Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

  Nước Mắt “Lay-Off” - Trần Yên Hòa


Tranh vẽ Nguyễn Sơn | Photography - Malerei. Loanguyen son

Buổi trưa, trong giờ “lunch”, Huệ ra máy điện thoại công cộng đặt trong hãng, gần phòng ăn, gọi phone về nhà cho Mỹ Thuý. Gặp đứa con gái ở đầu giây, Huệ nói ngay: ’’Thuý đó hả, con sắp xếp rồi chiều về mẹ với con đi coi nhà nghe, hôm qua mẹ đã nói chuyện điện thoại với người chủ, mẹ thấy nhà cũng được và vừa túi tiền của mình, chiều nay mẹ muốn con đi với mẹ, con vừa lòng thì mẹ mới vui’’.  Mỹ Thuý đáp: ’’OK, con đợi mẹ, chiều mẹ về sớm nghe, thôi mẹ đi ăn cơm đi, bye mẹ’’. Huệ cúp máy và thấy vui ở trong lòng. Vào phòng ăn dành cho công nhân, nàng đi lại chỗ Hiệp đang ngồi ăn và hỏi Hiệp: ’’Anh hâm dùm cơm em chưa?’’. Hiệp ngồi qua một bên kéo ghế cho Huệ, vồn vã nói: ’’Xong hết rồi, lady first mà, cơm nóng hổi vừa thổi vừa ăn đó em’’. Huệ ngồi xuống bên Hiệp và thấy lòng mình rộn rã.

<!>

Hôm nay đi làm Huệ mặc áo vàng, nàng như đem màu vàng hoa cúc đến với mọi người. Hồi sáng gặp Hiệp, anh đã đọc một câu thơ chọc nàng ngay, ’’aó nàng vàng anh về yêu hoa cúc’’, Huệ trả lời bẻn lẻn ‘’Xứ Mỹ tìm hoa cúc để yêu cũng khó lắm’’ Hiệp cười,’’có khó anh cũng phải cố tìm ra để yêu’’. Hai người cùng cười. Đôi bạn quen nhau từ ngày làm chung một department và có những cảnh đời xãy ra như nhau, Hiệp thường nói giọng buồn buồn: ’’Anh và em là những kẻ cô đơn nhất trên đời nầy’’.     

 

Huệ vào làm hãng sơn gỗ nầy chưa đầy năm tháng, năm tháng như một thử thách với cuộc sống của chính nàng. Ngày trước, Huệ là cô nữ sinh trường Nữ Trung Học Hồng Đức, Đà Nẳng. Ơi cái thuở học trò sao xa vời quá, học xong tú tái 2 là Huệ thi vào trường cao đẳng sư phạm, rồi ra trường đi dạy, cuộc sống của nàng như một dòng sông êm đềm cho đến ngày nàng gặp Hãn.

 

Hãn uà đến đời nàng như một trận bão giông, nàng nhớ lại hôm trường nàng dạy có tổ chức ‘’Cây mùa xuân Chiến sĩ’’ nàng được cử đi tiền đồn để thăm các chiến sĩ đang trấn đóng ở  quận Quế Sơn. Nàng được phân chia làm hướng dẫn viên các nữ sinh đi làm công tác uỷ lạo. Khi những chiếc GMC chở phái đoàn nữ sinh  trường Nữ trung học đi thăm viếng, nàng mới thấy chiến tranh cận kề quá. Ở một thành phố bình an, ngày hai buổi đến trường dạy học trò, một nơi yên ổn, chiến tranh chỉ nghe nói tới trên báo chí, qua đài phát thanh. Hôm đó, trên đoạn đường từ Hương An chạy dọc lên Quế Sơn lổ chổ những dấu bom mìn, dù đoạn đường đã được khai thông và được giữ an ninh tối đa. Ngồi trên xe, nhìn về hướng những ngọn núi điệp trùng thỉnh thoảng lại ùm lên những tiếng đạn trọng pháo, những đoàn phi cơ ném bom cháy đỏ cả một góc trời, nàng thấy lòng lo lắng không nguôi.

 

Hôm đó đám nữ sinh do nàng hướng dẫn đến đồn Núi Kiếng, đây là ngọn núi có đỉnh cao nhất Quê Sơn, ở đó có thể quan sát toàn thể khu vực quận lỵ và các xã lân cận. Lính tráng ở đây sống rất gian nan cơ cực. Núi Kiếng là nơi tranh chấp giữa hai bên vì phe nào làm chủ được núi Kiếng coi như làm chủ Quế Sơn, nên mảnh đất nầy là nơi dành giật cuả hai phía. Đơn vị quân đội đóng ở đây hằng ngày đã hứng không biết bao nhiêu quả đạn pháo của địch, ban đêm thì đặc công địch bò lên quấy phá, nên đơn vị luôn luôn ở thế báo động một trăm phần trăm.

 

Người sĩ quan chi khu nói với phái đoàn: ’’Chúng ta tới thăm binh sĩ ở đồn Núi Kiếng độ khoảng một tiếng đồng hồ là đi ngay, tình hình quân sự không cho phép trình diễn văn nghệ, chỉ tặng quà và thăm hỏi các chiến sĩ thôi rồi rút, xin cô giáo và mấy em thông cảm’’. Các nữ sinh theo sự chỉ dẫn của Huệ đã mang theo những thùng quà cho lính, những món quà tết từ hậu phương gởi ra tiền tuyến, những bánh chưng xanh, bánh tét, những hộp mứt, những phong kẹo đậu phụng, tất cả còn thơm mùi lá non, mùi đường tươi và muì đậu phụng. Lính tác chiến ở đây cực khổ vô cùng, họ sống  dưới những hầm chữ A để tránh pháo kích.

 

Từng toán lính và các cô học trò đang tâm sự cùng nhau vui vẻ thì bỗng nhiên từ xa nghe một tiếng pháo ‘’départ’’ trên dãy núi xanh. Tiếng pháo mau ùa đến một cách kinh hoàng. Ngườì sĩ quan đại đội trưởng hô to: ’’có pháo kích, tất cả xuống hầm ngay’’. Chưa nói dứt câu thì một tiếng nổ kinh hoàng vang lên ngoaì hàng rào phòng thủ. Cả đám nữ sinh chạy ùa xuống các giao thông hào và hầm cá nhân. Huệ cũng được một bàn tay nào đó kéo đi. Sau quả pháo đầu khoảng hai phút thì tiếp tục những quả pháo sau rơi xuống tiếp theo, tiếng pháo xé gió dội ì  ầm rít lên nghe kinh hoàng quá.

 

Khi im đợt pháo kích, Huệ mới thấy mình đang nằm trong vòng tay của một người đàn ông mà trong bóng tối của căn hầm trú ẩn khiến nàng không nhìn rỏ mặt. Trong bóng tối, người lính nói:’’Cô đừng sợ, địch trên núi thường pháo kích mỗi lần như thế khoảng năm trái để uy hiếp tinh thần anh em, vậy thôi, hôm nay có các cô đến thăm tiền đồn, tụi nó tặng thêm mấy quả nữa đó, thôi các cô lên và mau rời khỏi nơi nầy’’. Người lính nói xong liền đưa Huệ và đám nữ sinh lên khỏi hầm trú ẩn. Khi lên đến mặt đất nàng mới thấy hoàn hồn và nhận ra người đã ôm nàng nhãy xuống hầm là một thiếu uý còn rất trẻ. Người thiếu uý nói: ’’Tôi là Hãn, đại đội phó ở đây, rất cảm ơn các cô đã lên thăm đơn vị chúng tôi và bây giờ xin phái đoàn rời đây ngay’’. Khi phái đoàn leo lên những chiếc GMC đậu dưới chân núi, Huệ đã cho Hãn biết về trường dạy học của nàng, Hãn hứa khi nào về phép sẽ ghé thăm.

 

Câu nói và lời hứa như có vẻ bông đùa và đưa đẫy, nhưng Huệ không ngờ, hai tháng sau, trong một buổi chiều bãi trường, nàng đã gặp Hãn, khi nàng dắt xe ra khỏi cổng trường, người sĩ quan trẻ hôm nay sạch sẽ hơn trong bộ đồ trận đựợc giặt kỹ và uỉ hồ láng với đôi giày shaut cũng được bóng hơn. Nàng đã vui mừng khi gặp lại Hãn, và Hãn đã đi vào cuộc đời nàng những ngày sau đó, cuộc tình cuả chàng trai tiền tuyến với em gái hậu phương diễn ra đẹp như những bài hát của Trần Thiện Thanh, của Trúc Phương, ca ngợi về những mối tình lính chiến. Hơn hai năm sau, Hãn lên trung uý và được đổi về làm việc tại Đà nẳng, hai người cưới nhau.

 

Đời sống vợ chồng Huệ an vui và hạnh phúc, hai người đã có hai con, một gái, một trai, cho đến năm bảy mươi lăm.

 

Cuộc di tản vĩ đại đã làm chia lìa biết bao nhiêu gia đình, thời gian nầy đánh dấu hoàn cảnh bi thương của biết bao con người, khi đoàn quân dân di tản từ Quảng Trị, từ Huế chạy vào Đà Nẵng, khi đoàn quân dân di tản từ Quảng Ngãi, Quảng Tín bồng bế dắt díu nhau tuôn ra Đà Nẵng thì Huệ mới thấy cuộc sống của nàng bị đe dọa. Những ngày nầy, Hãn luôn luôn bị cấm trại 100%, một ngày Hãn chỉ ghé nhà khoảng 10 phút, dặn dò nàng những công việc cần thiết xong rồi đi, nàng gấp rút thu dọn những đồ đạc cho gọn gàng, Hãn bảo: “Tình hình rất nguy ngập, em hãy chuẩn bị, lo cho hai con, nếu có lịnh di tản thì anh về dắt em và hai con đi ngay.’’

 

Hãn ra đi hôm đó và đi luôn đến hơn hai mươi năm sau nàng mới gặp lại, khi đơn vị Hãn được lệnh di tản khỏi Đà Nẳng, Hãn không thể về được, anh theo bộ chỉ huy qua khu An Hải, bám lên một chuyến tàu của hải quân và xuôi Nam, chuyến tàu chạy ra đảo Phú Quốc và đến ngày 30 tháng 4, Hãn theo tàu qua  đảo Guam rồi sang Mỹ.

 

Huệ trong suốt những ngày trông chờ người chồng về đón nàng đi, đến khi xe tăng và bộ binh của quân Bắc phương tràn ngập thành phố thì nàng mới biết là mình không hy vọng được ra đi và lo cho Hãn vô cùng, có biết bao nhiêu người đã chết ở phi trường khi giành giựt nhau lên máy bay, chết ở bài biển Mỹ Khê khi địch pháo kích bừa bãi xuống bãi biển, thây người không sao đếm nổi, cái chết rất gần với bất cứ một ai và xảy đến bất cứ lúc nào.

 

Trong cái buổi tranh tối tranh sáng đó, nàng không làm sao biết tin được Hãn, anh có thoát được không?.  Mãi đến những gần năm năm sau nàng mới được tin tức của chồng, khi Hãn từ Mỹ viết thư về và hứa sẽ làm giấy tờ bảo lãnh cho ba mẹ con nàng qua Mỹ đoàn tụ.

Phải chờ đến bao nhiêu năm nữa ba mẹ con nàng mới dắt díu nhau qua được đất Mỹ. Phi trường San Francisco đón nàng trong cái lạnh lẻo của một chiều cuối năm, hơn hai mươi năm, nàng thấy Hãn xa lạ với nàng quá

 

*

 

Hãn đón nàng với một gương mặt khác, gương mặt lặng lẽ, cùng ở tuổi Hãn những người đàn ông còn lại ở VN ốm o gầy gò, oằn lưng trên chiếc xe đạp thồ, hay oằn trên  những chiếc xích lô. Hãn phong lưu và trẻ trung dù hơi mập. Một điều làm cho Huệ thất vọng là Hãn lặng lẽ, không biết sự u uất nào đó, có một cái gì đó đã làm cho Hãn trong buổi gặp lại vợ con sau hơn gần hai mưoi năm xa cách lại không vui.

 

Sau một thời gian ổn định, Hãn mới thổ lộ cùng nàng là trong những tháng năm xa cách, vì sự cô đơn trống vắng ở xứ Mỹ nên Hãn đã có một người đàn bà khác, anh xin lỗi Huệ và nói: ’’Em tính thế nào cho vui được đôi bên thì thôi’’. Huệ như muốn ngã qụy khi nghe tin nầy. Nàng cười nhạt bảo Hãn: ’’Tại sao anh không nói với em trước khi em còn ở VN để em quyết định’’.

Hãn  lắc đầu nói:  ‘’Anh không thể’’.

Nàng đã bỏ lại thành phố San Francisco để dắt díu hai  con nàng về đây, sau khi đã ký đơn ly dị với Hãn. Hai đứa con đã lớn, đã trưởng thành, nhưng nàng vẫn mong sao hai con tiếp tục học, hồi ở VN có tiền đâu để cho con nàng ăn học được, dù sau nầy Hãn có gởi một ít tiền về tiếp tế.

Nàng đã bỏ thành phố mù sương đó để về nơi thành phố nắng ấm Cali, nàng nghĩ coi như Hãn đã chết khỏi đời mình, như mấy mươi năm nàng một mình tần tảo nuôi con.

 

Chị Hạnh đã phone cho nàng khi nàng kể về hoàn cảnh của mình, chị Hạnh cùng chồng sang Mỹ theo diện HO.  Hai vợ chồng chị Hạnh thuê một căn appartment, chồng lãnh tiền già, vợ đi cắt chỉ ở shop may cũng sống qua ngày. Chi Hạnh nói: ‘’Em qua đây ở với chị, mình ở chật chật cũng được để bớt tiền nhà’’. Nàng đồng ý và sau khi li dị xong với Hãn, nàng lên chuyến xe buýt của hãng ‘’Con Chó Rừng’’ cùng hai con xuôi về nam Cali.

 

Nàng phải vất vã rất nhiều để đi xin việc làm và hãng nầy đúng là hãng thứ ba nàng đã làm việc. Cuộc sống từ một cô giáo tụt xuống một cô “assemply”, đứng trên dây chuyền sản xuất để bắt những thanh gỗ đã đươc sơn xong chạy qua. Hồi mới đầu vào làm ở hãng nầy, nàng thấy không thể chịu được khi nghe mùi hóa chất phả ra từ phòng sơn, mùi hoá chất được coi là độc hại có thể gây bịnh ung thư hay vô sinh, không có con đường nào khác, nàng phải làm thôi.

 

Hôm qua trong lúc đứng trên line làm việc, chị Quý đã nói với Huệ: ’’Em phải lấy chồng đi để chồng phụ với em lo gia đình, các con càng ngày càng lớn và tụi nó sẽ có một ngày tách rời em’’. Nghe chị Quý nói, tự dưng Huệ thấy nao nao lòng và chợt nghĩ đến Hiệp, người công nhân làm cùng hãng, đã có những cử chỉ săn sóc nàng. Hiệp năm mươi tuổi, đi cải tạo về thì vợ đã có một người đàn ông khác. Hiệp qua Mỹ với hai đứa con, anh ăn nói nhẹ nhàng dể thương, thường giúp đỡ nàng những chuyện khó nhọc, nhưng nàng chưa có ý nghĩ gì cả. Hãy còn quá sớm để nghĩ đến chuyện nầy. Chuyện với Hãn đã làm nàng đau điếng từng thớ thịt, nàng chưa dám tin một người nào khác và cũng chưa dám nghĩ đến một người đàn ông nào khác, nàng còn hai đứa con phải lo, tiền nhà phải trả, như chuyện tháng sau vợ chồng chị Hạnh sẽ thuê nhà riêng vì chị vừa mới xin được housing, nên Huệ phải tìm một chỗ ở. Hôm qua đọc báo thấy có một ngôi nhà vừa ý, nàng đã phone lại hỏi và hôm nay, nàng định buổi chiều sẽ dắt đứa con gái lớn đi coi nhà, để đầu tháng có thể dọn đến ở.

 

Hiệp nhìn Huệ ăn và nói:

 

-’’Hôm nay Huệ có niềm vui gì mà cườì hoài vây?’’

 

Huệ đáp:

 

- ‘’Chiều nay về em sẽ đi coi nhà mới, em thuê được nhà nầy em sẽ mời anh đến  chơi’’.

 

- ‘’Chứ chỗ Huệ đang ở thế nào?’’

 

- ‘’Chị Hạnh em được housing nên phải trả nhà, để thuê nhà khác, em cũng phải đi luôn.’’

 

- ‘’Em thuê được nhà, anh sẽ ra Goodwill mua biếu em bộ sofa về tiếp khách, anh chỉ giám tặng em đồ Goodwill thôi, chứ sang hơn thì anh không giám’’.

 

Huệ nói cảm ơn và lòng thì vui như mở hội, một niềm vui mà suốt bao nhiêu năm trời nàng không  có được.

 

*

Đám công nhân làm trong hãng sơn gỗ nầy phần đông là những người mới qua Mỹ theo diện HO, họ được sang Mỹ sau những năm tù đày. Phần lớn họ còn trẻ lắm cũng ở trên tuổi năm mươi, còn  sàng sàng thì năm lăm, sáu mươi, sáu lăm. Nếu trên tuổi sáu lăm họ có thể được ăn tiền già cũng đỡ, nhưng những ngươì dưới sáu mươi lăm tuổi thì phải tới gõ cửa những trung tâm tìm việc của cộng đồng. Theo sự chọn lựa, những hãng điện tử làm việc tương đối nhẹ nhàng, lại thuờng không nhận họ, vì làm điện tử cần có đôi mắt sáng để nhìn rõ những linh kiện khi ráp nối. Họ xin làm ở đâu cũng không được bền, ba bốn tháng là bị lay-off, chỉ có những hãng làm việc bằng chân tay, chuyện gì làm cũng được thì họ mới mong làm việc được lâu dài, những người đi xin việc làm chỉ mong một điều là, làm được một công việc ổn định, có đồng lương hàng tuần, cuộc sống chất chứa bao nhiêu gánh nặng oằn vai.

 

Đến giờ làm việc, đám công nhân ai vào việc đó, có những quy định của những ngườì làm công cho hãng Mỹ là trong giờ làm việc không được đứng khơi khơi. Người chủ Mỹ muốn mỗi giờ lãnh 5,75 dollars của họ phải vận động, phải làm việc liền tay, nhưng cũng tội tình cho những công nhận VN, là có những lúc không có công việc làm, như đợi chờ hàng chạy đến theo khâu dây chuyền, thì họ phải tìm tòi, lục lọi một công việc gì đó để làm, ác nổi, có lúc chẳng có việc gì làm, mà người manager Mỹ cứ đứng nhìn, cái nhìn như xuyên thấu tim người công nhân. Người Mỹ không nói nặng một câu, nhưng cái nhìn làm chạm đến lòng tự ái nhiều người. Cái nhìn đụng chạm đến lòng tự trọng dân tộc. Cái nhìn như nói người Việt Nam nào cũng muốn trốn việc. Cái nhìn tước bỏ, mất hết tình đồng minh, chiến hữu một thời. Cái nhìn chủ tớ. Cái nhìn làm nhột nhạt như có ai xối vào mặt mình một gáo nước lạnh. Người Mỹ manager có biết đâu rằng, hay không cần biết, đây là thiếu tá Thái một thời là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Biệt động quân, đã dẫn tiểu đoàn xung phong tái chiếm cổ thành Quảng Trị, đây là Đại Uý Hòa, đại đội trưởng đại đội trinh sát sư đoàn, đã từng nhảy trực thăng xuống mật khu Đỗ Xá, tiêu diệt không biết bao nhiêu lực lượng địch, đây là trung uý Nghiêm, đại đội trương Dù, đã dẫn đại đội nhảy vào cứu nguy An Lộc, trong những ngày chiến trường An Lộc sôi động nhất. Bây giờ  hai mươi lăm năm sau, tóc người nào cũng đã bạc, người trẻ nhất cũng đã muối tiêu, họ đang chui xuống phòng sơn để dọn đám sơn rơi vải, đang rúc xuống gầm máy để chùi cho sạch những dây belt bằng chất acétone độc hại, đang đứng trên line để bắt những thanh gỗ vừa được sơn xong. Tất cả cũng vì cuộc sống, ngày trước trong trại cải tạo họ cũng đã làm biết bao chuyện nhục nhằn, nhưng đó là những ngày lao tù cưỡng bách, ngày họ trở về cùng gia đình, họ cũng đã từng đạp xích lô, đạp xe ba gát, bán cà rem dạo, đủ chuyện, nhưng lúc đó họ nghĩ, họ là những người thua trận nên họ cam chịu, bây giờ đã qua Mỹ, đã bước sang một xã hội, một dân tộc, đã dang tay đón họ từ một độc tài sang một xứ sở của tự do, mà sao họ còn bao nhiêu là cực nhục.

 

Hiệp cũng ở trong những người đó, anh vẫn nhớ trước ngày rời VN, bạn bè đã làm một buổi tiệc tiễn đưa, anh hạnh phúc và sung sướng bao nhiêu khi nghĩ là mình là người may mắn hơn bạn bè. Hôm đó anh đã đứng lên và dõng dạc tuyên bố:  ’’Qua Mỹ tau khá lên, tau sẽ không quên tụi mày, quên trường cũ đâu’’. Ai cũng cạn ly với anh và chúc anh thành công, ‘’phải thành công nghe mày’’. Anh nói: ’’chắc chắn’’. Nhưng qua đây gần bốn năm anh đã làm được gì, hết assembly hãng nầy đến assembly hãng khác, làm việc cho Mỹ thường phải đứng suốt, mỗi ngày đứng gần 8 tiếng đồng hồ, vết thương ngày cũ của anh đau nhức khôn nguôi, nhưng anh vẫn gắng gượng cố làm việc, anh không thể để cho các con anh thất vọng.

 

Cuộc tình với người vợ cũ đã nguôi ngoai, các con anh cũng đã lớn, anh đang tìm một người đàn bà để cùng chung sống, để an ủi tuổi già ở xứ Mỹ lạnh lẽo nầy, anh chú ý đến Huệ, người đàn bà đã có một cuộc đời đầy đau thương. Huệ đã tâm sự với anh về nỗi bất hạnh của đời nàng, cuộc sống sao vẫn những quẩn quanh và chụp bắt, anh mong Huệ như là một điểm tựa cuối cùng của cuộc đời anh, để bù đắp lại những ngày đau thương của cả hai ngươì.

 

Người supervisor đem check lương đến phát cho công nhân, người công nhân chỉ có ngày này là niềm vui của họ, đó là ngày thứ sáu của tuần thứ hai, được nhận check. Đồng tiền làm vui lòng người nhưng cũng đày đọa con người quá đổi. Người supervisor dừng lại chỗ Huệ để phát lương, Huệ đang sung sướng khi cầm tấm check trong tay, chiều nay nàng sẽ đổi ra tiền mặt và deposit cho người chủ nhà mới, tuần sau, đầu tháng, mẹ con nàng sẽ dọn tới căn appartment mới.

Người supervisor đưa tấm check cho Huệ và nói luôn:

- ‘’Chị Huệ ngày mai nghỉ nghe, chị bị lay-off, đến giờ về, chị gặp tôi trả lại thẻ.’’

Huệ tưởng như tai mình nghe lầm, Huệ muốn hỏi lại lần thứ hai nhưng người supervisor đã đi  xa, và nàng chợt hiểu ra là thật sự nàng đã bị mất việc. Đến lúc này nàng mới thấy trước mặt nàng một vùng trời u ám đang bao quanh, khuôn mặt hớn hở và giọng nói tươi vui  buổi trưa không còn với Huệ nữa, nàng nghe hai mắt uớt ướt và dòng lệ không kìm được chảy xuống, tứ chi nàng uể ỏi, nàng bật khóc to lên và thấy không thể làm việc được tiếp một giây phút nào nữa, nàng bỏ ra về.

Hôm đó, gần mười người bị nghỉ việc, có ba người là cựu tù nhân chính trị trên 50 tuổi và làm việc chưa được sáu tháng, nên không xin được tiền thất nghiệp.

Hiệp mất Huệ từ đó, khi anh nghe tin  Huệ bị nghỉ việc, Hiệp nhờ người bạn làm hộ công việc của mình để đến hỏi thăm nàng. Nhưng khi anh đến, Huệ đã ra đến parking, sau khi nàng trả thẻ lại cho người supervisor. Anh ngoắc tay nhưng Huệ đi luôn, anh không biết số phone nàng và cũng không biết địa chỉ, dù hai người quen nhau khá thân, cả hai chưa nghĩ đến sự chia tay, Hiệp không gặp lại Huệ từ đó, từ buổi chiều có dòng nước mắt chảy xuống thân phận buồn tủi của nàng./. 

 

Trần Yên Hòa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...