Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

Tâm An - Trần Mộng Tú

 Tâm an thì vạn sự an, tâm động ắt vạn sự loạn - Tân Sinh

                                           

Gửi những người bạn thân yêu của tôi.

 

Chữ này nghe sao giản dị thế, cả hai chữ đều vần bằng, nên khi đọc lên giọng ta trầm xuống, ta có thể nói thầm vào tai nhau rất khẽ nghe cũng vẫn rõ ràng.

Chữ Tâm và chữ An để đặt tên cho con cũng rất đẹp. Người ta hay dùng hai chữ này đi đôi với nhau hay dùng riêng lẻ, hay ghép vào một chữ khác, đều hay. Các nhà lãnh đạo tinh thần, thầy giáo dậy văn chương hay dùng trong những bài giảng: Tâm Hương, Tâm Linh, Tâm Tịnh, Tâm Phúc, Tâm Thanh,v.v… Hoặc: An Bình, An Lạc, An Hòa, An Khang…

<!>  

Nhưng thật sự trong đời sống hàng ngày chúng ta có với được tới hai chữ “Tâm An” không? Tại sao các linh mục, các nhà sư khi tới thăm người sắp qua đời cũng nói câu đầu tiên là: “Anh hay chị hãy sửa soạn cho mình được tâm an vào những giờ sau cùng của đời người.” Và người sắp ra đi đó cũng nhờ những vị hỗ trợ tinh thần “Giúp cho con đi được tâm an”

 

Như vậy có phải là chúng ta hàng ngày sống với cái “tâm động” hay không?  Chúng ta có cả ngàn lý do để động tâm. Động tâm gồm cả: Yêu quá mức, giận hờn, nghi kỵ, oán hận, ghen tuông, tự ái, kiêu hãnh, mặc cảm….Làm sao con người sống một đời không va chạm với ngần ấy thứ. Tránh cách nào cũng va vào một vài thứ. Ngay cả những bậc tu hành cũng phải mỗi ngày cầu nguyện, tĩnh tâm để mang mình ra khỏi những con lốc đó.

Có bao nhiêu vị chân tu đích thực với được hai chữ “Tâm An”.

 

Tâm không “An”, phải chăng do mỗi người đều đặt cái tôi của mình là điểm chính, rồi từ đó mang tới sự “hỗn loạn” trong tâm vì cái tôi không được hài lòng.

Các lớp Thiền Học được mở ra, các khóa Tĩnh Tâm được tổ chức cũng không ngoài mục đích giúp cho con người có được “Tâm An”

 

 Lời khuyên của Trang Tử từ hơn ngàn năm trước, trong Nam Hoa kinh, đã khuyên mọi người muốn có tâm an cần phải: “Ngủ không nằm mộng, thức chẳng lo lắng, ăn không cầu kỳ, thở thật thâm sâu”( Kỳ tẩm bất mộng, kỳ giác vô ưu, kỳ thực bất cam, kỳ tức cam cam).

 

Ai ngủ mà không nằm mộng, nhưng có giấc mộng hiền lành, khi thức giấc, quên ngay. Có cơn mộng dữ, dậy toát mồ hôi, tim đập dồn dập và làm người ta cứ quay quắt với cơn mộng đó cả hai, ba ngày.

Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa đản sinh năm 1981, còn được biết đến với hồng danh Khamtrul Rinpoche.

Tác Giả cuốn sách Tâm An Lạc, viết: "Chính tâm ta tạo nên thế giới chúng ta đang sống", từ đó tác giả gửi tới thông điệp rằng thái độ, quan điểm của tâm chính là chìa khóa quyết định hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người

 

Trong Thiên Chúa Giáo cũng có Kinh Hòa Bình của thánh Francis hướng dẫn chúng ta muốn có tâm an thì điều cần thiết là : “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục….vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ.” Đó cũng chính là tự tâm mình tạo cho mình một thế giới hòa bình.

Khi chúng ta còn trong tuổi thanh xuân hay ngay cả ở tuổi trung niên, chúng ta sống cuồng nhiệt với danh vọng, với những mục đích phải tiến tới:

 

 Đã mang tiếng đứng trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông – NCT

 

Chúng ta mang hết cả tài hoa, thể lực ra để đạt được mục đích lý tưởng đó.

Chắc chắn chẳng thế nào có được “Tâm An” vì những tiếng động danh vọng đó dội từ trong dội ra, từ ngoài dội vào.

 

Nhưng khi đã bước đi đến gần hết con đường đời (cả danh vọng và tuổi tác), nếu chưa hiểu thấu đáo câu:

 

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao, của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì quả là ta “Dại” thật.

 

Ai trong chúng ta cũng có một cái bình chứa đầy lẫn lộn những cái cần thiết và những cái không không cần thiết. Chúng ta phải trút cả ra để nhặt giữ lại cái cần và cái không cần, vứt đi. Có khi chúng ta làm đi làm lại mãi mà sao khi cầm lên vẫn thấy đầy bình. Có phải, khi đổ ra để lựa lại, chúng ta thật ra chẳng vứt được bao nhiêu. Cái tủ áo quần cũng vậy, dọn tủ cho bớt đi, cầm lên bỏ xuống vẫn tiếc. Cuối cùng cái tủ vẫn đầy. Vậy cái tâm của mình đâu có khác gì cái bình hỗn tạp, cái tủ quần áo lâu năm.

 

Những nhà tu hành luôn nhắc nhở chúng ta: “Muốn có tâm an, phải biết dốc hồn cho trống rỗng”. Hồn không trống rỗng, chúng ta chẳng bao giờ tìm được cái tâm an.

 

Có một bài thơ tôi yêu thích lắm, nhất là khi đã bước qua tuổi sáu mươi. Đó là bài thơ “Điểu Minh Giản” của Vương Duy, nói về cái rỗng không của tâm với (thân nhàn) tiếng rơi của cánh hoa quế (hoa quế lạc), trăng mọc (nguyệt xuất) và tiếng chim núi kêu (kinh sơn điểu)

 

 Nhà thơ Vương Duy, đời Đường của Trung Hoa (701-761) đã để cái tâm mình rỗng, rỗng tới nỗi nghe được cả tiếng rơi của cánh hoa quế. Hoa quế là loại hoa rất nhỏ, cánh mỏng, rơi trên núi trong một đêm xuân tĩnh mịch làm sao gây được tiếng động trong tâm thi sĩ. Vậy thì có phải cái hương của hoa bay ra chính là tiếng dội vào cái tâm trống không?

 

 Con chim ở núi khi nhìn ánh trăng lên nó cũng giật mình cất tiếng kêu. Thật sự có tiếng chim kêu hay tiếng kêu đó chỉ bật ra từ cái tâm trống rỗng của thi nhân vì ánh trăng xuất hiện.

 


Hoa Quế-Hình minh họa

 

Điểu Minh Giản 

Nhân nhàn hoa quế lạc,                    

Dạ tĩnh xuân sơn không.                      

Nguyệt xuất kinh sơn điểu,

Thời minh tại giản trung. ( Vương Duy)

 

Dịch nghĩa:     

                                       

Người nhàn, hoa quế rụng,

Đêm yên tĩnh, non xuân vắng không.

Trăng lên làm chim núi giật mình

Thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe núi.

 


Hình- Minh họa

 

Dịch thơ:       

Người nhàn hoa quế nhẹ rơi,

Đêm xuân lặng ngắt trái đồi vắng tanh.

Trăng lên, chim núi giật mình,

Tiếng kêu thủng thẳng đưa quanh khe đồi.(Ngô Tất Tố-dịch)

 

Hoa quế khẽ rơi trong tâm an

Đêm xuân tĩnh lặng trên đồi vắng

Quanh đồi chim núi thẳng thốt kêu

Mỗi khi chạm vào ánh trăng sáng (tmt-dịch)

 

Hãy để cái tâm an của mình chỉ động khi chạm vào một bài thơ.

 

trần mộng tú.

 (Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét