Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

“Miss Saigon”, Vết Hằn Năm Tháng - Vương Trùng Dương  

Miss Saigon: 25th Anniversary (2016) - IMDb


Theo bản tin VOA, 23/11/2022, vở nhạc kịch “Miss Saigon” từng gây tiếng vang của hai biên kịch người Pháp là Claude-Michel Schönberg và Alain Boublil vừa bị huỷ diễn tại nhà hát Crucible ở trung tâm thành phố Sheffield của Anh vì bị chỉ trích có “những trò lố lăng và phân biệt chủng tộc”.

Công ty New Earth Theatre, bao gồm một nhóm các nghệ sĩ người Anh gốc Đông và Đông Nam Á, ra thông báo nói rằng vở nhạc kịch “Miss Saigon” có chứa “những ẩn dụ tai hại, những trò lố lăng và phân biệt chủng tộc” nhằm vào người Việt Nam.

<!>

 

New Earth Theatre được hình thành từ năm 1995 ở London nhưng đến nay mới lên tiếng về vở nhạc kịch Miss Saigon.

Lần đầu tiên khi vở nhạc kich nầy quảng cáo được trình diễn ở Theatre Royal, London, vào tháng 9 năm 1989, nhà sản xuất đã thu được khoảng 8 triệu Mỹ kim, và sau đó sang Hoa Kỳ, Úc… Hơn bốn nghìn buổi trình diễn trong mười năm rồi khép lại.

Năm 2014 nhân kỷ niệm 25 năm thành lập, nhà sản xuất Cameron Mackintosh đã đưa vở kịch này trở lại ở hý viện Broadway, New York trong vài năm nhưng không thu hút được khán giả.

Nay “bổn cũ soạn lại” từ nơi xuất phát ở London mới bị phản bác.

 

Nhân dịp nầy, tôi đăng lại bài viết “Miss Saigon”, Vết Hằn Năm Tháng khi vở nhạc kịch nầy được trình diễn tại O.C Perfoming Arts (Orange County) vào năm 1999. (Đêm 14 tháng Tư năm 2012, đại học Cal State Fullerton (CSUF) thực hiện và trình diễn vở nhạc kịnh nầy tại hý viện La Mirada Performing Arts Center tại Quận Cam, nữ diễn viên Jacqueline Nguyễn, người Việt đầu tiên đóng vai Kim).

Vào thời điểm năm 2001, tôi chưa đọc bài viết nào lên tiếng “những ẩn dụ tai hại, những trò lố lăng và phân biệt chủng tộc”, trong khi đó, khi xem vở nhạc kịch nầy, cảm thấy có điều gì khuất tất nên viết với tựa đề trên. Tên gọi Sài Gòn (Saigon) đã có từ ba trăm năm bị “bức tử” được làm sống lại qua vở nhạc kịch nhưng hình ảnh không được trong sáng!

*

Hình ảnh cô gái của thành phố bị xóa tên, mười lăm năm sau được đề cập trên sân khấu kịch nghệ quốc tế, trải qua mười năm chu du khắp bốn phương trời, Miss Saigon là một trong những vở ca nhạc kịch được dàn dựng công phu và được lưu diễn rộng rãi nhất trên thế giới của thế kỷ XX.

Tại Hoa Kỳ, Miss Saigon chấm dứt buổi trình diễn ở Broadway Theatre, New York vào ngày 31 tháng 12  năm 2000. Trong gần mười năm trình diễn trên bốn nghìn xuất hát thu hút khoảng sáu triệu khán giả với số tiền thu được hai trăm bảy chục triệu Mỹ kim.

Nhiều diễn viên xuất sắc của Phi Luật Tân đóng vai Kim trong Miss Saigon nhưng sau chuyến viếng thăm của Claude Michel Schonberg, Miss saigon mới được xuất hiện tại The Cultural Center of The Philippines (CCP) ở thủ đô Manila từ tháng Mười năm 2000 đến tháng Ba năm 2001. Nghệ sĩ Lea Salonga trở về “tái xuất giang hồ” nơi quê nhà.

 

Miss Saigon | Broadway Direct

 

* Bổn Cũ Soạn Lại

Vở ca nhạc kịch Madame Butterfly của kịch tác gia lừng danh Ý Giacomo Puccini (1858-1924) xuất hiện lần đầu ngày 17 tháng 2 năm 1904 tại Milan, Ý, đánh dấu thời điểm vàng son của ca nhạc kịch đầu thế kỷ XX. Madame Butterfly thể hiện thời điểm 1900, bối cảnh ở Nagasaki, Nhật. Nội dung gồm ba màn, đề cập về mối tình của chàng sĩ quan viễn xứ Hoa Kỳ Benjamin Franklin Pinkerton đóng quân ở vùng trời thơ mộng Nagasaki của xứ Phù Tang. Nơi đây chàng gặp cô gái Phù Tang Cio-Cio-San - Madame Butterfly - ăn ở với nhau trong cuộc tình nửa chân nửa giả mà nàng thì dâng trọn trái tim mà chàng như bướm vờn hoa. Trở về cố quốc, chàng cưới vợ người bản xứ, trở thành Kate Pinkerton, chàng đưa vợ sang nơi đóng quân. Cio-Cio-San hạ sinh được đứa con - Trouble - giao cho Kate nuôi rồi tự vận. Tình yêu không có biên giới nhưng phong tục, đạo đức Á Đông và sự bội phản của người tình dị chủng đưa đẫy cô gái chọn cái chết để giải quyết vấn đề.

 

Bốn mươi năm sau, khi trái bom nguyên tử trút xuống Hiroshima và Nagasaki, tháng 8 - 1945, kết thúc thế chiến thứ II, bao nhiêu cô gái Phù Tang trở thành “nạn nhân chiến cuộc” của bao chàng viễn chinh G.I Mỹ lan tràn trên đất nước. Hình ảnh Madame Butterfly của thuở nào được đề cập lại như để thức tỉnh trong tâm thức cô gái Phù Tang nhưng Cio-Cio-San trong sáng, tự trọng với trái tim lãng mạn nhưng cứng cỏi đâu còn, geisha tràn ngập làm nhức nhối trong tâm hồn con cháu mang dòng giống Thái Dương thần nữ.

Vẫn hình ảnh chàng lính viễn chinh G.I Mỹ, 85 năm sau, kịch tác gia cùng nhà soạn nhạc người Pháp Alain Boublil và Claude Michel Schonberg, thực hiện bởi Cameron Mackintosh cho ra đời ca nhạc kịch Miss Saigon.

 

Miss Saigon đề cập mối tình lang chạ giữa chàng lính viễn chinh G.I Mỹ - Chris - với cô gái bán bar Sài Gòn - Kim - trong ngày tàn cuộc chiến vào thời điểm 1975. Chris về nước trên chuyến bay cuối cùng cùa ngày tàn cuộc chiến để lại bào thai cho Kim sống vất vưởng trong thân phận cô me Mỹ với đứa con lai trong thành phố bị xóa tên. Ba năm sau, Kim được ra đi trong diện con lai, chàng kỹ sư liền chớp thời cơ, cặp bồ với Kim thành vợ chồng để cùng đứa con lai được đi Mỹ. Ở Bangkok, Thái Lan, Kim gặp lại vợ chồng Chris, nàng giao cho chàng đứa con để được nuôi nấng cho được rãnh rang nhưng bị từ chối. Uất ức, Kim tự vận, chết trong vòng tay của Chris.

 

* Khuôn Mặt Thời Đại

Miss Saigon được đánh dấu là vở ca nhạc kịch thể hiện khuôn mặt sân khấu hiện đại trong nền kịch nghệ của thế kỷ XX bởi dàn dựng công phu, tốn kém và lưu diễn rộng rãi, thu hút giới thưởng ngoạn vào hàng kỷ lục trong suốt thập niên.

Miss Saigon đã đoạt được giải thưởng kịch nghệ Tony Awards (The Antoinette Perry Award ra đời từ năm 1947) vào năm 1991. Tony Awards 1991, Miss saigon chiếm hầu hết trên nhiều bộ môn từ cốt truyện, âm nhạc, trang phục, ánh sáng, đạo diễn... Hai diễn viên chính Jonathan Pryce (Chris) và Lea Salonga (Kim) đạt được thành quả xuất sắc về diễn xuất trong 47 khuôn mặt thủ vai trình diễn trong ca nhac kịch danh tiếng nầy. Từ đó, tiếng vang Miss Saigon được lan rộng khắp nơi để vở ca nhạc kịch có điều kiện hình thành và trình diễn trên thế giới.

 

Khi Cameron Mackintosh thực hiện vở ca nhạc kịch Oliver làm rạng danh cho nền kịch nghệ vương quốc Anh, ông bắt tay xây dựng Miss Saigon trong thế đứng của nhà đạo diễn và sản xuất có tên tuổi lẫy lừng. Với chi phí trên 5 triệu Mỹ kim để dàn dựng vở ca nhạc kịch cho thấy tầm vóc của Miss Saigon.

Nhân vật chính trong Miss Saigon là Kim do Lea Salonga, nữ ca sĩ Phi Luật Tân, với khuôn mặt và vóc dáng Á Châu qua nhiều cuộc tuyển lựa rất công phu cho phù hợp với hình ảnh “cô gái Sài Gòn”. Lea Salonga nổi tiếng qua tài nghệ diễn xuất nên đã lọt vào mắt xanh giới điện ảnh Hoa Kỳ. Lea Salonga thủ vai chính trong bộ phim Redwood Curtain với chân dung cô gái mmang hai dòng máu Mỹ-Việt đã trình chiếu trên hệ thống truyền hình ABC vào hạ tuần tháng Tư, 1995.

 

Hình ảnh “cô gái Sài Gòn” được quảng cáo rầm rộ trên nhiều tấm biển lớn tại thủ đô Anh Quốc. Tháng 9 năm 1989, Miss Saigon ra mắt tại The Theatre Royal, bên bờ sông Thames, London, Anh Quốc. Và, trong thời gian đầu đã thu về khoảng 8 triệu Mỹ kim cho thấy sự thành công của vở ca nhạc kịch. Miss Saigon vượt Đại Tây Dương đến Hoa Kỳ qua tay đạo diễn Nicholas Hytner, xuất hiện trên sân khấu Broadway vào giữa tháng Tư, 1991. Năm 1995, Miss Saigon được trình diễn khắp miền Tây Hoa Kỳ. Vào thời điểm hai mươi năm sau ngày mất nước, vở ca nhạc kịch đó xuất hiện ở Los Angeles, báo chí Việt ngữ không có nhận định, trên tờ Register có bài viết cho Miss Saigon khơi lại vết thương rướm máu, có tầm nhìn thiển cận về người Việt Nam và cả sự chia rẽ bởi sự lạnh nhạt cho người Mỹ.

 

Trong mùa ca nhạc kịch “Absolutely Broadway” lại được trình diễn ở Orange County Perfoming Arts Center, Costa Mesa - kề cận với Little Saigon - trong suốt ba tuần lễ vào tháng Chín, 1999. Mika Nishida đóng vai Kim. Có vài mẫu tin loan báo cho sự trình diễn, hình như nó xa lạ với cộng đồng người Việt tị nạn.

Để chuẩn bị cho vở ca nhạc kịch xuất hiện ở Úc Châu, cuộc tuyển lựa tài tử lớn nhất của Úc với thời gian kéo dài 15 tháng qua với hai nghìn ứng viên để chọn nhân vật diễn xuất cho Miss Saigon. Nữ ca sĩ Philippine Joanna Ampil đã từng góp mặt trong hai năm đầu trong Miss Saigon ở London. Với 15 triệu Úc kim cho chi phí dàn dựng, tháng Hai, 1994 Miss Saigon xuất hiện trên sân khấu ở Sydney và được trình diễn khắp nơi.

Trong mười năm qua, nghệ sĩ đóng vai Kim, cô gái bán bar ở Sài Gòn, nhân vật chính được mang tên kịch bản, khởi đầu với Lea Salonga (Broadway, London), và từ đó dần dà xuất hiện trên sân khấu:

 

- Broadway: Joan Almedilla, Emy Baysic, Annette Calud, Kam Cheng, Chloe Stewart, Roxane Taga, Rona Fiueroa, Leila Florentino.

- 1st and 2nd USA National Tour: Melinda Chua, Kym Hoy, Deedee Lynn Magno, Michelle Nigalan, Mika Nishida, Christina Paras, Hazel Ann Raymundo, Kristine Remingo, Alex Lee Tano, Jennie Kwan, Jennifer Paz.

- London, Sydney: Joanna Ampil, Cezarah Campos, Ma-Anne Dionisio.

- London: Maya Barredo, Jennie Dederio, Roanne Monte, Meera Pokin, Jamie Rivera, Riva Salazar.

- Budapest: Eszter Biro. - Stuttgart: Aura Deva, Ruby Rosales, Leah de los Santos. - Tokyo: Minako Honda. - The Netherlands: Caselyne Francisco. - Toronto: Cornilla Luna. - Stockholm: Divina Sarkany. - Denmark: Pernille Peterson.

Trong khoảng bốn mươi diễn viên thủ vai Kim trong Miss Saigon, ngoài Lea Salonga nổi tiếng vì người đầu tiên và được giải Tony, có Ma-Anne Dionisio, Joanna Ampil, Cezarah Campos đều gốc Phi Luật Tân được đi kèm với tên tuổi vở ca nhạc kịch... Thế nhưng, nói đến Miss Saigon, thiên hạ vẫn liên tưởng đến diễn viên Lea Salonga.

 

* Vết Hằn

Hình như kịch nghệ không lôi cuốn được người Việt lưu vong nơi hải ngoại. (Trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam, về trình diễn thì kịch ngắn, hài kịch được phổ thông, các vở kịch và sách dịch tuy có nhiều nhưng đưa lên sân khấu chỉ có vài tác phẩm phổ biến ở Sài Gòn, các tỉnh, thành khác rất ít). Vì vậy ca nhạc kịch Miss Saigon được trình diễn khắp nơi trên thế giới, và ở Hoa Kỳ được trải rộng trên nhiều tiểu bang, có đông cộng đồng người Việt nhưng trong mười năm qua nó không được nhắc nhở đến qua sách báo. Giá vé ở sân khấu Broadway cũng vào loại bình thường từ 15 đến 75 Mỹ kim, có thể “xem qua cho biết sự tình” tầm vóc ca nhạc kịch của thế kỷ nhưng có lẽ chẳng mấy ai lưu tâm. Nội dung cũng tầm thường, nhạt nhẽo, cô gái bán bar cặp bồ với chàng lính Mỹ, ăn ngủ với nhau, có đứa con lai, trong lúc lầm than thì được chương trình con lai để định cư tại Hoa Kỳ. Nàng được chàng kỹ sư cặp bồ, lợi dụng ra khỏi nước, gặp lại nhân tình cũ, nàng giao trả đứa con cho vợ chồng chàng, bị từ chối, nàng tự tử. Nàng chết một cách lãng xẹt, không có chút tình mẫu tử gì cả, giao “của nợ” cho tình nhân cũ để sống với tình nhân mới không được toại nguyện nên uất ức?.

 

AMERICAN THEATRE | I Am Miss Saigon, and I Hate It

 

Khi có đạo quân Hoa Kỳ vào tham chiến ở Việt Nam, nhiều cây bút đã viết về chuyện gái bán bar mồi chài, ăn nằm với chàng G.I Mỹ, điển hình qua nhiều truyện ngắn của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Thế nhưng, cái tựa với danh xưng của vở ca nhạc kịch với tên Miss Saigon như sự khai thác thị hiếu để tò mò, chú ý. Thông thường, Miss đi cùng với địa danh như Miss California, Miss London, Miss America, Miss Universe... trong những cuộc thi để nói về nhan sắc, hình ảnh “cô gái” được chọn lọc trong cuộc thi tuyển nào đó. Đem Miss Saigon để đưa ra hình ảnh cô gái bán bar, trong lúc đất nước chìm trong cảnh tao loạn, cô gái thuộc loại “Thương nữ bất tri vong quốc hận” như lời thơ Đỗ Mục để làm danh xưng địa danh là thủ đô của đất nước!. Nó không nói lên được cái gì đẹp đẽ, yêu thương, cao đẹp trong tình yêu, trong thuở chiến chinh với địa danh có ba trăm năm lịch sử gắn liền với mệnh hệ của quốc gia, dân tộc.

 

Sài Gòn dù bị xóa tên, người Việt lưu vong hầu hết đều lưu luyến và gìn giữ tên gọi đó, nó không bị mai một trong ngôn ngữ, lời nói và trong tâm tưởng. Đưa ra hình ảnh người đàn bà Việt Nam gắn liến với cái tên đi vào “lịch sử” với khuôn mặt cô gái làng chơi, có làm tổn thương cho hàng triệu người Việt lưu vong?. Phải chăng đó là sự bôi bẩn rẻ tiền, thiếu thận trọng để khai thác đề tài trên sân khấu?.

Với bốn mươi diễn viên tuyển chọn đóng vai cô gái bán bar Kim trong Miss Saigon, nhiều diễn viên ở Á Châu, thật may không có diễn viên nào là người Việt Nam, như lời người bạn đã tâm sự: cứ để cho họ đóng vai Kim và, rước cái nhục thay cho ta!. Trong mười năm qua, tôi theo dõi để tìm hiểu xem có bài viết nào ca ngợi Miss Saigon trên báo chí Việt ngữ, may mà không có. 

 

Tại miền Nam Cali, khi Miss Saigon trình diễn ở rạp Ahmanson (Los Angeles) và ở hý viện O.C Perfoming Arts (Orange County) vào năm 1995 và 1999, không có bài báo nào đánh bóng để “câu” khán thính giả trên hệ thống truyền thông Việt ngữ. Điều đã qua rồi cũng may thôi, nếu họ muốn câu thì tha hồ bị nghe và bị đọc trong niềm đau khôn nguôi!. Nếu Sài Gòn vẫn hiện hữu với hình ảnh, tên tuổi của “hòn ngọc viễn đông”, có mang hình bóng nào xấu xa kết hợp cho bối cảnh, chẳng có gì để quan tâm. Sài Gòn bị “bức tử” càng in đậm nỗi thương nhớ trong lòng người lưu vong. Có mấy ai nhẫn tâm đi bôi bẩn đối thủ bị xóa tên, yên nghỉ? Lợi dụng địa danh tan biến theo vận mệnh đau thương của đất nước để phơi bày khuôn mặt rẻ tiền, bê bối... làm sao không động lòng trắc ẩn?.

Bao nhiêu năm trôi qua, khi tấm màn nhung khép lại, ghi lại đôi dòng để đánh dấu thiên niên kỷ đã qua. Nhớ Sài Gòn nhưng ê chề Miss Saigon.

 

 

Little Saigon 3/2001, đăng lại 11/2022

Vương Trùng Dương

K1/ĐH/CTCT/ĐL

 (Tác giả gởi)

 

 

 

 

1 nhận xét:

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...