Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI NHẠC SĨ NHẬT NGÂN - Dương Viết Điền

Nhạc Sĩ Nhật Ngân (trái) và Tác giả.

( Hình chụp trong ngày Đại Hội Phan Châu Trinh Toàn Thế Giới Lần Thứ I (07/05/2009, Santa Ana) tại Crowne Plaza Anaheim Resort ở Nam California năm) .

Tôi biết Nhạc Sĩ Nhật Ngân ( NSNN) lúc tôi còn đang theo học bậc trung học tại Đà Nẵng. Thưở ấy lúc tôi đang học tại trường trung học tư thục Phan Thanh Giản thì Nhật Ngân đang học tại trường trung học Phan Châu Trinh. Theo lời của chị Nguyễn Diệu Liên Hương, Nhạc Sĩ Nhật Ngân học cùng một lớp đệ tam 3 và đệ tứ 3 với chị. Sau đó NSNN vào Sài gòn học nhạc một thời gian rồi ra Đà Nẵng học lại trường Phan Châu Trinh. Thỉnh thoảng chúng tôi vào sân vận động Chi Lăng ở Đà Nẵng chơi túc cầu cũng hay gặp nhau. Trong thời gian này, NSNN chơi túc cầu rất khá. Nhiều người nghĩ rằng anh ta sẽ là một cầu thủ sáng giá trong tương lai. Sau này, trong ngày tham dự tiệc cưới trưởng nam con của bạn học cũ chúng tôi là Quách Thưởng, cựu Thiếu Tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 21 Biệt Đông Quân, NSNN cũng đã nhắc lại chuyện cũ rằng bạn bè anh ta lúc bấy giờ ai cũng nghĩ là anh ta sẽ là  một trong những người nằm trong Hội Túc Cầu nổi tiếng vì đá banh giỏi. Nhưng rồi thời gian trôi đi giữa dòng đời tình ái. Anh đã từ bỏ môn túc cầu, từ bỏ sân vận động Chi Lăng khi trái tim anh xúc động mạnh vì người yêu nào đó đã giả từ anh để đi lấy chồng ! Đúng như Thi Sĩ Xuân Diệu đã nức nở : “ Người đi một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn kia bỗng dại khờ ”, NSNN vì vậy cũng đã nức nở sầu thương trên bờ Sông Hàn tuyệt đẹp, một dòng sông đẫm lệ chia ly khi chàng Nhạc Sĩ đa tình đứng nhìn người yêu bước xuống thuyền, từ giã bờ Sông Bạch Đằng để về bên kia dòng sông.

<!>

Không biết lúc bấy giờ trời có mưa gió gì không hay như chàng Thi Sĩ nước Pháp Paul Verlaine năm nào đã từng than thở :Il pleut dans la rue ou il pleut dans mon Coeur ( mưa rơi trên không hay mưa rơi trong lòng), mà chàng Nhạc Sĩ đa tình này đã quá xúc động, khiến trời đã mưa xuống rồi gió heo may thổi về làm cho chàng sợ buốt giá trái tim người yêu. Thế rồi bản nhạc đầu tiên của NSNN ra đời mang tựa đề “ Tôi đưa em sang sông”.

Mãi sau này NSNN mới giải thích cho anh em biết rằng, sở dĩ có trời mưa trong bản nhạc là vì lúc nhờ Nhạc Sĩ Y Vân xem, Nhạc Sĩ  Y Vân đã đổi lời một vài câu cho phù hợp với đường lối của Bộ Thông Tin thời bấy giờ. Bản nhạc vừa ra đời không ngờ lại cất cánh bay cao giữa Đà Thành hoa lệ, rồi lại tiếp tục cất cánh bay cao dưới vòm trời âm nhạc miền Nam Việt Nam. Lúc bấy giờ, vì thấy bản nhạc thật hay nên khi Nhạc Sĩ Nhật Ngân vừa cho anh em biết, chúng tôi liền chép tay rồi chuyền cho nhau cùng hát. Chị Nguyễn Diệu Liên Hương cho tôi biết rằng, người ca sĩ đầu tiên “lăng xê” bài “Tôi đưa em sang sông” của NSNN là bạn học cùng lớp với chị và NSNN tên là Nguyễn Đức Bông. Có lẽ nội dung bản nhạc đúng như tâm trạng của hầu hết tuổi trẻ, ai cũng có một mối tình trước khi lập gia đình, cũng như giai điệu thật êm tai với điệu slow-rock thật dễ thương  nên mọi người đều thích. Cho đến bây giờ người ta vẫn không biết người đẹp ở xứ Đà Thành hoa lệ đã bỏ chàng Nhạc Sĩ để theo chồng là ai? Sau này, rất nhiều trang tuyệt sắc giai nhân tại các trường trung học ở Đà Nẵng đã tự nhận mình là người tình của Nhạc Sĩ trong bản nhạc “Tôi đưa em sang sông” ấy. Tôi có một người bạn gái cùng học một lớp với tôi tại trường Trung học Phan Thanh Giãn ở Đà Nẵng. Thưở ấy, cô ta cũng là một trong những trang tuyệt sắc giai nhân của trường. Sau này qua Mỹ, cô ta nói với tôi bản nhạc “Tôi đưa em sang sông” NSNN sáng tác cho cô ta! Nghe bạn tôi nói như vậy, tôi nửa tin nửa ngờ. Thế rồi tôi tìm cách gặp NSNN để hỏi cho ra lẽ xem sao. Tình cờ trong đêm ra mắt sách của Nhà Văn Ngọc Anh và Nhà Thơ Ngô Tịnh Yên, khi tôi đang ngồi tại một bàn gần sân khấu thì nghe em xi giới thiệu NSNN lên hát bản nhạc “Tôi đưa em sang sông”. Thế là tôi chụp lấy cơ hội này để hỏi NSNN ngay. Khi NSNN hát xong, bước xuống sân khấu để đi về lại chngồi, tôi liền đứng dậy đi nhanh đến bên NSNN rồi vừa đi song song với NSNN vừa hỏi:

 -Nhật Ngân này, TTKH…nói ông sáng tác bài “Tôi đưa em sang sông” cho cô ta phải không?

NSNN trả lời:

-TTKH..nói xạo đó. Mình sáng tác bài nầy đâu phải cho cô ta đâu!

Chính tác giả của bản nhạc nói như vậy tôi mới biết chắc cô bạn gái cũ  TTKH…của tôi nói không đúng sự thật dù thưở ấy, cô ta là một trong những người đẹp của trường. Thế rồi nhân buổi tham dự picnic của anh chị em cựu học sinh trường Phan Thanh Giãn ở Đà nẵng vào năm 2012, anh Nguyễn Thanh Trì bạn tôi, cựu Đại Úy Biệt Động Quân, khi nhắc đến Nhạc Sĩ Nhật Ngân, anh ta nói với tôi và anh Huỳnh Đình, bạn tôi, rằng, Nhạc Sĩ Nhật Ngân sáng tác bản nhạc “ Tôi Đưa Em Sang Sông” cho cô Ph…Vì Nhật Ngân yêu cô Ph nhưng cô Ph không yêu mà lại kết hôn với một giáo sư Toán tên là T… nên Nhật Ngân mới sáng tác bản nhạc “ Tôi Đưa Em Sang Sông”.

Trở lại bản nhạc “Tôi đưa em sang sông”. Lúc bản nhạc này đã được xuất bản, tôi thấy tên tác giả đến hai người . Đó là Nhật Ngân và Y Vũ. Vì vậy có lần gặp NSNN dưới Quận Cam, tôi có hỏi anh  tại sao bản nhạc do anh ta sáng tác lại đề thêm tên Y Vũ. NSNN trả lời rằng sau khi sáng tác bản nhạc xong, NSNN nhờ Nhạc Sĩ Y Vân “lăng xê” dùm. Thế là Nhạc Sĩ Y Vân thêm tên em của Y Vân là Y Vũ vào bản nhạc “ Tôi đưa em sang sông” nên lúc ấy ai cũng nghĩ rằng bản nhạc ấy do cả hai người cùng sáng tác. Đã thế, để cho phù hợp với thời điểm lúc bấy giờ, Nhạc Sĩ Y Vân có sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho phù hợp với đường lối của Bộ Thông Tin. Thế là NSNN bắt đầu nổi tiếng từ dạo ấy.

Bản nhạc “Tôi đưa em sang sông” :

Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm
Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em
Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa
Chẳng lẽ chung một lối về mà nỡ quay mặt bước đi

Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim
Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen
Đừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn

Rồi thời gian lặng lẽ trôi,       
Đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời     
Mà đời em là ước mơ,           
Đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ 

Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền ?
Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân
Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa..
Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa

TÀI LIỆU THAM KHẢO: Tuyển Tập Ca Khúc Nhật Ngân - Trịnh Lâm Ngân, trang 4-5, Tú Quỳnh xuất bản (không đề năm).

Nhưng vào ngày 26 tháng 05 năm 2015, tôi có đọc được một bài mang tựa đề “Nhạc Sĩ Y-Vũ và những nỗi buồn để đời” trên mạng xã hội do Ông Dam C. Luu' dluu46@yahoo.com [svsqdhctct] chuyển đọc. Trong bài này có đoạn viết về bản nhạc “Tôi đưa em sang sông” như sau:

Nỗi buồn “Tôi đưa em sang sông”

“Bài hát Tôi đưa em sang sông với giai điệu slow trữ tình nhẹ nhàng ngọt ngào man mác buồn của Y Vũ đã đi vào lòng của nhiều thế hệ người nghe nhạc Việt Nam. Người đầu tiên trình bày ca khúc này là ca sĩ Lệ Thu. Tuy được mệnh danh là người xấu trai nhất trong giới nhạc sĩ, nhưng bù lại, âm nhạc của Y Vũ đã làm xiêu lòng biết bao nhiêu người phụ nữ, tuổi trẻ của Y Vũ gắn liền với những cuộc tình ướt át. Nhiều người quý cô đã yêu Y Vũ đến say đắm bất chấp cái vẻ bề ngoài hơi ngô ngố của ông, bởi nhạc của Y Vũ dễ đi vào lòng người, nhất là nhưng cô gái có tâm hồn đa sầu đa cảm. Y Vũ đã đáp lại tất cả những tình cảm ấy để rồi cuối cùng ông nhận lấy những cuộc chia tay không hẹn trước. Trong tất cả những cuộc tình ấy, đa số những người phụ nữ đều bỏ ông ra đi với nhiều lý do khác nhau. Có người hụt hẫng giữa con người thật của Y Vũ và âm nhạc. Có người ra đi vì chê ông nghèo. Có người đến với ông chỉ vì những rung động nhất thời rồi lại chia tay vì những lực hấp dẫn khác, và có cả những cuộc chia tay mà đến tận hôm ông không bao giờ lý giải nổi. Nhạc sĩ Y Vũ ngậm ngùi: “Có lẽ lời bài hát “Tôi đưa em sang sông” đã vận vào cuộc đời tôi. Suốt đời tôi luôn làm kẻ đưa tiển người yêu đi lấy chồng”

Theo lời kể của Y Vũ: Tôi đưa em sang sông được Y Vũ sáng tác trong một lần thất tình. Thuở ấy ông là một cậu học trò ở trường tư thục Hàn Thuyên, và yêu một tiểu thư con nhà giàu học cùng lớp có tên là Thanh. Mối tình đầu trong trắng thơ ngây với người con gái lớn hơn một tuổi đã đem đến cho Y Vũ một khoảng thời gian đẹp nhất của thời trai trẻ. Kỷ niệm đáng nhớ của ông là nhà nàng rất giàu và có một cây xăng tư nhân cứ mỗi chiều ông “canh me” đến giờ nàng trực thế gia đình về ăn cơm chiều là ông lái xe máy đến ngã bảy Lý Thái Tổ để được đổ xăng miễn phí. Theo lệ thường chiều nào ông cũng đến cây xăng và hẹn hò nàng ở trường, nhưng đã hơn một tuần trôi qua Y Vũ không thấy nàng đến lớp. Nỗi nhớ trong chất chồng trong lòng. Tan học ông đánh liều đến nhà người yêu để tìm nàng. Đến nơi Y Vũ đau đớn biết chính ngày hôm đó là ngày nhà nàng tổ chức ăn hỏi cho người yêu với một ông bác sĩ lớn tuổi thuộc hàng nhà giàu có đại gia đại gia ở Sài Gòn.


 Một thoáng suy tư của nhạc sĩ Y Vũ

Đau đớn và thất vọng, Y Vũ tìm đến nhà một người quen tá túc. Lần đầu tiên trong đời chàng thanh niên Trần Gia Hội biết đến rượu. Ông uống thật nhiều để hi vọng quên đi nỗi buồn. Y Vũ uống nhiều đến mức gục xuống. Hai giờ sáng, men rượu trong người bắt đầu nhạt dần. Y Vũ thức giấc. Nỗi buồn vẫn chưa nguôi. Nhà người bạn sát nghĩa địa.Trời khuya mưa bay lất phất khung cảnh buồn đến thê lương. Y Vũ bất chợt liên tưởng đến câu thơ : “Đưa người, ta không đưa qua sông/Sao có tiếng sóng ở trong lòng” trong Tống biệt hành của Thâm Tâm. Hình ảnh “Đưa người sang sông” đã gợi cho ông về cuộc đưa tiển không hẹn trước với người yêu. Y Vũ cầm đàn và sáng tác liền một mạch đến sáng. Tôi đưa em sang sông đã ra đời trong một nỗi buồn để đời như thế. Ba tháng sau Tôi đưa em sang sông đã trở thành một “hiện tượng” trong làng âm miền Nam. Bài hát đã được ca sĩ Lệ Thu chắp cánh trên làn sóng radio của Đài phát thanh Sài Gòn và được hát rộng rãi trong các chương trình Đại nhạc hội. 

Ngày người yêu chính thức lên xe hoa, Y Vũ đến dự tiệc cưới một cách lặng lẽ giữa đám đông. Ít người đến hỏi han và chia sẻ, bởi không ai biết ông từng là người yêu của cô Thanh trang đài. Rời bàn tiệc với tâm trạng buồn tủi, Y Vũ có những ca từ đầu tiên:

Hôm nay ngày cưới em      
mừng vui họ hàng đôi bên
vì đâu nàng mời tôi đến    
tuy có đây cũng như không              
chiếc áo tình chóng phai  
một sớm một chiều đã thay               
thì nhớ đừng vì có tôi        
mà nàng giấu vui không cười

Một tháng sau đó tác phẩm thứ hai là Ngày cưới em cũng được ra đời để giải tỏa nỗi buồn của mối tình đầu tan vỡ trong lòng Y Vũ.

Nhạc sĩ Y Vũ lấy làm không vui khi lời bài hát gốc của ông bị nhà xuất bản thời đó cũng như các ca sĩ hát sai so với nguyên bản. Cụ thể là đoạn ca từ : "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời” được sửa là “ "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời". Y Vũ kể ông chưa từng đi lính nên câu đó hoàn toàn không phù hợp với tâm trạng của ông. Ngoài ra đoạn cuối của bài hát với ca từ: "Nàng đã thay một lối về, thay cả bàn tay đón đưa" được sửa thành: "Nàng đã thay một lối về, quên cả người tình trong gió mưa”. Đương thời Y Vũ đã nhiều lần đến nhà xuất bản để đòi chỉnh sửa theo đúng nguyên bản nhưng bất thành. 

Khi được hỏi vì sao Tôi đưa em sang sông còn có thêm tên của nhạc sĩ Nhật Ngân là đồng tác giả nhạc sĩ Y Vũ cho biết: “Nhạc phẩm này do tôi hoàn toàn sáng tác hoàn toàn không liên quan đến Nhật Ngân. Anh ruột của tôi là nhạc sĩ Y Vân dạy nhạc cho nhạc sĩ Anh Thy và Nhật Ngân. Tôi đem bài hát này cho anh tôi nghe. Anh tôi bảo bài này nghe được đấy, thôi để thêm tên Nhật Ngân vào cho nó có tiếng. Tôi nghe lời anh mà làm theo vậy thôi".


 Bìa bài hát "Tôi đưa em sang sông' của Diên Hồng xuất bản mang tên chung Y Vũ - Nhật Ngân

Tôi đưa em sang sông là dấu ấn của một cuộc tình tan vỡ, là nỗi buồn vời vợi trong tim người nhạc sĩ đa tình nhưng chung tình. Cuộc tranh cãi về quyền tác giả của Tôi đưa em sang sông cho đến nay vẫn chưa có đoạn kết. Ở Việt Nam thì tác quyền bài hát này thuộc về Y Vũ, nhưng ở hải ngoại thì tác quyền thuộc nhạc sĩ Nhật Ngân. Nhạc sĩ Y Vũ ngậm ngùi: “Đó là nỗi buồn và trăn trở nhất trong cuộc đời làm nhạc của tôi. Chuyện tác quyền chỉ là một phần nhưng đứa con tinh thần và kỷ niệm về mối tình đầu tôi bị đặt nhầm sang tên người khác đó là một tổn thương không hề nhỏ”.

 

Nhạc Sĩ Nhật Ngân đã ra người thiên cổ. Bây giờ biết hỏi ai đây?

Thưở ấy, có một lần khoảng 8giờ tối, tôi đạp xe đạp về nhà, khi đi ngang ngả tư đường Lê Lợi và Nguyễn Hoàng, tôi thấy NSNN đi bộ song song với một thiếu nữ xinh đẹp mang kính cận. Mấy tháng sau, tôi nghe NSNN xuất bản một bản nhạc mang tựa đề “Đêm nay ai đưa em về”. Phải chăng bản nhạc ấy NSNN đã sáng tác cho người tình cùng đi với chàng trong đêm ấy ?

Sau nầy gia nhập quân đội nên mỗi người đi một ngả, chúng tôi không còn thấy nhau giữa thành phố Đà Nẵng nữa như thưở còn học sinh. Tôi nhớ đêm tổ chức văn nghệ liên trường Quảng Nam và Đà Nẵng cách đây mấy năm tại Hội trường nhật báo Người Việt, sau khi đọc thông báo trên báo chí thấy Nhà Thơ Trần Trung Đạo và Nhạc Sĩ Nhật Ngân đứng ra tổ chức văn nghệ, tôi liền ghi tên hát bản nhạc Nhớ Rừng, thơ của Thế Lữ do tôi phổ nhạc trong tù. Tôi liền gặp NSNN để ghi tên hát cho vui vì tôi chưa bao giờ tham gia văn nghệ trong những dịp liên trường Quảng Nam và Đà Nẵng hội ngộ như thế này cả mặc dầu mình cũng là học sinh của các trường ở Đà Nẵng một thời. Sau khi gặp NSNN và ghi tên bản nhạc sẽ trình diễn, tối ấy tôi mang đàn guitare theo để vừa đàn vừa hát. Ngồi đợi mãi đợi hoài vẫn chưa thấy Nhà Thơ Trần Trung Đạo gọi tên tôi lên hát, tôi liền gặp NSNN hỏi xem chương trình sắp xếp như thế nào mà tôi vẫn chưa được gọi lên hát vì lúc ấy đã gần 11giờ khuya rồi. Sau khi NSNN trình bày tự sự, tôi mới biết là Nhà Thơ Trần Trung Đạo sắp xếp chương trình chứ không phải NSNN sắp xếp. NSNN chỉ là trưởng nhóm trong mười mấy nhóm lên hát theo thứ tự từng nhóm một thôi. Sau đó thấy khuya quá rồi mà vẫn chưa được gọi tên mình, tôi bèn đứng dậy xách đàn guitare về nhà vì trời đã quá khuya! Ngày hôm sau gặp NSNN tại Crowne Plaza Anaheim Resort ở Nam California, nơi  Hội Ngộ Liên Trường Quảng Nam và Đà Nẵng, NSNN nói với tôi:

- Đêm qua tụi nó gọi ông lên hát mà  không thấy ông.

Tôi nói :

-Thật không.

NSNN bảo :

-Thật đấy.

Tôi nói:

-Lúc bấy giờ còn ai đâu nữa mà hát, người ta về cả rồi. Vã lại trời cũng khuya rồi nên tôi cũng phải về Nhật Ngân à.

Sau đó mấy tuần, tôi nhận được e mail của Nhà Thơ Trần Trung Đạo xin lỗi tôi vụ gọi tôi lên hát trễ quá. Tôi liền trả lời cho Nhà Thơ Trần Trung Đạo rằng chuyện đó chẳng có gì quan trọng cả. Tôi muốn lên hát giúp vui thôi vì từ trước đến nay, chưa có khi nào tôi tham gia văn nghệ nhân dịp hội ngộ liên trường Quảng Nam và Đà nẵng cả; vì anh em tham gia rất đông trong lúc tôi cũng là cựu học sinh tại Đà nẵng ( Phan Thanh Giãn, Phan Châu Trinh, Sao Mai).  Lỗi là tại tôi tưởng rằng NSNN sắp xếp chương trình nên tôi ghi tên với NSNN, không ngờ NSNN cũng chỉ là một nhóm trong mười mấy nhóm sẽ lên hát theo thứ tự từ nhóm thứ nhất đến nhóm cuối cùng thì tôi sẽ phải được gọi trễ thì đúng thôi. Nếu tôi biết Nhà Thơ Trần Trung Đạo sắp xếp chương trình thì tôi gặp anh ta để ghi tên, chắc sẽ được gọi lên hát sớm rồi vì tôi cũng là trưởng của một nhóm khác. Tưởng tôi buồn lòng về vấn đề trên nên Nhà Thơ Trần Trung Đạo gởi e-mail xin lỗi tôi. Tuy nhiên khi tôi trình bày như vậy, chắc Nhà Thơ Trần Trung Đạo cũng yên chí và không còn áy náy trong lòng nữa.

Tôi ở Quận Los Angeles, NSNN lại ở Quận Cam. Thỉnh thoảng tôi mới về Quận Cam chơi nên ít khi gặp NSNN. Vì vậy tôi cũng không biết nhà của NSNN nằm ở đường nào dưới Quận Cam. Bỗng một hôm vì tìm gặp ca sĩ Bảo Yến nên đã biết được nhà của NSNN. Số là khi đọc báo Việt Star thấy có mục quảng cáo văn nghệ theo đó ca sĩ Bảo Yến sẽ ra mắt độc giả tại Quận Cam trong một chương trình văn nghệ thật đặc sắc. Mọi liên lạc mua vé thì gọi điện thoại Billy Hùng. Biết Bảo Yến ở Việt Nam mới sang Mỹ để trình diễn, tôi liền tìm cách gặp Bảo Yến để cám ơn Bảo Yến đã hát bài “ Mấy dòng ngũ ngôn cho Huế”, thơ của tôi, Nhạc Sĩ Nguyễn Tất Vịnh phổ nhạc. Bản nhạc này nằm trong CD “ Ca Khúc Nguyễn Tất Vịnh, 12 Tình Khúc Phổ Thơ” do Cụm Hoa Tình Yêu thực hiện để kỷ niệm Đại Hội Thơ Quốc Tế kỳ IV tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 22, 23, 24, tháng 10 năm 2004. Biết anh Billy Hùng quen với Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai, tôi liền gọi Nhạc Sĩ Hồ Xuân Mai xin số điện thoại anh Billy Hùng. Nhờ điện thoại được với anh Billy Hùng tôi biết được điện  thoại của Bảo Yến. Thế là Bảo Yến cho tôi biết số nhà và tên đường Bảo Yến đang trú ngụ. Tôi liền nhờ cậu con trai tôi chở xuống gặp Bảo Yến.  Sau vài lời cám ơn Ca Sĩ Bảo Yến đã hát bản nhạc “ Mấy dòng ngũ ngôn cho Huế ”, Bảo Yến cho tôi biết cô ta đang tạm trú tại nhà của NSNN vì trước đây NSNN là thầy dạy nhạc và dạy ca hát cho Bảo Yến ở Đà Nẵng. Vừa nói chuyện với Bảo Yến, tôi vừa liếc qua kẻ hở của vách nhà bằng gỗ để nhìn vào trong thì thấy NSNN đang ngồi cạnh một bàn thờ khói hương nghi ngút. Có lẽ hôm ấy là ngày kỵ giỗ người thân của gia đình đã quá cố. Vì vậy tôi cũng không tiện chào NSNN lúc ấy và sau khi gặp Bảo Yến khoảng 15 phút tôi liền từ giả Bảo Yến ra về. Và cũng nhờ gặp Bảo Yến mà tôi biết được nhà cũng như số điện thoại và e mail của Nhạc Sĩ Nhật Ngân. Trong thời gian này, tôi đang thực hiện CD  “Mấy tình khúc cho đời” về những bản nhạc tôi sáng tác. Thế là tôi xuống gặp Bảo Yến lại để nhờ Bảo Yến hát dùm tôi ba bài: Chạnh Lòng, Tóc Bay và bài Thương Em. Còn 7 bài khác tôi nhờ một Nhạc Sĩ khác soạn hoà âm và tìm ca sĩ hát. Khi tôi trình bày với Bảo Yến như vậy, NSNN nói anh ta cũng đang thực hiện CD nhạc cho nhiều người, cũng có phòng thu âm, cũng có ca sĩ. Nghe NSNN nói thế tôi liền nói với NSNN:

-          Mình đâu có biết ông ở đây. Cũng đâu có biết ông cũng đang thực hiện CD nhạc, có cả phòng thâu, có cả ca sĩ. Biết vậy mình xuống gặp ông nhờ ông lo CD nhạc nầy cho rồi! Bây giờ mình đã lỡ nhờ Nhạc Sĩ khác lo cho minh rồi. Tuy nhiên ông Nhạc Sĩ ấy chỉ thực hiện 7 bài thôi, còn ba bài mình nhờ Bảo Yến hát.

NSNN nói:

-          Vậy thì ba bài Chạnh Lòng, Tóc Bay, và bài Thương em của ông để cho Quốc Dũng soạn hoà âm luôn cho rồi. Quốc Dũng soạn hoà âm thì Bảo Yến hát dễ dàng hơn.

Dĩ nhiên khi nghe NSNN nói như vậy tôi bằng lòng ngay rồi tôi nói với Nhạc Sĩ đang thực hiện CD cho tôi, trao ba bản nhạc ấy cho Bảo Yến.

Sau khi thực hiện CD nhạc xong tôi lại chuẩn bị xuất bản Tuyển Tập I Văn, Thi, Nhạc. Để đăng tất cả những bản nhạc tôi sáng tác được vào trong Tuyển Tập nầy, tôi cần người viết lại những bản nhạc bằng computer. Chợt nghĩ đến NSNN, tôi liền liên lạc với NSNN ngay rồi nhờ NSNN nếu không bận rộn viết dùm tôi sẽ trả tiền sòng phẳng. Có lẽ NSNN quá bận nhiều việc nên anh ta nhờ một người quen nào đó viết dùm cho tôi. Thế là tôi gởi mười mấy bản nhạc của tôi xuống cho NSNN để NSNN nhờ người quen viết. Sau khi người quen của NSNN viết xong, NSNN liền gởi lên cho tôi. Sau nầy khi gặp NSNN dưới Quận Cam, NSNN nói với tôi:

-          Người viết mấy bản nhạc cho ông nói sao ông Dương Viết Điền nầy viết nốt láy nhiều quá, bản nhạc nào cũng có cả.

Nghe NSNN nói như vậy tôi bỗng nghĩ rằng chắc NSNN  thấy tôi dùng nốt láy nhiều quá sẽ không hay nên đã tế nhị nói như vậy, để tôi xem lại những bản nhạc của tôi chăng? Nhưng vì đã lỡ sáng tác như thế rồi nên tôi cũng không muốn sữa lại nữa. Thế rồi tôi nói với NSNN:

-          Không hiểu sao mình lại thích nốt láy Nhật Ngân à. Bởi vậy bản nhạc nào mình cũng cho nốt láy vào cả.

Sau đó tôi lại nói tiếp :

-          Thôi thì cứ để nốt láy như vậy cũng được. Mình sáng tác cho vui thôi Nhật Ngân à. Mình là dân nghiệp dư, ông mới là dân nghiệp dĩ. Vì là nghiệp dư nên người ta cũng không phê bình lắm đâu.

Bẵng đi một thời gian khá lâu không gặp lại NSNN, tình cờ đọc e-mail của Nhà Văn Việt Hải trên mạng mới biết NSNN đã qua đời lúc 10 giờ sáng tại bệnh viện Fountain Valley, hưởng thọ 70 tuổi. Xin chia buồn cùng chị Nhật Ngân và tang quyến. Nguyện cầu hương hồn anh Trần Nhật Ngân sớm được về cõi vĩnh hằng. Xin vĩnh biệt anh.

 

California, ngày 02 tháng 02 năm 2012.

Dương Viết Điền

 K1 ĐH/CTCT/ĐL

(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...