Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

MỘT CHUYẾN ĐI. - Dương Viết Điền

 

 Từ trái: Nhà văn Việt Hải, Nhà văn Tạ Xuân Thạc, tác giả, 

cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn và Khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh

 

Theo chương trình đã định, sáng thứ sáu ngày 05 tháng 09 năm 2008, chúng tôi gồm nhà văn bác sĩ Peter Morita, nhà văn Việt Hải và tôi lên đường để đi San Jose tham dự buổi ra mắt sách của Văn Đàn Đồng Tâm và của giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh ngõ hầu gây quỹ yểm trợ thương phế binh của Việt Nam Cộng Hòa.

Chúng tôi khởi hành lúc 9giờ sáng và đã đến San Jose lúc 3 giờ chiều. Vừa đến San Jose, chúng tôi liền vào nhà anh Nguyễn Cao Can ở lại vì anh Nguyễn Cao Can là trưởng ban tổ chức hai buổi ra mắt sách tại tỉnh nhà.

Vừa ra khỏi xe, một ngọn gió từ đâu thổi tới làm rát cả mặt. Thì ra ở San Jose, thời tiết ngày hôm nay cũng nóng nực chẳng khác gì ở dưới Los Angeles, nơi chúng tôi ở. 

<!>

Thấy chúng tôi vừa xuất hiện trước nhà, anh Nguyễn Cao Can liền ra đón tiếp và mời chúng tôi ra sau vườn ngồi nghỉ cho đỡ nóng. Mấy phút sau khi biết chúng tôi vừa mới đến, nhà văn bác sĩ Tạ Xuân Thạc và phu nhân là nhà văn Lê Kim Anh, chị Nguyễn Cao Can, và giáo sư Doãn Quốc Sỹ từ trong nhà bước ra sau vườn thăm hỏi chúng tôi.

Được biết giáo sư Doãn Quốc Sỹ và nhà văn Tạ Xuân Thạc cùng phu nhân đã từ Texas đi máy bay qua, cũng vừa được giáo sư Nguyễn Cao Can ra đón tại phi trường và chở về đây trước chúng tôi khoảng 2 giờ. Vì sợ chúng tôi đói bụng nên anh chị chủ nhà Nguyễn Cao Can đã mời ba anh em chúng tôi ăn ba tô cháo gà nóng thật ngon lành.

Như chương trình đã vạch sẵn, anh em trong Văn Đàn Đồng Tâm từ giáo sư cố vấn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn chủ nhiệm Tạ Xuân Thạc, nhà văn chủ bút Việt Hải, nhà văn tổng thư ký Vũ Tiến Thăng, trưởng ban tổ chức ra mắt sách nhà văn Nguyễn Cao Can, cùng tất cả các anh chị em hội viên của Văn Đàn Đồng Tâm cũng như trong ban tổ chức họp lại tại nhà anh Nguyễn Cao Can để hoạch định công tác cho hai buổi ra mắt sách ngày mai.

Vì ngày mai cũng sẽ có một buổi phỏng vấn năm bậc tiền bối trong làng văn cho chương trình “Từ Cánh Đồng Mây” của nhạc sĩ Phan Đình Minh nên Văn Đàn Đồng Tâm cũng đã mời các cụ đến tham dự buổi họp mặt này luôn. Vì vậy, trong buổi sơ ngộ tại “vườn dâu” của nhà anh Nguyễn Cao Can chiều thứ sáu ngày 05 tháng 09 năm 2008, tôi thấy có sự hiện diện của rất nhiều người trong giới tao nhân mặc khách sau đây:

Nhà thơ lão thành Hà Thượng Nhân, nhà văn giáo sư Doãn Quốc Sỹ, ký giả Thanh Thương Hoàng, nhà văn bác sĩ Tạ Xuân Thạc và phu nhân là nhà văn Lê Kim Anh, nhạc sĩ Phan Đình Minh và phu nhân là ca sĩ Ánh Chi, nhà văn Nguyễn Cao Can, nhà văn bác sĩ Peter Morita, nhà văn Việt Hải, nhà thơ Mạc Phương Đình, ký giả Lê Bình, nhà văn Vũ Tiến Thăng, nhà văn Diệu Tần Nguyễn Tinh Vệ, nhà văn Nguyễn Ngọc Linh v.v… Riêng giáo sư khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh, một trong những nhà văn cố vấn của Văn Đàn Đồng Tâm, vì phu nhân của giáo sư lâm bệnh nên không thể đến được. Ngoài những hội viên của Văn Đàn Đồng Tâm và những người trong ban tổ chức, tôi thấy có sự hiện diện của một số thân hữu như chị Tham, bạn của anh chị Phan Đình Minh, từ New York mới sang, anh Phương, cựu thiếu tá hoa tiêu, bạn của anh chị Phan Đình Minh. Sau buổi họp bỏ túi, anh chị Nguyễn Cao Can mời tất cả anh chị em dùng bữa cơm chiều ở ngoài trời dưới tàn cây dâu với những cành lá toả ra thật rộng phủ cả một khoảng đất lớn sau nhà. Bữa cơm thật vui tươi và đậm đà trong gió chiều đầy tình người và chan chứa những tình nghệ sĩ bởi hầu hết những người tham dự chiều nay là giới tao nhân mặc khách.

Tối nay chúng tôi ngủ lại tại nhà giáo sư Can để tiện việc cho buổi sáng mai cùng nhau tham dự buổi phỏng vấn năm vị trưởng lão về các chủ đề văn học, văn hoá và xã hội, được trực tiếp truyền thanh qua hai đài phát thanh Saigon Dallas và Saigon Houston về Texas và truyền hình tiếp vận qua đài Cali Today Daily Television của ký giả Nguyễn Xuân Nam tại San Jose.

Như chương trình đã vạch sẵn, đúng 8 giờ 30, chúng tôi gồm giáo sư Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Tạ Xuân Thạc, nhà văn Nguyễn Cao Can, nhà văn bác sĩ Peter Morita, nhà văn Việt Hải và tôi đã có mặt tại văn phòng của đài truyền thanh và truyền hình của ký giả Nguyễn Xuân Nam. Sau đó, như đã thông báo chiều qua, tôi thấy lần lượt 5 vị lão thành trong làng văn cũng bắt đầu đến: cựu thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, thi sĩ Hà Thượng Nhân, ký giả Thanh Thương Hoàng, nhà văn khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh và nhạc sĩ Phan Đình Minh cùng phu nhân. Khi tất cả năm vị lão thành đến đầy đủ, nhạc sĩ Phan Đình Minh, cựu thiếu tá hoa tiêu của Không lực Việt Nam Cộng Hòa, một xướng ngôn viên ăn nói thật tuyệt vời của chương trình “TỪ CÁNH ĐỒNG MÂY” trên đài phát thanh ở tiểu bang Texas mời tất cả vào phòng để bắt đầu chương trình phỏng vấn như đã hoạch định. Chúng tôi cũng vào ngồi bên cạnh 5 vị lão thành đó và yên lặng lắng tai nghe.

Để mở đầu buổi phỏng vấn, nhạc sĩ Phan Đình Minh đã nói tổng quát về chương trình của cuộc phỏng vấn. Sau đó giáo sư Nguyễn Cao Can, trưởng ban tổ chức, có đôi lời tổng quát về mục đích của cuộc phỏng vấn hôm nay của Văn Đàn Đồng Tâm rồi giới thiệu với thính giả nghe đài năm bậc tiền bối trong làng văn sẽ được phỏng vấn là cụ thi sĩ Hà Thượng Nhân, cựu thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh và nhà văn Thanh Thương Hoàng. Sau đó tôi thấy anh Phan Đình Minh bắt đầu phỏng vấn thi sĩ lão thành Hà Thượng Nhân trước tiên. Ở đây tôi chỉ xin ghi lại nội dung phỏng vấn thật tóm tắt của từng nhân vật mà thôi.

Nhìn cụ Hà Thượng Nhân, nhạc sĩ Phan Đình Minh nói rằng, trước tiên mời quý vị nghe cụ Hà Thượng Nhân có đôi lời tâm tình về sự họp mặt giữa cụ và những người thân, cùng tuổi tác, cùng ở trong làng văn với nhau, hiện đang có mặt trong phòng.

Cụ Hà Thượng Nhân liền tâm tình rằng 56 năm mới gặp lại được nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Thanh Thương Hoàng, nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, nhà văn Nguyễn Bá Cẩn nên rất vui mừng. Cụ bảo cụ từng nói với nhà văn Thanh Thương Hoàng rằng cụ sống thọ quá năm nay cũng đã 90 tuổi rồi, người Á đông thường thích sống dai, sống dai quá không biết có ích lợi gì không đây. Thế rồi cụ kể một giai thoại rằng lúc đang còn ở tại Hà nội, có lần về phòng thấy nhà văn Doãn Quốc Sỹ nằm trên giường cụ liền hỏi “anh là ai?”, nhà văn Doãn Quốc Sỹ trả lời “Tôi về đây để dạy học thay anh đó”.

Sau cụ thi sĩ lão thành Hà Thượng Nhân, anh Phan Đình Minh liền phỏng vấn nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Nhạc sĩ Phan Đình Minh nói với nhà văn Doãn Quốc Sỹ rằng, anh em thường nghĩ rằng nhà văn Doãn Quốc Sỹ là một người rất đôn hậu, có tâm hồn cao thượng, cuộc sống thật thanh thản. Anh Phan Đình Minh nhìn giáo sư Doãn Quốc Sỹ rồi nói tiếp rằng, nếu giáo sư làm nghề gì đi nữa thì thường người ta cũng quên, nhưng nếu giáo sư làm những gì liên quan đến chữ nghĩa thì người ta luôn luôn nhớ đến giáo sư. Thế rồi anh Phan Đình Minh hỏi nhà văn Doãn Quốc Sỹ lý do gì giáo sư lại chọn nghiệp văn chương. Giáo sư Doãn Quốc Sỹ trả lời rằng giáo sư thích văn chương từ lúc 16 tuổi, thời với nhóm Tự Lực Văn Đoàn xuất hiện. Lúc bấy giờ tại Hà Nội có tờ Hà Nội báo thường hay khuyến khích các nhà văn trẻ. Vì giáo sư lúc mới viết văn có gởi bài cho tờ báo này và đã được đăng ngay nên giáo sư tiếp tục viết văn vì được khuyến khích. Lúc bấy giờ giáo sư lấy bút hiệu là Tô Giang Khách và có viết truyện ngắn mang tựa đề là “Xe lửa”.

Khi di cư vào Nam, giáo sư đã mang bài này vào luôn và đã được đăng trên báo. Chính vì vậy giáo sư có cảm hứng nên theo sự ngiệp văn chương luôn. Sau đó anh Phan Đình Minh hỏi nhà văn Doãn Quốc Sỹ câu cuối cùng rằng, nếu nhà văn Doãn Quốc Sỹ chỉ còn sống một ngày nữa thôi thì nhà văn Doãn Quốc Sỹ sẽ làm gì. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ trả lời rằng, nếu chỉ còn sống một ngày nữa thôi nhà văn Doãn Quốc Sỹ sẽ sống một cuộc sống thanh đạm và làm lành suốt đời.

Tiếp theo đó anh Phan Đình Minh phỏng vấn cựu thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn. Trước khi phỏng vấn, anh Phan Đình Minh cho mọi người biết cựu thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn vừa trải qua một cơn bạo bệnh. Cụ Nguyễn Bá Cẩn nói rằng vì tuổi già sức yếu nên đã ảnh hưởng đến tim. Tuy nhiên nhờ bác sĩ chăm sóc chu đáo nên cũng đã tai qua nạn khỏi. Cụ Nguyễn Bá Cẩn nói rằng cụ rất hân hạnh được gặp một nhà thơ đáng kính là cụ thi sĩ Hà Thượng Nhân và một nhà văn nổi tiếng là giáo sư Doãn Quốc Sỹ chưa bao giờ được gặp. Cựu thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn cũng bày tỏ niềm hân hoan khi gặp lại nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân vinh và ký giả Thanh Thương Hoàng. Cụ Nguyễn Bá Cẩn vừa dứt thì anh Phan Đình Minh đọc cho cụ Nguyễn Bá Cẩn nghe hai câu thơ sau:

 

“Trời làm một trận lăng nhăng,

Ông hoá ra thằng thằng hoá ra ông”.

 

Sau đó anh Phan Đình Minh liền hỏi cụ Cẩn rằng, người ta đứng ra lãnh đạo việc nước vì trách nhiệm hay là vì cơ hội đến với mình.

Cựu thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn trả lời rằng cụ không thích nói về cái tôi của mình mà cụ chỉ trình bày rằng, khi đến tuổi thanh niên cũng giống như nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, nhà văn Thanh Thương Hoàng cùng một tuổi, trong lòng ai ai cũng rạo rực về đất nước. Vì vậy mà cụ cũng đã theo học khoá I Thủ đức và khoá I Quốc gia hành chánh.

Sau đó có người thì theo binh nghiệp, có người thì theo dân sự. Cụ Cẩn nói rằng vì thế bắt buộc nên phải đứng chung với thế giới tự do để chống cộng nên bị Việt cộng tuyên truyền là theo đế quốc. Sau đó Ông Ngô Đình Diệm thành lập chế độ Cộng hòa mang lại ánh sáng cho toàn dân nên cụ cũng hòa mình vào với chế độ. Rồi cụ Cẩn nói rằng vì trách nhiệm nên phải dấn thân hơn là vì cơ hội. Và cũng gống như giáo sư Doãn Quốc Sỹ được hỏi, cụ Cẩn được anh Phan Đình Minh hỏi rằng nếu chỉ còn một ngày để sống, cụ sẽ làm gì. Cụ Nguyễn Bá Cẩn trả lời rằng mình đã hết trách nhiệm chưa, chưa hết. Tất cả mọi người đều chưa hoàn thành trách nhiệm vì dân chúng đang còn quằn quại dưới chế độ độc tài của cộng sản. Cuối cùng cựu thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn kết luận rằng nếu còn sống một ngày nữa cụ cũng vẫn tranh đấu đến cùng vì trách nhiệm vẫn chưa hoàn thành.

Đến lượt phỏng vấn nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, nhạc sĩ Phan Đình Minh sau vài ba câu chuyển tiếp, đã đọc hai câu thơ cho nhà toán học Nguyễn Xuân Vinh nghe:

 

Chân thật mới bước hiên ngang

Không gian mới thấy không gian tuyệt vời.

 

Thế rồi anh Phan Đình Minh hỏi nhà văn Toàn Phong rằng, giáo sư có thấy không gian tuyệt vời không. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh trả lời rằng đối với giáo sư, không gian luôn luôn tuyệt vời. Bằng chứng là vì thích không gian nên giáo sư đã tình nguyện theo học khóa không quân đầu tiên và sau năm1975, giáo sư vẫn sát cánh với không quân tại quê người đất khách. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh cũng bày tỏ niềm hân hoan khi được gặp bốn nhà văn lão thành cùng hiện diện trong phòng.

Tiếp theo, anh Phan Đình Minh hỏi giáo sư Nguyễn Xuân Vinh có kỷ niệm nào giáo sư nhớ mãi trong đời không, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh kể rằng, ngày mai Văn Đàn Đồng Tâm sẽ ra mắt hai tác phẩm “Từ Chiến Sĩ Đến Khoa Học Gia” và “Tìm Nhau Từ Thuở”. Trong hai tác phẩm này có nhiều kỷ niệm của giáo sư. Thế rồi giáo sư nhắc đến một người bạn là bác sĩ Peter Morita quen biết qua giao cảm và khi nghe bác sĩ Morita kể chuyện, nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh mới biết bác sĩ Peter Morita trong người mang hai dòng máu anh hùng. Vì vậy khi nói đến Nhật Bản, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh kể cho anh Phan Đình Minh nghe một kỷ niệm ở bên Nhật theo đó, có lần giáo sư Nguyễn Xuân Vinh được Bộ quốc phòng Nhật Bản mời qua thuyết trình. Khi vừa đến Nhật, giáo sư đã thấy 3 tuỳ viên Hải, Lục, Không quân xuất hiện để thay nhau bảo vệ giáo sư ngay. Những tùy viên này đã được huấn luyện thật tuyệt vời khiến cho giáo sư cảm thấy thật sung sướng và thoải mái. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh kể rằng có lẽ người ta biết mình, quý mình nên có một tuỳ viên đã hỏi giáo sư rằng giáo sư có muốn đến các hiệu sách hay không. Đó là kỷ niệm nhớ đời của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh. Riêng câu hỏi nếu chỉ còn sống một ngày nữa sẽ làm gì, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh trả lời rằng giáo sư sẽ tiếp tục theo đuổi những gì giáo sư đã làm từ trước đến nay.

Nhân vật cuối cùng được phỏng vấn là ký giả, nhà văn Thanh Thương Hoàng. Trước khi phỏng vấn, nhạc sĩ Phan Đình Minh đọc hai câu thơ cho nhà văn Thanh Thương Hoàng nghe:

 

Lấy chồng chẳng biết mặt chồng

Đêm nằm mơ tưởng đến ông láng giềng.

 

Rồi anh Phan Đình Minh nói rằng, người ta thường nói trâu chậm uống nước đục vì nhà văn Thanh Thương Hoàng đến Mỹ quá trễ. Nhưng anh Phan Đình Minh nói rằng thực ra ở Mỹ không có nơi nào nước đục cả, chỉ buồn cho nhà văn Thanh Thương Hoàng vì sức khoẻ đã yếu, lực bất tòng tâm rồi.

Sau đó anh Phan Đình Minh hỏi nhà văn Thanh Thương Hoàng rằng nhà văn đến Mỹ cách đây 10 năm có gì vui không và tại sao người ta thường gọi ông Thanh Thương Hoàng là ký giả chứ không gọi là nhà văn. Nhà văn Thanh Thương Hoàng nói rằng hôm nay ông ta rất vui khi thấy có phái đoàn truyền thông từ Dallas qua đây. Để trả lời vụ qua Mỹ quá trễ nhà văn Thanh Thương Hoàng nói rằng mặc dầu ra khỏi tù năm 1985, sau mấy lần phỏng vấn cũng không được đi, nhà văn Thanh Thương Hoàng gởi thư nhờ Ông Funsett và bà Khúc Minh Thơ làm sao giúp ông cho ông được sang Mỹ theo diện HO. Và khi đến được Mỹ vào năm 1999 ông rất vui mừng.

 

 


Để trả lời câu hỏi tại sao người ta hay gọi ông ta là ký giả hơn là nhà văn, nhà văn Thanh Thương Hoàng trả lời rằng ông ta viết văn từ năm 1953. Sở dĩ ông ta thích làm báo vì ông muốn có thật nhiều tài liệu để viết văn và cũng vì nhờ sự đưa đẩy của lịch sử mà ông trở thành ký giả.

Sau buổi phỏng vấn trực tiếp truyền thanh một tiếng đồng hồ, ký giả Nguyễn Xuân Nam và nhạc sĩ Phan Đình Minh mời 5 vị lão thành ra sân sau ngồi để phỏng vấn trực tiếp truyền hình. 

Có lẽ đây là một việc bất ngờ nên năm vị lão thành hơi ngạc nhiên vì cứ nghĩ rằng phỏng vấn truyền thanh xong là về. Tuy nhiên vì đã lỡ đến đây rồi nên năm vị lão thành cũng cố gắng nán lại để chờ phỏng vấn cho xong.

Sau buổi phỏng vấn, trưởng ban tổ chức là giáo sư Nguyễn Cao Can mời tất cả anh em đi bộ đến tiệm cơm gần đấy để dùng cơm trưa. Trong bữa cơm trưa, tình cờ tôi lại ngồi bên trái cựu thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn nên nghe cụ Nguyễn Bá Cẩn kể nhiều chuyện cũng vui vui. Đặc biệt là câu chuyện về các bác sĩ giải phẩu tim cho cụ bằng cách điều khiển robot để chữa thật tuyệt vời.

Sau khi dùng cơm trưa xong, chúng tôi liền qua tiệm ăn Hanoi’s Corners để chuẩn bị cho buổi ra mắt Tuyển Tập Đồng Tâm quyển thứ 7 của Văn Đàn Đồng Tâm. Trong số quan khách tham dự, tôi thấy có sự hiện diện của nhà văn Toàn Phong Ngyễn Xuân Vinh, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Tạ Xuân Thạc và phu nhân là nhà văn Lê Kim Anh, nhà văn bác sĩ Peter Morita, nhà văn Việt Hải, nhà văn Chinh Nguyên, nhà thơ Mạc Phương Đình, nhà văn Nguyễn Ngọc Linh, nhà văn Diệu Tần, nhà văn Nguyễn Phước Đáng, nhà văn bác sĩ Phạm Nguyên Lương, nhà thơ Bích Ty, ký giả Duy Văn, nhà thơ Võ Thanh Văn, phóng viên Trương Xuân Mẫn vv… Nhờ các anh chị em trong ban tổ chức như giáo sư Nguyễn Cao Can, nhà văn Diệu Tần Nguyễn Tinh Vệ, nhà báo Lê Bình, nhà thơ Mạc Phương Đình, nhà văn Nguyễn Ngọc Linh, nhà thơ Võ Thành Văn, nhà thơ Chinh Nguyên, cô Đoan Trang, cô Bạch Hạc vv… hăng say hoạt động nên chương trình buổi ra mắt sách thật êm đẹp, vui vẻ và thành công tốt đẹp. Các em-xi như ông Hoàng Ngọc Văn, nhạc sĩ Phan Đình Minh, nhà thơ Võ Thành Văn, nhà thơ Bích Ty, nhà thơ Bạch Hạc, cô Đoan Trang vv… thay phiên nhau giới thiệu các diễn giả lên trình bày quan điểm của mình về Tuyển Tập Văn Đàn Đồng Tâm quyển thứ 7 cũng như giới thiệu các ca sĩ trong chương trình văn nghệ thật vui nhộn, sôi nổi  và hào hứng. Các diễn giả thay phiên nhau lên trình bày quan điểm của mình về Văn Đàn Đồng Tâm gồm có giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh với đề tài “Cái tâm trong Văn Đàn Đồng Tâm”, giáo sư Doãn Quốc Sỹ với đề tài “Từ Sáng Tạo đến Đồng Tâm”, nhà văn Tạ Xuân Thạc nói về “Chủ trương và hoạt động của Văn Đàn Đồng Tâm”, nhà văn Nguyễn Phước Đáng cũng có những nhận xét thật sâu sắc và rất đầy đủ về Tuyển Tập Đồng Tâm 7. Trong buổi ra mắt sách này, tôi thấy nhiều ký giả, phóng viên của một số tạp chí, tuần báo, nguyệt san ở tỉnh nhà như Cali Today, TV Dân sinh, TV Việt, Việt Nam Tự do, Nàng Magazine, Việt Tribune. Cuối cùng, ký giả Lê Bình thay mặt ban tổ chức lên cám ơn quý vị quan khách đã bỏ chút thời giờ quý báu đến tham dự buổi ra mắt sách để gây quỹ yểm trợ thương phế binh củaViệt Nam Cộng Hòa.

Sau đó ban tổ chức mời quan khách dùng bữa ăn nhẹ ngay trong tiệm Hanoi’s Corners này luôn. Thế rồi chúng tôi chia tay nhau ra về lúc ánh nắng chiều còn trải dài trên xứ Thung Lũng Hoa Vàng đầy ắp tình nghệ sĩ và chan chứa tình người.

Theo chương trình đã ấn định, sau buổi phỏng vấn năm bậc lão thành trong làng văn học vào sáng thứ bảy, ra mắt Tuyển Tập Đồng Tâm 7 buổi chiều, thì ngày chủ nhật kế tiếp sẽ ra mắt hai tác phẩm “Từ Chiến Sĩ Đến Khoa Học Gia” và “Tìm Nhau Từ Thưở” của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh lúc 2giờ chiều. Vì 2 giờ chiều mới bắt đầu nên buổi sáng, nhà văn Nguyễn Ngọc Linh đã hướng dẫn chúng tôi đến công viên Nhật Bản để ngắm cảnh. Nếu so sánh với nhiều danh lam thắng cảnh ở nơi khác thì tại nơi đây, nhiều cảnh cũng đẹp tuyệt trần, như chiếc cầu gỗ nho nhỏ xinh xinh bắc qua một hồ nước phẳng lặng như tờ. Dưới hồ, hằng trăm con cá đủ màu sắc bơi qua lượn lại trông thật quyến rũ và đẹp mắt. Xa xa, mấy con vịt trắng ngần đang bơi lội và đùa giỡn nhau dưới hồ trong nắng mai làm tung toé nước trên mặt hồ rất đẹp và thật nên thơ. Mặc dầu công viên không vĩ đại lắm, nhưng diện tích cũng khá rộng rãi, vì thế có nhiều đoạn đường dốc cũng hơi cao. Bác sĩ Peter Morita, nhà văn Nguyễn Ngọc Linh và tôi đi lên dốc không khó khăn lắm. Chỉ tội nghiệp cho nhà văn Việt Hải, bị strock 2 lần suýt chết vì đã cố gắng vừa làm vừa học quyết chí lấy cho xong mảnh bằng master nhưng rồi “nửa chừng xuân thoắt, gãy cành thiên hương” nên bây giờ đi phải chống gậy. Vậy mà chàng ta ham vui nên thừa thắng xông lên cũng quyết chí chống gậy đi theo. Cuối cùng rồi anh ta cũng leo lên được dốc vì như mây gặp được rồng, cá gặp được nước nên tha hồ tung hoành cho thoả thích vì quanh năm suốt tháng, anh ta chỉ đơn thương độc mã ngồi trước computer để viết lách chỉ bằng hai ngón tay của bàn tay phải, tốc độ viết (gõ) chậm hơn rùa. Vậy mà anh ta cũng đã viết được khoảng mấy trăm bài thật khủng khiếp! Thấy cảnh đẹp nên thơ, thấy nắng vàng xuyên qua các lùm cây kẻ lá, thấy cá lội tung tăng dưới mặt hồ thật đẹp mắt, chúng tôi liền chụp vài bức hình để làm kỷ niệm cho một chuyến đi. Đặc biệt chuyến đi này là chuyến đi lên xứ thung lũng hoa vàng có nắng chiều tuyệt đẹp chan chứa tình nghệ sĩ và chứa chan tình người nhưng nghe đâu, thung lũng hoa vàng đang dậy sóng!

Còn khoảng một giờ nữa là đến giờ ra mắt sách, chúng tôi liền từ giã công viên Nhật Bản để lên xe về hội trường học khu Eastside Union High School District, nơi tổ chức ra mắt sách kỷ niệm về nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh với hai tác phẩm “Từ Chiến Sĩ Đến Khoa Học Gia” và “Tìm Nhau Từ Thuở”.

Khi chúng tôi đến thì hội trường còn trống vắng, chỉ thấy một vài người thấp thoáng ở bên ngoài. Sau đó người ta đến mỗi lúc một đông.

Như thủ tục thường lệ, giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh ngồi ký sách tặng cho mọi người đến tham dự. Trong số những người đến tham dự chương trình ra mắt sách ta thấy có nhà thơ lão thành Hà Thượng Nhân, nhà văn Diệu Tần, ký giả Thanh Thương Hoàng, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn bác sĩ Tạ Xuân Thạc và phu nhân, văn bút Việt nam Tây Bắc Hoa kỳ, nhà thơ Mạc Phương Đình, nhà văn Chinh Nguyên, nhà thơ Võ Thanh Văn, ký giả Duy Văn, ký giả Lê Bình, nhạc sĩ Lê Quốc Tuấn, các cụ trong Hội Người Việt Cao Niên. Ngoài ra tôi còn thấy có sự hiện diện của các cơ quan truyền thông báo chí như Cali Today, TV Dân sinh, TV Việt, Việt Nam Tự Do, Nàng Magazine, Việt Tribune, Đời Mới v.v… Đúng 2 giờ chiều ngày 07 tháng 09 năm 2008, chương trình ra mắt sách bắt đầu. Sau buổi chào cờ và phút mặc niệm những anh hùng đã vị quốc vong thân, trưởng ban tổ chức giáo sư Nguyễn Cao Can lên giới thiệu chương trình buổi ra mắt sách kỷ niệm về nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh với hai tác phẩm “Từ Chiến Sĩ Đến Khoa Học Gia” và “Tìm Nhau Từ Thuở”. Giáo sư Nguyễn Cao Can nói rằng nhà văn Nguyễn Xuân Vinh là bậc thầy của những bậc thầy và là tấm gương sáng cho giới trẻ ngày hôm nay. Sau đó em-xi nhạc sĩ Phan Đình Minh giới thiệu ký giả, nhà văn Thanh Thương Hoàng lên bày tỏ đôi lời về nhà văn Nguyễn Xuân Vinh.

Ký giả Thanh Thương Hoàng nói rằng chỉ cần nhắc đến tên Nguyễn Xuân Vinh người ta đều biết ông ấy là ai ngay vì Nguyễn Xuân Vinh lẫy lừng từ hơn nửa thế kỷ nay rồi. Cho nên dù có tán tụng, ca ngợi ông ta bao nhiêu đi nữa cũng vậy thôi.

Tiếp theo ký giả Thanh Thương Hoàng là bác sĩ Nguyễn Thường Vụ, một người bạn thân của giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh lên trình bày quan điểm của mình.

Bác sĩ Nguyễn Thường Vụ cho rằng tác phẩm của nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh  đã nêu lên hai luận án đặc biệt, luận án thứ nhất là nêu cao tinh thần yêu nước, đáp lời sông núi để dấn thân chống lại Cộng sản. Luận án thứ hai là sự chung thuỷ của người đàn bà Việt Nam mà sự thể hiện rõ nét nhất là “con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non” khi chồng còn ở trong các trại tù cải tạo. Bác sĩ Nguyễn Thường Vụ nhấn mạnh rằng, hình ảnh người đàn bà ôm con tựa cửa đợi chồng đã in sâu vào trong tâm khảm của mọi người không bao giờ quên được. Đó là những gì mà giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã đề cập và cổ xuý trong tác phẩm của ông ta. 

Tiếp theo là nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ nói rằng nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh là bạn thân của ông lúc cùng dạy học tại trường Chu Văn An. Mặc dầu dạy môn toán nhưng nhà văn Toàn Phong lại thích văn chương. Giáo sư Doãn Quốc Sỹ nhấn mạnh rằng, tác phẩm “Tìm Nhau Từ Thuở” của nhà văn Nguyễn Xuân Vinh đã dẫn dắt ta vào vườn hồng của tình ái.

Sau đó, nhà văn bác sĩ Tạ Xuân Thạc, chủ nhiệm của Văn Đàn Đồng Tâm  lên trình bày chủ trương và hoạt động của Văn Đàn Đồng Tâm. Xen lẫn giữa những diễn giả lên bày tỏ cảm nghĩ của mình đối với nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh là chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn nhưng rất tuyệt vời qua tiếng hát của các ca sĩ Ánh Chi, Thu Nga, Phương Trang và ngâm thơ của nữ nghệ sĩ Bích Ty.

Tiếp theo là buổi tặng quà lưu niệm của Văn Đàn Đồng Tâm và Hội Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh cho giáo sư, nhà văn, khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh.

Sau đó, giáo sư Toàn Phong Nguyễn xuân Vinh tặng hoa cho các tác giả đã có mặt trong tác phẩm “Từ Chiến Sĩ Đến Khoa Học Gia”. Cuối cùng tất cả đứng chụp chung một tấm hình lưu niệm.

Lúc vào hội trường để tham dự buổi ra mắt sách, ai cũng thấy mấy chục con heo đất được sắp xếp nằm thứ tự trên sân khấu. Người ta không hiểu sự hiện diện của mấy chục con heo đất này có ý nghĩa gì. Trước khi chấm dứt chương trình ra mắt sách, bác sĩ Phạm Đức Vượng và giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh mới bắt đầu giải thích cho mọi người

người biết và bắt đầu phát động gây quỹ yểm trợ thương phế binh của Việt Nam Cộng Hòa. Giáo sư nói rằng nếu mỗi người trong chúng ta mua một con heo đất nầy mang về nhà và hằng ngày, mỗi thành viên trong gia đình bỏ tiền vào rồi chờ đến ngày 19 tháng 06 mang con heo đất nầy đến đây, thì chúng ta sẽ quyên được tương đối nhiều tiền hơn cho thương phế binh của Việt Nam Cộng Hòa ở quê nhà. Sau khi nghe giải thích tại sao có mấy chục con heo đất được sắp sẵn trên sân khấu, những người tham dự ra mắt sách đã giành nhau mua mấy chục con heo đất ngay. Và chỉ vài phút sau anh chị em đã mua hết mấy con heo đất, không còn một con. Được biết đây là sáng kiến của bác sĩ Phạm Đức Vượng và nhà văn Toàn Phong Nguyễn XuânVinh thuộc Tập Thể Chiến Sĩ Bắc Cali. Đúng là một sáng kiến đầy ý nghĩa và thật tuyệt vời!

Cuối cùng, giáo sư Nguyễn Cao Can, trưởng ban tổ chức, đã mời ông chủ tịch hội thương phế binh ở Bắc Cali lên rồi trao tất cả số tiền thu được trong hai ngày ra mắt sách cho ông ta để nhờ ông ta gởi về giúp thương phế binh của Việt Nam Cộng Hòa.

Cũng giống như trong buổi ra mắt Tuyển Tập Đồng Tâm 7 tại Hanoi’s Corners, tất cả quan khách tham dự được mời dùng bữa ăn nhẹ trước khi ra về.

Sau đó, chúng tôi đến nhà hàng Dynasty để dùng cơm tối với nhà văn bác sĩ chủ nhiệm Văn Đàn Đồng Tâm Tạ Xuân Thạc và phu nhân là nhà văn Lê Kim Anh, giáo sư Nguyễn Cao Can, giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, giáo sư Doãn Quốc Sỹ và nhà thơ lão thành Hà Thượng Nhân, bác sĩ Phạm Nguyên Lương và phu nhân là nhà thơ Bích Ty v.v… cùng một số anh chị em trong ban tổ chức.

Sau bữa cơm tối, chúng tôi về lại tư gia của nhà văn Nguyễn Ngọc Linh để ngủ lại, chuẩn bị sáng mai lên đường trở về Los Angeles sau 3 ngày thăm viếng Thung Lũng Hoa Vàng.

Như đã hội ý chiều hôm qua với bác sĩ Peter Morita cùng nhà văn Việt Hải, sáng nay chúng tôi dậy thật sớm để chuẩn bị hành lý trở về Los Angeles. Sau khi từ giã gia chủ nhà văn Nguyễn Ngọc Linh, đúng 5 giờ 30 sáng lúc trời còn mù sương, chúng tôi tất cả lên xe trở lại nhà. Dọc đường, chúng tôi thay phiên nhau kể chuyện vui, rồi hát cho nhau nghe những bản tình ca thật lãng mạn chan chứa những hương tình để giải khuây vì “đường về quê” xa lắc xa lơ, phải mất gần 6 tiếng đồng hồ mới đến nhà. Nếu trước đây một nhà văn Pháp nào đó đã nói rằng đi là chết trong lòng một ít (Partir, c’est mourir un peu) thì ngày hôm nay, tâm hồn chúng tôi lại trái ngược với ông ta vì trong chuyến đi này, chúng tôi đã được ngồi bên những bậc lão thành với tuổi tác gần đất xa trời để nghe các cụ kể chuyện văn học, được gặp lại những người bạn nghệ sĩ thân thương ở xứ Thung Lũng Hoa Vàng toả ánh nắng chiều thật đẹp mắt, được nhìn những rừng nho, rừng cam, cùng núi đồi trùng trùng điệp điệp dọc hai bên xa lộ chạy dài đến nơi xa tít tận chân trời. 

Bỗng đâu, giọng một ca sĩ nào đó cất lên tiếng hát bài “Trở về mái nhà xưa” (Torna A Surriento) của nhạc sĩ Ernesto De Cutis người Ý vang lên trong radio ở trong xe như thúc dục chúng tôi lái xe nhanh lên để sớm trở lại nhà:

Vide 'o mare quant'è bello.
Spira tantu sentimento,
Comme tu a chi tiene mente,
Ca scetato 'o faie sunnà.

 Về đây khi mái tóc còn xanh xanh.
Về đây với mầu gió ngày lang thang
Về đây xác hiu hắt lạnh lùng.
Ôi lãng du quay về điêu tàn
 

                                                   

California, ngày 14 tháng 09 năm 2008.

Dương Viết Điền.  

K1/ĐH/CTCT/ĐL

(Tác giả gởi) 

 

Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:


Xin click vào link sau:

https://issuu.com/dreamteam1005/stacks/fd347a6e1e9f428ebf88885eb4d6b2b

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...