Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Bà Mẹ - Truyện Trần Yên Hòa

Reader's Digest | 85 Mother's Day Wishes for 2022: What to Write in a Mother's  Day Card

 

Bà Khải, mẹ Soại, là một người đàn bà nhà quê lam lũ. Bà sống với cánh đồng, với thửa ruộng, với đám khoai từ thuở còn là con gái. Bà đã trải qua bao nhiêu chế độ. Chế độ nào bà cũng là người dân tay lấm chân bùn bình thường. Nhưng rồi hai đứa con trai của bà lớn lên đi lính, đóng ở cùng nơi chi xứ, bà lo lắng cho hai đứa con trai nên bà cũng mong cho phe quốc gia được thắng trận. Nhưng không may cho bà, phe Quốc gia thua trận, các con bà thất tán mỗi đứa mỗi nơi. Bà một mình trong căn nhà tranh lạnh lẽo. Đứa con gái lớn có nhà gần chợ Quán, thỉnh thoảng ghé thăm mua cho bà con cá, miếng thịt. Còn thì bà cứ rau dưa hàng bữa. Bà sống âm thầm như một cái bóng. 

<!>

Từ ngày tháng ba, những người trên núi về đây lập chính quyền, kêu gọi dân chúng đi dân công phá mìn, khai thông đồn bót. Những người bạn với Soại, cùng sĩ quan như Soại, đều bị bắt, dẫn lên núi, nhốt đâu trên Tiên Lãnh, một nơi tuốt trên núi cao rừng rậm. Bà lo cho hai con bà, thằng Giang, thằng Soại, tụi nó chạy vào Sài Gòn có bình an không? có thoát được cảnh đi gỡ mìn, lấp hầm chông như ở đây không?

Bà thương mấy đứa cháu nội của bà còn nhỏ dại quá, đứa nào cũng còn quá bé bỏng mà mẹ nó làm nghề giáo không biêt có đảm đương, nuôi nổi tụi nó không? Tuy nhiên, bà còn giận con vợ thằng Soại lắm. Ngày bà ra Đà Nẵng thăm hai vợ chồng nó, con vợ cứ cầm cái chổi quét nhà, hể bà để cái món đồ gì của bà ở đâu, khi bà lấy đi thì nó cầm cái chổi mà quét, coi bà như một bà nhà quê dơ dáy. Bà đã gom hết áo quần của bà lại, rồi đi ra bến xe để về lại trong quê. Sau đó Soại có về xin lỗi bà nhưng bà chỉ giận con vợ nó thôi chứ bà đâu có giận đứa hai con trai mà bà đã đứt ruột đẻ ra, và bà cũng biết là tụi nó cũng thương bà hết mực.

Bây giờ là tháng sáu ta, gió hiu hiu thổi trong những lùm tre tạo ra những âm thanh rì rào êm ả. Mặt trời chói lóa, toả sáng cả một không gian rộng lớn. Những con chim giồng giộc làm tổ treo lòng thòng trên những ngọn cây cao, chim giồng giộc cất tiếng kêu vang cả một góc vườn. Một buổi sáng miền quê yên tỉnh.

Bà Khải đang lom khom tưới những luống cải bà mới gieo hôm kia. Tánh bà không ở không được. Từ một cô thiếu nữ ở nông thôn, bà quần quật ngoài đồng ruộng suốt cả ngày, bà quen với công việc đồng áng nên nay cũng gần bảy mươi tuổi rồi mà bà không ngồi không. Không làm việc này bà cũng làm việc nọ, kiếm thêm miếng rau cải ăn cho nhẹ bụng. Bà lo chăm sóc mấy luống cải mới gieo. Chung quanh vườn, tiếng chim kêu ríu rít trong những tầng lá rậm, chim chuối, chim sâu, chim chìa vôi, chất mào, quành quạch, nhảy nhót trong ánh nắng chan hòa buổi trưa. Bà Khải chợt nghe tiếng xe đạp chạy vào trong sân và tiếng trẻ con tíu tít.

Con Anh Thư nói:
- Chào bà nội, con mới về.
Rồi tiếng con bé Đông Nghi tiếp theo:
- Bà nội, bà nội.
Nại Hiến bước xuống khỏi chiếc xe đạp thồ, một tay nàng bế Anh Chi, một tay mở ví lấy tiền trả tiền xe. Xong nàng mới chào bà Khải:
- Thưa mẹ, con mới về.
Bà Khải dừng tưới rau, thả chiếc gàu xuống đất, rồi bước vào sân. Bà vui vẻ nói:
- Nhà Thư về đó hả, vậy mà tau lo quá, không biết mẹ con bay bây giờ ở đâu? Có chuyện gì không? sao lại về đây con?
Nại Hiên muốn nói hoàn cảnh của mình, của các con, của Soại, nhưng thấy bây giờ chưa tiện nên nàng nói lãng ra:
- Vô nhà đi mẹ, đứng ngoài này nắng quá.
- Thì con vô trước đi, để tau rữa chân đã rồi vô sau.
Nại Hiên đi vào trong nhà, nàng kéo cánh cửa bằng tre từ trên sập xuống, loại cửa này có từ xưa lắm rồi, được đan bằng tranh, cột từ phía trên, khi mở cửa thì chống lên, khi đóng thì sập xuống. Nàng bước vào trong, căn nhà tối thui và ẩm. Cái bàn thờ bên giữa, đèn sáng hiu hắt lộ hình ảnh ông Khải, tấm hình được vẽ, lấy mẫu từ tấm hình căn cước khi ông chết để lại. Nàng cũng thấy lòng mình cũng lạnh nguội như mùi ẩm thấp của căn nhà. Nàng chống cửa lên và mở cửa sổ cho gió thông vào. Căn nhà, khu vườn, nàng nghe Soại kể nhiều lần, trong ký ức về một mảnh vườn đẹp, có hồ nuôi cá, có cây dừa dăng bóng, cây dâu đất chín vòng đỏ cả gốc, cây bòng, cây chanh. Nàng đã về đây hồi chiến tranh một lần với Soại, lúc đó căn nhà bị xe thiết giáp ủi sập, chỉ còn là một cái nền nhà loang lỗ. Căn nhà này bà Khải mới dựng lại trong ba tháng nay, để có chỗ, theo bà, mà chui ra, chui vào.

Cái lạnh của căn nhà làm Nại Hiên ái ngại. Mình sẽ ở đây sao? Các con mình rồi sẽ ngủ ở đâu, ngoài một cái giường dành cho bà Khải. Căn nhà không có gì cả, trống trơn, rồi lấy gì sống đây?

Bà Khải rửa chân xong, bước vô nhà, bà vẫn đi chân đất, chỉ khi có khách khứa hay có đi đâu xa, mà mới mang giày hoặc dép chứ ở nhà là bà đi chân trần. Quen rồi, mang dép vào nghe nó vướng vướng làm sao. Bà ngồi xuống chiếc giường rồi nói với Nại Hiên:
- Tau nghe tụi bay bình yên là tau mừng, mi cũng chạy vô Sài gòn rồi trở ra hả, đời chi nghe cực quá he!
Nại Hiên nói:
- Con về được một tuần rồi mẹ. Anh Soại ở lại trình diện trong đó, anh Giang cũng vậy, mấy anh con cũng ở trong đó chứ không ai dám về ngoài nầy, ai cũng sợ về địa phương. Con thì ở bên ngành giáo dục, nghe thông cáo bảo về dạy học lại nên con dẫn mấy đứa về, vào trường xin thì ông Hiệu trưởng ổng biểu phải đi học bồi dưỡng chính trị ở Tam Kỳ một tháng, nên con phải về đây nhờ mẹ.
- Nhờ cái chi?
- Thì con gởi mấy đứa nhỏ ở đây, con đi học bồi dưỡng một tháng, con mượn chiếc xe đạp của chị Kim sáng đi chiều về, được không mẹ?

Bà Khải ôn tồn:
- Con cứ coi nhà này như nhà con vậy, có chi đâu, mẹ với cha sống với nhau hơn năm mươi năm, bao nhiêu dành dụm cũng cố gắng dành cho các con, nhưng không may chiến tranh làm tiêu tan cả. Căn nhà này cũng chỉ còn trơ cái nền, mẹ mới làm lại để có chỗ chui ra chui vào. Bây giờ thằng Soại đi học tập, con về đây ở với mẹ là mẹ mừng lắm, sớm hôm mẹ con có nhau, có mấy cháu mẹ cũng vui, có cơm ăn cơm có cháo ăn cháo.
Nại Hiên nghe bà Khải nói là thấy lòng mình dịu lại, nàng tự trách mình ngày trước khi nàng sống ở Đà Nẵng với Soại, mỗi lần bà ra thăm con, thăm cháu, có nhiều điều vì nàng kỹ tính quá làm cho bà buồn giận, bỏ về quê. Nàng vẫn đinh ninh trong lòng bà sẽ giận nàng chuyện đó. Nay nàng trở về trong sự thất thế như thế này, nếu bà xua đuổi thì nàng cũng không có gì phiền trách, tính đàn bà thường hay nhớ dai, nhưng nay nàng đã trút đi được cái lo ấy. Nại Hiên cầm lấy bàn tay nhăn nheo của bà Khải, nàng lí nhí trong miệng:
- Con cảm ơn mẹ, anh Soại đi cải tạo con mong ảnh về sớm, nếu được ảnh về đây, con đi dạy có chút lương, ảnh về làm ruộng thêm mình sống qua ngày cũng được, mẹ ha?
- Con nói vậy mẹ cũng vui, mong cho các con có cái ăn, cái mặc, chứ đời mẹ già rồi sống sao cũng được.
Nại Hiên không dám nói thêm, sợ động đến tấm lòng của bà Khải, hai đứa con đi lính và nay cả hai cũng đang trong diện tập trung. Nàng đứng dậy, nói nhỏ:

- Hôm nay con nấu cơm cho mẹ nhé, mẹ ngồi nghỉ đi, con biết chỗ để gạo rồi. Nấu cơm và luộc rau lang ăn mẹ nghe, con lâu rồi không ăn rau lang cũng thèm lắm.
Nàng xuống bếp nhúm lửa, vo gạo. Cái nhà bếp là một chái tranh che ra ngoài, một đống tro ủ than lửa đỏ, một cái bộ kiềng ông táo bằng sắt đặt trên bếp than, bên ngoài là vò nước lạnh, có cái gáo dừa móc trên một cành cây, mấy cái nồi, niêu, soong, chảo, mắc linh tinh trên tấm phên tre. Cuộc sống thật bình dị, nếu chấp nhận thì cũng dễ dàng.

Chị hai Kim, chị của Soại, nghe tin Hiên dẫn cháu về thì tất tả đạp xe vào thăm. Dáng chị tất bật trông rõ khổ. Chồng chị đi lính địa phương quân làm việc ở chi khu, nay đang đi dân công gỡ mình đâu trên rừng núi Phước Long. Anh nhắn về là công việc không có gì nặng nhọc và nguy hiểm cả, nhưng chị vẫn lo. Cả Hựu cũng đi lính chi khu, giải phóng về, cả Hựu ra trình diện bị đưa đi phá đồn bót, gỡ mình, cũng trên miệt Tiên Phước, chẳng may gặp mình nổ tung banh xác. Mà đâu có kêu kiện được ai. Thời buổi giao mùa đen trắng chưa rõ, lòng người cũng sống theo thời, gió chiều nào xuôi chiều đó cho yên.

Nay nghe tin Nại Hiên về, chị liền vô thăm để hỏi thăm tin tức của Soại. Một lòng nhất quyết không cho Soại về đây trình diện, dù sao trong Sài Gòn cũng đỡ hơn ở quê.

Chị Kim để xe đạp ở ngoài cổng rồi hấp tấp đi vào trong nhà. Bà Khải đang ngồi ăn trầu ở trên chiếc chỏng tre kê ngoài mái hiên. Nơi đây, bà thường nằm nghỉ buổi trưa. Gió mát hiu hiu, nhiều lúc bà ngủ luôn một giấc đến chiều. Tuổi già, bây giờ bà sống an phận, trồng rau rác trong vườn để lấy rau ăn. Buổi chiều bà đi ra chợ Quán bán thuốc rê kiếm chút tiền lời mua cá thịt. Còn gạo, nước mắm, than củi thì có chị Kim lo. Bà cũng an phận, chứ ngồi nhà mà nhớ hai thằng con trai đang đi cải tạo ở nơi chốn nào bà không biết, cũng làm bà buồn khổ nát lòng ra. Thì đi ra ngồi ngoài chợ buôn bán chút đỉnh, nhìn người qua kẻ lại cho vui, chớ ngồi nhà, nghĩ đến con là bà khóc.

Nghe tiếng xe đạp chạy ngoài đường, bà Khải biết chị hai Kim vào, bà nhìn ra thì chị hai Kim đã vào đến sân nhà. Từ ngoài, chị Kim nói lớn vào trong:
- Mẹ con con Hiên về đó hả? Về được đây là mừng rồi, chứ nghe nói ở Sài Gòn, Long Khánh đánh nhau dữ dội, chị lo quá.
Nại Hiên đang lui cui dưới bếp, nàng đang vo gạo nấu cơm. Khi bắc nồi cơm lên ông lò xong, nàng lau tay rồi đi lên nhà trên.
Nại Hiên nói:
- Chào chị hai, em và mấy cháu về trong ngoại tuần nay, hôm nay mới về thăm bà nội.
Chị hai Kim hỏi dồn:
- Em về còn thằng Soại, thằng Giang ra sao? Nghe nói họ chiếm Sài Gòn 30/4, chị lo quá, không biết tụi bay chạy vào đó có bình yên không?
Nại Hiên nói với vẻ dè dặt:
- Em về vì ở trong đó nghe thông cáo ở đài phát thanh nói công nhân viên chức ai về nhiệm sở cũ sẽ được thu dụng lại, em nghĩ mình đi dạy có tội tình gì đâu nên em về. Em đã trình diện trong trường em, ông hiệu trưởng bảo em phải đi học khóa bồi dưỡng về chính trị rồi mới xét.
Chị Kim tỏ vẻ lo lắng:
- Em cứ theo học đi, nhưng chị nghĩ cũng khó. Cô Lan, vợ anh Biền, đại uý cảnh sát, ảnh đi học tập ở Tiên Lãnh, cô Lan ở nhà đi học bồi dưỡng xong về mà họ cũng không cho đi dạy lại. Thành phần mình bây giờ khó lắm.
Nại Hiên vẫn còn chút tin tưởng nên cố gắng trả lời, nàng nói như nàng đang cổ động tinh thần cho chính mình.
- Dù gì thì em cũng về rồi, họ bảo sao mình làm vậy, em nghĩ là em chỉ đi dạy chứ có tham gia chính trị chính em gì đâu, với lại em có bằng Đại Học Sư Phạm.
Chị Kim không muốn bàn ra làm cho Nại Hiên lo lắng thêm. Chị nói:
- Chị nói vậy thôi chứ em đi học bồi dưỡng cứ đi. Bây giờ em tính sao?
- Em tính em đi học dưới Tam Kỳ bốn tuần lận, em nhờ mẹ coi dùm mấy cháu cho em, chị cho em mượn chiếc xe đạp, em sáng đi chiều về, cũng cực nhưng em cố gắng, chứ biết làm sao!
Chị Kim:
- Đi về hàng ngày cũng cực lắm, nhưng mà em đã quyết như vậy thì cũng được, xe đạp chị có hai chiếc, em cứ lấy một chiếc mà đi.
Nghe chị Kim nói vậy, Nại Hiên cũng thấy nhẹ người. Một chiếc xe đạp bây giờ còn quý giá hơn chiếc honda ngày trước nhiều, nếu không có chiếc xe đạp thì nàng cũng chẳng biết xoay xở ra làm sao, mà mua một chiếc xe đạp bây giờ cũng rất khó, tiền bạc đâu có để mà mua.
Chuyện trò xong Nại Hiên xuống bếp nấu cơm tiếp. Chị Kim chạy ra chợ mua miếng thịt heo nhỏ, bà Khải ra vườn hái đọt lang vào luộc. Bữa cơm đạm bạc nhưng ai ăn cũng ngon miệng, có rau lang luộc chấm nước mắm cá nục và ăn với thịt heo ba chỉ. Nồi cơm trắng nấu bốn lon gạo mà ba người lớn và hai đứa con nít đã ăn hết sạch. Cơm ngon thì ngon nhưng nghĩ đến sức ăn như thế này, trong thời buổi gạo châu củi quế, làm ra bát cơm để ăn được cũng khó lắm.


***

 

Nại Hiên thức dậy từ sáng sớm. Nàng lo nấu cơm và dọn dẹp nhà cửa, lo cho bà Khải và ba đứa con bữa ăn sáng. Nàng lấy lon Guigoz bới cho mình một lon cơm và một khúc cá chiên, để nàng ăn buổi trưa. Hôm nay, Nại Hiên định xuống Phòng Giáo Dục để hỏi thủ tục theo học khóa huấn luyện bổ túc chính trị, bao giờ khai giảng?. Dù gì nàng cũng phải đi hỏi. Đây là một cái cầu nối duy nhất để nàng bước tiếp con đường dạy học. Nếu muốn đi dạy lại thì phải qua cây cầu này. Nàng tự nhủ lòng như thế. Nàng đã quyết định phấn đấu, vượt qua những khó khăn để được đi dạy lại. Nàng nghĩ đó là con đường duy nhất cho nàng có thể nuôi ba đứa con, chứ đi ra buôn bán hay làm ruộng, làm sao nàng làm nỗi. Để tiện việc ăn uống và không quá tốn kém, nàng quyết định bới cơm theo ăn trưa. Thời buổi này mà lấy tiền đâu ăn cơm quán. Trong giờ nghỉ trưa, nàng sẽ đem cơm ra ăn. Nàng mang theo một lon guigoz đựng nước sôi để nguội. Như vậy là nàng đã quá tiết kiệm. Qua khóa học, may mà được đi dạy lại, nàng có chút lương hàng tháng, nàng sẽ mua gạo gởi lại cho bà Khải, vì nàng biết bà Khải đã già, chẳng còn làm ra được gì nhiều, ăn miếng cơm của bà lúc này nàng nghe đắng chát, nhưng biết làm sao hơn.

 

Nại Hiên lựa một cái quần tây cũ, màu nâu đậm, ống quần vừa phải không rộng lắm và cũng không chật quá. Chiếc áo sơ mi màu xanh da trời. Như vậy là được rồi. Từ hồi “giải phóng” đến nay, nàng chưa bao giờ được mặc một lần chiếc áo dài, nên nàng cũng thèm thuồng được mặc lắm, những chiếc áo dài nàng còn giữ treo đầy trong tủ. Nhưng nay, tự dưng, trong hoàn cảnh này, đi trình diện để theo học khóa bồi dưỡng, nàng vẫn thấy mặc áo dài không còn hợp thời nữa. Áo dài bây giờ đã thành một món hàng xa xỉ phẩm, mốt thời thượng quá lố, mặc nó vào tự nhiên cảm thấy lạ lẫm, như là quá phong lưu, quá đài các và phi lao động.

 

Chiếc xe đạp của chị Kim cho mượn là chiếc xe đạp sườn đầm sơn màu xanh đậm. Đàng sau baga chị kẹp thêm hai thanh gỗ dài để chở hàng. Nại Hiên tháo hai thanh gỗ ra và buộc cái xách trong đó đựng cơm nước của nàng lo cho bữa ăn trưa. Nàng kiểm tra lại bánh xe đạp có đủ độ cứng chưa. Nàng xem lại cái yên xe, cái yên đã sờn rách, các ốc vít gắn trên yên xe đã long, nàng phải lấy dây cao su bó chặt lại nên cái yên cộm lên. Nhưng dù sao nàng cũng yên tâm ngồi đạp xe hơn là ngồi trên cái yên quá lõng lẽo.

 

Nại Hiên chuẩn bị xong xuôi, nàng trở vào trong nhà dặn dò Anh Thư và Đông Nghi:
- Hai con ở nhà với bà nội, me đi xuống thị xã có chút việc chiều mẹ mới về, hai con không được phá nghe, me về nghe bà nội mách lại là bị ăn đòn đó nghe.
Hai đứa con gái vừa mới thức dậy, vẫn còn ngái ngủ nên gật đầu cho có lệ. Biết me đi thị xã nên con Anh Thư dặn dò thêm:
- Chiều me về mua cà rem cho con nghe.
- Ừ, me sẽ mua quà về cho các con.
Nại Hiên nhìn vào trong buồng thấy bà Khải còn đang ngủ với bé Anh Chi, dù vậy nàng vẫn chào:
- Thưa mẹ con đi.
 

Nàng bước ra sân, dắt chiếc xe đạp ra khỏi cổng rồi mới leo lên xe. Vì mới đi lại xe đạp, cũng hơn trên mười năm, từ ngày gia đình nàng sắm chiếc Honda dame, nàng không đi xe đạp nữa, nên nàng lái lạng quạng lúc đầu. Đường trong xóm buổi sáng vắng người nên cũng đỡ lo. Khi đạp xe đến đường tỉnh lộ, nàng thấy tay lái mình mới nhuần nhuyễn đôi chút. Buổi sáng sớm nên ít người đi lại trên đường, một vài chiếc xe đạp thồ chạy ngược chiều, một vài người quang gánh đi chợ Chiên Đàn sớm. Trời se lạnh, gió mát thổi rì rào trên các lùm cây. Một đêm đã qua và một ngày mới bắt đầu.

 

Nàng đạp xe vô đến Kỳ Hương là thấy mình đã quá mệt, mồ hôi mồ kê chảy ra ướt cả vạt áo sau lưng. Nại Hiên thở mạnh, cố dấn bàn chân đạp mạnh lên pedal xe. Chiếc xe đã cũ nên nặng trình trịch. Nại Hiên quẹo xe theo hướng tòa hành chánh tỉnh cũ. Cách đây hơn khoảng năm tháng thôi, khu vực này là tỉnh lỵ Quảng Tín. Có mấy lần nàng đã đến đây, đến với Soại bằng trên chiếc xe jeep của anh, trong những lúc anh đi công tác liên lạc Trung Đoàn với Tiểu Khu. Anh đã chở nàng đến đây và bảo nàng vào quán cà phê ngồi đợi anh. Anh quay lại một vài tiếng sau đó, rồi hai người cùng đi ăn phở hoặc mì Quảng. Nơi này, với nàng tuy đã biết qua, nhưng nay thì rất lạ. Chỉ cách đây trên năm tháng, đây là nơi các ty, sở của tòa hành chánh tỉnh. Bây giờ đã đổi chủ. Nơi nào của đơn vị quân đội cũ nay đều đổi tên “Doanh Trại Quân Đội Nhân Dân Việt Nam” với màu chữ vàng trên nền đỏ chói.

Nại Hiên loay hoay trên đường lên tòa hành chánh. Nàng nhớ lời hướng dẫn của ông hiệu trưởng trong trường hôm nọ. 

 

Phòng Giáo Dục bây giờ là Cơ Sở Học Chánh ngày trước. Nại Hiên đi theo trí nhớ của những năm tháng cũ, khi nàng ra trường sư phạm về trình diện ở Sở Học Chánh. Những hàng cây dương liễu, bạch đàn, trồng hai bên đường theo gió reo vi vu. Một cơn gió mát thổi qua làm nàng thấy khoẻ lại đôi chút. Đạp xe trên đoạn đường tám cây số, qua hai cây cầu bị gãy đổ phải dắt xe men theo bờ ruộng đi quanh. Bây giờ đã đến đây rồi, phải tiếp tục con đường đang đi, không thể quay lại được. Dù thế nào đi nữa nàng cũng phải cố gắng.


Nại Hiên mừng quýnh lên khi từ đàng xa nàng thấy tấm bảng màu xanh đậm có hàng chữ "Phòng Giáo Dục". Nàng đạp xe mau hơn, đôi mắt nháo nhác tim chỗ để xe, nàng dựa xe vào bậc thềm xi măng rồi khóa xe cẩn thận lại. Nàng bỗng bật cười khan. Chiếc xe đạp cà tàng thế này mà bây giờ quý quá, không có nó là không làm gì được, mất là không có tiền đền cho chị Kim. Khóa xong xe nàng bước lên thềm đi đến Phòng Giáo Dục.

 

Văn phòng chỉ có hai người làm việc. Cách trang trí thô sơ, giản dị. Những cái bàn gỗ với những xấp hồ sơ. Trên tường là tấm hình ông Hồ với chòm râu bạc và câu châm ngôn kẻ màu vàng trên tấm vải đỏ: Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do.

 .......

 

 

 Trần Yên Hòa

 (Tác giả gởi)

 (Trích từ truyện dài Mẫu Hệ"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét