Khi Phục đi rồi, Nguyệt vẫn còn nằm vùi trên chiếc chỏng tre kê trong buồng làm nơi ngủ, nghỉ, của hai vợ chồng. Căn nhà tuềnh toàng, trống huơ. Hồi mới lên, căn nhà đã như thế nầy, bây giờ vẫn vậy. Đàng trước là phòng ở, tiếp khách với cái bàn gỗ Phục đóng từ những vật liệu phế phẩm của người bạn làm trong hãng gỗ cho. Bốn cái ghế gỗ đóng theo kiểu ghế tù cải tạo, ghép bằng mấy thanh, nhờ mấy cây đinh bự ép chặt nên không long. Hai cái giường nhỏ cho hai đứa con nằm, còn Nguyệt và Phục thì ngủ trên chiếc giường phía trong, tạm gọi là cái buồng, vì có cánh cửa khép ra, khép vào.
<!>
Thế mà cũng đã hơn mười năm sống trên vùng kinh tế mới. Thời gian trôi qua. Thời gian trôi qua thì tuổi trẻ cũng qua, tuổi xuân cũng qua, và cái ước muốn trở về với cuộc sống bình thường, no đủ, cũng vụt mất ngoài tầm tay, từ ngày đứt phim, thua trận.
Ngày đó là bắt đầu cho những khổ hạnh mà Nguyệt phải gánh chịu sau này.
Tiếng gà gáy bên nhà, tiếng gà gáy buổi sáng như thúc dục Nguyệt trở dậy. Nàng nhìn lên trần mùng, cái mùng sút một bên vì Phục đã dẫy, đạp, trong lúc cảm xúc tuông trào. Cái anh chàng già rồi mà còn như tuổi thanh niên, lúc nào cũng ham hố. Nhiều lúc, Nguyệt phải kêu lên, anh nhẹ thôi, cái chỏng tre ọp ẹp quá, anh dãy mạnh quá nó gãy. Nhưng có khi nào Phục chịu nghe đâu, anh cứ chúi người vào Nguyệt.
Bây giờ chắc Phục đã mỏi rụng mỏi rời đôi chân của anh, vì đạp xe qua chặng đường gập gềnh để ra bến. Nguyệt thấy thương chồng quá, tình vợ chồng đã mười mấy năm, may mà còn có nhau qua cuộc chiến tranh, các con cái cũng lớn khôn. Nguyệt mỉm cười một mình trong bóng đêm hãy còn phủ khắp nhà.
Nhưng Nguyệt phải dậy, phải đánh thức hai đứa con dậy cho nó ăn sáng rồi vô rẫy. Con Bích và thằng Hà đã biết phát rẫy, làm cỏ lúa, cỏ đậu, biết đánh vồng khoai lang, mười năm ở kinh tế mới chúng nó đã sống như vậy, như một con thú rừng cặm cụi.
Nguyệt ngồi lên, dù cơn cảm xúc vẫn còn âm ỉ châu thân, nàng tự chế diễu mình, khổ cực như vầy mà còn ham hả Nguyệt, nhưng nàng cũng tự biện hộ, sống ở một nơi không có thú vui nào thì chỉ còn vui "chuyện đó", sao mình tự làm khổ mình thế không biết.
Nguyệt giở mùng, xếp lại gọn gàng rồi đi ra phòng ngoài, kêu lớn:
- Con Bích, thằng Hà, dậy đi, ba tụi bay đi thành phố rồi đó, dậy ăn cơm rồi vô rẫy thay ông làm cỏ đậu xanh, coi thử mấy đám đậu xanh có bị chim ăn không, có đậu chín thì thu hoạch về, mình làm mùa này nữa thôi, rồi về thành phố.
Con Bích chường mặt ra khỏi mùng, hỏi lại má nó:
- Ba đi rồi hả mẹ, con thấy ba mẹ tính vậy mà đúng đó, chứ tụi con ở đây hoài chắc suốt đời ngóc đầu không nổi.
Thằng Hà thức dậy từ chiếc chỏng bên kia, cũng xen vô góp ý:
- Con lớn rồi về thành phố là đúng, chứ ở đây hoài con chán quá mẹ ơi.
Hai đứa dọn dẹp chỗ ngủ rồi bước xuống đất, đi ra vại nước ở gần nhà bếp súc miệng, rửa mặt. Nguyệt chun vô bếp nấu cơm.
Ngồi trước cái ông táo được ghép bằng ba tấm gạch, với ngọn lửa đang bốc cao, Nguyệt nấu một nồi cơm, độn với hai lon bắp xay, một nồi canh măng nấu với tôm khô. Đó là bữa cơm cho một ngày của ba mẹ con, cuộc sống rồi cũng quen dần đi.
Nguyệt nhìn nồi cơm rồi nghĩ:
"Thế là còn đở đó chứ như ngày Phục chưa về. Những ngày sau sáu tháng ở kinh tế mới, hết tiền trợ cấp, mẹ con nàng phải vào rừng hái đọt măng le, hái rau tàu bay, dền dại, để về ăn thế bữa, chờ đến ngày thu hoạch mấy công đậu xanh. Lúc đó chưa trồng được lúa, ai biết phương pháp tỉa lúa thế nào, giống má đâu mà trồng, nên nàng chỉ biết trồng đậu xanh, đậu đen, mà thôi. Ngày thu hoạch đậu, nàng đem những ký đậu xanh tốt, mẫy hạt, ra chợ bán đổi lấy gạo, mắm, muối, bột ngọt. Cuộc sống riết rồi cũng quen."
Cuộc sống khổ cực đó khiến biết bao nhiêu cô gái, đàn bà bị sẩy chân. Nhưng may mà Nguyệt không sẩy chân, nàng gắng gượng để không sa ngã vì bất cứ lý do gì. Cái tuổi hai mươi lăm còn xuân sắc thế kia, cái giọng nói còn nũng nịu thế kia, cái cặp giò cao, thon, trắng lốp, đôi vú nở tròn ôm sát vòng ngực, đôi mắt đen láy với nụ cười duyên dáng làm sao không lọt vào những cặp mắt của những người đang nắm quyền sinh sát gia đình nàng. Ông Chánh chủ tịch xã, ông Dậu phó công an, ông Tốt, công an khu vực. Rồi những tay xe be, xe đò luôn luôn dòm nàng lom lom bằng đôi mắt sắc dục.
Toán đi kinh tế mới xung phong lần này gồm những dân ngụ cư, những dân ngủ đường, ngủ chợ. Công an phường đã lên danh sách trình Ủy Ban Nhân Dân tất cả hơn một trăm hộ.
Danh sách ưu tiên là đám gia đình sĩ quan ngụy quân đang đi học tập cải tạo. Những gia đình ấy là cô Thắm có chồng là thiếu tá, cô Anh, cô Tâm, cô Xuân, cô Tấn, cô Phương, cô Đào, chồng là trung úy, thiếu uý . Những gia đình này chạy di tản từ vùng một, vùng hai, vào đây, đã đến tá túc ở khu cư xá. Bây giờ, ủy ban phường ép buộc mấy cô đi cũng là một công hai chuyện, thứ nhất là làm tốt chính sách của nhà nước, thứ hai là họ sẽ để lại mấy căn phòng trên cư xá, mấy đồng chí trên ủy ban phường sẽ có lợi khi chia chác.
Đến ngày đi, tất cả mọi người được lệnh chuẩn bị, thì cô Thắm ra phường thưa gởi:
- Tôi không đi được, con tôi còn nhỏ quá, tôi lên đó không có việc gì để làm, làm sao tôi sống nỗi, các ông có bắn bỏ thì tôi cũng chịu.
Ông Màng, trưởng công an phường, gương mặt đanh lại, quai hàm bạnh ra, nạt nộ:
- Chị phản đối chính sách của cách mạng hả, chị có chồng là ngụy quân, có tội với nhân dân, nay đảng khoan hồng cho đi học tập cải tạo, cho chị đi kinh tế mới để cho chị có chỗ sinh sống mà chị phản đối không đi, phải không?
Cô Thắm vẫn một mực không đi, cô cương quyết ở lại, cô nói tiếp:
- Các ông xử tôi thế nào cũng được, tôi không có tội gì với cách mạng, lên đó, thân gái một nách ba con, tôi không làm sao sống được.
Cuối cùng thì cô Thắm ở lại.
Chỉ có Nguyệt, Tâm, Anh, Xuân, Tấn là đã lỡ bán hết đồ đạc nên phải đi.
Khu kinh tế mới nằm tận trong một rẫy xa. Ở đây thanh niên xung phong đến phát quang, rồi làm những căn nhà tạm bợ. Đám dân ở các quận huyện nội, ngoại thành Sài Gòn được gọi là xung phong đi kinh tế mới, đã đặt chân lên đất này đúng ba giờ trưa một ngày đầu tháng.
Đám dân đó, ngoài những gia đình ngụ cư, những gia đình ngụy quân, ngụy quyền, còn có đám lang thang không nơi cư ngụ, sống ở lòng cầu Thanh Đa, cầu Văn Thánh. Một số dân bụi đời, đĩ điếm, bị hốt trong những lần tảo thanh truy quét. Đó là nếp sống đồi trụy, tàn dư của chế độ Mỹ Ngụy để lại, chính quyền đã tuyên bố như thế. Tất cả hầm bà lằng, như một nồi cám heo, trộn lẫn những thức ăn thừa, đổ vào chung nấu một nồi lớn. Khu kinh tế mới bây giờ là vậy.
Rừng rẫy bạt ngàn phía trong, dân xe be, đám người nhất phá sơn lâm vào tận vùng sâu để khai thác gỗ, hàng đêm trở về ngủ trên những chiếc xe dài, đậu dọc đường đi vào kinh tế mới. Đó là lúc, mấy "chị em ta" ngày cũ, ở khu Thanh Đa bị hốt, trở lại hành nghề. Các chị em ta ra ngã ba Đồng Bộ, đóng bộ cặp đồ xoa mỏng dính, đỏng đa đỏng đảnh với những đường nét khêu gợi, đi lơn tơn trên đường, khiến các anh chàng lơ xe be, sống lâu ngày trong rừng, trong núi, trở nên động tình. Thế là chợ tình bắt đầu hoạt động.
Những động này di chuyển theo tình hình, bãi đáp có thề là trên xe be, trong lùm cây rậm, trên bãi cỏ tuốt trong sân vận động hay có chị dạn dĩ hơn thì dẫn về nhà, làm con gà tơ đãi khách, rồi khách sẽ chi tiền sộp lại. Đó là cách làm ăn, đủ mọi hình thức.
Khu kinh tế mới bình thường với muôn vàn cơ khổ đó, nay là nơi mua bán tình tự do nhất nước. Các cô gái khác có chút nhan sắc, không thể nào cầm được cái rựa, cái liềm, cái dao, phát rẫy, trồng đậu, trồng lúa, cũng mon men hành nghề. Cái nghề nằm ngữa nhẹ hơn bội phần và thu nhập sẽ nhiều hơn cái nghề trồng trọt rau đậu hoa màu.
Đêm đêm khi mặt trời sắp lặn, bóng dáng mấy cô gái thẩn thơ mặc bộ đồ mỏng đủ màu, đi ra đi vào, đi qua đi lại trên đường dẫn vào khu kinh tế mới. Tiếng chào mời, cợt nhã của đám gái với đám lơ xe be vang động cả lên.
Đến tháng thứ chín thì tình hình kinh tế của mọi gia đình suy sụp nghiêm trọng. Gia đình ai cũng phần nhiều là nữ, sống ở thành phố đã lâu nên không động đến móng tay móng chân từ nhỏ, thì làm sao họ không thiếu lên thiếu xuống, hụt trước hụt sau. Cái thiếu đó đã ghì chặt cuộc đời họ xuống và bắt đầu là chị Thanh, vợ trung uý Thân, đang tập trung cải tạo, là người ra "đứng đường" đầu tiên.
°
Phó công an Dậu là một bộ đội phục viên. Phục viên về với gia đình sau năm năm phục vụ trong hàng ngũ bộ đội. Dậu đã từng đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, đó là đoàn quân tình nguyện Việt Nam, sang Campuchia tiêu diệt bọn diệt chủng Khmer đỏ.
Những ngày tháng đó, Dậu thấy cái chết sao dễ dàng quá vì bom mìn bọn Khmer đỏ gài khắp nơi. Bạn bè anh đã bao người gục ngã hay lìa bỏ một phần thân xác nơi chiến trường Campuchia, nên hết hạn phục vụ là Dậu xin phục viên.
Dậu được trả áo quần bộ đội trở về với đời sống dân sự và anh hăm hở trở về.
Đáng lẽ, Dậu về thẳng miền bắc, nơi quê hương anh, nhưng trên đường đi từ Bến Cầu về Sài Gòn, Dậu gặp Hãn, một người cùng quê.
Hãn đang làm trưởng công an ở một xã kinh tế mới. Thế là Dậu bỏ ý định về quê, theo Hãn về đây. Nhờ có cái giấy bộ đội phục viên nên Dậu được đề bạt làm phó công an, phụ tá cho Hãn.
Ở một cái xã mới thành lập của một vùng kinh tế mới, với vài trăm nóc nhà, chuyện thành lập chính quyền còn rất lỏng lẽo, sơ sài. Những người trong chính quyền do huyện đề cử là những cán bộ cốt cán, làm cái khung, rồi tùy tiện thêm bớt người phụ tá, quan trọng nhất là giữ gìn an ninh trật tự, không để gây ra những cảnh như cờ bạc, rượu chè, đánh lộn, gây mất trật tự chung. Chỉ có chuyện dành nhau miếng ăn là gây xích mích nhau thôi. Chuyện chính trị chính em khó xảy ra, chỉ phòng hờ những tay ngụy quân, ngụy quyền quyền còn rải rác. Nhưng những tay ngụy bây giờ đang nằm trong rọ ở những trại tập trung hết rồi, còn đâu mà ngóc đầu lên.
Nhưng chuyện chợ tình hàng đêm đã làm Dậu bước qua một khúc rẽ ngoặc.
Đó là buổi tối Dậu đi tuần tra kiểm soát an ninh trên đoạn đường từ ngã ba Đồng Bộ vào Lô 5. Lô 5 là lô nhà được xây ở cuối đường, lô sau chót. Vô trong nữa là dòng suối Trà Thai và tít mù nương rẫy. Trong đó, buổi tối chỉ có bọn xe be kéo gỗ lên xe và đám chị em ta mon men mời gọi.
Trời tối hù, quơ tay ra đàng trước không thấy tăm hơi gì, cầm cái pin trên tay, Dậu đi cùng Thuấn và Ca, hai công an xã dưới quyền.
Dậu nói:
- Tụi bay đi nhớ coi chừng vấp té, trời tối thui như mực mài.
Thằng Ca lên tiếng:
- Mình vô trong, không có chuyện gì, ghé vô rẫy bắp hái một mớ về luộc ăn khuya, nghe anh năm.
Tiếng thằng Thuấn:
- Bắp mới lú mà hái cái gì, ghé quán bo bo Hoàng uống mấy xị đế mà sướng hơn.
Quán bo bo Hoàng là quán bên đường. Hoàng nguyên là vợ của anh chàng hạ sĩ quan chế độ cũ. Người chồng chết trên đường di tản hồi bảy lăm, Hoàng khăn gói lên đây cùng với đứa con năm tuổi, làm cái quán bên đường, gần con suối Trà Thai, bán trà đá, rượu đế, tôm khô, thuốc lá, thuốc lào, cho khách qua đường. Mùa mưa thì Hoàng chèo đò chở khách qua suối. Hoàng to lớn, phục phịch, nói năng bặm trợn, nên ai đó đặt cho tên là bo bo Hoàng, lâu ngày thành chết tên, quen miệng.
Dậu cùng hai đàn em đi đến ngã ba thì thấy một chiếc xe be nằm lù lù bên vệ đường. Chiếc xe be đã câu những khúc gỗ lớn kéo nằm bên trên, bằng những cuộn dây thừng lớn. Chiếc xe nằm lù lù một đống đen thui. Dậu lẹ làng đến bên chiếc xe, chiếc xe im lặng sừng sửng như một quả núi. Bỗng Dậu nghe từ trong ca-bin xe vọng ra tiếng thở hào hễnh, tiếng hít hà của người đàn ông và người đàn bà. Anh vội nhảy lên xe và bật sáng đèn pin chỉa vào nơi có tiếng rên, hai tấm thân trần truồng đang quấn chặt vào nhau vội nhả ra.
Ánh sáng choá mắt làm hai thân thể đang cuồng nhiệt bật dậy, người đàn bà vội lấy tấm vải che lấy người, người đàn ông vội xoay người vào phía trong để che dấu một phần thân thể đang trống trơn của mình. Dậu gằn giọng thật đanh thép:
- Hai người đã bị bắt vì đang làm tình bất chính.
Có tiếng cự cải lại của người đàn ông:
- Có gì mà bất chính, tụi tôi thích nhau thì dẫn lên đây vui vẻ, chứ có gì mà bất chính.
Dậu nạt nộ:
- Anh còn cứng đầu hả, trong lúc cả nước đang cố sức xây dựng chủ nghĩa xã hội mà anh an tâm làm chuyện bậy bạ, thôi cả hai người mặc quần áo vào rồi về cơ quan công an xã làm việc.
Người đàn bà, trong ánh chớp của đèn pin lập lờ, Dậu nhận ra đó là Phương Nam, cô gái có chồng là sĩ quan chế độ cũ, đang tập trung học tập ở Long Khánh. Cô lên đây cùng hai đứa con, cô tách rời những chị em vợ sĩ quan ngụy đang ở chung một tổ trong lô 4, cô sống riêng rẻ một mình ở đầu lô 2, cô bán quán cà phê nhỏ, có thêm chút bia rượu cho khách vãng lai, ai ngờ cô lại đi cặp bồ với thằng Bá xe be, thằng Bá lái xe be mới hai mươi hai tuổi, cô Phương Nam đã hăm mươi sáu.
Bá thấy Dậu căng quá, đành xuống nước:
- Thôi mà anh Dậu, tụi em yêu nhau, kéo lên đây vui vẻ chút đỉnh, anh thông cảm cho.
- Thông cảm cái gì, anh đã vi phạm nội quy của xã, bồ bịch mèo mỡ ở nhà còn được, lại đem lên xe, anh biết không, xã ta bây giờ có biết bao nhiêu chuyện xãy ra, mấy cô, mấy bà không lo làm ăn, ăn không ngồi rồi bây giờ dỡ trò, thôi hai người mặc áo quần vào rồi theo tôi về xã.
Lời nói cứng rắn của Dậu làm hai người trên xe hoảng kinh, nếu mà chuyện này tung ra, cả xã biết tin thì chỉ còn nước chúi đầu xuống đất, bỏ xứ mà đi, mà Bá còn có thể bị chủ cho nghỉ việc. Nghĩ vậy nên Bá móc trong ví mình số tiền còn lại.
Bá năn nỉ:
- Xin anh tha cho em, lần đầu em chót dại, em xin bồi dưỡng cho mấy anh chút đỉnh để mấy anh đi lai rai.
Thằng Bá cầm bụng không thốt ra tiếng chủi thề, chứ số tiền này đáng lẽ ra nó phải trả cho Phương Nam một trăm rưởi ngàn, một lần. Còn lại nó để dành năm chục ngàn dằn túi, sáng mai đánh xe đi sớm có tiền mà ăn dọc đường.
Thằng Thuấn thấy có tiền, liền hích nhẹ ba sườn của Dậu:
- Thôi tha cho nó lần đầu đi thủ trưởng.
Dậu nghe lời thằng Thuấn, anh nhảy vọt xuống xe:
- Thôi, cả hai người mặc quần áo vào rồi đi về, nhớ đừng phá rối an ninh trật tự nữa đó.
Câu doạ dẫm lãng nhách của Dậu khiến Bá bật cười. Bá nghĩ giữa đồng không mông quạnh, đêm tối âm u như thế này, có la làng cũng không ai biết, có gì mà phá rối an ninh trật tự.
Dậu và đám đàn em đi rồi, Bá lại ôm mặt Phương Nam hôn tới tấp:
- Thôi tiếp tục đi em, mình đang hứng chí mà bị bọn quỷ phá đám, tổ cha nó chớ.
Phương Nam kể khổ:
- Thôi đi, tôi không còn hứng thú gì nữa mà làm, trả tiền cho tôi về, mấy cha này đã biết, ngày mai mấy chả tung tin ra, tui còn mặt mũi nào nữa mà nhìn thiên hạ.
Bá tặc lưởi:
- Ối giời, em cái gì cũng lo, ở cái xó xỉnh kinh tế mới này, cái gì mà danh giá, mà mình đấm mỏm nó rồi, nó không dám phao tin đâu, phao tin mình khai huỵch toẹt ra thì nó bị lật tẩy liền.
Trong lúc khí xuất chưa thông, Bá lại lên cơn thèm muốn, nó lăn vào Phương Nam như con hổ đói. Còn nàng, cái sức của tuổi xuân mơn mởn, chồng đi tù xa mấy năm, có được cái sức của thằng bé để thoả mản thân xác cũng là điều sung sướng, Phương Nam chẳng thấy ân hận gì, cô sung sướng hạnh phúc với những sức trai trẻ kia, của Bá, của Lân, của Nam, của những thằng con trai ngồn ngộn sức sống, mà mỗi chuyến xe be chở gỗ đi qua, đã cho nàng những món tiền và cả cái thân xác rắn chắc của bọn chúng nữa, nàng chẳng lỗ lã chút nào.
Phương Nam gát một chân lên thành ghế cabin, cô chỏng chơ ôm ngập tấm thân săn chắc của người thanh niên hai mươi hai tuổi.
Chuyện của Dậu và đám đàn em đi kiếm ăn đêm như vậy là chuyện thường tình. Nhưng lần này Dậu về trụ sở công an, ngồi đợi tụi đàn em mang đồ nhậu ra bàn để uống rượu, Dậu mới thấy lòng mình bâng khuâng một nỗi như bàng hoàng, một nỗi như thảng thốt, khi anh nghĩ đến hình hài, bóng sắc của Phương Nam chập chờn trong đầu óc.
Cái thân hình nhỏ bé, eo thon, da trắng, bầu vú săn chắc ôm choàng lấy vồng ngực, những sợi lông đen mềm mại phía dưới, đó là ấn tượng làm người đàn ông như Dậu phải suy tư, mơ tưởng, hứng thú. Hai mươi tám tuổi, Dậu đã bỏ một thời gian năm năm bên nước bạn. Đã bao lần cũng được gọi là yêu thương. Anh đã quen, rồi yêu, rồi làm tàn hại cũng mười mấy cô gái Miên, nhưng Dậu chưa yêu ai thật tình và thật lòng. Với anh là sống, là kiếm tiền, chạy chọt, chiếm đoạt, quyền hành, hưởng thụ. Đó là cách sống và quan niệm của anh, anh phải vương lên khỏi mảnh đất nghèo nàn nơi đất bắc.
Đất bắc! Đất bắc! Nơi lạnh đến thấu xương, đồng hoang cỏ cháy, cỏ không có cho bò gặm. Dậu xuất thân là cậu bé chăn bò. Có những ngày mưa phùn giá lạnh, sống trong gia đình nghèo nên phải đi mót lúa, kiếm củi, hốt phân. Suốt bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, của tuổi thơ anh. Anh biết vùng đất anh ở là vùng đất chết, con người nơi đó là con người chết, sẽ chẳng bao giờ anh ngóc đầu lên nổi nếu anh trở về. Anh phải bắt đầu làm lại đời mình ở phương Nam nầy, dầu là một vùng kinh tế mới. Nhưng anh phải là nhà cầm quyền, anh sẽ vươn lên ngày một ngày hai thôi.
Năm năm ở bộ đội đã dạy cho anh nhiều bài học nằm lòng, "quân đội tình nguyện" đến giải phóng những nơi quân Pônpốt giết người cướp của. Bọn anh đóng vai những người đi giải phóng để cứu thoát một dân tộc khỏi bị diệt chủng, đó là lý do thật nhân đạo, lẽ phải và công bằng Nhưng sau đó, là sự củng cố quyền hành, thành lập chính quyền bản xứ dưới tay. Những cuộc tảo thanh Khmer đỏ đã gom cho những người chiến thắng, cho giới chỉ huy quân đội tình nguyện biết bao nhiêu là ký vàng nguyên đỏ au. Những cổ vật trong những ngôi chùa lớn, những hộp vàng của các hoàng thân quốc thích được chuyền vào tay cấp chỉ huy. Còn anh, hạng tép riu bên dưới, anh chỉ kiếm ăn cò con, nhưng với tài khôn ngoan luồng lách, anh cũng kiếm được một số vàng cộng với một số cô gái xứ Chúa Tháp. Con gái xứ chùa Tháp tuy có mùi mồ hôi dầu và nước da sạm nắng nhưng cũng hấp dẫn vô cùng. Nhân danh người bộ đội của đoàn quân tình nguyện, anh đã nói yêu thương rồi ăn ngủ với nhiều cô gái như thế, nhưng thật ra, cái chính yếu mà anh cố vươn đến, là tìm kiếm là quyền lực. Anh nghĩ, có quyền lực là có tất cả. Đàn bà, tiền bạc, nhà cửa, giàu sang.
Cho nên, trên đường phục viên về nguyên quán, gặp Hãn, một đồng hương ngoài đất bắc, khi Hãn nói hãy về với Hãn để làm việc chính quyền là Dậu chịu ngay. Anh đã theo Hãn như một đàn em, chạy chọt cho Hãn một lượng vàng mà anh thu được. Thế là, bây giờ anh nghiễm nhiên là phó công an xã, có những đàn em trung thành như thằng Thuấn, thằng Hữu, thằng Phi, đó là những thanh niên phá xóm phá làng ở thành phố, tụ tập hút xách, chích choát. Sau những đợt truy quét, bọn chúng chạy tứ tán rồi tấp về đây, Dậu thu nhận làm đàn em, tức là làm du kích xã hay công an xã, được đội nón cối, mang dép râu, kè kè cây súng trên tay, khi có cây súng ai cũng là chính nghĩa.
Nhưng hình ảnh trần truồng của Phương Nam ở trên cabin xe buổi tối làm Dậu quay quắt nhớ về cái thân xác ấy. Anh biết mặt từng người của bọn con gái đứng đường ở ngã ba, nhưng đám đó toàn là một mớ lèo bèo, bùi nhùi, nhùng nhằng nhìn qua dung nhan cũng đủ ớn lạnh. Dậu để mắt tới những người đàn bà khép kín hơn, đó là những người đàn bà có nhà ở lô 4, như Nguyệt, Tâm, Anh, Xuân, người đàn bà nào cũng mơn mởn xuân sắc.
Dậu suy nghĩ và tính toán, anh phải đi từ từ như tằm ăn dâu, mình sẽ ép các cô đến lúc phải tự động dâng hiến, mình sẽ thủ lợi, nhưng những người này chưa thể ngày một ngày hai là có thể chiếm đoạt họ được.
Nhưng đêm nay, bắt gặp cảnh Phương Nam cùng thằng Bá lơ xe be dẫn nhau lên xe hành lạc, làm cho Dậu có một cái nhìn khác về các cô. Thì ra đàn bà ai cũng vậy, nhìn bề ngoài đạo mạo đoan trang thế nhưng bên trong là cả một lò lửa sục sôi vô cùng cuồng nhiệt. Dậu vừa uống rượu đế vừa tưởng tượng đến cặp đùi trắng lốp kia lồ lộ trong ca bin xe be, anh thấy mình như bị nóng sốt.
Hành động thứ nhất của Dậu là mò tới nhà Phương Nam xét hộ khẩu, như quan huyện xét điền thổ trong vở kịch Nghêu Sò Ốc Hến. Dậu bây giờ là hiện thân của chính quyền cách mạng, chính quyền của nhân dân, đi xét xem nhà ai có chứa chấp người lạ mặt không? Anh sẽ tìm mọi cách để tán tỉnh rồi ngủ với Phương Nam, anh không dùng tiền như thằng Bá, anh chỉ có quyền lực, quyền lực sẽ cho anh trọn vẹn ước muốn, anh chấm Phương Nam rồi sẽ tiếp tục chấm đến những người đàn bà khác.
Trần Yên Hòa
Anaheim, 11. 22
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét