trần hoài thư thời trẻ và bây giờ
Tôi học vỡ lòng với thầy Đệ, thầy rất nhỏ con, đứng đàng xa ai không biết thầy cũng tưởng là một chú bé nào đó. Mẹ tôi dẫn tôi ra đình An Phú và giao tôi cho thầy rồi ra về. Tôi bấu theo gấu áo mẹ và khóc thật to như bị đánh đòn, còn đạp hai chân xuống đất như ăn vạ.
Thầy Đệ ra dắt tôi vào và nói với tôi những lời nhỏ nhẹ. Tôi hết khóc nhưng chẳng học được gì, chỉ ngồi nhìn thầy tập viết cho những bạn học trước tôi. Tôi ngồi nhìn, ve ve túi áo rồi kéo vạt áo lên miệng ngậm. Tôi nhìn chung quanh, toàn là mấy bạn cùng xóm với tôi, cùng từng chăn bò, cắt lá, hốt phân những ngày trước. Bây giờ đang ngồi im lặng nghe thầy Đệ đánh vần từng chữ. Thầy Đệ là người khai tâm tôi nhưng tôi học thầy được có mấy tháng là đến ngày Quốc gia tiếp thu, nên mọi chuyện đều thay đổi.
<!>
Lên trung học, tôi học rất nhiều thầy, cô, vì học từng môn và từng giờ nên mỗi giờ có một giáo sư phụ trách. Tôi có trí nhớ tốt nên nhớ rất lâu những thầy cô đã dạy tôi, dù dạy các môn phụ như âm nhạc, vẽ, Hán văn... chẳng hạn. Nhưng tôi không thân và học trò cưng của một thầy, cô nào cả, vì tôi chỉ học lực khá thôi chứ không giỏi, với lại tính tôi hay rụt rè, nhút nhát nên rất run khi đến gần các thầy, cô.
Người thầy đối với tôi lúc bấy giờ luôn luôn là một hình ảnh đẹp, thường thì các thầy tốt nghiệp các trường sư phạm ra, hay có các văn bằng tú tài 2, các chứng chỉ đại học, nên với quận lỵ nhỏ như quận lỵ Tam Kỳ, các thầy, cô rất có giá. Tôi có lúc, mang hoài vọng là lớn lên sẽ được làm thầy dạy học như các thầy của tôi.
Khi tôi lên lớp đện tam B1, là tôi coi như đi một chặng đường mới, đã lên đệ nhị cấp, nên mọi chuyện đều đổi thay. Như tôi theo ban B nên tôi phải học nhiều về toán, lý hóa rồi phải học thêm sinh ngữ phụ là Anh Văn, cho nên những môn như âm nhạc, công dân giáo dục, Hán văn, tôi thường học khơi khơi, học cho có mà thôi.
Thầy dạy môn Công dân giáo dục lớp đệ tam tụi tôi, thuở đó là một thầy trông còn rất trẻ, người mảnh khảnh với đôi kính cận dày. Tóc thầy, tôi còn nhớ mãi đến bây giờ, sao thầy còn trẻ mà đã có những sợi muối tiêu. Đó là thầy Trần Quý Sách, mới đổi về dạy năm đầu tiên. Môn công dân giáo dục là môn phụ nên tôi cũng không tha thiết lắm, vì vậy, sự thân thiết với thầy tôi cũng giữ ở mức độ bình thường.
Một hôm, tan giờ học, tôi và các bạn ra về, đi ra cổng cùng lượt với thầy. Tôi chào thầy và rụt rè hỏi: Nhà thầy ở gần đây? Thầy trả lời: Nhà thầy trọ gần đây, cũng trên đường Trần Cao Vân này, em đến nhà thầy chơi nghe. Tự nhiên tôi thấy lòng háo hức và cảm động quá khi được một vị thầy muốn mình đến chơi nhà. Tôi dạ và đi theo thầy như bị thôi miên. Phòng thầy ở trọ thật là đơn sơ nhưng rất là nghệ thuật. Tôi thấy trên tường treo những con ngựa cất vó trông thật đẹp, dù chỉ được vẽ với duy nhất một màu đen. Trong căn phòng nhỏ tranh tối tranh sáng của buổi chiều bãi học, tôi trông thấy thầy rất ư là văn nghệ, loại văn nghệ trong mộng ước của tôi, đó là âm nhạc, hội họa và văn chương.
Rồi một hôm tôi mời thầy về quê tôi chơi. Quê tôi ở Quán Rường, cách Tam Kỳ đến 8 cây số, thế mà thầy cũng cùng tôi đạp xe đạp đi về. Trông dáng thầy ốm, mảnh khảnh rướn người lên đạp xe mỗi khi gió ngược chiều. Đến bây giờ, hình dung lại. tôi vẫn còn nhớ như in. Tôi và anh Giảng rất vui khi được thầy về quê cùng tôi. Mẹ tôi là bà mẹ quê chơn chất, khi biết thầy là thầy dạy học của tụi tôi, Mẹ tôi liền làm cơm đãi thầy. Ơi! Bữa cơm có món canh bông lý đã gần bốn mươi năm rồi đến bây giờ tôi vẫn nhớ. Hôm đó thầy nói về Văn Học, Âm Nhạc, thầy nói đến bài "Anh đi chiến dịch" đang được giới trẻ yêu thích lúc đó.
Buổi chiều hôm đó, tôi và anh Giảng không đưa thầy về. Thầy về một mình với chiếc xe đạp cà khổ. Nhìn thầy đạp xe ra đường cái để về Tam Kỳ với những cơn gió ngược chiều như muốn nhấc bổng thầy lên khiến tôi thấy thương thầy hết sức.
Rồi sau đó (1964, 1965) trường Trần Cao Vân cũng trải qua bao cơn biến động, theo những biến cố chính trị của thời cuộc: nào bãi trường, bãi khóa, rồi đấu tranh...Những người bạn cùng lớp có một số nhảy núi, một số bạn đến tuổi phải vào quân đội, cho nên bạn cũng rời xa, thầy cũng rời xa. Thầy Sách đi xa trường lúc nào tôi cũng chẳng hay, hay tôi đã quên bẵng thầy mất rồi, quên như đã quên những vị thấy khác đã từng dạy tôi, cũng lần lượt xa trường xa lớp.
Rất may là tôi tìm được thầy sau này, khi đọc được tên thầy trong những truyện ngắn thầy viết đăng ở các tập san văn học như Bách Khoa, Văn, Khởi Hành. Tôi rất vui mừng khi biết thầy thành công với những tác phẩm văn học trước năm 1975. Thầy đã đi lính, đã vào một đơn vị dữ dằn và thiện chiến của sư đoàn 22 bộ binh, đơn vị thám kích sư đoàn. Tôi có thể nói là một người học trò theo bước chân thầy rất sát, bởi vì tôi cũng mê văn chương và mộng tưởng viết văn. Tôi đi theo bước chân thầy trong những truyện ngắn của thầy viết ra, đi theo từng bước chân hành quân của thầy trên mọi đoạn đường chiên binh. Nhưng tôi vẫn chưa gặp thầy lại một lần nào từ ngày thầy bỏ trường Trần Cao Vân mà đi.
Đến bây giờ đúng là ba mươi bốn năm, tính theo ngày thầy rời trường vào năm 1964. Ba mươi bốn năm với bao vật đổi sao dời, với bao kiếp người trôi giạt oan khiên. Tôi cùng thầy đều vào trại tập trung của cộng sản, nhưng mỗi người mỗi nơi. Rồi thầy vượt biên sang Mỹ. Tôi vui mừng khi được nghe một lần khi còn ở VN, đài BBC trong mục văn học có viết và đọc về thầy. Tôi sung sướng đến hân hoan khi thầy đã đến nơi muốn đến. Nhưngg bây giờ tôi vẫn chưa gặp thầy dù cùng ở nước Mỹ.
Những thầy khác
tôi vẫn còn nhớ với một lòng kính trọng, nhưng có lẽ không ai có tình cảm sâu
xa bằng thầy. Có lẽ ngoài tình thầy trò ra, tôi và thầy còn có cái nghiệp dĩ về
văn chương, chữ nghĩa, hay là cùng một sắc áo lính ngày xưa.
"Thưa thầy, đến bây giờ em hy vọng gặp được thầy một ngày rất gần, em tin như vậy, dù đường tư Cali đến New Jersey cũng xa tít mù khơi".
1997
Trần Yên Hòa
(trích từ Đặc San Trần Cao Vân, 1999)
*
Đến nay tôi đã gặp được thầy 2 lần, tôi đã viết trong một bài khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét