Có thể có người không đồng ý, nhưng theo tôi, Nguyễn Ngọc Tư là hiện
tượng tiêu biểu, nổi bật nhất của sinh hoạt văn xuôi Việt, 40 năm qua,
kể từ 1975 tới 2015 trong số những người viết trẻ.
Nguyễn không cần phải mượn lớp màn che, trướng phủ của lịch sử đã
lùi xa hàng trăm năm. Nguyễn cũng không cần lớp sơn son thếp vàng của
dã sử, huyền sử, để chuyển thông điệp tới người đọc. Thậm chí, Nguyễn
cũng không cần phải khai thác thân thể người nữ với những bản năng thú
tính, để tự “P.R” với độc giả!!!
“Cánh đồng bất tận,” của Nguyễn Ngọc Tư, với tôi, là “bạch
văn.” Nó không cần phải che đậy, mặc khoác cho nó, bộ quần áo vàng mã,
lòe loẹt. Nó cũng không là những ẩn dụ phải cần đến sự giải mã của những
nhà phê bình, hay chiêng trống như những tùy tinh chung quanh nhà xuất
bản hoặc, nhà phát hành… Nó trực tiếp ghi nhận những hiện thực xã hội
ngồn ngộn sần sượng; cùng lúc với những thơ mộng nhiều thi tính của sông
nước miền Tây – đặc biệt, Đất Mũi, nơi Nguyễn sinh ra và lớn lên.
Ngay tự những dòng chữ đầu tiên, mở vào “Cánh đồng bất tận,” chỉ với một đoạn văn ngắn, Nguyễn Ngọc Tư đã cho thấy tài năng sớm chín muồi của một nhà văn, khi viết:
“Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết
định dừng lại, mùa hạn hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi
này. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang
chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn…”
Một đoạn văn ngắn thôi, mà đã có tới hai nhân cách hóa… “dẫn đường” vào không khí truyện, khô hạn, hung hãn, gom hết lửa… và, những cây lúa chết non, cong như tàn nhang chưa rụng…
Rồi những nhân vật đến cuối đời vẫn không nhận được một nụ cười thân
ái nào của định mệnh, lần lượt xuất hiện. Đó người cha của nhân vật nữ
chính, xưng “tôi.” Đứa em trai bị ẩn ức tâm, sinh lý, cô gái làng
chơi, quá “đát” dạt trôi về vùng có con kinh nhỏ - - (Nạn nhân, đồng
thời cũng là nguồn khát khao rạo rực thầm kín (hay niềm vui) của đám đàn
ông nông dân vùng đất hạn. Đến độ họ “…quên phứt vụ lúa thất bát cháy khô trên đồng, quên nỗi lo đói no giữa mùa giáp hạt...”
Đó là những mảnh đời mâu thuẫn, âm u được Nguyễn Ngọc Tư thể hiện
song song với bản năng thú tính, hận thù vô thức và, gốc bản thiện mơ hồ
của con người.
Mô tả người đàn bà làm nghề không vốn, bị đánh ghen, được những nhân vật chính trong “Cánh đồng bất tận” mở lòng thương xót, Nguyễn Ngọc Tư viết:
“…Rồi ngọn lửa hoi hót thở dưới nồi cơm đã lên tim, người đàn bà vẫn
còn nằm trên ghe. Ngay cả ý định ngồi dậy cũng xao xác tan mau dưới
những tiếng rên dài. Môi chị sưng vểu ra, xanh dờn. Và tay, và chân, và
dưới cái áo mà tôi đã đắp cho là một cái áo khác đã bị xé tả tơi phơi
những mảng thịt người ta cấu nhéo tím ngắt.
“Và những chân tóc
trên đầu chị cũng đang tụ máu. Người ta đã lòn tay, ngoáy chúng để kéo
chị lê lết hết một quãng đường xóm, trước khi dừng chân một chút ở nhà
máy chà gạo. Họ giằng ném, họ quăng quật chị trên cái nền vương vãi
trấu. Vai nữ chính, một người đàn bà xốc xếch đã lạc giọng, đôi lúc lả
đi vì ghen tuông và kiệt sức. Nhưng đám đông rạo rực chung quanh đã vực
tinh thần chị ta dậy, họ dùng chân đá vói vào cái thân xác tả tơi kia
bằng vẻ hằn học, hả hê, quên phứt vụ lúa thất bát cháy khô trên đồng,
quên nỗi lo đói no giữa mùa giáp hạt. Cuộc vui hẳn sẽ dài, nếu như không
có một ý tưởng mới nảy ra trong cơn phấn khích. Họ dùng dao phay chặt
mái tóc dày kia, dục dặc, hì hục như phạt một nắm cỏ cứng và khô. Khi
đuôi tóc dứt lìa, được tự do, chị vùng dậy, lao nhanh xuống ghe chúng
tôi như một tiếng thét, lăn qua chân tôi, đến chỗ cha, làm đổ những bao
trấu cha vừa mới xếp…”
Những cực tả, như “cao trào” của “cuộc vui” liên tiếp đẩy bi kịch tới
đỉnh điểm cao nhất, với nhiều hình ảnh không thể khốc liệt hơn: “...Họ dùng dao phay chặt mái tóc dày kia, dục dặc, hì hục như phạt một nắm cỏ cứng và khô…”
Rồi:
“Đám người ngơ ngác mấy giây để chấp nhận việc con mồi bỏ chạy. Tôi
mất mấy giây để háo hức thấy mình nghĩa hiệp như Lục Vân Tiên, tôi lồm
cồm xô ghe dạt khỏi bờ, sợ hãi và sung sướng, tôi cầm sào chống thục
mạng ra giữa sông, mắt không rời đám người đang tràn ra mé bờ chực lao
xuống, nhảy nhót điên cuồng. Rồi tiếng chửi rủa chói lói chìm đi, tiếng
bầy vịt tao tác kêu dưới sạp chìm đi, trong tôi chỉ có âm thanh của
chiếc máy Koler4 nổ khan, rung bần bật dưới tay Điền, khạc ra những đám
khói khét lẹt, đen ngòm. Khói trôi về phía sau chúng tôi, mờ nhoè những
bóng người đang tuyệt vọng ngó theo, bàn tay nào đó cầm nắm tóc của chị
vẫy lên phơ phất phơ phất…”
Độ lạnh được ném về mức zero hoặc xa dưới âm độ trong “Cánh đồng bất tận” không chỉ chừng đó. Dọc theo không gian ba chiều của “Cánh đồng bất tận,” người đọc còn phải chạm mặt với những bản năng, thú tính khác, của con người!.!
Tôi vẫn có xu hướng theo dõi những mô tả nhân vật, cảnh vật, tâm lý,
với những so sánh, liên tưởng hay nhân cách hóa của một cây bút nào đó;
hầu từ đấy, tôi có được cảm nhận riêng về tài năng hay tài hoa cây bút
ấy.
Viết tiếp về người đàn bà “làm đĩ” Nguyễn Ngọc Tư ghi nhận:
“Nhưng chiều hôm đó và cả ngày sau, chị không ăn. Chị từ chối cả uống
nước, đợi đôi môi khô đã bắt đầu nứt ra, chị mới chịu hớp một vài ngụm
ít ỏi, dường như chỉ đủ ướt môi. Đói và khát, nhưng chị còn sợ đau hơn.
Người ta đã đổ keo dán sắt vào cửa mình của chị…
“Tôi nói lại với cha và Điền trong bữa cơm. Tôi nghe hai người lặng
đi, tiếng đũa tre khua vào miệng chén ngưng bặt. Điền ngó tôi và tôi thì
đọc được sự ghê sợ, kinh tởm dồn lên trong mắt cha. Điền chan nước vào
chén, lua vội vàng rồi men theo con đường đất dọc mé kinh, nó đi vào
trong xóm. Tôi dặn vói theo, ghé tiệm mua giùm ngàn rưỡi đường cát.
“Chắc gió đã bạt mất lời tôi, khi quay về, Điền không mang theo gì,
nó lẳng lặng xòe tay trước mặt tôi, tay nó dính một lớp gì đó, bóng
mượt, trong suốt, và đang khô quánh lại, khiến những ngón tay đơ ra như
đá. Điền bảo, ‘Keo dán sắt…’ Dường như những người sản xuất ra loại keo
này cũng không ngờ nó nhiều công dụng đến thế. Hai chị em tôi tỉ mẩn lột
lớp keo ra, mảng da non trên bàn tay nó bỏng đỏ nhừ, tươm máu. Chúng
tôi cùng ngó về chỗ khoang ghe, nghe tiếng thở thênh thang cùng gió…”
Như đã nói, ở đường bay văn chương của Nguyễn Ngọc Tư, người đọc luôn
gặp được nhiều hình ảnh đầy thi tính, như cụm từ khép lại đoạn văn trên
của Nguyễn: “Chúng tôi cùng ngó về chỗ khoang ghe, nghe tiếng thở thênh thang cùng gió…”
Và, nữa:
“…Chúng tôi đã gặp nhiều, rất nhiều người phụ nữ giống chị. Cứ mỗi
mùa gặt, họ lại dập dìu trên đê, lượn lờ quanh lều của những thợ gặt,
những người đàn ông giữ lúa và bọn nuôi vịt chạy đồng. Họ cố làm ra vẻ
trẻ trung, tươi tắn nhưng mặt và cổ đã nhão, nhìn kỹ phát ứa nước mắt.
“Đêm đến, sau các đụn lúa, họ thả tiếng cười chút chít, tiếng thở mơn
man… lên trời, làm nhiều người đàn bà đang cắm cúi nấu cơm, cho con bú
trong lều thắt lòng lại. Tối nào mua rượu cho cha, chúng tôi cũng đi
ngang qua đôi người. Chúng tôi nhận ra họ ngay, khi không còn mảnh vải
nào trên người họ vẫn điềm nhiên cười khúc khích và uốn éo thân mình chứ
không trơ ra ngượng nghịu, cam chịu như những người phụ nữ quê. Sáng
sau, họ xiêu xiêu biến mất, đem theo mớ tiền công ít ỏi suốt một ngày
làm việc quần quật của đám đàn ông.
“Chị, cũng giống như họ, chớm tàn tạ, đói rã ruột ở thị thành mới
chạy xuống quê, cất cái quán nhỏ, giả đò buôn bán bánh kẹo lặt vặt, thực
chất là làm nghề. Ở đó đàn ông dễ tính và thiệt thà. Chị sống nhờ những
món tiền họ cắm câu đêm đêm, bằng tiền bán lúa, dừa khô hay những buồng
chuối chín. Cũng có lúc thu hoạch bất ngờ, khi chị mồi chài một người
đàn ông vào trò chơi giường chiếu, suốt hai ngày đêm, và chị được một
triệu hai. ‘Đó là vốn vay xóa đói giảm nghèo’, khi về tới nhà, với tám
trăm ngàn còn lại trong túi, hẳn người đàn ông ấy não nề biết bao nhiêu,
oán chị biết bao nhiêu khi thấy vợ con nheo nhóc bu quanh nồi khoai
luộc trong nhập nhoạng nắng chiều…”
Tôi nghĩ, có thể vì những tương phản cực tả hiện thực nhầy nhụa trong “Cánh đồng bất tận”
của Nguyễn Ngọc Tư đã khiến nhiều quan chức đất Mũi đặt vấn đề, đòi tác
giả phải “giải trình”? Họ không chấp nhận hiện thực xã hội, vì ở đất
Mũi, theo họ, không thể có cái cảnh “…hẳn người đàn ông ấy não nề
biết bao nhiêu, oán chị biết bao nhiêu khi thấy vợ con nheo nhóc bu
quanh nồi khoai luộc trong nhập nhoạng nắng chiều…” - Ngay cả khi đó là hư cấu hoặc dương bản phóng lớn của mảng tối xã hội, đời thường.
Bi kịch trong “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ
dừng ở đó. Hiện thực xã hội, đời thường ở vùng đất Mũi, giai đoạn thay
da, đổi thịt, từ một vùng hoang dã, khô hạn, nóng rang gió lửa, để bắt
kịp thời “đổi mới”, còn được tác giả “nâng cấp” khi giữa truyện, Nguyễn
hé lộ cho thấy sự vắng mặt của người mẹ nhân vật nữ chính, được một
trong những người đàn ông hành nghề thương hồ khen là “người đàn bà có cái cười lấp lánh cả khúc sông”
– Một so sánh đẹp, mới mẻ, với tôi, không thể thơ hơn… Dù mặt khác, đó
cũng là nguyên nhân khiến người đàn bà kia, một hôm, tất tả bỏ lại
chồng, con ra đi, biệt dạng!.! Khi con bà, vô tình cho biết họ đã mục
kích cảnh mẹ họ “…trên chiếc giường tre quen thuộc, má oằn uốn người dưới tấm lưng chơm chởm những nốt ruồi” của gã thương hồ; để trả tiền khúc lụa màu đỏ, mà người đàn bà được tặng bởi gã thương hồ bán vải!
Về phương diện văn chương, đó là một trong trang văn xuôi đẹp của
Nguyễn Ngọc Tư - - Cái đẹp của những giọt lệ chắt ra từ nữ tính khao
khát tấm lụa phủ thân! Nó cũng có thể được ví như những giọt máu oan
nghiệt tươm ứa trên môi, trên ngực, trên thân thể người đàn bà nhẹ dạ:
“…Tôi chưa bao giờ thấy cái màu đỏ lạ lùng ấy. Đỏ hơn bông bụp ngoài sân, đỏ hơn máu. Má ngó chúng tôi, hỏi: ‘Gì mà nhìn trân trân vậy hai đứa?’ Tôi nói, ‘Má lạ quá hà, nhìn không ra’. Má mừng quýnh, ‘Thiệt hả?’ Tôi muốn khóc quá chừng, má con xa lạ với nhau mà sao lại mừng?
“Một bữa tôi chiêm bao, chẳng đầu chẳng cuối gì, chỉ thấy vía má
giãy dụa trong tấm vải đỏ lạ lùng kia nhưng nó thít chặt, riết lấy, siết
dần cho tới khi má thành một con bướm nhỏ, chấp chới bay về phía mặt
trời. Giật mình thức dậy mới hay mình ngủ quên trong kẹt bồ lúa, con chó
Phèn ngoài hè nôn nóng cào đất rột rẹt chỗ cái lỗ chui (Chắc má tưởng
hai chị em tôi đi chơi nên chốt cửa trước cửa sau mất rồi). Mà Điền ngồi
ém ngay đó, lì ra, không cục cựa, mình nó mướt mồ hôi, không có vẻ gì
là nó đang khóc, nhưng nước mắt chảy ròng ròng. Tôi ôm đầu nó, giấu ánh
nhìn của nó vào ngực mình.
“Đứa mười tuổi quay lưng lại, đứa chín tuổi úp mặt vô áo chị nó,
nhưng cả hai vẫn như thấy rõ ràng, trên chiếc giường tre quen thuộc, má
oằn uốn người dưới tấm lưng chơm chởm những nốt ruồi. Họ cấu víu. Vật
vã. Rên xiết.
“Đó là hình ảnh ấn tượng cuối cùng của má tôi trên nền một cái nhà
nhỏ, đằng trước có bộ bàn chữ U, bộ vạc tre, rồi đến một cái bồ lúa nhỏ
dựng gần giường ngủ, và gian bếp thấp. Quanh hè, dài theo những lối đi
ra vườn, ra bến là những cục đá tảng, những thân dừa chẻ hai, cha tôi đã
hì hục lót để suốt một mùa mưa, chân má tôi không bị dính sình bùn.
“Suốt nhiều năm sau đó, tôi không dám nhớ má, bởi ngay vừa khi nghĩ
đến má, ngay lập tức hình ảnh ấy hiện ra. Theo đó là rực rỡ trên da thịt
màu vải má tôi vừa đổi được (không phải bằng tiền, hay lúa). Mà, đáng
lẽ phải nhớ tới khúc má nằm võng hát đưa mình ngủ ấy, hay đoạn má ngồi
giặt áo bên hè, hay má cúi đầu giữa vầng khói mơ màng, thổi lửa bếp ung…
“Má có rất nhiều hình ảnh đẹp, và cả khuôn mặt lo lắng của má khi
chiều ấy vẫn còn đẹp, nhìn thấy nước mắt không ngừng tuôn rơi trên mặt
thằng Điền, má thảng thốt hỏi: ‘Mèn ơi, mắt con sao vậy?’ Tôi trả lời,
day day chậm rãi, ‘Chắc tại nó nhìn thấy chuyện bậy đó, má. Trưa nay nó
ngủ kẹt bồ lúa’. Má chết lặng nhìn tôi, cái nhìn như lịm đi trên khuôn
mặt đẹp não nề. Không thể giải thích vì sao tôi lại hể hả.
“Và tôi luôn nghĩ rằng chính vì câu nói đó mà má tôi ra đi.
(…)
“Sáng sau, thím (Tư) đi chợ, tới bến tàu, cho hay ‘Vợ Út Vũ bỏ nhà.
Theo trai’. Ông chủ chiếc đò chạy tuyến Hưng Khánh nói lại với mấy bà
bạn hàng, và chiều lại cha tôi mới nhận được lời nhắn ấy khi đang lên
đòn dong cho một ngôi nhà gần chợ Hội. Nghe nói cha tôi còn cười, giọng
ra vẻ giận, ‘Bộ hết chuyện giỡn rồi sao, cha nội?’ Có vẻ khó tin, khi
một người nghĩ rằng, chỉ cần mình hết lòng yêu thương, gánh hết sự kiếm
sống nhọc nhằn thì sẽ được đền đáp xứng đáng. Có vẻ buồn cười… Và cha
tuột xuống đất, run rẩy…
“Quãng hành trình về nhà có vẻ rất dài và khắc nghiệt, nó vắt kiệt
cha tôi. Cha cười cay đắng, khi thấy quần áo má còn treo trong nhà, còn
cả cái khăn tắm và đôi dép Lào cũ, như thể má đang chơi bên xóm, chỉ cần
thằng Điền kêu má sẽ xấp xãi chạy về, mừng húm hỏi ‘Đi chuyến này nữa
là đủ tiền mua ti vi màu, phải hôn anh?’
“Coi kỹ thì má không đem theo gì. Chi tiết đó làm đau lòng người ở
lại, nó cho thấy người đi đã chẳng suy nghĩ, đắn đo, đã không một chút
trù trừ, chỉ rũ mình cái rột, sạch trơn, vậy thôi.
“Cha đem tất cả đồ đạc của má đem đốt. Khói bay mù mịt trong nhà, mùi
vải, mùi nhựa cháy khét lẹt, những cái áo hồng áo tím rúm ró lại, chảy
thành những giọt tro. Cha nhìn ngọn lửa, mặt đanh lại, rồi mắt bỗng rực
lên, ngây ngất vì một ý nghĩ mới lạ…”
Đôi người có ý so sánh văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư với hai nhà văn tiền bối Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam.
Riêng tôi, tôi không thấy một gần gũi nào giữa ba tác giả ở hai giai
đoạn văn chương, khác nhau quá xa này. Họ chỉ có một điểm đồng quy là sử
dụng tối đa ngôn ngữ Nam Bộ. Ngoài ra, nếu Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam
gặp nhau ở bối cảnh Nam Bộ thời khai hoang, đất phèn chưa lắng thì,
Nguyễn Ngọc Tư lại giới thiệu vùng quê Nam Bộ trong giai đoạn đầu của nỗ
lực hiện đại hóa, với tất cả những chông chênh, lệch pha của một thứ
học đòi tư bản… mới.
Lại nữa, là phụ nữ, nên cách xử dụng động từ, tính từ… của Nguyễn
Ngọc Tư, như những cái liếc mắt sắc lẻm dao cau - - Một ưu thế khác của
Nguyễn trong cuộc trường chinh chữ, nghĩa. Thí dụ:
“Cho dù người đàn ông ấy có quá nhiều nốt ruồi, cho dù chẳng cao ráo,
đầu ít tóc… nhưng với chiếc ghe chở đầy vải vóc, những người đàn bà lam
lũ quê tôi vẫn thường trông ngóng ông ta. Tất cả họ đều trở thành trẻ
thơ khi bước chân lên ghe, họ tíu tít, háo hức, họ thèm muốn đến bồn
chồn rồi dùng dằng trở lên bờ với tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi, thấy
mình già khi ngang qua bồ lúa vừa hót bớt một lỏm, thằng cha bán vải lấy
mấy giạ mà như khứa một ít tuổi xuân đi. Cả đời, cái bồ lúa luôn làm
lòng họ đau đáu, khi nghĩ tới bệnh tật, chuyện cất lại cái nhà, hay dựng
vợ gả chồng cho con cái.
“Bồ lúa nhà tôi đã cạn từ sau Tết. Điều đó làm má tôi hơi buồn, nhưng
người bán vải xăng xái bảo, ‘Cô Hai cứ coi đi, không mua cũng được –
rồi ông ta sửng sốt khi thấy má rạo rực khi ướm thử những khúc vải rực
rỡ lên người – Chèn ơi, coi nó bình thường vậy mà khoác lên mình cô Hai
lại thấy sang quá trời…’
(Với tôi, động từ “khứa” trong ngữ cảnh “…thằng cha bán vải lấy mấy giạ mà như khứa một ít tuổi xuân đi...” Là một chữ không thể “đắt” hơn mà, ngay với thi ca, chúng ta cũng ít gặp).
Cũng vậy, ở đoạn văn ngắn sau đây, những tính từ được Nguyễn chọn
dùng, cũng đậm tính thi ca. (Một thiếu vắng trầm trọng nơi văn xuôi của
những cây bút trẻ, hôm nay):
“…Những bữa ăn nối tiếp nhau trong im lặng. Lúc và cơm, tôi hay bị ảo giác, tưởng mình đang ngồi trên cánh đồng của chín năm trước. Một cánh đồng miên viễn với gió lắt lay những khói nắng héo xèo, một nhúm mây rất mỏng và rời rạc bay tha thểu trên cao. Đường chân trời mờ mờ xa ngái. Một vài gò mả loang lổ dưới chòm trâm bầu. Tiếng chim kêu nhỏ từng giọt thiu thỉu. Mùi rạ mới quyện với bùn tanh tanh. Bầy vịt rúc đầu vào nách, ngủ ơ hờ dưới bóng cây tra treo từng chùm bông vàng tuyệt vọng lay như những chiếc chuông câm…”
.
Vượt trên mọi bi kịch đã được Nguyễn Ngọc Tư đẩy thấu đáy vực kiếp
người vô nghĩa, người đọc tinh ý, sẽ nhận ra, những trang văn cuối,
trước khi khép lại “Cánh đồng bất tận” thì, tinh thần nhân bản,
truyền thống hiếu sinh của người Việt, đã tỏa sáng như một vầng hào
quang, một chiếc cầu vồng ngũ sắc, nối liền hai chân trời: Đọa lạc cầm
thú và, tính bản thiện ngời ngợi lẩn khuất đâu đó, nơi mỗi con người
Việt Nam mà, Nguyễn Ngọc Tư là một biểu tượng. Đó là đoạn tác giả mô tả
nhân vật nữ chính tỉnh lại, sau khi bị đám “côn-đồ-ruộng” hãm hiếp. Cô
hỏi người cha cuối đời còn phải khứng chịu thêm oan nghiệt mới:
“- Không biết con bị có con không cha?”
Và, một người khác, (không xưng tôi) trong cô, lên tiếng:
“Nó hơi sợ hãi. Cảm giác một cái gì, nhỏ xíu nhưng lanh lợi như con
loăn quăn đang ngụp lặn trong nó. Đứa con gái thoáng nghĩ, rớt nước mắt,
trời ơi, có thể mình sẽ sinh con. Nhưng nó chấp nhận việc ấy, dù phũ
phàng (với nó, chấp nhận cũng là một thói quen).
“Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường... Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn. /.”
.
Phải chăng, Nguyễn Ngọc Tư muốn nói:
- Bản án thầm lặng mà thời gian dành những người càng sống lâu, sẽ
càng tạo thêm nhiều lầm lỗi?!? Và họ thực sự, đáng được tha thứ?
Du Tử Lê
(Garden Grove, Apr. 2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét