Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

BẠN VĂN (2) - Nguyễn Hưng Quốc


Nguyễn Mộng Giác

 nhà văn Nguyễn Mộng Giác

Trong những người cầm bút nổi tiếng trước năm 1975, hai người đầu tiên tôi thân là Mai Thảo và Nguyễn Mộng Giác. Thân hầu như ngay tức khắc khi tôi gửi bài cho VănVăn Học. Nhận được bài, bao giờ anh Giác cũng viết thư khen ngợi. Tôi xem anh và Mai Thảo như những tri âm thứ nhất của mỗi bài mình viết. Tháng 3, 1989, tôi mới gặp Nguyễn Mộng Giác trong một cuộc hội nghị văn học ở Chicago. Gặp nhau, có cảm tưởng như đã thân thiết từ bao giờ. Chuyện trò miên man không dứt. Sau đó, anh Giác rủ tôi về California chơi. Tôi ở nhà anh mấy ngày. Lại chuyện trò. Đêm nào cũng chuyện trò đến khuya lơ khuya lắc. Năm sau, anh Giác sang Pháp. Anh ở nhà chị Thuỵ Khuê nhưng vẫn gặp tôi khá thường xuyên. Lại vẫn chuyện trò. Từ những buổi chuyện trò ấy, tôi nhận ra các cuộc đàm thoại của giới cầm bút ít nhiều tâm đắc với nhau có hai đặc điểm nổi bật: Một là, cuộc chuyện trò, dù là lần đầu tiên, cũng là một sự tiếp tục những cuộc chuyện trò dở dang đâu đó, từ trước. 

<!>

Không có những giây phút lúng túng gợi chuyện, hỏi han những chuyện tào lao trời ơi đất hỡi. Về vợ con. Về mưa nắng. Hai là, đề tài phổ biến nhất bao giờ cũng giống nhau: văn học. Không có gì khác. Không về tác giả thì cũng về tác phẩm. Không về vấn đề thì cũng về sự kiện. Không vui thì buồn. Nhưng chúng chỉ là một. Riêng với Nguyễn Mộng Giác, các cuộc chuyện trò về văn học bao giờ cũng để lại cho tôi thật nhiều ấn tượng tốt đẹp. Anh đã bắt đầu cầm bút trước năm 1975 nên biết khá nhiều chuyện về văn học miền Nam thời ấy. Sau năm 1975, ở lại Sài Gòn, anh có dịp tiếp xúc với một số người cầm bút mới từ Hà Nội vào nên cũng biết ít nhiều tình hình văn học miền Bắc. Ở Mỹ, anh cộng tác chặt chẽ với tờ Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến, rồi sau đó, làm chủ bút tờ Văn Học, nên biết rất nhiều về sinh hoạt văn học hải ngoại. Anh có trí nhớ tốt. Óc phân tích cũng tốt. Cách nói năng mạch lạc. Lại có chút dí dỏm và biết lắng nghe. Nên nói chuyện với anh rất thích.

Đóng góp của Nguyễn Mộng Giác vào nền văn học hải ngoại cực lớn. Anh là một trong những người viết truyện hay nhất ở hải ngoại. Không có ai viết trường thiên tiểu thuyết hay bằng anh. Cuốn nào cũng lực lưỡng. Với tư cách chủ bút tờ Văn Học, anh có công phát hiện và khuyến khích nhiều cây bút mới. Nhờ uy tín của anh, rất nhiều người được nổi tiếng.

Tính tình Nguyễn Mộng Giác ý nhị. Nhớ, lần từ Chicago về California, con gái anh Giác ra phi trường đón hai anh em. Trên đường về nhà, bất ngờ, anh bảo con gái chở đến thăm Võ Phiến. Vào nhà Võ Phiến, anh lấy cuốn sách Các nhà văn nói về văn (hai tập) xuất bản tại Hà Nội mà tôi tặng anh mấy ngày trước đưa cho Võ Phiến, nói là của tôi tặng ông. Võ Phiến có vẻ mừng. Riêng tôi, tôi cảm kích trước sự tế nhị của anh. Từ nhà Võ Phiến về, ăn tối xong, anh chở tôi đi thăm Mai Thảo, nói là để ra mắt “bậc trưởng thượng”. Sống ở Mỹ lâu nhưng anh Giác vẫn giữ gìn cái lễ truyền thống của Việt Nam.

Giữa năm 1989, tôi gửi cuốn Nghĩ về thơ cho Văn Nghệ xuất bản. Lúc ấy, ông Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ, ở chung nhà với anh Giác. Đọc bản thảo, thích quá, Nguyễn Mộng Giác tự động viết mấy dòng ở bìa sau cuốn sách:

“[…] Nguyễn Hưng Quốc là người có khiếu thẩm thức đặc biệt về thơ. Ông đọc nhiều, và đọc thơ ai, ông cũng nắm bắt được cái thần của thơ từng người. Ông cảm thơ với một tâm hồn thơ, nhạy bén nhận ra đâu là thơ đâu không là thơ. Sau đó, bằng kiến thức quảng bác, Nguyễn Hưng Quốc tìm hiểu, giải thích đến ngọn ngành ‘cái cảm được’ của mình. Vẫn bằng một thứ ngôn ngữ rất đỗi thơ. Cho nên Nghĩ về thơ không hẳn là một tập tiểu luận phê bình. Một tập thơ, đúng hơn!”

Viết xong, Nguyễn Mộng Giác đọc qua điện thoại cho tôi nghe. Tôi rất thích. Nhưng đề nghị anh đừng ghi tên tác giả. Coi đó như lời giới thiệu của nhà xuất bản. Lý do là trước đó mấy tháng, tôi đã đăng bài phê bình mấy cuốn Mùa biển động của anh trên Văn Học và dự định sẽ viết thêm khi bộ trường thiên tiểu thuyết ấy kết thúc. Tôi không muốn người ta xuyên tạc cho là áo thụng vái nhau, theo kiểu nói khá phổ biến trên báo chí lúc ấy. Anh đồng ý.

Trong bài nói chuyện với sinh viên trường Đại học Berkely, được đăng trên Talawas ngày 14.3.2006, anh nhắc đến tôi và tình hình phê bình văn học Việt Nam nói chung:

“Nói trắng ra là bộ môn phê bình ở miền Nam trước kia và hải ngoại bây giờ rất yếu. Có thể đếm trên đầu ngón tay những người phê bình có uy tín. Bây giờ điểm lại người có uy tín nhất hiện nay là Nguyễn Hưng Quốc, tiếp theo là Đặng Tiến, Bùi Vĩnh Phúc, Thuỵ Khuê, Trần Hữu Thục, Nguyễn Vy Khanh… và một vài người khác nữa.”[1]

Đọc nhận định ấy, tôi khá ngạc nhiên. Từ khoảng năm 1998 trở đi, tôi có cảm tưởng như Nguyễn Mộng Giác không đồng tình với những nỗ lực vận động đổi mới văn học của tôi trên Việt và trên Tiền Vệ. Sách tôi in ra, anh ít khi giới thiệu trên Văn Học. Chúng tôi ít liên lạc với nhau hẳn. Do đó, tôi không chờ đợi được anh khen. Nhưng có lẽ tôi lầm. Có thể anh vẫn âm thầm đọc tôi. Và theo dõi tin tức về tôi. Có lần, sang California, bận bịu quá, tôi không đến thăm anh, sau đó, tôi nghe nhiều người kể là anh trách móc. Chuyến đi California sau, hai anh Đỗ Quý Toàn và Phạm Phú Minh chở tôi và Hoàng Ngọc-Tuấn đến thăm anh, anh có vẻ mừng lắm. Mừng một cách hồn nhiên và trong trẻo. Suốt mấy tiếng đồng hồ, anh nói say sưa, kể hết chuyện này đến chuyện khác. Nhiều chuyện liên quan đến việc tôi bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam. Anh kể rất sôi nổi.[2]

Anh qua đời ở Nam California lúc tôi đang ở nhà anh Trương Vũ ở miền Đông Hoa Kỳ. Nghe tin, thấy thật buồn bã. Mấy anh em ngồi uống rượu và nói chuyện về anh. Về tính cách của anh. Về những thành tựu trong cuộc đời cầm bút của anh. Đến lúc mọi người đi ngủ, tôi vẫn ngồi một mình với chai rượu đỏ. Nhớ anh.

 

Nguyễn Hưng Quốc

(Trích từ cuốn Sống và Viết ở Hải Ngoại, Lotus Media xuất bản 2022, phát hành toàn cầu trên Amazon.com)

https://www.amazon.com/S%E1%BB%90ng-Vi%E1%BA%BEt-H%E1%BA%A2i-Ngo%E1%BA%A0i-Vietnamese/dp/108805076X/ref=sr_1_21?crid=DM8DMJQSNTKO&keywords=nguyen+hung+quoc&qid=1657615885&s=books&sprefix=nguyen+hung+quoc%2Caps%2C366&sr=1-21

 


[1] http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6667&rb=0102

[2] Nguyễn Mộng Giác kể, trong một lần về Việt Nam và bị mời lên “làm việc” với công an văn hoá, anh hỏi tại sao lại cấm tôi nhập cảnh, người công an ấy nói: Lý do không phải vì các tác phẩm của tôi mà là vì những ảnh hưởng của tôi đối với một số cây bút trẻ ở Việt Nam, người ta gọi đó là những “âm binh”. Đó là lời nói của người công an “làm việc” với Nguyễn Mộng Giác. Chả biết thực hư thế nào.

 

*

 

Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:


Xin click vào link sau:

https://issuu.com/dreamteam1005/stacks/fd347a6e1e9f428ebf88885eb4d6b2b

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét