Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

GIÁO SƯ TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH: MỘT NHÀ TOÁN HỌC NGHỆ SĨ - Dương Viết Điền

 

 

Dương Viết Điền và Khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh.

 Như ta đã biết giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh là một nhân vật lỗi lạc của Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng, cụ thân sinh là một nhà giáo nên ảnh hưởng sâu đậm vào tinh thần hiếu học của các con cháu sau này.

Đọc tiểu sử của ông ta thấy ông là một người Việt Nam thật xuất sắc, một thiên tài khả kính có một không hai đối với cộng đồng Việt Nam hải ngoại nói riêng và đối với người Việt Nam và thế giới nói chung.  

<!>

Ai cũng biết rằng giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là một sĩ quan không quân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông tốt nghiệp Trường Võ Bị Không Quân Pháp ở Salon de Provence năm 1954. Ông là một quân nhân mang cấp bậc đại tá và giữ chức Tư lệnh Không Quân Việt Nam lúc mới 28 tuổi. Năm 1965 ông là người đầu tiên được cấp bằng tiến sĩ khoa học hàng không và không gian của đại học Colorado. Đã thế ông còn đậu bằng tiến sĩ quốc gia toán học của Đại Học Paris VI năm 1972. Ông đã được tặng tước vị “Professor Emeritus of Aerospace Engineering” vào năm 1999 lúc về hưu.

Ngoài ra Giáo sư Vinh là tác giả ba cuốn sách chuyên môn và hơn 100 bài khảo cứu về cơ học không gian và quỹ đạo tối ưu. Qua những sự đóng góp chuyên môn của ông, giáo sư Vinh được bầu làm hội viên ngoại quốc của Hàn Lâm Viện Hàng Không và Không Gian Pháp (Académie Nationale de l’Air et de l’Espace) vào năm 1984 và hội viên chính thức của Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics) vào năm 1986. Ở Trường Kỹ Thuật tại Đại Học Michigan ông được tặng cả hai giải thưởng xuất sắc về giáo dục và xuất sắc về khảo cứu. Ông được tặng Huy Chương Danh Dự của Viện Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ (American Institute of Aeronautics and Astronautics) năm 1994 về môn Cơ Học và Điều Khiển Phi Hành. Thành tích của ông đã được trình bày tại phòng du khách thăm viếng ở Trung Tâm Không Gian Phi Hành NASA ở Houston vào tháng 9 năm 1989 và từ năm 1982 giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là một trong số 14 nhân vật Hoa Kỳ gốc Á châu được in hình và tiểu sử vào tập tranh dùng làm tài liệu giáo dục ở các trường Tiểu và Trung học trên toàn quốc.

Sở dĩ tôi phải trình bày tổng quát về tiểu sử của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là để chúng ta thấy rằng, cuộc đời của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh luôn luôn gắn liền với những vấn đề liên quan đến khoa học, đến não bộ, đến sự suy tư triền miên trong lãnh vực toán học. Nói tóm lại đầu óc giáo sư luôn luôn động não liên quan đến những phương trình, những đẳng thức, những quỹ tích, những đáp số cho những bài toán theo nhân sinh quan và vũ trụ quan của ông ta. Đây là những vấn đề thật khô khan, nhức óc, chẳng có gì là thoải mái, ướt át, lãng mạn cả. Nhìn tổng quát cuộc đời của ông ai cũng thấy như vậy. Nhưng thực ra nếu nghiên cứu thật kỹ, chúng ta sẽ thấy giáo sư Nguyễn Xuân Vinh cũng là một nghệ sĩ thật lãng mạn và đa tình không khác gì những nghệ sĩ đa tình lãng mạn chính hiệu con nai vàng khác. Bởi vì ngoài những lúc đầu tắt mặt tối cặm cụi bên chồng sách vở để giải quyết những phương trình toán học, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh lắm lúc cũng đã quên đi những con số, những phương trình hoá học, vật lý học v.v… để nhìn trời xanh mây trắng nắng hồng khiến cho tâm hồn được thảnh thơi, thoải mái. Và một khi tâm hồn hết xao xuyến lo âu, hết suy tư căng thẳng nhờ ngoại cảnh chi phối, tâm hồn nghệ sĩ của giáo sư bắt đầu xuất hiện làm cho cuộc sống thăng hoa để rồi tình xuân bắt đầu tràn ngập trong lòng. Đó là lý do tại sao tác phẩm “Đời Phi Công” xuất hiện trong văn đàn Việt Nam dưới bút hiệu Toàn Phong và đã được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1961. Không nghệ sĩ sao được lúc sau những giờ phút dạy toán học khô khan, anh chàng phi công trẻ tuổi tài cao liền nhảy thót lên máy bay rồi vừa tung trời lướt gió, vừa cất tiếng hát bài “Một chuyến bay đêm” của hai nhạc sĩ Hoài Linh và Song Ngọc khiến tâm hồn chàng rạo rực, lòng chàng bâng khuâng nhung nhớ người tình không chân dung nào đó từ thưở xa xửa xa xưa bên bờ hồ Hoàn Kiếm, rồi tha hồ nhìn trời cao mà reo, nhìn chị Hằng Nga mà mơ ước được vào Nguyệt Điện xem các vũ nữ đang múa vũ khúc nghê thường!:

 

“Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền,

Người trai đi viết câu chuyện một chuyến bay đêm.

Cánh bằng nhẹ mơn trên làn gió...

Đời ngây thơ xưa lại nhớ lúc mình còn thơ.

Nhìn trời cao mà reo, mà mơ ước như diều

Để níu áo hằng nga, ngồi bên dẫy ngân hà.

Giờ sống giữa lưng trời,

Đôi khi nhớ chuyện đời mỉm cười thôi...

Đêm nay chuyến bay trời xanh như màu áo

Đường Minh Đế nhàn du khắp tinh cầu,

Chạnh thương hai đứa giờ gối súng nơi nào

Lâu lắm chẳng gặp nhau.

Bạn bè dù cách xa nào khuây,

Tình nàng chưa nói nhưng mà say.

Giai nhân hỡi khóe mắt em u hoài

Theo tìm trong chuyến bay.

Có người hỏi phi công ước mơ gì?

Người ơi nhân thế muôn màu nào biết mơ ước chi?

Ước rằng từ khi tung nhịp cánh,

Tình ta yêu thương là gió... nhân tình của mây.

Ở đời ai hiểu ai, từng bay trắng đêm dài,

Thì thức giữa đại dương,

Dù yên giấc ven rừng,

Bạn có biết chuyện này

Tôi ghi lúc vũ trụ còn ngủ say”.

 

Nếu ở bên dòng sông Seine nước Pháp có một Antoine de Saint-Exupéry lãng mạn đa tình với tác phẩm “Vol De Nuit”, thì bên dòng sông Hồng tại Việt Nam, chàng phi công Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh cũng đa tình lãng mạn không kém với tác phẩm “Đời Phi Công” vang bóng một thời. Ngoài tác phẩm “Đời Phi Công” ra, giáo sư Toàn Phong còn sáng tác nhiều tác phẩm khác mà từ những tác phẩm nầy, chúng ta thấy tâm hồn nghệ sĩ của ông bàng bạc trong khắp các tác phẩm: Theo Ánh Tinh Cầu, Gió Mây Lưu Lạc, Vui Đời Toán Học. Thật thế giáo sư Toàn Phong đúng là một nghệ sĩ chính hiệu con nai vàng. Chúng ta hãy đọc đoạn văn sau đây mới thấy tâm hồn ông ta rất dễ rung động trước những cảnh đẹp thiên nhiên:

“Tuy thích nhìn trăng sáng, ngắm sao đêm, thấy lòng bâng khuâng rung cảm khi được nghe tiếng sáo vi vu trong đêm vắng nhưng tôi ít khi làm thơ. Tuy vậy nhờ duyên may đặc biệt tôi vẫn được các thi gia Hán học ân cần chiếu cố. Ở tuổi thanh niên tôi có lần được nữ sĩ Tương Phố viết tặng một bài thơ đăng trên báo Thế Kỷ. Bài thơ này sau được một điêu khắc gia Trung Hoa khắc trọn trên một tấm ngà bằng một đốt ngón tay phải soi kính mới đọc được. Có lần tới thăm bà ở Nha Trang được bà cho coi miếng ngà gắn trên tấm gỗ sơn mài đen treo trên tường và và đưa cho coi tập sách có bút ký các văn gia Âu Á bảo tôi viết mấy dòng lưu niệm. Tôi chỉ viết được hai câu:

 

Người là danh sĩ đế đô,

Còn tôi nặng kiếp sông hồ phải mang.

 

Bà đọc xong cười mà bảo: Xuân Vinh phải là nhà thơ mới phải. Lúc đó tôi còn mang cấp bậc “Trung úy Không quân”. (Trích từ bài “Đêm không trăng đọc thơ Lý Bạch” của tác giả).

Và một đoạn khác cũng trong bài viết trên:

“Gần cuối hè được anh chị Lê Thanh Minh Châu và Thành Trai, nay anh là Phó Viện Trưởng và chị là giáo sư Luật khoa ở Đại học Notre Dame, mời chúng tôi cùng ra nghỉ mát ở nhà thuê bên bờ hồ Michigan, tôi mới có dịp quên được chút ưu tư về khoa học, ngắm cảnh mặt trời lặn bên hồ nhìn theo bóng cô phàm, gợi ra được chút thi hứng… Biết đâu trong tuần lễ tới trên bờ bể Baltic ở Thụy Điển, tôi chả có được một đêm trăng để thưởng thức mấy vần thơ Đường. Nhà tôi chỉ nhìn ranh mãnh như muốn nói rằng: Em biết mà, anh đâu có bỏ được thú đọc thơ”. (Trích từ bài “Đêm không trăng đọc thơ Lý bạch”).

Ngay trong bài thơ “Tình Hư Ảo” của giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, do tác giả ghi lại trong bài “Mười Hai Bến Nước”, mặc dầu nội dung tổng quát thiên về toán học, nhưng những tư tưởng lãng mạn, tâm hồn nghệ sĩ xuất hiện thường xuyên trong từng chữ, từng câu, từng đoạn khiến ta thấy tư tưởng lãng mạn quyện lấy toán học, toán học quyện lấy những nét đa tình làm cho người đọc cảm thấy rằng, đây đúng là một nhà toán học có tâm hồn nghệ sĩ. Hãy đọc bài thơ Tình Hư Ảo sau đây, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:

Tình Hư Ảo

Anh tìm em trên vòng tròn lượng giác,

Nét diễm kiều trong tọa độ không gian.

đôi trái tim theo nhịp độ tuần hoàn,

Còn tất cả chỉ theo chiều hư ảo.

Bao mơ ước, phải chi là nghịch đảo,

Bóng thời gian, quy chiếu xuống giản đồ.

Nghiệm số tìm, giờ chỉ có hư vô,

đường hội tụ, hay phân kỳ giải tích.

Anh chờ đợi một lời em giải thích,

Qua môi trường có vòng chuẩn chính phương.

Hệ số đo cường độ của tình thương,

Định lý đảo, tìm ra vì giao hoán.

Nếu mai đây tương quan thành gián đoạn,

Tính không ra phương chính của cấp thang.

Anh ra đi theo hàm số ẩn tàng,

Em trọn vẹn thành phương trình vô nghiệm.

                                                (Toàn Phong)

 

Có lẽ không phải vì quán triệt câu nói của nhà toán học lừng danh Đức quốc, ông Karl Weierstrass ở thế kỷ thứ 19 đã viết rằng: “It is true that a mathematician who is not also something of a poet will never be a perfect mathematician” (Một nhà toán học nếu không cùng một lúc là một thi sĩ thì không thể nào là một nhà toán học toàn vẹn được) để rồi khi chưa tìm ra đáp số một bài toán, giáo sư Toàn Phong lại chuyển qua làm thơ như giáo sư đã viết trong bài “Mười Hai Bến Nước”. Theo tôi nghĩ, tâm hồn giáo sư là một tâm hồn giàu óc tưởng tượng, đặc tính nghệ sĩ luôn luôn nằm sẵn trong lòng rồi, chờ dịp sẽ vùng lên rồi lướt gió tung trời tha hồ mà gởi gió cho mây ngàn bay!

Hơn thế nữa, hãy đọc bài thơ “Mắt Biếc Hồ Thu” (Đã được nhạc sĩ Vũ Thư Nguyên phổ nhạc) sau đây của giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, chúng ta sẽ thấy giáo sư đúng là một con người cũng thật lãng mạn và đa tình:

 

Mắt Biếc Hồ Thu

 

Mắt em là cả hồ thu

Tiếng em thánh thót như ru men tình

Ước sao chỉ có đôi mình

Nhưng đâu chỉ có chúng mình ước ao?

Đêm nào ngước mắt trông sao

Cùng em mơ ước nơi nào viễn du

Nhìn em đáy mắt hồ thu

Anh quên giấc mộng viễn du nơi nào

Bâng khuâng gió lọt song đào

Nhớ đôi mắt biếc hôm nào tương tư

Đường trần một cõi hoang vu

Đi hoài mới biết thiên thu nhớ người

Nơi đây có núi cùng đồi

Có con suối nhỏ da trời màu xanh

Em ngồi xoả tóc bên mành

Bài thơ anh mới viết thành tặng em.

(Ghi lại từ slide show của ký giả Vương Trùng Dương)

 

Sau khi trình bày một vài sự kiện và những hình ảnh liên quan đến những nét mang nhiều sắc thái, phong cách của một nghệ nhân, chúng ta thấy giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đúng là một nghệ sĩ, một nghệ sĩ chính hiệu con nai vàng nếu đem đối chiếu với những tư tưởng của hai triết gia người Đức Schopenhauer và Nietzsche. Trong một cuốn sách phê bình nền văn học Tây phương ở thế kỷ 20, một tác giả đã ghi lại những tư tưởng của hai triết gia người Đức như sau:

Trước hết là nhà triết học Arthur Schopenhauer, ông nói: “Khi chúng ta gọi một đối tượng là đẹp, tức là đã thấy đối tượng này đang khách thể hoá chúng ta, làm cho chúng ta ý thức bản thân mình không còn là những con người cá thể, mà là những chủ thể nhận thức thuần tuý, chứ không mang ý chí”. Điều này có nghĩa là trong lãnh vực nghệ thuật, khi mình bị cái đẹp quyến rũ lôi cuốn, mình sẽ quên đi con người thật của mình với bao nỗi buồn phiền, suy tư khắc khoải trong cuộc sống.

Đoạn văn sau đây, đã đươc nêu lên ở trên, chứng minh được điều đó:

“Gần cuối hè được anh chị Lê Thanh Minh Châu và Thành Trai, nay anh là Phó Viện Trưởng và chị là giáo sư Luật khoa ở Đại học Notre Dame, mời chúng tôi cùng ra nghỉ mát ở nhà thuê bên bờ hồ Michigan, tôi mới có dịp quên được chút ưu tư về khoa học, ngắm cảnh mặt trời lặn bên hồ nhìn theo bóng cô phàm, gợi ra được chút thi hứng”.

Triết gia thứ hai là F.W.Nietzsche, ông nói: “Nghệ sĩ đều có bẩm tính rất mạnh mẽ, tinh lực thừa thải, tính dục dồi dào. Nghệ sĩ không nên xem sự vật theo gương mặt vốn có của nó, mà phải xem nó phong phú hơn, mạnh mẽ hơn, vì thế trong sinh mệnh của họ phải có không khí ban mai, ý tình mùa xuân, phải có một sự say mê thường trực”.

Những đoạn văn sau đây, đã được dẫn ở trên, là một trong những minh chứng điều trên:

“Tuy thích nhìn trăng sáng, ngắm sao đêm, thấy lòng bâng khuâng rung cảm khi được nghe tiếng sáo vi vu trong đêm vắng nhưng tôi ít khi làm thơ”. Hay là đoạn văn sau đây  của giáo sư Toàn Phong Nguyễn xuân Vinh trong “Tiếng Chuông Viễn Xứ” (trang 16&17):

       “Những buổi chiều, ra ngồi nhìn đại dương, tuy xa khơi thấy mặt biển cong cong tiếp với chân trời, tôi biết được rằng nơi đây không phải là hữu hạn. Chân trời không có biên cương, cũng như tài người không có giới hạn. Trên bầu trời không phải là hư không mà triền miên xa thẳm còn có những bầu trời khác. Buổi chiều ấy đã đưa hồn tôi theo những sóng triều, bay lên những đám mây lạ, vượt ra ngoài không gian..., cho tôi vượt qua được những định lý toán học căn bản, bó chặt trong những lề lối cổ điển để bước vào một con đường rộng rãi hơn. Để mười lăm năm sau, trở thành một nhà khoa học, tôi biết đem những định lý toán học tân kỳ khai phương những bài toán không gian còn ẩn náu sau màn bí mật, để được vui mừng và hãnh diện thấy tên một chàng Nguyễn của quê hương Việt Nam ký dưới những định đề siêu việt của những bài khảo cứu được tàng trữ ở khắp các thư viện kinh thành...”.

Tóm lại, chúng ta thấy giáo sư Toàn Phong Nguyễn xuân Vinh cũng là một nghệ sĩ thật sự như bao nghệ sĩ lãng mạn khác vậy, đúng như định nghĩa trong tự điển của Nguyễn Văn Khôn: “nghệ sĩ tức là nghệ nhân, là người làm việc nghệ thuật. Nghệ thuật là những hoạt động biểu hiện đươc tình cảm, sinh hoạt và ý thức mà nhờ đó kết chặt được sự cảm thông tinh thần giữa người nầy với người khác”.

                                                             

California, ngày 20 tháng 03 năm 2008.

Dương Viết Điền

K1/TĐH/CTCT/ĐL

(Tác giả gởi)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...