Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

Trạch Gầm - Cảm Ơn Đời, Cảm Ơn Người - Vương Trùng Dương

 


Trưa Thứ Bảy 14/5/2022, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 2, Garden Grove, buổi tiệc Cảm Ơn Đời, Cảm Ơn Người của Trạch Gầm với sự tham dự khoảng hai trăm thân hữu.

Đây là buổi tiệc do con gái (cháu July) của Trạch Gầm tổ chức mừng thân phụ ở tuổi tám mươi.  Thân hữu tham dự ngoài hai vị thầy cô, hầu hết là bạn bè từ ngày học ở trường Võ Trường Toản Sài Gòn, bạn bè của các đơn vị tác chiến ở Vùng 3 Chiến Thuật mà anh quen thân nhau khi phục vụ trong ngành Quân Báo ở Quân Khu 3, bạn tù với nhau  trong các trại tù trong Nam và ngoài Bắc, bạn văn ở Little Saigon…

<!>

Trong buổi tiệc nầy được sự đóng góp của Biệt Đoàn Văn Nghệ của Vũ Long Sơn Hải nên chương trình văn nghệ sinh động, vui vẻ. Trong những bài thơ của Trạch Gầm được thân hữu phổ nhạc khoảng một trăm ca khúc đươc thu vào CD, nay chọn ra những ca khúc đó để giới thiệu với thân hữu.

Nhân buổi tiệc Cảm Ơn Đời, Cảm Ơn Người, giữa Trạch Gầm và tôi có mối giao tình (có lẽ đặc biệt) về tình bạn, tình chiến hữu và văn nghệ trong “đám” bạn bè. Vì vậy ghi lại tháng ngày trong quá khứ.

Mỗi sáng chúng tôi thường gặp nhau ở quán cà phê, công việc làm báo của tôi không lệ thuộc vào giờ giấc nên làm thân phận con cò, con vạc mưu sinh ban đêm.

Trung bình mỗi tháng có 20 buổi được gặp nhau cà phê như vậy, hai thập niên qua cũng khoảng 5 nghìn ngày, còn thua xa thời gian lẻ trong hai câu thơ Uống Rượu Tiêu Sầu của nhà thơ Cao Bá Quát

“Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy…

Tiêu khiển một vài chung lếu láo”

Chúng tôi gặp nhau tiêu khiển cà phê, thuốc lá, tán gẫu, ba điều ba chuyện (còn một chuyện thuộc thâm cung bí sử) gọi là tào lao xịt bộp, rồi chia tay. Gần hai thập đó chúng tôi chẳng làm được trò trống gì trong ba điều ba chuyện, trong khi đó người bạn giả của tôi đã làm nên tích sự với 3 tập thơ và 3 tập văn từ năm 2007 đến năm 2018: Đó là Trạch Gầm

Buổi sáng ngày 28/4/2006, sau hai ngày vắng bóng, khi ra quán cà phê Lyly, thấy Trạch Gầm ngồi một mình, trông rất buồn, tôi hỏi anh thì được biết thân mẫu anh vừa qua đời ở Sài Gòn. Anh rút trong túi áo, viết tay bài thơ Mất Mẹ 32 dòng với 4 câu cuối:

“Bây giờ trong cõi hư vô ấy

Mẹ thảnh thơi rồi có phải không?

Giọt sầu mất nước giờ hóa đá

Mây nước quê hương cung lạc dòng!”

Với cùng cảnh ngộ, nỗi đau và bất hạnh nhất của người con, tôi chia sẻ và an ủi anh khi anh ở Mỹ, không thể về để nhìn mặt mẹ lần cuối. Mẹ anh qua đời ở tuổi 92, mẹ tôi qua đời ở tuổi 90, khi mẹ tôi mất, còn ở trong nước nhưng không về được để nhìn lần cuối.

Tối hôm đó tôi viết bài Thiên Chức Nhà Giáo, Tâm Hồn Nhà Văn: Bà Tùng Long (bài viết được phổ biến trên các tờ báo Việt ngữ xa, gần và trên nhiều trang web còn lưu trữ).

Qua bài viết nầy, thân hữu ở xa mới biết anh là con của nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy (1902-1985), cụ là em ruột nhà báo Nguyễn Đức Nhuận (chồng Bà Bút Trà, Chủ Nhiệm nhật báo Sài Gòn Mới)…

Chỉ có số ít anh em thân quen ở Little Saigon mới biết Trạch Gầm là anh ruột nhà văn Nguyễn Đức Lập, qua đó biết được thân phụ, thân mẫu anh, hai bác là những nhà báo, nhà văn kỳ cựu từ thập niên 30 ở thế kỷ XX. Riêng Trạch Gầm rất kín tiếng với “lý lịch gia đình”…

Tuy là vận nước đưa đẫy và hai đứa chúng tôi trong cuộc sống cũng không có làm điều gì phải ân hận nhưng với hình ảnh người mẹ thiêng liêng cao quý, suốt đời kính trọng mà giờ phút thiêng liêng không được nhìn mẹ lần cuối cùng bên quan tài là sự ân hận cho đến khi nhắm mắt! Trong thơ anh và trong bài viết của tôi đã từng nhắc đến nỗi đau và bất hạnh đó với niềm tiếc thương và ân hận.

Khi tôi làm Tổng Thư Ký bán nguyệt san KBC Hải Ngoại (2002-2005), thơ anh chọn đăng trên báo nầy và tuần báo Trách Nhiệm của Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị (tôi chỉ layout) nhưng các bài thơ của anh đã đăng trên báo vì thơ Trạch Gầm hợp với báo lính.

Tập thơ đầu tiên là Vụn Vặt, tôi layout, ấn hành năm 2007. Cái tựa cũng ngồ ngộ vì hợp với bút hiệu của Trạch Gầm. Rồi tiếp theo với tựa đề Ráng Chịu ấn hành năm 2009 lại đặc biệt hơn vì nó cũng phù hợp với tên tác giả… hai chữ chúng tôi rất dị ứng từ khi ở trong tù là “khắc phục” nói nôm na là “ráng chịu” nhưng với Trạch Gầm chọn tựa đề cho tập thơ qua nội dung, tôi rất thích.

Trong bài thơ Ráng Chịu có hai câu:

“Cứ ráng chịu. Tin có ngày mai đẹp

Bỏ nụ cười người vào túi rong chơi”

Ngày xưa cụ Nguyễn Công Trứ hận đời nên trong bài Nhân Tình Bạc Bẽo, ông phán:

“Đéo mẹ nhân tình đã biết rồi!

Lạt như nước ốc bạc như vôi”.

Cu Cao Bá Quát trước khi bị chém cũng thản niên:

“Ba hồi trống giục đù cha kiếp

Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời

Thời còn học sinh ở lớp Đệ Nhị (lớp 11 bây giờ) chương trình Việt Văn có hai nhà thơ Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát nhưng chữ nghĩa bay hết, chỉ nhớ lèm bèm vài câu thơ có chữ “đéo mẹ”. Bạn già của tôi còn nhớ và làm thơ chứng tỏ thuộc làu sách vở.

Nhưng với bạn tôi thì 2 tiếng chửi thề ĐM rất lịch sự vì “… cho tao chửi mầy một tiếng. Đất của ông cha sao mầy cắt cho Tàu”.

Chúng ta đã từng nghe chuyện ở trong nước chỉ mất con gà mà nghe chửi từ làng trên xóm dưới đã lôi cả họ hàng ba, bốn đời nhưng mất đất mất đảo thì im re. Bạn tôi quá liền lành quá chỉ cho tao chửi mầy một tiếng “đéo mẹ” nhưng bài thơ nầy được nhiều bạn văn đề cập đến và phổ biến khắp nơi.

 

 

Ký mục gia Bùi Bảo Trúc đã đọc thơ Trạch Gầm với những dòng thơ chửi thề đã viết một bài rất hay vì anh ví von thơ Trạch Gầm đọc lên với giọng điệu đó phản ảnh thực trạng xã hội, cuộc sống… của con người bị đánh mất quê hương.

Năm 2013 với tập thơ Dấu Giày Chinh Chiến đúng cuộc đời làm lính trận của Trạch Gầm. Nơi đây gót chân người lính Quân Báo ở vùng 3 đã lăn lội khắp nơi làm chứng nhân cho thời chinh chiến.

Về văn, cũng qua từng mẩu chuyện tán gẫu ba điều bốn chuyện với bạn bè về 9 năm đời lính nay đây mai đó, bạn bè gợi ý anh nên viết và anh thú thật dân miền Nam thường viết sai chính tả nên cũng ngại. May mắn lúc đó có tờ Việt Tide của cô Ông Thị Như Ngọc gợi ý cho tác giả viết hằng tuần, tòa soạn sẽ chỉnh lại. Đó là môi trường và động lực bắt buộc anh phải viết hàng tuần, kết quả đã ấn hành 3 tác phẩm Bên Lề Cuộc Chiến, Nhốt Vòng Nhớ Thương năm 2016.

Riêng tác phẩm Chôn Lầm Huyệt Nhớ năm 2018. Khi anh tặng tôi, thích cái tựa sách này nên buổi tối viết ngay một bài.

Có lẽ cái máu chơi chữ của bà Hồ Xuân Hương đã nhập vào mọi người nên đôi khi “méo mó nghề nghiệp” đọc tựa đề Chôn Lầm Huyệt Nhớ… nghĩ rằng có lẽ chơi chữ nhưng thực ra là tựạ đề của bài viết rất xúc động về cái chết qua bi thảm của chiến hữu, anh chứng nhân trong cuộc chiến.

Với Trạch Gầm, vào tuổi tám mươi để củng nhau chung vui Cảm Ơn Đời, Cảm Ơn Người cũng là chuyện lạ vào không ngờ.

Trạch Gầm với bao thứ bệnh quái ác đoán không ra, bác sĩ gia đình chê, bệnh viện chê và anh cũng chê… nên có khi nghe anh nhập viện, thật tình anh em tính chuyện thành kính phân ưu… thế rồi vài ngày sau thấy anh lù lù xuất hiện. Biết chuyện thì anh phán cái màn nầy không vui bằng tán gẫu với nhau thú vị hơn. Người bạn thân cùng đơn vị Quân Báo thời chinh chiến đôi lần tính chuyện “hậu sự” thế rồi Nguyễn Trọng Minh lại bỏ anh để về cõi thiên thu!.

Trong cuộc đời, đôi khi trong cái rủi, có cái may. Khi cuộc tình tan vỡ, Trạch Gầm sống với với hai người con gái còn đi học. Anh cho đó là số phận nên đành chấp nhận thương đau trong cuộc sống. Có lẽ câu nói “Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn là nguyền rủa bóng đêm” của bà Eleanor Roosevelt, Đệ Nhất Phu Nhân của TT Franklin D. Roosevelt hình như ảnh hưởng đến Trạch Gầm. Anh gặp người bạn đời Yên Ly, cùng uống cà phê chung với chúng tôi. Về computer, anh cho biết “dốt đặc cán mai” chỉ biết gõ thơ, văn trên Microsoft Word mà thôi. Yên Ly đã giúp anh phổ biến những ca khúc được thân hữu thực hiện để quảng bá trên YouTube, Internet… trở thành đôi bạn văn “tâm đầu ý hợp”.

Riêng tôi, nghĩ rằng đôi bạn nầy cùng cảnh ngộ nên “thắp một ngọn nến trong đêm tối” suốt thời gian qua thực hiện được những điều như ý muốn về thơ, văn, ca nhạc… vì với bản thân Trạch Gầm cũng không thể thiết tha như vậy.

Thông thường, mỗi tác giả, tôi chỉ viết một hay hai bài về tác giả và tác phẩm, nhưng với người bạn già tôi lại “xé rào” theo quy định. Tôi đã viết về Bên Lề Cuộc Chiến, Nhốt Vòng Nhớ Thương, Chôn Lầm Huyệt Nhớ… và bài viết Trạch Gầm, Thơ Với Gót Chân Người Lính Chiến (năm 2018) trong loạt bài Người Lính & Chiến Hữu Văn Nghệ trong những năm qua cho tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa và dự trù ấn hành cho tác phẩm nhưng vì thời thế nên cảm thấy chưa phù hợp.

Vẫn nhớ ngày nào tôi “xúi” anh nhưng với bản thân coi như “bụt nhà không thiêng”… nên đợi.

Trong những người bạn mà chúng tôi thường liên lạc là nhạc sĩ Song Ngọc. Tháng 8/2020, tôi viết bài Song Ngọc, Dòng Nhạc Của Một thời Để Nhớ, anh cho biết sẽ thực hiện tuyển tập cuối đời, trong đó có bài viết nầy, cùng những bài thơ của Trạch Gầm được phổ nhạc và hứa hẹn sẽ tổ chức đêm văn nghệ, hai đứa tôi bay qua Texas, có dịp tán gẫu cho thỏa chí. Thế rồi sau đó vài tháng anh đã ra người thiên cổ.

Nếu anh còn sống thì buổi tiệc của Trạch Gầm, bất cứ giá nào Song Ngọc sẽ hội tụ cùng anh em thân hữu. Trước đó là nhạc sĩ Vũ Hùng Phương (Vũ Hùng) trong nhóm anh em cà phê thường trực của chúng tôi đã phổ thơ của Trạch Gầm, thực hiện được CD Từ Thơ Đến Nhạc năm 2015 rồi không may đã ra người thiên cổ.

Với Trạch Gầm - Cảm Ơn Đời, Cảm Ơn Người – với bản thân tôi, cảm ơn bạn già với những sáng tác của anh đã tạo cho tôi niềm cảm hứng để viết.

Viết những dòng nầy với bạn ta - Trạch Gầm – nhắc lại vài hình ảnh người quá cố để mai sau còn chút gì lưu niệm.

 

Little Saigon, 5/2022

Vương Trùng Dương

K1/ĐH/CTCT/Đà lạt

(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...