Năm 1946, của cải lớn là một Xưởng dệt hàng tơ tằm ở chợ Long Mỹ, ba bán nguyên để hiến cho Tuần lễ Vàng. Và Đi. Con duy nhất, sáng láng và giỏi giang mới vừa có cháu đích tôn cho ông bà mà vội vào Vệ quốc đoàn sao? Bà nội tức tốc tới đơn vị, khóc lăn khóc lộn. Tổ chức đành phân ba làm việc khác, không trực tiếp súng đạn.
<!>
Bốn đứa con nữa lần lượt ra đời, thời Việt Minh ấy. Toàn con gái. Sau này tôi thường ngắt quãng ra để hình dung. Nửa đầu hôn nhân, má có chồng bên cạnh, được 8 năm (1938-1945). Sau đó, chữ Đi của ba có nghĩa là làm cán bộ thoát ly, ròng đến khi ông thành tù chính trị là 10 năm (1946-1956). Hai mảng thời gian có chồng ở bên và vắng chồng của má nói với tôi điều gì? Làm sao liệt kê hết được, bởi làm dâu, đẻ dày và chắc chắn nỗi niềm chất ngất. Và cái nỗi thời cuộc biến thiên như gió lốc, có khi má chưa kịp hiểu vì sao ba phải thoát ly và vì sao bị đày ra Côn Đảo thì… thì má đã thành góa phụ. Năm ấy má 41 tuổi.
Không thấy má có thời trẻ. Duy nhất bức ảnh ba má đứng phía sau ông bà nội, bên cạnh cô dượng Cả và cô Ràng. Má 17 tuổi, ba hơn má chỉ 1 tuổi, đôi trẻ vừa cưới, hạnh phúc đến mức như xa lạ, như không thật cái bức ảnh ấy. Tôi là con áp út và hay nghĩ khi bỗng thành con mồ côi thì đã 20 năm sau bức ảnh ấy. Má bạc tóc, Má rụng răng, Má âm thầm như một phiến đá. Duy cái phiến đá ấy có chân, xê dịch chí ngày chí đêm khi bến sông, khi chái bếp, khi giữa liếp, khi hậu vườn. Hai mươi bốn năm thôi, má từ cô gái chỉ biết nhảy cò bẹp và chơi banh đũa, đến một bà góa khăn rằn quanh năm, mồ hôi muối quanh năm và… thở dài cũng quanh năm.
Tháng 4 năm 1975, má cũng mới có 54 tuổi. Cháu ngoại một bầy, vừa kịp có cháu nội đích tôn, nhưng má không trẻ ra được chút nào như lý ra phải vậy. Một đàn con bảy đứa nguyên vẹn, chỉ có hai con gái đầu và út là góa như má. Ai cũng nói ba đã phù hộ cho con cái không tổn thất như bao gia đình cam chịu lá vàng khóc lá xanh. Khi các cháu ngoại đủ lớn, bỗng một lần đùa “Sao ngoại không thành Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngoại ơi?”. Chính ngoại cũng không biết nói sao vì nhà tam đại đồng đường, bàn thờ to, ngoài ông bà nội đã thành Cố, còn có ông ngoại và hai chàng rể đầu và út nữa. Các cháu nhìn bàn thờ la liệt ảnh, chúng đếm ảnh và cứ thế hồn nhiên hỏi. Má thở dài. Chính các cháu ngoại lại đùa tiếp cho trượt qua một tình huống không vui: “Chiến tranh chết con người ta chứ con ngoại có ai chết đâu mà đòi Mẹ anh hùng!”.
Nhưng không có gì trượt qua như nước chảy chân cầu. Lục bình còn nấn ná quợn lại ở bến sông, mỗi ngày. Má không rầy la các cháu ngoại nhưng sâu xa, má lại thấy không biết định danh gì cho tương xứng với hai đứa con gái góa và chính thân phận của má. Ba bà góa, ba phiến đá có chân, chia nhau khi bến sông, khi chái bếp, khi hậu vườn, có lúc tự dưng chụm vào nhau trong vũng tối, khóc than, cắt đặt công việc, như thể lún xuống chỗ ngồi vì họ không muốn đứng lên làm chi nữa. Những bữa cơm toàn đàn bà và trẻ nhỏ không gì nhàm chán hơn, những chiếc giường không ai đợi họ trên ấy, từ lâu, từ rất lâu rồi.
Con út trẻ, nó đi bước nữa, đẻ thêm những ba đứa con cho má ẳm bồng. Con gái đầu lòng luống tuổi, ba đứa con mồ côi, cũng từng lớn lên trong tay bà ngoại. Tuổi góa của má dài nhất, quá dài và đám cháu ấy làm má vui hay chính chúng khiến má thành anh hùng với ý nghĩa thực chất nhất, nhân văn nhất của từ này? Không ai biết cho, kể cả những người thân, không ai biết cho tận tường, trừ má. Một phiến đá không mòn nhưng xê dịch nặng nhọc, kỳ lạ là vẫn xê dịch. Bây giờ thì má ít phải làm cỏ cả ban đêm, không mấy khi tắm sông vào giác khuya, không hoàn toàn gánh vác khi giỗ chạp hay tết nhất nữa. Sự xê dịch của má là các nhà, khi những đứa con không góa rải dọc các đô thị lớn với sự thành đạt của chúng.
Má giống một bà mẹ còn hai cái cuống nhau chưa kịp cắt, đúng hơn là chính má không cắt bỏ mà chi. Ấy là cuống nhau với đứa con gái góa đầu lòng và đứa con út góa sớm (cho dù nó có ba đứa con với người chồng nông dân sau này). Bởi vì so với những đứa thoát ly theo kháng chiến đến sau 1975 – chúng thảy đều yên hàn, đứa nào dính với quan trường thì khá giả thấy rõ – phải, hai đứa góa cắm mặt vào đất ấy quá đắng cay. Má luôn nhắc nhớ hai đứa con đang sống chết với vườn nhà và luôn yêu cầu mọi thành viên của gia tộc phải có nghĩa cử cụ thể thì má mới bớt thở dài.
Cần gì một định danh ngoài mấy từ Vợ liệt sĩ. Má có anh hùng không, thậm chí riêng mình má biết, là đủ.
Dạ Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét