tranh lê trung
Chị đấy! Chị đang gánh mạ từ cánh đồng trở về nhà trong ráng chiều hôm chạng vạng.
Nắng
cuối ngày làm khuôn mặt trái xoan xinh đẹp của chị ửng đỏ. Gió đồng
lồng lộng tung bay làn tóc đen mượt mà ngang vai của chị. Nghe có tiếng
người trò chuyện phía trước, chị ngước đôi mắt tròn, đen láy nhìn lên.
Chị nở một nụ cười tươi tắn, hàm răng trắng đều tăm tắp khoe chiếc răng
khểnh duyên dáng:
- Con chào hai cụ, hai cụ đi chợ về đấy ạ!
- Vâng, chào cô, cô đi cấy về đấy à?
- Dạ, vâng!
- Ối!
<!>
Chị
quay đầu nhìn lại, một bà cụ bị vấp ngã, chị vội vã đặt gánh mạ xuống
chạy lại đỡ bà cụ lên, miệng xót xa hỏi bà có bị làm sao không? Nhìn
thấy ngón chân cái của bà bị mảnh chai đâm vào chảy máu, chị không ngần
ngại đưa cánh tay áo bên trái lên miệng, tay phải cầm đầu tay áo xé toạc
một miếng. Miếng vải nâu dời ra để lộ cánh tay thon thả hồng hào của
chị. Chị cúi xuống buộc vết thương cho bà cụ, dặn bà về đến nhà rửa sạch
vết thương bằng nước muối rồi bôi tí thuốc mỡ tra mắt vào để tránh
nhiễm trùng.
Kẽo kẹt, kẽo kẹt; đôi chân trần xắn đến đầu gối phơi
phong làn da trắng muốt của chị lại thoăn thoắt bước đi dưới cái nặng
của chiếc đòn gánh trên vai. Gánh mạ nặng là vậy mà dáng chị vẫn mềm
mại, uyển chuyển như đang tập múa ở sân đình. Chị đã đi được một quãng
nhưng vẫn thấy văng vẳng bên tai lời hai bà cụ:
- Con bé đẹp người đẹp nết, thắt đáy lưng ong vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con thế mà vẫn không có ai lấy. Tội nghiệp nó!
Chị
dừng bước, vừa thở vừa lấy tay gạt mấy giọt mồ hôi lấm chấm trên trán.
Trời chiều mênh mang, gió chiều lồng lộng tạc vào lòng chị một nỗi buồn
nhân thế.
Mẹ chị, người đàn bà xấu nhất làng được sinh ra cũng từ
một người đàn bà xấu nhất làng. Vì quá xấu, bà vốn đã bị người làng coi
thường, nay lại không chồng mà chửa nên bà càng bị người làng khinh rẻ;
bà đã đưa mẹ chị ra thẻo đất ở rìa làng dựng một ngôi nhà đất, lợp rạ để
mẹ con sinh sống. Bà đi làm thuê, mót lúa, mò cua, bắt ốc để duy trì sự
sống của hai mẹ con.
Càng lớn, mẹ chị càng trở nên xấu xí, cái xấu
hội tụ cả của mẹ, cả của người đàn ông sinh ra mình. Biết thân phận mình
là kẻ xấu xí, không cha nên mẹ chị chăm chỉ lam làm, hay giúp đỡ những
người nghèo khó, kính trọng người già, hòa nhã với trẻ nhỏ hòng dùng cái
nết đánh chết cái đẹp; kiếm được một tấm chồng dù cụt chân, mù mắt
nhưng có cưới xin hẳn hoi để chấm dứt cái dòng dõi ” không chồng mà
chửa” của gia đình song từ lúc dậy thì đến cái tuổi bốn mươi, mẹ chị
không có một người đàn ông nào đến dạm hỏi. Thậm chí những câu trò
chuyện bình thường mà đàn ông trong làng dành cho mẹ chị cũng có thể đếm
được trên đầu ngón tay. Không đủ sức khỏe và lòng kiên nhẫn chờ đợi con
mình có được một tấm chồng; vào một đêm mưa gió, bà chị đã lặng lẽ ra
đi không một lời trăng trối.
Bước sang cái tuổi bốn mốt, mẹ chị bắt
đầu đi tìm kiếm cho mình một đứa con. Những người đàn ông trong làng xa
lánh chị còn những người đàn bà trong làng thì cảnh cáo chị chớ có dụ dỗ
chồng họ kẻo sẽ bị gọt đầu bôi vôi! Cứ đến thời kỳ giữa của chu kỳ kinh
nguyệt, trong vai người đi mua đồng nát, mẹ chị đi đến các làng xa xôi,
tìm đến những người đàn ông góa vợ để xin con nhưng vừa nhìn thấy khuôn
mặt bèn bẹt với chiếc mũi tẹt dí, đôi mắt xếch, hàm răng vổ vàng khè
như răng cải mả của mẹ chị, họ đã lắc đầu. Có lần đúng vào ngày trứng
rụng, mẹ chị gặp một người đàn ông say rượu đang nằm một mình trong nhà,
chân gã ghếch lên, cái “kia” thò cả ra ngoài quần đùi. Mẹ chị phát
cuồng, lấy tiền cho gã mua rượu uống, xin gã thương tình đoái hoài đến
mình. Gã cầm tiền đút vào túi rồi xua đuổi mẹ chị:” Xấu quá, xấu hơn cả
Thị Nở, cút đi, cút đi!”. Đêm ấy, nước mắt mẹ chị ướt đầm chiếc gối, gần
sáng mẹ chị nghĩ ra được một sáng kiến. Cả ngày hôm ấy mẹ chị thấp thỏm
trong lòng, mong sao trời mau tối để thực thi cái sáng kiến của mình.
Chiều
tối, lùa vội bát cơm vào bụng, mẹ chị đạp xe lên thị xã, tìm đến một
gốc cây tối om trong công viên ngồi chờ. Người khách đầu tiên tìm đến là
một gã đàn ông lùn tè lùn tẹt, gã hỏi mẹ chị đi ”tàu nhanh” giá bao
nhiêu? Mẹ chị ngớ người không hiểu, hỏi lại gã tàu nhanh là gì? Gã văng
tục:” Đ... mẹ, làm đĩ mà không biết tàu nhanh!”. Mẹ chị nói với gã lần
đầu tiên đi bán mình nên chưa biết, gã giảng giải cho mẹ chị, đi tàu
nhanh nghĩa là “làm” một cái thôi, giống như ăn bánh trả tiền, còn đi”
tàu chậm” là qua đêm, “làm” bao nhiêu cái thì “làm”. Mẹ chị bảo với gã
không cần trả tiền cũng được. Sự thật thà của mẹ chị đã không mang lại
kết quả, giá như mẹ chị cứ phát ra một cái giá bằng mớ ốc mà mẹ chị vẫn
bán ở chợ làng thì gã đàn ông thấy rẻ mà đồng ý ngay nhưng khi nghe mẹ
chị nói không cần phải trả tiền cũng được thì gã nghĩ mẹ chị bị HIV! Gã
chuồn thẳng.
Mẹ chị còn chưa kịp hiểu tại sao gã đàn ông lại vội vội
vã vã chạy mất thì bị giật tóc, đấm đá túi bụi. Mẹ chị không kêu được
một tiếng, chỉ mãi đến khi mẹ chị đổ gục xuống thì trận đòn mới dứt.
“Lần đầu tao cảnh cáo, lần sau mà còn dám xâm phạm địa bàn làm ăn của
chúng tao thì chúng tao xẻo l ...”, tiếng đe dọa của hai ả gái điếm
chuyên nghiệp giúp mẹ chị hiểu rõ thì ra đi làm cái nghề nhơ nhấp này
cũng có sự cạnh tranh!
Mẹ chị lồm cồm bò dậy, dắt xe đạp ra khỏi
công viên. Hai chân mẹ chị bị đá, bị quật đau nhức, mẹ chị gắng sức đạp
nhưng cũng chỉ đến nửa đường thì cả người lẫn xe lao sầm ruộng lúa sắp
gặt ven đường. Mẹ chị mê man. Nửa đêm, một người đàn ông đi xe máy phát
hiện ra mẹ chị nhờ ánh đèn xe, ông vội vã nhảy xuống ruộng lay gọi mẹ
chị. Mẹ chị tỉnh lại, người đàn ông hỏi chị có phải bị cướp không? Mẹ
chị đáp không và kể lại tất cả. Người đàn ông thinh lặng, lúc sau quả
quyết:” Tôi sẽ cho chị một đứa con”. Trong đêm tối, họ không nhìn thấy
mặt nhau, mẹ chị cuống cuồng tụt quần ra. Người đàn ông đổ người lên
người mẹ chị. “Mẹ ơi! Đau quá!”, mẹ chị thét lên.
Về đến nhà, mẹ chị
mò mẫm bao diêm, thắp hương lên bàn thờ mẹ, khấn:” Mẹ ơi! Hãy phù hộ cho
con đẻ được một đứa con trai. Còn nếu là con gái thì nó giống một người
xinh đẹp nào đó bên đằng cha nó để nó lấy được một tấm chồng có cưới
xin hẳn hoi!”. Lời cầu khấn của mẹ chị đã ứng nghiệm; chín tháng, ba
ngày sau, chị được sinh ra bụ bẫm và đẹp đẽ như trong tranh.
Lại
không chồng mà chửa! Đúng là dòng dõi tổ tông! Không chịu được những lời
miệt thị của người làng, cộng với ước vọng xóa bỏ được cái dớp mà mẹ
mình và bản thân mình đã từng gánh nạn; một đêm, mẹ chị bế chị ra khỏi
nhà, lấy ra một ít đồ đạc rồi châm lửa đốt ngôi nhà, lửa cháy đùng đùng,
thiêu rụi tất cả. Mẹ chị đặt bát hương mẹ, hai cái soong nồi, bốn cái
bát, ba bộ quần áo và năm bơ gạo lên cái thúng bên này; đặt con lên cái
thúng bên kia rồi gánh ra cái chòi vó bè bỏ hoang ở cạnh bãi tha ma
làng, sửa chữa nâng cấp thành nhà để mẹ con có chỗ chui ra chui vào.
Ở
cạnh người chết, mẹ chị nghiệm ra rằng chỉ có người sống mới hay nói
xấu, ganh tỵ với người sống và cả với người chết nữa còn người chết thì
không nên mẹ con chị rất bình yên. Mẹ chị tận dụng những mảnh đất đầu
thừa đuôi thẹo quanh các ngôi mộ để cấy lúa, trồng khoai. Khi chị chưa
biết bò, mẹ chị lấy cái quần vải cũ buộc chị trên lưng mỗi khi cấy lúa,
làm cỏ; xa xa nhìn mẹ con chị nhấp nhổm như con cua đồng đang bò trên
ruộng. Lúc chị biết đi, chị tha thẩn bên những ngôi mộ, bắt cào cào,
châu chấu; chị lấy cả xôi, thịt, chuối trên những ngôi mộ mới chôn để
ăn. Lần đầu nhìn thấy, mẹ chị sợ tái mặt, vả vào mồm chị mấy cái, bóp cổ
để chị lè thức ăn ra rồi dẫn chị đến ngôi mộ mà chị lấy cắp thức ăn,
quì lạy người chết tha thứ. Từ đấy, chị sợ mẹ nên không dám bén mảng đến
những ngôi mộ nữa.
Nó thèm được ăn thịt? Không có thịt thì mẹ chị
lội xuống con sông cạnh nhà, cạnh bãi tha ma để mò cua, bắt ốc và tôm
tép. Để phòng tránh chị không bị ngã xuống sông, mẹ chị lấy sợi dây
vải buộc chân chị vào gốc thông hay phi lao; vừa mò, mẹ chị vừa trông
chừng chị chơi trên bờ. Hết đoạn sông này, mẹ chị lại lên bờ dẫn chị đến
đoạn sông khác, lại buộc chân chị vào gốc cây rồi tiếp tục mò mẫm sự
sống nơi đáy sông. Một lần, có con cá trê to bằng cổ tay chui ở trong
hang, nó trơn quá, lại có ngạnh nhọn nên mẹ chị phải lừa lựa để bắt được
nó; mải mê với cá, đến lúc bắt được con cá trê thì mẹ chị kinh hoàng
khi thấy chị đã biến khỏi mặt đất! Chị nhặt được một cái liềm ở gốc cây
thông, ra sức cứa đứt sợi dây buộc chân; sợi dây đứt, chị hả hê bò xuống
sông tìm mẹ!
Mẹ chị lao lại phía sau cuống cuồng mò tìm con. Túm
được tóc chị, mẹ chị bế chị lên bờ, cầm hai chân chị dốc ngược lên vai
vừa chạy quanh bãi tha ma vừa gào khóc; tiếng gào rách cả cổ họng, trào
cả máu. Nước từ miệng chị ồng ộc tuôn ra. Chị khóc thét lên một tiếng,
mẹ chị sung sướng đặt bừa chị lên một ngôi mộ mới chôn, chất đầy vòng
hoa tươi rồi rập đầu khấn vái người dưới mộ hãy cứu sống con chị. Từ
đấy, mẹ chị sợ không dám đi ra sông mò cua, bắt ốc nữa và chính mẹ chị
lại là người tiếp tục tranh phần ăn của người chết.
Những ngày đầu,
mẹ chị cũng sợ lắm, trời vừa sập tối mẹ chị đã cửa đóng then cài. Mỗi
tiếng gió lay, cửa động, mẹ chị lại thon thót ôm chặt chị vào lòng, lầm
rầm khấn rằng, mình phận xấu xí, hèn kém không cạnh tranh được với người
sống nên đành tranh phần với người chết; mong hồn ma tha thứ! Mọi cái
rồi cũng thành quen, thấy ma không bắt, thấy con ăn ngon, ngủ ngon, mẹ
chị cũng hết sợ hãi. Mỗi khi có đám ma, ngày giỗ, ngày tết hoặc ngày
thanh minh, mẹ chị lấy ra những đồng tiền cũ nát đêm đếm trước mắt chị,
nhốt chị trong nhà, khóa trái cửa lại rồi cắp thúng đi chợ! Mẹ chị đi
đến những ngôi mộ, thấy có xôi, có thịt, có chuối, mẹ chị chắp tay khấn
xin rồi bỏ thức ăn vào thúng đi về; xôi thì hấp lên, thịt thì thái ra
kho mặn. Rồi mẹ chị mở rộng địa bàn kiếm ăn, mò tìm đến những bãi tha
ma, nghĩa địa làng khác, xã khác xin lộc của người chết. Để tránh người
sống phát hiện, và để tránh cả sự cạnh tranh mà mẹ chị đã có bài học trả
giá bằng trận đòn thừa sống thiếu chết ở công viên năm nào, mẹ chị
thường đi vào những lúc giữa trưa vắng người hoặc vào lúc đêm tối.
Thời
buổi bây giờ, cõi dương đang lấy lòng cõi âm nên người ta đua nhau xây
mộ tổ, mộ ông, mộ bà, mộ bố, mộ mẹ thật nguy nga tráng lệ; cúng giỗ thật
linh đình để tỏ lòng thương nhớ mặc dù khi còn sống, người chết bị
người sống mong cho chết nhanh đi để họ còn được thừa kế tiền bạc, đất
đai, nhà cửa. Nhờ vậy mà mẹ chị cũng được thường xuyên cắp thúng “đi
chợ”. Cõi âm đã nuôi chị phổng phao, mỗi ngày mỗi xinh đẹp nhưng cõi âm
cũng góp phần làm cho nỗi buồn nhân thế của chị tăng lên. Một trưa bị mẹ
đánh, chị đã chui vào ngôi mộ cụ tổ họ Trịnh do con cháu ở Hà Nội về
xây; ngôi mộ hình tháp nhọn kiểu châu Âu, xây bằng đá cẩm thạch có giá
trị gấp hai mươi lần ngôi nhà của mẹ con chị đang ở; nó sạch sẽ, mát mẻ
quá, thế là chị ngủ quên trong đó đến tận chiều, mấy đứa trẻ trâu nhìn
thấy tưởng ma, kêu ré lên chạy về làng thông báo. Người làng lại bảo bà
nó xấu xí, mẹ nó xấu xí còn nó lại đẹp như hoa hậu, chắc nó là con
ma hoặc hồ ly tinh!
Là dòng giống “không chồng mà chửa”, là con ma,
là hồ ly tinh nên mặc dù chị càng lớn càng xinh đẹp và nết na; chị cũng
là người thông minh sáng dạ, năm học nào chị cũng là học sinh giỏi song
nhà nghèo không có tiền đi thi đại học nên học xong cấp ba chị ở nhà để
lấy chồng theo nguyện vọng của mẹ chị; thanh niên, đàn ông trong
làng đều thầm yêu, trộm nhớ nhưng không ai dám cưới chị làm vợ. Không
dám lấy chị nhưng họ cũng không cho chị đi lấy chồng; họ sợ mất chị, mất
đi biểu tượng sắc đẹp ở làng!
Chị gánh mạ sắp về đến nhà thì bắt
gặp một người thanh niên và một đứa trẻ từ bãi tha ma đi ra, nhìn thấy
chị, người thanh niên sững sờ trước vẻ đẹp hương đồng gió nội của chị.
- Này em, em có lửa không cho xin tí, anh ra thắp hương cho các cụ mà quên bật lửa!- Người thanh niên kiếm cớ.
- Dạ, nhà em kia, để em về lấy diêm cho anh!- Chị dịu dàng đáp lời.
- Thôi để anh vào lấy.
- Vâng, mời anh vào!
Thấy
có khách là đàn ông , mẹ chị mừng lắm, chào đón khách như người thân ở
xa mới về. Người thanh niên giới thiệu tên là Tân, cháu ông Thoại, anh
đang sống với bố mẹ ở Sài Gòn, lâu rồi mới có dịp về thăm quê. Ai chứ
ông Thoại thì mẹ con chị chả lạ gì, ông là cán bộ huyện mới về hưu, ông
vừa xây ngôi nhà to và đẹp nhất làng. Duyên số trời se chăng? Mẹ chị
khấp khởi trong lòng. Tân cao to, đẹp trai, lại có học thức, làm kỹ sư ở
thành phố văn minh, chắc không có cái nhìn lạc hậu như người ở quê. Con
gái chị đẹp, ngoan, thật là đẹp đôi. Chỉ thoáng qua, mẹ chị cũng biết
là Tân đã phải lòng con gái mình.
Những cuộc đến thăm hàng ngày của
Tân càng làm cho mẹ chị hy vọng sẽ dứt bỏ được quá khứ “không chồng mà
chửa” của gia đình. Tân cũng đã thề rằng nếu không lấy được chị thì bãi
tha ma kia sẽ có một chỗ dành cho Tân. ấy là Tân thề lúc gia đình ông
Thoại chưa biết Tân đến tìm hiểu chị, đến khi biết tin, cả gia đình ông
Thoại đã họp, đã gọi điện thoại vào cả Sài Gòn cho cha mẹ Tân để khuyên
răn Tân từ bỏ cái tình yêu sét đánh điên rồ của mình.
Trước hôm bay vào Sài Gòn, Tân đến nhà chị, vòng vo một lúc, Tân hỏi chị:
- Bà em, mẹ em đều không có chồng à?
- Vâng!- Chị đáp.
- Thế em có biết bố em là ai không?
- Không!
Tân thở dài, lúc sau nói lời đau khổ:
- Anh
rất yêu em nhưng bố mẹ anh không cho anh lấy vợ ở quê! Nếu em cũng muốn
có được một đứa con như bà em, như mẹ em, anh luôn sẵn sàng. Gì thì gì
anh cũng là một trí thức, con chúng ta sẽ thông minh như anh và đẹp đẽ
như em. Hàng tháng anh sẽ gửi tiền về nuôi con, đây anh gửi em trước
mười triệu.
- Bốp!- Một cái tát của chị làm Tân tối tăm mặt mũi. Tân rít lên:
- Dòng dõi nhà đĩ lại còn làm phách!
Chị
đi ra bờ sông, bỏ mặc Tân một mình. Chị buồn nhưng không đau khổ, những
người đàn ông như Tân cũng như nhiều người đàn ông ở làng không đáng để
chị bận tâm. Gió từ mặt sông thổi lên mát rượi làm chị sực nhớ đã đến
giờ chị phải đi vào trong làng, đến những nhà có các em bị tàn tật vì
chất độc da cam để dạy các em phục hồi việc đi lại và cả học chữ nữa.
Chị làm việc này một cách tự nguyện, chị cảm phục trước sự hy sinh của
bố mẹ các em, chị thương các em vô tội nhưng vì bị di truyền chất độc da
cam từ người bố nên các em bị câm điếc, mù lòa, bại liệt, thần kinh.
Khi Tân về đến nhà thì cũng là lúc giọng nói trong trẻo của chị cất lên:
- Bờ a ba huyền bà!
-
Bờbờ a a baba khuềnh bàbà- Con bé Tâm méo mồm đánh vần theo chị. Chị
lại kiên trì, từng chữ, từng chữ. Đến lần thứ bảy thì con bé đọc được
hẳn chữ bà tròn trịa, chị xoa trán khen nó giỏi lắm. Con bé cười tít
mắt. Gọi nó là con bé vì thân hình nó còm nhom, tay bị khòe, mắt trái
chỉ là một cái hõm sâu, đầu óc ngẩn ngẩn ngơ ngơ, chứ thật ra nó đã bước
vào cái tuổi mười tám; nghĩa là cái tuổi đủ để đi lấy chồng nếu nó
không bị nhiễm chất độc da cam từ bố. Bố nó là anh Bấc, anh đi bộ năm
1972, đóng quân ở Quảng Trị. Anh bị nhiễm chất độc da cam do uống nước
suối đã bị máy bay Mỹ rải thảm chất độc hóa học. Ngày hòa bình, anh Bấc
về quê, anh cưới chị Nhãn, một người con gái khỏe mạnh, đảm đang. Những
tưởng hạnh phúc của họ sẽ nhân lên khi anh chị sinh đứa con trai đầu
lòng nhưng lên ba tuổi, đứa con đang hồng hào, khỏe mạnh của anh chị bị
teo cơ chân, cơ tay rồi nằm liệt trên giường. Đứa con trai thứ hai của
anh chị cũng bị bệnh giống như người anh. Anh chị cầu trời, khấn phật
xin một đứa con thứ ba khỏe mạnh để có người nối dõi tông đường và chăm
sóc hai người anh khi anh chị chết đi nhưng đứa con gái thứ ba là cái
Tâm bây giờ.
- ẹc, ẹc, ẹc!
Tiếng lợn kêu? Không đó là tiếng kêu
của người anh cái Tâm báo hiệu muốn trở mình. Chị Nhãn đã ra đồng, còn
anh Bấc được giao nhiệm vụ trông con, cậy có chị nên anh tranh thủ cho
lợn ăn. Đàn lợn kêu rống lên eng éc, nhảy bổ ra cửa chuồng để chào đón
chậu cám của anh Bấc. ẹc, ẹc, eng, éc, tiếng người và tiếng lợn hòa
quyện vào nhau, dội vào trái tim thương người của chị một nỗi nghẹn
ngào. Nước mắt chị ứa ra, chị vội đứng dậy đi đến bên chiếc giường kê
bên cửa sổ, bế thân hình còm nhom, cứng đơ của người thanh niên đặt
nghiêng sang bên trái rồi tiến hành xoa bóp đôi chân teo tóp của cậu.
Có
tiếng người ồn ào ở ngoài sân, chị nhìn ra, thấy anh Bấc tay còn đang
lấm lem cám lợn dẫn mấy người Việt Nam và một ông người Mỹ đi vào. Bốn
người kia là cán bộ của Sở, của Phòng Lao động & Thương binh- xã
hội, người phiên dịch và ông chủ tịch xã, còn người đàn ông Mỹ là tiến
sỹ Jonh, anh sang Việt Nam để nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc da
cam do quân đội Mỹ đã rải thảm xuống Miền Nam Việt Nam. Bố Jonh đã từng
là người lính tham chiến ở Tây Nguyên; được tận mắt chứng kiến những cái
chết vô tội của người dân và sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn; lại
được một người dân cứu sống khi ông bị thương và bị đồng đội bỏ rơi, khi
về Mỹ ông mắc chứng bệnh trầm uất. Trước khi chết, ông đã trăn trối với
Jonh hãy làm một cái gì đó để tạ lỗi và tạ ơn người dân Việt Nam. Và
giờ đây, Jonh đang đứng chứng kiến chị xoa bóp cho người con của anh
Bấc. Lúc đầu Jonh tưởng chị là vợ anh Bấc nhưng sau nghe giới thiệu,
Jonh à lên một tiếng đầy ngạc nhiên, thán phục.
Một người con gái
tuyệt đẹp, đẹp về cả hình thể lẫn nhân cách! Đó là suy nghĩ đầu tiên của
Jonh về chị. Jonh hỏi chị rất nhiều về bệnh tình của những người con
của vợ chồng anh Bấc. Có sao chị nói thế còn Jonh vừa mở máy ghi âm vừa
ghi ghi chép chép. Rồi Jonh chụp ảnh, đủ các góc độ. Trước lúc ra đi,
Jonh bất ngờ hỏi chị bằng một câu tiếng Việt lơ lớ:
- Chị...chị có c..ó mong ước gì hông?
Không cần suy nghĩ, chị đáp ngay:
-
Em mong ước có một ngôi nhà, có đủ phương tiện để chữa bệnh và phục hồi
chức năng cho thanh thiếu nhi bị tàn tật vì chất độc da cam và cả bị
bẩm sinh, bị tai nạn.
Jonh khen sáng kiến của chị rất hay rồi hỏi chị
tiếp nếu có cái trung tâm đó thì hoạt động thế nào? Suy nghĩ một lúc,
chị bảo trước hết phải đi xuống tận những gia đình có các em bị chất độc
da cam rồi phân loại bệnh tật, thần kinh, chân tay, câm điếc; tùy theo
loại bệnh mà có phác đồ điều trị và phục hồi chức năng riêng. Bệnh của
các em là bệnh kinh niên, khó chữa nên ngoài chữa tây y phải trồng cây
thuốc đông y trong vườn để chữa lâu dài. Bệnh nhân đông thì cũng nên có
sự ưu tiên, em nào gia cảnh khó khăn và có khả năng phục hồi nhanh thì
tuyển trước, đợt này ra, đợt khác vào. Ngoài ra cũng cần dậy thêm văn
hóa và cả dậy nghề cho những em có khả năng lao động. Nghe chị nói, Jonh
liên tục gật đầu. Chiều tàn, Jonh và mọi người ra đi, chị cũng tất tưởi
về nhà.
Cuộc gặp gỡ và trò chuyện với Jonh lùi dần trong tâm trí chị
vì chị bận phải cày cấy, chăm mẹ ốm, chăm những đứa trẻ bị tàn tật.
Nhưng Jonh thì không quên; dáng hình chị, mong ước của chị mỗi ngày mỗi
đầy đặn lên trong tâm trí Jonh. Ngay sau khi về nước, Jonh rút tài khoản
cá nhân; đi quyên góp các tổ chức xã hội, các cá nhân có tấm lòng hảo
tâm được gần ba trăm ngàn đô la. Jonh bay ngay sang Việt Nam.
Chị đi
làm đồng về, thấy chiếc xe hơi sang trọng đỗ ở trước nhà, ngỡ là xe của
ai ở thành phố về thăm mộ, nào ngờ Jonh đến. Vừa nhìn thấy chị, trái tim
Jonh đã đập mạnh, còn chị thì đỏ mặt khi thấy quần mình xắn cao
tít trên đùi. Chị vội vã ra bờ sông rửa ráy chân tay.
Sau vài câu
thăm hỏi, Jonh vào cuộc ngay, anh thông báo cho chị biết cái ước mong
của chị đã thành sự thật. Tỉnh, huyện, xã đã đồng ý cho xây dựng một khu
nhà hai tầng trên diện tích hai ngàn m2 để làm nơi chữa bệnh và phục
hồi chức năng cho thanh thiếu niên bị tàn tật do chất độc da cam trong
tỉnh và Jonh đề nghị chị làm giám đốc trung tâm.
- Làm giám đốc?- Chị sửng sốt- Tôi chỉ biết cấy cày, trông nom người ốm chứ biết giám đốc là gì?
Jonh
bảo anh đã kể về chị cho nhiều người nghe, họ nói nên chọn chị làm giám
đốc trung tâm, đây là trung tâm nhân đạo chứ không phải là kinh doanh
vì vậy trước hết phải có tấm lòng nhân ái. Còn những việc khác như quản
lý con người, tài chính, điều hành các hoạt động, Jonh cũng đã từng làm
nhiều giám đốc dự án nên anh sẽ giúp chị. Nếu trung tâm hoạt động có
hiệu quả, sẽ có nhiều tổ chức tài trợ thêm. Những cán bộ đi theo cũng
động viên chị nên nhận chức giám đốc để giúp đỡ các em bị tàn tật, duy
có ông chủ tịch xã là bằng mặt mà không bằng lòng. ai đời lại đi lấy một
người có dòng dõi chửa hoang làm giám đốc?
Thuyết phục và chờ đợi
mãi, chị cũng chỉ dám nhận chức phó giám đốc trung tâm còn chức giám
đốc, Sở Lao động & Thương binh- xã hội tỉnh điều một người thương
binh đang công tác ở Sở về làm giám đốc.
Ngày cắt băng khánh thành
trung tâm cũng là ngày mà Jonh ngỏ lời cầu hôn chị. Jonh phải chờ đợi và
nhằm vào đúng cái ngày trọng đại này của chị để cầu hôn thì mới mong
thành công. Sống ở Việt Nam nhiều năm, Jonh hiểu văn hóa tình yêu
ở phương Tây có nhiều điểm khác phương Đông. Người phương Tây yêu đương
tự do hơn nhưng sự bền vững của tình yêu và tổ ấm gia đình cũng lỏng lẻo
hơn; người ta đang trả giá cho cái sự tự do này và đang mong muốn học
theo truyền thống phương Đông. Đã nhiều lần Jonh muốn ngỏ lời cầu hôn
với chị nhưng Jonh sợ sự vội vã sẽ làm chị nghi ngờ tình yêu của mình.
Chị
ngượng ngùng đón nhận cái hôn đầu tiên trong cuộc đời. Những lần được
cùng Jonh đi xuống cơ sở, chị đã chứng kiến nhiều việc làm bất ngờ của
Jonh; Jonh đã từng rửa đít cho một em gái bị liệt trong khi đó những cán
bộ đi cùng thì bịt mũi, nôn ọe; Jonh đã từng cõng một em bị sốt chạy bộ
hai cây số lên bệnh viện huyện để điều trị. Jonh cũng hay bóng gió xa
xôi với chị rằng, Jonh rất yêu mảnh đất, con người Việt Nam, anh muốn có
một người vợ Việt Nam để được gắn bó cả đời với Việt Nam. Nhiều lúc chỉ
có hai người, Jonh nắm lấy bàn tay chị, nhìn vào mắt chị chờ đợi. Chị
đã yêu Jonh từ những việc làm cao cả của anh; còn mẹ chị thì bảo đấy là
cái duyên cái số!
Trước đây mẹ chị và chị chỉ cầu mong có một
người làng lấy chị làm vợ có cưới xin hẳn hoi, chẳng cần mâm cao cỗ đầy,
vài ba mâm cơm rau dưa mời họ hàng là được; chỉ thế thôi là mẹ và chị
đã mãn nguyện lắm rồi. Thế nhưng thanh niên, đàn ông trong làng chỉ
thích ngủ với chị mà không thích hoặc thích nhưng không dám cưới chị vì
sợ dư luận. Thế mà Jonh- một nhà khoa học người Mỹ giàu có lại khát khao
cưới được chị làm vợ! Chị xúc động lắm, nhưng chị cũng không muốn phải
xa cái nơi chôn nhau cắt rốn của mình; nó còn nghèo khó, còn nhiều điều
thị phi nhưng chỉ một làn gió đồng quê, chỉ một ánh mắt em thơ trong veo
là cõi lòng chị lại yên ả! Jonh hiểu chị, anh bảo nếu chị đồng ý, Jonh
sẽ đưa tiền cho chị đứng tên mua một căn nhà trên Hà Nội để tiện cho
công tác của anh và sẽ xây cho mẹ con chị một ngôi nhà đẹp nhất làng để
ở. Jonh sẽ xin hẳn sang Việt Nam làm việc để cùng chị làm dịu bớt đi nỗi
đau của chiến tranh.
...
Đám cưới của chị và Jonh được tiến hành
ngay tại trung tâm chữa bệnh và phục hồi chức năng cho thanh thiếu niên
bị tàn tật vì chất độc da cam. Hơn bảy mươi em tàn tật, lần đầu tiên
trong cuộc đời được mời dự đám cưới, được ăn cỗ, chúng sung sướng lắm,
luôn mồm gọi cô dâu là mẹ. Các em cười, chị cười, Jonh cười.
Do
trung tâm mới được thành lập, công việc còn bề bộn nên tuần trăng mật
của chị và Jonh dự định diễn ra ở New- York, quê hương của Jonh thì lại
được thay đổi ở ngay tại làng.
Bà chị từng thèm khát bảo với mẹ chị,
đêm tân hôn, đêm hạnh phúc nhất của đời người. Mẹ chị từng thèm khát
bảo với chị, đêm tân hôn, đêm người con gái hiến dâng cái cao quí nhất
của mình cho người đàn ông mà mình yêu thương; đêm tân hôn, đêm sẽ đi
vào ký ức con người như một kỷ niệm vĩnh hằng. Cả hai người đàn bà mà
chị kính yêu đều không có đêm tân hôn. Chị xúc động nghĩ, phải chăng họ
đã dồn hạnh phúc của hai đêm tân hôn của mình cho đêm tân hôn của chị!
Trong
căn phòng tân hôn, gió đồng lồng lộng thổi tung rèm cửa sổ; trăng
thượng tuần tưới ánh sáng vàng tươi lên tấm thân mềm mại của chị. Jonh
run lên, chị run lên vì hạnh phúc. Lúc sau, trong không gian tĩnh lặng
của đêm quê, vọng lên tiếng kêu của chị- tiếng kêu giống hệt tiếng thét
sung sướng của mẹ chị trên ruộng lúa ven đường hơn hai mươi năm về
trước.
Vũ Đảm
(Hà Nội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét