Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG - Dương Viết Điền

 

                                         

Nhạc sĩ Lam Phương và Dương viết Điền

 

Chiều chủ nhật ngày 08 tháng 02 năm 2009, nhà văn Phong Vũ cùng tôi đến nhà nhạc sĩ Lam Phương nằm trên đường Stratford Way, thành phố Garden Grove, để tham dự buổi họp mặt của các anh em trong VĂN ĐÀN ĐỒNG TÂM. 

Sở dĩ có buổi họp mặt hôm nay vì nhà văn Việt Hải, chủ bút VĂN ĐÀN ĐỒNG TÂM muốn tập họp các tác giả đã viết bài liên quan đến Tuyển tập kỷ niệm về nhạc sĩ Anh Bằng lại để thông báo ngày tháng sẽ ra mắt Tuyển tập này. Nhạc sĩ Anh Bằng muốn khoản đãi tất cả những tác giả ở Nam Cali có viết bài trong tuyển tập này một chầu tại nhà hàng và có sự tham dự của nhạc sĩ Lam Phương. Vì sau Tuyển tập của nhạc sĩ Anh Bằng là Tuyển tập viết về nhạc sĩ Lam Phương. Anh chủ bút Việt Hải muốn có sự tham dự của nhạc sĩ Lam Phương để anh, chị, em có dịp gặp nhạc sĩ Lam Phương mà tâm sự và lấy cảm hứng để viết bài! Vì nhạc sĩ Lam Phương đang ngồi xe lăn nên đi đứng khó khăn. Vì vậy anh Việt Hải đề nghị với nhạc sĩ Anh Bằng họp mặt tại nhà  nhạc sĩ Lam Phương cho tiện. Dĩ nhiên nhạc sĩ Anh Bằng bằng lòng ngay.

<!>

Vì đi lộn hướng nên chúng tôi đến trễ khoảng mười lăm phút. Vừa vào nhà, tôi và anh Phong Vũ đã thấy tất cả anh, chị, em đang ngồi sát nhau để chuẩn bị chụp một bức hình làm kỷ niệm. Thấy tôi và anh Phong Vũ vừa vào, chị Bích Huyền nói to:

- Vào nhanh lên, hai anh đứng chung vào đây để chụp hình luôn.

Thế là tôi và anh Phong Vũ nhảy vào đứng sát cạnh với các anh chị em để chụp hình.

Sau khi chụp hình xong tôi liền chào hỏi tất cả các anh chị em và sau khi đảo mắt một vòng, tôi thấy lúc này trong phòng gồm có nhạc sĩ Anh Bằng, nhạc sĩ Lam Phương, nhà văn Bích Huyền, bác sĩ Peter Morita, nhà văn Việt Hải và phu nhân, nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi, nhà thơ Cát Ngọc, nhà thơ Quỳnh Giao, nhà văn Trịnh Thanh Thuỷ và phu quân là anh Quốc Hùng, cô Thuý Anh, xướng ngôn viên của đài Little Sài Gòn và phu quân là anh Nguyên Vũ, cô Jennifer Thu Hảo, thứ nữ của nhạc sĩ Anh Bằng, cô em gái của nhạc sĩ Lam Phương và phu quân, và một vài người tôi chưa quen biết. Sau đó tôi liền đến nơi nhạc sĩ Anh Bằng và nhạc sĩ Lam Phương đang ngồi rồi trịnh trọng bắt tay từng nhạc sĩ. Đối với nhạc sĩ Anh Bằng vì trước đây đã gặp rồi nên giờ đây tôi chỉ bắt tay rồi nhắc đến tên họ thì nhạc sĩ Anh Bằng nhớ ngay. Riêng nhạc sĩ Lam Phương vì chưa gặp bao giờ nên khi bắt tay nhạc sĩ Lam Phương tôi liền tự giới thiệu tên tuổi của mình với nhạc sĩ.

Sau khi tự giới thiệu về mình cho nhạc sĩ Lam Phương nghe, tôi liền hỏi sơ về tiểu sử của nhạc sĩ Lam Phương thì nhạc sĩ Lam Phương cho biết rằng, nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại tỉnh Rạch Giá.

Vì là một trong những người rất thích nhạc của nhạc sĩ Lam Phương cách đây gần nửa thế kỷ nên khi gặp nhạc sĩ Lam Phương tôi tâm sự với nhạc sĩ thật lâu và thật vui.

Tôi nhắc với nhạc sĩ Lam Phương về những lần nhạc sĩ đi theo đoàn kịch ra Đà Nẵng để dạo đàn cho các vở kịch mà nữ nghệ sĩ Kim Cương và nghệ sĩ đẹp trai Vân Hùng đóng vai chính. Tôi nhắc lại cho nhạc sĩ Lam Phương nhớ rằng lúc bấy giờ nhạc sĩ Lam Phương thật đẹp trai, tóc hai bên đầu chải tém láng mướt, ngồi dưới sân khấu đệm đàn guitare cho các vở bi kịch trông thật tuyệt vời!

Nghe tôi nói như vậy nhạc sĩ Lam Phương tỏ ra thích chí về quá khứ vang bóng một thời nên mở miệng nhẹ cười ha hả! Nhạc sĩ Lam Phương còn nói thêm với tôi rằng, thuở ấy nhạc sĩ ra Đà Nẵng hai ba lần, theo đoàn hát của nữ nghệ sĩ Kim Cương và ở trong khách sạn trên đường Độc lập tại thị xã Đà Nẵng. Thấy nhạc sĩ Lam Phương đang cười cười nói nói rất vui vẻ, tôi thừa thắng xông lên mở một mặt trận tấn công tới tấp như vũ bão vào  tâm hồn nhạc sĩ về những thắc mắc mà gần nửa thế kỷ nay, mọi người vẫn muốn tìm hiểu:

 - Anh Lam Phương nè, nhân vật “AI”  trong câu “Đôi khi muốn nói yêu AI nhưng ngại ngùng đành lãng phai” trong bài “ Kiếp Nghèo” của anh là người đẹp nào vậy anh?

Anh Lam Phương mở miệng nhẹ cười ha hả rồi nói:

- Chỉ tưởng tượng thôi mà!

Nghe nhạc sĩ Lam Phương nói như vậy, tôi liền tấn công tiếp:

- Vậy thì “Người em gái cũ” trong câu “Chạnh lòng tìm người em gái cũ, em tôi đã đi phương nào” trong bài “Chiều hành quân” của anh là người em gái nào vậy hở anh?

Nhạc sĩ Lam Phương  lại cũng mở miệng nhẹ cười ha hả rồi nói:

- Chỉ tưởng tượng thôi mà! 

Vì nhạc sĩ Lam Phương vẫn không chịu nói ra sự thật nên tôi liền nói đùa chơi với nhạc sĩ Lam Phương, theo sự hội ý của anh Phong Vũ và tôi lúc chúng tôi đang cùng ngồi trên xe trên đường đến tham dự buổi họp này:

- Anh nói ra những người đẹp kia là ai cho anh em biết với chứ. Nếu anh “không chịu thành thật khai báo”, sau này khi anh qua đời, tôi sẽ viết tên những người đẹp kia theo lời đồn đãi không đúng sự thật thì ở dưới suối vàng, làm sao mà anh an giấc được ngàn thu!

Tôi vừa nói xong thì nhạc sĩ Lam Phương bỗng cười hơi mạnh khiến chiếc xe lăn anh đang ngồi quay nhẹ về phía bên phải vài độ.

Nhưng rồi nhạc sĩ Lam Phương cũng nói ra sự thật mặc dầu chỉ khoảng một phần mười của sự thật mà thôi khi tôi hỏi tiếp :

- Trong bài “Vĩnh Biệt” của anh với câu cuối cùng của bản nhạc “Người ơi! Vĩnh biệt là ngàn đời!” nghe sao mà ai oán lâm ly, nghe sao mà đớn đau sầu thảm, nghe sao mà tang tóc sầu thương, chắc chắn tâm hồn anh lúc bấy giờ rất đau khổ vì xúc động quá mạnh để rồi nhờ vậy mà sáng tác nên một bản nhạc với gai điệu và lời lẽ thật tuyệt vời! Vậy thì anh vĩnh biệt người đẹp nào vậy hay cũng chỉ là tưởng tượng nữa anh ơi là anh ơi?

Nhạc sĩ Lam Phương cũng lại mở miệng nhẹ cười ha hả rồi đưa hai ngón tay cái và tay trỏ của bàn tay trái chụm lại rồi nói:

- Có chút chút, chút chút.

Nghe vậy tôi và anh Phong Vũ cùng nhau cười oà lên khiến anh chị em ngồi đằng xa nhìn về phía chúng tôi rồi cũng cười theo như cùng nhau san sẻ niềm vui trong chiều hội ngộ.

 

Tôi và anh Phong Vũ đang ngồi chuyện trò với nhạc sĩ Lam Phương thì thấy ký giả Lê Tam Anh tức nhà văn Lê Anh Dũng bước vào. Vừa vào trong phòng, anh Lê Anh Dũng liền nhìn anh em rồi nhìn nhạc sĩ Lam Phương và nói ngay như anh em quen biết với nhau từ lâu:

- Tôi biết  người yêu của nhạc sĩ Lam Phương trong bài “ Chiều hành Quân” là ai rồi.

Tôi biết rồi mà!

Thế rồi anh ta nói nhỏ với anh chị em trong phòng người yêu ấy là ai tôi cũng quên mất. Sau đó, tôi thấy nhà văn dược sĩ Vũ Văn Tùng và phu nhân từ ngoài bước vào.

Có lẽ anh chị Tùng bận việc nên đến hơi trễ. Người vào trễ nhất là nhà thơ Yên Thư. Có lẽ chị Yên Thư cũng bận việc riêng nên đến hơi trễ và là người cuối cùng tham dự buổi họp mặt chiều hôm ấy.

Mấy phút sau, tôi xin phép anh Lam Phương để đến gặp nhạc sĩ Anh Bằng. Tôi và nhạc sĩ Anh Bằng ôn lại chuyện cũ lúc gặp nhau tại nhà hàng Seafood Restaurant năm trước. Ngồi nói chuyện với nhạc sĩ Anh Bằng phải nói hơi to tiếng và cách xa ông ta khoảng một gang rưỡi thì ông ta mới nghe được vì tai đã bị lãng từ lâu. Sau đó tôi quay sang nói chuyện với các anh chị em trong Văn Đàn Đồng Tâm.

Bỗng có một thiếu nữ bưng một chiếc bánh sinh nhật được đặt trên một cái khay từ trong bếp tiến ra phòng khách chỗ nhạc sĩ Anh Bằng và chúng tôi đang ngồi. Thiếu nữ này vừa đi vừa hát “Happy birthday to you”. Có lẽ rất nhiều người không biết chiếc bánh sinh nhật nầy là để mừng nhân vật nào đang hiện diện trong phòng ngày hôm nay. Nhưng tất cả mọi người khi nghe thiếu nữ này hát cũng đều hát theo làm cho không khí trong phòng tự nhiên đầm ấm và vui vẻ thêm lên. Sau khi đặt chiếc bánh sinh nhật xuống trên bàn trước chỗ ngồi của nhạc sĩ Anh Bằng, thiếu nữ bưng chiếc bánh sinh nhật liền tuyên bố:

- Hôm nay là ngày sinh nhật của nhạc sĩ Anh Bằng.

Thế là tất cả mọi người trong phòng mới vỡ lẽ và đồng loạt vỗ tay để mừng ngày sinh nhật của nhạc sĩ Anh Bằng làm cho không khí trong phòng vui nhộn thêm lên. Thảo nào trên chiếc bánh sinh nhật, tôi thấy có con số 84 ngoài mấy chiếc đèn cầy được thắp sáng.

Nếu nhìn vóc dáng và khuôn mặt của nhạc sĩ Anh Bằng ngày hôm ấy, tôi nghĩ rằng nhạc sĩ Anh Bằng khoảng 68 tuổi là cùng. Vậy mà nhạc sĩ Anh Bằng đã 84 tuổi. Vì vậy mà nhiều người đã đùa giỡn có lẽ vì nhạc sĩ đã yêu đến 48 người đẹp nên mới trẻ như thế khi thấy số 84 thành số 48, nếu được nhìn ngược từ phía chỗ ngồi của nhạc sĩ Anh Bằng nhìn ra. Sau khi thổi tắt lửa trên mấy ngọn đèn cầy, nhạc sĩ Anh Bằng trịnh trọng cầm dao cách bánh sinh nhật để mừng mình đã được 84 tuổi. Sau đó chúng tôi cùng nhau chúc mừng tuổi thọ nhạc sĩ Anh Bằng.

Khi thấy anh Quốc Hùng, phu quân của chị Trịnh Thanh Thuỷ đang đệm đàn cho chị Thuỷ hát bài “Duyên kiếp” của nhạc sĩ Lam Phương cho nhạc sĩ Lam Phương ngồi nghe ở đằng kia,  tôi liền đến hỏi nhỏ bên tai nhạc sĩ Lam phương:

- Anh à, vậy thì nhân vật “Em” trong bài “Duyên kiếp” nầy của anh là ai vậy thưa anh?

Nhạc sĩ Lam Phương cũng chỉ cười ha hả rồi nói:

- Tưởng tượng thôi mà!

Hỏi mấy rồi nhạc sĩ Lam Phương cũng trả lời “tưởng tượng thôi mà” nên đành chịu thua vậy! Chợt nhớ đến bài “Chuyến đò vỹ tuyến” tôi liền nói với nhạc sĩ Lam Phương:

- À, anh Lam Phương này, lúc tôi nghe bài “Chuyến đò vỹ tuyến” của anh, không phải chỉ một mình tôi mà rất nhiều người cứ tưởng anh là người Bắc kỳ di cư vào Nam anh ạ.

Vì nội dung bài này rõ ràng là sự quằn quại và đau khổ của một anh chàng nào đó đã di cư vào miền Nam khi đất nước bị chia đôi làm chàng ta nghẹn ngào lúc quá nhớ người yêu nên phải thốt lên rằng “Anh ơi! Ai nỡ chia đôi bờ, để tình ta ngày tháng phải mong chờ!”. Với bài này, tôi thấy anh đúng là một thiên tài của âm nhạc vì trí tưởng tượng của anh đã đạt đến cao điểm để rồi làm cho tâm hồn anh rung cảm thật tuyệt vời!

Nghe tôi nói vậy nhạc sĩ Lam Phương vừa mỉm cười vừa giải thích cho tôi nghe như sau:

- Sở dĩ tôi sáng tác bài này vì lúc bấy giờ khi đọc báo, tôi thấy đất nước mình bị chia đôi thật quá đau lòng nên nhờ sự xúc động mãnh liệt của con tim và cũng nhờ sự tưởng tượng khá mạnh nên mới sáng tác nên bản nhạc “Chuyến đò vỹ tuyến” này anh ạ. Năm đó tôi đã mười bảy tuổi.

Lúc chỉ có một mình tôi ngồi nói chuyện với nhạc sĩ Lam Phương, bỗng tôi chợt hỏi nhỏ bên tai anh:

- Hồi ấy, khi bản nhạc “Kiếp nghèo” của anh được phổ biến trong quần chúng, có tin đồn là lúc bấy giờ vì anh yêu ca sĩ Thuý Nga không được nên anh sáng tác nên bài đó phải không?

Nhạc sĩ Lam Phương trả lời ngay:

- Không có đâu. Người ta đồn tầm bậy đó anh ạ.

Vì câu chuyện vừa đến khúc quanh của sự đau buồn của nhạc sĩ Lam Phương nên tôi đã hỏi anh với những lời lẽ tương đối nghiêm chỉnh và thận trọng:

- Mấy mươi năm nay, chị Tuý Hồng có đến thăm anh không?

Với khuôn mặt không được vui lắm, nhạc sĩ Lam Phương trả lời:

- Không anh ạ. Tôi cũng chẳng để ý đến làm gì nữa.

Thế rồi tôi lại hỏi tiếp anh qua một bản nhạc khác mang tựa đề là “Lầm” với câu “Anh đã lầm đưa em sang đây”. Tôi hỏi nhạc sĩ Lam Phương nhân vật “EM” trong bài này là ai, nhạc sĩ Lam Phương trả lời:

- Nhân vật “EM” trong bài này ai cũng biết hết cả rồi anh ạ.

Bỗng chị Bích Huyền đến gặp nhạc sĩ Lam Phương để hỏi chuyện riêng gì đó nên anh Phong Vũ đứng gần cửa sổ ngoắc tôi lại đến chỗ anh ta đang đứng, rồi chỉ hai con chim nho nhỏ có màu sắc thật đẹp đang nằm trong lồng và nói :

- Anh biết đây là hai con chim gì không? Chim Họa Mi đấy.

Tôi nói với anh Phong vũ :

- Có chắc không ?

Anh Phong Vũ vừa nói với tôi vừa cười:

- Anh đến hỏi anh Lam Phương xem có phải không?

Tôi liền đến hỏi anh Lam Phương xem có phải hai con chim trong lồng là chim Họa Mi không thì nhạc sĩ Lam Phương nói không phải. Anh nói đó là loại chim két lúc còn nhỏ nó như thế đấy.

Một sự ngạc nhiên khác là Thu Hảo và Thuý Anh đã chuẩn bị mục ca hát giúp vui. Nhạc sĩ Nguyên Vũ xử dụng đàn keyboard synthethizer, Thúy Anh làm MC và ca sĩ. Con trai của hai người là bé Đức Khang, tay cầm bó kẹo, tiếng Việt nói rất chuẩn. Thuý Anh đưa cháu ra giới thiệu với mọi người, lúc đó miệng cháu đang ngậm kẹo, vội vàng nhả kẹo để ra trình diễn bài “Ô mê ly”. Cô Thuý Anh, xướng ngôn viên của đài Little Saigon, một MC duyên dáng, dí dỏm cho chương trình văn nghệ tự phát ngày hôm nay.

 Để mở đầu chương trình, cô Thúy Anh hát ngay bài “Nỗi lòng người đi” của nhạc sĩ Anh Bằng. Tiếp theo đó cô liền hát bài “Bài tango cuối cùng cho em” của nhạc sĩ Lam Phương để tặng cho hai nhạc sĩ.

Khi thấy cô Thuý Anh trình diễn, tất cả mọi người trong phòng đều khen ngợi vì giọng ca cũng như bộ điệu của cô ta không khác gì các ca sĩ nổi tiếng cả. Vì vậy khi cô Thuý Anh vừa dứt, tất cả mọi người đều vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

 Sau đó cô Thuý Anh mời chị Trịnh Thanh Thuỷ lên hát một bài và người đệm đàn là phu quân của chị.

Tiếp theo chị Trịnh Thanh Thuỷ là phu quân của chị Thuỷ vừa đàn vừa hát một bài.

Sau phu quân chị Thuỷ, cô Thuý Anh bỗng đưa tay chỉ về phía tôi rồi mời tôi lên hát.

Rất tiếc là tôi đang bị cảm nên giọng còn khàn khàn, đáng lẽ tôi không lên hát. Nhưng vì sau mấy mươi phút vừa mới tâm sự với nhạc sĩ Lam Phương xong nên tôi cũng lên hát đại vài bản nhạc của nhạc sĩ Lam Phương để chứng tỏ mình thưở ấy đã hâm mộ nhạc của nhạc sĩ Lam Phương thật sự vậy, mặc dầu đã mấy chục năm rồi không biết bây giờ có còn thuộc làu như xưa không.

Thế là tôi hát hai bài, bài thứ nhất mang tựa đề “Kiếp nghèo” và bài thứ hai là “Chiều hành quân”. Mặc dầu đang còn bị cảm nhưng tôi cũng không bỏ cuộc nửa chừng. Cuối cùng tôi cũng hát xong hai bài. Sau khi tôi hát xong, nhạc sĩ Lam Phương nhìn tôi nói:

- Giọng còn khá lắm, còn ấm lắm!

Tiếp theo là bài Mùa thu lá bay do Bác sĩ Peter Morita hát. Vì bị cảm nên Bác sĩ Peter Morita hát bản nhạc này không bằng trước đây anh ta hát cho tôi nghe.

Sự thật ai biết hát thì lên hát cho vui cửa vui nhà mà thôi chứ anh chị em trong chiều hội ngộ này ai cũng lớn tuổi cả rồi. 

Tiếp theo đó, chị Bích Huyền cũng hát một bản nhạc của nhạc sĩ Lam phương, bài “Đèn Khuya”, để giúp vui trong chiều hôm ấy.

Chị ngồi ở ghế bên cạnh nhạc sĩ Lam Phương, vừa cầm micro vừa hát rất thân mật và đầm ấm như hát cho anh chị em trong gia đình ngồi nghe vậy.

Trong lúc anh chị em vui chơi văn nghệ, cô Jennifer Thu Hảo mời tất cả mọi người dùng cơm trưa ăn theo kiểu buffet với nhiều món ăn rất hợp khẩu vị của giới nghệ sĩ. Bỗng chị Quỳnh Giao cầm một mảnh giấy trao cho cô em-xi Thuý Anh và nói rằng, đây là một bài thơ chỉ có bốn câu thôi do chị Quỳnh Giao vừa mới sáng tác xong để tặng nhạc sĩ Anh Bằng. Vậy yêu cầu cô Thuý Anh ngâm lên để cho mọi người cùng nghe. Thế là cô Thuý Anh liền ngâm bốn câu thơ kia ngay không một phút chần chờ. Tất cả mọi người trong phòng đều vui tươi và hân hoan cũng như rất ngạc nhiên khi thấy giọng ngâm của cô Thuý Anh thật hay, thật điêu luyện!   

Bốn câu thơ của chị Quỳnh Giao sáng tác như sau:

Anh đem tiếng nhạc vào đời

Bằng câu ca để cho người mai sau

Tình quê tình bạn trước sau

Tám mươi tư tuổi với nhau trọn tình.

Cuối cùng vào khoảng 4 giờ 30 chiều, anh chị em trong Văn Đàn Đồng Tâm cùng nhau chào tạm biệt nhạc sĩ Anh Bằng và nhạc sĩ Lam Phương để ra về và hẹn nhau ngày ra mắt sách về Tuyển Tập của nhạc sĩ Anh Bằng sẽ gặp lại.


 Dương Viết Điền

K1 ĐH/CTCT/ĐL

(Tác giả gởi)

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...