Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

BÊN ĐỜI - Truyện Trần Thế Phong

                   

trần thế phong                                       

Thành phố Seattle mưa lạnh quanh năm nên khi tôi về hưu và có bịnh đau tim, vợ và mấy đứa con khuyên về Orange County California để sống, vì tiểu bang Cali nắng ấm quanh năm, khí hậu rất tốt hợp với tuổi già.

Khi về sống ở thành phố Santa Ana, Cali, đi khám bác sĩ, ông bác sĩ khuyên mỗi ngày đi bộ khoảng một giờ đồng hồ. Tôi nghe lời khuyên của bác sĩ gia đình, tám giờ mỗi sáng là tôi ra công viên đi vòng quanh ba mươi phút, ngồi nghỉ mệt mười phút, rồi đi tiếp hai mươi phút là trở về nhà.

<!>

Thành phố Santa Ana phần đông là người Mễ định cư, nên công viên gần nhà tôi người Mễ tập thể dục rất đông, nhất là ngày thứ bảy và chủ nhật. Hình như người Mễ họ ít thích sống ở nhà, những ngày nghỉ là ra công viên tụ tập vui chơi. Cả ngày thứ bảy, chủ nhật là tụm năm, tụm mười ăn chơi ca hát. Có hai người Mễ đẩy xe đi bán cà rem, kẹo bánh, hoặc đồ chơi trẻ em. Tôi không thấy người Mỹ trắng, có bốn, năm người Phi, và bốn bà người Việt Nam. Người Việt Nam đi đâu cũng dễ nhận diện. Chưa tới gần đã nghe nói chuyện oang oang, nào là chuyện chồng con, nhà cửa, bạn bè, hàng xóm láng giềng…

Đặc biệt, tôi chú ý đến một người đàn ông khoảng trên dưới bảy mươi, người gầy, dong dỏng cao, nước da xám đen, có lẽ thường xuyên ở ngoài nắng, đầu đội mũ đi rừng màu rêu của người lính, quần jean xanh đã bạc, áo pull màu xám tro bỏ vào quần nghiêm chỉnh, chân mang giày bata đen. Tay trái cầm hai bao nhựa đen, một bao bỏ chai nhựa và lon bia, một bao bỏ rác rưởi ở công viên. Tay phải cầm một cây kẹp rác, lon, chai bỏ vào bao.

Mỗi sáng tám giờ, tôi ra công viên đi vòng quanh, đã thấy ông đi đến những tụ điểm mà chiều hôm qua người Mễ tụ họp ăn chơi bỏ đầy rác, vỏ lon bia, vỏ chai nước lọc. Ông lượm rác, lon, chai bỏ vào bao. Tôi nghĩ ông ta là người Mễ nên cũng ít quan tâm. Mỗi sáng tôi đến thì đã thấy ông đi loanh quanh lượm rác, chín giờ tôi về thì ông ta vẫn còn ở lại, nên tôi không đoán được là ông ta đến lúc nào và về lúc nào. Có những buổi sáng tôi đến thì thấy ông ta ngồi nghỉ ở một tảng đá cuối công viên, để hai bao rác bên cạnh, mắt nhìn một phương trời xa xăm, hai tay đưa lên đưa xuống như đang nói chuyện với người nào đó. Có nhiều lúc ông ta đang đi bỗng dưng đứng lại nhìn lên bầu trời nói cái gì đó rồi tiếp tục công việc. Tôi nghĩ ông Mễ nầy hơi bất bình thường nên ít để ý.

Một hôm tình cờ tôi đi gần phía sau ông, thì nghe ông hát “em đi bỏ lại căn nhà, mùa xuân phía trước, miên trường phía sau”. À, té ra ông nầy là người Việt Nam không phải người Mễ. Nhưng người Việt Nam như mình mà sao lại đi lượm rác ở công viên nầy và hát một câu không giống ai. Em đi bỏ lại con đường là lời nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông đổi lại là Em đi bỏ lại căn nhà. Còn câu tiếp là của nhà thơ Bùi Giáng. Ông nầy lại lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Ông thấy tôi đi gần ông rẽ trái đi đến chỗ bốn năm người Mễ đang tụ tập để lượm rác.

Tôi rất tò mò nhưng không làm sao mà gần gủi và nói chuyện với ông. Vì mỗi lần tôi đến định chào hỏi thì ông lách đi hướng khác, hình như ông muốn tránh mọi người. Tôi lại càng tò mò muốn làm quen vì cùng là người Việt Nam lưu lạc, lại biết nhạc Trịnh Công Sơn và thơ Bùi Giáng và muốn biết hoàn cảnh nào mà ông qua Mỹ và tại sao làm những công việc nầy?. Một hôm ông đang ngồi nghỉ, tôi cầm một điếu thuốc đi từ phía sau đi tới và hỏi ông:

- Hi! Good morning sir, you have fire?

- No, no, oh you wait me one minute.

Ông trả lời và đi đến gốc cây góc công viên có để mấy bao rác, ông lấy một bao diêm giấy đưa cho tôi. Tôi quẹt diêm đốt thuốc và bắt chuyện.

- Hình như anh là ngưới Việt Nam. Tôi hỏi.

Ông nhìn tôi một giây và trả lời:

- Vâng. Mắt nhìn xa xăm.

- Tôi thấy anh còn khỏe quá. Tôi bị đau tim nên bác sĩ khuyên đi bộ cho tốt, sáng nào tôi cũng đi một giờ. Trước đây tôi ở Seattle, khí hậu quá lạnh nên chuyển về CA khí hậu tốt. Làm như anh, như tập thể dục khỏe người ra.Tôi nói một hơi như trải bày tâm sự và tạo cảm tình. Ông cười nhìn xa xăm và nói:

- Tôi làm cho giết thì giờ, bịnh hoạn chết chóc là do số mạng, con người sướng, cực, giàu, sang, là do số trời đã định, mình muốn cũng không được.

-  Vâng, anh nói đúng lắm, như tụi mình đây đâu có muốn lưu lạc xứ người mà cũng phải lạc xứ. Ở quê ăn củ khoai, củ sắn cũng khỏe cái thân, gần gủi bà con làng xóm.

Tôi nghĩ ban đầu gặp nhau nói chuyện như vậy cũng đủ rồi, nói nhiều quá sợ ông nghi mình nhiều chuyện, tò mò. Tôi nhìn đồng hồ đã hơn chín giờ, tôi nói với ông:

- Ồ, hơn chín giờ rồi, thôi tôi xin phép về trước chở bà vợ đi khám bệnh. Anh làm việc vui vẻ, mai mốt anh em mình gặp nhau nói chuyện nhiều.

Tôi không bắt tay mà vỗ vai anh tỏ thái độ thân thiện và bước đi. Anh nhìn xa xăm có nét buồn trên đôi mắt và tiếp tục đi lượm rác. 

Sáng hôm sau, tám giờ tôi thay đồ ra công viên. Thấy bà xã có làm bánh bông lan cho bà chị, tôi xin bốn cái bỏ vào cái hộp đem theo. Tôi đến công viên thì thấy ông đang ngồi nghỉ ở tảng đá như ngày hôm qua, hai bao rác đã đầy rồi. Tôi đến gần ông không đi trớ như mọi khi, nhìn tôi ông cười có vẻ thân thiện. Tôi cũng cười và nói:

-  Bà xã tôi làm bánh bông lan cho bà chị, tôi biếu anh mấy cái ăn chơi. Hôm nay anh trúng mánh. Mới tám giờ mà đầy hai bao rồi, thôi về nghỉ sớm. Anh nhìn tôi cảm ơn và nói một hơi:

- Có gì đâu mà trúng mánh, tôi lượm mấy thứ nầy để bán dồn tiền gởi về Việt Nam cho mấy trại mồ côi. Tôi ăn tiền hưu, nhà cửa chính phủ cấp, cũng đủ sống rồi. Ở Mỹ nầy có đói rách đâu, đừng vi phạm luật pháp thì có đâu homeless mà sợ. Nước Mỹ cưu mang tôi, mỗi tháng nước Mỹ cấp gần chín trăm đô la tiền hưu, cấp nhà cửa, khám bịnh, thuốc men cũng cho luôn.

Tôi hỏi lại anh:

- Thế anh lượm vỏ chai, lon bia, chứ anh lượm rác rưởi nầy làm chi?

- Tôi chưa trả ơn nước Mỹ, bây giờ già cả bịnh hoạn mình lượm rác thêm để cho công viên sạch sẽ, cũng đỡ bớt công nhân đi dọn rác mỗi tuần, hơn nữa bà con đi tập thể dục, trẻ em vui chơi an toàn và sạch sẽ. Đó cũng là cách tôi trả ơn cho nước Mỹ.

Nghe ông nói chuyện cũng khác người, chưa bao giờ nghe ai ở Mỹ mà nói như ông, tôi muốn hỏi thêm nhưng vì phải đi bộ một giờ để cho đều đặn mỗi ngày, và tôi nghĩ mỗi ngày đều ra công viên thì gặp ông, bây giờ cũng quen nhau rồi, ổng không tránh nữa đâu mà lo. Thôi đi bộ cho đủ giờ và về tỉa mấy cây hoa cho kịp ra tết. Tôi vỗ vai ông và từ giã. 

Ba hôm rồi tôi không ra công viên, vì bận phải lo dọn lại vườn sau và phía trước nhà cho thằng con. Gần tết rồi mà vợ chồng nó đi làm suốt ngày không có thì giờ chăm bón. Lâu quá không làm việc tay chân nên mỏi mệt quá chừng, làm biếng tập thể dục. Hôm nay tôi đi tập tiếp tục.Đến cổng công viên thì thấy ông đang lay hoay lượm rác ở khu vực trẻ em vui chơi, ông đang làm việc nên tôi đi vòng quanh công viên. Khoảng ba mươi phút, thấy ông đem rác đến bỏ vào thùng lớn và xách bao lon bia, lon nhựa, đến tảng đá ngồi nghỉ. Tôi mon men đến nói chuyện:

- Mấy ngày hôm nay ở nhà dọn giúp cái vườn cho thằng con trai, cả năm nó chẳng dọn dẹp, chăm bón, cây cối, cỏ mọc um tùm, lâu không làm việc chân tay nên tối ngủ phè đến sáng quên dậy.

- Anh có công việc để làm, có con cái để giúp đỡ là hạnh phúc rồi. Tôi thì chẳng có công việc gì làm ngoài công việc đi lượm rác, chiều về đọc sách, nghe nhạc. Ngày nào cũng như ngày nào, chán chết được.

- Ủa, anh không có vợ, con, anh em, họ hàng ở đây sao? Tôi ngạc nhiên hỏi ông.

- Có thì nói làm gì. Đàn bà tàn nhẫn lắm anh ơi!

Nhìn cặp mắt ông thật buồn như khóc. Tôi nghĩ mình đang khơi lại chuyện buồn bã và bất hạnh của đời ông nên tôi lãng sang chuyện khác:

- Ôi, đời mà anh, định mệnh đã an bài như anh đã nói, nghèo giàu hạnh phúc, bất hạnh đều do số trời, nhưng chúng mình được sống ở Mỹ cũng hơn nhiều người còn ở lại Việt Nam.

Và tôi hỏi tiếp:

- Anh đã về Việt Nam lần nào chưa?

- Từ ngày qua Mỹ đến nay tôi chưa về lần nào. Mà về làm gì anh. Tôi có còn ai đâu mà về, hơn nữa về mà thấy mấy thằng cán bộ, công an, mấy thằng cơ hội giàu có huênh hoang mình tức mình đập ở tù rục xương. Năm bảy bảy tôi có ở tù gần một năm cũng vì đập thằng công an phường.

-  Anh cũng gan đấy chứ. Lý do tại sao anh đập thằng công an phường? Tôi hỏi bởi sự tò mò.

-  Nhà tôi ở quận năm Sài Gòn, ba tôi là thiếu tá cảnh sát nhưng đã về hưu, mẹ tôi có sạp vải ở chợ An Đông. Thằng công an phường đến nhà nói gia đình tôi là tư bản, ba tôi sĩ quan ngụy mà trốn học tập, bắt phải đóng tiền cho phường để xây dựng phường, nếu không sẽ bị tịch thu tài sản, nhà cửa và bắt ba tôi đi học tập.

- Rồi tại sao anh đi ở tù. Tôi hỏi như khơi ra cho ông nói tiếp:

- Tôi tức quá mà anh, thằng công an phường là con nít mà giám hỗn laó với ba mẹ tôi. Ba tôi ổng sợ quá cứ dạ dạ, thưa thưa. Tôi chạy tới tóm cổ thằng công an, đấm vào mặt mấy đấm và tống cổ ra khỏi nhà. Nó chạy về phường báo với thằng chủ tịch phường và kéo mấy thằng nữa đến nhà đọc lệnh quy cho tôi tội phản động, hành hung công an đang làm phận sự, còng tay tôi dẫn về phường và tống cổ tôi đi ở tù.

- Anh ở tù gần một năm à? Tôi hỏi tiếp

- Nó tống tôi vào tù có nói mấy năm đâu. Ông bà già sợ quá sang sạp vải để chạy cho tôi ra tù và bán nhà xuống Bà Rịa mua rẫy để trồng điều, khoai mì. Ông già buồn quá sinh bịnh một năm sau ông qua đời. Còn lại bà già và tôi. Mẹ thì nuôi heo, tôi làm rẫy sống qua ngày.

- Như vậy anh đi Mỹ năm nào?

- Năm tám mươi. Tôi đi Mỹ gặp hên thôi chứ không tốn tiền của gì cả. Tôi đang làm cỏ rẫy điều, trời đã tối rồi nhưng tôi làm rán cho hết để ngày mai làm việc khác. Có bốn người, hai người đàn ông và hai người đàn bà đi ngang qua rẩy tôi, họ tưởng tối rồi không có ai nên nói chuyện hơi lớn, tôi biết là những người vượt biên hẹn bãi để đợi người tới bốc đi. Tôi lên tiếng họ tưởng tôi cũng đợi để đi, tôi tháp tùng đi luôn, ra đến bãi chủ tàu kiểm tra thấy dư tôi, nhưng họ sợ lộ, sợ tôi tố cáo nên họ cho tôi đi.

- Anh hên quá hả, đẻ bọc điều đó, không tốn một đồng mà cũng đi qua Mỹ được. Tôi khen ông cho ông thích, nhưng ông trả lời một câu xuội lơ:

- Hồi đó đẻ bọc điều bây giở đẻ bọc giẻ rách, đẻ bọc ny lông.

Thấy ông có vẻ bi quan, tôi hỏi tiếp:

- Tàu anh đến nước nào Phi Lụật Tân hày Mã Lai?

- Đến Phi Lụật Tân ở hơn sáu tháng rồi phái đoàn phỏng vấn cho tôi đi Mỹ, vì tôi có ông chú đại úy không quân, đang định cư ở Mỹ, ông chú đi năm 1975.

- Anh rất may mắn, có nhiều người ở đó mấy năm vì không có bà con ở nước ngoài và không tham gia trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Có nước thứ ba bảo lãnh họ mới đi được.

- Đến Mỹ anh được định cư ở Santa Ana CA đến bây giờ? Tôi hỏi ông.

- Tôi về Houston TX, vì có ông chú ở đó bảo trợ. Biết đâu lúc đó mà tôi về CA thì chắc đời không xô, đẩy, đạp, đá, hất tôi ra đứng bên lề cuộc đời nầy. Trời Phật thật là bất công.

- Có gì mà anh giận dữ vậy? Ở Mỹ chẳng thà thật giàu, còn nghèo như tụi mình có nhà nước lo hết, có chết cũng tới số mà thôi.

- Tôi có muốn ăn tiền già, tiền bịnh đâu anh. Hồi tôi bước chân đến Mỹ tôi cố gắng đi học Anh văn, học nghề và đi làm thêm để kiếm tiền trang trải mọi chi phí và gởi về cho mẹ già. Tôi nghĩ ở Mỹ phải học một một cái nghề và có bằng cấp mới xin việc được và phải đi làm để đóng thuế, sau già có tiền hưu trí, khỏi lo gì hết. Thế mà không được, không bao giờ được.
Ông nói trong nét mặt buồn và giận. Tôi thấy ông cũng muốn tâm sự để cho nhẹ bớt sự uất hận đã chôn chặt từ lâu. Tôi hỏi thêm:

- Đến Mỹ anh học nghề gì? Và sau đó làm việc gì? Hồi đó ít người Việt nên xin việc dễ lắm hả?

- Hồi trước năm bảy lăm tôi mê văn chương, tính ghi danh học đại học văn khoa, nhưng ông già không cho nói là không bảo đảm cho tương lai, học một nghề gì về kỷ thuật, máy móc dể tìm việc làm và bảo đảm cho tương lai, tôi thi vào trường kỹ thuật Phú Thọ, học được ba năm thì mấy thằng Việt Cộng vào. Qua đây tôi tiếp tục học ngành điện.

- Như vậy anh tốt nghiệp kỹ sư điện chứ? Và anh làm việc cho chính phủ? Tôi hỏi tiếp.

- Tôi tốt nghiệp kỹ sư điện, cũng khá cao. Nhưng làm gì xin vào được nhà nước. Tụi Mỹ trắng rất kỳ thị, khi interview nó ưu tiên cho mấy thằng da trắng, mình da vàng mũi tẹt khó lọt. Tôi xin vào làm điện cho trường học.

- Anh cũng rất may mắn, có bằng cấp và việc làm ổn định.

- Đời đâu có suôn sẻ như vậy anh. Nếu suôn sẻ thì tôi đâu có đi lượm rác công viên và gặp anh.

Ông nói và nhìn tôi cười rất chua xót, đắng cay. Tôi thấy ông cũng rất vui vẻ, cởi mở và chân thật, tôi hỏi tiếp:

- Thế anh lấy vợ năm nào? Và được mấy cháu?

- Tôi lấy vợ năm tám sáu, khi tôi đã mua nhà cửa ổn định. Hồi đó ở Houston TX người Việt mình định cư rất ít, đàn bà lại càng ít hơn. Tôi gặp bả trong trường học tôi làm. Bả đi học Anh văn. Tôi thấy mình cũng đã lớn và công việc làm ăn đã ổn định nên tôi nghĩ đến cưới vợ, tôi thấy bả cũng xinh gái, tôi làm quen, mời về nhà, ba tháng sau tôi cưới, thật sự chẳng có yêu đương gì. Vợ con là duyên nợ phải không anh? Ông hỏi lại tôi với đôi mắt buồn bã. Tôi nói theo ông và thêm chút bông lơn để cho ông đở buồn và hận:

- Vợ con là duyên nợ, đúng lắm anh ơi. Như tôi, hồi học ở Sài Gòn có yêu một cô gái miền Nam hiền lắm, cô cũng yêu tôi.

Nhưng khi tôi bị động viên vào Thủ Đức, ra trường đổi lên tận Pleiku gặp bà vợ, gái miền Trung  dữ như bà chằn. Ôi, cũng là số trời đã định rồi, chạy đâu khỏi nắng.

- Vợ anh dữ nhưng chân thật, biết yêu chồng con, lo lắng gia đình. Còn vợ tôi người Bắc bảy lăm chanh chua, điêu ngoa, lừa dối chồng. Biết bao cái xấu làm sao mà nói cho hết. 

- Anh được mấy cháu? Tôi hỏi tiếp.

- Đám cưới sau ba tháng thì bả có bầu. Tôi mừng hết lớn vì sắp làm cha. Tôi không cho bả xin việc làm, ở nhà lo cơm nước và việc nhà. Thật sự cũng tại tôi, ở nhà sướng quá rồi sinh tật.

- Thì vợ ở nhà lo cơm nước và con cái để chồng an tâm làm việc thì cũng hạnh phúc rồi, anh còn than gì nữa. Làm sao mà sinh tật.

- Có hai vợ chồng nên việc nhà có gì nhiều đâu. Bởi thế rảnh quá, đi sang mấy bà hàng xóm trò chuyện, ngồi lê đôi mách, rồi rủ đi shopping, ôi thôi đàn bà mà anh.

- Ừa, có hai người đàn bà và một con vịt thì thành cái chợ. Hai ba người đàn bà ngồi lại với nhau thì biết bao chuyện để nói, nói cả ngày cũng không hết và sinh đủ thứ chuyện. Tôi nói theo ý ông để ông vui và tiếp tục tâm sự:

- Khi sinh đứa con trai đầu lòng, tôi thấy bả cũng hơi bận vì hai đứa chưa có kinh nghiệm chăm con nít nên loay hoay suốt ngày. Rồi cũng qua đi, thằng con trai lớn dần và rất ngoan, tôi thương

con và cũng thương vợ, cứ để ở nhà chăm con, lo ăn uống, đưa, đón con đi học. Hồi đó tôi làm lương cũng khá nên đủ chi tiêu trong gia đình.

- Như vậy là một gia đình Việt Nam hạnh phúc đấy. Nhưng chắc anh cưng quá rồi bả sinh tật phải không?

- Khi con tôi vào đại học, bả rảnh nên xin đi làm tính tiền trong chợ QFC. Có lúc đi sớm, có lúc về muộn. Tôi thì lo làm kiếm tiền để lo cho con học đại học. Học đại học được hai năm, một buổi chiều đi học về trên xa lộ, một chiếc xe của hai vợ chồng mới cưới bị nổ bánh quay đầu tông vào xe con tôi, ba người chết tại chỗ.

Tôi nghe kể đến đây nước mắt ông lưng tròng. Ông lấy hai tay chùi nước mắt. Trời ơi! Tôi nghe ông kể tôi cũng điếng cả người, ông trời chi mà bất công. Dừng một lúc rồi ông kể tiếp:

- Bạn bè cùng chỗ làm và đồng hương giúp tôi lo đám tang cho cháu. Xong đám tang tôi ngã bịnh, chắc cũng vì buồn tủi, sầu lo. Vào bệnh viện bác sĩ phát hiện tôi bị bịnh ung thư cổ thời kỳ đầu. Một tai nạn thứ hai đến với tôi. Nhưng tôi nghĩ cũng còn người vợ bên mình sẽ được an ủi và lo cho nhau. Nhưng có ngờ đâu khi biết tôi bị ung thư, bả âm thầm rút hết tiền trong nhà bank và bỏ nhà đi. Sau tôi biết bả đi theo một thằng Tàu mà bả quen khi làm việc tại chợ QFC.

- Đàn bà thật tàn nhẫn. Tôi buộc miệng lớn tiếng vì tôi cũng căm tức và hỏi tiếp:

- Bởi nguyên do nào anh về Cali?

- Lúc đó tôi nghỉ việc nhưng chưa đúng tuổi hưu. Tôi bán nhà để chữa bịnh, cũng may bịnh ung thư khám phá sớm nên bịnh không phát triển. Ở TX buồn quá một người bạn ở Cali quen nhau lúc cùng vượt biên thấy hoàn cảnh của tôi quá thảm thương khuyên tôi chuyển về Cali để gần bạn. Tôi chuyển về Cali xin tiền hưu non sáu hai tuổi. Tiền hưu bằng tiền già ở Cali nên tôi nộp đơn xin housing. Hai năm sau tôi được cấp nhà housing. Thật là một sự may mắn lớn trong đời tôi. Tôi ở housing và được hưởng sự trợ cấp như một người bịnh. 

Ông kể đến đây ông khóc, bây giờ ông khóc thật sự, nước mắt chảy dài trên hai gò má nhăn nheo. Tiếng nấc và hai vai rung lên từng nhịp, những uất hận, sầu tủi bấy lâu nay có lẻ ông tuôn hết lúc nầy. Ông khóc một lúc, ông đứng lên hai tay cầm bao vỏ bia, chai nhựa và cây kẹp rác xin phép tôi ông đi về trước, ông nói:

- Tôi phải về, về thắp cho đứa con một nén nhang, nó đang ở nhà đợi tôi.

Nói xong ông bước đi, từng bước, từng bước xiêu vẹo, hai vai gầy, chập chờn như cây gỗ khô trước gió chiều hiu quạnh. Khi ông bỏ về, tôi cũng không tập tiếp mà bỏ về theo ông, lòng buồn vô hạn,

 Trước khi đi Seattle ăn Tết với đứa con trai, tôi quá là bận, phải phụ giúp bà xã gói ít bánh chưng, bánh tổ và mua một ít chả cá, chả lụa đem cho thằng con trai ăn tết. Tôi nghĩ, phải gặp ông một lần trước khi đi, để tôi biếu ông một it bánh cúng đứa con trai xấu số và ông ăn tết. Ông đang ngồi nghỉ ở tảng đá cuối công viên như mọi hôm, vừa nhìn thấy tôi đi đến gần, ông có vẻ vui mừng, đứng dậy đón tôi.

Ông cất tiếng chào tôi trước:

- Chào anh, tôi tưởng anh đi Seattle rồi. Mấy ngày nay không thấy anh đi tập.

- Ngày mai tôi mới đi, phải ở nhà phụ bà xã gói bánh và mua một ít quà đem theo cho con, luôn tiện biếu anh ít bánh để anh cúng con trai và ăn tết.

- Anh cứ cho quà tôi hoài mà tôi không có gi biếu lại anh. Anh lên Seattle mùa nầy còn lạnh, tuyết rơi, tôi tặng anh quyển sách nầy để anh đọc những thời gian rảnh rỗi. Từ khi tôi mất hết, cái gì cũng vụt khỏi tầm tay, chỉ còn lại tôi, khi tôi gục ngã, âm nhạc và sách vở vực tôi đứng dậy. Đứng dậy để nhìn bề trái, bề phải của cuộc đời nầy.

- Có một lần tình cờ tôi nghe anh đọc một câu thơ mà anh lấy một nửa câu hát của Trịnh công Sơn và một câu thơ của nhà thơ Bùi Giáng. Anh thích hai người nầy lắm phải không?

- Nhiều lúc tôi muốn điên như Bùi Giáng, như Friedrich Nietzsche, nhưng Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên ru lòng tôi bằng những bài tình ca mật ngọt, thơ mộng và đắm say, nhờ vậy mà tôi lấy lại quân bình của tâm hồn để sống nốt quảng đời ô trọc nầy. Anh đã hiểu chìm nổi của cuộc đời tôi thì câu thơ mà anh nghe, là cuộc đời tôi đó.

Tôi cầm quyển sách ông tặng, quyển sách đã úa vàng, mất bìa trước. Tôi đọc tên tác giả: Friedrich Nietzsche và tựa đề: Buổi Hoàng Hôn Của Những Thần Tượng hay Làm Cách Nào Triết Lý Với Cây Búa. Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu. Tôi quá ngạc nhiên bởi ông thích điên như Bùi Giáng, như Nietzsche, là một người ẩn chứa một tâm hồn mênh mông, nổi loạn…Tôi cảm ơn ông và nói:

- Hy vọng những ngày tôi ở Seattle mưa và tuyết nhưng là những ngày không vô vị, không buồn nản vì có quyển sách nầy là bạn. Tôi sẽ gặp lại anh sau chuyến đi Seattle trở về, anh giữ gìn sức khỏe và ăn tết vui vẻ nhé.

Tôi bắt tay ông thật chặc, ông không nói một lời, nhìn tôi thật lâu, với đôi mắt buồn như lệ đang rơi...
                                           

                                                 *** 

Khí hậu thành phố Seattle không như mọi năm, thay đổi, mưa dầm và tuyết rơi. Những ngày tết tuyết rơi triền miên, từ sáng ba mươi đến ngày mồng bảy, mồng tám. Tôi chẳng đi đâu được. Những người bạn già gọi ơi ới đến nhà nhậu nhưng đành chịu thua. Cũng may có quyển sách của ông bạn gặp ở công viên tặng. Tôi nghiền ngẫm đọc, đọc nhiều tôi càng thấm sâu vào tư tưởng của Nietzsche, nhiều đoạn tôi không hiểu được, tôi sẽ hỏi ông khi về lại Cali. Tôi tâm huyết nhất là những lời Nietzsche nói:

“Người ta phải đặt mình ở bên ngoài cuộc đời, và mặt khác phải hiểu biết thấu suốt cuộc đời như bất kỳ, như đa số, như tất cả mọi người đã cảm nghiệm nó, mới được phép đụng chạm tới vấn đề giá trị của cuộc đời: đó là những lý do túc lý để thấy rằng vấn đề nầy là một vấn đề ở ngoài tầm với đối với chúng ta.”
Đời đã đẩy ông đứng bên ngoài cuộc đời nên ông tìm đến Nietzsche và Nietzsche chỉ vẻ cho ông nhìn thấu suốt cuộc đời nầy. 

Tôi về lại Cali là tôi đi tập thể dục trở lại, vì ở Seattle một tháng, tuyết rơi mưa gió có tập được gì đâu và cốt ý là gặp ông bạn lượm rác mà tôi cảm thấy thân thương gần gũi, và để nhờ ông giải thích nhiều đoạn của Niezsche đưa ra mà tôi chưa hiểu. Tôi đi ba ngày liên tiếp mà chẳng thấy ông đâu. Tôi hỏi những người Mễ tôi đã gặp hằng ngày, họ chẳng quan tâm. Tôi hỏi bốn bà Việt Nam, họ bảo rằng ông Mễ lượm rác khùng khùng, không thấy đến công viên hơn nửa tháng rồi. Tôi nói ông lượm rác là người Việt Nam rất đáng thương và kính nể.

Có một bà nói, khuya mồng một tết vừa rồi ở thành phố Santa Ana có một ông Việt Nam điên đi giữa đường bị xe tông chết. Tôi chẳng biết đâu mà mò, mà tìm ông, ông bạn già, trên đôi vai trĩu nặng những khổ đau của cuộc đời. 

Tôi nghĩ là ông không chết, ông lẫn khuất đâu đó, để nhìn tiếp cuộc đời ô trọc nầy, để nhìn thấy những người tự xưng mình anh hùng, là thần tượng, đã đến buổi hoàng hôn. Vì ông còn đứng bên đời…
                                                                                               

 Trần Thế Phong

(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...