Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu
Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, văn giới miền Bắc như thức tỉnh sau một giấc mơ dài. Các nhà văn, nhà thơ ra khỏi một nền văn học độc chiều, mà một nhà phê bình trong nước gọi là văn học sử thi, họ vừa khám phá văn học miền Nam, vừa nhìn ra thế giới. Vai trò của người cầm bút rồi đây sẽ ra sao ? Vào những năm 1980, đã có những cố gắng tìm tòi, đổi hướng. Năm 1986 đánh dấu sự kiện « cởi trói », văn học bắt đầu khởi sắc với những nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, v.v… Đến cuối thế kỷ 20, nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn ra mắt độc giả đã dần dần cho thấy một diện mạo mới của văn học, đặc biệt với hiện tượng đông đảo phụ nữ cầm bút.
<!>
Phải đến đầu thế kỷ 21, với sự xuất hiện của thế hệ sinh sau chiến tranh cầm bút, sáng tạo văn chương mới bay bổng, và nhất là có một tiếng nói mới : tiếng nói của người nữ, những người nữ sinh vào thời hậu chiến. Thế hệ trẻ này có cái nhìn mới về thế giới, về xã hội, về con người, nhất là về cái tôi. Trước kia, cái tôi bị lẫn khuất sau cái ta, chỉ có cái ta để đối đầu với kẻ thù. Ngày nay, cái tôi được phơi bày tự do, không chút ngần ngại. Trong số những cây bút nữ của thế hệ này phải kể Đỗ Hoàng Diệu. Cô sinh năm 1976. Phải chăng vì lối viết phóng khoáng, táo bạo, thoát khỏi đường mòn của truyền thống mà Đỗ Hoàng Diệu đi vòng ra hải ngoại, xuất hiện trên tạp chí Hợp Lưu với những truyện ngắn đầu tay : Tình chuột (Hợp Lưu số 74), Những sợi tóc màu tang lễ (HL 75), Cô gái điếm và năm người đàn ông (HL 76), trội nhất là Bóng Đè (HL 78, tháng 8 và 9-2004), một truyện ngắn lạ lùng gây nhiều phản ứng. Qua năm 2005, Bóng Đè được nhà xuất bản Đà Nẵng in trong tập truyện ngắn mang cùng tên.
Truyện Bóng Đè đã gây kinh ngạc, xôn xao, gây sốc trong nước, vì đã làm đảo lộn vấn đề đạo đức trên dưới trong gia đình, và vì miêu tả táo bạo vấn đề tình dục của người phụ nữ.
Bóng Đè đưa người đọc vào một thế giới kỳ ảo. Chúng ta sẽ lần lượt theo dõi cốt truyện, theo dõi sự sắp đặt, dàn dựng của vô thức, và cuối cùng khám phá giá trị biểu tượng của một bàn tay.
I Truyện Bóng Đè
Truyện dài 34 trang, chia làm 4 phần.
Phần 1 : Người kể truyện là một cô gái mới lấy chồng. Người chồng tên Thụ. Hai vợ chồng sống ở thành phố. Cô gái được biết gia đình bên chồng sống ở miền quê, và mỗi năm có tới 16 đám giỗ. Thụ là con một trong gia đình, nên luôn luôn phải có mặt trong lễ giỗ ; vậy mỗi lần đến ngày giỗ, hai vợ chồng đáp tàu về quê. Cô gái khám phá trong ngôi nhà cổ bên chồng, có cái bàn thờ quá dài, quá lớn, với những bức trướng in chữ Tàu và một tấm màn màu đỏ. Trên bàn thờ có tấm ảnh của người cha chồng và những chân dung khác trong dòng họ. Cô gái cũng để ý đàn ông nhà Thụ có cánh tay dài quá gối, Thụ cho đó là dấu hiệu của một dòng dõi đế vương Trung Hoa, có lẽ chạy loạn qua đây, rồi sống luôn nơi này. Lần đầu tiên hai vợ chồng về quê là để giỗ bố của Thụ. Đêm đầu hai vợ chồng ngủ trên tấm phản trước bàn thờ. Thụ trở nên xa lạ, lanh lùng với vợ. Khi thức dậy, cô gái nhận thấy bộ đồ ngủ của mình bị bung khuy áo và bị nhàu, một chất lỏng sền sệt đẫm ướt quần cô.
Khi trở về thành phố, Thụ trở lại bình thường, yêu vợ tha thiết. Nhưng cô gái không ngớt bị cái bàn thờ ám ảnh, tự hỏi mình có nắm mơ không.
Phần 2 : Một tháng sau là đám giỗ của ông nội Thụ. Ban đêm cô gái cảm thấy sợ hãi, muốn được chồng che chở, nhưng Thụ cũng trở nên xa lạ như lần trước, ăn nói cộc lốc.
Hiện tượng kỳ ảo xảy ra : có những chiếc bóng từ trong màn đỏ bay ra họp lại thành một mảng đen lớn. Mảng đen chờn vờn đến gần cô gái, sờ mó, phanh phui thân thể cô, rồi mảng đen biến thành một người đàn ông, « tia nhìn xéo sắc lạnh, hàm răng nhô đanh ác » như người đàn ông trên bàn thờ, chiếc quần cô gái bị kéo phăng ra, và người đàn ông làm tình thẳng thừng. Vào lúc đó bà mẹ chồng trong buồng bước ra với cái nhìn độc ác, cô gái quá lúng túng, nhưng bóng đen đã biến mất.
Buổi sáng thức dậy, cô gái kéo quần lên, tự hỏi người chồng có nhìn thấy gì đêm qua không ? Có nghe vợ la hét không ? Cô gái nhận thấy mình bị cưỡng hiếp, nhưng sao cô không chống cự lại ? Phải chăng cô đồng lõa ? Cô biết không chống cự nổi cái bàn thờ to thế kia với tấm màn đỏ.
Phần 3 : Cô gái đâm nghi ngờ người chồng : có phải Thụ đã thấy hết trên tấm phản nhưng không chịu cứu vợ ? Anh ta đồng lõa chăng ? Đời sống hai vợ chồng trở nên lạt lẽo, Thụ không còn nồng nàn nữa. Nhưng thân thể cô gái lại đâm ra thèm khát.
Rồi thêm một lần giỗ nữa. Lần này cúng giỗ vào buổi trưa. Không khí trong nhà trở nên khó chịu, Thụ ăn nói miễn cưỡng, bực bội, mẹ chồng và em chồng tỏ vẻ chống đối cô gái. Ngay giữa ban ngày, hiện tượng kỳ ảo vẫn xảy ra : khi hai vợ chồng nằm nghỉ trưa trên tấm phản, bóng đen từ sau bức màn đỏ thản nhiên bước ra. Lần này cô gái không còn sợ hãi mà ngước mắt nhìn, cái bóng trở thành một lão già Tàu hơi giống bố của Thụ, cô gái cảm thấy thèm muốn, rồi bóng đen lại giống Thụ. Cô gái cho rằng mình bị hiếp, có vết máu dính vào áo Thụ, nhưng không phải máu của đàn bà. Mỗi lần cảnh kỳ ảo đang diễn ra thì bà mẹ chồng xuất hiện, vẻ mặt độc ác, phải chăng bà ghen ?
Phần 4 : Thụ thay đổi hẳn, ít nói, ít cười, đôi má hóp, đôi mắt vô hồn. Còn cô gái biết mình bị hãm hiếp trước bàn thờ tổ tiên bên chồng, nhưng lại đâm ra khát thèm cảm giác bị hãm hiếp, đến nỗi trang hoàn nhà cửa toàn là màu đỏ, màu của bức màn trên bàn thờ.
Một lần nữa, hai vợ chồng lại về quê. Cô gái càng ngày càng tha thiết với cái tấm phản : « Chỗ của tôi là ở đấy », và cảm thấy bị cái bóng đen mê hoặc. Lần này cái bóng đen vừa hiện ra là ngang nhiên làm tình với cô. Cô bị cái bóng đen thống trị, nó biết cô muốn gì. Cô gái mang một tâm trạng mâu thuẫn : vừa thèm khát vừa có mặc cảm tội lỗi, tự cho mình là « một đứa con dâu đĩ thõa ». Rồi cô mang thai. Cái thai do « cha chồng cấy vào bụng cô ». Đứa con sẽ tiếp tục cái di sản của tổ tiên.
II Một cảnh kỳ ảo do vô thức dàn dựng
Cốt truyện trình bày 4 cảnh bạo dâm xảy ra trong giấc ngủ của cô gái. Bốn cảnh thành hình trong một giấc mơ, theo Freud, là do vô thức sắp đặt. Truyện Bóng Đè không để ai dửng dưng, vì sự táo bạo của vô thức, vô thức tung hoành đến tận cùng tâm lý con người, vô thức nói toạc ra những điều mà con người sống trong xã hội đè nén, giấu giếm.
Vô thức của văn bản
Vấn đề quan trọng được đặt ra ở đây là vô thức, vô thức của ai ? Của tác giả ? Của văn bản ? Vấn đề này đã được tranh luận ở Tây phương. Lúc đầu, các nhà phê bình phân tâm học chỉ nhắm vào việc nghiên cứu vô thức của tác giả, bằng cách căn cứ vào tiểu sử, lối phê bình này gọi là psychobiographie. Rồi người ta tìm vô thức về phía tác phẩm gọi là psychocritique.
Điều quan trọng đối với người đọc là cần biết có một vô thức của tác phẩm, tức của văn bản, hay không ? Nhà phân tâm học nổi tiếng André Green, tác giả cuốn biên khảo La Déliaison (Tháo gỡ) (Les Belles Lettres, 1992), và hai nhà phê bình theo phân tâm học Jean Bellemin-Noël và Bernard Pingaud đều nhận xét rằng có một vô thức của văn bản, khác với vô thức của tác giả. André Green viết : Công việc viết giả định trước một vết thương hay một mất mát, một vết thương hay một tang tóc mà tác phẩm sẽ là sự biến đổi nhằm che đậy những điều đó bằng hư cấu (…) thì vấn đề không phải là sự lo sợ hay tang tóc của tác giả, ít ra không chỉ là chừng đó, dù thế nào đi nữa không là trực tiếp điều đó. Vấn đề là lo sợ và tang tóc của văn bản, vấn đề của một cái gì đã chiếm không gian của văn bản (…). Giữa lo sợ, tang tóc và văn bản có một cái gì, đó là vô thức. Hẳn là vô thức của tác giả, nhưng đặc biệt là vô thức của văn bản. Bởi vì dù cho điều đó có vẻ lạ lùng đi nữa, một văn bản có một vô thức, vô thức nhào nặn văn bản. (Sđd tr. 57-58)
Còn Jean Bellemin-Noël, cha đẻ của thuật ngữ textanalyse (phân tâm văn bản), đã viết trong cuốn Psychanalyse et Littérature (Phân tâm học và Văn học) : …hẳn là sự viết huy động vô thức của tác giả, nhưng văn bản đã dứt khoát thoát khỏi cái vô thức đó vào lúc văn bản được đọc, nghĩa là được viết lại, văn bản có thể nói là đã đạt được một vô thức cho mình. (tr. 212)
Về phần Bernard Pingaud, trong cuốn biên khảo Comme un chemin en automne (Như một con đường vào mùa thu), ông viết : (Nhà văn) có thể tưởng tượng để lộ cho chúng ta những điều bí ẩn, bí ẩn của ông ta (…). Kết quả sẽ không bao giờ là một lời thú mà người ta có thể đọc được dưới hình thức của những lời văn hoa mỹ và qua những đường vòng của văn bản, do đó trong tác phẩm không còn là tác giả đang nói, một cách nào đó chính là văn bản – một văn bản, khi nó đóng lại, nó loại nhà văn ra (…). Cũng như, theo Freud, giấc mơ là cái gìn giữ giấc ngủ, người ta có thể nói văn bản là cái gìn giữ huyễn tưởng, mà văn bản sáp nhập, thôn tính, nhào nặn để biến huyễn tưởng thành cái chất riêng của văn bản, tách rời huyễn tưởng khỏi trải nghiệm của tác giả. Kể từ đó, phê bình phân tâm học chỉ may mắn đạt đến đối tượng thật sự, nếu từ khởi điểm, phê bình phân tâm học đặt ra cái giả thuyết có một vô thức của văn bản … (tr. 257)
Dù sao vô thức của văn bản cũng là sản phẩm của một lối viết, nhưng cũng là của một chuyện chủ quan của tác giả. Một chuyện được trải nghiệm và được viết ra, chuyện của một lối viết.
Tóm lại, có thể hiểu rằng tác giả kể truyện với vô thức của mình, nhưng khi độc giả đọc truyện, hay nói theo các nhà lý luận văn học, khi độc giả « viết lại » truyện, thì có một vô thức khác xuất hiện, khác biệt với vô thức của tác giả, đó là vô thức của văn bản, nó có thể có liên hệ với vô thức của tác giả, nhưng nó biệt lập.
Trở lại truyện Bóng Đè của Đỗ Hoàng Diệu, độc giả đối diện với vô thức của truyện, tức của văn bản. Bốn cảnh trong truyện đều là huyễn tưởng do vô thức sắp đặt.
Nhưng huyễn tưởng là gì ? Trước hết huyễn tưởng (tiếng Pháp : fantasme) là một khái niệm hàng đầu trong phân tâm học. Huyễn tưởng là một hình ảnh tưởng tượng do vô thức gợi lên, để thoát khỏi sự chi phối của hiện thực. Theo phân tâm học, người có huyễn tưởng là người không được thỏa mãn trong sự thèm muốn của mình, phần nhiều là thèm muốn về nhục dục. Huyễn tưởng xuất hiện để lấp đầy sự thiếu thốn, để sửa lại cái hiện thực không vừa ý. Các nhà phân tâm học Laplanche và Pontalis định nghĩa huyễn tưởng như sau : Huyễn tưởng là một sự dàn dựng được tưởng tượng, có chủ thể hiện diện ; sự dàn dựng biểu thị việc thỏa mãn một sự thèm muốn, với ít nhiều biến đổi bởi những quá trình tự vệ, và cuối cùng là sự thỏa mãn của một thèm muốn vô thức.
Vậy huyễn tưởng có cấu trúc của một cảnh được dàn dựng với mục đích làm thỏa mãn một sự thèm muốn.
Cảnh của huyễn tưởng trong truyện gồm một bàn thờ lớn quá cỡ với những bức chân dung của tổ tiên của Thụ, những bức trướng có chữ Tàu, một tấm màn màu đỏ, một tấm phản. Không gian là như thế, còn thời gian lúc đầu là ban đêm về sau là ban ngày, để nhấn mạnh sự táo bạo và cường độ của huyễn tưởng. Nhân vật chính của huyễn tưởng là cái bóng đen, nó đã xuất hiện với cô gái như một tín hiệu, khi cô gái gặp Thụ lần đầu tiên trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc, một buổi trưa kỳ lạ. Việc chọn lựa viện Bảo tàng Dân tộc đầy ý nghĩa, bởi vì về sau tổ tiên trên bàn thờ gợi lên khái niệm dân tộc, dân tộc nào ? Việt Nam hay Trung Hoa ? Trong kỷ niệm gặp gỡ đầu tiên này, có những chi tiết được xem như báo hiệu bốn cảnh của huyễn tưởng sau này : « Chiếc bóng chồm lên (…) bóng đen lừng lững dịch chuyển… » (Bóng Đè, tr.14), và Thụ có cánh tay dài quá gối, đội chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ, màu đỏ là cái màu trội nhất trong huyễn tưởng : màu của bức màn, màu của vết máu.
Điều kiện xuất hiện của huyễn tưởng
Sự xuất hiện của huyễn tưởng tùy thuộc hai điều kiện.
1/ Điều kiện tiên quyết là nhân vật chứng kiến hiện tượng huyễn tưởng phải có một thèm muốn không được thỏa mãn. Trong truyện Bóng Đè, nhân vật bị cái bóng đen « hiếp dâm » là một phụ nữ trẻ mới có chồng, cô ta có những nhu cầu nhục dục quá mức, đến nỗi người chồng gọi cô ta là « hổ cái ». Hãy nghe cô ta kể sự thèm muốn của mình như thế nào : « Tôi không thể ngoan hiền. Tôi hay chồm lên người Thụ nuốt lấy anh vồ vập. Tôi ưa kéo Thụ lên chà xát. Tôi bắt đôi tay Thụ bóp nắn liên tục. Tôi muốn đã cơn thèm khát từ buổi trưa ấy (buổi trưa trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc, chú thích của người viết). (…). Thụ cứ hay van xin tôi đừng hực lên như hổ cái. Tôi chẳng thể đặng đừng. Anh bị tôi co rút lôi đi. Đôi lúc thấy anh kinh khiếp tôi đành phải dè dặt. Nhưng rồi đến cơn khát tôi vung vấp hết. Mỗi sáng thức giấc trông Thụ thật tội nghiệp ». (tr. 6) Vậy nhân vật chứng kiến huyễn tưởng là một nhân vật có một ham muốn quá lớn, khó thỏa mãn. Và ngay trong lúc huyễn tưởng diễn ra, nỗi thèm muốn cái bóng đen cũng hừng hực : « … Khát mỗi đốt xương. Khát từ hàng mày. Khát xuống viền môi. Khát trên đồi cao vươn ưỡn. Khát xuống thảo nguyên dang rộng. Khát như chờ đợi bóng đen nhịch nhịch, đến gần tưới nước. » (tr. 30)
2/ Điều kiện thứ hai là sự cô đơn của nhân vật. Huyễn tưởng chỉ xuất hiện khi nhân vật có một mình. Trong truyện, có những nhân vật khác xung quanh cô gái : người chồng, bà mẹ chồng, cô em chồng. Nhưng những nhân vật này dường như vắng bóng, họ hóa mù, câm, điếc. Thụ, người chồng, tuy cùng nằm trên tấm phản với vợ, nhưng chẳng hay biết gì, anh không hiểu lời năn nỉ của vợ, anh dửng dưng, nằm ngủ quay lưng với vợ ; lại thêm con người Thụ thay đổi lạ kỳ, không còn bình thường như khi ở thành phố. Bà mẹ chồng và cô em chồng thì ngủ trong phòng, bà mẹ chỉ xuất hiện khi có hiện tượng kỳ ảo, với cái nhìn độc ác, nhưng bà không hay biết gì, và hiện tượng kỳ ảo biến mất sau đó.
Bí ẩn của sự thèm muốn
Độc giả có thể tự hỏi tại sao cô gái lại thèm muốn cả một dòng họ bên chồng gồm toàn những người đàn ông già xấu xí với cánh tay dài quá gối, với hàm răng hơi hô đanh ác và cái nhìn liếc xéo sắc lạnh, rồi lại hóa thành một lão già Tàu đầy quyền uy. « Lão Tàu xa xăm, bí ẩn, vừa đen tối vừa có sức hút lạ kỳ, quyến rũ khác thường… » (tr. 30). Vả lại những nhân vật đó đều thuộc quá khứ.
Có thể tạm đưa ra hai giả thuyết căn cứ vào căn bệnh mà phân tâm học gọi là bệnh khoái đau của phụ nữ (masochisme féminin), người phụ nữ bị bệnh này thích chịu đau một cách thụ động. Giả thuyết thứ nhất : phải chăng qua cái bóng đen, cô gái, vì khoái đau, thèm muốn được hãm hiếp bởi những người đàn ông có tính man rợ, dã thú (cánh tay dài như vượn), chiếm hữu cô một cách ngang tàng, hung bạo ? Đây là một trường hợp mà người bị bệnh khoái đau thích chịu đựng một cách thụ động sự tàn bạo để đi đến khoái lạc, sinh ra bạo dâm. Giả thuyết thứ hai là bệnh khoái đau trong thụ động khiến nhân vật muốn làm nô lệ cho một kẻ có uy quyền ; trong truyện, kẻ có uy quyền là một lão già Tàu, thể hiện dân tộc Tàu đã từng đô hộ nước ta thời xưa (Lão Tàu xa xăm).
III Giá trị biểu tượng của bàn tay
Trong truyện, tác giả nhắc đi nhắc lại hình ảnh bàn tay của cô gái, khiến độc giả không thể bỏ qua. Mới vào truyện, bàn tay đã được miêu tả gần hết trang sách. Đó là một bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại, nhiều lần cô gái nói bàn tay như là không thuộc về mình : « Tôi chìa bàn tay ra trước nắng, nhìn như nhìn bàn tay một kẻ khác. (…) Chỉ có tôi hiểu vì sao bàn tay tôi tách rời ra khỏi thể xác mình ». (tr. 5)
Qua 4 cảnh của huyễn tưởng trong truyện, bàn tay luôn luôn hiện diện ở mỗi cuối cảnh.
Cuối cảnh 1 : bàn tay xuất hiện, chẳng những nó xa lạ, không thuộc về cô gái mà nó còn khác với cô, nó không có những đòi hỏi nhục dục như cô, và nó có những khả năng mà cô không có. Cô gái nói : « Bàn tay tôi thật kỳ diệu. Năm ngón ngắn dài với làn da mỏng tanh, như bàn tay của một người khác, có thể làm mọi việc mà tôi không có khả năng. (…) Giá thân thể tôi không có những đòi hỏi cảm xúc như bàn tay đang giơ lên trước nắng. » (tr. 16)
Trong cảnh 2 : trong khi kinh hãi và trước thái độ dửng dưng, xa lạ của người chồng, cô gái cầu cứu bàn tay : « Bàn tay thon ơi, bàn tay diệu kỳ ơi, bàn tay có biết không, trả lời tôi đi. » (tr. 23) Và cuối cảnh 2 : Sau khi cô gái bị hiếp thì bàn tay cài lại khuy áo cho cô. « Tôi đứng nhìn bàn tay của chính mình như nhìn bàn tay của một kẻ chất phác quả quyết dắt tay tôi lầm lũi trở về ». (tr. 25)
Cuối cảnh 3 : Bàn tay đập xuống phản để giúp cô gái ra khỏi cơn mê muội.
Cuối cảnh 4 : Bàn tay không hề đồng lõa, muốn cô gái thoát khỏi cơn mê, thúc đẩy cô ký tên trên tờ giấy ly hôn với chồng. Nhưng thân thể cô gái cưỡng lại ý muốn của bàn tay, vì cô bị cái bóng đen hoàn toàn thu hút.
Tóm lại, bàn tay ở trong thế giới hiện thực, theo dõi, quan sát sự yếu đuối, sự thèm khát của cô gái, và có cử chỉ bênh vực cô khi cài khuy áo cho cô ; bàn tay muốn đẩy cô xa người chồng, xa cái sức ám ảnh nặng nề của huyễn tưởng. Bàn tay như một cố vấn muốn bênh vực cô, giữ gìn cô. Điều này làm liên tưởng đến một nhân vật trong văn chương kỳ ảo, đó là kẻ song trùng. Kẻ song trùng là một chủ đề được khai thác trong vô số truyện kỳ ảo ở Tây phương.
Xin đơn cử truyện William Wilson của nhà văn Mỹ Edgar Allan Poe, ở thế kỷ 19, đã gây ấn tượng mạnh cho độc giả. Truyện kể William Wilson có một người song trùng cũng tên William Wilson, cũng sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cũng vào trường học cùng ngày, mặt mày, vóc dáng, cách ăn mặc của cả hai đều như nhau. Mọi người tưởng là hai anh em sinh đôi, nên cho chuyện giống nhau là bình thường. Tuy nhiên, giữa đôi bên có sự cạnh tranh, lấn áp nhau khiến William Wilson gốc vừa bực bội vừa ái ngại, anh ta là người có những hành vi không tốt, ngược lại kẻ song trùng của anh ta là một người tốt, thường hay can thiệp vào những sự kiện xảy ra để ngăn cản anh ta. Kẻ song trùng suốt đời theo dõi William Wilson như một vị thần bản mệnh, tìm cách làm thất bại những âm mưu của William Wilson để khôi phục lại sự công bằng. Trong trường hợp này, kẻ song trùng có thể được xem như một lương tâm đạo đức. Vào cuối truyện, William Wilson vì quá bực tức, muốn thoát khỏi ảnh hưởng của kẻ song trùng, bèn giết người này, nhưng anh ta không biết là mình đã tự giết mình.
Trong truyện Bóng Đè, có thể ví bàn tay với một kẻ song trùng, kẻ song trùng của cô gái tuy thuộc về thể xác của cô, nhưng cô có cảm tưởng như thuộc về người khác, vì cô gái sống trong huyễn tưởng, mà bàn tay thì thuộc thế giới hiện thực, như đã nói. Kẻ song trùng này luôn luôn biết điều phải, cố kéo cô gái về với đời sống bình thường, thoát khỏi sự thèm khát mộng mị. Do đó bàn tay đạt đến giá trị của một biểu tượng và làm tăng tính kỳ ảo của truyện.
Truyện Bóng Đè, qua lưới đọc của phân tâm học, làm hiện rõ quá trình của vô thức – vô thức của văn bản – vô thức này, để làm thỏa mãn sự thèm muốn, đã xây dựng một huyễn tưởng gây ấn tượng. Với truyện Bóng Đè, Đỗ Hoàng Diệu đã tự tạo cho mình một thế đứng. Trong văn học hải ngoại, viết về tình dục dưới nhiều hình thức là chuyện thường, vì ảnh hưởng của văn hóa Tây phương. Nhưng đối với xã hội Việt Nam, vào đầu thế kỷ 21, vấn đề miêu tả tình dục của người phụ nữ vẫn còn là điều cấm kỵ, cho nên lối viết táo bạo của Đỗ Hoàng Diệu, mặc dù với nhiều ẩn dụ để tránh những miêu tả sống sượng, không khỏi gây sốc, gây tranh cãi. Nhưng dù muốn dù không, lối viết đó báo hiệu một bước tiến của người nữ cầm bút.
Liễu Trương
(từ: hocxa.com)
Tài liệu tham khảo :
André Green, La Déliaison, Les Belles Lettres, 1992.
Jean Bellemin-Noël, Psychanalyse et littérature, PUF, 2002.
Bernard Pingaud, Comme un chemin en automne, Gallimard, 1979.
Jean Laplanche, Jean Bertrand Pontalis, Vocabulaire de la psychanalyse, PUF, 1967.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét