

Từ khi người vợ qua đời, những đứa con không cho làm việc nhiều.  Buổi sáng dạy hai giờ cho những học sinh, sinh viên. Buổi chiều dạy hai giờ cho những người lớn cần luyện Anh Văn để giao tiếp. Thời giờ còn lại tập thể dục, đọc sách và trồng hoa kiểng.

Nhờ có kiến thức trước năm 1975, đọc sách và tiếp xúc với xã hội bây giờ, thầy hiểu và nhìn thấy được nhiều vấn đề trong xã hội. Mỗi sáng uống càfê với thầy Tư, trao đổi về văn học nghệ thuật, lịch sử nước nhà,.. không giám bàn luận về chính trị vì quán càfê đông người.

Một buổi sáng thứ bảy, tôi và thầy Tư đang uống càfê trò chuyện, chị Ba Quảng đến bàn ngồi xuống và nói rất trang trọng:

- Nghe cháu Vũ nói tối thứ hai tuần sau anh Hai trở về Mỹ, chủ nhật nầy em có đám giỗ ông xã, mời hai anh chiều chủ nhật khoảng sáu giờ đến uống với em ly rượu.

- Biết ông xã chị là người đồng hương, cùng người lính Quốc Gia đã hy sinh bảo vệ miền Nam. Tôi tính trước khi đi xin chị cho thắp anh một nén hương, nhưng nhân dịp giỗ anh tôi sẽ có mặt để thắp hương cho anh.

Nói xong tôi nhìn qua thầy Tư thì thầy lên tiếng:

- Từ ngày quen biết Thùy Trang, năm nào kỵ giỗ anh Ba tôi đều có mặt.  Tội nghiệp mới đó mà đã gần bốn mươi năm rồi.

Nói xong nhìn chị Ba thật triều mến. Thẹn thùng, chị Ba Quảng nhìn ra đường nói như nói với lòng mình:

- Em phận gái chồng mất sớm, con còn nhỏ dại, lo bươn chải làm ăn nuôi con, bà con họ hàng không có ai gần gủi, cũng nhờ thầy Tư giúp đỡ, con em mới nên người. Em không bao giờ quên ơn.

Có khách vào, chị đi pha càfê, tôi và thầy Tư chia tay và hẹn chiều mai chủ nhật gặp nhau.

                                                 ***

Đúng sáu giờ chiều, tôi đến quán càfê, không quên đem theo chai rượu Remy Matin XO hôm về tính gặp mấy người bạn rủ nhậu một bữa cho ấm lòng chiến sĩ, nhưng chẳng gặp ai.

Quán hôm nay nghỉ bán sớm. Tôi bước vào cửa lên lầu một đã thấy thầy Tư và chị Ba đang lăng xăng sắp xếp lại bàn nhậu. Thầy Tư hôm nay rất trẻ trung. Áo pull con ngựa màu trắng, quần kaki màu vàng nhạt. Chị Ba Quảng không giống như khi làm việc ở quán. Quần áo bà ba màu lụa Hà Đông, tóc xõa ngang vai, son phấn đậm hơn mọi ngày, thướt tha dịu dàng, yểu điệu thục nữ. Tôi thoáng nghĩ trong đầu, cũng đẹp đôi, một người góa vợ, một người góa chồng, biết đâu là duyên nợ.

Tôi chào hai người và xin phép chị Ba Quảng thắp hương lên bàn thở anh Ba. Nhìn hình anh Ba quá trẻ, đẹp trai, với màu áo trận, huy hiệu Sư Đoàn 18 Bộ Binh, bảng tên và cặp lon trung úy oai hùng.

Trên hai mươi năm chiến tranh tương tàn biết bao thanh niên như anh Ba đã hy sinh, biết bao nhiêu người đàn bà như chị Ba còn quá trẻ trở thành góa phụ. Nghĩ đến mình và những người bạn còn đến bây giờ cũng thật may mắn...Tôi rót hai ly rượu và thắp hương khấn vái.

Vừa xong thì chị Ba lên tiếng:                                            

- Em cúng ông xã buổi trưa để cho con cháu về tham dự, gặp nhau. Tối nay em dành cho hai anh uống rượu tâm tình.

Tôi lấy chai rượu rót ba ly và mời hai người cụng ly chúc sức khỏe. Khi cạn ly rượu tôi nói với thầy Tư và chị Ba Quảng:

-  Về chuyến nầy, tôi đi tìm những người bạn thân ngày xưa, nhưng chẳng còn một ai, cũng may gặp được thầy Tư và Chị Ba thật là vui vì cùng là đồng hương và chí hướng. Đời bây giờ khó tin người lạ.

- Anh hai nói đúng, quán em cũng toàn người quen, dân Quảng Nam lưu lạc, bỏ quê hương mà đi nên cùng quan điểm. Nhiều lúc khách nói lỡ chuyện gì cũng chẳng sợ tai vách mạch rừng.

Tôi thấy chị Ba hôm nay rất vui, nói chuyện duyên dáng. Chị kể những năm còn đi học, vui buồn những năm đi hát và gặp ông xã. Những ngày khổ cực khi chồng mất. Những ngày mở quán bán càfê, nhiều người thấy chị khổ cực đem lòng thương yêu, nhưng chị từ chối và quyết lo buôn bán nuôi con khôn lớn. Nhiều lúc khổ cực quá chị muốn buông xuôi, nhưng được nhiều bạn bè thương yêu giúp đỡ nên vượt qua những khổ đau, mới có được như ngày nay.

Chị tâm sự, mắt buồn vời vợi, đôi lúc nhìn bàn thờ anh Ba, đôi lúc nhìn thầy Tư triều mến.

Đôi mắt mơ màng sau đôi kính lão, thầy Tư chú ý nghe chị Ba kể chuyện cuộc đời gian nan, khổ cực. Thỉnh thòang chiêu một ngụm rượu và rít một hơi thuốc lá nhìn qua khung cửa mơ màng.

Thầy Tư cũng tâm sự vui buồn những ngày tháng đi dạy học trước năm 1975 và khổ cực sau ngày mất nước. Những tháng năm người vợ thân yêu qua đời. Buồn và lẻ loi. 

Thấy không khí buồn buồn, tôi đề nghị:

- Nhiều người bạn nói giọng ca chị Ba còn ngọt ngào lắm, không thua gì ngày xưa. Đề nghị chị Ba hát một bài để thay đổi không khí.

-  Em mê hát từ thời còn đi học, nhưng vì hoàn cảnh lấy chồng em bỏ hát. Nhiều lúc nhớ nhớ hát cho vui. Theo đề nghị của anh Hai em hát bài Nắng Chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Bài hát nầy hát lần thứ nhất em gặp ông xã, lần thứ hai ngày khai trương quán, thầy Tư tặng em một đóa hoa hồng và lần nầy là thứ ba em hát tặng hai Anh.

Giọng ca chị Ba không đờn không trống, nghe rất ngọt ngào, trầm ấm. thiết tha, bay bổng:

“ Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy, dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh. Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm. Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương… Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi. Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi…”

Dưng không tôi thấy chập chờn ẩn hiện khuôn mặt người bạn gái thời còn học trò trường Trần Cao Vân. Tuyết Ng...Những chiều mùa hè, nắng hanh vàng trải dài trên con đường có hai hàng cây sưa đi vao phường một Tam Kỳ. Gió chiều thổi nhè

nhẹ từ bờ sông. Hai đứa đạp xe song song, tóc nàng tung bay theo gió… Núp dưới bóng nắng chiều tháp Chàm Khương Mỹ tâm sự, nhưng chưa giám cho nhau một nụ hôn...Rồi chiến tranh. Rồi chia xa…

Vừa dứt bài ca, tôi nói với chi Ba:

- Nếu chi Ba không lấy chồng sớm và theo nghiệp cầm ca thì bây giờ là thần tượng của nhiều người. Giọng ca của chị vẫn còn ngọt ngào không thua gì danh ca Lệ Thu.

- Thùy Trang theo nghiệp cầm ca thì đâu có dịp ngồi với tụi mình như hôm nay. Thùy Trang là thần tượng của riêng tôi bây giờ. Thầy Tư nhìn Chị Ba mĩn cười say đắm.

Nhắc đến thần tượng làm tôi nhớ đến một điều mà nhiều lần tôi muốn hỏi thầy Tư, nhưng ngồi quán càfê đông người không giám hỏi.  

- Ở Việt Nam thầy Tư nghĩ thế nào về một thần tượng cả nước đang tôn thờ?

Trầm ngâm một lúc, uống hết ly rượu tôi vừa mới rót. Ông không trả lời câu hỏi, chậm rải kể chuyện:

- Trước năm 1975 tại thị xã Tam Kỳ có thằng Hùng Râu là lính Sư Đoàn 2 đào ngũ, tụ tập một số lính đào ngũ đi ăn cướp và bảo kê các chợ. Sau năm 1975 vẫn tiếp tục ăn cướp. Mấy cha nội nầy bắt xử tử tại sân vận động trước tỉnh. Dân Quảng Tín hồi đó đói meo. Đói sinh ra chơi số đề để cầu may. Chơi số đề sinh ra mê

tín dị đoan, nằm mơ đoán mộng, xin thầy ngãi thầy bùa, nhất là cầu cơ xin số. Dân chơi số đề cầu cơ gặp hai người hiện lên cơ cho số. Một vị xưng là Thần và một người xưng là Hùng Râu. Khi nào thằng Hùng Râu hiện lên cho số là trúng chốc. Gặp vị Thần cho số có khi trúng khi không.

- Đó cũng là điều lạ, thằng Hùng Râu chắc lên Thánh rồi. Tôi hỏi lại Thầy Tư.

- Thánh gì mà Thánh. Ông Thần cho số trật hoài mấy người cầu cơ hỏi Ông Thần trả lời: thằng Hùng Râu là du đảng, dân đâm thuê, chém mướn, mỗi khi xổ số lấn vào bốc con số hắn cho bỏ vào lồng cho trúng. Khi nào hắn đi nhậu hoặc đi tán gái Thần cho mới trúng. Thần là người có học, có nhân cách không làm được như nó. 

Dân chơi số đề xin số của Hùng Râu đánh đâu trúng đó, bèn làm một miếu thật lớn bên đường, trước sân vận động, vẽ hình thằng Hùng Râu, có bộ râu quai nón như Trương Phi, đặt trên bệ giữa miếu. Ngày đêm hoa quả, hương khói nghi ngút. Có người trúng lớn đem cả con gà, đầu heo đến cúng tạ ơn. Đi buôn bán, xe ôm đến thắp hương khấn vái hằng ngày. Nhất là mấy ông xe đò từ Hà Nội vào, Sài Gòn ra, ngừng xe đem hoa, bánh trái cúng bái xin Hùng Râu phù hộ lái xe an toàn. Mấy thằng giữ bò, giữ trâu, ăn xin được hưởng no nê. Dân thì đói mà mấy thằng đó hưởng của lộc hằng ngày.

-  Như vậy thằng Hùng Râu là thành Thánh rồi chứ gì?

- Thánh, Thần gì không biết nhưng dân ở Tam Kỳ không gọi thằng Hùng Râu mà gọi Ông Ngài Hùng.

Chi Ba ngồi chăm chú nghe Thầy Tư kể chuyện, đến đây chị lên tiếng.

-  Sao giống Ông Bình Vôi của nhà văn Phan Khôi phải không Anh Tư?

Thầy Tư và tôi đồng lên tiếng:

- Ông Bình Vôi và thằng Hùng Râu tuy hai mà một.

 Ba người uống hết ly rượu cuối cùng cười ngắc nghẽo chia tay  .…                                                               

 (*) Quen nhau trên đường về - nhạc sĩ Thăng Long(**) Xuân nầy con không về - nhạc sĩ Nhật Ngân(***) Thơ Tường Linh

 

Trần Thế Phong

(Tác giả gởi)                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...