Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

Một mùa sương thức - Truyện Nguyễn Ngọc Tư


Chị Mỹ, người đàn bà luôn gọi tôi là chồng, đi đánh bài suốt sáng cùng vài anh trong đoàn hát, sát phạt với dân cờ bạc địa phương. Tôi đi lang thang trong thị trấn, làm bạn với đêm sâu và bọn chó đầy thù nghịch. 

Những thị trấn luôn đi ngủ sớm, cả khi có đoàn chúng tôi đờn ca níu kéo, thì cũng không quá mười giờ. Hàng quán tắt đèn, thị trấn trầm mình trong thứ ánh sáng tiều tụy của những bóng đèn thắp ở đầu và cuối mỗi con đường, và chùng xuống ở giữa bởi sức nặng của bóng tối. Nửa đỏ nửa vàng, ánh sáng lại hợp vô cùng với những căn nhà lâu rồi không sơn lại, cỏ mọc trên ống cắm nhang bàn thờ thông thiên, hàng rào sắt rỉ sét và mảnh sân đầy xương lá. 

<!>

Lúc mỏi chân, chăm chú nhìn mãi vào dây tóc bóng đèn lúc mờ lúc rạng, rồi bứt mắt ra nhìn chung quanh. Mắt không quen tối nên con đường biến mất, đến nỗi có chút kinh ngạc mình đã đến đây bằng cách nào. Rồi con đường hiện dần ra, với những ổ voi sánh nước mưa, và lớp nhựa tráng mỏng trên mặt đường lượn sóng, mép đường lở hình răng cưa, như rìa bánh phồng bị đứa trẻ bẻ ăn dần.

Không có nhiều con đường để đi, trong những thị trấn nhỏ mà đoàn tạp kỹ tới. Bám theo quốc lộ mà thị trấn lấy làm xương sống, vòng sang cây cầu bắc qua một con sông, mà chỉ có thể đi đến nửa cầu, bởi sợ bước thêm bước nữa thì bóng tối bên kia sông nuốt mất mình. Hoàn toàn không có ngọn đèn đường nào bên đó.

Loanh quanh chỉ năm ba con đường, những con chó xớn xác nồ theo bước, làm sự yên tĩnh trở nên đục ngầu. Chẳng bất ngờ nếu gặp một toán tuần tra không mấy thân thiện hỏi muốn chi mà rình rập ở đây? Khó mà tìm ra lời giải thích nào cho hợp lẽ thường, bởi lẽ thường của họ đơn giản: khuya phải ngủ, ngủ không được thì nằm im mà đếm sao, cớ gì ra đường dầm sương. Lẽ thường không được nuôi dưỡng trong bóng tối. Có lần tôi bị lôi xểnh về giao cho má Cần, ông bầu một đoàn tạp kỹ vừa nhạc Pháp vừa cải lương lại có khỉ đi dây. Ngái ngủ, má gãi bẹn dụi mắt nói “thằng nhỏ bị vợ bỏ, thất tình, mấy anh thông cảm”. Rồi ngó tôi có vẻ áy náy vì đã gây phiền, má rụt đầu trở vào tấm mền, bảo “không sao đâu”. Không lâu thì nghe tiếng ngáy. Thái độ bao dung đó, làm tôi cảm giác gọi người đàn ông cao lớn kia bằng má thì cũng hợp lý như gọi trăng là trăng.

Một bữa, Nhu hỏi có thể mang anh theo không, đi vào đêm và những con đường thị trấn. Anh bị cụt chân từ nhỏ, sống trên lưng cô chị sinh đôi, và họ song ca những bài đồng quê kiểu như trăng rụng xuống cầu. Nghe nói má Cần nhặt được họ từ một đoàn lô tô vừa rã. Giống như má lượm được Mỹ và tôi. Những người nếu không được chiếc Dodge sơn màu cỏ úa mang theo, thì cũng nhập vào đoàn tạp kỹ khác. Chiến cuộc ngã ngũ rồi, tung tóe ra nhiều thân phận chẳng biết bám vào đâu, vịn vào gì.

Nhu nặng hơn tôi tưởng. Người anh mỏng, nhưng cõng đi tới chợ cũng hết hơi. Ngại mình làm phiền tôi, Nhu nói cứ để anh ngồi ở sạp kia, rồi tôi hãy cứ lang thang một mình, như mọi tối. Tôi ngồi thở dốc, ngửi thấy mùi đường mía len qua những khe ván, đoán mình ngồi trên một sạp tạp hóa, nghe cả tiếng mọt nghiến vào những hạt đậu. Sạp chợ đơn giản chỉ là cái thùng gỗ, một mặt được gắn bản lề như cánh cửa có thể mở ra cất hàng vào khi chợ tan, và chủ sạp trước khi về nhà cơm nước, móc cái ổ khóa nhỏ làm tin rằng sáng mai chẳng gì biến mất.

Có Nhu trên lưng, bóng chúng tôi in xuống đường kỳ dị, khiêu khích bầy chó. Hai thằng đi tới đâu chó dậy động tới đó, làm cả thị trấn cũng trở mình, trẻ nít bớ xớ khóc um. Nhưng ngồi trong căn nhà mà đoàn hát đang ở thì cả tôi và Nhu đều không thở được. 

Phải chỗ nào đó có gió.

Thứ đó chợ thị trấn đầy. Chợ buổi đêm vắng vẻ, không bị lũ chó bám theo sủa ỏng eo. Và có những cái sạp gỗ cao ráo để bọn tôi lăn lóc. Nhu nhìn cuối đường, chun mũi đánh hơi, nói “chắc chị Nhã lúc nãy không đi ngang đây”. 

Chị gái Nhu cặp bồ với một anh nhạc công mới nhập đoàn ở chợ Vàm. Cuộc tình chóng mặt. Tan hát họ biến mất vào những ngôi nhà bỏ hoang trong thị trấn, mà có đi nhiều lượt tôi chẳng cách nào xác nhận được họ ở đâu sau những cánh cửa cài. Cũng như tôi không biết Mỹ ngồi xòe bài ở đâu mà bao giờ về người cũng ấm. 

Hỏi thắng hay thua, Mỹ nói “sắp đủ rồi”. Trật lưng quần tôi, nhét vào lỗ thủng bằng đầu ngón tay cái nhẫn vàng vừa sắm được, chị cười, “chồng giữ là không mất”. Mỹ tin mình, như tin một thằng đàn ông có thể nương tựa được, tôi nghĩ vậy, cảm thấy lớn thêm chục tuổi, trải đời hơn chục lần, giống như bữa nghe chị thì thào trên con đường khuya thị trấn, “tụi mình cùng bốc hơi đi”. Chữ bốc hơi là của má Cần, ông kể đoàn mình đã từng đông, cho tới lần hát ở Cửa Lớn xong, người trong đoàn biến mất hơn một nửa. Không dấu vết.

“Ở đó gió biển nhiều quá, người ta dễ bốc hơi”, má nói.

Dùng chữ “bốc hơi” bằng chất giọng có chút thần bí, má làm tôi hình dung đang hát giữa chừng cô ca sĩ bỗng rùng mình, và hơi nước bắt đầu bay khỏi bộ đồ hóa trang giờ trở nên lỏng lẻo trước khi rỗng đi đổ xuống sân khấu, trên thớ vải hãy còn ấm hơi người. Bốc hơi chừng như không liên quan cuộc vượt biển tìm kiếm một chân trời với những con người quặt quại trên đống đờm dãi nôn mửa của chính họ, trong con tàu bị sóng nhồi gió giật, và bọn hải tặc lượn quanh. 

Những năm đó, không quá khó để đoàn hát ăn nhờ nằm đỡ một vài căn nhà trống của những người bốc hơi bỏ lại. Chủ nhân những ngôi nhà ấy đã để lại nguyên vẹn tủ giường, bếp núc, gần như không khóa cửa ngoài, như một cách trì hoãn không để sớm bị phát hiện ra cuộc bỏ đi. Nhiều căn nhà khi chúng tôi vào ở vẫn còn ấm mùi người, dù đồ đạc bị đội quân hôi của đem đi, để lại mớ đổ nát vô giá trị, nhưng trên vách bếp vẫn bám vài vết dầu mỡ còn tươi, trên lược còn giắt vài sợi tóc mềm, và khăn trong phòng tắm vẫn ẩm. 

Mỹ nhìn quanh, nói, “giờ chắc họ đã tới nơi”. 

Lúc ấy tôi chưa biết chị rúng động bởi chuyện bốc hơi, nhưng một tối nào đó, Mỹ nói chết sống gì chị cũng phải qua biển một lần, để hỏi sao ba má mình sao có thể bỏ con gái lại mà đi. Họ lạc nhau vào ngày gần cuối của chiến tranh, cả nhà rủ nhau ra bến tàu coi người ta di tản. Khi chuyến tàu cuối ngày trờ tới, đám người xô nhau xuống, cha mẹ Mỹ bị cuốn theo. Bà mẹ chỉ kịp hét lên với đám đông hỗn loạn, nói “coi chừng bé Mỹ giùm tôi”. Nhưng người này tưởng bà mẹ nói với người kia, rốt cuộc không ai ngó ngàng đứa trẻ. 

“Dù phải nhảy xuống sông để quay lại, họ cũng phải nhảy, không biết lội cũng phải nhảy”. Giọng chị lạnh tanh. Mỹ không bao giờ đưa tôi đi chơi bài. “Chồng ghiền mình Mỹ thôi, dính chi thứ đó rồi dứt không ra”, chị nói, không cười. Những lúc chị không cười tôi hơi sợ, nhìn rất xa xôi khó nắm bắt.

Chị biết tôi đi những đâu qua tiếng chó sủa, và tôi về lúc nào khi hít hà nách thằng con trai mới lớn, thấy mồ hôi chưa khô, và sương trên tóc còn ướt.

“Gà gáy sáng mà chồng còn ở ngoài bờ sông, lạnh đó”.

“Vậy mà không chịu về”. Tôi dằn dứ, tự thấy thái độ đó không phải của một người đàn ông mà tôi muốn trở thành, thật nhanh, cho kịp Mỹ.

“Đang đỏ mà, về uổng”, Mỹ cười, áp tay tôi vào khoảng bụng bên dưới rốn chị, rồi ngủ queo.

Mòn mỏi vì thức nhiều, hay chị quen rồi, không còn kêu tôi phiền làm chị khó ngủ. Những mịn màng trên người Mỹ, tôi không cách nào áp mình vào cho hết, cho đầy. Áp vào bụng chị thì bỏ rơi gáy, tôi vừa muốn dụi mũi vào cổ, nửa muốn cọ má mình vào sườn. Giấc ngủ bao giờ cũng chậm tới, bởi nỗi bồn chồn rằng vẫn còn một vài chỗ mịn mượt nào đó tôi đã bỏ quên.

Vào thời gian đầu Mỹ qua đêm ở sòng bài, khi áp tôi vào chị, nhiều lần giận dữ nghĩ những bàn tay thô ráp chai sần của bọn đàn ông chung chiếu bạc có chà xát vào làn da trong suốt này không, vào những lúc chờ chia bài mới. “Không sao đâu”, Mỹ nói, giọng như từ trong giấc mơ nào vẳng lại. Ờ, có sao đâu, Mỹ đi đâu thì cũng về vùi vào tôi ngủ. Và gia tài của chị vẫn giấu trong lưng quần tôi. Nghĩa là chúng tôi là một. Lúc đó tôi nghĩ vậy. 

Quãng ấy Mỹ bắt đầu hát những bài do chính chị sáng tác. Và hát chỉ một lần. Nhạc viết trong đầu, nhớ tới đâu hát tới đó. Nhiều khi được yêu cầu hát lại, chị dửng dưng kêu quên rồi. “Núi mọc nhánh/ mùa mưa dài ngàn năm chưa tạnh/ đá tan/ người qua sông trên cây cầu mù ”, lời bài hát âm u khó hiểu, hợp với giọng Mỹ, mỏi mệt. Những bài hát như cái thở dài. Không phải ai cũng thích thứ nhạc ấy, nghe một bài còn thấy hay, nghe liên tục oải người. 

Nhưng đôi khi bài hát của Mỹ bỗng vui bất ngờ, “mở biển ra bằng cánh cửa bạc/ thấy mẹ ngồi đan áo bé trai/ võng trưa em đang hát/ sóng im nằm chiêm bao”. Má Cần nói chắc cuộc bài đêm qua con nhỏ vét được kha khá. 

Những bài hát ngày càng ngắn, Mỹ ca lẹ cho xong để lăn vô chiếu bạc. Tối nào xếp chị hát cuối chương trình, chị cũng bỏ đi làm vài ván, canh giờ quay lại, bồn chồn như con dơi chờ bóng đêm mang lại ánh sáng cho mình.

Nên suốt mùa hè năm mười bảy tuổi của tôi, đêm rất dài. Dù có Nhu đồng hành.

Chưa quen được chuyện chị mình quấn theo người khác, Nhu khổ sở khi phải nhờ vài anh trong đoàn cõng đi tiểu tiện, phải phơi bày phần thân thể vốn chỉ chị Nhã được thấy. Anh bắt đầu ăn ít hơn, uống cũng dè sẻn, như không muốn cung cấp gì cho cơ thể bài tiết.

“Chị cũng phải sống cho mình”, Nhã nạt, khi thấy thằng em ngồi đợi vào khuya khoắt, “có chờ thì chị cũng không về”.

Bỏ Nhu qua một bên, chị như con người khác. Da bớt xanh, giề mụn trứng cá nổi dày trên trán lặn dần đi, mái tóc dài Nhu hay buộc và gội giùm, giờ cắt ngắn. Chỉ lưng chị vẫn còng, như một thói quen mười bảy năm nay, từ đứa em trai mất đôi chân sau loạt đạn mồ côi. 

Vào lúc tôi nghĩ mình đã quen sức nặng của Nhu rồi, có thể cõng anh đi hết một vòng thị trấn, cũng có thể vì anh cự tuyệt ăn, trên lưng tôi chỉ là bộ da mỏng gói những khúc xương bên trong, chúng kêu lục cục mỗi khi Nhu cử động, chị Nhã mua một chiếc xe lăn cũ, loại có thể xếp lại được cho đỡ vướng mỗi khi đoàn di chuyển sang nơi khác. 

Nhu vô vọng, giờ cả khi hát, anh cũng không được nằm trên lưng chị. Ai cũng thấy anh đang từ chối sự sống, khi không ăn, bỏ ngủ, lang thang cùng tôi suốt đêm này qua đêm khác. “Làm gì được đây, người thằng nhỏ muốn là chị nó”, má Cần thở dài.

Một tối dọn bãi xong, tôi cõng Nhu trầm mình vào đêm thị trấn. Trăng nằm ngửa trên đầu lợt lạt, khác với tiếng chó chát chúa. Chúng tôi không bao giờ có cơ hội được cầu thân với bọn nó, vì luôn tới một nơi nào đó chừng vài ba đêm, là bỏ bãi, di chuyển tới nơi khác. Riêng ngôn ngữ và biểu cảm thù nghịch của lũ chó đối với hai thằng ma đêm thì chỗ nào cũng giống nhau. Chỉ khác vào mùa khô tiếng chó sủa nghe giòn hơn lúc mưa dầm. 

“Chị Nhã mới nãy đi qua đây, rõ ràng”, Nhu nói trong cơn ngáp dài. Từ tối anh đã kêu buồn ngủ. Tôi bỏ anh lại trên sạp ngay đầu chợ, đi một vòng, lúc quay lại thì có lay mấy anh cũng không dậy nữa. Ý nghĩ đầu tiên khi cõng cái thân thể bất động của anh trở về chỗ má Cần, là về sức nặng của một hơi thở. Tối mai, tôi không còn cõng anh, những con đường thị trấn có đủ làm tôi mệt đến lăn ra ngủ mà không phải nghĩ ngợi gì. 

Chị Nhã về xẹp người bên cạnh thằng em. 

“Anh Nhu yêu chị”. Tôi nói, trong lúc mặc cho anh bộ đồ bảnh nhất.

“Tôi biết”. Chị Nhã lầm lì cài nút áo cho đứa em.

Ờ phải, Nhu thường xuyên ở trên lưng chị, còn tôi vốn chỉ tình cờ nhìn thấy Nhu dùng ngón tay út vẽ hình những vòng tròn đồng tâm lên bầu vú chị, hoặc cắn nhẹ vào dái tai xanh xao kia với đôi mắt lim dim.
Bữa đó hình như tôi khùng lên, hỏi chị sao biết mà để vậy, và chị Nhã ngó tôi, bằng vẻ cay đắng khó tả: “Vậy tôi phải làm gì đây?”.

Hai mươi bốn năm sau, trong một bữa tiệc từ thiện, tôi gặp lại Nhã với thân phận khác, một cái tên khác. Chị lướt qua tôi, vẻ như mới gặp lần đầu, chìa một bàn tay lạnh nhạt, nói hân hạnh. Lưng Nhã rất thẳng. Ngay lúc đó tôi nghĩ chị thật sự quên em trai mình rồi. Nhu, hơi xanh vì ăn ít, lớn hơn tôi hai tuổi, nhưng lúc nào cũng lễ phép gọi tôi bằng anh. Dường như Nhu dùng ngôi “em” với tất cả những ai có chân và đi được. Kể cả con mèo.

Sự xa lạ của người đàn bà làm tôi thấy dễ chịu. Không có thằng con trai mười bảy tuổi nào bị khai quật lại, nhất là cảnh nó ngồi trù rủa người tình của mình khi chị ta nhận lời lấy một ông cựu binh già, chẳng có gì ngoài lời hứa một chuyến bay đường hoàng qua biển. 

“Mỹ biết làm gì khác?”, chị nói. Câu ấy không giống lời từ biệt, nhưng là câu cuối cùng trước khi chị biến mất vào đêm, bước những bước dài quả quyết như một người biết chắc mình sẽ đi đâu.

Đã mỏi mòn sau những cuộc đỏ đen suốt sáng, và những chiếc nhẫn vàng giấu trong lưng quần đếm chưa đủ đầu ngón tay lại hao hụt theo được mất, người đàn bà nói không thể trông cậy vào đứa trẻ lông bông không căn cước. Và tôi phun ra những từ ngữ độc địa nhất, trút xả những nín nhịn từ bao đêm thức cùng sương, vãi lên đầu chị thay cho pháo cưới. Tôi trở về đúng tuổi mười bảy của mình, yêu hận rõ ràng không khoan nhượng.

Biết sao được, mùa hè đó tôi còn chưa mười tám, nói cho cùng đâu phải thằng đàn ông đã qua ba mươi, mà huýt sáo bỏ đi sau khi nói một câu tràn đầy độ lượng, giống như phim:

Ừ, thôi thì thôi. Chúc chị hạnh phúc!” 


NGUYỄN NGỌC TƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...