Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Ky Tô Giáo và Tư Bản Chủ Nghĩa - Nguyễn Hoài Vân

 Kitô hữu, bạn là ai? | ngọn lửa nhỏ

Nếu Đức Ky Tô được quyền đi bầu, thì sự chọn lựa của Ngài sẽ rất rõ ràng :

"Hãy bán tất cả những gì ngươi sở hữu, và đem tiền cho người nghèo" - Mateo 19:21

Hay :

"Hãy bán mọi của cải, đem bố thí" - Luca 12:33

"Kẻ nào có hai cái áo, hãy chia cho người không có, người có thức ăn cũng phải làm như thế" - Luca 3:11.

Không quên lời Thiên Chúa nói qua Tiên Tri Isaïe : "Điều các ngươi làm Ta vui lòng nhất (...), phải chăng chính là chia sẻ thức ăn với người đói kém, mở cửa nhà đón tiếp kẻ vô gia cư, và khi thấy người thiếu y phục, thì lấy áo quần đem cho họ" (Isaïe 58, 6-7.)

<!>  

Các bạn đã hiểu, với chính sách được sự ủng hộ nhiệt tình của đức Ky Tô, thuế sẽ tăng vọt, đến độ bạn phải bán của cải đi để đóng góp, và các trợ cấp xã hội, y tế, gia đình, học đường ... cũng sẽ đạt đến tột đỉnh. 

Chính sách này đã được áp dụng một cách rất chặt chẽ trong Cộng Đồng Ky Tô Hữu nguyên thủy (xem ở sau). Tuy nhiên nó đã phai mờ dần dần với thời gian, để, ngày nay, đại đa số người Ky Tô Giáo bầu cho đảng phái hữu khuynh (như 70 % người Công Giáo  ở Pháp). Người ta có thể tự hỏi phải chăng Ky Tô hữu không còn muốn vào "Nước Chúa" sau khi chết ? Thật vậy, Đức Ky Tô từng khẳng định :

"Ta bảo thật (...) con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời" - Mateo 19:23-24.

Ở một đoạn Phúc Âm khác (Luca 16:19-31), người ta thuật chuyện một người phú hộ, sau khi qua đời, bị tống xuống Hỏa Ngục, như dự liệu. Ông ta đang quằn quại rên xiết trong những cực hình khổ đau vô tả, thì, nhìn lên Thiên Đường, nhận ra người ăn mày đầy ghẻ lở khi xưa nằm trước thềm nhà ông, nay được hưởng thụ mọi lạc thú ... Ông xin được quay về cõi trần bảo cho năm người anh em giàu có của ông, những gì ông đang phải chịu đựng. Câu trả lời (của tổ phụ Abraham), vô cùng dứt khoát : "Có một vực thẳm giữa chúng tôi với các ông, không thể đi từ chúng tôi đến các ông hay ngược lại." Ông phú hộ nài nỉ : "Nếu có ai đó từ cõi chết trở về, thuật lại tự sự cho họ, thì chắc chắn họ sẽ hối cải". Abraham quả quyết : "Nếu họ đã không nghe lời Mose và các Tiên Tri, thì kẻ chết sống lại cũng không thể làm họ thay đổi thái độ".

Các trao đổi trên cho thấy sự đoạn tuyệt hoàn toàn giữa Thiên Quốc và những kẻ tích tụ phú hữu.

Như đã nói, tại hạ giới, vào thời các Cộng Đồng Ky Tô nguyên thủy, hình phạt dành cho những kẻ muốn thủ giữ tài sản cho riêng mình cũng đặc biệt khe khắt. Trong Tông Đồ Công Vụ (5:1-11), có ghi lại chuyện thánh Phê Rô, vị Giáo Hoàng đầu tiên, không ngần ngại xử tử hình một cặp vợ chồng dám giấu của riêng, thay vì giao nạp cho cho quỹ chung của Cộng Đồng ! Hai người này là những nạn nhân đầu tiên được biết đến của thể chế "cộng sản" trong lịch sử nhân loại. Tên của họ đáng được ghi nhớ : đó là Saphira và Ananias.

Câu hỏi mà người ta buộc phải đặt ra là : trong điều kiện vừa nói, những ai sẽ được vào Nước Trời ? Thánh Thư vẽ lên chân dung của họ một cách khá chính xác :

"Họ bán mọi tài sản, sở hữu của mình, rồi phân chia với nhau tùy theo nhu cầu của mỗi người" - Actes 2:45.

Hay :

"Trong số họ không ai thiếu thốn, vì những ai có ruộng vườn, nhà cửa, đều đem bán đi, rồi lấy tiền thu được đặt dưới chân các Tông Đồ, để tùy nhu cầu mà phân phối cho mọi người" - Actes 4:34-35.

Và :

"Một khi đã có niềm tin, toàn thể đại chúng chỉ có một trái tim, một linh hồn. Không còn ai có thể nói được rằng tài sản trong tay họ là sở hữu của riêng mình, mà ngược lại, tất cả đều là sở hữu chung của tập thể" - Actes 4 : 32.

Ôi ... Cộng Sản ! (thật kinh tởm !)

Tuy nhiên, yếu tố chủ yếu nào đã khiến Đức Ky Tô và "Đảng" của Ngài chống Tư Bản Chủ Nghĩa một cách quyết liệt đến như vậy (tử hình ở đời này, và Hỏa ngục vĩnh viễn sau khi chết) ?

Câu trả lời là có một sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa Tiền Bạc và Thiên Chúa. Chúng ta đọc được trong Phúc âm Mateo :

"Không ai có thể phục vụ hai người chủ cùng một lúc. Hoặc hắn sẽ ghét người chủ này và thương người chủ kia, hay ngược lại gắn bó với một người chủ và khinh miệt người còn lại. Các ngươi không thể vừa phụng sự Thiên Chúa, vừa phụng sự Tiền Bạc" - (Mateo, 6. 24). 

Trong văn bản Hy Lạp Tiền Bạc được gọi là Mammon, tên của một vị Thần, tức một vị Chúa khác, đối thủ của Thiên Chúa.

Ky Tô Giáo chủ trương phải triệt để chống lại vị Chúa "cạnh tranh" này, không những vì lòng trung thành với Thiên Chúa thật, mà vì bản chất xấu xa của Mammon, sẽ kéo theo những người tôn thờ nó vào sự Ác, như được nói trong Thánh Kinh (Tanakh) :

"Những ai mến chuộng vàng bạc không thể là người công chính, và những ai chạy theo lợi lộc sẽ bị nó lôi kéo vào con đường xấu xa" (Si 31:5)

Hay

"Ai yêu vàng bạc, sẽ không bao giờ thỏa mãn với vàng bạc mình đã có, cũng như kẻ yêu sự xa hoa đối với các thu nhập, lợi nhuận". (Ecclesiaste 5:9)

Thêm vào đó, không những thờ phượng Tiền Bạc làm cho người ta trở thành xấu xa, mà sự tôn sùng ấy hoàn toàn vô nghĩa, như được diễn giải trong đoạn Phúc Âm "Hãy trả cho Cesar những gì thuộc về Cesar, và cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa" (Mateo 22:17-21). Đoạn Phúc Âm này cho thấy Đức Ky Tô đặt Cesar, với chân dung được in trên đồng tiền, trong tư thế đối chọi với Thiên Chúa. Và vạch ra rằng sự đối chọi này hoàn toàn hư huyễn. Thật vậy, Thiên Chúa, đấng tạo thành Trời Đất, muôn vật hữu hình và vô hình, theo định nghĩa, thì có tất cả. Cesar, người tự coi mình là thần, chúa, không thể có bất cứ gì không đã thuộc về Thiên Chúa. Trả cho Cesar cái "không có gì" ấy chính là bài học, bằng nghịch lý, mà Đức Ky Tô dạy cho nhân loại.

Câu chuyện này cũng liên hệ với một niềm tin, cho rằng : với tiền bạc, người ta có được tất cả, trên phương diện cá nhân và cả trên tầm mức xã hội, cộng đồng. Như thể tiền bạc và sự lưu hành của nó, tức thị trường, là một vị Chúa có quyền năng "tạo ra" tất cả, từ nhà, xe, smart phone, máy giặt, học đường, an sinh xã hội, công ăn việc làm v.v...

Niềm tin này đã bị phủ định từ trước đức Ky Tô nhiều thế kỷ, thí dụ như trong sách Jérémie, qua lời Thiên Chúa mặc khải, nhấn mạnh đến tính phù phiếm của tài sản phú hữu, cá nhân cũng như cộng đồng :

"Ta sẽ để cho kho tàng và tài sản của các ngươi bị tiêu tan, cướp đoạt, không còn lại gì (...) trên khắp đất đai, lãnh thổ của chúng bay" - (Jérémie 15, 13)

Chúng ta rất dễ hình dung : chiến tranh, bệnh dịch, khủng hoảng môi trường, khí hậu, tài chính ... và tất cả đều tiêu tan !

Xin kết thúc bằng một tư tưởng dung hòa. Trong Thánh Kinh cũng có vài đoạn văn "trung dung", không gạt bỏ những lợi nhuận "chính đáng", để trở thành "không giàu, không nghèo". Một loại lập trường "dân chủ xã hội", như trong lời nguyện cầu sau đây :

"Tôi xin Ngài hai điều, khẩn cầu Ngài thương tình ban phát cho tôi trước khi tôi từ giã cõi đời này. Xin cho tôi tránh xa sự dối trá, lừa gạt, để không giàu, không nghèo, chỉ đủ ăn hàng ngày, để tôi không chóa mắt vì của cải mà quay lưng không còn nhận biết Ngài, hay, trong cảnh bần cùng, phải trộm cắp cầu sinh, làm ô uế thánh danh Thiên Chúa của tôi" - (Proverbes 30,7-9).

 

Nguyễn Hoài Vân 

9/5/2022

(từ: DĐTK) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...