Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

TÌNH MARI SẾN - Truyện Trần Yên Hòa


ava


Con Lài bắt đầu mê nhạc từ năm mười ba tuổi. Ngày đó gia đình con Lài đang còn an vui và hạnh phúc, tuy không giàu có gì nhưng nó cũng được cha mẹ lo cho ăn học. Ở vùng Phan Rí khí hậu nóng quanh năm, đất đai chỉ trồng được có mấy loại cây trái, chủ yếu là cây thanh long và xương rồng. Trồng thanh long thì còn ra hoa kết trái, đến muà thu hoạch có thể đem ra ngoài chợ bán để kiếm ít tiền. Trái thanh long đỏ hồng, bóc vỏ ngoài ra, phía trong trắng trong trông rất ngon miệng, bỏ đá lạnh và thêm chút đường trộn đều, món thanh long cũng hấp dẫn lắm. Còn cây xương rồng thì không trồng mà mọc khắp ở các vùng đất cát khô, những năm sau ‘’cách mạng‘’ về, có năm đói quá, cả làng đói rã họng ra thì mới ăn đến xương rồng. Cây xương rồng được cắt bỏ vỏ, bỏ gai đi, đem luộc qua nhiều nước rồi chấm muối ăn, không thấy mùi vị gì nhưng cũng có cho cái bao tử lép xẹp làm việc, cho khỏi bị cồn cào. Đó là những năm Lài được khoảng ba bốn tuổi, dân cả nước đói quá phải ăn đến xương rồng.

 

<!>

Sau nầy Lài được cha mẹ cho đi học đến lớp sáu thì phải nghỉ. Nó buồn lắm vì không còn được theo bạn theo bè cắp sách đến trường, cùng chạy nhảy rong chơi trong sân trường đầy cây dăng bóng mát. Cha Lài là ông Huân, chạy xe đạp ôm, hằng ngày ông thức dây sớm đạp xe từ nhà ra bến xe đò Phan Rí đón khách. Chiếc xe đạp cũ kỷ, già nua, theo từng bước chân đạp của ông Huân để kiếm tiền về nuôi gia đình. Còn bà Huân thì đi bán nước trà đá, nước ngọt, ở ga xe lủa, vợ chồng cũng đắp đổi qua ngày, nuôi hai đứa con là con Lài và thằng Lý ăn học.

Nhưng đến muà xuân năm Lài mười lăm tuổi, ông Huân vì ham chơi số đề nên chạy xe được bao nhiêu tiền ông đều dồn vô mua số. Trong một xã hội khi toàn quốc cùng đánh bạc như hiện nay, mỗi tỉnh, mỗi thành phố đều có xổ số, thì dân chúng càng ngày càng bệ rạc thêm ra. Ông Huân mê những con số, suốt ngày ông lo tính toán những con số mà ông nghĩ là sẽ trúng, ông đi cầu xin ở khắp các nơi theo tin đồn là linh thiêng, những con số ông tính sẽ chắc ăn nhưng cuối cùng cũng phản bội ông. Ông thua đề càng ngày nặng, ông càng cay cú, mỗi sáng ra bến xe đón khách là ông lê la đến những chỗ có biên đề để dò tìm ai biết con số nào hên thì chỉ cho ông, thế là ông không đi chở khách nữa. Gia đình càng ngày càng kiệt quệ đi, bà Huân đi bán nước trà đá đâu có đủ tiền nuôi cả gia đình. Một hôm ông Huân cố vớt cú chót, khi ông nghe người ta bàn tán chắc mẩm là có một con số ‘’bà‘’ cho chắc trúng trăm phần trăm, ông bèn bán luôn chiếc xe đạp thồ được hai trăm đồng, ông quyết chí đánh luôn vào canh đề nầy, cuối cùng tiền cũng bay vèo mà xe đạp đã mất, không còn phương tiện làm ăn nữa, ông thất chí bỏ nhà đi luôn.

Cuối cùng, ba mẹ con Lài phải dắt díu nhau vào Sài Gòn kiếm sống chứ ở cái đất Phan Rí đồng khô cỏ cháy nầy đâu còn gì để ăn nữa.

Ba mẹ con vào ở tạm các lều chợ, vốn liếng đồ đạt có gì đâu, buổi sáng cả ba toả ra ‘’đi làm‘’. Bà Huân và thằng Lý đi luợm bao nylon, còn con Lài đi bán báo dạo. Buổi sáng ra đi, buổi tối lại về ngủ trên lều chợ, ba mẹ con ôm nhau ngủ như ba cái thây ma.

*

Con Lài được một con bạn cũng vô gia cư như nó giới thiệu đến chỗ trung tâm phát hành sách báo, xin lãnh báo đi bán dạo. Nó phải dậy sớm khoảng bốn giờ sáng và bắt đầu đi bộ đến nơi lãnh báo. Các báo nào là Sài Gòn Giải Phóng, Công An Thành Phố, Người Lao Động, Pháp Luật, Phụ Nữ… toàn là báo của nhà nước. Nó nhận báo xong và bắt đầu đi bán dạo. Nó lê la vào các tiệm cà phê, các quán phở hay quán nhậu có đông khách, nó mời moc mua báo. Có những lúc nó bán không hết báo nên nó phải đi vào trong xóm rao to lên để bán, mới đầu rao báo, nó mắc cở lắm, nhưng dần dà cũng quen đi. Nghề dạy nghề, miệng nó bây giờ rao dẻo quẹo, ‘’báo mới đây, báo công an thành phố đây, tuần nầy có đăng tin đặc biệt, kẻ giết nhân tình chặt ra làm ba khúc bỏ vào bao nylon đem quăng dưới cầu Sạn đã bị bắt, báo Pháp luật đây, toà án nhân dân thành phố xét xử vụ án Minh Phụng kết án sáu tử hình, mười chung thận khổ sai…’’. Nó bắt chước bạn bè nó rao toàn những tin giất gân để người ta chú ý.

Con Lài mê ca hát từ ngày nó lên chín mười tuổi, hồi đó nhà nó có một cái radio nhỏ, buổi trưa đi học về nó mê nghe cải lương, giong ca sĩ cải lương hát mùi không thể tưởng tượng nỗi, rồi nó cũng mê tân nhạc nữa, những bài ca tình ái làm lòng nó cuộn lên những suy nghĩ về một bóng hình người con trai, tuy vậy nó cũng chưa giám quen một đứa con trai nào, vì nó mê ca hát nên nó hát theo những bài hát nó nghe trên các đài phát thanh, mỗi khi đi bán báo mà không rao báo thì nó hát.

Mười bảy tuổi, cơ thể con Lài bắt đầu nở nang, cặp vú căng tròn trong chiếc áo vải  mỏng, khuôn mặt đỏ hồng vì trời nắng hay của tuổi dậy thì. Con Lài nói là đẹp chim sa cá lặn thì không đúng, nhưng nói nó mặn mòi có duyên và thân hình hấp dẫn lồ lộ là không ai chối cải. Nhìn khuôn mặt au hồng của nó, cặp giò cao cùng thân thể tròn lẵng thế nầy thì những cặp mắt nào của đám thanh thiếu niên, cả ông già, lại không dán chặc vào. Ôm xấp báo trên tay, nó vừa thôi rao báo là nó hát ngay, ‘’em ơi nếu mộng không thành thì sao, nón cao đất rộng biết đâu mà tìm…”

*

Xóm Hoà Hưng trước rạp chiếu bóng Thanh Vân là xóm của dân lao động, những con hẻm nhỏ chằng chịt chạy suốt từ ngoài vào trong, nhiều khi đi vào hẻm rồi quên mất lối ra. Hàng quán dăng đầy hai bên đường đi, phải chen chân ghê lắm mới bước lọt. Từ ngày nhà nước mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào khai thác, kinh tế thị trường, những cảnh vật cũ càng lúc càng đổi thay, nhất là những quán karaokê máy lạnh mọc lên nhan nhản ngoài đường lớn, trong các con hẻm nhỏ nầy cũng mọc lên những quán karaokê bình dân, những người có mê ca hát, thích ê a những câu ca tình yêu mà ít tiền thì đến đây, ngồi vào chiếc ghế nệm, cầm micro hát theo nhịp một bài ca mà mình yêu thích được chiếu trên màn hình. Những tiếng hát cất lên từ một xóm lao động đầy ắp con người cộng với tiếng xe xích lô máy, tiếng ba gát máy, tiếng rao hàng, tạo thành một mớ âm thanh hổn tạp nghe chát chúa tai.

Con Lài mê hát lắm, nó mỗi ngày cứ đi qua xóm nầy, căn nhà có mở tiệm hát karakê Thu Hương là nó dừng lại nhìn vào lom lom, nó thấy có nhiều người đàn bà lớn hơn tuổi nó, hoặc bằng tuổi nó cũng cầm micro hát tỉnh queo chứ có sao đâu, nó háo hức, từ khi mê hát đến nay nó chưa bao giờ được hát có máy khuếch đại âm thanh, nó chỉ hát một mình và nghe lóm được câu nào thì hát câu đó thôi, mấy đứa bạn cùng đi bán báo dạo như nó nghe nó hát trầm trồ ‘’mầy hát hay lắm, có giọng lắm đó nghe‘’. Nó sung sướng đỏ rần mặt lên như thể có người con trai nào tán tỉnh nó vậy. Bây chừ ở đây, đứng ngoài nhìn vào nó thấy mấy cô mấy chị ngồi trên ghế cầm micro ê a, nó muốn vào hát quá, nghe đâu một giờ hát chỉ có mấy trăm thôi, như vậy cũng mất số tiền lời gần nửa ngày bán báo của nó, nhưng khi đã mê rồi thì nó không nghĩ đến tốn tiền nữa, trong thâm tâm nó tính, nó đi bán báo đến chiều, hết số báo nầy thì nó sẽ trở lại đây, hát thử một lần xem sao?

Khi con Lài cầm micro hát bài đầu tiên, dù không có ai bên cạnh nhưng nó cũng run thật tình, tim nó đập loạn cào cào, dù nó đã nói với người chủ bấm máy cho nó hát một bài rất quen, nhưng nó vẫn hồi hộp lạ kỳ, khi những câu hát đã nổi lên trên màn hình mà miệng nó vẫn cứ ngậm thinh không cất lời ca được, đến mãi câu thứ ba thứ tư gì đó nó mới lí nhí trong miệng, nhưng khi nó đã cất tiếng lên thì nó hoà nhập được ngay với tiếng nhạc ‘’đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành… ‘’ tiếng hát con Lài cao vút lên theo nhịp nhạc trong băng karaokê nghe rất có hồn.

Kể từ hôm đầu tiên đó, cứ ba bốn ngày là con Lài trở lại quán karaokê Thu Hương để hát, nó phải để dành từng đồng bạc, nhịn ăn sáng hay uống nước, để góp lại, một tuần ít nhất nó cũng phải hát được hai buổi, mỗi buổi một giờ, như vậy nó đã mất bốn trăm đồng, có thể đong được 2 kg gạo về cho mẹ và em, chứ phải chuyện chơi đâu.

*

Hôm nay con Lài lại đến quán để hát, nó ghiền ca karaokê quá đi mất rồi, hình như những câu chữ và âm thanh lúc nào cũng quyện trong lòng nó, đi bán báo, nó vẫn hát, ở nhà xách nước, giặt đồ, nấu ăn, nó vẫn hát, khiến nhiều lúc bà Huân bực quá kêu trời ‘’Con Lài mầy bị quỷ ám ma làm hay sao mà cứ lải nhải trong miệng vậy‘’. Nó hát những bài ruột mà nó thích để khi vào phòng karaokê nó khỏi cần nhìn những hàng chữ nổi lên, mà nó vẫn hát đúng nhịp với tiếng nhạc, như vậy nó mới ngon, mẹ nó rầy, nó vẫn ậm ừ cho qua chuyện rồi cười xả lả thôi.

Con Lài là khách quen hát ở tiệm nầy nên nó vừa ngồi xuống ghế là chị chủ quán vội lại bật máy lên cho nó. Mới mười giờ sáng nên tiệm còn vắng, đây đó vài ba người đàn ông đang ngồi uống cà phê và đọc báo, chẳng có ai để ý đến con Lài làm gì.

Khi con Lài đang cương cổ lên ca bản  ‘’đừng xa em đêm nay‘’ thì cánh cửa tiệm xịch mở, hai người con trai bước vào, chị chủ quán đi lại máy đàng kia, ngoắc tay hai người con trai:

– Hai em qua máy bên nầy đi.

Hai người con trai bước sang máy bên kia cũng là lúc con Lài hát sắp chấm dứt đoạn ‘’đừng xa em đêm nay, đừng xa em đêm nay…’’, nó dứt câu rất điệu khiến hai đứa con trai đồng thanh vỗ tay bộp bộp và khen:

– Hay qua, tuyệt quá.’

Con Lài mắc cở ngượng chín người nhưng trong lòng thì vui hết biết, từ ngày nó hát đến giờ cũng có nhiều người khen, nhưng nay có hai người con trai ăn mặc bảnh bao trông có vẻ nghệ sĩ lắm mà khen nó thì nó không vui sao được.

Sau những lời chào hỏi xã giao con Lài được biết hai người con trai là Lê Tuấn và Thanh Toàn, hai ca sĩ, đang đi hát ở mấy tụ điểm ngoại thành hay miệt dưới tỉnh, nhưng dù thế nào thì con Lài cũng sung sướng đến tê dại khi được quen biết với những mầm non ca nhạc đang lên. Nó được hai ca sĩ trẻ nầy hứa sẽ nâng đở và giới thiệu để đi hát ở các tụ điểm văn nghệ ngoại thành hay các điểm biểu diễn phục vụ đám cưới, tiệc tùng. Sau khi hai ca sĩ trẻ kia mời nó hát chung  bản ‘’đám cười đầu xuân‘’ thì coi như là thân lắm. Sau cùng hai ca sĩ đã cho nó địa chỉ và số phone  và mong nó tới nhà để luyện tập thêm.

Con Lài không dấu chuyện đi bán báo rong của nó với Thanh Toàn và Lê Tuấn, vì nó biết với cách ăn mặc của nó cùng một xấp báo để bên ghế, làm sao mà nói dối được, dù sao nó cũng chỉ là một con bé nhà quê nghèo khổ đi bán báo kiếm ăn, nó chỉ mê hát thôi mà.

*

Những ngày sau đó, con Lài do dự mãi, cầm cái danh thiếp trên tay nó nghĩ có nên đi tìm Lê Tuấn và Thanh Toàn không, thấy hai ảnh cũng tốt lắm nên nó quyết định đến nhà hai người con trai thăm thử coi sao. Con Lài dự tính đi bán báo xong, nó sẽ tìm địa chỉ tới nhà, trong ý thức non nớt của nó, nó cứ nghĩ là hai anh đó đã hứa như vậy chắc phải trông chờ nó lắm, nó không muốn làm mất lòng đối với ai, nó nghĩ xa hơn một chút nữa, giá nó được cầm micro hát trong những đám cưới hay sinh nhật thì cũng hay quá đi mất chứ sao, con người ai lại không ham muốn mình gặp được may mắn và khấm khá hơn cái cuộc đời cơ khổ mà mẹ con nó phải chịu đựng bây giờ. Nó lục lại tìm địa chỉ của Lê Tuấn và Thanh Toàn đã cho nó hôm trước, khu Chợ Hoà Hưng cũng gần đây thôi, với lại nghề bán báo dạo phải đi suốt ngày rạc cả đôi chân thì đường nào nó không lặn lội tới. Căn nhà theo địa chỉ của Lê Tuấn và Thanh Toàn cho là một căn nhà nhỏ, trông đơn sơ, nhưng cũng gọn ghẻ, nó nhìn địa chỉ rồi khẻ gỏ cửa, một người đàn ông ra mở cửa nhìn nó chào:

– Xin lổi cô hỏi ai?

Nó trả lời ấp úng:

 – Tôi muốn tìm hai anh Thanh Toàn và Lê Tuấn ở địa chỉ nầy, bác biết chỉ dùm cháu?’

Người đàn ông suy nghĩ một chút rồi nói:

– Có phải cái cậu trẻ trẻ không, à, cậu Thanh Toàn, cậu ấy thuê nhà của tôi, cậu ở phía sau, cô đi lối nầy.

Con Lài đi ra phía sau và gỏ cửa căn phòng theo ông già chỉ, Thanh Toàn bận đồ pyrama ra mở cửa và kêu lên ngạc nhiên:

–  A, Lài, em còn nhớ đến thăm anh hả, em vào nhà chơi, đây là nhà anh thuê, thằng Lê Tuấn chỉ là bạn của anh thôi chứ nó không ở đây.

Con Lài bước vào phòng của Thanh Toàn, một căn phòng nhỏ, trên tường có treo nhiều hình tài tử điện ảnh, các ca sĩ nổi danh ở trong nước cũng như ở hải ngoại, có một bộ salon nhỏ tiếp khách. Thanh toàn vồn vả nói:

– Em ngồi chơi, anh độc thân nên nhà cửa hơi bê bối, em đừng phiền nghe, em uống gì nào, coca nhé, ngồi chơi rồi nghe nhạc với anh.

Thanh Toàn vào trong, một chốc đem ra một ly co ca để trước mặt con Lài, Thanh Toàn nói:

– Em uống nước đi, rồi em xem ca nhạc, có mấy cuốn băng nhạc hải ngoại em không mê thì thôi, các ca sĩ hải ngoại ca hay lắm.

Con Lài quá bàng hoàng và xúc động vì mối thịnh tình cùng sự lịch lãm của Thanh Toàn, nó chỉ ngồi nghe Thanh Toàn nói chứ nó không có lời nào, nó chỉ một mực là ‘’dạ dạ’’ mà không nói được câu nào. Thanh Toàn vẻ vời cho nó một tưong lai sáng lạn:

– Em ca có chất giọng lắm, em hãy tập ngân dài hơi và ca đúng nhịp một chút thì quả là nhất, anh sẽ ‘’lăng xê‘’ em. Đầu tiên em hãy hát ở những chỗ tụ điểm ca nhạc thôi, rồi khi mình có tiếng tăm một chút thì mình được các bầu sô mời hát những chỗ lớn, em cứ tin anh đi.

Con Lài vẫn dán mắt trên màn ảnh truyền hình coi video ca nhạc hải ngoại thì Thanh Toàn cũng xích lại ngồi gần bên nó, nó cầm tay con Lài và bóp nhẹ, rồi choàng tay qua vai con Lài, con Lài nhìn lại mình thì thấy mình đã ngồi gọn trong vòng tay của Thanh Toàn, nó hoảng quá, nó nói vội vàng qua hơi thở:

– Đừng anh, mới gặp anh mà anh làm gì kỳ quá.

Thanh Toàn cuốn quít:

–  Không có gì đâu, anh thương em mà, em đẹp lắm, em hát hay lắm, anh yêu em, anh sẽ lo cho em.

Thanh Toàn vội vít con Lài xuống và hôn tới tấp vào mắt, vào mũi, vào miệng nó, rồi đưa tay lên sờ ngưc nó, con Lài sợ quá dẫy ra:

– Thôi em về.

Thanh Toàn thấy con Lài chống cự quyết liệt, không gở gạt được gì bèn dịu giọng:

–  Anh xin lỗi em, tại anh yêu em quá nên anh mới vậy, không có gì đâu, em về rồi thỉnh thoảng em đến chơi, anh sẽ giúp em hết mình.

Con Lại chỉ biết dạ và hấp tấp đi ra cửa.

*

Cuộc gặp gỡ với Thanh Toàn chỉ có vậy mà con Lài suy nghĩ mãi trên suốt đoạn đường trở về và ám ảnh trong đầu óc những ngày sau đó. Hình như cuộc đời cực khổ của nó với nỗi bất hạnh  trong gia đình, nó không còn đầu óc đâu để mà mơ tưởng đến một người con trai, một tình yêu chân thành. Suốt ngày dong ruổi trên các ngã đường thành phố, nó cũng chỉ vì kiếm miếng ăn mà thôi. Đôi lúc tuổi dậy thì của nó đến cùng sự nẫy nở của cơ thể cũng làm nó xúc động như lần đâu tiên của năm mười bốn tuỗi, khi thấy mình có kinh nguyệt lần đầu, nhiều lúc trong phòng tắm công cộng, nó tự nhìn lại thân hình nó, một thân hình chắc khoẻ của cô gái mười bảy tuổi săn dòn, ngồn ngộn, nó đưa tay vuốt nhẹ trên da thịt mình, chà sát qua đôi bầu vú nẩy nở, nó tự nghe một cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng, thổn thức, đến từng mạch máu trên thân thể căng đầy nhựa sống, nó chấp nhận những cảm giác lâng lâng chao động. Đến bây giờ, vì sự ham mê ca hát rồi đến khi gặp hai người con trai là Thanh Toàn và Lê Tuấn, nó vẫn cứ ngở ngàng, rồi đến nhà tìm hai người con trai cũng là một thúc hối, như từ một cõi sâu kín nào đã giục giã nó, bước đi, đến khi Thanh Toàn ôm chầm lấy nó, kéo khuôn mặt nó lại gần và hôn lên mắt môi miệng, cái cảm giác quá mới, quá ngỡ ngàng nó chưa cảm nhận được một xúc động gì, nhưng đến bây giờ đi trên con đường đầy lá me bay của đường Tú Xương, nó mới nghe như có một một dòng điện chạy rần rật trong người, nhất là khi Thanh Toàn choàng tay qua vai nó nói những lời thủ thỉ về tình yêu và xoa nhẹ vào vú nó, cảm giác nghe đến chợn rợn nhập vào nó, khiến nó cảm thấy cả tay chân rụng rời, không kiềm chế được, nó nghĩ, có phải Thanh Toàn đã để ý nó, đã yêu nó thiệt như lời nói vừa qua không? Dù gì đi nữa, nó cũng còn quá dại khờ trong canh bạc đời với biết bao nhiêu là cạm bẫy.

Ý tưởng đó đi theo nó suốt, qua những con đường đông đúc, từ những quán cà phê, những quán nhậu hay những nơi có công nhân làm việc trong giờ nghỉ kêu nó lại mua báo, nó thẩn thờ suy nghĩ và rung động đến nổi khi về nhà trong buổi tối chập choạng, trên cái sạp bán hàng ở chợ Tân Bình, mọi người buôn bán đã về hết, nó ăn qua loa vài miếng cơm rồi lên sạp ngủ, khiến bà Huân phải kêu lên, ‘’Con Lài ốm hay sao mà hôm nay coi mặt iủ xiù vậy.’’

*

Cuối cùng thì con Lài tin những điều Thanh Toàn đã nói với nó, nó tin là người con trai ca sĩ đó thích nó thật sự, ‘’chứ không sao lại tự dưng giữa ban ngày ban mặt mà đã cho nó địa chỉ và biểu nó tới chơi’’. Nó biết thân phận nó nghèo hèn nên ai nói ngọt nó vài câu là nó mừng và tin ngay, và Thanh Toàn còn khen nó đẹp, có giọng ca hay, và hứa sẻ ‘’lăng xê‘’ nó lên, để nó đi hát ở các tụ điểm nữa nữa. Nó mơ mơ màng màng trong suốt một tuần và lần nầy nó quyết chí đến nhà gặp Thanh Toàn một lần nữa, dù gì nó cũng nghe len lén trong tim nó những thổn thức mãnh liệt, cho một sự tìm đến.

Thanh Toàn không ngạc nhiên khi thấy con Lài xuất hiện ở trước cửa, cửa nhà Thanh Toàn vẫn thế, rất nghệ sĩ, những bức tranh của các danh ca được dán trên tường, cái TV và máy casette với đầy đủ những băng nhạc đang thịnh hành. Khi nghe tiếng gỏ cửa và ra mở cửa thấy con Lài, Thanh Toàn nở trên môi nụ cười tươi nhất:

–  Chào công chúa của anh, công chúa lọ lem.

Con Lài chẳng hiểu ất giáp thế nào về chữ lọ lem, nhưng nghe nói đến công chúa là nó vui rồi, nó nghĩ nó được trọng vọng, con gái đứa nào không thích những lời tâng bốc được gọi là ‘’ga lăng’’ đó.

Con Lài bận cái áo katê mỏng trắng nỏn, ôm sát lấy tấm thân nở nang rắn chắc, khoẻ. Đôi vú nhấp nhô dưới chiếc cọt sê ôm chỉ đủ một phần bộ ngực, thân hình của một cô gái tràn đầy nhựa sống như thế nầy càng làm hấp dẫn Thanh Toàn hơn nhiều cô gái mặt hoa da phấn khác. Thanh Toàn dìu con Lài ngồi vào cái sofa dài rồi đi pha cho con Lài một ly co ca, xong Thanh Toàn nói một hơi dài:

– Mấy hôm nay anh nhớ em quá, anh tưởng là em giận anh chuyện hôm trước, có gì đâu mà giận, trai gái thương yêu nhau âu yếm nhau là chuyện thường, em đừng buồn anh, em đừng sợ, thương yêu em anh mới thích hôn em và âu yếm em, em chìu anh nghe.

Con Lài lắp bắp trong miệng:

– Mà anh thương em thật không?

Thanh Toàn nói không suy nghĩ:

– Anh kết em ngay từ đầu, em tuy là dân lao động nhưng mà em đẹp nầy, em hát hay nầy, rồi đây anh đưa em lên, em sẽ nổi tiếng, em đâu có thua ai.

 Vừa nói Thanh Toàn vừa choàng tay qua người con Lài và vít đầu nó vào sát mặt mình hôn thật say đắm. Con Lài đi từ cảm giác nầy sang cảm giác khác, mới đầu thì lo sợ, hồi hộp, nhưng sau những cái vúốt ve và lời nói đường mật của Toàn khiến tự dưng nó vững bụng, cùng sự xốc nổi của tuổi mới lớn, nó sợ mất lòng Toàn, nó sợ nó không được Toàn thương yêu nữa và cuối cùng, tự trong thâm tâm nó, thật lòng, nó cũng đã cảm Thanh Toàn mất rồi, người mà theo nó biết, theo lời tự giới thiệu, Thanh Toàn là một ca sĩ đang lên, ca sĩ thì nó mê quá đi mất…Thanh Toàn ôm hôn nó mùi mẫn, tiếp tục lùng sục trên thân thể nó, mở nút áo nó ra, sờ tay trên đầu vú nó, một cảm giác rần rần chạy khắp người nó khiến nó quằn quại, đến lúc nầy thì Thanh Toàn bế nó lên đặt nằm xuôi theo tấm sofa và bắt đầu cởi áo.

*

Hai tháng sau, sau nhiều lần lui tới chỗ Thanh Toàn cư ngụ và nhiều lần ân ái, con Lài nghe khó chịu trong người, không ăn không uống, thấy cái gì cũng tanh tưởi, nó biết nó có bầu, nó buồn bả đem chuyện nầy nói với Thanh Toàn thì Thanh Toàn nói thẳng với nó:

– Em nên đến bệnh viện phụ sảnTừ Dũ phá đi, mình còn trẻ có con bây giờ không tiện đâu.

Sau đó, nhiều lần nó khóc một mình, nó không giám nói với má, không giám nói với ai, nó yêu Thanh Toàn quá nên nó muốn giữ đứa con lại để nuôi, nó quyết định rồi, nó định lần nầy đến nhà Thanh Toàn nó sẽ nói hết với Thanh Toàn ý nghĩ của nó, nó bước vào con đường hẻm, đi qua căn nhà có bức hàng rào bằng dâm bụt, nó tần ngần đứng trước cánh cửa, nó gỏ cửa, cửa mở, một cô gái bận đồ rất mỏng, rất thành thị, nhìn nó chăm chăm rồi hỏi:

– Cô tìm ai?

Nó nói:

– Tôi tìm anh Thanh Toàn, anh Toàn có nhà không?

Người con gái nói:

– Anh Thanh Toàn là chồng chưa cưới của tôi, hôm nay ảnh đi vắng, cô gặp ảnh có chuyện gì không?.

Con Lài nghe như tim mình ngưng đập, nó vội trả lời:

–  Không, không có chuyện gì.

Rồi nó vụt bỏ đi.

Người con gái khép cửa lại và đi vào trong hỏi người con trai:

–  Có cô gái đến tìm anh, nó là ai vậy, sao anh quen với nó, anh tán nó hả?

Tiếng nguời con trai:

– A, con bé bán báo dạo đó mà, đồ ‘’marisến‘’ đó ai mà thèm tán, em ghen làm gì, nó bỏ báo tháng ở đây, chắc là nó đến lấy tiền, đừng ghen bậy ghen bạ nghe cưng.

Con Lài vẫn lầm lủi bước đi, nghe câu nói đó là nó chảy nước mắt, nó quyết định đi về hướng bệnh viện Từ  Dũ.

 

Trần Yên Hòa

(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét