Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

CHUYỆN KHÔNG MUỐN KỂ - ALENA DOAN

 Chuyện đời bà cụ đi "ở đợ" 60 năm, có chồng con nhưng tuổi già đơn độc,  sống nhờ người dưng trong hẻm nhỏ

 

Vừa đậu xe vô parking lot Hương đã thấy nhiều người nhốn nháo từ trong sân. Xe cứu thương hụ còi ầm ỹ rồi đỗ cái xịch, hai anh chàng cao to lực lưỡng mang cán khiêng chạy vô. Hương lao vội vào căn nhà số 18 có giàn bầu xiêu vẹo, nhà của bà Phước, bệnh nhân từ hơn một năm nay của Hương.

Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời:

<!>

-Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.

Hương chạy tới lay tay bà Phước:

-Bà ơi bà có sao không? Bà kêu 911 có chuyện gì? Bà có đau lồng ngực trái không? Có tê bên tay nào không? Bà trả lời cho con đi...

Bà Phước nhìn Hương chằm chằm rồi nói:

-Sao giờ này cô mới tới? Tui muốn cô nói với cảnh sát là tui bị người ta lấy hết tiền già rồi! Hương sửng sốt:

-Sao chuyện này mà bà gọi 911?

Bà đứng lên chống nạnh:


-Chứ tao biết gọi ai? Tao gọi ai người ta nói gì tao cũng không hiểu rồi họ cúp máy. Chỉ có số này là có người tới.

Thôi Hương hiểu rồi. Bà Phước bị mất tiền, không biết đòi ai kêu ai nên bà gọi số điện thoại khẩn cấp. Người ta nghe tiếng bà già thì tưởng bà bị nguy kịch về sức khoẻ nên cho xe cứu thương tới. Hương đang quay qua giải thích cho mấy anh nhân viên cứu hộ thì đồng thời có viên cảnh sát người Việt cũng vừa mới tới. Anh cảnh sát nhíu mày:

- Bà này trong năm nay đã gọi 911 bốn lần. Mỗi lần vậy là tốn nhiều tiền của nhà nước lắm cô à. Rồi anh quay qua nhìn bà Phước:

- Bà nha, bà cứ kêu người ta hoài, tới nơi thì bà chẳng bị gì, thì lần sau bà kêu nữa họ không tới đâu.

Đám đông giải tán dần dần, ai về nhà nấy. Hương mới đỡ bà Phước tới ghế ngồi, lấy nước cho bà uống, rồi hỏi chuyện. Bà kể hàng tháng bà ra ngân hàng lãnh $670 tiền già. Mà tháng này bà lãnh xong thì mấy cô ở ngân hàng lừa bà, lấy lại tiền của bà. Hương nghe thấy có vẻ vô lý, bèn kêu chị hàng xóm và anh cảnh sát người Việt tới hỏi. Anh cảnh sát mệt mỏi:

-Cô ơi bà này bả quậy banh cái ngân hàng hồi sáng rồi. Người ta cho bả coi clip từ camera, thấy bả rõ ràng nhận tiền rồi bỏ vô giỏ đi ra. Bả để đâu mất hết giờ bả cứ tìm cách đòi lại.

Bà Phước lườm anh cảnh sát: -Mấy người đóng phim giả mạo để cướp tiền già của tui! Hương vuốt lưng bà: -Thôi bà coi như của đi thay người. Bà lớn tuổi vậy, ngân hàng lại có camera, thì ai dám lừa bà? Chắc bà để đâu rồi quên, lát con giúp bà tìm lại nha!

Anh cảnh sát ngao ngán lắc đầu bỏ đi. Hương đo huyết áp, nhịp tim, nhịp thở... khám tim, phổi, bụng... cho bà. Mọi thứ đều bình thường. Hương lấy cho bà ly nước, khẽ khàng:

- Bà thấy đỡ chưa? Sao bà không gọi cho con của bà trước?

Bà nhìn Hương chừng vài giây rồi thở dài:

- Con gái tui ở tiểu bang khác, tui kêu nó nó cũng đâu có tới được.

Hương tần ngần: - Bà có còn người thân nào khác ở gần không?

Bà Phước bỗng dưng bật khóc:

- Đâu có ai đâu cô, chồng con tui chết hết rồi...

Hương đã nghe và đọc những câu chuyện kiểu này rất nhiều, mà từ khi làm y tá đến thăm tận nhà bệnh nhân, mọi thứ cứ như những thước phim sống động trước mắt Hương. Bao nhiêu bi kịch sau cuộc chiến tranh mà một bên thì nói là nội chiến, một bên thì nhất định bảo là chống xâm lược, nhưng là gì thì cũng chỉ có người dân lành vô tội phải gánh chịu tất cả những nỗi buồn và hệ luỵ.

Bà Phước ngày xưa chắc phải là một mỹ nhân một thời. Bà cao khoảng một mét bảy mươi, chân dài, dáng thon thả, mũi cao, mắt sâu... Nhưng theo lời bà thì “Tui cao quá khó lấy chồng cô ơi”. Nhưng rồi thì bà cũng tới tuổi lấy chồng. Người ta mai mối cho bà một anh lính mũ đỏ, hai người lập gia đình và bà sinh được một người con trai. Những năm tháng đó miền Nam chìm trong binh lửa, vợ chồng bà một năm chỉ được gặp nhau vài lần. Rồi có một lần bà chờ mãi chờ mãi... Người ta gửi hung tin cho bà bằng một mảnh giấy báo tử vô tri vô giác. Bà thảng thốt dắt con chạy ra nơi nhận xác chồng, và rồi bà mất đi một nửa con người từ đó, cứ nhớ nhớ quên quên...

Nhưng hình như tạo hoá vẫn chưa muốn bù trừ cho bà. Cuối tháng tư năm 1975 ai cũng sợ hãi bỏ chạy, bà cũng dắt con chạy từ Vĩnh Long lên Sài Gòn. Trong lúc hỗn loạn nháo nhào, bà bị người ta xô té ngất xỉu. Tỉnh dậy thì không thấy đứa con trai đâu. Bà vật vã khóc lóc van xin. Nhưng trong bối cảnh chạy loạn, chẳng ai để ý tới bà. Từ đó bà không tìm cách chạy nữa mà quay về quê cũ. Bà tiếp tục nghề làm nông nhưng lúc này phải làm cho hợp tác xã nên bà nghèo xác xơ. Việc tìm kiếm con của bà coi như vô vọng vì chẳng ai có thể giúp. Tâm bệnh bà càng thêm nặng. Một ngày nọ, em gái của bà tới nhờ bà nuôi giùm đứa con gái lai Mỹ mới 6 tuổi để cô ấy đi lấy chồng. Bà đặt lại tên, làm lại giấy tờ khai sanh cho con bé để nó được đến trường. Cuộc sống của bà khó khăn chật vật như bao con người khác sau những ngày cuối tháng tư 1975, nhưng có con bé thì bà vui hơn một chút. Bà vừa vất vả mưu sinh, vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa bảo vệ đứa con gái lai luôn bị chọc ghẹo ăn hiếp vì làn da đen bóng và mái tóc xoăn tít sát da đầu. Một ngày nọ, người ta chộn rộn bàn tán về việc những gia đình có con lai Mỹ sẽ được chính phủ Mỹ giúp đỡ cho sang Mỹ định cư. Bà Phước thật sự chẳng muốn đi đâu khỏi cái làng bà đã sống hơn nửa đời người, nhưng bà quyết định phải đi cho con bé được đổi đời, được học hành tử tế, và nhất là không bị chọc ghẹo kỳ thị vì vẻ ngoài khác biệt của nó!

Rồi thì mẹ con bà cũng đặt chân tới nước Mỹ phồn vinh hoa lệ. Những ngày đầu có hội nhóm cộng đồng Việt Nam tại Houston Texas giúp đỡ rất nhiều. Mẹ con bà được cho chỗ ở, cho food stamps để lãnh đồ ăn, và cho thẻ đi khám bệnh miễn phí. Do không biết tiếng Anh và không có bằng cấp, người ta cho bà đến làm ở một nông trại thu hoạch cantaloup (dưa lưới). Bà làm nông quen rồi nên công việc cũng phù hợp, có tiền trang trải cuộc sống, và có nơi ăn chốn ở tử tế nên bà thấy rất thoải mái. Con gái bà qua Mỹ tuổi cỡ 14-15, đi học vài năm thì bỏ học, theo học nghề nails và chuyển sang tiểu bang khác làm ăn và lấy chồng sinh con. Từ đó cô rất ít khi liên lạc với bà, và hầu như không về thăm bà vì công việc quá bận rộn. Bà nghĩ xứ Mỹ này con ruột còn bỏ mình đi, huồng hồ là con nuôi, nên bà cũng không mấy nặng lòng. Tới khi tuổi già ập đến, bà cảm thấy thật mệt mỏi khi ngày ngày phải đội nắng ra ruộng dưa, mà nông trại cũng bắt đầu sử dụng nhiều máy móc hơn cho việc thu hoạch, nên bà xin nghỉ là họ đồng thuận ngay. Bà nhờ cộng đồng giúp đưa bà về ở trong một làng Công Giáo dưới chân freeway 91 của thành phố Houston. Ở đây bà được hưởng đầy đủ phúc lợi của một người già. Ngoài tiền trợ cấp mỗi tháng, bà có dịch vụ hỗ trợ giúp dọn dẹp nhà cửa đến mỗi ngày, và y tá đến khám bệnh mỗi tuần. Bác sỹ chẩn đoán bà bị cao huyết áp, cao mỡ, tiểu đường, và rối loạn lưỡng cực (bipolar) nhẹ. Nhưng bà vẫn có thể sống một mình an toàn.

Cuộc sống khá êm đềm thuận lợi, nhưng càng lúc bà càng thấy cô đơn tù túng vì cứ quanh quẩn mãi trong làng tháng tháng năm năm... Có một lần bà bật bếp gas nấu canh mà quên tắt, thế là đám cháy bùng lên. Người ta đến dập tắt lửa và từ đó cấm không cho bà nấu nướng. Bà đã buồn nay còn buồn hơn. Tiếng Anh của bà học lúc còn ở nông trại chỉ đủ xài khi đi thi quốc tịch, sau đó là bà quên sạch. Thêm cái bệnh rối loạn lưỡng cực khiến bà càng lúc càng ngơ ngác nhớ trước quên sau. Mà nghĩ lúc nào cũng ở trong cộng đồng người Việt nên bà cũng chẳng cần trau dồi. Như cái làng này có mấy trăm người, mà đâu được mấy người nói tiếng Anh, dù đã sống khá nhiều năm ở Mỹ, họ vẫn sống tốt đó thôi.

Trong làng có một cô tên Thanh, trạc tuổi 40, trông khá nhanh nhẹn, biết kha khá tiếng Anh và biết lái xe, được coi như vị cứu tinh của người già cả xóm. Ai có việc gì cần điền giấy tờ, ai không biết lái xe mà cần đi đâu, thì cô giúp với giá cả phải chăng. Từ ngày về làng này ở thì bà Phước đi đâu hay cần gì đều trông cậy vào cô. Đến khi không được tự nấu nướng nữa thì tuần nào bà cũng nhờ cô chở ra chợ Việt Hoa mua đủ thức ăn nấu sẵn ăn cho cả tuần. Mỗi tháng cô đều chở bà ra ngân hàng lãnh tiền già. Nhưng hôm nay cô bỗng dưng trở thành nạn nhân của bà! Tiếng bà Phước lại hét lớn làm Hương giật mình:


- Biểu con Thanh lại đây cho tao! Nó là đứa lấy tiền của tao!

Rồi bà giãy dụa la hét om sòm. Hương vội chạy ra kêu mấy người hàng xóm gọi cô Thanh. Cô Thanh bình tĩnh đi vào:

- Sao nữa đây bà? Tuần trước bà kêu 911 đòi kiện chợ Việt Hoa nấu canh khổ qua làm bà ăn bị tiêu chảy. Tuần này bà lại kêu 911 tố cáo người ta lấy tiền già của bà. Giờ bà kêu con qua có chuyện gì?

- Trả tiền cho tao! Từ nhà băng về đây chỉ có tao với mày trên xe, mày không lấy thì ai lấy?

Bà Phước mặt đanh lại, mắt long lên, gằn giọng từng tiếng. Cô Thanh tỉnh bơ quay qua Hương:

- Cô coi chừng nha, lát nữa bả đổ thừa qua cô à.

Rồi cô bước đi nhẹ tênh ra khỏi nhà bà Phước. Như thể đây là một điều thường xuyên xảy ra. Hương cảm thấy thật bối rối vì bà Phước cứ khóc tu tu, mà chỉ còn 30 phút nữa là Hương phải đi thăm bệnh nhân khác. Hương bèn khẽ khàng:

- Thôi bà để con khám tổng quát một lần nữa coi bà có khoẻ không, rồi bữa khác rảnh con quay lại giúp bà tìm số tiền.

Hương nghe tim, phổi, đo huyết áp xong thì thấy bà Phước cũng nguôi nguôi. Hương đỡ bà vô phòng trong nghỉ ngơi cho yên tâm. Căn phòng ngủ nhỏ xíu chỉ để vừa 1 chiếc giường đơn và cái giá treo quần áo. Nghe nói bà không cho ai bước vào nơi này, không hiểu sao hôm nay bà lại không cản Hương. Như một số người già Việt Nam, bà Phước dù nằm giường nệm vẫn thích trải lên đó một tấm chiếu quê nhà. Hương với tay vuốt tấm chiếu lại cho ngay để bà nằm, thì cảm thấy cái gì lộm cộm bên dưới. Hương lật chiếu lên, hàng trăm tờ giấy hai mươi đô la chen chúc trên tấm nệm khiến Hương thật sự hốt hoảng, vì lỡ bà lại đổ vấy gì cho Hương lúc này thì khổ! Có một xấp tiền còn buộc dây thun nằm trong góc, chắc đây là số tiền già bà mới lãnh về hồi sáng. Còn những tờ tiền kia có lẽ là do bà để dành từ lâu rồi. Linh cảm mách bảo Hương phải giả vờ như không hề thấy gì, nên Hương cất tiếng rụt rè:

- Bà ơi, bà lên đây nằm nghỉ...

Bà Phước tỉnh queo:

- Ừa nhưng mà tiền của tao đâu? tiền già tháng này của tao tụi nó lấy mất rồi huhuhu...

Bà Phước quay về chủ đề cũ và lại khóc tu tu khiến Hương ngao ngán. Hương gọi điện cho người quản lý để xin lời khuyên, nhưng tuyệt đối giấu chuyện đã nhìn thấy số tiền dưới tấm chiếu. Người quản lý nói Hương đưa giấy chứng nhận đã thăm bệnh cho bà Phước ký tên vào, và phải rời nhà bà ngay rồi viết tường trình về mọi việc xảy ra để gửi cho công ty. Sau đó bác sỹ và ban quản trị sẽ tính tiếp và ra quyết định về case của bà. Theo kinh nghiệm và hiểu biết của Hương thì những trường hợp quá già yếu mà còn có vấn đề hơi nặng về thần kinh thì sẽ phải vào nhà dưỡng lão ở, để bảo đảm an toàn cho bản thân và người xung quanh. Mà đối với người già Việt Nam thì vô nursing home chẳng khác nào bị chôn vào nấm mồ khi đang còn sống, tâm bệnh của họ sẽ càng nặng thêm.

Hương nhìn bà Phước vừa khóc vừa ký giấy chứng nhận đã được thăm bệnh mà thấy chạnh lòng. Bước chân Hương nặng trĩu đi ngang qua mảnh vườn nhỏ xác xơ trong ánh nắng trưa gay gắt. Chẳng biết ngày mai bà có nhớ ra được bà đang nằm trên những tờ tiền già của bà hay không! Và chẳng biết ngày mai Hương có dám kể thật về những gì mình đã thấy dưới tấm chiếu đó hay không!

Alena Doan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...