tran thị NgH
1.
Thời gian từ một giờ trưa đến bốn năm giờ chiều xóm nhỏ im ỉm, vắng cả tiếng xe gắn máy chạy ra chạy vô. Trẻ con đi học, người lớn đi làm, các cụ nằm liu riu phe phẩy quạt giấy, thỏa mãn nhu cầu nhúc nhích cườm tay, ngúc ngắc đều đều như chiếu lệ.
Xóm này trước đây do một ông nhà giàu bỏ tiền ra mua miếng đất lớn rồi xây 36 căn phố trệt, diện tích bằng đều 4m X 16m, rao bán 60.000-70.000 đồng một căn tùy vị trí, thời giá thập niên 1950 của thế kỷ trước. Cư dân đa số làm việc cho nhà nước, con nít đi học trường công gần nhà. Đầu hẻm treo bảng: Cư Xá Thanh Bình. Xóm giống cái túi, phình ra như bong bóng sau một đoạn hẻm suôn đuột dài 20 mét ngang 3 mét, không có lối ăn thông. Trộm cướp lỡ chân đâm sầm vô mới biết ngõ cụt. Hàng năm, khoảng một tuần trước Tết nhà nào cũng tổng vệ sinh, cọ rửa tưng bừng, trò chuyện râm ran, rủ nhau đi mua hoa kiểng, bày xoong nồi củi lửa ngay trước thềm nhà để nấu bánh chưng bánh tét, í ới mượn hàng xóm thứ này thứ nọ, xong súng sính biếu xén chúc tụng nhau. Mùi nhang đèn cúng tất, mùi khói pháo, mùi lá dong luộc chín trộn với mùi nếp nở, mùi than củi cháy, mùi nồng nồng vạn thọ, mùi hăng hăng cúc đại đóa… Tất cả làm nên một mùi rất Tết.
<!>
Dạo ấy Dĩ An đang tuổi hoa niên. Nửa đêm 30 thường theo má đi xin xăm, hái lộc ở Lăng Ông Bà Chiểu, chờ qua giờ Tý để về xông đất chính căn nhà của mình đúng ngày mồng Một. Mình xông mình cho chắc ăn, tránh xui xẻo do người kỵ tuổi mang lại ngày đầu năm, má giải thích. Tuổi ẩm ương đã biết cảm thương cho đám cây kiểng được chăm chút cả năm trời, rốt cuộc bị dân chúng vặt sạch để mang lộc về nhà. Con bé thắc mắc vì sao ban quản lý Lăng Ông có thể chấp nhận trận càn quét được lặp đi lặp lại hàng năm mà không tìm cách giải quyết, hay ở đời có những kẻ mang sứ mệnh ươm lộc chỉ để cho người khác hái?
Lộc đâu không thấy, trong căn phố trệt của Cư Xá Thanh Bình ba thường say chí tử suốt mấy ngày Tết, dồn dập hơn ngày thường, má chì chiết nặng nhẹ, chậu mai trong phòng khách tơi tả do túy quyền của kẻ tu dụng tửu chỉ vì dục phá sầu. Má cúp cầu dao, nhổ phăng cây giăng mùng làm côn quyền đập bụp bụp trong bóng tối bất kể trúng trật. Dĩ An bỏ tóc xõa chân đất chạy vòng vòng trong cái túi phình của con hẻm, vừa chạy vừa rú thất thanh như bị ma quỷ rượt, mê hoảng tự hỏi có phải lộc hái về héo quắt queo trở nên vô dụng vì đứt nguồn dinh dưỡng, hay thanh bình thực ra chỉ là dạ vũ hóa trang trong khi chiến tranh phục kích ở mỗi căn nhà mà không ai biết.
2.
Dĩ An biết nói dối lần đầu do ham chơi. Thay vì quét nhà trong khi chị Hai đi chợ như đã được căn dặn, nó mê man chơi nhảy lò cò với mấy đứa trong cư xá quên cả giờ giấc. Chị Hai lớn hơn 10 tuổi nên thường ra vẻ quyền huynh thế phụ. Khi bị hạch sách, con bé đáp bừa là đã làm việc được giao. Ăn cái tát nháng lửa nhưng không thấy đau vì quá ngạc nhiên, nó còn cả gan giương mắt nai lên hỏi:
– Ủa sao chị biết nhà chưa quét?
– Vì tao có để miếng rác làm dấu trước khi đi chợ. Ăn thêm bạt tai nữa cho nhớ nè, đồ con ranh!
Bà chị này nguy hiểm thật. Từ đó, đối với Dĩ An, nói dối chẳng khác nào một trò chơi đầy thách thức. Nó đã rút kinh nghiệm. Không cố tình nhưng thỉnh thoảng lại bị cuốn vào một hoàn cảnh không thể không bịa đặt.
Cuối kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, phụ huynh nhận được thư mời của nhà trường. Ba kẹt nhậu, má bận nội trợ, chị Hai lại quyền huynh thế phụ. Học sinh không được phép vào phòng họp, Dĩ An đứng chờ chị Hai dưới tán cây trứng cá sát cổng trường. Không lâu sau, từ xa nó thấy chị đùng đùng đi ra từ phòng giám hiệu, mắt nẩy lửa. Đến cổng, chị giơ thẳng cánh tay. Bốp! Bốp!
– Mầy vô trường làm trò thê thảm gì trong giờ Việt Văn khiến người ta họp hành quyên góp để cứu trợ nạn nhân hỏa hoạn? Họ trang trọng gửi cho gia đình cái phong bì, giọng rưng rưng trắc ẩn nói “thôi thì…của ít lòng nhiều…”
– Cô giáo ra đề: “Em hãy tả một đám cháy…”
– Rồi mày phóng hỏa nhà mình để có chất liệu sáng tác?
Trời ơi, em đâu có …hỏa thiêu Hồng Lâu Mộng (*)! Chẳng qua chưa từng thấy đám cháy nào để tả nên em thử hình dung cảnh ngọn lửa hoành hành trong căn nhà 4m X 16m mà ba má đã mua với giá 70.00 đồng hồi năm 1958. Má hốt lấy hốt để mớ quần áo trong tủ, được bao nhiêu hay bấy nhiêu; ba loay hoay nửa say nửa tỉnh không biết tìm đường thoát; chị túm vội xấp giấy tờ bằng cấp vội vã dắt xe Solex ra cửa sau, miệng lẩm bẩm “để còn làm hồ sơ nộp đơn xin việc”. Nhà cháy nên phải ở đậu hàng xóm, hàng ngày đi học ngang qua cái nền ngổn ngang gạch đá, em thấy con búp bê tên Cam Thảo, hai bím tóc cháy đen, nằm lăn lóc giữa mớ sách vở cong queo, bàn ghế tủ giường xiêu vẹo đến chẳng còn ra hình thù gì…Những kỷ niệm tuổi thơ bị thiêu rụi. Những mất mát đầu đời. Một tương lai ám khói…
Giọng bi ai trong phần kết luận của bài văn là nguyên nhân buổi họp phụ huynh đặc biệt, khiến Dĩ An ăn thêm vài cái bạt tai của phụ huynh. Quái lạ là sau trận đó nó vừa đổ lỳ vừa hào hứng.
3.
Một hôm má thảng thốt hỏi, giọng đau đớn:
– Con giấu thằng nhỏ ở đâu?
– Thằng nhỏ nào, má?
– Thằng nhỏ trong truyện ngắn đăng báo, được đẻ ra từ một lần con lầm lỡ. Lại còn kể chi li việc dẫn nó đi ăn kem hôm chủ nhật tuần trước. Chị Hai đưa má đọc….
Dĩ An nằm ềnh ra sàn nhà cười rung cả người như bị động kinh.
– Trời đất quỷ thần! Ở với má triền miên 18 năm nay không có lúc nào mang bầu, làm sao đẻ?
4.
Một hôm chị Hai căm hờn rít qua kẽ răng:
– Mầy ầu ơ ví dầu với chồng tao?
– Chèng ơi, ngoại tình là gì? Chị thử hỏi coi ổng nói sao.
5.
Trong cuộc bể dâu, lính VNCH chạy bừa vô hẻm cởi bỏ quân phục vũ khí, rồi quần đùi chân không, thất thểu đi bộ ra đầu hẻm. Họ không chạy vòng vòng kêu rú trong cái bong bóng phình như Dĩ An; họ lem luốc rã rệu bước ra lộ, đứng ngần ngừ ở ngã ba đường, phân vân giữa trái và phải, không biết quẹo về đâu. Sống trong thành phố, thật khó hình dung thế nào là chiến sự đẫm máu. Sự sụp đổ của một chế độ, đối với Dĩ An lúc ấy chỉ là hình ảnh bé tẹo đóng khung trong cái cửa sổ hình chữ nhật của căn phố trệt, nhưng nó bám dính tâm trí cô gái nay đã thành đàn bà, đã từng là người yêu của lính, đã góa bụa, đã mồ côi cha mẹ lẫn anh chị em và bạn bè.
6.
Xóm nhỏ bây giờ rất khác xưa. Ai đó đã gỡ đi tấm bảng Cư Xá Thanh Bình treo đầu hẻm. Tên đường Võ Di Nguy được thay bằng Nguyễn Kiệm, đầu ngõ trước đây mang số 326 nay thành 390. Nhiều gia đình đã dọn đi mất. Họ lam lũ vùng kinh tế mới, về quê làm ruộng hoặc chết thảm giữa biển khơi trong khi bôn ba đi tìm đường sống; cũng có thể họ đã đoàn tụ đâu đó với người thân ở miền đất hứa, thiên đàng hoặc địa ngục. Hơn 30 căn nhà đã đổi chủ, dân tứ xứ dọn đến, trọ trẹ đủ thứ giọng. Họ đập bỏ phố cũ để xây mới, lên lầu, xe hơi đậu dài trong cái sân chung, con cái học trường quốc tế. Trẻ nhỏ thôi búng thun, nhảy lò cò, bắn bi, tạt lon, chơi trò tùm nụm tùm nịu. Toàn bộ cái bong bóng phình đã được tráng xi măng.
Xóm cũng im ỉm giờ trưa nhưng không còn thấy các cụ bê ghế bố ra hàng hiên nằm phe phẩy vì diện tích nhà ở đã được cơi nới tối đa. Tết không có đốt pháo. Trẻ con không hí ha hí hửng diện quần áo mới khoe nhau bao lì xì, chúng thích ở nhà chơi game điện tử hơn ra đường. Đêm giao thừa không ai hơi đâu bày củi lửa trước thềm nấu bánh chưng bánh tét bởi có thể đặt mua bánh ngon nhãn hiệu uy tín được shipper giao tận nhà.
Cổng Tam Quan Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt, tức Thượng Công Miếu, được sơn phết lòe loẹt màu vàng cam giờ là tài sản quốc gia, mở cửa cho khách du lịch tham quan đứng ngồi tạo dáng chụp ảnh treo lên facebook. Trên mạng còn giới thiệu cho du khách địa chỉ 3 khách sạn được đặt toàn tên Tây: Lotus Laverne Hotel, Bear’s House, Grand Lee Hotel nằm trong khu vực, sẵn sàng phục vụ quý khách nào muốn lưu lại để tìm hiểu thêm về công trình kiến trúc 200 năm Lăng Ông Bà Chiểu hay dạo quanh vùng lân cận. Không ai còn hái lộc đầu xuân vì họ đã bớt hồn nhiên rồi. Đường Lê Văn Duyệt sau 45 năm bị đổi thành đường Vũ Tùng, hai năm trước đã được trả lại tên cũ. Chả hiểu ra làm sao.
7.
Giữa trưa im vắng, xóm nhỏ bỗng vang lên giọng rao trẻ măng:
– Khoai lang khoai mì khoai môn khoai từ khoai Đà Lạt, rau ngò hành lá hành tây hành ta hành tím, tỏi Phan Rang tỏi Hải Dương tỏi Điện Biên tỏi Lý Sơn tỏi cô đơn…
Thời buổi dân bán hàng rong ngày càng văn minh đổi đời, di chuyển bằng xe ba gác có gắn động cơ thay vì oằn vai gánh/bưng, ghi âm tiếng rao để khỏi phải khản cổ giọng mộc, dùng cân điện tử thay cho cân đòn, liên lạc anh chị em bạn hàng qua điện thoại cầm tay – bỗng lanh lảnh giọng nữ cao kéo lê ba chữ tỏi cô đơn nghe sởn tóc gáy. Dĩ An đang mơ màng giấc trưa hết hồn ngồi bật dậy thò đầu ra cửa sổ, kêu giật giọng:
– Cô đơn! cô đơn!
Kêu xong mới biết mình dưng không hoảng vía. Trong bếp còn cơ man là tỏi, hà cớ gì…
Cô bán tỏi tuổi ngoài hai mươi, mắt liến láu, miệng tía lia thuyết minh tỏi Lý Sơn có mùi thơm độc nhất vô nhị được trồng ở đất sinh ra từ chân núi lửa, trên cát biển trắng mịn tinh khiết. Chỉ vỏn vẹn tép tỏi mồ côi đậu trên một nhánh, tròn mập, nhiều dinh dưỡng, tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm huyết áp, chống ung thư, làm chậm lão hóa, giảm sưng huyết, chống tắc nghẽn mạch máu, tiêu viêm, chống thừa cân béo phì, chữa trĩ nội trĩ ngoại, giảm mỡ máu, đái tháo đường… Đập bụp một nhát đã bong cả vỏ.
Học ở đâu mà thuộc làu làu nghe bắt ham, nhưng nhìn thì biết tỏi Trung Quốc, vỏ hơi ngà vàng, lại có gân đậm, mùi hăng nhưng không thơm. Vàng Tàu lẫn với thau Ta. Thôi kệ, bèn mua một lạng cô đơn thưởng công cho tài tiếp thị.
Solo garlic, single clove garlic, monobulb garlic, single bulb garlic, pearl garlic, gousse d’ail, clou de girofle… rõ ràng không có tên gọi nào mang ý nghĩa vừa trừu tượng vừa chất chứa nỗi niềm như tỏi cô đơn. Dĩ An bây giờ vắt vẻo một mình trên ngọn tình sầu, tròn mập, nhiều dinh dưỡng, nhiều tác dụng y dược, đập bụp một nhát đã bong cả vỏ; tuy vậy có rao lên lanh lảnh như cô bán tỏi vẫn không người mua. Hóa ra nói dối chuyên nghiệp cũng có cái tiện, lúc lỡ lời nói thật sẽ chẳng ai tin, khác chi câu chuyện Chú Bé Chăn Cừu và Con Chó Sói của Aesop.
Cô đơn chính hãng hay hàng dỏm độc hại thì cũng vậy. Cũng tỏi. Ăn thua là người tiêu dùng sành điệu, không bị loạn sắc, mất khứu giác hay vần vũ sương mù não do di chứng từ con corona.
Trần Thị NgH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét