Thứ Tư, 6 tháng 7, 2022

Đêm Muôn Màu - Truyện Cung Tích Biền

 TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHẠM CAO HOÀNG: 1060. Tranh ĐINH TRƯỜNG CHINH Cô  gái gùi hoa mùa xuân

 tranh đinh trường chinh

“Con ai đem bỏ nơi đây,

Thế gian đâu chỉ một này mà thôi”

CTB

1.

Hồ sơ về Kỷ vật:

Thư của Manh Manh:

Chị Mành Mành thân yêu,

Kỷ vật là con của chị? Em biết.

Chị say đắm trong một tình thương hiếm có của tình mẹ con? Em biết.

Nhưng em phải viết ra/ghi lại những dòng này, vì quanh đây còn ánh mặt trời. Kỷ vật phải được soi sáng, rõ thực là từ đâu tới.

<!> 

Ngoài thương yêu, dâng hiến cho đứa con từ tình mẹ, chị không có một quyền năng gì để thay đổi được sinh mệnh của cháu.

Kỷ vật chỉ là một Hậu quả, không là một Tương lai. Hôm nay, xã hội người đã một mực đi tới tương lai, quên những gì đã tạo, và để lại, từ quá khứ.

Có nên xem Quá Khứ là một cái hố sâu nay đã được san bằng, để an nhiên trồng cây hái trái? Cây trái ngọt, hoa lá tươi, vì may mắn có quá khứ bón màu?

Chị hãy nhớ bản kê khai này:

Bốn giờ sáng, một ngày của năm 1980, em đang say ngủ thì con chó Ung đánh thức em dậy, qua vài cái cào nhẹ vào cánh tay em.

Ung dẫn em ra cái gốc cây khô. Ai đã đặt vào chỗ đó một cái bọc vải. Nghe có tiếng khóc yếu ớt của một hài nhi trong đó.

Thời này mọi thứ thiếu thốn. Thiếu điện nước gạo cơm. Trời đất hãy còn tối đen trong một khu vườn không đèn đóm. Em hoảng sợ. Nhìn con Ung, em liếc mắt ra dấu cho nó, là,  Mày hãy vào nhà gọi thêm người.

Con chó Ung vào nhà, thức chị dậy. Lát sau Ung dẫn chị ra theo. Chị cầm một cây đèn bấm gần hết pin. Chị như cầm trên tay một cây nhang soi đường.

Cái bọc vải được mở ra. Một cái gì rối rắm mù mờ, một hình người thịt xương sắp xếp lộn xộn. Em sợ quá, bỏ đi chỗ khác. Những chòm sao khuya đêm không trăng sáng rực rỡ hơn mọi đêm vì, có thể, dương gian này đang cần thứ ánh sáng ấy.

Chị ẵm đứa bé vào nhà.

Trông chị như một con người cha mẹ đúc ra bằng sắt thép, không sợ hãi, không buồn vui. Bật ngọn đèn sáng hơn. Em thét lớn “quái thai”.

Chị vả mạnh một cái vào cái mồm ăn nói bậy bạ của em.

Lúc chị đi tìm khăn lau, Con Ung thè lưỡi liếm quanh em bé dị dạng. Làm như con của nó. Con chó này cái gì của con người nó cũng cặm cụi tham dự. Nó câm mà nặng tình.

Người em bé đầy những gì quanh người như nhớt con cá lóc mới chộp được từ sông hồ.

Chị đập con Ung một cái nhẹ, nạt nó, Không phải việc của mày, ra chỗ khác chơi.

Chị dùng nước ấm lau nhẹ nhàng cái hình dạng vừa nhìn thấy đã đau lòng. Chị âu yếm sợ nó tan vỡ như ta gìn giữ lau chùi cẩn thận một cái lọ thủy tinh quý hiếm.

Trời đất sẽ cảm ơn chị nuôi dưỡng thương yêu Kỷ vật còn hơn những người-mẹ-thường-tình nuôi/thương đứa-con-bình-thường.

Chị Mành Mành,

Em nhớ hồi ấy trong bọc vải có một lá thư ngắn, có thể người mẹ đã viết sẵn trước khi mang đứa con thân yêu đặt vào chỗ góc vườn nhà chúng ta.

Đây là nội dung lá thư từ người Mẹ bỏ con thuở ấy:

“Tôi xin chịu tội với trời đất đã không nuôi được đứa con chính mình đẻ ra. Kiếp sau, tôi xin làm kẻ tôi tớ, trúc mai đền bù cho những ai đã nuôi dưỡng đứa bé bất hạnh này. Đa tạ.

Một người mẹ đã mất nhân lương”.

Trời đã chiều lung. Chỗ cổng nhà có một người đàn ông đứng nhìn vào bên trong. Cổng vườn nhà Phiêu Thiền không bao giờ khóa, một khe hở luôn trống giữa hai cánh khép hờ. Người đàn ông vẫn đứng đợi. Không có chuông reo. Anh ta đập nhẹ tay vào cánh cổng lần nữa.

Anh đã nhìn thấy cái gốc cây khô trong vườn, thầm nghĩ: “Có thể cô Nhàn nói đúng”.

Bước lên mấy bậc thềm nhà, người đàn ông tên Khôi, chỉ vừa tuổi bốn mươi đã cảm thấy đuối sức, mệt từng hồi, cánh tay ốm o vịn vào thành cửa cho bớt run. Trời chiều tháng sáu đầy nắng, anh vẫn thấy lạnh, cần một chiếc áo ấm.

Bị ung thư di căn vào thời kỳ cuối, theo lời khuyên của bác sĩ, Khôi phải nằm tại nhà, nhất mực được chăm sóc. Ra đi anh có thể gục chết giữa đường. Nhưng anh trốn nhà ra đi. Khôi cần làm một việc cuối đời, trong những ngày ngắn ngủi còn lại.

Anh đi tìm một kết luận. Anh luôn bị ám ảnh bởi một quá khứ rẫy đầy những ám ảnh.

Câu hỏi được đặt ra, từ cái đêm người vợ ôm đứa con vừa lọt lòng, trốn nhà ra đi. Vừa sinh con, cô con yếu lắm, cần chăm sóc, nhưng cô trốn biệt.

Hồi ấy anh đi xa, chưa thấy mặt con. Khi trở lại, mọi việc đã trở nên hoang mị. Mọi người, cả cha mẹ, anh em trong nhà đều câm lặng, những tiếng thở dài, hoặc có nói là nói khác đi những gì đã xảy ra với vợ con anh. Họ tình nguyện chôn mình trong một bí mật, nhất mực đẩy anh ra khỏi sự tuyệt vọng. Mong anh có một giấc mơ khác hơn cái hiện thực tàn tật, cái tương lai khốn cùng trong hoàn cảnh.

“Anh ơi, con chúng ta, cái kết quả tình Bắc duyên Nam không như chúng ta mong đợi”. Đó là vỏn vẹn một dòng thư của vợ anh để lại.

Lá thư ngắn ngủi này do cô Nhàn, một người bạn gái của vợ anh giữ gìn, mãi lâu sau mới trao cho anh. Nhàn, vì nỗi ăn năn, vì hiểu rằng Khôi cũng đã tới cuối con đường, nên cô trao lá thư, và thuật lại cho Khôi tường tận sự việc, cả địa chỉ mà vợ của anh đã bỏ đứa con tại đó.

3.

Khôi ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong phòng ngủ, cũng là phòng sinh hoạt của hai mẹ con Mành Mành. Phòng khá rộng. Cái lạ, cô không tiếp Khôi tại phòng khách mà đưa anh thẳng vào trong.

Khôi đã hiểu là người phụ nữ vừa ngoài hai mươi này yêu thương đứa con tàn tật của mình biết là bao. Anh thẫn thờ nhìn quanh, nghe khóe mắt ướt, chỗ cổ họng nghẹn lại, muốn trào lên một nỗi đau đã từ lâu quặn đắng  trong lòng.

Mành Mành đã mua sắm cho con anh, dù thời buổi khó khăn, hàng chục loại đồ chơi đẹp đẽ chất đầy cả hai cái kệ. Chiếc nôi là giường ngủ của con treo những búp bê, lồng đèn, kèn nhựa, âm thanh nhỏ vang ra tiếng nhạc dịu nhẹ. Các loại áo quần, cả chiếc áo ấm Mành đều đi tự may, vì không mua đâu ra loại áo quần đặc biệt cho em bé dị hình này. Trên một chiếc bàn nhỏ ngoài những thức ăn dặm, sữa uống là vô số những lọ thuốc bổ tăng trưởng, thuốc chữa bịnh, cả thuốc cấp cứu tại chỗ. Con của anh, Kỷ vật, ngoài sự tàn tật còn mang rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo, cả bệnh tim bẩm sinh.

Anh cũng rất ngạc nhiên thấy trên giường ngủ của Mành Mành, bên phía tường có mớ sách dạy nuôi con. Mành Mành, chưa chồng, chưa biết sinh đẻ là gì, nay phải học cách nuôi con, lại một đứa con đặc biệt trong trời đất.

Khôi bàng hoàng khi được Mành Mành bế Kỷ vật quay về phía cha. Anh vội vàng quỳ xuống. Anh một lạy cái tình thiêng, giờ phút hội ngộ cha con hằng mong đợi. Anh một lạy thánh nữ.

Mành Mành tay ôm con, tay vội nắm cánh tay Khôi, ý bảo anh không nên làm vậy. Cô nhận ra hơi lạnh từ bàn tay người đàn ông đối diện. Anh gầy quá, sự tàn tạ này còn đau đớn hơn nỗi tàn tật vô minh của con anh.

Mành Mành dìu người người đàn ông như đang ngất đi ngồi lại trên chiếc ghế nhỏ. Cô lấy một chiếc khăn, tẩm nước ấm lau mặt cho anh. Cô nhận ra mùi người đẫm mồ hôi. Anh không được chăm sóc, lại qua những ngày lăn lội đi tìm. Cô hỏi:

- Tôi chế cho anh một cốc cà phê nhé, cho tỉnh người, anh dùng được cà phê?

- Bệnh của tôi phải kiêng cà phê, nhưng xin một cốc đêm nay.

***

Mành Mành hiểu rằng con của Khôi dị dạng có nghĩa Khôi đã bị phơi nhiễm rất đậm chất độc da cam. Anh ở đâu để bị phơi nhiễm nếu không từ trong, hoặc gần rừng núi? Ai là Người-Trong-Rừng-Núi? Ai là người làm cho Sài Gòn điêu linh?

Có bị phơi nhiễm từ cha mới truyền sang qua con. Mành Mành, cả gia đình cô, đều biết rất rõ từ trước, Kỷ vật từ đâu ra. Biết rõ là như thế, nhưng ta có đành lòng phân loại, kể ra thành phần Tả-Hữu, nghịch cảnh Bắc-Nam, để loại Kỷ vật ra khỏi lương tri.

Cô yêu thương, nuôi dưỡng Kỷ vật với toàn vẹn lòng thành, của cái tình thiêng tự nhiên như được thánh hóa giữa những con người. Tự nhiên? Vì cô hiểu ở đây không là sự ra ơn, càng không cần viện ra một thứ đạo lý hào nhoáng nào.

Súng đạn thì có giới tuyến. Nỗi đau, sự tàn tật, là vô biên. Tình thương, dù lớn lao bao nhiêu cũng chỉ là cái bọc nhựa mong manh bên ngoài, càng trang trải càng thấy thiếu hụt bấy nhiêu.

Mành Mành ngồi nhìn Khôi rồi nhìn đứa con của anh, cô lại nghĩ lung. Rồi cô tự hiểu, với lòng thương xót tràn đầy, đây là lúc cô cần phải cẩn trọng khi đối diện với Khôi, một linh hồn nát nẫm như triệu triệu bụi mù của bao linh hồn bị xay bột.

Cô cố tránh những điều làm anh đau đớn. Cái tàn cuộc này, cha và con này, đã là quá lớn lao, là tận cùng của địa ngục rồi.

Và, địa ngục vẫn đang tràn đầy những đặc sản chính nó cho bất cứ ai, được nó mang tới, biếu không.

4.

Khôi ẵm con một cách vụng về. Đầu gối hình gần góc vuông với thân mình của Kỷ vật thọc vào hông, bụng anh hoài. Cha không nói gì, đứa con hai tuổi chỉ ú ớ vài nguyên âm.

Qua khung cửa sổ, bên ngoài sân vườn một đêm không trăng. Bóng đêm được chia chác với vài ánh đèn thiếu điện nhập nhòa.

Chừng như có ai đi quanh đây trong đêm, bước nhẹ hơn cả tiếng lá rụng. Lúc này, một người xa lạ tới nhà một ai đó, tức thì một người quen thuộc trong tổ dân phố quanh đây có thể sẽ tới gần, có khi sẽ nhòm lén qua cửa sổ theo dõi, có khi cố lắng nghe, cả nỗi đau tận cùng trong tâm can kẻ khác. Bóng Tối này không của riêng ai.

***

Mành Mành bảo Manh Manh:

- Kiếm cho tao hộp kem đánh răng, cái bàn chải, xà phòng, một cái khăn lau mặt, tất cả đều phải mới nguyên.

- Chi vậy?

- Đêm nay có khách. Sớm mai đánh răng.

- Ông ấy có ngủ trong phòng dành cho khách không? Em dọn chỗ nằm?

- Ngủ luôn trong phòng của tao.

- Ngon quá chời, đêm nay có chồng.

- Cái con khỉ, bộ chung phòng là anh này trên bụng cô kia hà?

- Đương nhiên cả hai chị em mình là gái “chưa có dấu tay trên ngực”. Bao nhiêu lần chị bảo đau đẻ là cái đau hạnh phúc của người đàn bà mà tụi mình chưa biết nó đau ra làm sao. Phải có cái chi bỏ vô trong buồng trứng mới có cái đau xanh trời đỏ đất đó chứ!

- Thôi bớt cải lương rườm rà đi con nhỏ.

Manh Manh lại đùa:

- Rồi có tí tẹo gì trong đêm thâu không?

- Cái con khỉ này, đồ tanh hôi.

***

Đêm mềm như lụa. Mành Mành thầm nghĩ, “Cha con họ phải được nằm chung, ngủ chung với nhau”.

Giường ngủ của Mành Mành rất rộng. Cô dọn dẹp mớ sách bên trong, phía sát bờ tường, đặt một cái gối đầu, một chiếc mền. Suy nghĩ một chút, cô lấy cái gối ôm của mình giao luôn cho Khôi. Cô nói:

- Anh nằm phía trong tôi nằm hầu phía ngoài này, còn phải pha sữa, làm vệ sinh cho thằng nhóc, có khi nó khóc thâu đêm.

Cô vặn nhỏ tiếng nhạc. Tắt đèn. Căn phòng chìm trong ánh sáng dịu nhẹ của ngọn đèn ngủ.

Kỷ vật chừng mơ hồ cái hơi cha, cái hòa hợp huyết thống, đồng điệu màu máu độc, em ngủ một giấc ngon lành. Khôi không sao ngủ được, nhìn con, sờ con, lại nằm ngửa nhìn trần nhà, phút gặp nhau sau mong đợi sao mà trắng nõn, bạc lòng.

Mành Mành nằm ngoài, quay lưng về phía Kỷ vật, nhường con cho cha nó ôm một lúc. Khó ngủ quá chời. Cô lại thấy cái bụng lạnh lạnh, cái ngực trống vắng, hai cái vú thiếu cái gì đè lên, bàn tay thiếu cái gì để cầm nắm, à… thì ra thiếu cái gối ôm thường quen. Cô cười trong đêm.

5.

Đêm miền Nam, cả Khôi và Mành Mành có khi tự hỏi, “Tôi nằm chung giường với ai đây?”.

Mành Mành nhìn Khôi và con. Hai nụ cười héo úa. Không là của hân hoan gặp gỡ. Trong bóng tối muôn năm tối này, đó là dị dạng từ những nỗi đau. Là cô đọng từ những máu không may mắn thành máu. Là tiếng hát sâu bọ từ tim sang não người.

Cô nghe hơi thở rất khó khăn của Khôi trong giấc ngủ. Anh không thể đuổi cái định mệnh, cái đã phải cam chịu trong đời mình ra khỏi giấc ngủ.

Mành Mành quay vào trong, định đặt bàn tay lên người Kỷ vật như cô đã thường âu yếm ru con ngủ. Chỗ đó đã có một bàn tay người đàn ông xa lạ. Cô đặt bên cạnh. Một lúc Khôi cựa mình, úp bàn tay mình lên tay Mành Mành. Những da thịt âm dương chồng lên nhau trên một thân thể tàn tật. Mành Mành để yên, cô muốn Khôi tìm một chút ấm lòng.

Cô lại thấy cơ thể mình hoang trống, cái bụng, vú, cái ngực. Cô rất muốn ôm con siết vào lòng lúc này tìm chút lửa ấm. Nhưng Kỷ vật đang chĩa hai cái đùi dị tật về phía cả cha lẫn mẹ. Kỷ vật luôn nằm ngửa hoặc nằm úp, không thể nằm nghiêng. Không nghiêng về một bên nào được. Em như cái thế trung lập, cái lực lượng thứ ba tật bệnh chia cách.

6.

Mành Mành rất sợ những đêm khó ngủ. Khuya khoắt, trôi nổi bồng bềnh với không gian trắng toát hoặc vàng cháy trong mắt nhắm, nhắm để cố ngủ, để bình yên né tránh ác mộng. Những đêm, nàng thường mơ thấy anh trai mình trở về. Thuở ban đầu anh mặt đồ lễ phục của Sĩ quan Quân trường, rất đẹp. Về sau là đồ trận. Lần cuối cùng anh trai trở về, lại rất khác. Khuôn mặt hào hoa xinh đẹp của anh bị bể một mảng xương cằm… Rồi cô lại nhớ người yêu, một luật sư đang tập sự dở dang rồi gặp cuộc Đổi Đời. Anh vượt biên không tới nơi, không trở lại, anh mất tăm. Cô chẳng thể nào, dù tưởng tượng, cũng chẳng thể hiểu ra “Đường Đi Của Biển” ra sao. Có thể biển là cái lỗ đen kỳ ảo.

Cô thu mình, bó gối ngồi góc giường. Cô nhắm mắt, bàng bạc những cái chết chập chờn. Nỗi đau thì có thật, lai láng chảy cùng máu chân thân. Là rầy nâu, những linh hồn héo úa màu da cam, tiếng chim câm trong máu tủy.

Đây là thế giới một dòng giống chung giường. Khôi, người cha của con nàng đang thở. Kỷ vật, con của nàng đang thở bên cha. Những tình ái hụt hơi. Những nỗi đời bị treo cổ.

Mành Mành rất sợ phải run rẩy trong cái bóng tối luôn đụng phải xác chuột chết, thấy tượng Phật phát cháy sáng rỡ, cháy luôn chùa chiền, đầu trọc phát hỏa, vì Phật tử đốt nhang khói quá mạng, rồi thằn lằn đứt đuôi, cái đuôi một mình run mãi… Cô vớ một quyển sách ngôn tình. Con khỉ Manh Manh ưa tha về nhà những thứ chữ nghĩa hoa lá cành, tình ái mít ướt. Cô đọc không quá vài trang, những hàng chữ đã xiêu vẹo, nhạt nhẽo. Những mối tình đắm say dạng rau cải. Những éo le, chia ly boléro cập nhật. Văn chương ướt đẫm tinh khí tinh trùng chỗ đùi mông… Mành Mành lại sờ ngực mình. Tự bóp vú thì chẳng thú vị gì.

7.

Ba giờ sáng, chẳng ai ngủ được. Mành Mành pha hai ly sữa. Cả hai cùng ngồi trên ghế, nơi bàn làm việc của Mành Mành. Khôi yên lặng, cố giấu tiếng thở dài.

Mành Mành cắc cớ lại hỏi:

- Anh nghĩ gì về thân phận mỗi con người chúng ta?

Khôi thực lòng:

- Tôi chưa có dịp làm người. Chúng tôi chỉ là Cái-được-dùng. Giống như súng đạn, xe cộ, tấm ván lót cây cầu, là một khối cốt mìn.

Mành Mành có phần kinh ngạc về cái phẩm hạnh hiếm thấy trong nhân loại là, “tình nguyện làm vật dụng” nơi một con người.

Cô lại hỏi:

- Hiện tại anh màu gì?

Khôi chậm rãi, có phần buồn nản nhưng rất thân mật khi gọi Mành Mành là em. Anh dùng ngón tay lần lượt chỉ vào đầu, vào ngực, rồi chỉ xuống dưới, và nói:

- Tôi ấy à, thằng người Đỏ chuyển màu. Một chuyển màu khó khăn vì nó đã là da thịt. À, trong châu thân lẻ loi này à? Một cái đầu hoang mang hối tiếc, một trái tim máu độc. Và, một nhiệm vụ lưu giống truyền nòi, nối tiếp tương lai, nhưng tôi đang để lại cho em cái gì em hẳn biết.

8.

Trong lúc đang trò chuyện, Khôi bỗng co quắp, run giật như bị một cơn động kinh, ngã gục trên đôi tay nhanh chóng đỡ của Mành Mành. Cô ôm chặt Khôi để anh khỏi va xuống nền nhà.

Anh lại bắt đầu những cơn đau thường nhật. Nó làm anh ngất đi mau chóng. Bọn tế bào vô lại đã làm ung vỡ, bấy nát những tế bào chân chính, bọn giặc máu cuồng điên lộng hành, gây bão trong cuộc đời Khôi.

Lúc đầu, mới thấy chuyện lạ lùng, Mành Mành hoảng hốt chưa biết cứu cấp ra làm sao. Cô gọi Manh Manh. Manh Manh bận bồ đồ ngủ chạy vội tới. Cô sợ hãi, đứng như đinh đóng chỗ bậc cửa ra vào.

- Lẹ đi, nhào vô đỡ giùm một tay, con khỉ. Tao đi lấy thuốc. Tiêu đời rồi.

Hai chị em đặt Khôi nằm trên giường, bên cạnh Kỷ vật. Em bé dị dạng lúc này đã thức giấc. Em nhìn quanh một cách khó khăn.

Mành Mành nhặt vội cái xắc vải của Khôi, đặt dưới ánh đèn bàn lục tìm, thuốc uống anh mang theo phòng ngừa. Manh Manh ôm người Khôi, tay cô đỡ chỗ cần cổ để Mành Mành bỏ mấy viên thuốc, chẳng biết là thuốc gì, móc trong túi dết ra, là bỏ vào miệng Khôi. Cho anh uống nước, dùng khăn lau nước miếng thều thùa, vài lời nói mềm mại an ủi. Hai chị em đặt anh lại vị trí giữa giường, nằm yên ổn.

Một lúc, Khôi cố gượng dậy, anh chỉ tay về phía Kỷ vật, ngầm muốn ẵm con. Mành Mành bảo anh nằm yên. Nàng bế đứa con dị dạng đặt úp lên ngực của Khôi. Anh lim dim mắt.

Bóng tối không giúp ích được gì. Ánh sáng càng vô dụng. Ngày lên, mặt trời bảnh bao phần mặt trời. Mớ nắng tươi rói. Có ai ngợi ca, “Bình minh đã sáng ngời…”.

Khôi vẫn nhắm nằm yên, như đang bất tỉnh, như đang mơ một giấc mơ dài. [*] 

 

Cung Tích Biền

Xóm Gà Gia Định, tháng Tư, 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét