Thứ Ba, 5 tháng 4, 2022

Tắm mỹ nhân ngư - Truyện Nguyễn Thạch Giang


 

Hè này hai vợ chồng anh Tám dẫn mấy đứa con về Việt Nam chơi sẵn dịp chị Tám sửa sắc đẹp. Chị muốn xăm lại cặp chân mày và xóa vết nhăn ở đuôi con mắt. Mấy năm qua anh chị kiếm được kha khá nhờ đầu tư địa ốc đúng lúc. Chị cũng muốn cất lại căn nhà của cha mẹ ở dưới quê đâu miệt Đồng Tháp, cất nhà mới thiệt lớn thiệt đẹp chớ rồi cũng để đó không ai ở, anh em chị từ lâu đều ở Mỹ.

Anh Tám có hẹn với anh Tư lần này về hai anh em mình đi “Tắm mỹ nhân ngư” cho biết mùi đời với người ta. Anh Tư là người lối xóm bên Mỹ ở cái vùng thung lũng điện tử này, cái vùng mà mấy ông nhà báo đặt cho nó cái tên mỹ miều là “Thung lũng hoa vàng” mặc dầu anh chẳng bao giờ thấy hoa vàng ở đâu.

<!>
Sáng sớm anh Tám đã đến nhà anh Tư gõ cửa, anh từ quê vợ miệt vườn Đồng Tháp đáp chuyến xe sớm lên Sài Gòn gặp anh Tư. Hai anh có hẹn cùng nhau dấu vợ đi Vũng Tàu “tắm mỹ nhân ngư”, lúc đầu anh không hiểu tắm mỹ nhân ngư là tắm làm sao, tưởng gì té ra đó là “tắm ôm”. Ở Việt Nam thì đàn ông rất thích ôm, nếu làm thống kê có thể đứng đầu thế giới, có thể lập kỷ lục ghi vào sách Guiness. Hết bia ôm rồi tới cà phê ôm karaoke ôm ngủ ôm, bây giờ thêm cái màn “tắm ôm”. Tắm ôm thì đàn ông thế giới đã biết từ lâu rồi, hai người đứng dưới vòi hoa sen hay ngâm mình trong bồn tắm vừa tắm vừa ôm hay muốn làm gì thì làm…tự nhiên. Còn cái màn “tắm mỹ nhân ngư” này thì chỉ ở Việt Nam mới có, tắm ngoài biển đàng hoàng vừa tắm vừa ngắm cảnh vừa ôm … nàng tiên cá.

Vợ anh Tư ra mở cửa, chị Tư cũng trạc tuồi vợ anh Tám, trong khi chị Tám lúc nào cũng chú trọng bề ngoài ăn mặc hợp thời trang xài hàng hiệu thì chị Tư lại thích làm từ thiện. Một năm đôi ba đợt chị đóng tiền góp phần quà cho người già cả neo đơn. Vừa gặp anh Tám là chị không bỏ qua cơ hội.

– Anh Tám, đang có đợt giúp người nghèo mổ mắt cườm, anh giúp một phần đi.

– Một phần là bao nhiêu?

– Mổ mắt cườm cho một người khoảng ba trăm.

Anh Tám móc túi, tui không có sẵn tiền, thôi tui giúp nửa con mắt chị phụ nửa con nhe.

Chị Tư cười hề hề, “Rồi hai ông tính dẫn nhau đi đâu đây?”

– Đi kiếm cái gì ăn trước rồi đi lòng vòng thăm bạn bè thăm người xưa cảnh cũ.

– Đi ăn hủ tiếu Thanh Xuân đi, mà ăn hủ tiếu khô mới ngon.

Anh Tư từ nhà trong bước ra kéo anh Tám đi cho lẹ. “Đứng đây một hồi bả hỏi linh tinh rồi bả đòi đi theo thì bỏ mẹ”.

Hai ông bước ra đường đón taxi. “Chú em làm ơn cho tụi tui tới quán hủ tiếu Thanh Xuân khu chợ cũ”. Anh Tư nói mình đi ăn hủ tiếu về bả có hỏi mà biết đường trả lời. Bả thì lúc nào cũng hủ tiếu, mà phải là hủ tiếu Thanh Xuân chánh gốc, mấy chục năm rồi mà cứ mãi … Thanh Xuân.

Anh tài xế taxi thấy hai ông khách có vẻ hơi là lạ, đoán là Việt kiều chắc ở bển mới về. Anh mới từ quê lên mấy tháng nay, chạy taxi chớ thiệt tình cũng chưa biết hết cái thành phố Sài Gòn rộng mênh mông này. Khu phố nào mà chẳng có quán hủ tiếu, anh cũng chẳng biết cái chợ nào là cái chợ cũ, chạy quanh co một hồi anh thả hai ông khách xuống quán hủ tiếu “Thanh Tâm chính gốc”, hai ông khách Việt kiều đứng ngó ngó rồi cũng bước vô. “Ủa Thanh Xuân sao bây giờ lại Thanh Tâm?”

Ăn xong hai ông đón taxi ra bến Bạch Đằng tìm trạm tàu cao tốc. Nghe tiếng đồn đã lâu giờ muốn đi Vũng Tàu bằng đường biển xem sao, ngó cảnh biển chắc cũng thú vị. Lúc chờ mua vé, anh Tám bỗng hơi lo hỏi anh Tư “không biết trên tàu có phao cấp cứu an toàn không anh?”. Anh Tư nhìn quanh thấy hành khách toàn Tây ba lô nói trấn an “chắc không sao đâu, Tây ba lô nó còn không sợ”.

Đến Vũng Tàu hai ông bạn tìm mướn khách sạn sau đó thì đi ăn trưa. Còn sớm chán, chưa tới giờ hẹn với nàng tiên cá để đi tắm mỹ nhân ngư. Lâu ngày trở lại thành phố biển này sao mà nó khác lạ nhìn không ra, từ cảnh vật cho tới con người. Về phòng khách sạn chưa kịp ngã lưng đã có tiếng gõ cửa. “Mấy anh có muốn mấy em lên mát xa thư giản chút không anh, học sinh giờ nghỉ hè kiếm thêm tiền phụ gia đình”. Một thanh niên trẻ có lẽ làm trong khách sạn mời mọc. Anh Tám lắc đầu định từ chối thì anh Tư lên tiếng, “học sinh thiệt hả”. Anh chàng thanh niên cười cười trong bụng nghĩ cha ơi sao hỏi câu gì nghe mà ngố vậy cha. Anh Tư vỗ vai anh Tám.

– Hay là anh xuống dưới chơi chút chừng một tiếng trở lại, tự nhiên tui thấy đau lưng.

Anh Tám cười hê hê “hèn gì bà xã ông giữ ông khít rim, giữ khít rim vậy chớ không lợi với ông”.

Anh Tám nghĩ đi đâu bây giờ đây giữa trưa nắng chang chang, đi một mình lang thang sao mà chán mớ đời. Anh nói với cậu thanh niên trẻ chuyên đưa đường dẫn mối.

– Ông này thì đắm lưng còn tui thì cần một người bạn gái để tâm tình, không cần đẹp chỉ cần người đó hơi ốm tóc dài và có một chút mê thích nhạc và thơ.

Có lẽ đây là lần đầu nghe một ông khách có yêu cầu không giống ai, nhưng có hề chi, khách hàng là thượng đế, muốn cách gì em cũng chìu. Anh chàng thanh niên nói hai anh chờ chút em trở lại.

Không đầy mười phút sau anh chàng thanh niên trẻ trở lại cùng một cô gái dáng hơi ốm và có mái tóc hơi dài (không dài lắm như ý anh Tám muốn, nhưng con gái Việt Nam tóc dài chấm đít giờ tìm đâu ra, ngoại trừ mấy cô mang tóc giả múa minh họa trên sân khấu). Anh ta khều anh Tám nói nhỏ: “anh cho em xin một triệu, phí dịch vụ đi chơi một giờ, tiền bo thì tuỳ anh”. Anh Tám lẳng lặng móc bóp, bởi anh cũng hiểu luật lệ ở đây là “tiền trao cháo múc”.

Anh Tám rất mê thơ, mê từ hồi còn học trung học. Mấy năm nay anh nhảy ra làm thơ, tuần nào anh cũng có thơ đăng trên Facebook và trên mấy trang văn học trên Internet. Bà xã của anh gặp ai cũng khoe, “ảnh là nhà thơ”.

Nhà thơ và nàng thơ đi dọc theo con phố nhìn ra biển tìm cảm xúc làm thơ, nhưng trời nắng quá hai người tìm quán nước ghé vào.

– Anh tên Tám còn em tên chi?

– Dạ em tên Mộng Cầm.

Anh Tám bỗng giật mình khi nghe em nói em tên Mộng Cầm. Công nhận người ở Việt Nam bây giờ nhanh thiệt, mình mới vừa nói muốn quen một cô thích thơ, có ngay nàng “Mộng Cầm”. Anh thử tài cô nàng ngâm hai câu thơ của Hàn Mạc Tử.

Ai mua trăng tôi bán trăng cho…
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ…”

Cô nàng như một diễn viên nhập vai nắm tay nhà thơ, mắt lim dim môi lúng liếng.

Ai mua trăng tôi bán trăng cho…
Chẳng bán tình duyên…ước hẹn hò”.

– Không bán?

– Không.

– Không mua được bằng tiền?

– Không.

– Không mua được bằng tiền nhưng mua được bằng rất nhiều tiền?

Cô gái cười khúc khích đưa tay nhéo nhẹ nhà thơ. Nàng nhìn vào mặt anh chàng khờ khạo. “Nếu biết rằng em đã có chồng…trời ơi người ấy có buồn không…”

– Buồn năm phút.

Cả hai cùng bật cười, nhà thơ bỗng hỏi một câu (có thể nói hơi ngớ ngẩn).

– Em đã có chồng?

Cô nàng lại nắm tay nhà thơ, đôi mắt nhìn vào cái mặt hơi khù khờ nói như hát “Tình là tình nhiều khi không mà có. Tình là tình nhiều lúc có…như không”

Anh nhà thơ vỗ tay tán thưởng miệng khen cô nàng duyên quá là duyên. Anh lại muốn thử tài cô gái trẻ.

– Anh đố em câu này, em mà trả lời đúng anh thưởng em cái iPhone đời mới. Đố em tên thật của nhà thơ T.T.K.H. là gì?

Cô nàng cười rộ, thiệt nhe, anh hứa thì giữ lời nhe.

– Thiệt đó.

Anh nhà thơ chờ cô nàng sập bẫy, chủ tịch hội nhà thơ sợ còn chịu thua em sức mấy.

– Nhưng anh đâu có mang theo cái iPhone ở đây, em mà nói đúng rồi anh đi mất tiêu em biết anh ở đâu mà tìm.

Anh nhà thơ hơi khù khờ chợt nhận ra cách gì thì mình cũng thua cô gái trẻ nầy, chợt có tiếng điện thoại reo vang. “Ông đi đâu mà lâu dữ vậy, nàng tiên cá đang chờ”.

Nhà thơ móc hết mớ tiền lẻ trong túi, nói một cách lịch sự: “em giữ chút này coi như quà của anh, rất vui khi quen em hôm nay”.

Cô gái trẻ kéo anh chàng khù khờ lại gần nhẹ hôn lên má, “cám ơn anh! Chúc anh vui”.

Nhìn cô vội bước đi anh thấy vui vui, cô nàng cũng khá là duyên đó chớ.

Nàng tiên cá Vũng Tàu không được đẹp như sự tưởng tượng của hai ông khách. Một cô mắt hí lại sún răng.  Một cô thì đen tướng tá như đàn ông, chắc suốt ngày bơi lội ngoài biển đóng vai người cá. Nhưng tiền nào của đó, đâu phải đại gia mà mấy ông đòi đẹp như “Mỹ nhân ngư của Châu Tinh Trì”.

Anh Tám lấy trong túi xách ra hai cái quần ngắn loại quần thể thao của thằng con cho mượn, nó đẻ ở Mỹ cao to anh mặc có hơi rộng, anh Tư bụng bự nên không có vấn đề. Thằng nhỏ còn trẻ thích màu mè, cái quần của anh màu vàng chanh còn cái quần của anh Tư màu cam nổi bật trong đám người tắm biển hôm nay. Lúc hai ông từ phòng thay đồ bước ra mọi người đều ngó, nàng tiên cá thì cười khúc khích khi thấy ông nhà thơ vừa đi vừa vịn cái quần (kẻo tuột).

Hai cô nàng thủ sẵn hai cái phao loại cổ điển (không tốn tiền mua, đó là cái ruột xe Huê kỳ thời hồi đó). Bốn người dẫn nhau xuống biển … tắm. Biển Vũng Tàu đông nghẹt người, chen lấn xô đẩy mạnh ai nấy tắm. Hai nàng tiên cá biểu diễn vừa bơi vừa múa ngụp lặn trèo lên ngồi xuống cái phao như diễn viên đoàn nghệ thuật múa nước. Anh Tư tranh thủ lâu lâu “ôm” nàng tiên cá một cái, nhưng anh không phải dân thủy thủ lại ít khi tắm biển, vừa lội vừa ôm mỹ nhân ngư coi bộ hơi khó, anh một tay ôm cái phao, tay kia quơ quào bậy bạ. Có mấy cặp nam thanh nữ tú bơi gần đó cứ đưa mắt nhìn. Một cô gái trẻ bơi đến gần anh nhìn cho rõ, cô trề môi quay sang  nói với cô bạn “ông già”. Ủa lạ chưa kìa, già thì sao em, em không nghe người ta nói càng già càng dẻo càng dai đó sao.

Anh Tư thấy cái quần tắm màu vàng chanh trôi phập phều gần bên, ngó sang anh Tám thì y như rằng, anh chỉ cho nàng tiên cá thấy nhà thơ bị sút quần, cô nàng cười hô hố mấy người bơi gần trố mắt nhìn. Nhà thơ cười bẽn lẽn, cái quần hơi rộng, cũng may ông thấy kịp, nó mà trôi mất mẹ tui không biết làm sao lên bờ.

Lúc tắm nước ngọt thay quần áo trở ra, hai ông bạn đã thấy hai nàng tiên cá đã sẵn sàng đang đứng chờ… tiền bo. Trên đường trở về khách sạn, ngang qua mấy hàng đồ biển hai nàng rủ rê hai anh vô ăn. Hai em vốn là người cá nên nhìn hai em ăn ngao sò ốc hến…thấy mà thèm. Cô nàng răng sún chợt lên tiếng hỏi.

– Hai anh ở Mỹ tiểu bang nào vậy?

Rồi, cái gốc Việt kiều bị lộ hàng. Cô nàng tiên cá da ngâm đen tướng như lực sĩ điền kinh, cầm tay anh Tư nói tình tứ.

– Anh có người bạn nào…giống như anh…mà còn độc thân làm mai cho em.

Nghe cô nàng nói cũng thấy thương, nhưng anh nghĩ bụng em là người cá qua đó làm gì, bên đó đâu có mấy cái màn tắm mỹ nhân ngư như ở đây đâu em. Anh nói với cô nàng:

– Qua đó chi buồn lắm em, ở Vũng Tàu vui hơn.

Lúc lên xe trở về Sài Gòn, anh Tám nói với anh Tư  “trước khi về Mỹ mình trở ra tắm một lần nữa”.
Anh Tư trố mắt kinh ngạc.

– Ông khoái cái màn tắm ôm này rồi hả, mà tui có thấy ông ôm con khỉ gì đâu.

– Mình đã lâu lắm rồi mới trở lại Vũng Tàu, nhìn biển nhìn núi sao mà nhớ ngày xưa đến nao lòng. Giờ lớn tuổi trở về biển của một thời tuổi trẻ, giữa trời nước mênh mông bên cạnh một nàng tiên cá, mình chợt có một tứ thơ rất lạ, mình muốn trở lại tìm cảm xúc để hoàn thành bài thơ.

– Tắm ôm.

– Không, thơ chớ có phải phóng sự đâu mà đặt tựa cho sốc giựt tít câu view. “Tắm Mỹ Nhân Ngư”.

 
Nguyễn Thạch Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...