Soại chuẩn bị đồ đạc để đi trình
diện học tập. Anh thầm nhủ: Mình phải đi sớm một chút, "ăn cổ đi trước
lội nước đi sau". Phải cố gắng đi sớm để được ghi tên học tập sớm, còn
biết bao nhiêu chuyện phải về sớm để lo, nhất là Nại Hiên đã mang các con về
quê, đã hơn nửa tháng rồi mà anh không có tin tức gì cả. Mới "giải
phóng", đường bộ chỉ có xe đò, xe lửa chưa hoạt động trở lại, bưu điện
cũng chưa có nốt, nên đâu có phương tiện gì mà nhắn tin. Cũng đành, chứ biết
làm sao?
Anh xếp hết mấy bộ đồ bỏ vào cái bao nhựa, mang đôi giày cũ, đem theo đôi dép
nhựa, hai cái khăn lau mặt, một bàn chải đánh răng, một hộp kem nhỏ, một bánh
xà phòng. Cái mền đã rách thủng mấy lổ, cái mùng nhà binh và năm ngàn đồng. Thế
là đủ. Tiền anh để ra hai xấp, một xấp mười ngàn gởi về cho Nại Hiên, một xấp
năm ngàn anh bỏ trong bóp.
Anh xếp cái mền cũ và cái mùng nhà binh bỏ vào trong một cái bao nhựa khác. Thế
là xong. Đó là hành lý anh sửa soạn cho việc đi trình diện học tập mười ngày.
Anh bước ra và khóa cửa lại cẩn thận. Xong anh mắc cái chìa khóa bên cạnh rồi
bước xuống lầu.
<!>
Mười bậc thềm của năm tầng lầu hằng ngày đón anh đi, về, bây giờ cũng như buồn
bã ngoái nhìn theo anh. Anh xách hai cái xách nhựa nhẹ hèo. Đi qua các căn
phòng của dân ngụ cư, anh muốn gặp chị Đông, chị Toản, chị Khánh, để nói một
câu giã từ. Nhưng các cánh cửa đều đóng im ỉm. Thôi thì mình đi vậy. Chắc cũng
sẽ gặp lại nhau sau chứ không sao đâu. Soại đi xuống lầu và đứng chờ xe buýt đi
về hướng nhà chị Vân ở khu Bùi Phát.
Ở nhà chị Vận ra, Soại mới thấy lòng mình bơ vơ quá đổi. Chị Vân, chị của Nại
Hiên, lạnh lùng như không muốn gặp mặt anh. Anh đưa cho chị Vân mười ngàn nhờ chị
gởi về cho Nại Hiên, chị cầm lấy không nói câu nào. Anh đứng dậy nói:
- Chào chị, em đi trình diện học tập đây.
Lúc này chị Vân mới ngẩn mặt lên nhìn Soại rồi cúi xuống bàn máy may, nét mặt
không biết buồn hay vui. Anh biết chị có người chồng đi tập kết năm năm tư, có
lẽ chị không muốn liên lạc với mình nữa vì mình là người lính miền Nam thua
trận.
Chị Vân nói giọng nghe lạt lẽo:
- Dượng đi bình yên.
Soại đón xe buýt đi mấy chặng đường nữa mới tới được trường nữ trung học Lê Văn
Duyệt, anh khai địa chỉ ở quận Tân Bình nên anh được phân chia trình diện ở
đây.
Cổng chính của trường Lê Văn Duyệt đã đóng lại, một cuốn thép gai đã kéo quanh phía bên ngoài. Cánh cửa nhỏ phía bên phải khép hờ, bên ngoài đặt một cái bàn có một người bận áo quần bộ đội ngồi kiểm soát giấy tờ. Ai đi vào cánh cửa nhỏ này đều phải đưa giấy tờ trình cho người bộ đội. Soại nhìn từ xa đã thấy nhiều người sắp hàng để trình giấy. Một số thân nhân như cha, mẹ, vợ con đi theo đưa tiễn người thân, ai cũng mang nét mặt lo âu. Một người bộ đội khác cầm súng AK đi qua đi lại, nét mặt vẫn còn nét lúng túng trước đám đông đang đứng sắp hàng. Không khí im lặng. Soại đưa mắt nhìn chung quanh, không thấy ai quen, anh đứng nối đuôi theo hàng dọc. Anh định đến sớm mà bây giờ cũng gần mười một giờ rưỡi trưa anh mới tới.
Anh hơi lo. Nhiều người đến sớm hơn anh đã vào bên trong. Mọi người im lặng. Nét mặt ai cũng căng cứng. Một vài cặp trai gái còn bịn rịn chưa muốn rời nhau. Soại nghĩ và thấy tiếc tiếc là nếu hồi hôm anh không uống rượu, anh sẽ thức dậy sớm hơn và đã đi trình diện sớm hơn, thì chắc bây giờ anh đã làm xong giấy tờ và bắt đầu tham dự lớp học. Không biết theo như thông cáo, là chỉ đi học tập mười ngày, mà anh đã trình diện trễ hết nửa ngày rồi, liệu anh có bị trừ đi nửa ngày này không?
Đến lượt Soại đến trước viên bộ đội có gắn bốn ngôi sao trên ve áo, anh hoảng
hốt, cứ nghĩ đây là một viên đại tướng như lon lá ngày trước anh đã biết, anh
cầm sẳn cái thẻ căn cước trên tay. Soại dừng lại ở bàn. Người bộ đội hỏi:
- Anh mang quân hàm gì?
Nghe câu hỏi hơi lạ tai nhưng anh cũng hiểu, anh liền trả lời:
- Trung úy.
Người bộ đội:
- Anh có giấy tờ gì chứng minh?
Tất cả giấy tờ trong quân đội của Soại, Nại Hiên đã đem đi đốt hết, anh bèn trả
lời:
- Giấy tờ trong quân đội tôi bị mất hết ngày tôi di tản từ Đà Nẵng vào.
Người bộ đội cầm cái thẻ căn cước, nhìn chòng chọc vào đó rồi quay lên nhìn
anh.
Cái nhìn dò xét. Một hồi lâu mới nói:
- Thôi được rồi, anh vào đi, không được khai man đấy nhé.
Soại nín thở, sợ không được chấp nhận, nên khi người bộ đội nói thế anh thật
mừng, anh vội vã cầm lại cái thẻ căn cước rồi nói tiếng cám ơn, xong anh đi
nhanh vào phía trong cánh cửa của trường trung học. Soại mừng thật sự vì thấy
mình may mắn. Nếu không được vào tham dự lớp học tập cải tạo thì anh sẽ ra sao
đây? Vào đến sân trường rồi mà anh vẫn nghe tim mình đập thình thịch.
Trong sân trường, các người đi trình diện trước đứng ngồi lác đác. Họ tụ tập
từng nhóm nhỏ nói chuyện. Trông khuôn mặt người nào cũng buồn, họ nói chuyện mà
không giám nói lớn. Phần nhiều họ kể về những ngày gần đây, khi còn ở đơn vị
rồi nghe tin đầu hàng phải buông súng. Tiếng "giải phóng" nghe
còn rất lạ. Nhưng họ cũng đang tập nói những danh từ đó. Họ chưa dùng tiếng
ngụy quân nguỵ quyền. Tiếng đó tự nhiên khép họ vào một tội tày đình, làm họ sợ
hãi.
Soại nhìn khắp mọi nơi, coi thử có ai quen mình không, nhưng anh không thấy.
Anh lơ ngơ xách hai cái bao nhựa đi vòng vòng. Anh cứ nghĩ rằng phải làm một
vài thủ tục nữa như ghi danh, rồi sẽ được hỏi về cấp bậc, chức vụ cũ, cũng như
một vài mẫu lý lịch về quá trình hoạt động trong quân đội của anh. Nhưng không
có, không thấy gì cả. Anh cứ nghĩ, chắc lớp học sẽ được tổ chức ở tầng lầu trên
của trường nữ trung học, anh dò la về phía cầu thang và đi lên.
Một dãy phòng học im phắt, đóng cửa. Bây giờ là tháng sáu, còn là mùa hè, hoa
phượng nở đỏ cả một sân trường. Nhìn lên cao, trời vẫn xanh, mấy trắng bay thấp
thoáng trên đầu, gió thổi nhẹ. Dãy lầu im lặng. Chưa đến mùa khai trường. Với
lại, cuộc đổi đời còn mới, các trường học chưa được lệnh mở cửa. Ngôi trường
nằm im ắng không động tĩnh. Không học trò, không thầy cô giáo, chỉ thấy loáng
thoáng một số bộ đội đi ra đi vào.
Soại bước xuống thang lầu, anh cứ lo mình đi trễ, nhưng thật ra không phải. Đi
trễ sao được. Thông báo lệnh tập trung học tập được quy định trong hai ngày.
Hôm nay mới là ngày đầu tiên mà. Anh hoang mang và suy nghĩ tiếp: Chắc họ không
tổ chức học tập ở đây, hay đây chỉ là nơi trình diện và làm thủ tục. Nghĩ thế,
Soại đi tìm một chỗ dưới gốc cây hàng cây phượng vỹ, đặt hai cái bao ni lông
rồi ngồi xuống. Anh không muốn nói chuyện với ai lúc này. Anh tựa lưng vào gốc
cây rồi nhắm mắt lại.
Hồi hôm anh uống rượu hơi nhiều nên anh cảm thấy mệt mỏi. Anh chợt nghĩ đến Phố
và Thủy Trúc với cuộc tình của hai người. Phố bây giờ chắc cũng như anh, đang
trình diện ở trường Trưng Vương. Anh thấy lấp lóa bóng hình Thủy Trúc khi nàng
hát bản Người Yêu Của Lính, đôi mắt nàng sắc như dao cau. Đôi mắt đó đã nhìn
anh cười và nheo nheo lại. Anh không hiểu cái nheo nheo đó có ý nghĩa gì, hình
như nàng chỉ có ý tinh nghịch thôi, nhưng sao tự dưng hôm nay ngồi một mình
dưới gốc cây phượng vỹ dăng đầy bóng mát, anh lim dim ngủ, lại mường tượng tới
đôi mắt đó, nhìn anh nheo nheo như ra dấu một tín hiệu. Anh thấp thoáng trong
giấc mơ màng rồi thiếp đi.
* * *
Soại choàng thức dậy thì cũng một hay hai giờ trưa. Anh nằm mê thiếp đi cũng một tiếng đồng hồ. Anh thấy một số người đang tụ tập lại trong phòng ăn. Anh đứng dậy bước vào.
Phòng ăn là một căn phòng rộng của trường học để học trò thực tập về môn sinh
vật. Hôm nay địa điểm này được làm điểm trình diện của các sĩ quan chế độ cũ
nên nơi này được dùng làm phòng ăn. Phòng ăn được kê bàn ghế đàng hoàng, mỗi
bàn đều được trải tấm ra trắng, ghế ngồi được kê chung quanh. Số người đi vào
ăn đông nên phải sắp hàng. Nhân viên phân phát đồ ăn bận blouse trắng, như
trong một nhà hàng. Mỗi người được phát thức ăn trên một mâm nhựa màu vàng chia
thành nhiều ô. Cơm, canh, đồ xào, thức ăn mặn là thịt hoặc cá kho. Kèm theo là
muổng, nĩa, đũa và giấy lau, trông thật tươm tất. Ai cũng có một ý nghĩ, đi học
tập được chính quyền mới lo cho chu đáo lịch sự quá. Tuy không nói ra nhưng ai
cũng nén tiếng thở phào nhẹ nhõm. Ít ra là vậy chứ, đất nước hòa bình rồi, sau
hăm mốt năm chiến tranh bây giờ mới nhìn rõ mặt hòa bình, phải vui vẻ, hân
hoan, miền Bắc cũng như miền Nam, hãy choàng tay nhau và cùng nhau xây dựng lại
đời mình.
Soại đứng sắp hàng đi lấy cơm ăn. Không ai dành giựt chen lấn. Có lẽ họ còn
nhiều sỉ diện của một sĩ quan. Dù thua trận nhưng họ muốn chứng tỏ trước những
kẻ thắng, họ là những người đàng hoàng. Khi người phục vụ nhà bếp múc cơm và
thức ăn vào khay cho từng người, ai cũng đem lại bàn ngồi ăn. Soại mang khay
thức ăn của mình lại ngồi cùng với những người lạ mặt. Hình như ít ai quen ai.
Sài Gòn, Gia Định rộng quá, người sống nơi này làm sao biết được người sống nơi
kia. Ai cũng ăn nhỏ nhẹ, ít lời.
Người ngồi trước mặt nhìn anh cười rồi hỏi nhỏ:
- Anh trước ở đơn vị nào?
Soại quan sát người mới hỏi, anh ta có vẻ hiền lành, có chút sợ sệt. Soại trả
lời:
- Sư đoàn 2 bộ binh, tuốt ngoài trung lận.
- Sao anh trình diện trong này?
- Thì tôi ngoài đó di tản vào đây, ở đây trình diện luôn, còn anh?
- Tôi là giáo chức biệt phái.
Hai người im lặng. Soại tự nhủ, những người không ở trong quân đội họ có vẻ thủ
thế, có lẽ nghề nghiệp dạy họ sự an phận, thủ thường. Soại hỏi lại:
- Anh cấp bậc gì?
- Tôi học 9 tuần ở Quang Trung rồi được biệt phái luôn. Tôi không ở trong diện
trình diện học tập, nhưng gia đình tôi bảo là cứ đi ghi danh. Học mười ngày cho
xong chứ đâu có thừa.
Soại thấy mình như bớt đi nỗi lo, nhiều người không trong diện học tập mà vẫn
đi huống hồ gì mình là sĩ quan thứ thiệt, mà là lính tác chiến nữa. Anh an tâm.
Ăn xong, anh đem khay đựng thức ăn để lại bàn rồi đi ra ngoài sân nằm nghỉ. Lần
này anh ngủ một giấc ngon lành.
Buổi tối đến chậm chạp. Vẫn những người phục vụ với bộ đồ trắng tinh tươm. Họ
múc đồ ăn cho những người trình diện kèm theo nụ cười vui. Không khi bớt đi sự
lạnh lùng.
Bóng dáng những người bộ đội đi ra đi vào trong phòng làm việc. Buổi tối cũng
không tập họp điểm danh, ai muốn ngủ đâu thì ngủ. Trên những dãy bàn học trò,
dưới nền xi măng dọc theo hành lang. Những người trình diện học tập trải bức
chiếu hoặc tấm ra xuống nền xi măng hoặc xuống cái bàn học. Thế là đủ. Đủ cả
hai phương diện, tinh thần và vật chất. Tinh thần, họ coi như hôm nay là một
buổi picnic hoặc một buổi cắm trại cũng nên. Còn vật chất. Họ được cho ăn uống
đầy đủ.
Ngày hôm sau cũng vẫn còn những người tiếp tục đến trình diện. Khu sân trường
hôm nay chứa thêm một số lượng người nữa trở nên chật chội. Họ đứng ngồi rải
rác khắp nơi. Giọng nói họ trao đổi với nhau hôm nay có lớn hơn nhưng vẫn còn
có sự e dè. Những người bạn gặp lại nhau sau cuộc chiến, tưởng một đời không
còn gặp lai nhau nữa. Một đám người từ bốn phương tập họp ở địa điểm sân trường
này. Họ kể cho nhau nghe về chiến trận đã qua, không đánh mà chạy, không đánh
mà đầu hàng. Soại chưa tìm ra một người gọi là bạn, anh không quen ai ở đây,
anh là người dự thính trong những trong những câu chuyện họ kể, xen vào những
câu góp ý vô thưởng vô phạt. Hình như ai cũng quên mất một điều. Đi học mười
ngày sao chẳng thấy dấu hiệu gì là bắt đầu cả. Không trường lớp, không bàn ghế.
Không một chuẩn bị gì ráo. Có những người người thân đi đưa tiễn còn đứng ngoài
hàng rào, có thể họ bỏ quên hộp kem đánh răng, mấy gói thuốc lá, họ xin ra lấy
nhưng bị từ chối. Cuộn dây thép gai chắn ngang cổng trường đã báo hiệu cho họ
một lằn mức, đó là lằn mức của sự tự do. Họ bắt đầu đóng khung trong sự quản
chế.
***
Nửa
khuya. Hình như một hay hai giờ gì đó. Cả khu vực trường nữ trung học Lê Văn
Duyệt bị xé tan sự im lặng bởi những tiếng tu huýt thổi ré lên. Tiếng tu huýt
trong đêm nghe chát chúa. Có người tỉnh ngủ, có người còn lơ mơ. Sau mấy tiếng
tu huýt xé trời đó tiếng nói lanh lảnh, một giọng bắc kỳ oang oang cất lên giữa
đêm khuya.
- Tất cả thức dậy, thức dậy hết, chuẩn bị hành quân.
Soại cũng choàng thức dậy theo tiếng kêu, anh thu dọn mền, mùng, đồ đạc, bỏ vào
trong hai bọc ny lông, xong anh ra chỗ hồ nước rửa mặt. Các anh em trình diện
cũng lục tục trở dậy. Có người nói với nhau, chuyện gì đây? Di chuyển đi đâu
trong đêm khuya khoắt như thế này? Không biết. Mọi người đều im lặng làm công
việc của mình, rồi im lặng đợi lịnh.
Nhiều người bộ đội cầm đèn pin, họ đi ra đi vào nơi văn phòng làm việc. Họ đông
khoảng vài ba chục người, người nào cũng lăn xăn. Soại nghe tiếng máy xe hơi nổ
dồn dập ngoài đường Đinh Tiên Hoàng. Tiếng máy xe nổ nhiều lắm. Di chuyển thật
sự rồi.
Khoảng mười lăm phút sau. Một người bộ đội mang xắc cót, cầm đèn pin soi khắp
lượt từ trên lầu đến các phòng phía dưới, rồi nói lớn.
- Tập họp. Tập họp. Các anh em ra sắp hàng tập họp chuyển trại.
Mọi người lố nhố đứng vô hàng, không ai biểu ai nhưng những hàng ngang, hàng dọc
tự dưng được thành hình. Hình như cuộc sống quân ngũ đã trải qua đã in thành nếp
trong từng người, nên chuyện sắp thẳng hàng là chuyện tự nhiên ai cũng biết.
Người bộ đội cầm đèn pin, lấy trong xắc cót ra một xấp giấy, rồi bấm đèn vào đó
săm soi, xong, nói lớn:
- Bây giờ tôi kêu tên, ai có tên thì hô lớn lên. Mỗi danh sách là một C, tức là
một đại đội, cùng lên một xe.
Đám người tự nhiên xôn xao. Trong đêm khuya thinh vắng được chuyển đi, họ suy
nghĩ đến những ngày cũ, ngày tết Mậu Thân, những người bị bắt đi không trở lại.
Trong âm thầm họ lo lắng nhưng rồi cùng với đám đông, họ như những sinh vật chỉ
biết cử động và làm theo lệnh.
- C đầu tiên, Nguyễn Văn Âu.
- Có mặt.
Bước qua đứng bên phải.
- Trịnh Công Ẩn.
- Có mặt.
Cứ thế, đám tập trung cải tạo được kêu tên không sót một ai, họ đứng ra ngoài
thành một đội hình. Xong đâu đó, người bộ đội chỉ huy, Soại đoán là người chỉ
huy, buớc ra trước đám đông dõng dạc tuyên bố:
- Bây giờ tôi đọc lệnh hành quân, các anh theo đó mà thi hành.
Người bộ đội đọc một tràn dài một cái gọi là Lệnh Hành Quân, trong đó có cả những
danh từ Ủy Ban Quân Quản, Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, Ban Nội
Chính...Cuối cùng người bộ đội nói:
- Để cho các anh học tập tốt, lao động tốt, cách mạng cần phải đưa các anh em đến
một nơi thuận lợi cho việc học tập. Đường lối và chính sách của cách mạng trước
sau như một. Nay chiếu theo lệnh hành quân, tất cả thi hành.
Xong, ông đi vào văn phòng. Một số bộ đội cầm súng đứng xung quanh số người
trình diện. Một người bộ đội nói lớn:
- Ta bắt đầu di chuyển. C đầu tiên đi ra cổng, lên xe số 1.
Lục tục đám trình diện đi ra cổng. Đoàn người im lặng, ngoài tiếng giày dép chà
xát xuống nền xi măng tạo nên những âm thanh lép nhép, còn thì chẳng ai nói với
ai lời nào. Tất cả cảm thấy đây là giờ phút quan trọng đang đến với họ.
Soại đi theo đoàn người ra khỏi trường Nữ Trung học, anh nhìn thấy một đoàn xe
Molotova nối đuôi, đậu một hàng dài, cũng khoảng hai, ba mươi chiếc. Toán người
được chia thành từng đội ghi trong danh sách, mỗi đội có hai người bộ đội mang
súng đi kèm áp sát. Toán của Soại lên một xe ở tít đàng xa. Chiếc xe được mở bững
phía sau, bên trên được phủ một tấm bạt nhà binh Trung Quốc che bít bùng. Người
bộ đội áp tải lên tiếng nói trống không:
- Khẩn trương, khẩn trương lên xe, không được lề mề.
Khi người cuối cùng đã lên xe, tấm bạt được người bộ đội phủ xuống và cột dây lại
kỹ lưỡng theo hai mép xe. Bóng tối đổ ấp lên mọi người. Cuộc di chuyển như một
cuộc áp tải tội phạm. Hai người bộ đội vẫn cầm súng đứng phía sau xe canh chừng.
Đoàn xe bắt đầu chuyển bánh. Khoảng ba mươi chiếc xe đồng loạt gầm rú lên và chậm
chạp rời khỏi chỗ đậu. Ánh đèn pin chớp tắt liên hồi, giọng nói của những người
bộ đội đặc trách công tác di chuyển vang vang giữa đêm khuya, giọng Bắc Kỳ, giọng
Thanh Nghệ Tĩnh nghe chát chúa đối với những người đã sống ở miền Nam lâu ngày.
Soại ngồi ép sát xuống sàn xe. Tay anh giữ chặt lấy hai cái bọc nhựa đựng mùng
mền, quần áo. Cũng khoảng trên bảy, tám chục người ngồi chen lấn trong xe không
cục cựa được. Trời nửa khuya đang lạnh bên ngoài nhưng bên trong xe trở nên
nóng bức, hơi người oi bức khó chịu vô cùng. Soại nhìn những người chung quanh
đang ép sát vào người anh, mồ hôi bắt đấu đổ ra thấm ướt lưng áo. Anh nói vào
tai người bạn:
- Mình chuyển đi đâu đây, biết không?
Người bạn nói:
- Không. Tôi nghe lo quá.
Rồi im lặng. Cái im lặng, nặng nề.
Trong xe tối bít bùng, không ai được ló mặt ra ngoài. Soại không biết địa hình
và đường sá ở Sài Gòn nhiều nên anh không nhận định được hướng đoàn xe sẽ đưa
mình đi đến đâu. Anh nhắm mắt lại. Cơn mệt mỏi từ hôm qua đến giờ như kéo anh
xuống trong cơn mê mệt, anh thiếp đi lúc nào không hay. Có một tiếng nói nào đó
của người bạn ngồi phía ngoài cùng xe, cất lên nho nhỏ:
- Xe chạy về hướng Tây Ninh anh em ơi!.
Trần Yên Hòa
(Tác giả gởi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét