Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Đi Mỹ - Truyện Trần Yên Hòa

 Đi du lịch Mỹ 2022 cần bao nhiêu tiền? Kinh nghiệm đi Mỹ tiết kiệm

Buổi sáng trời Sài Gòn nóng. Cái nóng muôn đời của miền nhiệt đới. Xe cộ chạy rồi ùn tắt. Từng đợt, từng đợt. Đứng lại, đạp thắng chân hay bóp thắng tay. Hai bàn tay đen đuổi của Ngàn nỗi lên những đường gân xanh xám. Có lẽ, cuộc kiếm tìm miếng ăn đã làm cả thân xác anh khô quắt đi. Đôi cánh tay sạm nắng. Chiếc mobilettle như con ngựa già rít lên từng chặp rồi lếch thếch kéo lê thân xác Ngàn cùng một dõ “cần-xé” hàng phụ tùng xe đạp, đi suốt ngày, trên những chặng đường nắng cháy da. 

<!>

Buổi sáng thức dậy lúc 5 giờ, đánh răng, vệ sinh qua quít rồi dắt xe ra đường. Một ngày anh đi hơn một trăm cây số, đến các hãng sản xuất phụ tùng xe đạp ở các ngõ ngách của Chợ Lớn, lấy những món hàng mà các tiệm bán phụ tùng đã đặt hôm qua, rồi nếu không đủ hàng, anh phải len lỏi vào chợ Tân Thành lấy thêm hàng bổ sung. Một ngày. Chạy xe qua lại trên những con đường quen thuộc với những người chủ hãng quen thuộc, đến những bạn hàng quen thuộc, anh loay hoay như con gà mắc đẻ, đến chỗ này, tấp chỗ kia. Một ngày, lại một ngày và nhiều ngày như thế.

Từ ngày ở trại tập trung ra, lúc đó anh vui sướng và hạnh phúc bao nhiêu khi dệt trong đầu mình những ước vọng nhỏ. Ước vọng nhỏ chứ làm sao có ước vọng lớn được, khi anh trở về với cái “Giấy Ra Trại” và cái mức quản chế lên đến một năm. Ước vọng nhỏ đó là một cuộc sống bình yên với gia đình và anh sẽ làm một nghề gì đó, có thể là bằng trí óc, như sẽ xin đi dạy ở một trường cấp một, anh sẽ đứng trên bục giảng để giảng cho lớp trẻ những bài về Toán hay Việt văn. Anh lúc nào cũng lạc quan vì anh đã hạ cuộc sống mình đến mức thấp nhất. Với mấy chứng chỉ đại học, anh nghĩ mình có thể thực hiện điều đó dễ dàng. Nhưng đó là cái lạc quan tếu, thật tếu, tếu nhất. Anh đã nghĩ về chế độ mới bằng một cái nhìn cầu an và dung dị. Cuộc sống cứ cho anh những lạc quan mà sự thật bi quan, lúc nào cũng chờ chực đẩy anh xuống miệng hố đen ngòm.

Anh làm sao xin đi dạy với cái bản án trên vai - sĩ quan ngụy - sáu năm tập trung cải tạo. Sự thật đã làm những giấc mơ xanh rờn nhỏ nhoi cũng vụt bay biến. Anh nhìn rõ hiện thực hơn và đầu óc anh cũng hiện thực hơn. Anh không thể làm một nghề gì bằng trí óc cả. Cái chất xám của bảy năm trung học, bốn năm đại học, là một hiểm họa hơn là hạnh phúc. Cho nên anh phải bước xuống đời bằng hai cánh tay và đôi chân. Từ đó, anh trải qua biết bao nhiêu nghề một cách chật vật, bán bánh bò bánh tiêu, vá xe đạp lề đường, chẻ củi thuê, chạy xích lô đạp và bây giờ là đi bỏ hàng phụ tùng xe đạp.

Buổi sáng đã có những khí nóng hầm hập. Buổi trưa thì nắng cháy da, ngột ngạt và đầy buị bặm. Buổi chiều kẹt xe trong những giờ tan sở, hít thở mùi cống rãnh và những làn khói u ám từ những ống bô xe. Coi như suốt cuộc sống anh là ở ngoài đường. Anh cũng thuộc vào những người sống với hè phố, lề đường, riết rồi thành quen.

Buổi trưa, khoảng hơn mười hai giờ, Ngàn đã lấy xong hàng. Anh nhẩm tính trong đầu, bây giờ bắt đầu từ những tiệm đặt hàng anh sẽ đến bỏ mối, những tiệm gần nhất đến tiệm xa nhất. Anh sẽ phải đi qua các đường theo tuần tự, đường Tô Hiến Thành, Ngã Ba Ông Tạ, ngã tư Phú Nhuận, Ngã Ba Chú Iá, Chợ Gò Vấp rồi quẹo lên bến xe Tây Ninh, đổ xuống đường Lạc Long Quân, rồi qua đường Bình Tiên. Anh phải đi đến tối mịt để thu tiền, nhiều bạn hàng đến sớm quá, họ sẽ nói chưa bán được hàng, làm sao thu tiền để ngày mai lấy hàng tiếp tục.

Nắng, nắng cháy da, nắng sém người. Chiếc xe mobilette thân thiết như con ngựa già trung thành, lệch bệch mà cũng đưa anh đến nơi, về đến chốn.

Buổi chiều trời nắng dịu lại. Ngàn chạy xe từ từ qua đường Bình Tiên. Từ cầu Bình Tiên đổ dốc, xe chạy nhẹ nhàng và lòng anh cũng thênh thang với những tình cảm ngọt ngào. Đó là anh sẽ gặp Nương, cô chủ một tiệm xe đạp nhỏ mà anh đã bỏ hàng suốt mấy năm qua.

Nương đang ngồi trên một cái ghế nhựa thấp, sau quày hàng chưng toàn đồ phụ tùng, nào là ghi đông, potâng, niềng, vè, ba ga, thắng, xích. …Nương là cô gái quê ở Bến Tre, cô có đôi mắt lớn và nụ cười thật tươi, cùng giọng nói miền Nam nhỏ nhẹ. Cô thường hỏi Ngàn:

“- Sao anh Ngàn vợ bỏ lâu rồi mà không lấy vợ khác đi. Lấy vợ đi chứ già rồi hết duyên đó.”

Những lúc đó thì Ngàn thường hay đỏ mặt lên, nhưng vì có lẽ da mặt anh dang nắng suốt ngày nên đen cháy, khiến Nương không thể nhìn thấy cái cảm động pha cái e thẹn của anh. Anh trả lời lấp liếm:

- “Tôi bây giờ ai ưng nữa mà lấy vợ, nghèo quá Nương à.”

Những lúc ấy Nương thường nói một câu, nửa như an ủi, nửa như vỗ về, để khơi dậy cho anh niềm hy vọng, chứ mấy ông đi cải tạo về toàn là mấy ông chán đời số một:

- “Anh mà ế gì, có khối cô mê.”

Ngàn biết là Nương nói cho Ngàn vui vậy thôi, chứ anh không thấy trong đôi mắt xinh đẹp kia có chút gì loé lên, có hình bóng anh trong đó. Bởi vì, trong mỗi khi Nương vui là anh biết liền, đó là khi cô kể những đêm cô đi hát karaokê với người bạn trai, người bạn trai mang đôi giày Adidas trông đẹp làm sao, cô ngồi trên chiếc DD màu đỏ của chàng nữa chứ. Mỗi lần cô kể đôi mắt cô thật sâu hun hút, nó báo hiệu cho Ngàn thấy rằng anh không có một chút nào chứa trong đôi mắt đó, nhưng anh cũng vui lây với niềm vui của cô gái.

Nương hăm tám tuổi, cái tuổi con gái cũng đã qua những ngày xuân sắc. Nhưng cô vẫn còn đẹp với cái nhìn của Ngàn. Ngàn bốn mươi lăm, đã có một gia đình mà nay qua cuộc thăng trầm đã tan tác.

Ngàn dừng lại những sạp hàng khác, trước khi đến sạp của Nương, vì anh muốn dành cho mình những giờ phút cuối ngày, để được nhìn nụ cười của cô với ánh mắt có hai con mắt lớn. Ngạn muốn thi vị hóa đơn phương về một hình bóng người con gái khơi động trong tim anh những hình ảnh dịu dàng, nó như buổi chiều tỉnh lặng ngồi trong quán cà phê, uống một ly đen ngon, đậm, được nghe những bản nhạc tình mà anh thích. Đó là cái thú vui đơn độc, rẻ tiền, không hại ai, của Ngàn hằng mấy năm nay.

Khi Ngàn dừng trước sạp hàng của Nương thì anh đã thấy Thiệu đã ngồi ở đó. Thiệu là bạn cũng bỏ hàng như anh. Hai người có những hoàn cảnh giống nhau, cùng đi cải tạo về, cũng lê la đầu đường xó chợ để kiếm sống, cũng gãy gánh giữa đường. Thiệu còn “"ôm sô”" nuôi mấy đứa con.

Ngàn dựng xe, xách cái bao lác có đựng những món hàng mà Nương đã đặt mua hôm qua. Anh bước vào quán, cười với Nương:

“- Chào cô Nương, chào anh Thiệu, hôm nay Nương bán được không?”

“- Cũng tạm tạm, anh có đem hàng đủ cho em không?”

- “Có đủ đây, người đẹp đặt hàng thì ai dám thiếu.”

Đó là câu nói đãi bôi, chứ thực ra anh bỏ hàng kiếm lời thì ai đặt hàng nhiều thì anh phải cung cấp cho đủ số, thứ nhất là anh có lời, thứ hai là anh phải bỏ hàng đủ thì lần sau người ta mới đặt hàng nhiều nữa.

Ngàn lấy những món hàng ra để trước mặt Nương. Nương săm soi từng món rồi đem cất lên kệ. Ngàn vừa viết toa vừa nói chuyện với Thiệu:

- “Có tin tức gì mới không, anh Thiệu?”

Đó là câu nói thường khi hai người gặp nhau. “Tin mới” đây là tin tức truyền miệng nhau từ những người cải tạo trở về, là Mỹ sẽ cho nhập cảnh những người đã ở tù lâu. Đó là tin đồn râm rang, làm nhiều anh em trong diện đó cũng mất ăn mất ngủ. Trước đây, Ngàn nghe theo lời bạn bè, đã gởi qua toà đại sứ Mỹ ở Thái Lan hồ sơ và anh đã nhận được tờ giấy Hứa Nhập Cảnh. Đọc tờ "Loi" anh thấy mình như bay bỗng lên trời cao khi anh nghĩ mình sẽ được đến một xứ sở khác. Nhưng khi tỉnh người lại, anh vẫn thấy mình đang lặn, ngụp, bò lếch, giữa buổi trưa Sài Gòn nắng cháy.

Thiệu cười cười, kê miệng vào tai Ngàn:

“- Cũng có mấy tin mà không biết có đúng không? Đài BBC hôm qua đưa tin có một đại tướng Mỹ sẽ qua Việt Nam để họp về chuyện ra đi của bọn mình.”

Ngàn hỏi dồn:

“- Thật không?”

- “Thật chứ, nghe đài thì tôi có nghe, có tin ông đại tướng Mỹ qua họp thật, không biết về vấn đề gì thì mình không chắc. Mình nghĩ là việc Ra Đi Có Trật Tự”

Ngàn hân hoan trong lòng. Anh tin Thiệu, vì Thiệu ít ăn nói vung vít, phao tìn đồn nhiều hơn tin thật. Hồi ở trong trại cải tạo, biết bao nhiêu tin đồn làm cho nhiều người tù cải tạo nín thở. Dù sao trong anh vẫn có nhiều mộng tưởng, mà mộng tưởng đi Mỹ cũng là một mộng tưởng hạnh phúc, như mơ tưởng được yêu một người con gái đẹp, có tâm hồn, sẽ làm vợ anh, mà cô đó hát hay, sẽ hát cho anh nghe những bài tình ca diễm tuyệt. Mộng tưởng thì có tốn đồng xu cắt bạc nào đâu.

Nương chuẩn bị dọn hàng. Cô cười với Ngàn với đôi mắt lớn:

- “Anh Ngàn và anh Thiệu sướng nhé, rồi đây các anh đi Mỹ hết, ai sẽ bỏ hàng cho em bán đây.”

Ngàn biết Nương đã nghe câu chuyện giữa anh và Thiệu. Ngàn nói đùa:

- “Nếu được đi Mỹ, anh sẽ dẫn em đi, chịu hông?”

Nương nói một câu làm Ngàn cụt hứng:

- “Đừng có xạo cha, thôi bỏ đi tám.”

Đó là câu nói bình dân của những người Nam bộ, anh có thấy không vui chút đỉnh nhưng anh cũng cười cầu tài:

- “Nói vậy chứ đi Mỹ đâu có dễ.”

Rồi anh chuyển đề tài:

- “À, mai Nương có lấy hàng gì thêm không đây?” “

- Anh lấy cho em mười cây potâng, 5 ghi đông cánh én và mười cặp dè inox.”

Ngàn lấy sổ ghi hàng. Nương lấy tiền trả và nói:

“- Hôm nay bán ế, anh lấy em hai mươi ngàn thôi nghe.”

- “Cũng được, mai nhớ để dành tiền cho anh.”

Xong, Ngàn rũ Thiệu:

“- Anh Thiệu, anh xong hàng hết chưa, mình qua bên kia đường kiếm cái gì lai rai chút đỉnh, nhe.”

Thiệu nói:

- “Mình đang đợi cậu đây, qua bên kia có quán phá lấu.”

Hai người chào Nương, Nương nói vói theo Ngàn:

- “Anh Ngàn uống ít thôi nhe, khéo mà quên đường về.”

Anh nói vói lại:

“- Yên chí đi.” 

*

Quán phá lấu của chú ba Tàu đơn sơ đến độ, chỉ có mấy cái bàn thô sơ đặt sát nhau, mấy cái ghế nhựa màu xanh, đỏ. Người chủ cởi trần trùng trục đứng trước quày chào hỏi vồn vã:

“- Mời hai anh vào lai rai.”

Thiệu xuống xe, anh dắt xe dựng vào khoảng đất trống phía ngoài, rồi nói với vào:

- “Chào chú Bảy, buôn bán khá không?”

- “Cũng được được thôi, thời buổi này ai làm ra tiền nhiều mà nhậu nhẹt.”

Ngàn cũng vừa dựng xe xong, anh bước vào quán, lên tiếng xăng xái:

- “Có tôi nhậu đây, được không chú Bảy?”

Chú Bảy đáp lời:

- “Được chứ sao không, quán đang ế khách mà.”

Đây là quán phá lấu bình dân mà thỉnh thoảng Thiệu và Ngàn hay tới đây lai rai ba sợi. Gặp nhau sau một ngày làm việc, chạy hàng xuyên suốt các ngã đường Sài gòn mệt bở hơi tai, hai người muốn tìm một chút yên ả qua hơi men, qua những cơn nhức nhối đến tận tim óc về sự bất hạnh của mình. Rượu đôi lúc cũng làm người đang ở chỗ thấp nhất của xã hội lại nghĩ mình đang ở trên cao. Như vậy gọi là uống để quên, quên hiện tại, quên đời, cũng đúng.

Hai người ngồi xuống cái ghế nhựa thấp, Thiệu cất cái nón rộng vành đội trên đầu xuống. Cái nón rộng vành như người Mê-hi-cô trong các phim cao bồi. Thế mà mát, dang nắng suốt ngày ngoài đường thì đội cái nón này là tiện nhất. Lấy cái nón ra khỏi đầu, Ngàn mới thấy đầu tóc của Thiệu bạc hơn. Mới trên năm mươi tuổi, mà cuộc bể dâu thăng trầm đã làm anh thay đổi quá nhiều. Mái tóc muối nhiều hơn tiêu, gương mặt xương xẩu và đen, hàm răng vàng ố vì hút thuốc suốt ngày, khiến Thiệu mất hẳn cái phong độ của anh phó ty cảnh sát ngày cũ. Bây giờ đi chạy gạo suốt ngày để nuôi năm đứa con, làm sao không "bở hơi tai" cho được.

Thiệu hỏi:

- “Uống gì đây?”

“- Thì một xị đế trước đi, với một đĩa phá lấu.”

Thiệu gọi rượu và đồ nhấm. Hai người ngồi trầm ngâm, chả biết nói gì. Đã bao nhiêu lần hai người ngồi nhậu với nhau, khi thì ở đây, khi thì ở ngã bảy, khi thì ở Thị Nghè. Gặp đâu nhậu đó, nhậu để quên. Còn chuyện vãng chỉ là chuyện ngày cũ, chuyện ngày hai người còn có chức có quyền, chuyện những mối tình đã qua, chuyện những tháng ngày cải tạo, hoàn cảnh của hai người đã ghi sâu vào lòng nhau nên biết hết. Nên không nhắc đến nữa, vì nhắc đến chỉ thấy tim mình se lại, đau đớn như bị những mủi dao đâm.

Ngàn hỏi cho có chuyện:

- “Độ rày anh bỏ hàng khá không?”

- “Ế, ế sặc gạch, đi cả ngày mà chỉ kiếm đủ ăn, mấy đứa nhỏ phải phụ thêm.”

- “Tụi nó làm gì?”

- “Thằng Thứ đi bán trà đá ở bến xe miền Đông, con Vân bán thuốc lá lẻ.”

- “Kiếm được khá không?”

“- Đủ phụ mua gạo.”

- “Còn ba đứa kia?”

“- Đi “móc bọc.”

Thiệu có năm đứa con, lúc anh đi cải tạo, đứa nhỏ nhất mới sinh, bây giờ đã lên mười. Anh trở về, những đứa con thất tán, anh chạy đi tìm, gom lại, như con gà mẹ gom con buổi tối về chuồng. Anh xin tá túc tại một xưởng cưa của người bạn, che một cái mái ở tạm.

Hàng ngày đi làm về, có lúc say, có lúc tỉnh, anh vẫn thường đưa mắt nhìn lên ngôi nhà ở đường Nơ Trang Long, ngôi nhà anh đã ký cóp tạo dựng nên, bây giờ đã đổi chủ, đã là của một cán bộ cách mạng mua hóa giá của nhà nước. Anh đã mất hết sau cuộc đổi đời.

Ngàn an ủi:

- “Thôi thì tạm sống qua ngày, mà giấy tờ anh gởi qua Thái Lan có hồi báo chưa?”

“- Vẫn chưa thấy, mà cũng khó quá, cái chỗ tôi ở không có số nhà.”

“- Thì xin địa chỉ của người bạn.”

- “Cũng sợ phiền nó, ai cũng sợ liên lụy.”

“- Chớ không có địa chỉ làm sao liên lạc được, làm sao có thư hồi báo.”

Hai người im lặng một lúc lâu. Ngàn đưa ly rượu lên miệng nói:

- “Dô hết ly này đi anh.”

- “Dô thì dô”

Hai người uống cạn ly rượu. Đây là ly thứ ba.

Ngàn nghĩ đến chuyện mượn địa chỉ liên lạc thư từ bây giờ cũng rất khó khăn. Anh có biết một người đàn em học ở quân trường Đà Lạt, đi cải tạo về sống ngoài quê, thấy địa chỉ xã ấp không rõ ràng sợ thư bị lạc, khi nghe tin đồn chuyện làm hồ sơ đi Mỹ, vội vô Sài Gòn gởi thư qua Thái Lan, đến nhà một người đàn anh khóa trước, xin nhờ địa chỉ, người đàn anh từ chối thẳng thừng, “mày lấy địa chỉ của tau, rủi có gì, mấy ông công an tới bắt tau sao?” Đó là cái sợ chung, sợ bóng sợ vía, sợ bóng sợ hình, sợ đủ thứ chuyện.

Thiệu nói giọng dật dờ:

“- Tôi ghi đại địa chỉ xưởng gỗ, trầm trầy may rủi. Nếu làm đơn chính thức thì tôi sẽ về Long An khai. Giấy ra trại tôi về dưới đó mà.”

Mỗi người có một suy nghĩ, một lo toan riêng, nhưng cái chính là phải kiếm cái ăn trước đã.

Ngàn quay lại chuyện tin đài BBC:

“- Khi hôm anh nghe đài BBC hả?”

Thiệu gật đầu:

“- Thì nghe lén thôi, cái radio cũ quá nên nghe câu được câu mất, như tôi nói khi nãy, tin ông đại tướng Mỹ qua Việt Nam bàn thảo về chương trình Ra Đi Có Trật Tự.”

- “Nghĩa là cũng chỉ mới bắt đầu thương lượng?”

“- Thì bắt đầu, nhưng bắt đầu là triệu chứng tốt. Chắc có lẽ đã thương lượng bên trong, bây giờ mới ra công khai nên mới có tin tức.”

Ngàn nghĩ cũng có lý. Tin tức trong nước cái gì cũng kín như bưng, đến khi tất cả thế giới đều hay thì báo trong nước mới bắt đầu loan tin, mà cũng rất ngắn gọn, dè dặt.

Thiều chuyển hệ:

- “Thôi đến đâu hay đến đó, nói hoài chỉ thêm suy nghĩ. Sao mày không "“vô"” con Nương đi, con Nương trông cũng có nét lắm đó chứ!”

Khi Thiệu chuyển hệ “mày tau” thì Ngàn biết Thiệu đã bắt đầu say. Thiệu lớn hơn Ngàn khoản năm tuổi nên Ngàn lúc nào cũng gọi Thiệu bằng anh, còn Thiệu thì thường gọi Ngàn bằng tên, nhưng lúc “vô cơ” tí rượu là Thiệu mày tau tút xuỵt. Ngàn thấy vui vì cái thân tình ấy. Thiệu người miền Nam nên tính tình bộc trợt, nghĩ đâu nói đó, không để tâm.

“- Vô sao nổi mà vô ông, người ta con gái con đứa, mình thân đi cải tạo về, vợ bỏ.”

- “Thế mày nói tụi mình giờ mạt hạng rồi sao?”

- “Kiếm ăn ngày hai bữa còn không ra, ai dám đèo bòng.”

Nói xong câu đó, Ngàn tự nhiên thấy đôi mắt mình như có một dòng lệ. Dòng lệ âm thầm từ trong tim quằn quại chảy qua từng động mạch. Đó là nỗi đau của người đã đánh mất một thời trai trẻ, một gia đình êm ấm. Dòng nước mắt đó đúng là nước mắt khô không lệ.

Ngàn noí tiếp:

“- Con Nương mơ cao lắm.”

“- Mơ gì, mơ ai?”

- “Người con trai phải có chiếc DD đỏ, mang giày Adidas, chở em đi hát karaokê.”

- “Mày đừng lo, đó là bề ngoài thôi, mày phải tấn công em lâu dài, mưa dầm thấm đất.”

Ngàn vỗ bàn than:

- “Ở đây tôi mệt mỏi lắm rồi, ông ơi, tôi chỉ muốn đi Mỹ!”

Thiệu chửi thề:

- “Đ. mẹ, nói như cứt, đi Mỹ ai mà không ham.”

Hai người uống thêm một xị nữa rồi mới lẫn thẩn dắt xe rời khỏi quán.

Một ngày rồi cũng qua.

 

Trần Yên Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét