Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

Châu Long - Trần Yên Hòa

 Châu Long


Thái đứng lơ ngơ trước cánh cổng to sầm của căn nhà lầu hai tầng rộng lớn ở đường Hồ Biểu Chánh. Căn nhà, một căn biệt thự thì đúng hơn, tọa lạc trên một khu đất rộng. Cánh cổng đóng im lìm chắn ngang, làm anh bối rối thật sự. Không biết có đúng dịa chỉ nầy không? Khi gặp Hải Vân ở buổi họp mặt các cựu học sinh trường Trung Học, Hải Vân trông thấy anh, tròn xoe đôi mắt lên, la to:

- Anh Thái, anh Thái, anh có nhớ em không?

Anh nói:

- Xin lỗi, xin lỗi, không nhớ, không nhớ nổi, chị là ai vậy?

- Hải Vân đây, Hải Vân hồi đó trọ học ở Kỳ Hương.

<!>

 

Anh chợt nhớ đến một bóng hình mờ khuất, xa lắm rồi trong ký ức anh, một cô gái học trò nghèo bận bộ áo dài trắng, đã cũ. Trí nhớ anh chỉ cho phép anh chừng đó thôi. Cũng gần ba mươi năm rồi. Ngày anh xa mái trường học cũ, anh đã quên đi nhiều thứ lắm, thì làm sao anh nhớ nổi một hình bóng mà thuở đó đã mù mờ.

 

Hải Vân bây giờ không đẹp hơn chút nào, anh nhìn nàng và nghĩ, dù đã được trang điểm kỹ lưởng. Một thân hình mập, một gương mặt khô, đôi mắt kẻ đen còn nhìn rõ đường viết chì, mái tóc cắt ngắn theo kiểu demi garcon nên trông Hải Vân lạ hẳn ra. Hải Vân xoắn xít lấy Thái, nói chuyện huyên thiên:

-  Lâu quá mới gặp anh Thái, kể từ ngày anh vào Sài Gòn học Đại Học, đến bây giờ cũng mấy mươi năm. Khi nào rãnh anh đến nhà em chơi. Anh bây giờ khác quá, ốm hẳn đi và phong trần.

 

Thái không muốn nói về hoàn cảnh mình lúc nầy, lúc mà mọi người muốn gặp nhau để khoe nhau sự giàu sang, hạnh phúc, sau một cuộc đổi đời. Còn anh, được gì, bảy năm tù đã chiếm hết cuộc đời tơ nõn của anh. Nó hành hạ anh, rỉa rói anh từng thớ thịt, từng mầm sống, khi anh trở về với đời sống bình thường, anh chưa ngã quị là may. Anh đến đây, họp mặt của những người học trò cũ, anh không có gì để khoe. Chiếc mobilette cà tàng của anh đâu sánh bằng những chiếc xe honda, xe cup đời mới sáng loáng. Anh chỉ muốn gặp lại một số thằng bạn ngày còn trung học, những con đường đá cuội trong trí nhớ, tiệm sách Thư, quán cà phê Tao Nhân, ngã ba Nam Ngãi và cả cô bé Nại Hiên cũng còn lẫn khuất trong tâm tưởng anh suốt mấy mươi năm ròng. Đến đây là dịp để thấy lại mình trước đây ba mươi năm. Ngó, Thấy nhau là được rồi, ngó thấy bạn bè và chính mình cũng vui. Không biết Nại Hiên xưa bây giờ thế nào rồi? ở đâu? ra sao? chồng con? cuộc sống? Anh biệt tăm Nai Hiên trong cơn bấn loạn đổi đời bảy lăm, đến bây giờ cũng biệt tăm luôn.

 

Bây giờ, không có Nại Hiên mà có Hải Vân. Hải Vân nói một lần nữa:

-  Em mời anh Thái khi nào rãnh tới nhà em chơi nghe.

Nàng lấy ra tấm cạt visít đưa anh rồi nói tiếp:

-  Địa chỉ em trong nầy, nhớ điện thoại cho em.

Thái cầm lấy trong sự thờ ơ, nhưng anh cũng nói:

-  Thế nào tôi cũng đến.

 

Và hôm nay anh đến thật, không dự tính.

 

Cuộc sống làm anh quay cuồng dữ dội quá. Từ ngày ra tù, anh vật lộn với đời nhiều phen, trồi lên trụt xuống không đâu vào đâu. Anh lao bổ vào những nghề cùng cực nhất để kiếm miếng ăn mà cũng không đủ, cũng trầy trật bữa đói bửa no. Bây giờ, trước mắt anh là sự ra đi, đánh đổi bảy năm tù anh sẽ được ra đi. Sẽ bỏ xứ, bỏ nước, bỏ cái đất nước chó đẻ mà anh đang sống. Tuy nhiên, với cái Giấy Ra Trại trong tay, anh cũng chẳng ra đi được đâu, còn phải qua bao nhiêu cửa ải, cần phải bao nhiêu công sức và tiền bạc nữa.

 

Hôm qua, Giang Đông, thằng bạn tù, đến nhà anh chơi. Giang Đông nói:

- Tau sắp đi rồi, đã phỏng vấn xong mà chưa bán được cái nhà, nghe rầu quá! Mày biết ai mua nhà giới thiệu giúp đi, tau bán được nhà biếu mầy hai cây.

 

Anh sững sót. Hai cây vàng quả là một món quá lớn đối với anh. Quá sức tưởng tượng. Anh chỉ cần năm chỉ vàng thôi, để lo giấy tờ xuất cảnh mà kiếm mãi, mượn mãi không ai cho. Nhưng bán nhà đâu có dễ dàng gì. Anh không quen mối lái, mồi chài. Bỗng trong đàu óc anh loé lên. Hải Vân. Hại Vân đang làm nghề mua bán nhà đất, giàu lắm, anh nghe bạn bè nói vậy. Sao anh không đến hỏi nàng. Hai bên đều có lợi. Hình ảnh Hải Vân quay tròn, quay tròn trong anh hơn lúc nào hết.

 

Thì ra, có chuyện như thế nầy anh mới nhớ ra nàng. Còn trong trí nhớ anh chỉ có một cô bé học trò tóc vàng cháy nắng, bận chiếc áo dài trắng đã cũ, đạp chiếc xe đạp lọc cọc đi học trên đoạn đường tỉnh lộ dài, khuôn mặt nhớp nháp mồ hôi, đỏ và đầy mụn. Ký ức đó không đánh động được lòng anh chút nào, nó chỉ là một quảng đời trẻ thơ đi qua và vụt mất.

 

Bây giờ Thái thật sự cần gặp Hải Vân. Anh đã lục lọi mọi nơi để tìm lại tấm cạt visít của nàng, mà anh đã bỏ đâu đó rồi quên mất. Và bây giờ anh đang đứng trước ngôi nhà hai tầng, kín cổng cao tường nầy. Anh có lộn không? Anh loay hoay trong suy nghĩ. Bấm chuông gọi cửa hay đi về. Căn nhà quá lớn mà là của Hải Vân sao? Anh không  dự trù về sự giàu có của nàng quá mức như thế nầy. Có những điều, mà trong ý nghĩ thôi, mình cũng khó tưởng tượng thành hình nổi. Huống hồ gì đây là sự thật.

 

Thôi kệ, phải vào chứ, phải liều chứ, mình đến để giới thiệu nàng mua nhà cho Giang Đông để mình kiếm chút tiền cò, chứ mình đâu có nhờ vả xin xỏ gì cho cam, có gì mà xấu hổ. Nếu mua được nhà, Hải Vân cũng có lợi mà. Xấu hổ? Có gì mà xấu hổ. Ở trong tù, trong những năm đói khổ, anh rách rưới bệ rạc đến cùng cực. Không được một lần thăm nuôi, nên anh đói. Đói rả. Đôi chân khẳng khiu, bụng tóp lại, trông giống như một hình nhân làm con bù nhìn đứng giữ vườn. Một lần anh đi lao động ra ngoài hiện trường, đói quá, anh lén lút bẻ một trái bắp để ăn. Thằng vệ binh chạy tới giựt trái bắp anh đang gặm trong miệng, xô anh chúi nhủi ngã lăn quay trên bờ rẫy. Nó chỉa súng vào người anh và chửi: ''Mày không biết xấu hổ khi mầy ăn cắp bắp của trại, bắp của trại là bắp của nhân dân đấy, mầy biết không? Đồ ăn cắp, đồ ngụy.''

 

Thái giận tím mặt. Anh muốn chửi lại nó, của nhân dân cái con khỉ chó nhà mầy. Nhưng anh nín nhịn, anh tự vuốt cơn giận của anh xuống, anh dằn được cơn giận vì sự sống còn. Bây giờ anh cũng dằn lại những tự ái và sĩ diện hảo nầy. Anh quyết định đến bấm chuông.

 

*

 

Tiếng chuông reng làm Hải Vân thức giấc. Buổi tối hôm qua Trung về hơi khuya. Trung đi nhậu với đám bạn làm ăn ở một nhà hàng nào đó. Nhà hàng hay một nơi chốn khác. Hải Vân không để ý đến. Nhưng khi Trung về, tắm rữa, thay quần áo và vào nằm với nàng. Hải Vân mới thấy một cơn giận ở đâu ùn tới. Nàng quay mặt vào tường. Trung ôm nàng, nàng hất tay ra: ''Đừng đụng đến tôi, đi với con đĩ chó nào khuya lơ khuya lắc mới mò về.''

 

Trung nói nhỏ vào tai nàng: ''Sắp có hợp đồng xây cất nhà ở khu Bàu Cát, tụi trên phòng nhà đất Quận kéo anh đi nhậu để ký hợp đồng luôn, chứ có đi với con nào đâu.''

 

Hải Vân thấy nhẹ người hơn khi Trung xoay người nàng lại, và hôn lên tai, lên cổ nàng, nghe nhột nhạt quá. Nàng muốn đảy Trung ra nhưng đẩy không nổi. Trung nói: ''Tụi nó cho uống cái thứ rượu gì mà nghe trong người như lửa đốt, nóng hừng hực, thèm muốn em quá đi thôi.''

 

Trung miệng nói, tay xoa bóp ngực nàng thật mạnh bạo. Nàng ú ớ:

-   Từ từ đã...

-   Từ từ gì, anh lên đến tận cổ đây nầy. Cởi áo quần ra đi, cởi hết cho anh nhìn em chút.

 

Trung bao giờ cũng mạnh bạo, hùng hục, nhưng không lâu. Nàng thấy chưa bao giờ thoả mãn ở Trung. Trung chỉ khơi dậy trong nàng nổi đam mê, nổi đam mê đang chắp cánh thì Trung đã tắt. Trung lăn sang một bên và bắt đàu ngáy. Hải Vân nhìn sững vào bóng tối. Đêm chập choạng. Cơn háo hức vẫn dữ dội trong nàng, nàng vớ lấy cái gối ôm, ghì siết.

 

Cho nên buổi sáng  hôm nay Hải Vân mệt. Nàng ngủ đến 8 giờ. Định ăn cái gì đó rồi ra tiệm bán hàng. Cuộc sống của nàng quay đều. Với Trung, già nhân ngãi non vợ chồng. Hai người gặp nhau sau cuộc đổi đời. Trung đi vượt biên bị bắt, bị tù hơn một năm. Khi được thả. Trung trở về thành phố, không nơi nương tựa, tấp vào nàng. Nàng chấp nhận. Hai người sống chung. Càng ngày càng ăn nên làm ra. Trung trở nên ăn chơi bạt mạng. Nàng lồng lộn lên. Nhưng rồi chuyện đâu vẫn hoàn đó. Trung đi sớm về khuya. Làm ăn hay chơi bời đàn đúm. Nàng càng ngày càng chai lỳ ra. Mặc kệ, mặc kệ. Như sáng hôm nay. Trung dậy sớm và chỉ nói với nàng:

-  Anh phải đi Đà Nẵng gấp, vì công trình ngoài đó đang thi công.

 

Nàng hỏi lại :

-  Anh đi bao lâu?

-  Khoảng một tuần.

 

Trung nói và đi vào phòng thay đồ. Nàng tiếp tục ngủ. Với Trung là vậy. Đi, Về. Ngôi nhà nầy như một sân ga. Cho nên trong tận cùng. Hải Vân như thiếu vắng một cái gì. Có lúc, Trung hùng hục, mạnh bạo. Nàng ngây ngất, sướng thoả. Nhưng trong tim nàng vẫn còn quay quắt một điều gì đó, như sự trống vắng của một bãi biển khi hoàng hôn về, với những con chim hải âu chao lượn. Thật buồn và cô đơn.

 

Hải Vân không ngờ Thái tìm đến nhà nàng mà không báo trước. Nàng không dự phòng điều nầy, nên nàng phong phanh trong chiếc robe ngủ màu hồng mỏng. Chiếc áo ngủ mà nàng thường nói đùa là chiếc áo mời gọi. Khi người ta giàu có lên người ta thường hay học thói trưởng giả, như đi giày hiệu, áo quần hiệu, nước hoa hiệu đúng thời trang và còn trang bị những cái lỉnh kỉnh riêng cho mình. Chiếc áo ngủ bằng voan mỏng nầy cũng là một thời trang của Hải Vân.

 

Hải Vân ló mặt ra đảy cánh cửa, nàng kêu lên:

-  Ủa, anh Thái.

 

Nàng vội lấy hai tay cầm xoắn sát chiếc robe vào người, cho bớt đi sự lộ liểu của thân thể.

-  Mời anh vào chơi, anh đợi em chút.

 

Hải Vân chạy vội vào trong thay bộ đồ khác, kín đáo hơn, nhưng vẫn mỏng tanh.

 

Thái ngồi trên bộ xa lông da đen láng, máy lạnh chạy mát cả căn phòng khách rộng. Cái truyền hình bự tổ chảng, một tủ rượu đủ loại, toàn là rượu hảo hạng. Thái ngẫn  ngơ. Thật sự anh đã lùi lại trong cuộc sống nầy quá. Đạp chiếc xe mobilette đi khắp hang cùng ngỏ hẻm để mua từng kilô đồ lạc xon, gặp thứ gì mua thứ nấy, chạy suốt từ sáng đến chiều, ì à, ì ạch, mồ hôi mồ kê đổ ra như tắm, thế mà một ngày chỉ kiếm không hơn hai chục ngàn, đủ cho hai bữa cơm và ly cà phê đen buổi sáng. Cuộc sống đã đảy anh lùi lại. Còn Hải Vân thì đã đi trên đôi hia bảy dặm, một căn nhà rồi hai căn nhà, rồi biệt thự lớn, nhỏ. Đó là sự may mắn trên đời dành cho Hải Vân.

-  Ngọn gió nào đưa anh đến đây vậy? Sao anh không điện thoại báo trước cho em?

-  Anh xin lổi, nhà anh chả có điện thoại. Anh đi cầu may xem thử em có ở nhà không? Anh không ngờ nhà em to lớn, đẹp đẽ thế nầy.

 

Thái làm một cử chỉ thán phục. Hải Vân biết điều đó. Nhiều người không ngờ nàng giàu lên nhanh thế, nên để chứng tỏ điều nầy nàng thường mời bạn bè đến chơi nhà. Nhìn căn nhà to lớn, sang trọng, người ta mới tin. Đây cũng là một lối quảng cáo. Nhưng đối với Thái, nàng lại khác. Thái của một thời trung học, những năm tháng cơ cực thuở Hải Vân còn là một cô bé học trò nhà quê lên tỉnh học. Ngày đó, Thái là hình bóng đầu đời trong trái tim nàng. Hình bóng người học trò học lớp đệ nhất chửng chạc, lúc nào áo cũng bỏ trong quần. Anh thuộc vào típ học giỏi, con nhà giàu, đẹp trai, nên nàng biết sức nàng với không tới được. Nhưng hình ảnh đó vẫn ăn sâu, chìm đắm, lẫn khuất, không phai nhòa trong trái tim nàng. Nó là một ám ảnh lớn trong cuộc sống nàng. Cho tận mãi bây giờ, khi nàng đã trút bỏ được lớp áo lam lũ, bụi bặm của một thời thơ ấu cũ, khoác lên người một chiếc áo mới, sang trọng, giàu có, đã làm nàng hả hê, nhưng không sao nàng quên được dư âm của một bóng hình đã cũ.

 

Hôm tình cờ gặp Thái sau bao nhiêu năm tháng đổi đời, Hải Vân vẫn nghe trong tim một tiếng gọi của những ngày xưa cũ. Dù bây giờ Thái có cằn cổi đi, nhưng anh vẫn còn mang một hình ảnh quyến rũ đày mê hoặc.

 

Thái nói như một dò hỏi:

-  Hải Vân trông lạ quá, anh không nhớ ra nỗi, cũng đã mấy mươi năm.

- Dạ, thời gian qua mau quá cho nên mình mau già, anh thấy em khác lạ đi là em đã già nhiều đó. Phải không?

Thái thấy mình cần khen nàng một câu :

-  Hải Vân không già đâu, trông em đẹp hơn xưa.

 

Hải Vân bẽn lẽn và cảm động. Hơn xưa, dĩ nhiên rồi, ngày xưa, khi còn đi học, nàng là một cô bé lọ lem.

 

Thái dò hỏi tiếp:

-  Sao nhà vắng thế nầy?

-  Có ai đâu anh, ông Trung bay đi Đà Nẵng từ sáng sớm, chắc cũng một tuần mới về.

 

Thái yên tâm, anh đang tìm cách lách câu chuyện qua chuyện làm ăn, anh sẽ đề cập đến chuyện nhà cửa, những cơn lốc về nhà đất, rồi anh sẽ giới thiệu căn nhà của Giang Đông.

 

Câu chuyện cũng trót lọt, anh đã nói những điều mình muốn nói, giá cả căn nhà, nơi chốn căn nhà toạ lạc. Hải Vân ngồi nghe, trông dáng chăm chỉ lắm. Thái nói xong, anh như hụt hơi. Chưa bao giờ anh trình bày một câu chuyện mà anh run như vậy, nghĩa là, anh cần số tiền cò được trả lắm, hai cây vàng. Anh sẽ làm được bao nhiêu chuyện lúc nầy, nhất là giấy tờ xuất cảnh của anh, sự ra đi của anh, tương lai của anh, tất cả.

 

Hải Vân vẫn chú ý lắng nghe, nàng cười cười. Sau cùng, nàng nhả ra từng tiếng:

- Nhà khu đó làm gì mà bốn mươi lăm cây, dữ vậy. Em mua bán nhà đất em biết, nhưng mà để em lên coi thử xem sao?

 

Thái nghe như rớt từ trên cao xuống, không trọng lượng. Thái nghĩ, thằng Giang Đông cũng tay tổ lắm, hét giá nhà trên trời. Nếu bán được giá đó, hai cây vàng tiền cò cũng xứng đáng thôi.

 

Hai người bỏ qua chuyện mua bán nhà, có lẽ họ thấy chuyện đó đã xong. Thái cứ lơ lững và bồn chồn, vì anh biết công việc mình muốn đạt tới kết quả không đi đến đâu. Còn Hải Vân, đây là dịp gặp Thái lần đầu tiên trong đời nàng. Gặp? Đâu có phải như ngày xưa ngày còn đi học, hai người cùng đi một lối rồi vẫy tay chào. Ròi tối nàng về nằm tơ tưởng đến một hình bóng ngoài tầm tay. Bây giờ, Thái bằng xương bằng thịt đang ngồi trước mặt nàng, hai người đang nói chuyện tâm tình. Hải Vân có tật nói nhiều và nói về mình, về cuộc đời gian truân của một cô gái học trò tỉnh lẻ, phải bon chen với cuộc sống như thế nào để vươn lên với đời để có cuộc sống như bây giờ nàng có được. Nàng kể chan hòa, kể say mê về những mối tình đã qua, đã cũ, mà hình ảnh Thái là một mộng tưởng suốt đời nàng mơ ước đến. Thái biết điều đó từ rất lâu, nhưng anh đâu thể dừng lại một nơi chốn chật hẹp được. Hồi đó, anh còn nhiều mộng tưởng.

 

Bây giờ, thời gian đã qua, đã chôn vùi đi cái quá khứ vàng son kia. Bây giờ anh là người ôm cái ''Giấy Ra Trại'' trong người to tổ bố, nên anh chẳng kiếm được công việc gì khá hơn, ngoài việc đi mua bán đồ lạc xon, ngày kiếm đôi đồng bạc cắc để câu cơm. Nhưng anh cũng quá cần tiền để lo giấy tờ xuất cảnh. Cái ''Giấy Ra Trại '' của anh bây giờ bắt đầu có hiệu lực rồi.

 

Khi Hải Vân ngừng kể để thở, thì Thái liền bắt mạch vào chuyện của anh ngày trước. Bằng những mộng tưởng vá trời lấp biển, anh đã tinh nguyện vào quân đội, làm phi công phản lực, từng bay trên đầu bọn địch để thả bom trong những mặt trận dữ dội nhất. Rồi những tháng ngày sau năm bảy mươi lăm, đi ở tù, bị bỏ rơi, bị đói khổ. Tất cả anh kể lại cho Hải Vân nghe, để xoa dịu đi một phần mặc cảm trong lòng, về sự sa cơ thất thế của anh. Anh cũng có một  chút ý nghĩ hèn mọn, mong nàng cám cảnh cho cuộc sống anh bây giờ. Nhưng anh thấy Hải Vân như không hiểu điều đó, hay làm ra không hiểu.

 

Nàng đứng lên đi vào bên trong lấy soda, rượu mạnh và nem chả đem ra đặt lên bàn, những thứ nầy Trung thường dùng hằng ngày. Nàng nói:

- Bỏ qua mọi chuyện đi anh. Lâu quá mới gặp anh mời anh uống rượu với em, anh hãy uống hết với em chai rượu nầy.

 

Nàng rót rượu, vẻ sành sỏi, điệu nghệ. Hai chiếc ly nhỏ, sạch bong, trong vắt. Rượu sóng sánh. Hải Vân nâng ly, mời anh. Thái cũng nâng ly, mời Hải Vân. Thứ rượu quý, đắt tiền nầy, anh đã uống trước đây cũng mấy mươi năm. Bây giờ quá xa lạ. Bây giờ, với anh là rượu đế, là "bia lên cơn". Quán nhậu là những quán thịt chó, quán xíu quách cà tàng trong hẻm. Làm gì anh có tiền để uống được những thứ rượu đắt tiền nầy.

 

Hình bóng Hải Vân bây giờ là hình bóng Nại Hiên của những ngày tháng cũ, ngày tháng cắp sách đến trường qua Ty Tiểu Học, anh đứng đợi nhìn Nại Hiên ôm cặp bước ra. Dáng nàng thon và mong manh quá.

 

Em qua dáng mỏng như là gió

Anh thả hồn phơi trên ngọn cây

(thơ Hoàng Gổ Quý)

 

Anh đã phơi tình anh trước nhà Nại Hiên bao nhiêu lần như thế. Ơi, tuổi thơ ngọc ngà quá đổi. Bây giờ Nại Hiên đang ngồi bên anh, chiếc áo màu hồng nhạt mỏng manh, để lộ bầu vú tròn và những đường nét ẩn khuất. Hình như suốt đời Thái và trong cuộc tình với nàng, anh chỉ được hôn Nại Hiên có một lần, rồi nàng đã bay xa thật là xa. Làm sao để được hôn Nại Hiên nhiều hơn và yêu nàng nhiều hơn. Ngôi trường cũ, những lối đi quen, hàng dương liểu, áo dài trắng bay bay. Thái nghe lòng mình hừng hực. Chiếc áo trể tràng, nụ cười tình, những ly rượu tiếp theo. Mùi thơm da thịt, Khuôn mặt đỏ au lên. Thái quàng tay qua vai Hải Vân ghì siết. Anh quên hết mình đang đi chạy cò, anh quên hết thân phận. Bây giờ chỉ còn, trước mặt, sau lưng anh, chung quanh anh, là một hình bóng đàn bà lượn lờ với thân hình bốc lửa, rồi những môi hôn quíu chặt, cặp vú săn, đám lông mịn như nhung, hấp dẫn, mời gọi.

 

Hải Vân đứng dậy dìu Thái vào phòng.

 

Khi Thái tỉnh lại, anh thấy mình nằm trên chiếc giường quen thuộc ở nhà anh, bên cạnh có một bì thư. Anh vội vã mở ra xem. Dòng chữ Hải Vân viết nắn nót: ''Anh Thái, anh coi như hôm nay chỉ có một lần trong đời, với em cũng vậy. Đừng suy nghĩ gì thêm. Gởi anh ít quà để anh lo việc xuất cảnh.''

 

Thái mở một gói nhỏ để trong bì thư, 200 đô la và một cái đồng hồ Seiko còn mới tinh. Thái để thư và tiền trên ngực mình. Anh nhắm mắt lại và kêu lên nho nhỏ, Châu Long, ta đã gặp Châu Long./.

 

Trần Yên Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...