Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Quả táo - Truyện Đào Hiếu

 

Đào Hiếu (Author of Vua Mèo)

Đào Hiếu

Cách suy nghĩ và những xử sự của các nhân vật trong truyện này đã có thời được xem như chuẩn mực đạo đức của cả một thế hệ.

Ông thủ trưởng rất bực mình vì có nhiều người hiểu lầm về chuyện ăn sáng của mình. Ban đầu chỉ là chuyện ở nhà ông, thế rồi tiếng đồn lan tới một số nơi khác và chuyện được thổi phồng lên, vẽ vời quá đáng.

Ông không ăn sáng ở nhà, vì ở cơ quan đã có người lo cho ông.

<!>

Thế mà các đồng chí ở cùng nhà với ông như đồng chí bảo vệ, đồng chí chị nuôi, đồng chí bí thư chi bộ, đồng chí lái xe, đồng chí làm vườn… thì cứ nghĩ rằng ông nhịn bữa sáng. Nhất là ông cụ bí thư chi bộ. Từ hồi kháng chiến đến giờ, ông cụ lúc nào cũng ở bên cạnh ông thủ trưởng. Ông là người đồng chí, mà cũng là người phục vụ lâu đời nhất của thủ trưởng.

Trong nhà có bốn đảng viên – kể cả thủ trưởng – nên lập thành một chi bộ  và ông cụ được bầu làm bí thư của cái chi bộ ấy. Ông tỏ ra rất ái ngại về chuyện thủ trưởng nhịn ăn bữa sáng đến nỗi gặp ai, ông cũng đem chuyện ấy ra nói.

Một hôm ông đến trường cô giáo Hòa để xin phép cho đứa cháu ngoại nghỉ bệnh. Cô Hòa thấy ông già cả mà phải đạp xe lọc cọc nên hỏi tại sao không gọi điện thoại cho tiện thì ông cụ bí thư chi bộ nói:

- Không nên phung phí điện thoại. Ông thủ trưởng nhà tôi cả đời sống tiết kiệm. Cô có thể ngờ được rằng sáng nào ông cũng nhịn đói để đi làm không?

- Có thể bác ấy bị đau dạ dày.

- Không. Ông rất khỏe. Cao lớn. Cô thường thấy trên ti-vi đấy. Có bịnh hoạn gì đâu. Nhưng dẫu sao ông cũng có tuổi, không thể sáng sớm ra đường với cái bụng trống không. Chính vì thế mà lần nào họp chi bộ tôi cũng đưa vấn đề ấy ra. Lần nào đồng chí ấy cũng cười và nói khôi hài rằng chẳng những ông có ăn sáng như mọi người mà còn ăn sang trọng nữa. Nhưng cô thấy không, ai mà tin được những lời bông đùa ấy. Chính vì thế mà anh em trong chi bộ chúng tôi đã ngầm quyết định góp tiền lại để lo bữa sáng cho đồng chí thủ trưởng.

Cứ như thế mà chuyện ăn sáng của ông thủ trưởng được truyền tụng trong dân gian như một bài học về đức tính cần kiệm.

Cô Hòa còn đi xa hơn, cô đã nhiều lần linh động đưa chuyện ấy vào các tiết học đạo đức  lớp Năm mà cô phụ trách.

Ông thủ trưởng có lẽ chưa biết chuyện này, nếu biết chắc là sẽ bực mình hơn gấp bội phần.

Nhưng chuyện làm ông khó chịu nhất vẫn là chuyện quả táo. Trong bữa ăn sáng, thay vì ly cafe sữa thì sáng nào ông cũng thấy hai quả táo đặt cạnh dĩa hột gà ốp-la và ổ bánh mì. Ban đầu ăn táo còn thấy ngon miệng, ăn riết thấy chán. Thế mà vừa bước vào phòng làm việc ông đã thấy nguyên một thùng táo to đặt nằm trên bàn. Ông cũng không thèm nhìn cái mảnh giấy nhỏ đính trên thùng táo xem đó là tặng phẩm của ai.

Hết giờ làm việc ông xách cặp ra về nhưng vừa bước ra cửa, sực nhớ cụ bí thư chi bộ già nên quay lại, mở thùng táo ra, lấy một quả thật to bỏ vào cặp. Đồng chí lái xe đợi ông ngay dưới chân cầu thang.

Xe chạy thẳng về nhà.

Buổi chiều mát dịu. Ông thủ trưởng muốn đi dạo quanh vườn hoa trong nhà một lát. Ông đi quanh quanh mấy gốc cây ngọc lan, cây sứ, ông ngắt mấy cái lá sâu trong cụm hoa cúc vàng, ông xem chừng mấy cái vú sữa đã bắt đầu bóng lên… và những trái vú sữa  nhắc ông nhớ tới trái táo lúc nãy ông đem về.

- Biếu cụ.

Người bí thư già ngừng tay nói:

- Đồng chí để mà ăn đi. Tôi có làm việc gì nhiều đâu mà phải bồi dưỡng.

Thủ trưởng cười:

- Cụ cầm đi. Ăn cho vui mà.

Ông cụ đành cầm quả táo. Quả táo đỏ, no tròn và láng bóng, ngời lên giữa các ngón tay nhăn nheo đen đủi của người đảng viên già. Quả táo đẹp và cao quý đến nỗi người đảng viên già cảm thấy mình không xứng đáng để cầm nó, huống hồ là ăn. Sự quan tâm của thủ trưởng khiến ông cụ thấy hổ thẹn, nghĩ lại cả ngày hôm nay ông chưa làm được việc gì có ích cả, ông thấy lòng bức rứt. Ông đưa quả táo trả cho thủ trưởng:

- Đồng chí giữ lấy mà dùng. Tôi đã có tiêu chuẩn của tôi rồi. Nhà nước mình đã tính toán cả. Đồng chí cần phải bồi dưỡng vì đồng chí làm việc hơn tôi rất nhiều.

Nhưng thủ trưởng vẫn không nhận lại quả táo.

- Tôi đã có lòng biếu cụ, chẳng lẽ cụ lại không nhận.

Thế rồi thủ trưởng bỏ đi, để lại ông bí thư chi bộ già ngồi một mình tần ngần với quả táo trên tay. Ông xoay quả táo xinh đẹp giữa các ngón tay.

Nếu chuyện quả táo có vậy thôi thì ông thủ trưởng chẳng có gì phiền lòng. Đằng này cũng giống như cái vụ "ăn sáng" dạo nọ, nó lại được những tấm lòng đầy tình nghĩa  của những đảng viên trong chi bộ nhà ông thêu dệt quá đáng. Chẳng hạng như cụ bí thư chi bộ thì tối hôm đó cứ trằn trọc mãi vì quả táo. Cụ tự trách mình đã tỏ ra thiếu cương quyết khi nhận quả táo, lẽ ra cụ phải thấy rõ vấn đề hơn, phải hiểu rằng nhà nước đã đặt ra tiêu chuẩn bồi dưỡng bằng hiện vật cho cán bộ cao cấp như thế là có "ý nghĩa chính trị" của nó, và mình nhận quả táo như thế là không hiểu gì về cái ý nghĩa đó, là mất quan điểm, và tóm lại là kém chính trị vô cùng.

Cứ suy nghĩ như thế, cụ bí thư chi bộ không ngủ được. Cụ định sáng hôm sau sẽ mời thủ trưởng họp chi bộ đột xuất để bàn vụ quả táo, nhưng vì cụ thức khuya nên gần sáng lại ngủ mê đi, đến lúc thức dậy đã gần tám giờ, thủ trưởng đã đi làm rồi, thành ra không họp được, đợi tới chiều tối thì có điện thoại của ông gọi về báo là bận tiếp khách nước ngoài, thế là cụ bí thư bỏ ý định họp chi bộ. Dù vậy, cụ rất áy náy về chuyện này và cụ đi đến quyết định dứt khoát: không ăn quả táo.

Nhưng nghĩ cho cùng thì quả táo cũng là tài sản xã hội chủ nghĩa, không nên bỏ phí đi. Thế thì làm thế nào?

Cụ lại trằn trọc suốt một đêm nữa, mãi đến gần sáng cụ mới tìm ra một giải pháp. Một giải pháp rất hay, rất sáng tạo, vừa  có tính quần chúng lại vừa có giá trị giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục tư tưởng "mình vì mọi người" một cách cụ thể và sâu sắc.

Rất may, hôm nay nhằm sáng chủ nhật, người bí thư già liền bỏ quả táo vào túi, lên xe đạp, lọc cọc đến nhà cô giáo Hòa.

Lũ con của cô giáo đã thức dậy và đang chơi nhảy dây trong hẻm. Thấy có khách đến, chúng chạy ùa về, gọi ríu rít:

- Má ơi ! Có ông đến thăm.

Thấy khách là cụ bí thư, Hòa ngượng quá. Miệng thì mời ngồi mà tay thì mở cái mùng vải cũ xì ra sếp lại, dọn mấy thứ rau lang rau muống vung vãi tung tóe khắp nhà. Ông cụ thấy chị tíu tít thì cười, bảo chị ngồi xuống ghế:

- Mấy nhỏ lại đi đâu rồi?

- Chắc chúng đi nhảy dây.

Ông cụ lấy quả táo ra đưa cho Hòa:

- Cho chúng nó.

Hòa trố mắt nhìn quả táo:

- Ở đâu có trái táo ngon quá vậy?

- Đây là tiêu chuẩn của thủ trưởng nhưng đồng chí ấy thấy tôi già yếu nên nhường cho tôi. Nhưng tôi lại muốn ưu tiên dành cho thiếu nhi. Tặng cho các cháu là đúng hơn cả.

Ông cụ tặng quả táo xong, cáo từ ra về.

Hòa cầm quả táo trên tay mà xúc động muốn chảy nước mắt. Tự nhiên trong lòng chị, những tình cảm cao đẹp lại nổi lên. Chị thấy mình nhận quả táo là có lỗi. Chị không thể nào quên việc ông thủ trưởng nhịn ăn sáng đi làm, thế mà có được quả táo ngon lại nghĩ đến cụ bí thư già. Còn cụ già thì ốm yếu lụm cụm như thế, được quả táo ngon lại cũng nghĩ ngay đến thiếu nhi, thế thì chị, chị lại chẳng biết nghĩ đến người khác sao?

Chị thấy vấn đề "sáng" ra vô cùng và chị gom mấy đứa nhỏ lại.

- Má sắp kể cho các con nghe một chuyện cổ tích, các con có thích không?

Dĩ nhiên là bọn nhỏ rất thích. Hòa kể:

- Ngày xưa có gia đình kia sống rất hòa thuận, thương yêu lẫn nhau. Một hôm ông nội có một quả táo nhưng vì thương cháu nên không ăn và đem cho đứa cháu. Đứa cháu được quả táo rất mừng, định ăn, nhưng lại nghĩ đến ba mình làm việc vất vả suốt ngày nên để dành quả táo cho ba. Người cha nhận được quả táo cũng rất cảm động nhưng lại nghĩ đến cha mình già yếu nên lại nhường quả táo cho cụ già. Rốt cuộc quả táo lại trở về tay của người cho. Các con có hiểu ý nghĩa đạo đức trong câu chuyện đó không?

Lũ nhỏ im lặng. Có lẽ chúng chưa hiểu gì mấy, vì thế Hòa kể lại câu chuyện với những lời giải thích rành rẽ hơn. Và thế là cuối cùng lũ nhỏ cũng hiểu được má chúng muốn gì. Nhưng chúng vẫn im lặng nhìn quả táo một cách thèm thuồng. Lát sau đứa chị bảo hai em:

- Thôi, đi nhảy đây!

Lũ trẻ bước đi nhưng đầu còn ngoái lại.

Cái nhìn đó làm Hòa đau xót nhưng chị nghĩ: Đôi khi muốn bảo vệ những giá trị đạo đức mình phải biết thắng những tình cảm yếu đuối. Và chị cất quả táo vào giỏ xách.

Buổi chiều cụ bí thư đi mua thuốc rê về đã thấy quả táo trên bàn mình. Quả táo đỏ chói nằm bên cạnh một mảnh giấy nhỏ ghi lý do tại sao quả táo lại có mặt trên bàn ông.

Cụ bí thư chi bộ đọc xong mảnh giấy, lòng bồi hồi xúc động. Cụ nghĩ, trẻ con mà còn biết đạo lý  lẽ nào lại ta không biết hay sao? Thế là cụ quyết định (bởi vì cụ biết nếu không quyết định thì thế nào đêm nay cũng mất ngủ)  đem quả táo lên phòng thủ trưởng.

Chiều nay thủ trưởng bận đi dự liên hoan tổng kết  ở một xí nghiệp nọ nên về trễ nửa giờ. Ông bước xuống xe, và vì uống bia nhiều nên ông muốn lên phòng ngay.

Vừa đẩy cửa bước vào ông đã thấy quả táo giữa bàn. Quả táo bây giờ đã trở nên đỏ bầm như một trái tim, một trái tim trung thành tội nghiệp. Nhưng nó không làm ông cảm động, trái lại, sự liên tưởng ấy đã làm nổi dậy trong ông nỗi bực dọc khó tả. Và để khỏi phải chưởi thề ông giận dữ ném mạnh quả táo ra đường cái.

 

Đào Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...