Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

CỜ TÂY - SONG THAO

 

Một buổi sáng, mắt nhắm mắt mở ngủ dậy, thấy có một e-mail của một anh bạn ở Toronto gửi mà giật mình. Dụi mắt nhìn cho rõ mà lòng còn hồ nghi. E-mail cho biết là tại Toronto vừa có một công ty chuyên bán thịt chó mời khách vãng lai nếm thử tại một công viên đông người.

Thiệt không? Ngụ cư tại Canada gần bốn chục năm, tôi chưa hề nghe nói là ở đây có bán cầy tơ công khai. Lùng sục một hồi trên mạng, tìm thấy bài báo của tờ báo địa phương Thời Báo cho biết sự tình. Ngày thứ năm 4/8/2022, công ty Canada chuyên bán thịt chó Elwood’s Organic Dog Meat đã thiết lập một lều ngay trong công viên Christie Pits của thành phố Toronto và mời khách vãng lai ăn thử thịt chó. Công ty này có trụ sở tại Labrador thuộc miền Bắc Canada. Chó được làm thịt  là chó được thả chạy tự do trong vườn, không cho ăn những chất hóa học, nuôi với mục đích cung cấp thực phẩm cho người chứ không phải là chó kiểng hay chó hoang. Vậy đây là thịt chó organic đàng hoàng!

<!>

Thử tìm vào báo tây cho chắc ăn, tôi đọc được trên trang TO. Họ cho biết là chuyện này có thật. Khách vãng lai được mời ăn thử. Có người ăn và nói cũng giống như thịt bò thôi. Có người kinh tởm, tức giận khi được mời nếm thử. Công ty Elwood’s Organic Dog Meat phát cho khách tờ quảng cáo có ghi: “Thịt chó ngon, từ năm 1981. Hãy dọn lên bàn ăn thứ thịt được ưa thích nhất. Nếu thịt chó của chúng tôi làm quý vị bối rối, xin nghĩ lại: thịt chó của chúng tôi làm từ chó được nuôi để ăn thịt. Ăn thịt chó là sự lựa chọn của từng người. Có người thích vị của thịt chó. Thịt này cung cấp nhiều chất bổ dưỡng. Chó được giết một cách êm thắm”.  Họ có hẳn một website. Tôi tìm vào ngay, chuyện…sống chết vậy mà không tò mò ngay tức thì sao đặng. Họ viết như sau: “Hãy dọn bàn ăn với thứ thịt ngon nhất. Elwood’s Organic Dog Meat là một công ty gia đình đã hoạt động qua hai thế hệ. Chúng tôi cam đoan gửi tới các bạn thứ thịt chó ngon nhất được nuôi để ăn thịt. Chúng được nuôi trong các cánh đồng trong những ngày tháng hạ và chỉ được ăn những thực phẩm organic và không có đậu. Chó của chúng tôi: được chạy nhảy tự do, giống chó địa phương, organic, tươi ngon không bao giờ đông lạnh, không ăn thực phẩm có trụ sinh, được nuôi cẩn thận, giết thịt một cách êm ái, được thương yêu. Website ghi rõ: khách hàng có thể mua một miếng, một phần tư con, nửa con hay nguyên con. Công ty cũng có một số ít nước hầm xương chó, khách có thể đặt mua trước”.

Công ty Elwood’s Organic Dog Meat được thành lập từ năm 1981, trước khi tôi đặt chân tới Canada định cư. Vậy mà tôi mù tịt trong khi thỉnh thoảng vẫn cùng bạn bè ôn cố tri tân tới những bữa nhậu thịt chó nơi quê nhà. Có ông bạn ở San Francisco có cô con dâu người Đại Hàn về xứ thăm nhà, giấu mang qua được một cái đùi chó, đã khoe nhặng lên, thách thức tôi mua vé máy bay qua bày cuộc. Thiệt tình! Cái thứ có trong tầm tay mà cứ…vọng ngoại!

Trong một bài viết “Thịt Mèo và Thịt Chó tại Hải Ngoại” vào năm 2011, ông bạn đồng hương tại Montreal chúng tôi, bác sĩ Thú y Nguyễn Thượng Chánh, đã cho biết: “Dân Canada không ăn thịt chó thịt mèo và xem đó là một vấn đề cấm kỵ. Luật bảo vệ thú hoang dã Canada’s Wildlife Act cấm bán các loại thịt thú rừng. Nhưng không có điều luật nào nói đến việc cấm ăn thịt chó và thịt mèo cả. Năm 2003, inspectors đã phát hiện ra bốn quầy thịt chó đông lạnh trong một nhà hàng Tàu tại thành phố Edmonton, Alberta. Nhưng sau đó họ xác nhận lại đó là chó rừng coyotes hay chó sói wolves chớ không phải là chó nhà. Cơ quan Kiểm Tra Thực Phẩm Canada (CFIA) nói rằng không có gì sai luật trong việc bán và ăn thịt chó (và các loại thú cùng loài với chó) nếu chúng đã được các inspectors kiểm soát lúc hạ thịt”.

Báo chí hồi đó đã làm rùm beng vụ nhà hàng Panda Garden bán thịt chó khi thanh tra tìm thấy bốn chú chó được làm thịt sạch sẽ nằm trong tủ đông lạnh. Thanh Tra Richard Reive cho biết ông đã được an ninh trong khu thương mại có nhà hàng này mật báo. “Họ đưa tôi tới một kho lạnh, mở một cánh tủ và thấy bốn xác chó nằm trong đó. Hai được gói kín trong bao đựng rác màu đen và hai được nằm trơ trọi trên ngăn tủ”. Thanh Tra Reive không biết chắc bốn xác chó này thuộc loại nào: chó sói, chó rừng hay chó nhà. Nhưng có một điều chắc chắn là nhà hàng này sẽ bị phạt tội  dùng thịt không được thanh tra kiểm nghiệm. Tiệm này sau đó đã tự ý đóng cửa và chủ nhân trốn mất tiêu!

 


 

Mời ăn thử thịt chó tại Toronto.

 

Đang nói chuyện cờ tây tại Canada thì nói cho chót. Năm 2013, có một người Canada chính cống ở tỉnh bang Québec chúng tôi đã ăn thịt chó một cách bất đắc dĩ. Chuyện xảy ra vào năm 2013, khi đó ông Marco Lavoie được 44 tuổi. Ông bị lạc trong rừng rậm ba tháng và được tìm thấy trong tình trạng mất nước, hạ nhiệt, sút nửa trọng lượng và gần như không thể ăn hoặc nói.  Theo tờ New York Daily News, ông Lavoie đã một mình một thuyền thám hiểm gần vịnh James hồi giữa tháng 7 và bị một con gấu tấn công khoảng một tháng sau đó. Con gấu này đã ăn hết số thực phẩm dự trữ của ông và phá hư con thuyền. Hết lương thực, ông đã phải giết chú chó cưng bằng cách đập đá vào đầu cho chết và hạ thịt. Nhiệt độ khi đó đã rất lạnh và nếu không có chút mộc tồn, ông Lavoie có thể chết trong vài ngày.

Chuyện ông Marco Lavoie ăn thịt chó là chuyện “mưu sinh thoát hiểm”. Khi  đó có ăn thịt người cũng chẳng ai dám chê trách. Canada chúng tôi cờ tây thong dong như vậy chắc cũng làm mếch lòng ông bạn Mỹ có cô con dâu Đại Hàn của tôi bên San Francisco. Vậy thì chuyện cờ tây bên Mỹ ra sao? Tôi ghi nhận được vài vụ.

Tháng 3 năm 1989, tòa án Long Beach đã xử vụ hai người Kampuchia mần thịt chó. Họ dùng búa đập chết chó, mổ bụng cạo lông và xẻ thịt. Đúng như quy trình giết chó ở quê hương họ. Chuyện cũng tương tự như ở Việt nam chúng ta. Công tố xin tòa xử tội tàn ác với thú vật. Họ không xin kết tội ăn thịt chó vì tại Mỹ, không hề có quy định cấm ăn thịt chó. Sau một hồi cãi vã giữa hai luật sư của bên kiện và bên bị với sự cổ võ của hai bên da trắng và da vàng có mặt tại tòa, tòa tha bổng hai bị can. Sau vụ kiện này, ngay ngày đầu năm 1990, California đã ban hành luật cấm ăn thịt chó. Nhật báo San Jose Mercury đã phỏng vấn Tiến sĩ Trần An Bài về vụ cấm này, ông trả lời: “Tôi không nghĩ rằng đạo luật cấm ăn thịt chó này là kỳ thị chủng tộc, nó chỉ phản ảnh sự khác biệt về văn hóa. Là dân thiểu số của xứ tự do dân chủ này, người Việt Nam chúng tôi phải tôn trọng luật pháp của đa số. Nếu đa số không muốn chó mèo bị ăn thịt thì chúng tôi không ăn. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu phong tục tập quán của nhau để có thể sống hòa hợp với nhau nhằm phục vụ sự thịnh vượng của xã hội chúng ta đang sống. Chẳng hạn khi nhóm thiểu số chúng tôi mới đến xứ này thì chúng tôi rất ngạc nhiên là các trường học không có lễ chào quốc kỳ hàng ngày, lại còn thấy người dân có thể đốt cờ Mỹ, nữ tài tử mặc quần lót hình quốc kỳ mà không bị tội gì cả. Hy vọng với thời gian nhiều người sẽ hiểu vì sao chúng tôi thích ăn thịt chó”.

Không biết có phải California có nhiều người Việt nam cư ngụ nên có luật cấm ăn thịt chó như vậy không? Không phải. Có 6 tiểu bang khác, ngoài California, cũng cấm như vậy. Đó là Georgia, Hawaii, Michigan, New Jersey, New York và Virginia. Tuy nhiên trên toàn nước Mỹ các lò sát sinh bị cấm tiếp nhận chó và các cửa hàng không được rao bán thịt chó. Lệnh cấm này không áp dụng với cá nhân, nghĩa là một cư dân vẫn có thể giết mổ, tiêu thụ hoặc bán thịt chó miễn là không làm thương mại. Người ta vẫn nói liên bang Hoa Kỳ là một quốc gia có 50 quốc gia khác nhau. Vậy là cùng cấm nhưng khó dễ khác nhau. New York cấm “không được giết mổ chó hoặc mèo nuôi trong nhà để làm thực phẩm hoặc lấy thịt cho người ăn”. California ngặt nghèo hơn, cấm cả việc sở hữu thịt chó. Trong khi đó Virginia nghiêm cấm hành vi vô cớ giết hại những loài động vật không có liên hệ tới hoạt động nông nghiệp. Nhưng tại Mỹ cũng đã có tới 44 tiểu bang không cấm cản chi cả.

Tất cả những khác biệt giữa các tiểu bang về hai anh chó mèo này chấm dứt khi Hoa Kỳ có một luật chung áp dụng cho toàn quốc. Ngày 12/9/2018, Hạ Viện Mỹ đã thông qua dự luật ‘cấm mua bán thịt chó mèo” do hai dân biểu của tiểu bang Florida là Vern Buchanan và Alcee Hastings đệ trình. Dự luật có tên “Dog and Cat Meat Prohibition Act” cấm giết chó mèo để ăn thịt. Ông Buchanan phát biểu: “Chó và mèo mang lại tình thương và tình bạn cho hàng triệu người và người ta không nên giết chúng làm thực phẩm. Hơn phân nửa gia đình Mỹ coi chó và mèo như một phần tử trong gia đình họ. Chúng tôi muốn gửi thông điệp rõ ràng rằng giết mổ động vật yêu quý làm thực phẩm là không thể chấp nhận và sẽ bị xử phạt mạnh tay”. Dân biểu Hastings nói thêm: “Tôi hài lòng khi cùng dân biểu Buchanan bênh vực việc cấm buôn bán thịt chó, thịt mèo tại Mỹ. Dự luật này phản ánh giá trị của chúng ta và cho chúng ta một chỗ đứng mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy các nước khác chấm dứt tập tục khủng khiếp này. Tôi muốn nỗ lực để bảo đảm luật này được thông qua nhanh chóng”. Hình phạt cho tội giết mổ chó mèo dùng làm thực phẩm là 5 ngàn đô.

 


 

Thịt chó đóng gói của công ty “Elwood’s Organic Dog Meat”.

 

Dự luật sau đó đã được Thượng Viện thông qua. Ngày 20/12/2018, Tổng thống lúc bấy giờ là ông Donald Trump đã ký ban hành. Thừa thắng xông lên, Hạ Viện Mỹ làm tới. Họ thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước Trung Quốc, Đại Hàn, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Kampuchia, Lào và Ấn Độ chấm dứt việc buôn bán thịt chó mèo.

Mỹ quả có chơi ngặt các nước Á châu vốn là những xứ sở mặn thịt cầy. Theo ước lượng thì tại Á châu, mỗi năm có 30 triệu anh cầy bị cho về với Diêm Vương. Trung Quốc đứng đầu sổ với 10 triệu, Việt Nam thứ nhì với 5 triệu, Đại Hàn chiếm hạng ba với 2 triệu. Xưa lắm rồi, từ năm 1889, thi hào Ấn Độ Rudyard Kipling, trong bài thơ “The Ballad of East and West”, đã viết: “Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet”. Đông là Đông và Tây là Tây, hai bên không bao giờ gặp nhau. Đúng y boong cho chuyện cờ tây!

Một bên đớp thịt cầy như điên, một bên khinh khỉnh đứng nhìn. Có điều hơi khác là các nước Á châu không ăn chó cảnh, thứ mà các em đầm ôm ấp cho ngủ chung, mà chỉ thịt chó cỏ. Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng thì cội nguồn ăn thịt chó tại Việt Nam bắt nguồn từ lễ hiến tế chó trong tín ngưỡng dân gian.Người ăn đầu tiên là thầy cúng, thầy phù thủy mà họ cũng chỉ ăn lén, ăn vào lúc tối trời, đêm hôm. Do mặc cảm tội lỗi xưa nay chẳng ai nói toạc ra là ăn thịt chó. Do kiêng kỵ nên người ta nói chệch là ăn thịt cầy, mộc tồn. Không hiểu vì quá phổ biến hay vì mục đích che giấu mà ít có thứ thịt mang nhiều tên như thịt chó. Người ta gọi thịt chó là thịt cầy, cờ tây (nói lái của cầy tơ), mộc tồn (tiếng Hán là “cây còn”, nói lái của “con cầy”), lá mơ (tên một thứ rau đi với thịt chó), sống trên đời ( nói tắt câu: “sống trên đời ăn miếng dồi chó /Chết xuống âm phủ hỏi có hay không”).

Tại Việt Nam hảo thịt cầy nhất là dân Bắc kỳ. Tôi cũng dân Bắc kỳ. Ông Vũ Bằng cũng Bắc kỳ. Trong cuốn “Miếng Ngon Hà Nội” ông Vũ viết về mộc tồn như sau: “Đã định không nói nhưng không nói không chịu được. Ờ mà nếu ca tụng thịt cầy mà mang tiếng là thiếu văn minh thì mình cũng đành chịu cái tiếng thiếu văn minh vậy, chớ nói tới miếng ngon Hà Nội mà không nói đến thịt cầy, người ta quả là thấy thiếu thốn rất nhiều. Chỉ thiếu có một người, vũ trụ bao la hiu quạnh…Huống chi lại thiếu thịt cầy thì còn vui sống làm sao?”.

Bắc kỳ được đồng hóa với thịt chó. Vậy thì dân Bắc kỳ ta ăn thịt chó từ khi mô? Trong cuốn “Ghi Chép Ở Xứ Bắc Kỳ”, Đức Ông De la Bissachère, người đã sống tại Việt Nam từ thời Tây Sơn đến đầu đời Gia Long đã ghi: “Thịt chó được xem là tuyệt hảo hơn cả và được bán với giá rất đắt. Lần đầu tiên một người Âu châu ăn thịt chó cần phải dằn lòng, cảm thấy bị cứa nát trái tim và óc tưởng tượng của mình. Song đã quen rồi thì chẳng cảm thấy khổ đau chi nữa”. Tác giả Charles-Édouart Hocquard, một bác sĩ trong quân đội Pháp đóng tại Bắc kỳ, trong cuốn “Un Campagne au Tonkin”, xuất bản tại Paris vào năm 1892, đã viết: “Năm 1883, từ trong thành đi ra chợ Cửa Đông, tôi thấy có quá nhiều người bày bán thịt chó. Họ để cả con vàng ươm đã được mang từ ngoại ô vào”. Trong cuốn “Histoire Naturelle Civile et Politique du Tonkin”, xuất bản tại Paris năm 1778, Linh Mục Richard đã viết về thú ăn thịt chó của dân Đàng Ngoài: “Tôi chứng kiến họ mổ thịt con chó, sau đó họ chế biến ra các món”.

 



 Quảng cáo thịt chó.

 

Thịt chó được chế biến ra sao, nghe mà tốn nước miếng! Giản dị nhất là luộc, nhưng giản dị không có nghĩa là dễ làm. Tôi đã từng kể là trong một lần về Sài Gòn, nhà văn Văn Quang đã cất công đi xa mua chỉ một đĩa thịt chó luộc của một nhà hàng chuyên luộc thịt chó cho tôi thưởng thức. Quả thật tôi chưa từng bao giờ được ăn thịt chó luộc chấm mắm tôm ngon như vậy. Chẳng thế mà các cụ nhà ta đã ca tụng đây là thứ thịt “giắt răng ba ngày vẫn còn thơm”. Chả chìa, lòng hấp, rựa mận, xáo măng và dồi nướng là vài cách chế biến khác. Gia vị chính để nấu thịt chó gồm sả, giềng, mẻ, mắm tôm. Ăn kèm với cầy tơ là lá mơ, rau thơm, húng chó, hành sống, sả, ớt trái và bánh đa. Kể sơ sơ vậy thôi, chẳng nên tiêu phí nước miếng của dân thịt chó!

Các bạn ở Mỹ và các nước chê thịt chó, xin mời tới Canada chúng tôi, một nước văn minh hết cỡ. Muốn chỉ một miếng, một phần tư, nửa con hay nguyên con hay nước hầm xương chó đều có hết. Tự do…chó. Có một điều công ty Elwood’s Organic Dog Meat không nói chi tới bộ đồ lòng của chó. Có lẽ họ vứt bỏ hết. Thôi rồi món dồi chó nướng thơm phức, thứ mà xuống âm phủ không biết có hay không. Ông bạn ái thịt chó ở San Francisco của tôi đã bỏ chúng ta ra đi từ ít năm trước, có lẽ hỏi ông sẽ rõ, nhưng ông chẳng thèm trả lời trả vốn chi!

                                                       

 Song Thao                                                                                                              09/2022

 (Tác giả gởi)                                                                                           

www.songthao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét