Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

BẠN VĂN (1) - Nguyễn Hưng Quốc

NHQ-Nguyen Huy Thiep ve


Trong lần về nước đầu tiên, năm 1996, tôi ở Hà Nội ba tuần, gặp gỡ khá nhiều người cầm bút ở đó, từ Dương Tường đến Trần Quốc Vượng, từ Hoàng Ngọc Hiến đến Đỗ Lai Thuý, từ Phong Lê đến Văn Tâm, từ Lê Đạt đến Dương Thu Hương, từ Trần Dần đến Hoàng Cầm, từ Nguyễn Huệ Chi đến Bảo Ninh. Nhưng có cảm giác thân nhất là hai người: Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Xuân Nguyên.

<!>

Không biết do ai nói, Nguyễn Huy Thiệp biết tôi ở Hà Nội; anh đến nhà tôi trọ ở số 52B đường Nguyễn Khuyến (gần Văn Miếu), chở tôi về nhà anh chơi, ăn trưa và chuyện trò đủ thứ trên trời dưới đất. Anh kể về những ngày tháng lận đận của anh. Về những ước mơ của anh. Anh có vẻ rất tin vào tử vi. Anh nói ông ngoại của anh, căn cứ vào ngày giờ sinh, có thể biết được hậu vận của một người. Khi anh trai của Thiệp mới ra đời, bấm tử vi, ông biết sau, lớn lên, sẽ theo nghiệp võ, nên đặt tên là Thăng với ước mong được thăng quan tiến chức. Còn Thiệp, ông nói sẽ thiên về văn nên đặt tên là Thiệp để chỉ sự quảng giao. Tử vi cũng nói anh sẽ thành công trong văn chương nhưng muộn. Nếu nổi tiếng trước năm 35 tuổi thì có nguy cơ chết yểu hoặc ngồi tù. Ngày hôm sau, Thiệp chở tôi đi thăm viếng các chùa chiền chung quanh Hà Nội, trong đó có chùa Bút Tháp. Chùa vắng tanh. Không thấy ai cả. Đẩy cánh cửa khép hờ, vào chùa, Thiệp thắp một cây nhang rồi kính cẩn vái, miệng lầm bầm cầu nguyện. Vốn vô thần, tôi chỉ đứng nhìn, dửng dưng. Thiệp dí vào tay tôi một cây nhang và bảo: “Cầu đi, anh. Có thờ có thiêng.” Chiều bạn, tôi cũng vái. Xong, quay người lại, tôi thấy một phụ nữ khoảng 5,6 chục tuổi đứng ngay sau lưng, bàn tay xoè, đưa ra phía trước. Tôi không hiểu, bèn nhìn Thiệp. Anh nói: “Bả xin tiền nhang đấy.” Rồi anh đặt vào tay bà một số tiền. Ra ngoài sân, tôi thấy một người đàn ông, cũng 5,6 chục tuổi, đứng bên cạnh chiếc xe gắn máy của Thiệp, bàn tay cũng xoè ra. Tôi hỏi Thiệp: “Chuyện gì nữa đây?” Thiệp chưa kịp trả lời, người đàn ông đã lên tiếng: “Xin quý ông cho ít tiền công giữ xe.” Thiệp lại móc túi ra đưa ông một số tiền. Trưa, đói bụng, Thiệp tấp xe vào một cái quán xập xệ ven đường. Quán chỉ có hai cái bàn thấp và mấy chiếc ghế đẩu. Nhìn, tôi hơi e ngại vấn đề vệ sinh. Nhưng không có chọn lựa nào khác. Thiệp gọi mỗi người một chén cơm và hai quả trứng luộc chấm nước mắm. “Như thế cho an toàn”, anh nói. Ăn vẫn thấy ngon. Giữa bữa ăn, không nhắc đến hai vụ xin tiền ở chùa, Thiệp nói, như giải thích: “Ở Việt Nam, sống khó lắm. Lúc nào đi ra khỏi nhà tôi cũng đều thủ sẵn tiền trong túi. Ở đâu cũng có những người vòi tiền. Có người vô hại. Nhưng cũng có những kẻ rất nguy hiểm. Để được yên thân, mình phải có tiền nhét vào mõm chúng.” Chiều, về, anh chở tôi đến nhà một người bạn của anh ở Bát Tràng. Anh lấy một cái đĩa bằng đất sét rồi vẽ chân dung tôi trên đó. Bức đầu, anh không hài lòng, anh bảo tôi ngồi tiếp để anh vẽ bức khác. Xong, anh nhờ bạn bỏ vào lò nung. Mấy ngày sau, anh mang hai cái đĩa đến nhà tôi trọ tặng tôi. Tôi rất cảm động.

Nhớ, sau khi vẽ xong, anh ghi trên đĩa mấy chữ “Tặng Nguyễn Ngọc Tuấn”. Tôi cười, hỏi anh, “Sao không là Nguyễn Hưng Quốc?” Anh cười, “Bộ anh muốn tôi chết hả?” Té ra, anh sợ cái tên Nguyễn Hưng Quốc. Nên nhớ, lúc ấy, dưới bút hiệu Nguyễn Hưng Quốc, tôi chưa viết gì về chính trị, và cả gần mười năm sau, tôi mới bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam.

Tháng 2 năm 2008, Nguyễn Huy Thiệp gửi thư xin tôi địa chỉ email của Greg Lockhart, người dịch một tuyển tập truyện ngắn của anh sang tiếng Anh năm 1992. Anh có vẻ tuyệt vọng trên con đường đi ra với thế giới. Anh muốn tìm một người da trắng dịch anh và làm trợ lý xuất bản cho anh để “quảng bá tác phẩm và chinh phục các danh hiệu giải thưởng.” Anh cho chỉ có Greg mới làm được điều đó. Tôi liên lạc với Greg. Greg có vẻ rất lạnh nhạt. Anh kể trước đây, tuyển tập truyện ngắn của Thiệp do anh dịch, tuy được Oxford University Press, một tên tuổi lớn, xuất bản, số sách bán được rất ít. Hậu quả là tiền nhuận bút dành cho cả tác giả lẫn dịch giả đều thấp. Thấp đến độ, sau đó, đi Hà Nội, gặp Thiệp, anh cho Thiệp luôn cả số tiền trả cho dịch giả. Có vẻ như Thiệp không biết điều đó. Thời ấy, người Việt còn biết rất ít thế giới bên ngoài. Bị ám ảnh bởi sự giàu có của những nhà văn bestseller ở ngoại quốc, ai cũng tưởng sách dịch của mình sẽ bán được cả triệu bản và số tiền nhuận bút sẽ lên đến hàng triệu đô. Thiệp cũng thế. Khi nhận số tiền ít ỏi, anh ngỡ ngàng. Tệ hơn, theo Greg, dường như anh có ý nghĩ là bị Greg ăn chận. Quan hệ giữa hai người xấu hẳn. Lần sau, Greg đi Việt Nam, Thiệp không muốn gặp. Điều đó để lại trong Greg một nỗi cay đắng khó phai nhạt. Nói chuyện với tôi, Greg không nén được chua chát.

Sự hiểu lầm của Nguyễn Huy Thiệp, tôi nghĩ, cũng là sự hiểu lầm của khá nhiều người Việt Nam, nhất là ở thế kỷ trước. Nó chỉ đáng tiếc. Nhưng không đáng trách.

Ở Hà Nội, tôi thân với Phạm Xuân Nguyên nhất. Có lẽ vì anh cùng tuổi, lại chuyên viết phê bình, và quan trọng nhất, tính tình anh rất phóng khoáng. Cứ vài ngày tôi lại gặp anh. Tôi không biết giờ giấc làm việc của Nguyên ở Viện Văn học như thế nào nhưng chỉ ới một tiếng là thấy anh xuất hiện. Mà không phải chỉ với tôi. Với nhiều người khác cũng thế. Rất đông người cầm bút ở hải ngoại về Hà Nội gặp Nguyên và được Nguyên tiếp đãi một cách ân cần. Ai cũng khen. Anh sống như một cuộc rong chơi. Cực kỳ tốt với bạn bè. Nhưng, tôi nghĩ, chắc cũng mất rất nhiều thì giờ cho bạn bè. Có lẽ vì vậy anh viết không nhiều. Và cũng không đúng với cái tầm đáng lẽ anh có thể có. Tôi nghĩ anh có nhiều tố chất cho một nhà phê bình giỏi: Thông minh, nhạy bén và uyên bác. Tôi nghĩ trí nhớ của anh hẳn tốt lắm. Anh thông thạo cả tiếng Nga lẫn tiếng Anh và tiếng Pháp dù anh không nói được ngôn ngữ nào cả. Anh hoàn toàn tự học. Tôi thường đọc các bản dịch của anh với sự ngưỡng mộ.

Gặp nhau nhiều lần nhưng tôi vẫn không biết anh nghĩ gì về mình. Anh hoạt ngôn nhưng cũng khá kín đáo, hiếm khi bày tỏ chủ kiến. Thường, chúng tôi chỉ nói chuyện về sinh hoạt văn học chung chung, những điều, do sống ở nước ngoài, tôi không được cập nhật. Đến khi đọc một bài phỏng vấn anh trên Talawas ngày 21.4.2005, tôi mới biết những gì anh nghĩ:

Một số người ở hải ngoại đã nuôi ảo tưởng rằng nếu được tự do phổ biến thì văn học hải ngoại sẽ như một làn gió mới, gây nên những chấn động gì kinh khủng lắm. Có lẽ không như vậy. Gây chấn động bây giờ có phải dễ đâu. So với những sáng tác của hải ngoại thì có khi lối viết phê bình của Nguyễn Hưng Quốc lại gây tác động với trong nước nhiều hơn.[1] Ông Quốc hội tụ được cả ba điểm: Một, tiếp thu được những lí thuyết mới; hai, nắm chắc văn học Việt Nam, vì lí thuyết giời mà không nắm chắc văn học Việt Nam thì cũng hỏng; ba, có một lối viết vừa là khoa học vừa là văn chương.[2]

Ở Sài Gòn, tôi thân với nhiều người hơn: Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Thận Nhiên (thời anh sống ở Việt Nam), Lý Đợi, Bùi Chát, v.v… Tính tình mỗi người mỗi khác, nhưng tất cả đều có một phong thái chung: Tự do. Họ khác hẳn anh em cầm bút ở miền Bắc, những người cán bộ, mang văn hoá cán bộ, lúc nào cũng thuận thảo với dòng chính thống: Ngay cả khi họ phê phán chính quyền, sự phê phán ấy dường như lúc nào cũng có mức độ. Phê phán từ bên trong. Ở Sài Gòn thì khác. Ngay trước 1975, đã hình thành một tầng lớp trí thức và văn nghệ sĩ hoàn toàn độc lập với chính quyền. Họ sống bằng việc viết lách của họ. Họ thanh thản. Họ ung dung. Họ không sợ ai cả. Sau năm 1975, lớp cầm bút trẻ tuổi cũng giữ được truyền thống ấy. Họ không bon chen để được xuất hiện trên báo chí chính thống. Họ viết và tự in trên những bản photocopy nhoè nhoẹt. Nếu không, họ chỉ phổ biến trên internet. Họ vẫn vui. Những buổi nói chuyện với họ lúc nào cũng rộn những tiếng cười. Có một điều tôi để ý: tất cả bạn bè ở Sài Gòn đều gọi tôi là Quốc. Sách tặng, họ ghi rõ: Tặng Nguyễn Hưng Quốc. Có vẻ như họ không sợ cái tên Nguyễn Hưng Quốc như bạn bè ở Hà Nội.

Thời gian ở Pháp, tôi thân nhất với Trần Vũ. Hầu như tuần lễ nào cũng gặp nhau. Và gặp nhau là nói chuyện văn học sôi nổi. Sinh năm 1962, anh qua Pháp từ năm 17 tuổi, tiếng Pháp rất giỏi. Nhưng tiếng Việt của anh cũng cực kỳ thành thạo. Cái thành thạo của một nhà văn có tài. Tôi cho anh là một trong những người viết truyện ngắn hay nhất của thế hệ anh, trong cũng như ngoài nước, nói chung. Có thể nói Trần Vũ có ba đam mê chính. Thứ nhất là tiếng Việt. Anh thường nói anh chỉ thích làm tình với phụ nữ Việt Nam. Lý do? Hãy nghe anh giải thích: “Em thích nghe rên bằng tiếng Việt.” Hẳn nhiên đó chỉ là một lời nói đùa. Nhưng nó cũng xuất phát từ một ám ảnh: hạnh phúc gắn liền với tiếng mẹ đẻ. Thứ hai là đam mê lịch sử. Trên tủ sách của anh có rất nhiều sách về lịch sử, đặc biệt lịch sử chiến tranh. Đó là lãnh vực anh có kiến thức rất rộng. Anh có thể nói say sưa về các trận đánh nổi tiếng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Dù tôi cũng thuộc loại đọc sách nhiều, nghe anh nói, có lúc tôi không khỏi bối rối. Và, thứ ba, anh rất thích rượu đỏ. Ngày nào anh cũng uống. Từ sáng đến tối. Liên quan đến rượu, sực nhớ một chuyện do Trần Vũ kể trong một cuộc phỏng vấn:

Buổi tối đó, chúng tôi tiễn Nguyễn Hưng Quốc đi Úc, trong cái quán nhỏ gần bờ sông Seine. Mai Thảo ăn ít. Chúng tôi uống với ông. Bình thường anh Quốc không uống rượu. Nhà phê bình, giống hầu hết giới phê bình, muốn tỉnh táo, mà điều này sáng tác ghét thậm tệ. Tuy nhiên, tối đó, Nguyễn Hưng Quốc cố gắng theo chúng tôi. Anh không gìn giữ, không chiếu lệ, mà uống thật tình, vì anh cũng thương Mai Thảo. Nếu lý trí Nguyễn Hưng Quốc gần với Võ Phiến, tình cảm anh dành cho Mai Thảo. Uống chia tay, như một vĩnh quyết. Đến một lúc, anh ngã bật ra bàn và nôn thốc tháo, rồi bất tỉnh. Chúng tôi kêu hầu bàn thay khăn, kêu thêm rượu. Khuya lắm, đến khi quán đóng cửa, phải ra về, tôi khiêng vai Nguyễn Hưng Quốc, trong lúc Mai Thảo khiêng hai chân, chúng tôi khiêng dọc bờ sông phủ hơi ẩm của đêm hè. Chúng tôi khiêng trong im lặng. Không ai nói với ai lời nào. Cho đến khi ra xe, tôi muốn chở Mai Thảo về trước, nhưng ông lắc đầu: ‘Đưa Quốc về nhà.’ Gương mặt ông nhăn nhúm vì buồn.[3]

Tối đó, tôi say khướt nên không biết Trần Vũ có “hư cấu” thêm gì không. Nhưng nghe anh kể, tôi vừa xấu hổ vừa thấy vui. Một kỷ niệm đẹp. Với Trần Vũ. Và với cả Mai Thảo nữa.

Tôi qua Mỹ nhiều lần, lần nào cũng gặp nhiều bạn bè, chuyện trò không ngớt. Tôi thích cái điềm đạm của Trương Vũ, cái dí dỏm của Nguyễn Thị Hoàng Bắc, cái chân tình của Nguyễn Thị Thanh Bình, cái hào phóng của Hoàng Đình Bình, sự uyên bác của Đỗ Quý Toàn, sự nhẹ nhàng đầy phong thái thiền của Nhã Ca, những mẩu chuyện thời trẻ của Trần Dạ Từ, sự nho nhã của Phạm Phú Minh, sự nhiệt tình của Ngự Thuyết, vẻ bụi bặm của Vương Ngọc Minh, sự trẻ trung của Nguyễn Hoàng Nam, cốt cách nhà giáo của Bùi Vĩnh Phúc, sự từ tốn của Hoàng Ngọc Biên, v.v… Hai người tôi thấy gần gũi nhất là Nguyễn Xuân Hoàng và Võ Đình.

Tôi gặp Nguyễn Xuân Hoàng trong chuyến đi Mỹ lần đầu vào năm 1989. Anh rủ tôi đi uống cà phê. Tôi kể là hồi nhỏ, từ Quảng Nam, đọc tạp chí Văn có thời anh làm thư ký toà soạn, tôi rất thán phục và mơ có ngày nào đó được gặp anh. Anh cười: “Bây giờ gặp rồi, chắc Quốc thất vọng lắm nhỉ?” Năm 2007, gặp lại anh ở San Jose, anh lại tâm sự: “Thế hệ của Quốc được đào tạo bài bản chứ thế hệ của tôi, hồi đó ở Sài Gòn, nói chuyện văn học Tây phương mà có hiểu Tây phương mấy đâu. Phần lớn chỉ làm dáng.” Sự thành thực và khiêm tốn của Nguyễn Xuân Hoàng bao giờ cũng làm tôi cảm động. Không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết những người cầm bút tôi quen biết đều quý mến anh.

Năm 2010, Nguyễn Xuân Hoàng được mời viết blog trên đài VOA. Trong một bài nói đến giới cầm bút ở hải ngoại, anh có nhắc đến tôi: “Chữ nghĩa đanh thép, lý luận sắc bén như Nguyễn Hưng Quốc không phải thời nào cũng có.” Tôi dùng lời nhận xét ấy in ở bìa sau cuốn Phản tỉnh và phản biện (2011). Sau, nói chuyện với anh trong một lần cà phê ở San Jose, tôi cám ơn anh về nhận xét ấy. Anh chỉ cười. Thật lành.

Tôi chỉ gặp Võ Đình một lần duy nhất ở Washington D.C. vào năm 1989. Sau buổi gặp đó, viết thư cho Võ Phiến, anh nhận xét về tôi: “Viết được như chàng này thật hiếm hiện nay. Sáng sủa mà thơ mộng, mạch lạc mà thiết tha, khúc chiết mà đằm thắm, cứng cáp mà hiền hoà. Sau buổi nói chuyện ở GMU – George Mason University, ‘họp mặt du đãng’ ở quán giang hồ của vợ chồng [Ngô Vương] Toại, tôi ngâm ‘thưởng’ chàng ta 4 bài thơ. Một trong 4 bài (tôi nói để nhớ bài ‘Sao có tiếng sóng ở Võ Phiến’) là ‘Tống biệt hành’ của Thâm Tâm.” Võ Phiến chuyển nhận xét ấy cho tôi xem. Trong bức thư gửi Võ Đình ngày 1.5.1989, Võ Phiến kể lại chuyện đó: “À, tôi có làm một chuyện lếu láo: Đọc cái thư anh khen Nguyễn Hưng Quốc, tôi có sao lại đoạn đó, gửi cho Quốc mà chưa kịp hỏi ý kiến anh. Tôi chắc anh đồng ý: Mình làm cho người khác ‘sướng’ được một phát, tại sao không? Vả lại ý kiến anh về N.H. Quốc giống ý tôi. Anh chàng trẻ tuổi mà điềm đạm, rất thông minh, chắc chắn sẽ nổi đình nổi đám.”

Tôi và Võ Đình bàn với nhau: Sẽ xuất bản những bức thư Võ Phiến gửi cho tôi và cho Võ Đình sau khi Võ Phiến qua đời. Tất cả các bức thư ấy đều đã được đánh máy và layout. Sẵn sàng. Tiếc, Võ Đình lại đi trước Võ Phiến. Khi Võ Phiến mất, vợ Võ Đình, chị Trần Thị Lai Hồng, giận Võ Phiến chuyện gì đó, không muốn in, nên, cuối cùng, khi xuất bản vào năm 2015, chỉ có phần thư Võ Phiến gửi tôi.

 

Nguyễn Hưng Quốc

(Trích từ cuốn Sống và Viết ở Hải Ngoại, Lotus Media xuất bản 2022, phát hành toàn cầu trên Amazon.com)

https://www.amazon.com/S%E1%BB%90ng-Vi%E1%BA%BEt-H%E1%BA%A2i-Ngo%E1%BA%A0i-Vietnamese/dp/108805076X/ref=sr_1_21?crid=DM8DMJQSNTKO&keywords=nguyen+hung+quoc&qid=1657615885&s=books&sprefix=nguyen+hung+quoc%2Caps%2C366&sr=1-21


[1] Tìm “bằng chứng” cho cái Phạm Xuân Nguyên gọi là “tác động” ấy, tôi bắt gặp những lời kể này của tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu trên facebook của ông ngày 7.1.2022: “Quãng thời gian đầu học cao học, tôi bị hoang mang cao độ đến mức đã có lúc muốn từ bỏ việc ở lại khoa để về phổ thông dạy. Nhưng lại nhờ đọc sách mà tôi tìm thấy lối thoát. Hồi đó, chị Hoà có cho tôi xem một cuốn sách photo rất mờ mịt – Văn hc Vit Nam t đim nhìn h(u h)in đi của Nguyễn Hưng Quốc. Những bài tiểu luận gây sốc ngay từ nhan đề như Văn học trong một nước mù chữ, Viết văn với cây búa… lần này không chỉ là cú hích. Nó là một cái gì đó rung chấn rất lớn đối với tôi. Thời đó, tìm đọc sách của Nguyễn Hưng Quốc ở Việt Nam là cả một cuộc săn tìm. Khi tôi quyết định nhận đề tài cao học làm về thơ đương đại, tôi hỏi thầy Chu Văn Sơn để mượn cuốn Thơ, v.v. và v.v. của Nguyễn Hưng Quốc. Cuốn sách này làm tôi ngơ ngẩn vì hoá ra cả trong nghiên cứu, phê bình, tiếng Việt cũng có thể đẹp một cách lạ lùng. Cái đẹp của một ngôn ngữ sắc, thẳng, logic và giàu tính khiêu khích. Tôi tìm được rất nhiều cảm hứng để thay đổi lối viết nhờ đọc Nguyễn Hưng Quốc. Tôi hiểu, giờ, không còn là lúc viết để phô diễn vài thứ tài hoa kiểu lãng mạn chủ nghĩa, viết là đẩy đến độ căng của tư duy.”

[2] http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4337&rb=0202

[3] http://thuykhue.free.fr/stt/m/NC-TranVu-2008.html

 

*

 

Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:


Xin click vào link sau:

https://issuu.com/dreamteam1005/stacks/fd347a6e1e9f428ebf88885eb4d6b2b

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...