tranh nguyễn sơn
“Là mộng mơ thôi, nhưng tình nhân trong giấc ngủ vẫn tràn lạc thú của nhục dục, bọn nam xuất tinh, bọn nữ âm binh quyền rũ kia hoài thai. Mỗi con ma trong mộng mang một bầu sinh linh từ một người đàn ông có thực”.
I
Chùa Hải Tiên nằm trên một thửa đất cao, lưng chừng đồi. Từ cao nhìn xuống vực thấp, con tàu xuyên Việt mỗi chuyến đi về hú còi chạy phía dưới vườn chùa như chạy qua một đường hầm. Từ sân chùa nhìn ra xa bên dưới là một khu ngoại ô nhà nhà mái thấp trong mỗi vườn cây xanh ngát, trông như một khu rừng.
<!>
Chủ chùa là một nữ tu, danh vị bá tánh thường gọi là Đạo Nữ. Ngoài năm mươi tuổi nàng vẫn còn nhan sắc, một vẻ đẹp bí ẩn, giọng nói ấm áp. Đặc biệt Đạo nữ có một đôi mắt khá quyến rũ, một bày lộ của u uẩn, đôi khi sáng hoắc uy quyền, ma mị.
Tuổi hai mươi, tôi theo học trường Văn khoa, một thời gian dài tôi ở trong chùa này. Đấy là những tháng ngày mở đường cho tôi bước vào cái thế giới khác thường, một thử nghiệm, “Một cộng với một không chắc là hai”. Nghi vấn luôn bày ra giữa cái luôn được gọi là Sự thật.
Tôi dạy cho cô con gái của Đạo Nữ, không biết xưa kia nàng có con rồi mới đi tu, hay là vừa tu vừa có con. Nghề dạy kèm này gọi là gia sư, được trả một ít tiền, và ăn cơm chay trong chùa, thay trả tiền cơm tháng. Cô gái học trò của tôi đã mười sáu tuổi, rất xinh đẹp, nhưng học khá dốt nên phải cần người dạy kèm. Trời lấy đi cái này bù cho cái nọ, em tính tình hiền hòa, ăn nói nhẹ nhàng, có một giọng hát rất tuyệt, về sau em là một ca sĩ phòng trà, không nổi tiếng lắm, nhưng tình ái thì nhiều, đủ gây phiền muộn cho một đời giai nhân.
Ở dài lâu trong chùa, tôi biết Phật hiền hòa và bọn ma quỷ cũng khá lém lỉnh. Phật một vị trên tòa tháp, vẫn nụ cười muôn thuở ấy, nhưng ma quỷ thì nghìn phần xanh lục, linh động biến hóa khôn lường.
Cái nghi ngút làm biến đổi Hải Tiên, vì chùa này thực ra là một bệnh viện, chuyên chữa trị các con bệnh tâm thần.
Cách trị bệnh điên của Đạo Nữ khá lạ lùng. Mỗi ngày các bệnh nhân phải đến hầu Đạo Nữ. Đạo Nữ ngồi gọn trên một cái bàn cao, áo cà sa, đầu đội khăn vải. Lúc tụng nam mô kinh Phật, lời kinh có pha chế thêm những lời bùa chú là sáng tác của riêng cô.
Đạo phòng rộng thênh. Bàn thờ to lớn ở chính điện. Sáu bàn thờ nhỏ hơn nằm dọc theo hai bên tả hữu. Luôn nghi ngút hương khói, đèn màu, nhiều hoa quả, bánh trái. Nơi chính điện ngoài tượng Thích Ca, chư Phật, có tranh, tượng các thánh, thần, đạo sĩ, cả Lão Tử, Bồ-đề Đạt-ma. Những hàng giá gỗ rực màu đỏ thiếp vàng là những đao kiếm, phương trượng. Từ cao lưng chừng dọc theo cột nhà, những phướn vải lụa vàng hàng chữ nho, buông rũ. Toàn cảnh, một đa nguyên tín ngưỡng, tạp lục.
Nơi hậu điện, một bức truyền thần to lớn chân dung một phụ nữ. Đạo Nữ bảo đó là Nữ Thánh Cứu rỗi. Nhờ tánh linh thần thông của “Nàng thánh”, Đạo Nữ chữa lành bá bệnh. Thoạt nhìn, nhân diện của Nàng Thánh Cứu rỗi chính là chân dung Đạo Nữ. Mái tóc, vừng trán, mặt mũi sao y. Chỉ ma mỵ hơn, qua bút vẽ tô điểm. Đầu vương miện, rườm rà hoa văn màu sắc. Da trắng ngà, tóc đen, lông mày liễu, khuôn mặt thanh tú mang hơi hám tà ma, trán cao môi mỏng, đôi mắt sắc dài, trong lòng mắt như có bùa mê phát sáng.
Một bàn thờ to rộng, trước chân dung Nàng Thánh luôn đầy hoa trái tươi màu. Lại bày thêm cho Thánh những hộp lọ mỹ phẩm, đồ trang sức, nước hoa loại hảo hạng. Đạo Nữ giải thích, “Có lúc khuya khoắc Nàng Thánh về trang điểm”.
Lạ lùng, một hàng dài hai bên bức truyền thần có mười tám bức tượng hình những búp bê dị dạng nhiều màu sắc. Đạo Nữ giảng giải:
“Bọn này không phải thập bát La hán mà là thập bát Hài nhi. Là con cái từ Cõi âm hiện hình, một hình thức cô hồn hạng nhẹ, có thể một mai hóa ra thánh thần. Nhưng khi chưa hiển thánh hóa thần chúng còn dạng quỷ nên quấy phá dữ lắm.”
Đạo Nữ thay mặt Nữ Thánh Cứu rỗi để trị bệnh, ban ân cho thế gian. Được vậy, là qua cái cách hiển linh khi Nữ Thánh nhập hồn vào xác Đạo Nữ.
Thường mỗi ngày Đạo Nữ được nhập hồn một vài lần. Mỗi lần lên đồng như thế gọi là “ngự”, dù cái từ “ngự” chỉ được dùng riêng cho nhà vua trước đây. Bến nước vua từng đến là Bến Ngự. Món ăn được dâng cho vua nếm qua là món Ngự, chuối Ngự, khoai Ngự. Dân chúng bị oan ức, chờ lúc vua thân chinh ra ngoài, cả thảy quỳ bên lề đường kêu oan, gọi là “Quỳ giá Ngự”.
Mỗi lần Đạo Nữ ngự, mọi con bệnh cùng thân nhân răm rắp chắp tay cúi đầu hướng về. Đạo Nữ đi từ chính điện tụng vái ra hậu điện, ra vườn đi quanh quất, tay chân vung vẩy múa may, tất cả con bệnh cùng tín hữu đều phải đàn lũ theo sau.
Đạo hữu theo cầu Đạo Nữ thường là một lũ bệnh điên. Đa phần là con nhà giàu có, việc đóng góp tiền của cho nhà chùa là rất hậu hĩnh. Tiểu sử của Đạo Nữ khá nhiều bí ẩn, cách tu hành lạ lùng, phong thái kẻ tu hành nửa ma nửa Phật, tỉnh tỉnh mơ mơ, cũng là đặc điểm quyến rũ bá tánh hiếu kỳ. Cái khuôn phép, cái khuôn vàng thước ngọc lắm khi làm con người chán nản, muốn phá bỏ, vượt ngoài. Là tìm tới cái lạ, chỗ ma ám quỷ hiện hình.
Một đôi lần Đạo Nữ bị nạn. Con bệnh điên trở chứng thường tấn công bất ngờ. Cả việc dùng dây thừng tròng qua siết cổ. Đạo Nữ chế ngự đám đông bằng cách tự biện khá hoang đường:
“Nó tròng dây qua cổ Ta siết mạnh như vậy không phải cố ý giết Ta đâu. Chính ‘nó’ đưa Ta một giây phút tới gặp Nữ Thánh Cứu rỗi. Nó siết cổ ta là do ân ý sai bảo của Nữ Thánh để Ta có dịp tự thức mà hướng về thánh linh”.
Đám đông thường tin lời Đạo Nữ, một niềm tin rặt màu tôn giáo, thuần phục của tín đồ, khi được ban phúc lành.
II
Một hôm, một nhà giàu đưa con trai mình tới Đạo Nữ nhờ chữa bệnh. Anh trai trẻ này có cách nói năng lạc đề rất… triết học.
Vừa bước vào chùa, nhìn mọi người, Nguyền ngập ngừng ngưỡng cửa, nói lơ mơ:
- Đây đâu phải là nhà của ta. Chừng như đây cái chuồng ngựa vắng ngựa. Phải tầm cho ra bầy ngựa thất lạc. Cứ theo tiếng thở mà tìm. Ngựa không nói.
Nguyền nhìn Đạo Nữ, nói trổng:
- Rồi bầy ngựa cũng trở về. Nơi trở về là trận mạc. Em đang mất một cái đầu cho cuộc tìm kiếm.
Đạo Nữ định bệnh của Nguyền:
- Thằng người này đang bị lũ con cái ở cõi âm quậy phá rồi. Một kẻ dâm giao với bọn tiên nữ trong những cơn mơ. Gọi là tiên, nhưng bọn này là bọn con gái yêu kiều từ thiên giới đang bị đày xuống hạ giới chịu tội. Chúng dâm ô khôn lường. Đậm đà quyến rũ tới đỉnh.
Lại giải thích với đám tín hữu đang ngơ ngác chung quanh:
“Con cái trong cõi âm là lũ con chẳng đứa nào có được một cái giấy khai sinh, một chiếc nôi nằm, chẳng nghe được một lời ru, chưa từng ngậm vú mẹ.
“Chúng được đầu thai từ trong các cơn mộng mị của bọn đàn ông lẫn lũ nữ nhân đa tình kia. Trong giấc ngủ đêm khuya khoắt, nhất là những đêm trăng huyền rỡ khơi gợi dục tình, bọn gái trong cõi âm hiện ra. Bọn tóc dài này chỉ là hư ảnh nhưng có thể gần gũi tỏa nhiệt dục. Chúng hâm nóng nhau bằng máu xương ảo, lên cơn thèm muốn, mơn trớn, hôn hít, giao cấu thỏa thích với nhau.
“Là mộng mơ thôi, nhưng tình nhân trong giấc ngủ vẫn tràn lạc thú của nhục dục, bọn nam xuất tinh, bọn nữ âm binh quyến rũ kia hoài thai. Mỗi con ma trong mộng mang một bầu sinh linh từ một người đàn ông có thực.
“Các mụ bà trợ gíúp việc sinh nở những hài nhi có hồn ma không có máu xương này là bọn gió, mây, có khi là sấm sét, mưa bão, tùy vào hiền dữ, màu sắc đắm say lúc cơn mộng ôm ấp diễn ra.
“ A Di Đà Phật, lũ hài nhi từ cõi âm, bọn nổi trôi trong tinh khí điệp trùng bóng tối kia, bọn miên man thác đổ ái ân, đứa màu tím màu lục, thằng Đỏ con Vàng. Chúng không là con của quỷ dữ, cùng là con của ân ái thôi, là giao hợp giữa siêu hình với trừu tượng.
“Lũ này chẳng tới được thiên đường chẳng về địa phủ mà trôi hoang trong man mác hư ảo. Chúng đi gió về mây. Là tựu dựng từ những giao hoan ngoài vòng ý thức lúc mê muội giấc ngủ. Chúng có nỗi oan riêng, nên ‘cây oan’ xanh tốt như rú rừng, chằng khác chi rừng biển oan khiên mà phận ngươi lầm than đương chịu trên chốn thế gian đang nương náu này… Nam mô A Di Đà Phật.”
Đạo Nữ nhìn chú mục người mẹ của Nguyền đang đau khổ khấn vái, nói mơ hồ, lời gió rao:
“Con trai của tín chủ trước kia là gã đa tình, nhiều mộng mị về đêm. Bọn nữ âm binh o bế thằng Nguyền này như bọn nữ bia ôm phủ dụ. Bọn tiên nữ đậm đà rất mực duyên dáng bị thiên đình đày xuống cõi gian trần, chúng buồn phiền đi làm gái ôm ráo. Đó mới là đặc trưng tuyệt diệt, là hoàn hảo của một trần gian đọa đày.
“Này, thằng Nguyền đang đứng đây, bóng mặt trời chói chang ngoài kia, kìa cái bóng mây chập chùng đang kéo qua sân chùa, lúc này ư, Nguyền đang trả nợ. Món nợ âm binh. Bọn hài nhi kết thai từ mộng ảo lênh đênh kia đang hiện về. Ta thấy chúng thấp thoáng đó đây qua ánh đèn giữa làn khói hương, cõi thinh không rùng rợn hoang rỗng. Kia kìa, cha ơi chúng rách rưới, còm nhom, chắc là bị quan nhân chốn lưu đày bóc lột, bỏ đói. Đến cái phận người trong Cõi Ảo cũng hắt hiu hăm dọa, bị đọa nguyền thất lạc”.
III
Nguyền đang trong một cái chuồng. Thế giới của chàng bỗng dưng là một cái chuồng.
Nền láng xi măng, mái lợp tôn ít truyền nhiệt, gọi là tôn mát. Mặt chuồng nhìn ra khoảng sân rộng để giao tiếp với người bên ngoài có đóng song sắt ca rô. Một cửa sắt mở ra vào. Ba mặt kia tường tô vôi. Cửa sắt luôn được khóa kỹ lưỡng bên ngoài. Nguyền bên trong không thể tự mở. Phần nền cao người mẹ trải một tấm chiếu hoa trên nền xi măng. Tấm đệm mút làm chỗ nằm, một tấm chăn dày phòng đêm gió mưa, một chăn mỏng, một cái gối thêu hoa đẹp đẽ.
Từ trong chuồng Nguyền có thể nhìn ra khoảng sân rộng trước mặt chùa đầy bóng cây. Một hồ nước lớn giữa hồ có nhất trụ, đỉnh trụ có bánh xe luân hồi.
Tôi làm gia sư trong chùa, ngoài cô con gái cưng rất xinh đẹp của Đạo Nữ, còn có một thanh niên tên Huề. Anh này tu ăn chay trường, ghi tên học ban triết trường Văn Khoa, học hành rất thông minh, một giọng tụng kinh ngân nga ngọt ngào. Huề rất ưa thích tính cách điên của Nguyền. Cách phát ngôn lạ lẫm, ý tứ kỳ quặc của Nguyền, anh cho rằng kẻ điên này là một triết gia. Nguyền lại rất thích tôi. Tạo ra cuộc hội ngộ tàng tàng giữa ba “đứa” chúng tôi.
Vườn chùa tịch mịch. Đêm trăng sáng. Sân vườn chùa đầy bóng cây. Trải một chiếc chiếu trên nền sân xi măng trước cửa chuồng Nguyền. Uống trà, tâm sự thấp cao ngang dọc sự đời, là từa tựa ba triết gia giả cầy.
Một đêm, tôi với Huề bên ngoài. Thấy trên chiếu có nước trà, mấy trái chuối, Nguyền trong chuồng hỏi ra:
- Uống trà mà ăn chuối hà?
Huề bảo:
-Vậy phải ăn cái gì?
Nguyền:
- Tụi bây có thượng đế không?
Tôi:
- Có, không? Sao phải hỏi?
Nguyền:
- F. Nietzsche đã nói.
Huề:
- Thượng đế chưa chết đâu.
Nguyền:
- Ít ra là trong cái đầu của chúng mày.
Trăng đang vô một chùm mây. Nguyễn bất ngờ hỏi:
- Sao chúng mày không vô rừng, vào bưng?
Tôi kinh ngạc:
- Mê K.Marx đến thế ư?
Nguyền lơ mơ:
- Đừng nhầm tưởng bọn trong rừng theo Marx. Chúng phản bội Marx.
Trăng ra ngoài mây. Trăng sáng rỡ, chứng minh điều tôi hiểu, “Nguyền không hề điên chút nào”.
Huề nói nhỏ với tôi như một lời than thầm:
- Vậy Nguyền với Đạo Nữ ai điên ai tỉnh. Ai là kẻ chữa bệnh cho ai.
Nghe được, Nguyền mắng:
- Tao cũng có một cái linh hồn. Tao chịu lấy, dù cái linh hồn tao chẳng thấy đâu. Tao phải tôn thờ cái Tao-chẳng-thấy-đâu.
Nguyền rên rỉ :
- Trăng tàn gió tàn mây khuya lụn tàn. Anh kìa, cho em một nhánh lá em đuổi muỗi. Đó, em thấy chưa, xưa kia ta không nắm tay em, đâu cứu em khỏi cảnh trôi chìm giữa dòng sông nước. Chuyện xưa cũ rồi. Thôi mình đi đi, để ta một mình suy gẫm lai rai. Cảm ơn con nước nguồn đã tha chết cho nhau”.
IV
Một cư xử lạ lùng. Người ta đã chia một phần cái chuồng rộng rãi của Nguyền để nhốt vào đó một con gấu. Có rào sắt ngăn cách. Người với vật.
Vì sao những vội vàng tan tác, những chia ly ngậm ngùi lại hỗn độn bày ra giữa chúng tôi? Cuối bãi tức tốc bày ra đầu nguồn? Nguyền không lành bệnh. Một đêm, cái xác buồn phiền của anh, một Cõi-Nằm chẳng mấy thong dong trên chiếc chiếu hoa, lúc trăng tà xuyên chút ánh sáng ma hoang trên vạt áo nâu sòng.
Tôi đã rời Hải Tiên. Một con tàu xuôi vào Nam mang theo em. Em bỏ học, rời chùa, bỏ Đạo Nữ, mỗi đêm em hát, ánh đèn màu. Huề bỏ đạo, một đại đức cưới vợ, sinh con.
Cũng đã quá lâu tôi không có dịp trở lại. Thời gian trong tôi chín vàng, đã mềm nhũn bên trong, khác chi trái chín cây lâu ngày. Tôi nhớ Nguyền và buồn khôn xiết, vì tôi cùng ở chung với Nguyền chùa Hải Tiên, cùng nhau bao kỷ niệm.
Trong cái thiu ung của tháng ngày nỗi buồn của tôi rộng ra, dị dạng, vì nỗi hồ nghi, vừa âm u vừa đau đớn từ đêm trăng ấy. Cho tới nay tôi vẫn không tin, rằng, “Cái xác người trong chuồng gấu là của Nguyền? Hay là xác con gấu đã chết trong chuồng? Con gấu chết hóa ra xác của Nguyền? Hay Nguyền đang còn sống trong chuồng mang hình con gấu?”.
Tôi đau đớn lắm, “Có thể nào một con vật đã mang hồn đi, và một con người trở lại không một linh hồn”.
Hai gã đàn ông lực lưỡng đưa con gấu từ trong chuồng vào một cái cũi sắt, xe chở tới nhà một vị dân biểu. Đạo Nữ cúng dường con gấu làm quà. Tôi nghe mơ hồ có tiếng rên rỉ của Nguyền trong cũi sắt. Một con gấu màu đen có đôi mắt của Nguyền. Tôi la hoảng:
- Nhầm lẫn, nhầm lẫn quá rồi, sao các người đưa Nguyền đi làm quà tặng, bỏ con gấu ở lại trong chuồng.
Chính tôi thấy Nguyền ốm o mặc áo nâu sòng da dẻ xanh xao được bắt ra, nhốt trong cũi, đưa lên xe, sớm mai chở đi.
Mọi người nhìn tôi kinh ngạc, nghĩ thằng này điên. Tôi đau lắm. Nhiều lần trong đêm khuya tôi thấy một lúc hai con gấu, một lúc khác là hai Nguyền trong chuồng. Dần dà, tôi rối rắm chẳng nhận ra đâu là Nguyền đâu là gấu.
Gia đình khóc than bên thi hài Nguyền tôi thấy mọi người khóc bên một con gấu đã chết. Con gấu trong chuồng nhà ông dân biểu, quan khách đến thăm viếng chính là Nguyền.
Tôi vẫn mong cha mẹ Nguyền đã chôn một con gấu với đầy đủ lòng thương xót, và Nguyền hôm nay còn bị giam nhốt đâu đó trong một cái cũi sắt.
Cung Tích Biền
Bồ Đề cốc, Midway 9-2020. Những ngày nhớ Chuồng
Final 11-2020
Mời đọc qua Ebooks các Sách của Trần Yên Hòa đã xuất bản:
Xin click vào link sau:
https://issuu.com/dreamteam1005/stacks/fd347a6e1e9f428ebf88885eb4d6b2b
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét